Kiếp Sống Giới Giải Trí Của Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 21: Sao chép kinh thư

Edit: Cơ Hoàng

Bà Từ nấu ăn rất nhanh, chưa đến nửa giờ sau, tất cả đồ ăn đều đã được làm xong. Ngô ngọt xào hạt thông, đầu sư tử om, sốt gà luộc khô, nấm hương xào, lại có một nồi canh tam tiên, vừa phong phú vừa dinh dưỡng, mùi hương xông thẳng vào mũi Lâm Bạch Dư.

Lâm Bạch Dư hít hà, nói: “Đồ ăn bà Từ làm lúc nào cũng thơm như vậy.”

Bà Từ vui vẻ đơm một bát cơm cho Lâm Bạch Dư: “Thơm thì con ăn nhiều một chút.”

“Vâng!” Lâm Bạch Dư dùng chiếc đũa gắp một cái nấm hương lên, đưa vào miệng từ từ thưởng thức.

Bà Từ là người Hoài Dương, làm đồ ăn Hoài Dương cực kỳ đúng vị. Tuy rằng Lâm Bạch Dư sống cùng bà ngoại nên khá kén ăn, nhưng nàng vẫn rất thích ăn món ăn Hoài Dương do bà Từ làm.

Bà Từ ăn không nhiều lắm, nhưng lại không ngừng gắp đồ ăn cho Lâm Bạch Dư và Lưu Tử Đống. Lâm Bạch Dư cảm nhớ ý tốt của bà Từ, nên đã ăn hơi nhiều từ lúc nào không biết. Nàng chỉ ăn no chín phần, buổi tối không nên ăn quá no. Về đến nhà, nàng mới vừa pha cho mình một ly nước sơn tra thì chuông điện thoại đã vang lên. Trước khi bấm máy Lâm Bạch Dư còn suy đoán không biết là ai đang gọi điện cho nàng: Là Chu Dĩnh sao? Hay là Trương Du Sâm hoặc Chu Tiêu mới có số điện thoại của nàng?

Đáp án đều không đúng, người gọi điện thoại tới chính là bạn nhỏ Trương Đồng từ lúc cầm được bản nhạc "Sổ tay tu luyện thanh xuân" liền biến mất kia.

“Chị Bạch Dư, tiết mục của bọn em xuất sắc lắm, chắc chắn có thể nổi bật trong tiệ chúc mừng Tết Âm Lịch lần này.” Giọng nói vui vẻ của Trương Đồng truyền ra từ điện thoại. Lâm Bạch Dư có thể tưởng tượng ra dáng vẻ vừa gọi điện thoại vừa quơ chân múa tay của cô bé.

“Các em tập luyện xong rồi hả?”

“Vâng, bọn em sắp biểu diễn, đương nhiên là phải luyện tập xong rồi!” Trương Đồng lớn tiếng nói, “Tối ngày mai trường em sẽ tổ chức tiệc liên hoan Tết Âm Lịch, chị Bạch Dư, chị cũng đến đây đi, tận mắt nhìn thấy tác phẩm của mình được biểu diễn có hiệu quả thế nào.”

“Đã nói đấy không phải tác phẩm của chị, mà là tác phẩm của bạn chị.” Lâm Bạch Dư lại nhấn mạnh một lần nữa.

“Vâng, vâng, vâng, là tác phẩm của bạn chị.” Trương Đồng đáp lời cho có lệ, “Bạch Dư tỷ, chị sẽ tới chứ?”

“Không, chị không đi được.” Trường học tổ chức yến hội, trừ các học sinh ra, phụ huynh học sinh sẽ tham gia, tức là bố mẹ của Trương Đồng cũng sẽ đến. Lâm Bạch Dư chỉ thân thiết với Trương Đồng, còn quan hệ với người nhà họ Tôn lại không tốt, mà quan hệ của nàng với bố mẹ Trương Đồng thì giống như người xa lạ vậy. Nàng không muốn sau khi mình đến, nhìn thấy bố mẹ Trương Đồng sẽ xấu hổ. Hơn nữa nàng cũng đã xem màn biểu diễn chuyên nghiệp thật rồi, còn xem bản sao làm gì nữa? Chắc chắn chất lượng sẽ không bằng ba chàng đẹp trai biểu diễn trên đài truyền hình quốc gia rồi.

