Sau Khi Dưỡng Thành Đại Nông Hộ

Chương 20: 20 Diều Giấy

Kỳ Hữu Vọng xen lẫn trong một đám hài đồng, nhưng lại không hề có cảm giác quái dị, nét tươi cười xán lạn hồn nhiên ở nhóm hài đồng cũng xuất hiện trên gương mặt nàng, nắng ấm chiếu lên gương mặt ấy, nụ cười của nàng lại chậm rãi khắc sâu vào tâm người khác.

Trần Kiến Kiều chạy đến chỗ Kỳ Hữu Vọng, tầm mắt của nàng ấy vẫn còn đang đặt trên một con diều lớn, nhất thời trong mắt toát ra tinh quang.

Kỳ Hữu Vọng thấy một thiếu nữ xa lạ chạy đến, còn tưởng rằng là thôn dân ở lân cận, vẫn trên nguyên tắc đối xử bình đẳng, nàng chuyển con diều trong tay ra: "Muốn cùng nhau thả diều không?"

Trần Kiến Kiều nhìn Kỳ Hữu Vọng, do dự một lát rồi mới nhận lấy con diều, nàng nói khẽ: "Đa tạ."

"Ngươi biết thả không?" Kỳ Hữu Vọng lại hỏi.

Trần Kiến Kiều lắc đầu: "Ta không biết, nhưng ta đã từng thấy người khác thả rồi."

Kỳ Hữu Vọng kéo một hài đồng mười mấy tuổi đến: "Ta để hắn dạy cho ngươi!"

Trần Kiến Kiều cũng không thèm để ý vì sao người dạy lại không phải là nàng ấy, nàng có hứng thú khá lớn với diều giấy, nên cũng đi theo nhóm hài đồng, dung nhập vào trong thú vui thả diều.

Kỳ Hữu Vọng bỏ lại bọn họ, chạy đi tìm Chu Thư.

Vừa rồi nàng đã thấy Chu Thư, nhưng vì phải nói chuyện với Trần Kiến Kiều, nàng còn chưa vô lễ đến mức tùy tiện phớt lờ đối phương, mà chờ khi nàng nói xong với Trần Kiến Kiều, Chu Thư cũng đã đi đến chỗ cách đó vài thước rồi.

"Chu tiểu thư, ngươi cũng đến thả diều sao?" Kỳ Hữu Vọng hỏi.

Chu Thư không đáp mà hỏi lại: "Trông Kỳ tứ công tử rất nhàn hạ thoải mái, những con diều này là từ đâu mà có?"

"Mấy ngày trước ta thấy một hài đồng đang chẻ gọt tre và tìm giấy, vất vả lắm mới làm được một con diều, kết quả lại không bay lên được, bọn chúng trông rất thương tâm.

Cho nên ta cho người làm thật nhiều diều giấy, dẫn bọn chúng đến thả."

Chu Thư chưa từng nghĩ nàng ấy lại có một mặt thiện tâm như vậy, nhưng mà nhìn nàng ấy cũng chơi rất vui vẻ, đoán rằng cũng không hoàn toàn là vì đám hài đồng này, mà chính nàng ấy cũng muốn chơi.

"Vậy diều của ngươi đâu?" Chu Thư nói xong, hơi ngẩng đầu nhìn lên trời.

"Ở đằng kia! Diều của ta, tất nhiên phải là lớn nhất, thứ long trọng nổi bật nhất phải để lại cuối cùng!" Kỳ Hữu Vọng nói vẻ đương nhiên, còn có chút khẩn cấp mà vẫy tay với Chu Thư, để nàng ấy và bản thân cùng đi.

Chu Thư rất nể tình, không nhanh không chậm đi theo qua, mới nhìn đã thấy một con diều dài vài thước nằm đó, con diều được ghép từ nhiều hình tròn tạo thành hình dáng con rết.

Trên con diều được vẽ loạn nhiều màu sắc, tuy rằng thoạt nhìn có hơi chẳng ra sao, nhưng đã sớm không còn vẻ đáng sợ của con rết nữa.

Có một hài đồng không ngần ngại mà nói: "Con trùng ngàn chân này chẳng giống trùng ngàn chân chút nào!"

Kỳ Hữu Vọng cũng không tức giận, nói: "Sao con diều lại phải giống trùng ngàn chân làm gì? Để ngoại hình của nó giống trùng ngàn chân hơn nữa, vậy thì ta không đi bắt trùng ngàn chân luôn cho rồi?"

