Định Viễn Đại Tướng Quân Truyện

Chương 44: Đào Hoa Hạ

Vài ngày sau, vào một buổi chiều, Hiểu Lạc và các cống sinh đang ngồi quây quần bên đống lửa nướng khoai, Phi Nhi ở đâu bỗng chạy lại hô:

- Cứu người!  Cứu người với!

Hiểu Lạc và các cống sinh bật dậy hỏi vồn vập:

- Có chuyện gì?

- Có chuyện gì vậy?

- Sư muội của tiểu nữ! - Phi Nhi vừa nói vừa ôm ngực thở hồng hộc - Sư muội tiểu nữ đã xé mất giấy truy nã tội phạm, bây giờ muội ấy còn đang đánh nhau với đám quân binh trong chợ, nếu họ bắt được, nhất định muội ấy sẽ mất mạng, hu hu!

Phi Nhi nói xong nàng chớp mắt thật nhanh làm hai giọt nước mắt trong mắt nàng rơi xuống, Phi Nhi nâng vạt áo lên lau.

“Giấy truy nã tội phạm gì?”  Các cống sinh nơm nớp nhìn nhau ra ý hỏi, một người nói:

- Cô nương bình tĩnh lại, từ từ kể chúng tôi nghe.

Phi Nhi được quan tâm, càng òa khóc lớn hơn, nàng vừa khóc vừa thổn thức nói:

- Lúc nãy hai tỉ muội bọn tiểu nữ đi chợ mua lương thực để mang lên núi này cho các vị, không dè khi đi ngang cổng chợ, muội muội tiểu nữ đã xé mất giấy cáo thị của triều đình, tờ giấy tìm bắt Giang Nam Thất Hiệp, vì muội ấy vốn ngưỡng mộ vị thất đương gia lắm!

- Ah!

- Lần này nguy rồi!

Các cống sinh ôm đầu.

Phi Nhi vẫn còn khóc nói:

- Đối với hai tỉ muội bọn tiểu nữ, không riêng gì vị thất đương gia mà tất cả các vị Gang Nam đại hiệp ai nấy cũng đều là anh hùng, là hảo hán.

Hồi nãy muội muội tiểu nữ nghe bọn quân binh thốt lời thóa mạ nên mới ra cớ sự như vậy, hic, hic.

Đoạn Phi Nhi túm lấy Hiểu Lạc, lay mạnh đôi vai Hiểu Lạc, sụt sịt thốt:

- Tiểu thần tài, hãy đi nhờ sư phụ của người, đi cứu giùm muội muội ta với, hic.

Ta đã ráng sức rồi, nhưng đánh không lại bọn binh lính, hu hu.

Hiểu Lạc không dám chậm trễ, vội đi tìm Cửu Dương, nó thấy chàng đang đứng bên con suối nhỏ, dưới chân chàng là một thẩu rượu đã được khui ra.

Khi này suối đã ngừng chảy, mặt nước đóng băng, tuyết xuất hiện khắp nơi phủ trắng những ngọn núi cao xa ngút tầm mắt.

Giữa bầu không khí lạnh lẽo với những tàn cây bị bao phủ bởi sương băng cứng, Cửu Dương đưa mắt nhìn một khối sương băng nhọn và trong suốt thòng xuống giữa dòng như chiếc cần câu.

Chàng nhớ ngày xưa có lần chàng và nữ thần y theo Cửu Nạn đi Thiên Sơn, chàng đã cùng nữ thần y ngồi câu cá bên bờ suối giống hệt con suối này, chàng đã ngắm nàng ấy dùng những ngón tay thon mềm thay lược chải làn tóc đen mượt mà.

Cảnh cũ như hiện ra trước mắt đây nhưng nữ thần y đã không còn như xưa nữa, tâm tình nàng đã khác trước.

Cửu Dương thở dài tự nhủ, cho dù bây giờ hai người đi Thiên Sơn cũng sẽ không thể nào ngắm cùng một cảnh với tâm trạng như xưa.

Cửu Dương lại nghĩ tới lời đã hứa với Tần Thiên Nhân, chàng phải nhất nhất làm theo mệnh lệnh của thiếu đà chủ, rời khỏi Hàng Châu, xa Tây hồ, đến Đồng Sơn này.

Hằng ngày, chàng đều lang thang một mình thưởng ngoạn phong cảnh, những tưởng phiền muộn trong lòng chàng vơi đi, ai ngờ sầu lại thêm sầu, nơi danh sơn lẻ bóng lại càng hiu quạnh.

Còn đâu cái giấc mơ thiên hạ thái bình, đuổi được đám người Mãn ra quan ngoại, rồi thành hôn với ý trung nhân trong lòng chàng, hai người sẽ quy ẩn Tây hồ, cùng đám huynh đệ uống rượu, xem hoa?  Cảnh thiên nhiên mênh mông hoang vắng tứ bề càng làm nổi bật nỗi niềm cô đơn trong chàng.

