Chân trước của mèo có 4 ngón, chân sau có 5 ngón. Chó cũng vậy, chuột cũng thế. Xương của các động vật vùi dưới hố này, bàn chân trước và sau đều được bó thành từng bó, mỗi bó 4 hoặc 5 cái xương, tức là chân trước và chân sau bó riêng. Có điều một nửa trong số đó, các bó xương chân trước, chỉ có 3 cái xương, đều thiếu một ngón.
Nghe có vẻ quen quen?
Vụ án “chặt ngón tay” hóa ra đã bắt đầu từ nửa thế kỷ trước. Địa điểm là một cái huyệt tối tăm.
Kim Thạc đi theo xe cứu thương, đưa Na Lan vào phòng cấp cứu bệnh viện Phổ Nhân, trưởng ca trực vừa khéo là Chu Trường Lộ. Ông đích thân khám cho Na Lan, rồi cho truyền dung dịch, xong xuôi mới đi ra. Kim Thạc nói, “Kỹ thuật viên của phòng thí nghiệm trinh sát hình sự sẽ nhanh chóng xác định tuổi của các bộ xương động vật ấy. Khi nào bệnh viện cho về, thì cô cứ nghỉ ngơi mấy hôm. Tôi báo kết quả điều tra kịp thời.”
Na Lan hỏi, “Có lẽ tòa nhà bên cạnh sẽ có câu trả lời, nhân khi tôi đang nằm viện, anh có thể cho phép tôi phỏng vấn ‘Thương Hiệt’ Mễ Trị Văn lần nữa không?
Kim Thạc cười nhạt, “Cô cho rằng lão sẽ cung khai à, vâng, hồi nhỏ đôi khi tôi thích hành hạ động vật, sau này lớn lên lại thích tra tấn con người. Hồi nhỏ tôi bẻ ngón tay mèo, chó, sau này tôi chặt ngón tay người… chứ gì? Cô khỏi cần bận tâm, chúng tôi nhất định sẽ thẩm vấn lão đến nơi đến chốn!”
“Nhưng tôi quá sốt ruột, Mễ Trị Văn đưa cho chúng ta chữ thứ hai, đến nay vẫn chưa khám phá ra…”
Kim Thạc đặt tay lên vai Na Lan, nói, “Bạn Na Lan ạ, hiện giờ bạn cần nghỉ ngơi để bình phục thể lực. Chữ này hay chữ nọ chỉ là trò chơi tâm lý do lão già khốn khiếp đó bày ra để bỡn cợt bạn, bạn càng cho là thật thì lão càng đắc ý!”
“Vậy là anh từ chối yêu cầu của tôi.” Na Lan thở dài.
“Chờ khi cô khỏe lại hãy hay.” Giọng Kim Thạc ngụ ý “khỏi cần nhiều lời”. Nói xong anh bước ra khỏi phòng hồi sức cấp cứu.
“Chờ hai chúng ta nói chuyện đã rồi tính sau.” Trần Ngọc Đống lên tiếng.
Na Lan ngạc nhiên, hóa ra từ nãy đến giờ Trần Ngọc Đống vẫn ở trong này! Phòng hồi sức cấp cứu có hơn chục cái giường, người nhà bệnh nhân không ngớt ra vào, chắc ông đã đi lẫn cùng họ. Kim Thạc chỉ mới gặp ông lần đầu, hỏi tỉ mỉ về việc giải cứu Na Lan là xong, chắc không ngờ ông lại theo vào tận đây.
Trần Ngọc Đống bước đến bên giường Na Lan, kéo ghế ngồi xuống, “Tôi nán lại trò chuyện với cháu. Khi nào xuất viện, mời cháu đến nhà tôi chơi.”
Hơn ba tiếng đồng hồ sau, Na Lan được ra viện. Chu Trường Lộ đích thân xem các xét nghiệm và chỉ số sức khỏe, nói rằng Na Lan đã ổn, nhờ kịp thời truyền dịch đã khắc phục được tình trạng mất nước, chỉ số điện giải của cơ thể đã cân bằng. Sau đây chỉ cần tĩnh dưỡng, ăn uống điều độ đúng giờ thì sẽ nhanh chóng bình phục hoàn toàn.
