Mối Mai

Chương 3

Lục Đạc ngồi trên xe kéo, nhắm mắt nghỉ ngơi.

Chuyện nhảm nhí của cha anh hôm qua chẳng để lại chút ảnh hưởng nào trong lòng anh.

Từ nhỏ đến lớn, anh đều không muốn phá rối cuộc sống của mình và người khác. Thế nên sau khi mẹ mất, cha đi bước nữa nhưng anh chẳng nói gì, dẫu rằng mọi người hầu trong nhà đều bàn tán, sợ mẹ kế khó tính với họ. Lấy một người phụ nữ ít kiến thức, mặc cho người ta quyết định cuộc đời mình để anh phải khó chịu là quyết định của cha anh, cũng ảnh hưởng tới nửa đời còn lại của ông ấy, chứ đâu liên quan đến anh. Người phụ nữ ấy định hà khắc với anh để nịnh Lục Đức Sinh thì quả là buồn cười.

Còn như con gái nhà họ Đồng thì không cần kéo người ngoài vào cuộc chiến của cha con anh. Lục Đạc biết tuy mình luôn thích ứng được trong môi trường chính trị nhưng trên phương diện sinh hoạt lại rất khó tính. Với những người không hợp mắt, anh chẳng muốn nhìn nhiều nên đâu thể lấy về làm lỡ dở cuộc đời con gái nhà người ta.

Ai cũng phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.

Anh luôn nghĩ thế và cũng thẳng tay làm vậy.

Đương nhiên, những việc này không liên quan gì tới chuyến đi của anh hôm nay.

Mấy hôm trước ông Dương có bảo với anh là thấy được một nghiên mực mới ở tạp hóa Phúc Ký. Một ông Lập ủy ở Viện Lập pháp thường ngày luôn nghiêm túc lại rất là hớn hở khi nhắc tới chuyện này. Nghe nói nghiên mực ấy là của chủ tiệm, bên trên có khắc hình bảy người hiền đức trong rừng trúc. Mới trông đã biết là vật không tầm thường, sau khi được chủ tiệm cho phép xem thì ông ấy lại phát hiện bên dưới có khắc năm tháng. Điều này nói lên rằng đây là một nghiên mực từ tận triều Nguyên! Không chỉ vậy, nghiên mực ấy vẫn còn giữ được vẻ ngoài hoàn hảo sau nhiều năm tháng chứ chẳng bị hư hao. Chính vì thế ông ấy muốn mua ngay về nhà, tiếc răng… không mang đủ tiền.

Nghe nói chủ tiệm là người dễ tính, có bảo tặng luôn nhưng ông Dương không phải muốn để chủ tiệm thiệt thòi nên đã hẹn hai hôm nữa đến mua. Ai ngờ vì công việc xảy ra sai sót, ông Dương đành nhờ anh đi một chuyến. Theo ý ông Dương là muốn hỏi rõ lai lịch nghiên mực ấy và ý của chủ tiệm. Nếu chủ tiệm đồng ý nhượng lại thì mua theo giá thị trường, còn như không muốn thì lập chứng từ mượn về nghiên cứu mấy hôm, đến ngày sẽ mang trả.

Xe kéo vòng qua khúc quanh là đến cửa tạp hóa Phúc Ký.

Đây chẳng phải lần đầu anh ghé.

Hôm anh đến là buổi chiều, trong cửa hàng chỉ có một cô gái mặc sườn xám tím nhạt có hoa văn hình ô vuông với hàng khuy áo màu xanh nhạt và tấm lụa trắng choàng bên trên, đang đọc sách trước quầy. Cô gái ấy vén tóc sang một bên để lộ ra đôi khuyên tai sứ hình hoa bách hợp, cũng tạo cho người ta một cảm giác mới mẻ giữa cửa hàng nhỏ đậm chất cổ kính này.

Có điều bước chân anh nhẹ, còn cô ấy mải chú tâm đọc sách nên chẳng nhận ra có người vào. Khi nhác thấy bóng người, cô ấy gần như đã giật mình nhưng biết là khách hàng thì lại hạ cánh tay vừa giơ lên xuống. Sau đó cô gái gấp sách lại, mỉm cười hỏi anh:

– Anh muốn mua gì?

Khi gấp sách, cô ấy lưu loát quay quyển sách một vòng để phần gáy hướng vào trong. Chiếc nghiên mực anh muốn mua được để ở bên cuốn sách nọ, bên trong còn có nửa thỏi mực.

– Chẳng hay chủ tiệm có ở không? Mấy hôm trước có một người họ Dương đến đây hẹn mua nghiên mực với chủ tiệm.

– Tiếc quá! Chú ấy mới đi nhập hàng, chưa thể về ngay được. Nhưng mà… Tiệm chúng tôi đâu bán giấy mực? Anh chắc chắn là tiệm chúng tôi chứ?

Cô gái ấy trả lời. Đôi mắt sáng trong, lấp lánh đầy nét chân thành khi nhìn khách. Quả là hợp với nghề này – anh nghĩ.