Cửu Dương càng thương nhớ nữ thần y, càng tiếc nuối mối tình đầu không trọn vẹn, càng thấm thía tình cảnh bơ vơ nơi đất khách quê người, chàng càng thấu hiểu tấm lòng chàng đối với nàng ấy sẽ không bao giờ phai nhạt.

Còn đang phiền muộn, Cửu Dương nghe tiếng chân chạy đến gấp rút, rồi tiếng Hiểu Lạc.

Thằng bé lặp lại lời Phi Nhi, xong những tưởng Cửu Dương sẽ thi triển khinh công tức khắc bay đi cứu người, ngờ đâu đập vô mắt nó chỉ có hình ảnh Cửu Dương nhè nhẹ lắc đầu.

Chàng chẳng nảy lòng hào hiệp như thường ngày nó thấy, không định đi cứu cô gái bất hạnh kia!

- Sư phụ! - Hiểu Lạc không nhịn được bật tiếng kêu lớn - Sao người lại tỏ vẻ vô tình như vậy?  Thật là không đúng tính cách của người!

Hiểu Lạc nói rồi mới phát hiện lời này thật vô lễ, nó vội đưa tay vả miệng.

Cửu Dương đặt tay lên vai Hiểu Lạc, Hiểu Lạc thôi không vả miệng nữa.

Cửu Dương vẫn giữ một tay trên vai Hiểu Lạc, người chàng thủng thẳng cúi xuống, cầm lấy thẩu rượu, nâng lên miệng uống gần hết thẩu rượu mới bắt đầu bước đi.

- Đi thôi – Cửu Dương nói.

Hiểu Lạc nghe Cửu Dương chịu đi cứu người, hớn hở chạy lên phía trước dẫn đường.

Nhưng Cửu Dương di chuyển thật chậm rãi.

Hiểu Lạc nóng lòng lắm, nó đứng lại chờ, Cửu Dương xách thẩu rượu tới gần, nó lại chạy lên phía trước, rồi lại đứng lại chờ chàng, xong vọt lên phía trước.

Hai người đi gần tới con đường mòn dẫn vào khu chợ Hồ Lô, Cửu Dương dừng chân, chàng mỉm cười nhớ lại câu nói của Trần Trạch Lâm mỗi khi Trần Trạch Lâm bị Hiểu Lạc giục giã: “Hoàng đế còn chưa gấp, thái giám gấp làm chi?”  Mỗi lần như vậy Hiểu Lạc đáp: “Con không phải hoàng đế, cũng không phải thái giám.

”  Trần Trạch Lâm liền cười lớn nói: “Thái giám thiếu cái đó, nhưng còn đầu óc, còn Hiểu Lạc, không có óc!”

Hiểu Lạc đi đến bên Cửu Dương, kéo cánh tay chàng.

Cửu Dương sực tỉnh, thu tay về lắc đầu:

- Thẩu rượu còn chưa uống cạn mà.

Cửu Dương nói, rồi nâng thẩu rượu lên uống thêm một ngụm, nhủ bụng đứa trẻ này, lúc nào tánh tình của nó cũng hấp tấp, không bao giờ tìm hiểu cho kỹ trước khi làm một việc gì đó, hồng y nữ tử nào có cần ai đi giải cứu giúp nàng đâu.

Hèn gì tên nó là Hiểu… Lạc.

Cửu Dương vừa uống rượu vừa cười thầm với ý nghĩ đó.

Cửu Dương uống gần xong thẩu rượu mới cùng Hiểu Lạc đặt chân lên con đường mòn dẫn đến khu chợ.

Khi hai người đi đến cổng chợ thì thấy ngay cổng có một đám đông đứng chặn cả đường đi, họ đang xem đánh nhau, có nhiều tiếng loảng xoảng, đinh tai nhức óc vang lên hòa với tiếng hét đanh:

- Phản đảng Thiên Địa hội!  Khôn hồn buông tay chịu trói!

Cửu Dương rất cao nên không cần chen vào đứng lẫn lộn trong đám đông hiếu kỳ, chàng vẫn thấy khoảnh chợ tan tành như vừa trải qua một trận giặc, sạp bán hàng, thúng, mẹt, đổ chổng kềnh, rau củ trái cây đồ vật ngổn ngang vương vãi.

Thật ra cũng chẳng phải là vụ đánh nhau gì, Phi Yến hóa trang thành một cô nương với gương mặt hằn những vết sẹo ngang dọc, liên tục vung tay vung chân loạn xạ, ném những thứ nàng tìm được vào nhóm quân binh, khiến cho họ phải liên tục nhảy tránh.

