Nhà Có Bé Ngoan

Chương 3

Nhà họ Lâm sắp tăng nhân khẩu, đây là chuyện lớn.

Bà cụ nhà họ Lâm năm nay đã sáu mươi chín, cả đời có bốn đứa con trai hai con gái.

Lâm Bách Tòng là anh lớn, tay nghề giỏi nhất, sau khi ông cụ qua đời hiển nhiên tiếp quản gia nghiệp. Anh cả luôn rất uy nghiêm, rất được các em trai em gái luôn kính trọng.

Con gái đầu đã lấy chồng, còn gả xa nên thi thoảng bà cụ lại nhắc.

Con trai thì ngoài con cả Lâm Bách Tòng và người thứ hai là Lâm Trường Xuân, chú ba chú tư đều không có hứng thú với tay nghề gia truyền, một người dốc lòng làm ăn một người ra nước ngoài, không dính líu chút gì đến sản nghiệp gia đình.

Hiện tại chỉ còn mình cô út Lâm Mạn Xu còn ở cạnh bà cụ.

Hàng cháu trong nhà khá đông, nhưng cũng chỉ mình Lâm Du là đứa duy nhất nắm chặt dao khắc không chịu buông trong lễ bắt miếng trăm ngày tuổi, làm bà cụ cười không khép miệng.

Bà cụ qua đời năm Lâm Du mười ba tuổi.

Lúc đó cậu đang khủng hoảng và hoang mang vì nhận ra xu hướng tính dục của bản thân, bà cụ nằm trên giường bệnh nắm tay cậu nói: "Trong lứa cháu con là đứa có tài nhất. Nhưng khi con còn nhỏ lại lắm bệnh nhiều nạn, nhà họ Lâm không thiếu người, bà nội không yêu cầu con phải chống đỡ gia đình, quá cực khổ cho con, nhưng đừng để lụt nghề, sau này cũng có cái nghề mà nuôi sống bản thân."

Cuối cùng Lâm Du vẫn làm trái lời bà.

Những năm sau đó cậu hoàn toàn vứt bỏ nghề khắc gỗ của gia đình, áo vest giày da tới lui giữa bàn rượu và bàn làm việc.

Sự nghiệp càng lúc càng lớn, nhưng không có đến một ngày được yên dạ nhẹ lòng.

Sau khi cha mẹ qua đời nhà họ Lâm cũng phân tán, nhà chú hai dời đi, chú ba chẳng mấy khi có tin tức, nhà chú tư thì dọn hẳn ra nước ngoài.

Nào có được khung cảnh như hiện tại.

Thời gian này bà cụ dẫn cô út đến Tô Châu thăm bạn, đúng lúc bỏ qua chuyện nhà họ Văn.

Lâm Bách Tòng muốn nhận nuôi đứa nhỏ, bà cụ nói một tiếng, ngày đầu tiên Văn Chu Nghiêu dọn vào là phía chính phòng bắt đầu bận rộn.

Một chiếc bàn dài được ghép từ ba chiếc bàn nhỏ, người ngồi kín cả sân.

Lâm Bách Tòng dẫn Văn Chu Nghiêu đi một vòng nhận mặt, thật sự xem cậu ta là con trai ruột mà giới thiệu.

Lâm Du ngồi trên đùi bà nội ăn trứng hấp, ngoan đến mức bà cụ ôm không nỡ rời tay. Thím hai Từ Tuệ ngồi bên cạnh nhìn hai bà cháu, nửa cười nửa không, ghen tị thấy rõ, cố ý trêu Lâm Du: "Tiểu Du, bố con sắp thành bố người khác rồi, con không giận à?"

Lâm Du bỏ muỗng xuống, ngây thơ nhìn qua, "Vậy chú hai là bố của Lâm Thước hay Lâm Hạo ạ?"

Từ Tuệ bị bé con chặn họng, nhất thời không nói nên lời.

Lâm Thước và Lâm Hạo đều là con chú hai, một tám tuổi một sáu tuổi, đều lớn hơn Lâm Du.