Trần Ngọc Đống hỏi Na Lan, “Cháu định về ký túc xá nghỉ ngơi hay là đến chơi chỗ tôi?”
Na Lan nói ngay, “Đến nhà chú!” Cô tin rằng ông muốn nói với cô nhiều điều liên quan mật thiết đến vụ án.
Trần Ngọc Đống đã trả chiếc Santana cho ông hàng xóm, nên cả hai đi tàu điện ngầm, rồi lên xe buýt. Hai mươi phút sau họ rẽ vào một khu chung cư cũ kỹ lem nhem. Trần Ngọc Đống nói đây vốn là tập thể Bộ Công an, gần đây chuyển sang nhà ở thương mại, một nửa số hộ trong này vẫn là các cán bộ công an có tuổi.”
“Lớp trẻ như Ba Du Sinh thì không gặp may như thế, khi họ bắt đầu ra công tác thì không còn chế độ phân nhà nữa. Chỉ nhận tiền trợ cấp rồi mua nhà thu nhập thấp thì vẫn thua việc phân nhà.” Ông than thở.
Na Lan bật cười, “Lớp trẻ à? Chú biết không, cháu vẫn gọi anh ấy là thầy, và là thầy thứ thiệt đấy!”
“Vụ án thứ nhất mà Ba Du Sinh hợp tác với tôi, là vụ xảy ra ở khu Văn Viên, cách đây 7 năm. Hồi đó anh ta đã có mấy năm kinh nghiệm, nhưng vẫn là anh chàng láu táu, đến giờ thì già sao được?” Giọng ông dịu đi. “Ngay lần đó tôi thấy anh ta ham đi sâu nghiên cứu, tôi đã biết anh chàng này sẽ rất có tiền đồ, ý tôi nói là về mặt trinh sát hình sự chứ không phải việc thăng quan tiến chức.”
Na Lan thừa nhận, “Vâng. Cho đến giờ cháu vẫn không hiểu tại sao anh ấy thình lình bị rút khỏi vụ án ‘ngón tay khăn máu’, thấy nói là để cách ly…”
Trần Ngọc Đống toan nói lại thôi, ông dẫn Na Lan vào hành lang, đi đến căn hộ số 7 tòa nhà 3. “Nhà tôi bề bộn, cháu vào cũng không tiện… nhưng đành vậy, vi tôi cần nói vài điều với cháu.”
Đúng là bề bộn chứ không phải ông nói khiêm tốn. Căn hộ ở tầng trệt, hành lang chất đủ thứ như các tòa nhà cũ vốn thấy, trong nhà càng lộn xộn hơn. Nhưng ngồi một lát, Na Lan lại nhận ra sự ngăn nắp trong hỗn loạn, chẳng qua là nhà chật, mà đồ đạc lại quá nhiều, xếp chật cứng. Chủ yếu là các chồng sách và tư liệu, chủ nhân kẹp mảnh bìa phân loại cho từng chồng, ghi “Mã Vân”, “Tiết Hồng Yến”, “Đường Tĩnh Phương”… đều là nạn nhân trong các vụ án “ngón tay khăn máu”. Đủ 12 người. Ba giá lớn chất đầy sách, dưới sàn cũng la liệt sách. Sách được phân nhóm rõ ràng, chuyên đề trinh sát hình sự, tâm lý học, pháp y, pháp luật, tiểu thuyết trinh thám…
“Nhiều sách quá!” Na Lan trầm trồ.
“Chúng rất hữu dụng, từ khi về hưu tôi lại có nhiều thì giờ để đọc thật kỹ. Tôi vốn là bộ đội chuyển ngành đi học hình sự, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và trực giác chứ ít khi nhờ đến lý luận. Tôi không bằng thế hệ như Ba Du Sinh mới vào nghề đã là cấp trưởng nhóm trưởng ban.” Ông chỉ vào cái ghế đệm da cũ kỹ, bảo cô ngồi, rồi đi pha trà.