Phi Yến sẵn sàng huy động bất cứ thứ “vũ khí” gì sẵn có trên tay hay trong tầm tay nàng như ngô, khoai, thịt heo, chai, li, bát, đĩa, dao, búa, chân đèn… để tấn công bọn binh lính.

Mấy tên lính lại không phải là hàng cao thủ nên võ công không siêu đến mức có thể tránh né được mọi thứ “phi tiêu tụ tiễn” phóng vèo vèo như mưa về phía chúng.

Tuy nhìn thấy cảnh tượng bọn binh lính nếm qua sự lợi hại của những trận tập kích ồ ạt từ Phi Yến, Hiểu Lạc vẫn lo lắng cho cô gái bé bỏng như một chú chim.

Bụng Hiểu Lạc rối như tơ, nó căng thẳng đến mức mồ hôi trên trán toát ra từng giọt như tắm hơi.

Vậy mà khi nó quay sang, chỉ thấy người mà nó tôn kính không có vẻ gì muốn ra tay cứu cô gái kia, Cửu Dương chỉ thản nhiên đứng bên ngoài vòng người xem đánh nhau.

Hiểu Lạc chen ra khỏi đám đông, trở về bên cạnh Cửu Dương, lay lay cánh tay Cửu Dương.

Chàng giơ ngón tay trỏ lên đưa qua đưa lại.

Hiểu Lạc sực nhớ hôm nọ chàng, Trần Tôn, Nghị Chánh và nó đã đánh nhau với bọn Tứ Xuyên Hào Kiệt, nên không tiện ra mặt.

Bây giờ nó đã hiểu, nó cũng phải làm như không quan tâm Phi Yến, nó phải bày ra một bộ mặt vẻ như ta đây nhàn rỗi, thưởng cảnh chợ búa người qua kẻ lại dập dìu.

Cửu Dương thấy Hiểu Lạc không hiểu ý chàng, khe khẽ lắc đầu.

Phi Yến đánh nhau với bọn quân binh một lúc không thấy Cửu Dương đến cứu nàng thì đẩy một chiếc xe đẩy, dùng toàn sức tông mạnh vào hai tên quân binh, chờ cho bọn chúng té ra đất để vòng vây lộ ra một khoảng to, nàng theo hướng đó mà tháo chạy.

Phi Yến cắm đầu chạy vào rừng.

Nhóm quân binh năm người đương nhiên rượt theo hô hào bắt cô nàng.

Mấy chốc, bọn chúng đã bao vây được Phi Yến.

Hiểu Lạc kéo tay Cửu Dương đi theo bọn quân binh và Phi Yến, thằng bé nấp sau một cội đa già thật to ghé đầu ra nhìn.

- Ra được chưa sư phụ ơi? - Hiểu Lạc vừa dán mắt vào bọn quân binh và Phi Yến vừa hỏi - Bây giờ ít người rồi, sư phụ ra cứu sư cô ấy được chưa?

Cửu Dương đứng sau Hiểu Lạc, chàng biết rõ Phi Yến đang gây chuyện cốt để cho chàng ở ngoài chõ vào can thiệp nên mặc cho Hiểu Lạc giục, vẫn cứ không ra mặt.

Hiểu Lạc thấy Cửu Dương vẫn không có ý muốn xuất hiện, nó xăn tay áo, vụt chạy khỏi chỗ nấp.

- Sư phụ không chịu đi thì để con! – Hiểu Lạc nói.

Cửu Dương giơ tay túm vạt áo kéo nó lại.

- Bọn họ là con gái - Cửu Dương hất đầu về phía Phi Yến nói – Mà dám bôn tẩu giang hồ, võ công hai tỉ muội nhà này không tệ đâu.

- Con không tin – Hiểu Lạc lắc đầu nói - Con thấy sư cô ấy rõ ràng không biết võ công.

Chỉ có tỉ tỉ của sư cô biết võ công.

Hiểu Lạc nói vậy vì nó đã từng chứng kiến cảnh Phi Nhi ném cờ bay veo véo trong trận cờ vây với bạch y công tử, nhưng chưa từng thấy Phi Yến trổ tài đánh đấm ai bao giờ, bất quá, nó chỉ thấy Phi Yến làm vài động tác múa đao khi kể chuyện, mà đường đao của Phi Yến rất chậm, thế mà sư phụ nó cứ khăng khăng nói Phi Yến biết võ.

Hiểu Lạc nghe vậy tức thì giơ tay lên, gãi gãi đầu, động tác quen thuộc của nó mỗi khi bối rối, trong lòng nó chẳng mấy tin lời Cửu Dương.

Nhưng ở đằng kia Phi Yến như đang quyết làm cho Hiểu Lạc tin.