Hai đứa nhỏ này là hai cây pháo, hoành hành khắp chu vi năm dặm quanh đường Thịnh Trường, ngày nào cũng trêu chó chọc gà gây chuyện thị phi. Hai vợ chồng Lâm Trường Xuân lại chiều con, không nỡ đánh không nỡ mắng, khiến cho chỉ khi gặp bác cả hai đứa con trai này mới có vẻ sợ.

Bà cụ nhìn Từ Tuệ không hài lòng, "Con đã bao nhiêu tuổi rồi còn trêu nó? Sau này đừng có nói mấy câu kiểu như thế nữa, mà con trai nhà họ Văn đã đáng thương lắm rồi, lỡ nó nghe được thì nó sẽ nghĩ sao?"

"Ầy dà, con nói đùa ấy mà." Từ Tuệ cười xấu hổ.

Dương Hoài Ngọc đang xếp chén đũa phía đối diện nghe thấy liền nói với bà cụ: "Mẹ, miệng Từ Tuệ thế thôi, em ấy không cố ý đây."

"Chị dâu hiểu em quá." Từ Tuệ thấy có đường lui lập tức xuôi theo.

Lâm Du đang tập trung đối phó với đồ ăn trong chén, không xen vào chuyện của người lớn.

Tuy bà cụ có bốn người con trai nhưng trước mắt chỉ có hai đứa con dâu Dương Hoài Ngọc với Từ Tuệ. Chú ba Lâm Chính Quân tới nay vẫn chưa có ý định kết hôn. Chú tư Lâm Hải Sinh thì lấy vợ sớm, nhưng cô vợ là người Mỹ, con cái tới tuổi yêu sớm rồi bà cụ vẫn chưa gặp mặt được mấy lần, khiến bà vẫn thường trách móc chú tư.

Thấy quan hệ chị em bạn dâu trong nhà không gay gắt như nhiều nhà khác, trên thực tế bà cụ rất mừng trong lòng.

Con người Từ Tuệ chỉ hơi nhỏ mọn, ngoài ra không có thói xấu nào nghiêm trọng.

Đang nói chuyện thì đứa con lớn Lâm Thước nhà chú hai chạy ào tới trước mặt Lâm Du đưa tay giành chén của cậu, miệng la hét: "Con cũng muốn ăn, con cũng muốn ăn!"

"Ăn gì mà ăn!" Cô út Lâm Mạn Xu vừa đi đến, giữ viên pháo ấy lại, lên tiếng: "Lâm Du sức khỏe yếu mới được ăn trứng hấp, hôm qua con mới dẫn Lâm Hạo đi đập cửa sổ kính nhà hàng xóm xong, giờ còn mặt mũi xin ăn cơ à?"

"Cô út thiên vị! Cô út thiên vị!"

Lâm Thước la hét rồi lại định lăn ra đất, làm em trai Lâm Hạo của nó cũng giãy trong lòng mẹ đòi ăn.

Lâm Mạn Xu suýt chút không giữ được cánh tay Lâm Thước.

Từ Tuệ không được vui, nói với Lâm Mạn Xu: "Mạn Xu, dù sao em cũng là cô, trẻ con nó biết gì đâu, nó muốn ăn thôi mà?"

Lâm Mạn Xu bị Lâm Thước giãy không buông tay ra được, lại bị chị dâu nói nên mặt hơi đỏ lên.

Năm nay cô út cũng mới hai mươi, còn chưa tốt nghiệp Đại học, tính vui vẻ hay đùa giỡn, cũng thật lòng thương yêu con cháu trong nhà.

Không ai ngờ được Lâm Du lại đột nhiên bùng nổ.

Cậu ngồi trong lòng bà cụ giơ chân đá vào vai Lâm Thước đang đòi lăn lộn ăn vạ trên sàn.

Tuy trẻ con không mạnh nhưng cậu đá rất thẳng chân.

Lần này Lâm Thước ngồi bệt xuống đất thật.

