Toà Tháp Hoa Hồng

Chương 1: Tiết thu phân* (1)

[*] Tiết thu phân theo lịch Trung quốc cổ đại là tiết khí có điểm khởi đầu bằng điểm giữa của mùa thu và cũng là một trong hai mươi tư tiết khí trong nông lịch. Thường bắt đầu trong khoảng từ ngày 23 hoặc 24/09 và kết thúc vào ngày 08/10 dương lịch. Tất cả tên chương của truyện đều được tác giả đặt theo 24 tiết khí của Trung Quốc.

Sau này Ninh Tê nhớ lại, vào đêm trước khi gặp Ôn Lĩnh Viễn ở Thanh Hạnh Đường, cô đã mơ một giấc mơ.

Trong mơ có một tòa tháp cao và xa vời vợi.

Đời này cô chưa từng cố gắng theo đuổi bất kỳ thứ gì, ngoại trừ tòa tháp kia. Chạy một lúc lâu, như thể chỉ cần giơ tay là với tới nhưng thật ra vẫn ở xa tận chân trời.

Nhớ tới lần đầu tiên gặp mặt, Ninh Tê đã nói tên của anh có loại khí chất “Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.” [*]

[*] Câu thơ được trích từ bài thơ “Tả thiên chí Lam Quan thị điệt tôn Tương” của Hàn Dũ, có nghĩa là: “Ải Lam tuyết ngập ngựa khó sang.” (Bản dịch của Phụng Hà). Tương là Hàn Tương, cháu của tác giả. Truyền thuyết cho rằng Hàn Tương là một trong bát tiên. “Liệt tiên truyện” kể rằng nhân một bữa tiệc, Hàn Dũ muốn uống trà sen nhưng đang mùa đông nên chẳng tìm đâu ra sen. Hàn Tương lấy một mảnh lụa phủ lên chiếc lọ cắm hoa, phút chốc từ lọ nở ra mấy đoá sen, trên cánh có hai câu luận của bài thơ này. Hàn Dũ lúc bấy giờ không hiểu, mãi khi bị đày đến Lam Quan mới hiểu ra ý nghĩa.

Khi đó chưa từng nghĩ tới lời này lại trở thành sự thật.

Cổ của bà nội bị đau suốt ba ngày, đến ngày thứ tư khi nghiêng đầu cũng thấy khó khăn mới nhờ Ninh Tê giúp.

Ninh Tê gọi điện thoại cho Ninh Trị Đông nhưng không có ai bắt máy. Cô bèn lấy chìa khóa xe trong ngăn kéo ở thư phòng chở bà tới bệnh viện. Xếp hàng đã nửa tiếng mà ở phía trước vẫn còn ba số nữa.

Bà nội nói: “Tê Tê mau đến trường đi, sắp trễ rồi.”

“Không sao, cháu đã xin nghỉ rồi.”

Trên cửa có dán một dòng chữ “Mời lấy số để vào trong” ấy vậy mà vẫn có người dẫn theo người nhà xông thẳng vào. Ninh Tê giận dữ bước tới cản lại: “Bộ gọi tới số của anh rồi hả?”

Không biết đó là bệnh nhân hay người nhà mà giơ chiếc túi nilon chứa cuộn phim chụp cộng hưởng từ [*] lên, suýt nữa đã hất vào mặt Ninh Tê: “Bác sĩ đã nói khi nào có kết quả thì có thể đi thẳng vào nha!”

[*] Chụp cộng hưởng từ hay viết tắt là MRI (Magnetic Resonance Imaging) là một kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể nhờ sử dụng từ trường và sóng radio. Phương pháp này không sử dụng tia X và hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân.

Tính tình của bà nội thuộc kiểu một điều nhịn chín điều lành nên nhanh chóng kéo Ninh Tê lại: “Tê Tê, không sao đâu, chúng ta cứ đợi đi, sắp đến rồi mà.” Có lẽ do đụng tới gân cốt nên bà đau đến kêu “shh” một tiếng.

Ninh Tê vội đỡ bà nội và đưa mắt nhìn người kia vênh váo bước vào trong.

Nửa tiếng sau, cuối cùng cũng tới lượt bà nội.

