Thầy Lưu Vĩnh Khang mái tóc đã dần bạc. Bao năm “chinh chiến” trong nghề giáo này, cũng được vài lần có học sinh giỏi được giải cấp thành phố, mà cứ lên đến vòng toàn quốc là tạch. Thật ra thì thầy cũng chẳng có gì để ngao ngán. Nhân sinh được như thầy cũng đã coi trọn vẹn. Có thực lực Thạc sĩ, có học trò theo học, có chút tiếng tăm trong thành phố, và tiền thì cũng đã đủ tiêu.
Nếu còn chút gì để mong đợi, thì chỉ có thể là Vương Thành Văn mà thôi. Thằng khốn này 3 năm trước quậy phá hội thi, bị cấm thi 3 năm trời. Cũng may là nó còn trẻ, sau 3 năm cũng mới lên lớp 10 mà thôi. Năm nay dự là thầy sẽ dồn hết gia tài mà cược nó đoạt giải.
Cũng lâu lắm rồi, thầy Khang mới tới trường Kình Ngư. Nếu đúng biên chế thì thầy đã giã từ vũ khí từ lâu rồi, dù được Sở đặc cách cho ở lại làm cố vấn thêm vài năm, thầy cũng không còn bận rộn như trước. Giờ thầy chỉ nhận dăm ba lớp dạy thêm cho đỡ buồn chán, còn phần lớn thời gian là dẫn vợ con đi du lịch. Thầy Khang và lão Khoái đã hợp tác vui vẻ với nhau từ hồi lão còn là hiệu trưởng Kình Ngư, thâm tình không tệ, nên cũng chẳng ai phàn nàn nhiều. Nay có việc ghé qua Kình Ngư, rồi tiện đường tìm gặp Vương Thành Văn, không biết thằng nhỏ này chuẩn bị thi cử tới đâu rồi.
Cũng như mọi lần gặp, thầy lại thấy nó ngồi đọc sách.
- Siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết à? Cuốn này thực sự hiếm người đọc lắm. Chủ yếu chỉ có học trò thầy Mạnh là mới tìm đọc.
Thầy mở lời.
Vương Thành Văn ngẩng đầu lên, chào thầy một tiếng, rồi cất quyển sách sang một bên. Hắn đứng dậy mời thầy ngồi và đi lấy nước.
- Bày vẽ gì, thầy ghé qua chút xíu thôi. Ồ, quyển sách này lâu đời lắm rồi, mà vẫn giữ được nguyên như mới vậy? Em kiếm ở đâu thế?
- Em mượn từ giá sách của mẹ em.
- Mẹ em cũng có quyển sách này sao? Hiếm thật đấy. Mà sao tự dưng lại quan tâm đặc biệt tới Triết học như vậy?
- Thầy còn nhớ cuốn Văn học lý trí thầy cho em ngày xưa chứ?
- Nhớ. Tất nhiên là còn nhớ rồi.
- Thầy đã đọc hết quyển đó rồi chứ?
- Có. Đọc qua 2 lần. Nhưng thấy cũng khó hiểu quá nên về sau cũng không động đến mấy. Nhưng suốt mấy chục năm thầy vẫn mang bên người, vì đó là cuốn sách mà thầy Nguyễn Mạnh tặng thầy.
- 3 năm qua em cũng đã đọc quyển đó đến vài chục lần.
- Thật sao? Vậy em đã lĩnh ngộ được những gì rồi?
- Tạm thời không nói về nội dung cuốn sách đi. Thầy có để ý đến những đoạn ghi chú bằng tay của thầy Mạnh chứ?
- Có. Là mấy nét bút bi ghi chú bên lề đúng không? Tính thầy Mạnh là thế mà. Sách nào in thử là thầy cũng đều rà soát lại kĩ càng để chỉnh sửa cho lần in tiếp theo. Tiếc là quyển đó không bao giờ được in lần 2.
- Vậy thầy có để ý thấy, là trong cuốn sách đó, có một số chỗ không phải là do thầy Mạnh chú thích không?
-!!! Là sao?
Thầy Khang giật mình đứng phắt dậy. Còn Vương Thành Văn cũng nhanh chóng lấy quyển sách ra từ trên giá sách.
- Hôm nọ gặp gỡ Bạch Thế Thắng làm em nhớ ra một thứ. Vì vậy em đã phải về lục lại quyển sách này. - Hắn vừa nói, vừa mở quyển sách ra - Trang 782, nơi đây có một dòng chú thích. Đoạn này này. Cái chỗ ví dụ về nền văn hóa của người Khali. Về siêu hình tình yêu và sự chết. Đoạn vua Kalutami đi tìm người con gái mình yêu, và đối mặt với 7 vầng mặt trời.
- Rồi sao? - Thầy Khang cũng chăm chú nhìn theo.
- Đây có một vết gạch chân, kéo ra một dòng chú thích. “7 mặt trời, có lẽ nào ẩn dụ cho 7 Đại Thư viện”, và 3 dấu hỏi chấm.
- Ừ thầy thấy đoạn này rồi, nhưng cũng đâu có gì đặc biệt? Truyện cổ dân gian thường sẽ xuất hiện ẩn dụ mà.
- Thầy không thấy, dấu gạch chân này rất khác với cách thầy Mạnh vẫn gạch chân sao?
-!!!?
