Nhà Có Bà Mẹ Cuồng Đam

Chương 35: 35 Ngay Từ Lúc Bắt Đầu Có Phải Là Con Đã Sai Rồi Không Mẹ

Tôi với mẹ đào hố lấp hố hăng say, đến khi Tony mang đồ ăn vào đưa một phần cho mẹ, phần còn lại thì khư khư giữ lấy không đưa cho tôi.

Do bận viết nên tôi chẳng để ý mấy, cứ có cơm đưa đến tận miệng là tôi lại há ra chờ ăn.

- Ừm cơm ở quán này cũng ngon phết ra đấy!

Tôi vừa ăn vừa tấm tắc khen, nhai hết miếng cơm vẫn chưa thấy cơm đưa đến bên miệng, tôi liền nghiêng đầu nhìn sang thì thấy Tony đang đưa cơm vào miệng cậu ấy.

Tôi nhìn theo mà ngớ cả người:

- Cậu ăn cơm của tôi làm gì?

Tôi chỉ hỏi một câu hết sức nhẹ nhàng ngắn gọn, ai biết đâu lại doạ Tony ho sặc sụa.

Tôi thấy có cả hạt cơm bay ra từ mũi cậu rồi nhẹ nhàng đáp cánh tại má tôi.

- ...

Tôi nghệt mặt không nói nên lời, Tony xấu hổ cố dằn lại cơn ho khiến mặt cậu đỏ ửng.

Đến cả hai tai cũng một màu hồng rực.

Rất muốn mắng Tony, nhưng thấy cậu như thế, tôi mở miệng không được.

Mà ngay lúc ấy, tôi lại nghe thấy tiếng chụp ảnh tanh tách.

Bà mẹ vốn ngồi kề cạnh vừa ăn vừa gõ truyện giống tôi giờ đây đang nằm lăn ra đất, "chọn góc" chụp ảnh.

Và rồi đến buổi tối ngày hôm đó, tôi lại được vinh danh gọi tên vào dưới những dòng bình luận bên dưới bài viết của mẹ.

Mà tấm ảnh ráng chiều chiếu qua khung cửa sổ, dịu dàng bao lấy hình dáng hai chàng trai nhìn nhau tình tứ, một người nhìn một người đang che miệng ho sặc sụa với ánh mắt trìu mến lại trở thành tấm ảnh siêu cấp ngọt ngào trong lòng các "hủ nữ" yêu thích truyện của mẹ tôi.

...

Liên tiếp vài ngày sau đó, tôi thấy Luận đi học lại.

Nhưng cậu đối với tôi chỉ giống như một người xa lạ.

Nhiều khi tôi kéo tay cậu ấy muốn nói chuyện cùng, dù là mấy chuyện vẩn vơ cũng được.

Nhưng mỗi lần tôi kéo tay cậu, cậu đều giật tay ra rồi quay đầu đi chỗ khác.

Thậm chí còn xin cô Hoài chuyển chỗ cho cậu ấy.

Có những chuyện muốn nói, nhưng lại không làm sao mở lời được.

Tâm trạng tôi cũng trở nên cáu bẳn khó chịu hơn hẳn.

Nhìn cái gì cũng không vừa mắt, thậm chí cả cái tên đang lẽo đẽo theo sau tôi lúc này chứ đừng nói cái xe màu đen đậu bên phía đối diện trường học.

Tôi biết chiếc xe đó theo dõi tôi vài ngày rồi, ngày nào cũng đậu ở gần nhà tôi lúc sáng sớm, thấy tôi ra đường đi học cũng đi từ từ chậm rãi phía sau.

Khi tôi vừa ra khỏi cổng trường, chiếc xe đó vẫn đi chầm chậm phía sau đến khi tôi về hẳn đến nhà mới chịu rời đi.

Mang theo tâm trạng bực bội khó chịu, tôi chạy lại gõ kính cửa xe.

Bên trong xe chỉ có một ông chú khoảng chừng trên ba mươi tuổi, ăn mặc có vẻ khá nghiêm túc, áo sơ mi màu xanh đậm, quần tây âu màu đen.

Ông chú đó nhìn tôi qua khung cửa kính đã được hạ xuống, im lặng không nói gì.

Tôi hơi nghiêng đầu ghé vào bên trong xe hỏi với vẻ bực dọc:

- Chú theo dõi cháu làm gì?

- Làm việc.

- Chú làm việc thì theo dõi cháu làm gì?

- Việc của tôi là theo dõi cậu.