Hài đồng này cũng không biết đây là ngụy biện, nhưng đầu óc vẫn còn chút mơ mơ màng màng: "Phải rồi, vì sao không đi bắt trùng ngàn chân chứ?"

Một hài đồng khác cười lên ha ha: "Ta biết là vì ngươi sợ trùng ngàn chân!"

Lúc này Kỳ Hữu Vọng tức giận, hai tay chống nạnh, hỏi hắn: "Ngươi không sợ nó sao?"

Đứa nhỏ này nghĩ nghĩ, lại bị đánh bại: "Ta cũng sợ, nhưng cha Nhị Bảo nói nam tử hán đại trượng phu, ta không thể sợ món đồ chơi này!"

"Cho nên cha hắn bị nó độc chết đó."

Đám trẻ bừng tỉnh đại ngộ: "Cho nên nam tử hán đại trượng phu hẳn là sợ trùng ngàn chân!"

Chu Thư: "..."

Nàng nhìn Kỳ Hữu Vọng bằng vào sự ngụy biện của bản thân cứ thế mà thay đổi nhận thức của đám hài đồng đối với Nam tử hán, nghĩ rằng sở dĩ người này có thể có được miệng lưỡi bén nhọn mà đối phó với Hoàng chưởng quầy, Từ chưởng quầy, chỉ sợ đều là được rèn luyện từ trong đám tiểu hài tử mà ra.

Thế nhưng nàng có hứng thú mà hỏi Kỳ Hữu Vọng: "Nam tử hán đại trượng phu hẳn là sợ trùng ngàn chân sao?"

"Lý ra nên cho bọn chúng có tâm kính sợ với thiên nhiên từ nhỏ.

Bằng không bọn chúng vì để chứng minh bản thân là nam tử hán đại trượng phu, mà đi bắt trùng ngàn chân này thì làm sao? Trước kia cha Nhị Bảo chuyên môn đi bắt trùng ngàn chân ngâm rượu thuốc, nhưng có một lần thất thủ bị cắn lại.

Qua mấy ngày, đã chết rồi."

Chu Thư nghe xong có chút tiếc hận, cũng tưởng tượng đến tình cảnh Nhị Bảo không có cha sẽ có bao nhiêu khốn khổ, nhưng dù sao cũng là một người không quen biết, nàng cũng không có quá nhiều sự đồng cảm với một người xa lạ không liên quan gì nhau.

Lúc này, gió nổi lên, lực chú ý của Kỳ Hữu Vọng lại đặt lên các con diều, nàng nóng lòng muốn thử: "Gió nổi rồi, đến lúc con diều của ta xuất mã rồi!"

Khi hạ nhân ào ào đi qua giúp nàng nâng con diều lên để thả, ban đầu con diều còn có hơi chút bất ổn trong gió, nhưng Kỳ Hữu Vọng không ngừng điều chỉnh, cuối cùng con diều không còn được ai đỡ lấy chậm rãi bay lên trời, trên bầu trời lại có thêm một con diều đầy màu sắc.

Chu Thư nhìn con diều mà lâm vào trầm tư, cho đến khi Kỳ Hữu Vọng trở lại cạnh nàng, nhét ống dây gỗ vào trong tay nàng: "Chu tiểu thư, ngươi thả thử xem!"

Nàng theo bản năng cầm lấy ống gỗ, chỉ là trong lòng không một chút chuẩn bị, suýt đã làm bay mất diều.

Kinh hách rất nhiều, nàng nắm chặt lấy ống gỗ, tay chân luống cuống ổn định con diều trên không trung.

Kỳ Hữu Vọng thấy thế, đã biết là lần đầu nàng ấy thả diều, chỉ là nàng cũng không nói ra, mà nhẹ nhàng nắm lấy tay đối phương, nói: "Thả lỏng một chút, nó sẽ không rơi xuống đâu."

Lực chú ý của Chu Thư còn đang đặt trên con diều, lực kéo từ đầu dây trên kia khiến nàng phải thật cẩn trọng với con diều trên trời.

Thanh âm của Kỳ Hữu Vọng rất nhẹ, lại tự nhiên, giống như nước chậm rãi chảy vào lòng, để nàng tự nhiên theo lời đối phương nói mà thả lỏng một chút.