“Bạch Dư tỷ...” Trương Đồng còn định làm nũng, nhưng câu nói tiếp theo của Lâm Bạch Dư khiến cô bé không thể dừng chuyện này lại.

“Đồng Đồng, em muốn bố mẹ em nhìn thấy chị bị xấu hổ sao?”

Cúp điện thoại, Lâm Bạch Dư uống một ngụm nước sơn tra, lấy văn phòng tứ bảo mà Trương Du Sâm tặng cho nàng ra. Trương Du Sâm tặng nàng một thỏi mực thể rắn, nàng chỉ cần rót một chút nước vào nghiên mực, sau đó đặt thỏi mực vào nghiên và mài là được. Không lâu sau, nước trong nghiên đã biến thành mực nước. Tuy là chất lượng của mực nước không tốt bằng ở cổ đại, nhưng cũng tốt hơn nhiều lần so với mực nước mà nàng sử dụng lúc trước. Lâm Bạch Du cầm bút lông chấm mực nước, dùng kiểu chữ trâm hoa nhỏ viết lên giấy Tuyên Thành đã được trải phẳng: “Ta nghe như thế này: Một thuở nọ, tại cung Trời Đao Lợi, Đức Phật vì Thánh Mẫu mà thuyết pháp:

Lúc đó, bất khả thuyết bất khả thuyết tất cả chư Phật và đại Bồ Tát trong vô lượng thế giới ở mười phương đều đến hội họp, rồi đồng khen ngợi rằng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có thể ở trong đời ác ngũ trược mà hiện sức "đại trí huệ thần thông chẳng thể nghĩ bàn" để điều phục chúng sinh cang cường làm cho chúng nó rõ "pháp khổ pháp vui".

Khen xong, chư Phật đều sai thị giả kính thăm đức Thế Tôn...”

Đây là "Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện". Bây giờ đã là cuối năm, Lâm Bạch Dư chuẩn bị sau hai ngày nữa sẽ hoá vàng mã và kinh văn mà nàng tự tay viết cho bà ngoại. Nàng vốn có dự định ngày mai sẽ đi mua chút giấy Tuyên Thành tốt một chút, nhưng bây giờ đã có văn phòng tứ bảo mà Trương Du Sâm tặng, Lâm Bạch Dư cũng bớt được chút phiền toái.

Dưới sự ảnh hưởng của Liễu ma ma, Lâm Bạch Dư cũng có chút nghiên cứu đối với kinh Phật, một vài bài kinh Phật bình thường nàng cũng đã ghi nhớ trong đầu. Lúc này, dù không cần xem lại nguyên văn, nàng cũng có thể chép được ra. Chép càng nhiều kinh văn, tâm của Lâm Bạch Dư cũng càng ngày càng tĩnh. Tất cả sự nóng nảy mà nàng đã phải trải qua trong khoảng thời gian này cũng lắng đọng lại. Nếu có người tới chơi lúc này, chắc chắn sẽ phát hiện đôi mắt Lâm Bạch Dư bình tĩnh giống như một mặt gương, lại giống như một cái hồ sâu, sạch sẽ nhưng lại không thể nhìn thấy đáy.

Kinh văn của "Kinh Địa Tạng Bồ Tát bổn nguyện" rất dài, tuy tốc độ viết của Lâm Bạch Dư không chậm, nhưng cũng phải đến 10 giờ rưỡi đêm mới viết xong toàn bộ. Lúc nàng rửa mặt xong lên giường ngủ đã 11 giờ đêm, thế nên khi nàng tỉnh lại ở Đại Vệ triều cũng không còn sớm.

“Hôm nay tiểu thư ngủ thật say.” Liễu Nguyệt, Dịch Kỳ bưng dụng cụ rửa mặt và bữa sáng bước vào cùng nhau. Bữa sáng là Liễu ma ma làm ở phòng bếp nhỏ, tuy hình thức không phong phú như của phòng bếp lớn, nhưng được cái là món ăn đều nóng hôi hổi và mới mẻ.

Lâm Bạch Dư chỉ cười không nói, hai người họ cũng không nói thêm gì. Dù sao thì bây giờ nàng cũng không cần phải đi học, cũng không cần thỉnh an Lâm phu nhân nữa, muốn ngủ bao lâu cũng được.