Ngay sau đó là tiếng khóc kinh thiên động địa.

"Không được khóc!" Lâm Du quát lớn.

Không chỉ Lâm Thước nghẹn lại, mọi người lớn xung quanh, bao gồm cả Từ Tuệ đang định đứng lên kéo con trai cũng sững sờ tại chỗ. Nhưng cuối cùng vẫn thấy xót con hơn, thím hai trừng Lâm Du nói: "Tiểu Du, dù sao Lâm Thước cũng là anh con, con không muốn nhường anh ăn thì thôi, sao con đá anh?"

Lâm Thước thấy có người lớn che chở liền gào lên khóc la inh ỏi.

Ngọn lửa giận vô danh trong lòng Lâm Du bỗng nhiên bùng cháy, nóng đến mức cậu cảm thấy đáy mắt mình cũng bắt đầu đỏ lên.

Bằng tốc độ mà không một người lớn nào kịp phản ứng, cậu nhảy khỏi lòng bà nội nhào về phía Lâm Thước đang lăn lộn trên đất. Cậu không lớn và béo được như Lâm Thước tám tuổi, nhưng cũng đã đánh đấm loạn xạ với thắng lợi mang tính áp đảo.

Đánh cho Lâm Thước đờ người ra.

Ban đầu còn khóc, bị uy hϊếp vài lần thì không dám khóc nữa, mặt mũi đỏ bừng.

Toàn bộ người lớn chạy đến can ngăn.

Thật ra chủ yếu là kéo Lâm Du ra khỏi Lâm Thước.

Lâm Du đánh thật sự mạnh tay, cậu biết lúc này mình trông như kẻ điên vậy, nhưng cậu không sao khiến cảm xúc trong lòng dịu xuống được.

Vì cậu nhớ kết thúc cuối cùng của người anh họ này là vào tù.

Vì tội cố ý gây thương tích làm chết người, tự hủy hoại cả một đời.

Lâm Du cũng nhớ khi còn nhỏ đã cùng học nghề, Lâm Thước lớn hơn cậu, nhiều kinh nghiệm hơn cậu, ít nhất năng lực hơn xa Lâm Hạo.

Nếu không bị vợ chồng chú hai nuông chiều quá độ từ nhỏ, chỉ cần để ý dẫn dắt, với sự thông minh của Lâm Thước ít nhất sẽ không sa chân vào bùn lầy, nhà họ Lâm cũng không suy kiệt đến mức ấy.

Lúc này, trong lòng Lâm Du đa phần là cảm giác bực tức vì luyện mãi mà sắt không thành thép, cũng như sự tiếc hận đối với bản thân vô năng bất lực trong quá khứ.

Quá khứ là một cú tát vang dội đánh cho Lâm Du tỉnh ra.

Sự phẫn nộ, không cam lòng của cậu, thay vì bảo là hướng vào Lâm Thước, chẳng bằng nói là hướng vào chính mình.

Cuối cùng Lâm Du bị Lâm Bách Tòng chạy vội tới bế lên.

"Không quậy nữa!" Lâm Bách Tòng nổi giận là không ai dám lên tiếng nữa.

Chú thả Lâm Du xuống đất, rồi hỏi: "Tại sao đánh anh?"

Lâm Du rất muốn nói mấy đứa nhóc hư như Lâm Thước không đánh một trận hết hồn ma ra hồn người thì năm phút sau là chứng nào tật nấy.

Lâm Du mím môi, nhìn thẳng vào cha mình: "Gia quy nhà họ Lâm: đối nhân xử thế, gia đình hòa thuận là quan trọng nhất, đối xử với người khác bằng ngay thẳng chân thành. Tích được núi tiền, chẳng bằng giữ được nghề mọn."

Đây là lời ông cụ bắt đám trẻ đảo đầu học thuộc khi còn sống.

Lâm Bách Tòng nhìn cậu không nói gì.