- ...

Đúng là hỏi mà cứ như không hỏi ấy, khó chịu chết đi được! Tôi nhíu mày còn muốn hỏi thêm, nhưng thấy ông chú ấy có điện thoại gọi đến, nên chỉ đứng chờ bên cạnh chiếc xe.

Chẳng biết ông chú ấy gọi điện cùng ai, chỉ toàn nghe thấy "Vâng, dạ, tôi đưa cậu ấy đến ngay."

Còn chưa kịp hiểu đầu cua tai nheo thế nào, ông chú đó quay lại gọi tôi.

- Cậu Sơn, chủ tịch muốn mời cậu đến gặp ông ấy!

- Chủ tịch của chú là ai? Ông ấy muốn gặp thì cháu phải đến gặp ông ấy chắc? Mơ à?

Thời kì ngỗ nghịch của con trai, đến cả những lời khuyên bảo nhẹ nhàng còn chẳng lọt được vào tai chứ huống hồ những lời khô khan ra lệnh của ông chú trước mặt.

Tôi chống nạnh vênh mặt hất hàm với ông chú bên trong xe:

- Chú bảo với ông chủ tịch gì đó, muốn gặp tự đến mà đến nhà tìm cháu!

Nói xong, tôi không thèm để người ta đáp ứng lại đã quay đầu rời đi ngay tắp lự.

Từ lúc đó về đến nhà, Tony không nói với tôi một lời nào khác, thi thoảng quay ra nhìn cậu còn bắt gặp cái nhìn kì lạ từ cậu.

- Cậu nhìn lén tôi làm gì đấy?

- Không nhìn gì cả, chỉ nhìn vợ tôi thôi.

Tony bâng quơ nói một câu, cậu vượt qua người tôi, lững thững vào nhà trước tôi.

Tôi thấy lạ, Tony càng lúc càng giống như biến thành một người khác.

Cậu ít trêu tôi hơn, ít kiếm cớ sáp lại gần tôi, lại càng giống như tránh mặt tôi.

Thậm chí đến mức cậu ấy dọn đồ đạc để về nhà của cậu, không ở lại nhà tôi nữa.

- Cậu đi thật đấy à?

- Ừ, mẹ tôi về rồi.

Cậu, đang kiếm cớ.

Một cái cớ hoàn chỉnh cho việc rời khỏi ngôi nhà này.

Cô Dung về cũng lâu lắm rồi, nhưng cậu không chịu về, còn lôi lý do ở nhà tôi quen không nỡ về nhà cậu mặc dù nhà hai đứa cách nhau chừng mấy bước chân là cùng.

Mẹ tôi ầm ĩ giữ đồ không muốn cho Tony đi, còn tôi chỉ nhẹ giọng hỏi cậu một câu.

- Cậu nhất định phải đi à?

- Ừ!

Nghe tiếng khẳng định chắc nịch đó, không rõ vì cớ gì tim tôi lại nhói lên.

Tôi và cậu, không có cãi nhau, không có ồn ào, không có xích mích, cứ thế im lặng tách nhau ra.

Cậu lạnh nhạt, tôi buồn, cũng không muốn hèn mọn bắt chuyện trước cùng cậu.

Luận tránh mặt tôi, hiện tại đến cả Tony cũng lạnh nhạt với tôi.

Bức bối khó chịu đến phát điên.

Nhiều lần nhìn căn phòng thiếu đi sự xuất hiện của người nào đó, tôi lại không kiềm được tâm tình đập phá đồ đạc.

Giống như chỉ khi đập phá những thứ ấy đi, tôi mới có thể có sự bình tĩnh nhất định.

- San!

Khi tôi bình tĩnh hơn rồi, mẹ tôi mới đẩy cửa bước vào.

Bà ngồi xuống cạnh tôi nhỏ giọng hỏi han:

- Em vẫn ổn chứ?

- Không ổn mẹ ạ!

- Em còn nhớ lời trước đây mẹ từng nói với em không?

Nhớ chứ.

Đương nhiên là tôi nhớ rồi.

Năm tôi mười hai tuổi, tôi không nhớ rõ bản thân vì sao lại nổi điên, một mình đập phá hết toàn bộ đồ đạc trong nhà.

Lúc đó mẹ chẳng trách mắng hay làm gì cả, chỉ đứng nhìn tôi, chờ tôi bình tĩnh mới lại gần ngồi bên cạnh, bà có nói với tôi rằng: "Nếu một ngày nào đó tâm trạng em bất ổn khiến em mất bình tĩnh, đừng vội đập phá thứ gì mà hãy biến nó thành một câu chuyện nhỏ trong những câu chuyện lớn trên từng trang giấy.