Sau khi Lâm Bạch Quyên bị nhốt lại, Phùng Hi Xuân tự nói không có gì để dạy dỗ các thiên kim hầu phủ nữa nên đã xin Lâm phu nhân cho từ chức tiên sinh, dẫn theo tiểu nha hoàn rời đi. Sau này Liễu Nguyệt nghe tin Phùng tiên sinh được một gia đình quý tộc khác mời đến dạy hai cô bé khoảng tám chín tuổi của nhà họ.

Ăn sáng xong, Lâm Bạch Dư sai Dịch Kỳ chuẩn bị bút mực, tiếp tục sao chép kinh thư. Sau khi viết xong chỗ kinh thư này, nàng sẽ đưa đến trước Phật cầu phúc cho bà ngoại, hy vọng bà ngoại sẽ chuyển thế đầu thai vào một gia đình tốt, hạnh phúc viên mãn, cả đời không phải lo lắng điều gì.

Viết hết một canh giờ, Lâm Bạch Dư buông bút, đang định nghỉ ngơi trong chốc lát thì Vương ma ma, quản sự bên người Lâm phu nhân mang theo một đám tiểu nha hoàn đi vào sân.

“Lão nô tham kiến nhị tiểu thư.” Vương ma ma chỉ nhún người nhẹ. Thân là người bên cạnh phu nhân đương gia của hầu phủ, bà ta nắm chắc được thái độ khinh thường Lâm Bạch Dư. Bà ta cho rằng nhị tiểu thư con vợ lẽ không được coi trọng như Lâm Bạch Dư sẽ không dám đắc tội với mình.

Sự thật đúng là như thế. Lâm Bạch Dư không so đo việc Vương ma ma thất lễ, chỉ lạnh nhạt hỏi: “Mẫu thân có chuyện gì sao?”

Vương ma ma hơi không hài lòng về thái độ của Lâm Bạch Dư, một thứ nữ không có chỗ dựa mà thôi, còn dám kiêu ngạo với mình.

“Bẩm nhị tiểu thư, phu nhân thấy người hầu hạ bên cạnh nhị tiểu thư quá ít, nên đã sai lão nô mang vài người tới đây cho nhị tiểu thư chọn lựa.” Vương ma ma nghĩ mãi vẫn không hiểu, tại sao phu nhân nhà mình lại để ý cái nha đầu này như vậy? Chẳng lẽ phu nhân định mượn sức nha đầu này để đấu lại với đại tiểu thư sao? Cũng đúng, càng ngày đại tiểu thư càng không coi phu nhân ra gì. Nhưng đại tiểu thư lợi hại như vậy, bản lĩnh cũng lớn như vậy, nhị tiểu thư còn không bằng một ngón tay của người ta, sao có thể là đối thủ của đại tiểu thư được?

“Bên cạnh ta có Liễu Nguyệt với Dịch Kỳ rồi, cũng không thiếu người. Ngươi dẫn người về đi.” Lâm Bạch Dư không biểu hiện ra dáng vẻ cảm động chảy nước mắt như Vương ma ma đã tưởng tượng, mà chỉ lạnh nhạt nói một câu đã đuổi bà ta đi.

“Nhị tiểu thư, người đang muốn làm khó lão nô sao?”

____________

Chú thích:

[1]Ngô ngọt xào hạt thông: Món ăn truyền thống của vùng Đông Bắc Trung Quốc

[2]Sốt gà luộc khô: Món ăn truyền thống của Hoài Dương, Trung Quốc.

[3]Nấm hương xào: Tùy từng nơi mà có cách chế biến khác nhau.

[4]Canh Tam Tiên: Món ăn ở vùng Giang Nam

[5]Giấy Tuyên Thành, Giấy Tuyên hay giấy huyện Kính là một loại giấy có nguồn gốc ở Trung Quốc cổ đại, được sử dụng để viết và vẽ. Giấy Tuyên nổi tiếng mềm mại và kết cấu mịn màng, phù hợp để truyền tải biểu cảm nghệ thuật cho cả thư pháp và hội họa Trung Hoa. Tại Trung Quốc người ta coi giấy Tuyên là vua của các loại giấy và là loại giấy bền nghìn năm.

[6]Giấy Tuyên Thành và chữ trâm hoa nhỏ