Phi Yến chờ thêm nửa khắc sau, vẫn không thấy Cửu Dương, nàng bèn chạy lại một bụi cây, nhặt khúc tre cắm trong bụi cây ra cầm trong tay.

Khúc tre này trông đã vàng, mà trong khu rừng này lại không có tre, dĩ nhiên do nàng chôn vào bụi cây.

Hiểu Lạc nhìn Phi Yến đang cầm khúc tre lăm lăm trong tay, nhìn Cửu Dương nói:

- Sao sư cô ấy không dùng thân cây nào đó cứng cáp hơn, dùng khúc tre héo vậy nhỡ bị gãy sao?

- Đó không phải khúc tre bình thường – Cửu Dương nói.

- Sư phụ nói sao? – Hiểu Lạc mở to mắt nhìn Phi Yến.

Cửu Dương gật đầu nói:

- Cây nào giết người được thì đó là hung khí.

- Hóa ra đây không phải là một cây tre bình thường mà là một cây kiếm?

Cửu Dương gật đầu.

Lời của Hiểu Lạc cũng gần đúng như vậy, quả nhiên, ống tre kia chỉ là một vỏ đao rỗng, Phi Yến tuốt cặp đao cất trong ống tre ra.

Hiểu Lạc tròn mắt nhìn Phi Yến sử đao, ngoạn mục vô song, thật tình không giống với vẻ yếu đuối tội nghiệp thường ngày nó thấy.

Phi Yến múa tít song đao trên tay, nhanh đến nỗi mặt đao phát ra ánh sáng, hàn khí ép người.

Nàng xuất chiêu nào cũng vô cùng tinh diệu.

Tuy rằng lấy một địch năm, nhưng nàng vẫn công nhiều thủ ít.

Mấy tên lính dần dần không chống đỡ nổi.

Hiểu Lạc đang mừng rỡ thì đột nhiên nó thấy đằng xa có thêm chục bóng người kéo tới, bất giác rùng mình.

Chỉ phân tâm một chút, nó đã mất đi cơ hội thấy Phi Yến dùng cây đao của nàng quét trúng sống kiếm của một tên lính.

Tia lửa bắn ra tứ tung, chỉ với một chiêu Phi Yến đã khiến thanh kiếm của tên lính văng tuốt ra xa, mất hút trong rừng sâu.

Lúc này hai cây giới đao của hai tên lính khác đồng thời công tới hai bên hông Phi Yến.

Nàng phi thân nhảy lên lộn một vòng trên không rồi đáp xuống đất.

“Choảng,” một tiếng điếc tai vang lên, hai món binh khí bằng thép ròng va chạm nhau, tiếng động âm vang cả một vùng sơn cốc, ngân rền hồi lâu chưa dứt.

Phi Yến thành công thoát khỏi tầm đánh của cặp giới đao, vừa chạm đất đã bị một tên lính khác cầm kiếm đâm thẳng vào mặt.

Nhưng mũi kiếm chưa chạm vào Phi Yến, thì nàng bỗng nghe có tiếng xé gió lao tới đánh keng.

Bàn tay cầm kiếm của tên lính chấn động, thân kiếm bị cắt ngọt, hất ra ngoài một trượng.

Tên lính còn chưa hoàn hồn thì một cô gái xuất hiện từ phía sau Phi Yến.

Phi Nhi phóng lên hai bước đứng cạnh Phi Yến.

Khi này hai cô gái đứng cùng một nơi, trước mặt họ là toán quân binh mười mấy người.

Phi Nhi hất đầu một cái với Phi Yến.

Phi Yến hiểu ý, dùng song đao trong tay nàng nhập vào với song đao trong tay Phi Nhi, tạo thành hình như một bông tuyết liên.

Phi Nhi quay mình một vòng phóng bông tuyết liên vun vút bay đi, chém vào những tàn cây chung quanh làm những tảng băng rơi xuống đất nghe ầm ĩ, chấn động cả khoảnh rừng, băng tuyết trên các tàn cây rơi ào ào phủ lấy bọn quân binh.

Hoa tuyết được ném ra từ tay Phi Nhi, sau đó trở về đúng vị trí tay nàng một cách chính xác.

Phi Nhi giơ tay đón lấy, tách mấy thanh đao ra trả cho Phi Yến.

Nét mặt Hiểu Lạc hồ hởi khi nó thấy Phi Nhi và Phi Yến hợp sức đánh thắng bọn binh lính.

Phi Nhi đi vào trận như đi vào chỗ không người.

Hiểu Lạc quay sang hí hửng bảo Cửu Dương:

- Sư phụ nói đúng quá!  Hai người này quả là thần lực!  

Phi Nhi giật khăn che mặt xuống.