Biến đôi tay chỉ biết đập phá đồ đạc thành đôi tay gõ chữ trên bàn phím điêu luyện."

Tôi nhớ, nhưng tôi thật sự không làm được! Vì khi ngồi vào trước máy tính, trong đầu tôi trống rỗng không thấy có một câu từ nào để viết ra hòng xoa dịu tâm trạng bất ổn định của mình cả.

Trước đây là một màu trắng xóa, còn bây giờ, đều là Tony.

Từ hình dáng đến cái tên, bất cứ nơi đâu cũng có.

Rõ ràng ngay từ khi bắt đầu, người trêu chọc tôi là Tony, vậy mà khi tôi lầm lỡ sa chân vào đấy, người rời bỏ tôi cũng là Tony.

Tôi đưa tay lên mặt, che đi nước mắt trực trào muốn tuôn ra.

Ngẫm lại mà thấy nực cười thật, tôi rõ ràng là một thằng con trai, vậy mà vì chút chuyện nhỏ xíu xiu thế này lại có thể bật khóc.

- Ngay từ lúc bắt đầu, có phải là con đã sai rồi không mẹ?

- Sai ở chỗ nào thì mình làm lại ở chỗ đó thôi.

Dù sao đi chăng nữa San của mẹ cũng rất giỏi mà.

- Nhưng nếu con không làm được thì sao bây giờ?

- Làm gì có chuyện San của mẹ không làm được đâu, chẳng qua chuyện đó có phải chuyện em thật sự muốn làm hay không thôi.

- Con...!thật sự muốn tìm đến một nơi nào đó không người, đem bản thân mình nhốt lại, không bao giờ trở ra nữa...

- Ấy không được! Em mà làm thế là nguy to thật đấy!

Tôi thở hắt ra một hơi, cố gắng làm tâm trạng mình tốt hơn, quay đầu nhìn mẹ hỏi:

- Có gì đâu mà nguy to hả mẹ?

- Thì em nhốt em lại rồi, thế sau này đống hố truyện của mẹ ai lấp cho? Eo ơi không được, nếu em muốn nhốt em lại thì cũng phải đưa mẹ cùng cái máy tính đi theo.

Vẻ mặt mẹ rất nghiêm túc, giống như nếu như tôi thật sự rời đi thì nhất định phải đưa bà theo vậy.

Thấy vậy, khóe môi tôi bất giác nhếch lên:

- Vâng, con biết rồi.

Có chết con cũng phải dẫn mẹ đi theo, mẹ nhỉ?

- Phủi phui cái mồm! Đang sống yên ổn thì chết chóc chi ở đây.

Mẹ còn chưa nhìn thấy em gả chồng nữa mà.

Mẹ Tuyết hờn dỗi bỏ về phòng.

Tôi nhìn căn phòng lộn xộn đổ vỡ, thở dài đứng dậy thu dọn.

...

Cả đoạn thời gian rất dài sau đó, Tony lạnh nhạt với tôi, tôi cũng chẳng có tâm tư nhìn cậu.

Vì tôi còn phải học.

Mục tiêu của tôi là vào trường quân đội top đầu, nên không thể lơ là dù chỉ một phút.

Mẹ dường như cũng biết tôi bận, bà không làm phiền những lúc tôi bận bịu ôn thi, thậm chí còn tận tâm đi chợ mua về cho tôi những đồ ăn thức uống tốt nhất cho sức khỏe của tôi.

Ngày tôi vừa kết thúc môn thi cuối cùng của kì thi đại học, tôi thấy ông chú từng theo dõi tôi đứng chờ tôi ngay tại cổng trường.

Thấy tôi đi ra, chú ấy lại gần, khẽ gật đầu chào tôi:

- Chủ tịch đang chờ cậu trong xe, mời cậu lại một chuyến!

- Không được, cháu đang chờ mẹ rồi!

Tôi nhíu mày từ chối ông chú, vì tối hôm qua mẹ đã nói sẽ đến đón tôi, tặng tôi món quà đặc biệt tự tay bà chuẩn bị.

Tôi không thể vì người xa lạ mà để mặc mẹ tôi đứng chờ tôi giữa trưa hè nắng nóng thế này được.

- Chủ tịch nói, ông ấy biết bố cậu ở đâu!.