– Đúng rồi, ông ấy thích chiếc nghiên này.

Anh chỉ vào chiếc nghiên mực ngay cạnh cuốn sách. Cô gái nọ nhìn theo hướng anh chỉ, thấy chiếc nghiên ấy thì nhíu mày. Còn anh lại hỏi tiếp:

– Không biết khi nào chủ tiệm mới về?

– Thường là ngày nào chú ấy cũng có mặt, chỉ mỗi hôm nay đi vắng thôi. Bao giờ anh quay lại cũng được.

Anh gật đầu tỏ vẻ đã biết. Ánh mắt chợt đậu trên cuốn sách, anh bỗng phát hiện ra nguồn cơn của cảm giác quen thuộc ấy —— Cuốn sách này anh cũng có.

—— “Salome” của Oscar Wilde

Anh ngẩng đầu lên:

– Không biết phải xưng hô với cô thế nào?

– Tôi á?

Dường như cô gái hơi ngạc nhiên nhưng vẫn mỉm cười đáp:

– Tôi họ Hồ.

Sau này nghĩ lại mới thấy hành động ấy của anh thật dư thừa.

Anh tự nhận không phải người háo sắc nhưng chẳng biết vì sao hôm đó lại hỏi vậy. Anh trả tiền xe kéo rồi đi vào tiệm tạp hóa.

Nếu bảo cô gái họ Hồ kia có điểm gì khác biệt… thì đúng là có đôi chút không tầm thường.

Anh vào tiệm, người trông sau quầy đã biến thành một ông lão mập mạp, chào hỏi anh rất nhiệt tình. Khi nghe anh thuật lại mục đích của mình, chủ tiệm sửng sốt rồi xua tay cười:

– Ôi! Cậu bảo chiếc nghiên mực này á? Tôi không định bán nữa rồi!

Lục Đạc hơi ngạc nhiên nhưng nhớ tới nét mặt thoáng lúng túng của đối phương thì lại hỏi:

– Chú xem bạn cháu thật lòng muốn mua được nó, cháu cũng chỉ là người được nhờ vả thôi. Bán hay không là tùy chú nhưng sao tự nhiên chú lại không bán nữa vậy ạ? Có thể phiền chú nói đôi câu để cháu biết đường đáp lại bạn không?

Chủ tiệm nghe anh nói chuyện rất chân thành, diện mạo cũng đường hoàng, lịch sự chứ chẳng giống người xấu. Tuy thế ông vẫn nhớ những lời bé Tuyền dặn nên chỉ hắng giọng “diễn”:

– Chàng trai, không phải tôi không muốn bán mà cái nghiên mực đểu này tôi mua bừa ngoài hàng rong tốn có mấy đồng, mua về cũng chỉ để dùng. Bạn cậu mua lại làm gì?

Đúng rồi. Kiểu người đến hỏi những ba lần chỉ để mua một cái nghiên mực người ta không để bụng thì thật đáng nghi ngờ. Nhưng qua đây cũng khiến anh nhận thấy, không phải chủ tiệm không muốn bán mà chỉ từ chối để thăm dò xem vì sao mình cứ muốn mua nó. Mình biểu hiện muốn mua quá thì hiển nhiên nghiên mực này phải có giá trị.

Mà nay chủ tiệm muốn biết nghiên mực này đáng giá bao nhiêu.

Vốn dĩ Lục Đạc không phải kiểu người đến nhặt của hời, huống hồ anh thích người thông minh, cũng thích làm ăn với người thông minh. Có điều… nghĩ tới động tác và nét mặt chủ tiệm, anh lại mỉm cười “chân thành” kể lai lịch và mục đích mình nhận lời ủy thác ra, cuối cùng mới bảo:

– Chú có thể suy nghĩ thêm.

Lần này chủ tiệm cũng phải giật mình trước lai lịch chiếc nghiên. Ông cẩn thận cầm nó lên, sợ trượt tay làm rơi vỡ.

Đây đâu phải là nghiên mực? Đây là nghiên vàng mới đúng!

Không! Nghiên vàng cũng chẳng đắt tiền thế!

Lúc này trong buồng bỗng vang lên một tiếng “bịch”. Chủ tiệm ngoảnh phắt đầu lại, sau đó còn nhìn Lục Đạc. Lục Đạc cũng không bất ngờ nhưng vẫn nhìn quanh giả ngơ ngác:

– Gì thế?

– Cậu đợi một lát nhé.

Chủ tiệm cười gượng:

– Tôi nuôi… mèo. Nó hơi nghịch, tôi vào xem một lát rồi ra liền.

Lục Đạc mỉm cười đứng đợi ở bên quầy. Mèo gì mà thông minh vậy? Anh cũng muốn nuôi một con.

Chẳng mấy chốc, chủ tiệm đã ra nhưng không chỉ có một mình. Trông thấy người đi ra cùng chủ tiệm, Lục Đạc hơi ngạc nhiên.