Qua được một lúc, Chu Thư cảm giác được trên mu bàn tay truyền đến độ ấm, mới đột nhiên giật mình Kỳ Hữu Vọng vậy mà lại nắm tay nàng.

Nàng vừa sợ vừa thẹn vừa tức, nhanh chóng rút tay ra, lại lui về sau hai bước giữ một khoảng cách với Kỳ Hữu Vọng, đồng thời còn thập phần cảnh giác nhìn chằm chằm vào nàng ấy.

Thời điểm nàng làm ra động tác lớn như thế, ống gỗ lập tức rơi khỏi tay, sau đó con diều lấy tốc độ cực nhanh bị gió thổi đi, hạ nhân kỳ gia đuổi theo cũng không kịp.

Kỳ Hữu Vọng có hơi kinh ngạc, ánh mắt nhìn về phía con diều có chút tiếc hận, nhưng nàng cũng không tức giận, mà nói: "Không tồi, tiễn bước vận xấu một năm, phúc khí muốn đến rồi."

Thế nhân thả diều, thường có thói quen cắt dây cho nó bay đi, cũng là vì ngụ ý cát tường đằng sau đó.

Trong lòng Chu Thư tức giận, không chỉ dùng ống tay áo phủ xuống mu bàn tay, trong đầu đang tính toán nên tính sổ tên đăng đồ tử này như thế nào.

- -

Trần Kiến Kiều để ý thấy con diều lớn kia bị thổi bay, lập tức đi đến cạnh Chu Thư và Kỳ Hữu Vọng, nàng tò mò nhìn hai người, cảm thấy không khí dường như có chút không thích hợp: "A tỷ, sao vậy?"

Chu Thư tái mặt, trầm giọng nói: "Không có gì."

Nàng ấy lại nhìn về phía Kỳ Hữu Vọng, rồi sau đó chớp chớp mắt, hiển nhiên cũng không biết Chu Thư đang tức giận điều gì.

"Ngươi quen a tỷ ta sao?" Trần Kiến Kiều hỏi Kỳ Hữu Vọng.

"A tỷ ngươi?" Cuối cùng Kỳ Hữu Vọng cũng hiểu rõ quan hệ của nàng ấy và Chu Thư, "Quen chứ, ta nuôi heo ở đây, bên cạnh trà viên nhà a tỷ ngươi."

"Nuôi heo?" Trần Kiến Kiều đi quanh Kỳ Hữu Vọng vài vòng, "Ngươi không giống như người nuôi heo!"

Kỳ Hữu Vọng hỏi: "Thế nào mới là người nuôi heo?"

Trần Kiến Kiều nghĩ nghĩ một chút: "Người rất hung tợn."

"Đó là đồ tể, đồ tể bán thịt heo không giống với nuôi heo."

"Nhưng người nuôi heo trong thôn chúng ta, cũng không giống như thế!"

Kỳ Hữu Vọng sờ sờ cằm: "Vậy có lẽ là do dáng vẻ ta xinh đẹp, người trong thôn các ngươi không đẹp bằng ta!"

Phần tự tin này xem như là hiếm có khó tìm, Trần Kiến Kiều bị nàng chọc cười, Phụt cười một tiếng, sau đó nhìn khuôn mặt nàng, lại không thể không thừa nhận: "Có lẽ đúng là thế thật!"

Chu Thư bị ngó lơ cũng không tức giận mà phủi tay áo bỏ đi, ngược lại lại chậm rãi thanh tĩnh lại.

Đầu tiên nàng không thể làm lớn chuyện này, bằng không đánh mất thanh danh là chuyện nhỏ, sau này nàng mất đi quyền chủ động ở nhiều chuyện khác mới nghiêm trọng.

Tiếp theo, nàng nhớ lại cảm giác vừa rồi bị nắm tay, cũng không có sự thô ráp vốn có của nam tử trong tưởng tượng, ngược lại lại phi thường trơn mềm.

Nếu nói Kỳ Hữu Vọng được nuông chiều từ bé, cho nên hai tay đặc biệt trơn mềm, cho là đúng như vậy, thế nhưng nàng phát hiện đôi tay này còn rất thon dài mảnh mai, không giống đôi tay dày rộng của nam tử.

Nghĩ như vậy, cảm giác phản kháng trong lòng nàng cũng vơi đi rất nhiều - - Chủ yếu là dường như nàng cũng không chán ghét đôi tay kia.

Mặc dù như thế, nàng cũng không tính tha thứ cho việc Kỳ Hữu Vọng vô lễ.