- Họ sử chiêu đó – Cửu Dương nói với Hiểu Lạc - Chính là chiêu khởi đầu của Song Hành Đao Pháp, một đao pháp lợi hại của phái Thanh Thành.

Hiểu Lạc gật đầu thưa vâng.

Cửu Dương chờ thêm một chút nữa không thấy bọn quân binh có động tĩnh bên dưới nấm mồ tuyết, mới bước ra đằng sau thân cây nói với Phi Nhi và Phi Yến:

- Hai cô võ nghệ rất cao, không cần bái sư, cũng không cần đến ai trợ giúp cho, những gì ta nói hôm trước coi như chưa từng nghe qua, vậy nhé!

Phi Yến và Phi Nhi nghe Cửu Dương bảo không cho hai nàng theo chàng, lia mắt nhìn nhau than thầm.

Cửu Dương thêm lời:

- Hai cô cho ta gởi lời hỏi thăm Lộ tiền bối.

Xin chào!

Cửu Dương dứt lời, chàng xách thẩu rượu quay mình bước đi.

- Này!  Này! - Phi Yến gọi với theo Cửu Dương.

- Huynh khoan hãy đi! - Phi Nhi cũng chạy theo gọi Cửu Dương ơi ới.

Hiểu Lạc cũng chạy theo phía sau ba người.

Lúc nãy nó nghe Cửu Dương nhắc tới phái Thanh Thành, rồi nói với cặp tỉ muội song sinh cho gởi lời hỏi thăm Lộ Thần, mặt nó nghệch ra.

Sau cùng nó cũng xâu chuỗi lại được những sự việc đã xảy ra trong vòng những ngày qua.

Thằng bé vừa chạy vừa nhìn theo cặp song đao của Phi Yến và Phi Nhi, nhủ bụng: “Thì ra họ là đôi nữ tặc khét tiếng chuyên cướp giàu tế bần đã nổi danh mấy năm nay hoạt động trong vùng Thiểm Tây.

Giang hồ đặt cho cái tên Song Lộ Phi Nương.

”  Hai vị song hào tới Tứ Xuyên, đụng độ với bọn Tứ Xuyên Hào Kiệt.

Hôm đó nếu sư phụ nó không ra tay bốn người Tứ Xuyên Hào Kiệt cũng no đòn bởi họ.

Không lẽ sư phụ nó đã sớm phát hiện, nên mới thủng thỉnh chờ cho tàn cuộc mới bước ra “lật tẩy” họ?

“A!”  Hiểu Lạc vỗ đùi đánh đét một tiếng.

“Phải rồi há!”  Nó nhủ bụng, hai người đó là người thân của Lộ Thần, mà Lộ Thần lại là bạn tâm giao của Cửu Nạn, nên họ mới thông hiểu về võ nghệ của các đương gia như vậy, thông hiểu đến từng chi tiết trong cuộc tỉ võ của Giang Nam Thất Hiệp.

Lúc này Phi Nhi và Phi Yến vẫn còn chạy theo Cửu Dương.

Hiểu Lạc bắt kịp ba người, nhìn Phi Yến hỏi:

- Vậy ra hai sư cô đây chính là Song Lộ Phi Nương.

Mà hai người giống nhau y như được một khuôn đúc ra làm sao phân biệt được ai là ai?

Phi Yến nhìn Cửu Dương, đáp lời Hiểu Lạc:

- Muội tên Phi Yến, đuôi mắt phải có một nốt ruồi đen hình cánh én, tỉ ấy không có nốt ruồi tên Phi Nhi.

Phi Nhi nhìn Cửu Dương, gật đầu:

- Thất đương gia, bọn muội muốn học chưởng pháp Chiết Kỷ Tọa của thất đương gia.

- Biết thân phận của ta khi nào? - Cửu Dương hỏi Phi Nhi, chân vẫn không hề chậm lại.

- Trong giang hồ có gì mà hai muội không biết chứ?

Phi Nhi cười nói.

Nàng và Phi Yến đã nghe về chàng từ rất lâu rồi, trong giang hồ hay đồn thổi về chàng, Lộ Thần cũng hay kể về chàng, đối với Phi Yến và nàng, chàng chính là huyền thoại!

- Huynh đừng sợ? - Phi Yến đặt tay lên ngực Cửu Dương vuốt một cái nói - Hai muội sẽ không nói cho ai biết thân phận của huynh đâu, vì lòng của hai muội ở đây, vĩnh viễn huynh không việc gì phải sợ.

Phi Nhi gật đầu phụ họa:

- Thất đương gia, huynh là đại hiệp trứ danh ở vùng Giang Nam, xưa nay vẫn cướp giàu tế bần, hai muội chính là học theo huynh.