Na Lan nói, “Cháu uống nước trắng là được. Cháu chủ yếu muốn nghe cao kiến của chú.”
Trần Ngọc Đống đáp, “Tôi đâu có cao kiến gì, nếu có thì đã phá được vụ án từ lâu.”
“Xem ra, sau khi về hưu chú vẫn không rời ‘ngón tay khăn máu’.”
“Đối với cảnh sát chúng tôi thì đây chỉ là một vụ án, nhưng với người đã khuất và thân nhân của họ, đây là một núi án mạng.” Giọng ông bức xúc xen lẫn tuyệt vọng. “Một núi án mạng không bao giờ khám phá ra được. Nửa đêm chúng bắt ta thức giấc rồi tiếp tục suy nghĩ…”
Na Lan không biết nên an ủi người cảnh sát già như thế nào, chỉ khe khẽ nói, “Chú đã làm hết sức rồi…”
“Cháu thử nói xem, những người bình thường như chúng ta, cả đời liệu làm được mấy việc lớn, việc có ý nghĩa, đáng để con cháu mình và lớp người sau cảm thấy tự hào?”
“Đừng nói là mấy việc, ngay cả một việc cũng rất khó làm rồi.”
“Chứ còn gì!” Trần Ngọc Đống đi đi lại lại trong khoảng trống chật hẹp của căn hộ. “Tôi không lập gia đình, không con cháu, chẳng hám để lại tiếng thơm, nhưng nghĩ đời người mấy chục năm ngắn ngủi, ít ra ta cũng nên làm được một số việc có tính thách thức và ý nghĩa một chút. Tôi là anh công an đã từng phá các vụ án lớn nhỏ, đã hết sức phục vụ nhân dân, chết cũng không có gì ân hận. Nhưng vụ án ‘ngón tay khăn máu’ này khiến tôi buồn nhất, già nửa đời người không lần ra manh mối! Hễ nghĩ đến hung thủ vẫn đang nhởn nhơ bên ngoài tự do hít thở như mọi người, thì tôi lại… cháu biết không… tôi lại có ham muốn mãnh liệt là muốn tóm cổ hắn đưa ra trước pháp luật. Cùng với thời gian, ham muốn ấy càng mạnh thêm. Cháu học về tâm lý, chắc hiểu được tâm trạng ấy của tôi?”
Na Lan cười nói, “Không cần học tâm lý cũng có thể hiểu được. Cuốn sách sự nghiệp công an của chú gắn liền với vụ án ‘ngón tay khăn máu’, đến khi về hưu vẫn viết là ‘hãy đón đọc, còn nữa’. Nếu là người đã dứt đường tơ chẳng bận tâm nữa thì sẽ nghỉ ngơi khỏi mệt óc. Chú không phải con người như thế cho nên chú không thể mặc kệ. Cháu rất hiểu.”
Trần Ngọc Đống gật đầu, “Được! Coi như chúng ta đã gạt bỏ trở ngại đầu tiên. Cháu đã hiểu tại sao tôi về hưu nhưng vẫn tham dự vào, đỡ công tôi phải thanh minh giải thích. Mong cháu thông cảm cho.”
“Vâng. Chú đã có ba mươi năm kinh nghiệm nghiên cứu về vụ án này và hung thủ, chính chú đã là một kho báu rất phong phú.”