Nàng liếc nhìn hai người đang nói chuyện kia, xoay người liền rời đi.

Mặc dù Trần Kiến Kiều đang trò chuyện rất vui vẻ với Kỳ Hữu Vọng, nhưng vẫn đuổi kịp cước bộ của a tỷ nhà mình, còn vừa đi vừa quay đầu vẫy tay tạm biệt với Kỳ Hữu Vọng.

- -

Kỳ Hữu Vọng đưa mắt nhìn người làm thuê trong Sinh cơ nhàn viên đang tiểu tiện trong bụi cỏ, đột nhiên hiểu được vì sao Chu Thư tức giận.

Nàng gãi gãi đầu, mang vẻ mặt chán nản quay lại biệt trang.

Chu lão mẫu thấy nàng cao hứng ra cửa, nhưng lại mất hứng mà về, không khỏi hỏi nàng: "Xuân Ca nhi sao thế, không phải ra ngoài thả diều à, chơi không vui sao?"

Kỳ Hữu Vọng rầm rì một chút, ngồi xuống cạnh chu lão mẫu, nói vẻ chán nản: "Lão mẫu, sao con cứ luôn quên mất hiện thời con đang là thân nam nhi chứ?"

Chu lão mẫu vội vàng nhìn quanh bốn phía, phát hiện không có ai xung quanh, thế này mới nhẹ nhõm thở phào một hơi.

Bà nói: "Không phải Xuân Ca nhi không thèm nghĩ đến chuyện này nữa sao? Sao hôm nay lại bỗng nhiên nhớ đến nó vậy?"

"Con làm người khác tức giận, bây giờ sợ là người ấy hiểu lầm con là đăng đồ tử, kẻ vô lại rồi."

Chu lão mẫu suy nghĩ một chút liền biết Người ấy trong mịệng Kỳ Hữu Vọng là một nữ tử, bà nghe xong cũng có chút đau đầu, dù sao từ khi còn nhỏ ngoại trừ Phương thị và bà, thì Kỳ Hữu Vọng ít khi có hành động thân thiết với người khác, lại càng sẽ không để ý đến giới tính của bản thân sẽ gây ra hiểu lầm gì không.

Bỗng nhiên bây giờ nàng lại để ý đến việc này, lại vì thế mà rầu rĩ không vui, việc này chứng minh đối phương trong lòng nàng, chí ít là rất có phân lượng.

Nếu không phải bà biết Kỳ Hữu Vọng là thân nữ nhi, mà đối phương lại là nữ tử, sợ là bà sẽ cho rằng Kỳ Hữu Vọng đây là đang tương tư - - Bởi vì để ý đến cái nhìn của đối phương, cho nên mới sẽ bắt đầu chú ý đến bản thân có thiếu sót hay không.

Cho rằng Kỳ Hữu Vọng khó khăn lắm mới tìm được hảo bằng hữu tri tâm, Chu lão mẫu hỏi: "Đó là tiểu thư nhà nào?"

"Lão mẫu có biện pháp sao?" Kỳ Hữu Vọng không đáp mà hỏi lại.

Chu lão mẫu suy nghĩ một lúc rồi nói: "Cũng không dám nói là dùng được, chỉ là biện pháp tốt nhất đó là nhận lỗi.

Nhưng thân phận của Xuân Ca nhi có chút không tiện, việc này không thể nói ra bên ngoài, miễn cho liên lụy đến trong sạch của nàng ấy."

Kỳ Hữu Vọng có chút đồng ý mà gật đầu, nói: "Hơn nữa Chu tiểu thư hành tẩu bên ngoài, quan trọng nhất chính là thanh danh, cho nên việc này không thể truyền ra ngoài! Nhưng lại phải làm nàng nguôi giận."

Chu lão mẫu nói: "Để lão thân nghĩ thêm, nhưng xuân ca nhi cũng không cần lo lắng, nhất định có thể nghĩ được biện pháp giải quyết thích đáng, chỉ cần nàng ấy hết giận, con cũng không cần vì thế mà buồn bã không vui nữa rồi."

Tác giả có chuyện muốn nói:

Chu lão mẫu: Đây là hảo bằng hữu tri tâm của Xuân Ca nhi, ta phải giúp Xuân Ca nhi lấy lại tâm nàng ấy.

Sau này.

Chu lão mẫu:...!Năm đó ta đã làm gì thế này!.