- Đây là sau khi đọc đi đọc lại rất nhiều lần, em mới nhận ra. Khi gạch chân, nét gạch của thầy Mạnh run run, từ tốn, hơi ngoằn nghoèo một chút. Nét gạch này lại vô cùng dứt khoát và mạnh mẽ. Mặc dù những dòng chữ viết phía sau, khó mà phân biệt nổi với chữ thầy Mạnh, nhưng… bút tích này, thầy là chuyên gia về Văn học, thầy có thể nhìn kỹ rồi xác nhận hộ em không?
- Em thấy… - Giọng thầy Khang run run lên - Em thấy số 7 này giống cái gì?
Vương Thành Văn ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt thầy.
- Giống số 7 xăm trên cánh tay của Bạch Thế Thắng. Nếu thầy đã xác nhận, em cũng không còn nghi ngờ gì nữa. Đây là bút tích của Đại Môn Đệ của Phạm Viết Phương, Từ Nghiệp Hoa.
- Không… không thể nào… Từ Nghiệp Hoa… Hắn làm gì có liên hệ gì với thầy Nguyễn Mạnh…?
- Chưa hết đâu. Em nghĩ quyển Văn học lý trí này không chỉ có một bản in thôi đâu.
- Là sao?
- Em không chắc lắm. Chỉ suy đoán vậy thôi. Mà, thầy còn nhớ câu nói ở ngay lúc đầu thầy Mạnh viết chứ: “Bởi vì trong một đêm mưa gió bão bùng, ngồi thắp hương nhớ vợ, ngồi canh nôi cho đứa cháu, cái ta già cả ốm yếu này mới chợt nhận ra.” Đứa cháu gái mà thầy Mạnh nói tới, là ai vậy?
- Cái này, thầy ấy chưa bao giờ kể với thầy…
- Còn trang cuối cùng này, dòng ghi chú cuối cùng này… Sâm La Vạn Tượng. Đây có nghĩa là gì? Ngày trước, chủ khảo Đinh Kiến Châu có nói với em, là tiếc thay thầy Nguyễn Mạnh cả một đời không tìm được truyền nhân, vậy là sao? Tại sao thầy Đinh Kiến Châu lại biết thầy Nguyễn Mạnh? Tại sao Từ Nghiệp Hoa lại có thể chú thích vào quyển sách này? Và thực ra, quyển Văn học lý trí này ra đời với mục đích gì? Và vì sao không ai nhắc gì tới những người nối dõi dòng họ Nguyễn?
- Ắt… xìiiì…!!!
Một tiếng hắt hơi vang lên.
- Mả mẹ nó có gây thù chuốc oán với ai không mà bị người ta nói xấu sau lưng nhỉ?
Nguyễn Bạch nhăn mặt đưa tay bóp mũi.
- Hay là mùa đông tới nên bị cảm lạnh mất rồi? Mà con với chả cái, không ở nhà chăm sóc cha già ốm đau, lại tót đi đâu mất mấy ngày trời. Còn thằng cha nó thì vẫn phải đi làm kiếm tiền đây…
Bên trong cánh gà sân khấu, Nguyễn Bạch vừa lau chùi đồ nghề ảo thuật, vừa lẩm bẩm.
- Cái thằng Bạch Thế Thắng to mồm vậy mà cũng được việc phết. Từ hồi nó thống nhất các băng nhóm Hải Thành lại, là rạp xiếc cũng được yên ổn làm ăn.
Thập Tam, ông chủ rạp xiếc từ đằng sau đi tới, nói một câu, rồi cùng ngồi xuống bên cạnh Nguyễn Bạch. Hai tay ông vẫn co ro rúc vào áo khoác. Trời lạnh, người già cả cũng không dễ chịu gì.
- Hôm nay khách cũng vãn rồi, hai bác vào trong lều uống ngụm nước chè đi, ở đây để cháu dọn dẹp cho.
Một cô gái tầm 25, 26 tuổi, không quá xinh đẹp, nhưng dịu dàng dễ mến, gương mặt hiền từ, lễ phép nói với hai người.
- Bạch Linh, cháu có tốt bụng thì cứ đem hai chén nước chè ra cho bọn bác. Trời lành lạnh thế này, phải ngồi ngoài hiên thưởng trà thì mới thú!
Thập Tam cười khà khà nói với cô gái. Cô gái này vẫn hay giúp việc lặt vặt trong rạp xiếc Thập Tam, nhưng Nguyễn Bạch chưa thật sự bắt chuyện bao giờ, vì cô khá khép kín và ít nói. Chẳng hiểu sao, mấy hôm nay cô nàng hoạt bát hơn hẳn, và yêu đời hơn hẳn thường ngày.
Giờ Nguyễn Bạch mới biết, tên cô là Bạch Linh.
- Từ ngày thằng Thế Thắng trở về, nhìn cháu yêu đời hơn hẳn! - Thập Tam vừa đón lấy cốc nước chè, vừa cười khà khà.
Bạch Linh nghe vậy, nhăn mặt lại ngượng nghịu.
- Bác còn trêu cháu nữa là chốc cháu không giặt áo bông cho bác nữa đâu! Mai tha hồ mà rét nhé?!
Bạch Linh, là thế nào với Bạch Thế Thắng? Cái tên Bạch Linh, sao cứ gợi tới Bạch Linh Đội? Rốt cuộc thì Bạch Linh Đội là ai, và Bạch Thế Thắng đang có mục đích gì? Nguyễn Bạch thầm nghĩ nhiều điều trong đầu, vừa lặng lẽ cầm cốc nước chè lên nhấp một ngụm.
Không phải ngẫu nhiên mà hắn vào rạp xiếc Thập Tam làm việc. Shadow Runner không ai rảnh rỗi làm những chuyện vô nghĩa.