- Cô nương đã quá khen - Cửu Dương nói - So với Lộ tiền bối tại hạ có đáng gì?  Tiền bối biết nhiều về các cao thủ võ lâm, từng chiêu thức, từng trận tỉ thí, kiêm xuất thân của họ, âu chỉ có tiền bối mới biết rõ như vậy.

- Bây giờ huynh đã biết bọn muội là ai rồi – Phi Nhi nói - Huynh có thể tin tưởng, cho hai muội theo huynh, dạy bọn muội võ công tuyệt đỉnh của huynh không?

Cửu Dương định nói không được, nhưng rồi chàng chợt nổi tính tò mò muốn xem khinh công của hai nàng cao đến mức nào?  Chàng trầm ngâm một lúc, nói:

- Theo được ta rồi hãy nói đến chuyện luyện võ.

Với bộ pháp lẹ làng, Cửu Dương đạp gió chạy một mạch luôn mấy dặm đường, chân chàng chẳng hề chạm đất.

Hai cô gái biết rằng võ công Cửu Dương rất đỉnh, họ vận dụng hết công phu luyện tập mười mấy năm quyết tâm bám sát theo chàng.

Hiểu Lạc cũng chạy theo ba người, nhưng được một lúc thì nó đã cảm thấy hơi thở khá dồn dập, mồ hôi rịn chảy ra.

Một hồi sau Cửu Dương dừng lại trên một thân cây bị tiều phu đốn thành cái cọc cao khoảng một thước hơn, hỏi Phi Nhi:

- Khinh công của cô nương, tập được bao lâu rồi?

Hai cô gái cũng đứng trên hai cái cọc kế bên Cửu Dương, Phi Nhi đáp:

- Từ khi năm tuổi, được mười ba năm rồi.

Phi Yến khoe:

- Là hai muội tự tập Khoái Mã Bộ đó nha!  Chứ Lộ thúc thúc cũng không có chỉ cho!

- Tại sao Lộ tiền bối không dạy các cô? – Cửu Dương hỏi.

Phi Nhi nói:

- Thật ra Lộ thúc thúc có dạy bọn muội, nhưng chỉ là những bài đầu, thúc ấy hay đi đó đây để gặp các nhân vật trong võ lâm để mà biên Binh Khí Phổ nên bọn muội tự vào thư các của Thanh Thành lật sách ra mà học.

- Vậy con còn tưởng Lộ tiền bối không thích con gái sử dụng tay chân nên không dạy cho hai sư cô chứ.

Hiểu Lạc nói.

Phi Yến lắc đầu.

Cửu Dương khẽ mỉm cười.

Khoái Mã Bộ của hai người này rất khá.

Hồi sư phụ chàng Giác Viễn chưa viên tịch, oai danh của Lộ Thần cũng đã chấn động võ lâm Trung Nguyên, võ công của ông được liệt vào hàng cao thủ.

Từ khi Lộ Thần theo đuổi sở thích viết Binh Khí Phổ trong giang hồ không còn ai biết khinh công Khoái Mã Bộ nữa.

Nhắc đến Lộ Thần, thân thế cũng rất hiển hách.

Lộ Thần sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo Nho.

Cha của ông là một người học cao, thích học thuyết Lão Trang.

Ông nội từng làm tới chức thái sử lệnh của nhà Minh.

Từ nhỏ, Lộ Thần đã được học nhiều sách văn học và sử học.

Lên mười tuổi, ông đã học Tả truyện, Quốc ngữ, Thế bản và thuộc lòng hầu hết những bài văn nổi tiếng của thời trước.

Ông từng giúp nhà Nho học nổi tiếng thời Minh là Hoàng Tông Hy biên soạn cuốn học án Tống Nguyên.

Lộ Thần hành văn bằng lối chân thực, giản dị, chú trọng sự thật, không trau chuốt.

Lộ Thần không có con cái, một lòng xuất gia trở thành đạo nhân phái Thanh Thành.

Sau khi soạn xong Tống Nguyên học án, Lộ Thần rời khỏi Thanh Thành, đi khắp nơi thu thập thông tin của những hảo thủ trong giang hồ để viết Binh Khí Phổ, rồi một thời gian tiếp đó bẵng đi hành tung, mất tích hẳn trên giang hồ.

Cửu Dương nhìn Phi Yến và Phi Nhi, không ngờ hai nàng không được Lộ Thần dạy cho khinh công mà lại có thể đeo theo chàng không suýt một giây, bật tiếng khen:

- Tốt!  Hai cô thật là nhân tài hiếm có!  Theo ta!

Cửu Dương nói, sau đó chàng lại thi triển khinh công tiếp tục phóng đi.