Bác sĩ vừa xoa bóp vừa thử ấn vào. Ông ấy nói có thể vấn đề nằm ở phần cột sống cổ nhưng không nhìn ra được là gì nên bảo phải chụp cộng hưởng từ. Vậy nên ông viết bệnh án, in ra và viết thêm vài dòng chữ lên đó rồi bảo Ninh Tê đến khoa MRI đặt lịch hẹn.

“Hôm nay có thể chụp được không?”

“Cô đến hỏi khoa MRI đi, nhưng chắc là không được đâu.”

“Nhưng bà tôi đang rất đau.”

“Tôi sẽ kê ít thuốc cho dùng trước. Đợi khi nào có kết quả chụp thì mang đến cho tôi xem.”

“Có cần phải lấy số lại không ạ?”

“Có.”

“Nhưng mới vừa rồi có người cầm kết quả đi thẳng vào mà.”

Bác sĩ liếc cô một cái: “Vậy đến lúc đó cô cứ đi thẳng vào đi. Tôi chỉ khám bệnh vào buổi sáng thôi.”

Bên khoa MRI bảo đến chụp vào buổi chiều ba ngày sau.

Ninh Tê đóng tiền rồi đi lấy thuốc. May là hiện nay có thể thanh toán qua tài khoản WeChat nên cũng tiết kiệm được thời gian xếp hàng.

Thuốc giảm đau cộng thêm ba miếng thuốc dán. Ở cửa bệnh viện, Ninh Tê xé miếng thuốc dán ra và dán cho bà nội ngay tại chỗ. Tóc bà nội đã bạc hơn một nửa, sợi tóc rất mềm mại. Bà mặc một bộ đồ màu nâu cánh gián bằng vải bố, trên quần áo có mùi của nắng.

Ninh Tê đột nhiên muốn khóc.

“Bà nội, bà thấy sao rồi?”

Bà nội đáp: “Hơi lạnh.”

“Có hiệu quả không ạ?”

“… Cũng được, nhưng chắc không nhanh tới vậy đâu.”

Trên đường lái xe về, bà nội hỏi: “Không liên lạc được với ba của cháu à?”

“Vâng ạ.”

“Chắc nó bận đấy, làm ăn thì bận bịu là phải rồi. Nên Tê Tê cháu cũng đừng có trách nó.”

Ninh Tê chẳng ừ hử gì cả.

Khi xe chạy ngang qua một phòng khám Đông y có tên là “Thanh Hạnh Đường”, Ninh Tê chạy chậm lại, do dự một lúc rồi tấp xe vào lề đường, lấy điện thoại ra mở app đánh giá, đánh chữ “Thanh Hạnh Đường” vào khung tìm kiếm rồi kéo đến trang đánh giá dành cho người sử dụng dịch vụ.

“Bị đau hơn nửa tháng nhưng chỉ cần châm cứu bốn lần là đã thấy hiệu quả rõ rệt.”

“Nghe bạn giới thiệu rằng bác sĩ Ôn rất tài giỏi nên mới đến thử. Tôi đã đến bệnh viện để chữa căn bệnh chàm [*] của mình suốt một thời gian dài mà vẫn bị tái phát. Ấy thế mà bác sĩ Ôn chỉ cần kê ba thang thuốc thôi mà tình trạng khá hơn hẳn.”

[*] Bệnh chàm (eczema) là bệnh da liễu mãn tín, đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy dai dẳng, da nổi mụn nước, trợt loét, chảy dịch, nhiễm cộm và dày sừng.

“Môi trường ở phòng khám yên tĩnh và sạch sẽ, bác sĩ cũng rất kiên nhẫn.”

….

Ninh Tê hỏi bà lần nữa: “Cổ bà đã thấy khá hơn chút nào chưa ạ?”

Bà nội ấn vào chỗ được dán thuốc, vẻ mặt hơi bối rối, giống như không biết có nên nói dối không.

Ninh Tê dừng xe rồi cầm lấy túi giúp bà nội: “Chúng ta xuống xem thử đi.”

Ba năm trước, bà nội và ông nội vẫn còn ở quê. Sau khi ông nội mất thì bà nội chuyển đến thành phố Nam sống nhưng cho tới giờ vẫn chưa thích ứng được. Những chiếc xe hơi lao vùn vụt đối với bà chẳng khác nào mấy con thú dữ bằng sắt. Đứng trước làn đường dành cho người đi bộ, trông bà còn khẩn trương hơn cả học sinh tiểu học lần đầu đến trường một mình.