Trần Ngọc Đống “hừ “một tiếng, không rõ có phải ông bất mãn với ai đó không. “Ba mươi năm, đúng thế. Nhưng ai mà chẳng có lúc đã phí hoài thời gian. Suốt ngần ấy năm chúng tôi toàn đi đường vòng, nếu không đã chẳng thành ra như thế. Thoạt đầu không có manh mối gì hết, lý luận không chỉ đạo được gì, chủ yếu là nghĩ đến đâu thì làm đến đó. Chúng tôi chưa từng gặp vụ nào vừa quái dị vừa kín kẽ như ‘ngón tay khăn máu’, cả tổ chuyên án đều như lần mò đi trong đêm. Có phát động quần chúng hẳn hoi, họ báo cho biết rất nhiều manh mối nhưng đều chẳng đâu vào đâu, thế là tinh lực của cả tổ bị phân tán. Về sau chúng tôi dần thay đổi sách lược, bắt đầu thu hẹp diện tình nghi và tổ chức giám sát một số người, rồi La Cường sa lưới.” Trần Ngọc Đống tiếp tục đi đi lại lại. “Thực tế chứng minh chúng tôi vẫn ở thế hạ phong, thậm chí ngờ rằng ngay từ khi hung thủ lựa chọn mục tiêu sát hại thì hắn đã an bài để chúng tôi dồn sự chú ý vào La Cường. La Cường chết rồi mà vụ án ‘ngón tay khăn máu’ vẫn xảy ra, làm tôi bàng hoàng, hung thủ thật tinh khôn! Bấy giờ tôi rất muốn biết về tên cao thủ súc sinh ấy, đầu óc tôi toàn miên man, hắn là ai, là kẻ như thế nào?” Trần Ngọc Đống đứng lại, nhìn Na Lan.
Na Lan thấu hiểu trạng thái chuyên tâm ấy, cũng giống như cô “say” Mễ Trị Văn hiện giờ.
Vẻ mặt Trần Ngọc Đống thể hiện rõ “Tôi biết cô đã đoán ra” đoạn nói tiếp, “Tôi bắt đầu đọc rất nhiều sách về tâm lý học tội phạm. Trình độ văn hóa của tôi vốn thấp, có nhiều nội dung khó, nhưng cố gắng miệt mài rồi cũng hiểu ra, muốn đi sâu tìm hiểu về hung thủ này, cách tốt nhất là ‘Suy diễn tâm lý học tội phạm’, điều này tôi không múa rìu qua mắt thợ nữa, chắc cháu hiểu hơn tôi nhiều. Có điều, hiện nay cháu bị đưa vào một tình thế kỳ lạ. Đối tượng của ‘Suy diễn tâm lý học tội phạm’ thường là chưa biết, nó trợ giúp cho công tác phá án, còn cháu đang đối diện với Mễ Trị Văn người thật việc thật với tính cách và các vụ án lão đã gây ra. Cho nên cháu không nghĩ đến ‘Suy diễn tâm lý học tội phạm’ cũng là điều bình thường thôi.”
Na Lan biết, Suy diễn tâm lý học tội phạm là nòng cốt của Tâm lý học tội phạm, là một kỹ thuật hỗ trợ trinh sát hình sự tuy còn phải tranh luận thêm nhưng vẫn đang được áp dụng rộng rãi ở một số nước phương Tây, nhất là đối với dạng vụ án hàng loạt. Chuyên gia tâm lý có trình độ sẽ căn cứ vào hành vi gây án hàng loạt và một số ít manh mối, dùng kiến thức tâm lý học để suy đoán về con người quá khứ và động cơ gây án. Kết quả suy luận sẽ giống như một bức tranh lập thể về hung thủ, phác họa về giới tính, tuổi tác, tầng lớp xã hội, hoàn cảnh sinh trưởng, từ đây thu hẹp diện tình nghi trong đám đông tội phạm. Sau đó, nhờ may mắn cộng với nỗ lực, có khả năng bắt đúng hung thủ.
Trở thành một chuyên gia về Suy diễn tâm lý học tội phạm, hoặc gọi là họa sĩ tâm lý học tội phạm vẫn là niềm mơ ước nghề nghiệp của Na Lan!
“Chú ạ, đúng là cháu đã quên mất việc tận dụng Suy diễn tâm lý học để hiểu vụ án này.” Na Lan thừa nhận, và cô tự hỏi tại sao mình lại quên nhỉ?
“Cũng nên thấy rằng không thể trách gì cháu. Ngay từ đầu cháu đã bị cuốn vào vụ án từa tựa trò chơi này, đố chữ, tìm hài cốt, điều tra về xuất thân… nên rất dễ bỏ qua mục đích thực sự của Mễ Trị Văn khi yêu cầu gặp cháu.”