Phi Yến và Phi Nhi cố gắng bám theo Cửu Dương, nhìn thật kỹ, thấy bàn chân chàng đặt ở chỗ nào là bọn họ đặt chân đúng ngay chỗ đó, lấy đó làm điểm tựa phóng theo.

Thân pháp của Cửu Dương vừa đẹp mắt vừa nhanh, tay chàng cầm thẩu rượu, áo phất phơ bay, rượu không đổ ra ngoài dầu một giọt.

Trình độ này quả là trên đời không dễ có mấy người đạt được.

Lần này Cửu Dương nhảy cũng cao hơn khi nãy, chàng vừa triển khai khinh công vừa nói:

- Nhìn kỹ chân ta, khoái bộ khi đạp gió.

- Dạ! - Hai cô gái cùng nói.

Phi Yến chạy một lúc bỗng không thấy Phi Nhi chạy bên cũng không thấy Phi Nhi vượt qua khỏi nàng, bèn quay đầu liếc ra sau tìm.

Phi Yến thấy tỉ tỉ nàng vừa chạy vừa lui cui làm gì nàng không rõ.

Phi Yến cũng không muốn dừng lại hay giảm tốc độ để xem cho rõ vì như thế sẽ mất đà cho bước tiếp theo.

Phi Yến chỉ đành bám theo Cửu Dương.

Cửu Dương đi đến bìa rừng, đứng dưới một tàn cây chờ.

Phi Yến chỉ còn một bước nữa là đến nơi mức đến, có thể hội ngộ Cửu Dương, nàng hít một hơi, nhún mình, định nhảy bước cuối cùng thì thấp thoáng một bóng người lướt qua nàng.

Bóng người đó đáp xuống cạnh Cửu Dương, cùng Cửu Dương đứng đón đầu nàng.

Phi Yến tròn mắt không biết Phi Nhi làm cách nào mà có thể vượt qua được nàng đến bìa rừng?

Phi Yến sực thấy trên tay Phi Nhi cầm hai cái cọc, vỡ lẽ, thì ra Phi Nhi vừa chạy vừa nhổ hai cái cọc lên để làm đòn bẩy nên có thể vượt qua nàng.

Cửu Dương cũng nhìn thấy hai cái cọc trong tay Phi Nhi, cảm thấy Phi Nhi thú vị, chàng bật tiếng cười sảng khoái nhìn Phi Nhi nói:

- Tốt!  Bám theo dính theo rất tốt, hai cô đúng là hai nhân tài để luyện khinh công!

Phi Yến và Phi Nhi rất muốn học khinh công Phi Thiềm Tẩu Bích của Thiếu Lâm, nghe Cửu Dương nói thế, ôm quyền vái chàng một cái nói:

- Xin thất đương gia hãy thu nhận bọn muội và chỉ dạy khinh công Phi Thiềm Tẩu Bích của Thiếu Lâm!

Hai người nói tới đây, Hiểu Lạc mới tới bìa rừng hội tụ cùng mọi người.

Hiểu Lạc còn nhỏ tuổi, lại chưa được chính thức bái Cửu Dương làm sư phụ và học Phi Thiềm Tẩu Bích, đương nhiên chạy không được nhanh bằng ba người “lớn tuổi” hơn, khi này, nó vừa bước lại gần Cửu Dương vừa ôm ngực thở, nói:

- Phù!  Phù!  Sư phụ ơi, người thâu nhận hai sư cô ấy đi.

Cửu Dương không trả lời Hiểu Lạc, chàng nghĩ bụng, một mình Hiểu Lạc, muốn bái chàng làm sư phụ, chàng cứ lần lữa mãi, không phải chàng muốn giấu nghề hay làm khó cho ai, mà trong hội có rất nhiều việc Cửu Nạn giao phó cho, mấy ngày ở trên Đồng Sơn, chàng định dạy nó võ công, nhưng lại nhận được tin phải đi gặp một người tên Nghiêm Hồng Đạt.

Bây giờ nó muốn chàng nhận hai đồ đệ nữa, mà dạy nữ đồ đệ phải tốn rất nhiều tâm tư.

Cửu Dương im lặng lắc đầu, chàng xoay mình đi về phía khu trại của các cống sinh.

Lúc này trời đã về đêm, những hang động bị gió thổi qua phát ra âm thanh nghe như tiếng hú nghe âm u rùng rợn.

Phi Yến và Phi Nhi đeo theo năn nỉ.

Cửu Dương nhìn thẳng ra trước mặt nói:

- Hai cô là đồ đệ phái Thanh Thành, lại là cháu gái của Lộ tiên sinh, người có khinh công không nhất cũng nhì trong võ lâm, sao ta dám nhận hai cô làm đồ đệ để truyền thụ võ công Thiếu Lâm cho chứ?