Lâm Du quay lại bàn bưng chén trứng hấp lên, rồi đi tới trước mặt Lâm Thước, đưa cho cậu nhóc nói: "Nếu anh muốn ăn có thể nói, nhưng không được giành, càng không được ỷ có thím hai thương nên ăn vạ."

Đây không phải lời một đứa trẻ năm tuổi nên nói với một đứa trẻ tám tuổi. Cậu có thể lấy lý do là không muốn cho, hoặc cố ý gây chuyện cũng được, nhưng Lâm Du không muốn che giấu bản thân quá mức để thật sự làm một đứa trẻ con không biết gì.

Người được mời đến ăn tiệc hôm nay không chỉ là người trong nhà, có cả thân thích với hàng xóm xung quanh.

Cho nên ấn tượng từ sự việc này cho mọi người là chứng thực câu "nghe nói con trai nhỏ nhà họ Lâm cực kỳ thông minh, xem ra là thật", không ai cảm thấy kỳ lạ.

Ngược lại Lâm Thước bị đánh một trận xong giờ hơi sợ cậu, chần chừ không dám nhận, quay đầu tìm Từ Tuệ.

Từ Tuệ thấy ông chồng Lâm Trường Xuân của mình đứng đực một bên như người câm cũng không tiện nói gì.

Lâm Thước không nhận được chỉ dẫn, cuối cùng vẫn đưa tay nhận.

Nhưng Lâm Du không buông ra, "Anh phải nói gì với em?"

"Gì nữa?" Lâm Thước lại sắp khóc, khịt mũi một cái.

Lâm Du: "Nói cảm ơn em."

"Cảm... ơn."

Từ Tuệ nhìn đứa con ngốc nhà mình, tức thở không ra hơi, mắt đảo trợn trắng lên.

Còn Lâm Bách Tòng thấy Lâm Du hành động như thế thì đi đến xoa đầu cậu, trông rất vui mừng, chú nói: "Tuy đánh nhau với anh em là sai, nhưng con có ý tốt, con trai của Lâm Bách Tòng thì phải như thế."

Nói rồi vẫy tay ra sau lưng, "Chu Nghiêu, qua đây con."

Đến lúc này Văn Chu Nghiêu vẫn đứng ngoài đám đông mới chậm rãi tiến đến.

Cậu ta vốn là nhân vật chính của hôm nay, chiều cao đã đến ngang eo Lâm Bách Tòng. Khác với người nhà họ Lâm, người nhà họ Văn luôn có sự trầm tĩnh đặc hữu, nhưng không phải dạng nhã nhặn mà là kiểu trầm lặng bẩm sinh trong tính cách.

Để Văn Chu Nghiêu đứng giữa người nhà họ Lâm được ngâm tẩm trong kỹ nghệ truyền thống lâu năm, nhìn biết ngay là không phải cùng một dạng người.

Lâm Bách Tòng kéo cậu ta đến gần, nói với mấy đứa nhỏ: "Trong các anh chị em các con, ngoài chị Triệu Dĩnh Tình nhà cô năm ra thì Chu Nghiêu lớn nhất trong các anh em. Bắt đầu từ hôm nay, Chu Nghiêu xếp trên cùng, mấy đứa phải gọi là anh cả."

Lời này khiến cả gia tộc sửng sốt.

Vì tất cả những người họ Lâm đều hiểu ý nghĩa của nó là gì.

Nuôi một đứa nhỏ thì không đáng gì, dù sao tiền cũng lấy ra từ túi riêng của nhà anh cả Lâm Bách Tòng. Nhưng xếp vào hàng ngũ con cháu tương đương với được vào gia phả, ý nghĩa hoàn toàn khác.

Lâm Bách Tòng nhìn quanh một lượt, lại lên tiếng: "Tôi biết mọi người đang nghĩ gì, xin đừng nghĩ nhiều, kỹ nghệ của nhà họ Lâm không truyền ra ngoài, cả đời này Chu Nghiêu chỉ mang họ Văn. Bữa cơm hôm nay xem như tôi đã nhận đứa con trai này, nó có con đường riêng của mình, mọi người không cần phải lo việc thừa thãi."