Na Lan chưa hiểu. “Mục đích thật sự?”
“Tôi có cảm giác trò chơi của lão dành cho cháu không phải là đố chữ hay tìm hài cốt, mà là trò chơi tâm lý, trò chơi giữa tìm hiểu và bị tìm hiệu, giữa thao túng và bị thao túng.”
Na Lan đã hiểu ra, “Chú giữ thể diện cho cháu rồi, vì đã không chế nhạo ‘thảo nào mà cô luôn ở thế hạ phong’.”
“Không đến nỗi là thế hạ phong. Mai kia nhìn lại sẽ thấy đây chỉ là một quá trình.”
“Quá trình này suýt nữa biến thành chung kết. Nếu chú không kịp thời đến cứu thì cháu không thể tiếp tục chơi trò chơi tâm lý với Mễ Trị Văn nữa! Nhưng hiện giờ cháu càng cảm thấy mờ mịt, dù vận dụng Suy diễn tâm lý học để phân tích Mễ Trị Văn thì hình như vẫn không thể giải quyết được vấn đề then chốt, lão có phải hung thủ các vụ án ‘ngón tay khăn máu’ không? Hoặc, phải làm gì thì mới thông qua lão để tìm ra hung thủ?”
Trần Ngọc Đống giơ hai bàn tay lên cao. Na Lan hiểu, chỉ còn cách thử phác họa nguyên hình của Mễ Trị Văn thì mới có được câu trả lời. Trần Ngọc Đống nghĩ ngợi rồi lại nói, “Có phải hung thủ không? Ta nên hiểu rằng Suy diễn tâm lý học tội phạm hiệu quả đến đâu đi nữa cũng chỉ có giá trị gợi ý hoặc đưa ra phương hướng cho trinh sát hình sự chứ không thể phán đoán kết luận. Từ khi nghiên cứu môn học này, tôi từng thỉnh giáo các chuyên gia trong nước, chuyên gia Mỹ, cháu đoán xem họ nói gì? Sau khi suy diễn xong, hầu như ai cũng xác định là La Cường!”
Na Lan hết sức ngạc nhiên, nhưng nghĩ kỹ thì thấy không phải là không có lý. Kết quả Suy diễn tâm lý học tội phạm phác họa ra hung thủ, có thể phù hợp với nhiều đối tượng. “Tức là, chứng minh rằng không phải các chú ngẫu nhiên bắt La Cường, và càng không phải là bắt nhầm?”
Trần Ngọc Đống thở dài, “Nhầm vẫn là nhầm. Tên La Cường đã gây nhiều tội ác, số nó đen nên gặp phải tôi bắt nhầm, lại đúng vào năm có chiến dịch ra quân càn quét tội phạm, nên bị tuyên tử hình nhanh chóng rồi thi hành án ngay, không có cơ hội phúc thẩm hoặc kháng cáo nữa. Nếu nói đời tôi có điều gì khiến tôi chết không thể nhắm mắt thì chính là trường hợp ấy.”
Na Lan an ủi, “Chú đừng nói thế, chú tự làm khó cho mình nhiều quá.” Bỗng cảm thấy bức bối, cô đứng lên, “Mai kia cháu lại xin chú chỉ bảo cho, đặc biệt là cháu muốn xem chú và các chuyên gia đã suy diễn những gì về vụ ‘ngón tay khăn máu’.”
“Được! Trước hết tôi cho cháu biết một nhận định chung của tất cả các chuyên gia.” Trần Ngọc Đống tiễn Na Lan ra, tay ông đặt lên khung cửa. Lúc này cô mới chú ý thấy lưng ông còng, trông già nua hơn nhiều so với tuổi của mình. “Tất cả các chuyên gia đều nhận định rằng, tên hung thủ này chưa gây án đến mức dữ dội kinh khủng thì còn chưa chịu dừng tay. Vụ án ‘ngón tay khăn máu’ sẽ còn tiếp tục.”