Phi Yến và Phi Nhi đang đi hai bên Cửu Dương, vòng lên trước mặt chàng quỳ xuống nói:

- Lộ thúc thúc hay kể với bọn muội chuyện của huynh, có lần, bọn muội nói với ông bọn muội rất ngưỡng mộ huynh, nếu gặp sẽ bái huynh làm sư, ông cười rất vui.

Nay bọn muội gặp huynh, xin sư phụ hãy nhận đệ tử đi!

Cửu Dương bị buộc đứng lại, cúi xuống đỡ tay hai cô gái đứng lên.

- Hai cô đứng dậy đi - Cửu Dương nói - Đừng quỳ ta không dám nhận đại lễ.

Võ nghệ của phái Thiếu Lâm và Thanh Thành vốn liên quan chặt chẽ với nhau, các chiêu thức có thể bổ sung cho nhau.

Khinh công Phi Thiềm Tẩu Bích sử dụng chân phải làm bàn đạp trong khi Khoái Mã Bộ sử dụng chân trái để lấy đà tiến tới, nếu có thể hòa hợp Phi Thiềm Tẩu Bích và Khoái Mã Bộ sẽ hoàn hảo môn công phu này.

Nhưng, muốn hợp hai loại khinh công lại với nhau thật không dễ dàng, vấn đề bây giờ không phải là ta chịu dạy hay không mà là hai cô có thể chịu được cực khổ không?  

Phi Yến và Phi Nhi không cần suy nghĩ, nói ngay:

- Đệ tử chịu được cực khổ!

Cửu Dương nói:

- Được rồi, nhưng ta không dám ngồi ngang hàng Lộ tiền bối, không dám nhận lễ của hai cô.

Xin hai cô đừng tiếp tục xưng đệ tử với ta.

Ta sẽ thuật lại hết những gì ta biết về Phi Thiềm Tẩu Bích cho hai cô.

Ngộ tính của hai cô về khinh công rất cao, học võ công bản phái chắc chắn sẽ tiếp thu rất nhanh.

Chỉ có điều…

Cửu Dương nói đến đây, chàng bỗng dừng lại.

Phi Yến vội vã nói:

- Huynh không phải lo, bọn muội nhất định sẽ không làm biếng bỏ học giữa chừng đâu.

Cửu Dương lắc đầu:

- Ta không phải e ngại việc này, các cô bỏ học giữa chừng, không theo nữa là quyền của các cô, chỉ là, các cô phải hứa giữ nghiêm những giới điều của sư môn, hai cô có dám hứa không?

Phi Nhi định nói: “Bọn muội không dám cãi thất gia điều gì đâu” nhưng Phi Nhi không biết nếu nàng làm trái giới điều sẽ nhận kết cuộc gì, hỏi chàng.

Cửu Dương đáp:

- Nếu các cô hứa không đem võ học của Thiếu Lâm đi làm chuyện gạt người ta, ta sẽ chỉ cho hai cô, nhưng nếu sau này hai cô sử dụng võ công của ta truyền cho để làm điều thương thiên hại lý thì ta sẽ lấy mạng dễ như trở bàn tay.

Phi Nhi nghe Cửu Dương nói bằng giọng vô cùng nghiêm khắc, nàng hoảng sợ đến mức không dám nói gì nữa.

Chỉ có Phi Yến là mỉm cười nói:

- Huynh không nỡ đâu, muội và tỉ tỉ xinh đẹp như vậy, cho dù mai này có làm chuyện xằng bậy làm sao huynh nỡ giết?

Cửu Dương không cười.

Phi Nhi nói:

- Bọn muội sẽ ngoan, bọn muội hứa với huynh sẽ không làm điều gì trái với tông chỉ Thiếu Lâm!

Cửu Dương gật đầu.

- Sau này cũng đừng gọi ta là thất gia – Chàng nói - Ta không muốn gây sự chú ý với bọn người nha môn, mục đích chúng ta đến Đồng Sơn là để tìm đồng, hai người phải nhớ kỹ điều này.

- Dạ.

Phi Yến và Phi Nhi đồng thanh nói.

Thế là bắt đầu từ hôm đó, Cửu Dương dạy cho Phi Yến và Phi Nhi võ công nhập môn của phái Thiếu Lâm, phương pháp điều thần luyện khí.

Bắt đầu từ nội công là khí huyết, nội khí, kinh mạch.

Rồi tới ngoại công là Thiết Tý Chuyên, Tam Thập Nhị Thế Thần Quyền.

Vừa rèn luyện tinh thần vừa luyện tập sức lực.

Sau đó, chàng mới dạy hai nàng luyện những công phu cơ bản về khinh công.

Hai cô gái, nhất là Phi Nhi, vừa siêng năng vừa thông minh nên tiến bộ cực nhanh.

(còn tiếp).