Sắc mặt người xung quanh thay đổi hẳn, có lẽ chỉ mình Lâm Du hiểu được ý cha mình.

Một năm trước khi cậu bỏ nhà đi lúc mười sáu tuổi, Văn Chu Nghiêu đã rời khỏi Kiến Kinh từ sớm, nghe nói có liên quan đến phía cha cậu ta.

Lâm Du nghĩ chắc chắc cha mình biết gì đó, nhưng cậu không thể hỏi được.

Cậu chỉ kéo kéo vạt áo Văn Chu Nghiêu, ngước mắt nhìn cậu ta hỏi: "Anh muốn học không?"

"Học gì?" Hiển nhiên cậu ta chưa hiểu ý.

"Học nghề."

"Không học." Văn Chu Nghiêu nhìn ra sân, "Chú Lâm thử rồi, anh không hợp với nghề này."

Lâm Du: "..."

Cậu bỗng có cảm giác dở khóc dở cười, thì ra ông chủ Lâm không hài lòng với tay nghề của người ta.

Vì tuy nói nhà họ Lâm không truyền nghề ra ngoài, nhưng nhận đồ đệ thì cũng thế thôi mà.

Lâm Du cúi đầu nhìn bàn tay Văn Chu Nghiêu buông thõng bên người, cũng phải, đúng theo lẽ thường thì tương lai đôi bàn tay này sẽ cầm dao cầm súng chứ không phải trốn trong phòng chạm rồng khắc hoa, làm bạn với cây gỗ.

Mảnh đất Kiến Kinh này không thể giữ chân Văn Chu Nghiêu.

Lâm Du lại kéo áo người ta, thấy Văn Chu Nghiêu cúi đầu mới nói: "Anh không cần lo gì hết, nhà họ Lâm có em rồi."

Văn Chu Nghiêu nhìn cục bột bên cạnh, "Sao cơ?"

"Để em nuôi anh nha."

Lâm Du bất ngờ tít mắt cười với người ta, thành công làm ông cụ non Văn Chu Nghiêu sửng sốt. Nhận được phản ứng đúng như dự đoán, Lâm Du cười tươi hơn.

Cũng ngay lúc đó, đột nhiên cậu bị véo má.

"Ái, đau." Cậu vội thỏ thẻ xin tha.

Kết quả là má còn lại cũng gặp nạn.

Lâm Du có thể tưởng tượng ra cái vẻ ngốc nghếch của mình lúc này, tự thấy mất mặt chết đi được. Một giây sau, bầu má phúng phính được hai bàn tay ôm lấy, còn được xoa xoa cho.

Tiếng Lâm Bách Tòng vang lên sau lưng, "Chu Nghiêu, sao thế?"

"Không có gì đâu chú." Văn Chu Nghiêu bình thản nói: "Tiểu Du nói mặt em ấy bị gió thổi đỏ hết rồi."

Lâm Bách Tòng: "Yếu ớt."

Lâm Hạo vẫn đang được bế hô hào: "Yếu ớt! Lâm Du yếu ớt!"

Lâm Du thật muốn hộc máu, ngẩng đầu nhìn Văn Chu Nghiêu, lần đầu tiên thấy nụ cười ánh lên trong mắt cậu ta.

Như lớp băng lạnh lẽo bao phủ những tháng ngày ròng rã gần hai mươi năm nay bỗng rạn nứt, khiến cậu trộm thấy được nét tính cách non trẻ còn sót lại trong xương tủy trong thời niên thiếu của người đàn ông trưởng thành ấy.

Bước qua nỗi bi thương mất đi cha mẹ, bắt đầu sống động hẳn lên.

Nghi thức cho trẻ mới sinh bốc đồ vật để dự đoán nghề nghiệp tương lai của bé, Việt Nam thường chọn tổ chức vào thôi nôi, Trung Quốc lại thường tổ chức khi trẻ tròn một trăm ngày tuổi.