Anh đã biết sau lưng chủ tiệm trông có vẻ thành thật này còn một người bày mưu tính kế giúp, nhưng không nghĩ tới…

Hôm nay cô mặc chiếc sườn xám màu xanh vỏ trứng với hoa văn màu trắng, trên tai là hai viên ngọc trai tròn bóng.

Anh không hề che giấu sự ngạc nhiên của mình:

– Cô Hồ.

Trông thấy anh, Hồ Tuyền lại hơi bất ngờ.

Hôm nay anh không mặc bộ trường bào như lần trước mà đổi thành trang phục kiểu Tây với chất vải Pháp càng tôn lên vẻ cáo ráo của mình. Nét mặt sắc bén, lạnh lùng của anh rất hợp thẩm mỹ đương thời, trông không quá hòa đồng nhưng lúc nào cũng cười dịu dàng.

Một vẻ bề ngoài rất tử tế.

Cho nên cô mới sợ nhỡ đối phương chỉ có cái mác bên ngoài, còn con người bên trong lại xấu xa thì chẳng phải chú Phúc sẽ bị lừa sạch ư?

Nhưng từ những việc vừa rồi, xem ra anh cũng rất chân thành.

Dù là kẻ lừa đảo thật thì cũng là kẻ có lễ nghĩa.

Đối với người có học thức, có lễ độ, Hồ Tuyền chẳng thể ghét nổi. Cô đi thẳng vào vấn đề:

– Tôi cũng không quanh co với anh nữa. Anh bảo đây là nghiên mực từ triều Nguyên, còn bảo sẽ mua theo giá thị trường. Vậy anh có bằng chứng gì không?

Lục Đạc đưa tư liệu đã chuẩn bị sẵn cho cô:

– Đều ở đây cả.

Cô mở ra xem. Số trang không nhiều, nội dung cũng dễ hiểu vì đã được tổng kết ra những vấn đề mấu chốt nhất. Cô và chú Phúc bàn bạc một hồi lâu nhưng Lục Đạc lại chẳng sốt ruột mà còn thấy thú vị. Sau đó chẳng rõ nghĩ đến điều gì, nụ cười trên khóe môi anh dần tắt.

– Cháu thấy chưa!

Xem hết đám tư liệu, tuy không hiểu trọn vẹn nhưng cũng được kha khá, chủ tiệm vỗ vai Hồ Tuyền:

– Cậu Lục đây trông đàng hoàng tử tế, không phải kẻ lừa gạt đâu!

Rồi ông quay sang cười với Lục Đạc:

– Cậu đừng cười nhé. Tôi buôn bán nhỏ, chưa gặp trắc trở bao giờ nên con bé Tuyền mới sợ tôi bị lừa.

Hồ Tuyền không nhìn ra vấn đề nên tất nhiên sẽ nghe theo chú Phúc. Lúc hai bên ký chứng từ, dù là người làm việc lâu năm như Hồ Tuyền cũng vẫn phải tròn mắt khi thấy một chuối số 0 trên trang giấy.

Vừa hay cảnh ấy bị Lục Đạc phát hiện, anh khẽ mỉm cười.

Đúng là rất nhiều.

Cũng chỉ có người không quan tâm tiền bạc như ông Dương chi được.

Trao đổi tiền – hàng xong xuôi, Hồ Tuyền vừa thở phào đã bị chú Phúc đẩy ra khỏi quầy. Cô còn đang hoang mang đã nghe chú bảo:

– Bé Tuyền, cậu Lục qua lại vài chuyến cũng vất vả, cháu tiễn cậu ấy đi.

Cô ngạc nhiên: Tiễn gì cơ?

Sao cô không biết tạp hóa Phúc Ký “buôn bán nhỏ kẻ”, “chưa trải sóng gió” còn có cả vụ tiễn khách nữa vậy? Côn nhìn chú Phúc với ánh mắt đầy ngập nghi hoặc: Làm gì cơ? Tiễn gì chứ? Sao lại phải tiễn?

Rồi chú Phúc nháy mắt với cô như muốn bảo: Người chi tiền hào phóng, dáng vẻ đường hoàng thế này, cháu còn muốn gì nữa? Còn chờ gì nữa? Định bỏ lỡ cái gã nhiều tiền này à?

Lục Đạc sinh ra ở nhà họ Lục, làm việc trong chốn quan trường bao lâu nay nên tất nhiên có thể nhận ra ý đồ của chú Phúc. Đáng lẽ nên cười cho qua chuyện nhưng nhìn cảnh chú Phúc lo lắng cho cô, anh lại thấy lòng có chút chua xót khó nói thành lời.

Hồ Tuyền với vẻ mặt ngạc nhiên và miễn cưỡng bị chú Phúc đẩy đến bên cạnh anh. Anh cũng cười rồi chẳng rõ vì sao lại không từ chối mà còn giơ tay:

– Vậy làm phiền cô Hồ nhé.