Cho đến khi đèn đỏ ở bên kia đường chuyển sang màu xanh, Ninh Tê mới cầm lấy tay bà, nói: “Bà nội, đi thôi.”

Bà yên tâm đi theo. Cô cháu gái này của bà trông thì lạnh lùng, tựa như không quan tâm tới ai nhưng thật ra lòng bàn tay lại rất ấm áp.

Bảng hiệu của Thanh Hạnh Đường đối diện với đường cái nhưng muốn vào trong thì phải đi vòng ra phía sau, băng qua một con đường đá nhỏ với hàng tre ở hai bên. Trước cửa là một khoảnh sân trồng một loài hoa nhỏ màu đỏ tím không biết thuộc giống nào. Ở giữa sân có một bộ bàn ghế và chiếc đèn lồng bằng đá đã bị rêu xanh bám đầy.

Đẩy cửa ra, thứ đập vào mắt đầu tiên là sảnh chờ rộng rãi với sàn gỗ màu nâu sậm, khi đi sâu vào trong sẽ thấy tấm bảng hiệu “Thanh Hạnh Đường” bằng sắt sơn đen được treo trên bức tường gạch xanh. Ở trước bảng hiệu là một chiếc bàn gỗ to, hai bên lối đi có bày hàng ghế bành để cho người ta ngồi nghỉ.

Bức tường phía bên trái ở sảnh chờ có treo ảnh và bản lý lịch đơn giản của các nhân viên y tế ở phòng khám. Còn phía bên phải là một cánh cửa nhỏ với tấm mành trúc màu xanh, ở sau nó hình như là phòng phát thuốc.

Lần đầu tiên Ninh Tê ngửi thấy mùi hương độc đáo của các loại thuốc khi được trộn lẫn vào nhau ở phòng khám Đông y, trong vị đắng còn xen lẫn cả hương vị mát lạnh.

Cô nhìn quanh hồi lâu nhưng không biết nên đi hướng nào. Cho đến khi tấm mành được vén lên và một cô gái trẻ mặc áo blouse trắng bước ra: “Cô đến khám bệnh à?”

Ninh Tê gật đầu.

Cô gái trẻ dẫn họ tới một gian phòng nhỏ ở đầu dãy hàng lang bên trái. Cánh cửa được ngăn cách bởi một bức bình phong bằng gỗ. Cũng là sàn nhà bằng gỗ màu nâu sậm nhưng vì nằm ở đối diện cửa sổ nên trông rộng rãi sáng sủa hơn trong sảnh chờ.

Ninh Tê và bà nội ngồi trên ghế bành đợi khoảng ba phút. Ngoài cửa vang lên tiếng bước chân, có bóng người đong đưa trên bức bình phong.

Người đến là một người đàn ông cao lớn mặc áo blouse trắng, gương mặt yên tĩnh lạnh nhạt, trên người có loại khí chất lạnh lùng, cao quý như ngọc.

Ninh Tê nhìn anh rồi chớp mắt một cái: “Tôi biết chú, chú là bạn của ba tôi.”

Người đàn ông hơi ngây ra, ánh mắt nhìn về phía khuôn mặt cô, dường như rất nghi ngờ.

Ninh Tê nói tiếp: “Ba tôi là Ninh Trị Đông.”

“À, Ninh Tê.” Ôn Lĩnh Viễn cười nhẹ: “Đã lâu không gặp.”

Khó trách anh không nhớ vì dù gì họ chỉ mới gặp nhau có một lần trong một bữa cơm vào bốn năm trước khi Ninh Tê mười ba tuổi.

Ninh Tê đã quên vì sao khi ấy mình lại bị dẫn đến đó rồi, chỉ nhớ bữa cơm đó rất ngột ngạt, vừa dài vừa chán. Cô vừa lúc ngồi cạnh Ôn Lĩnh Viễn và sau khi quan sát một vòng thì cô thấy chỉ có anh là người lớn bình thường nhất ở đó thôi. Cái gọi là bình thường có nghĩa là anh không giống như những người khác sau khi rượu quá ba tuần là bắt đầu lộ thói xấu ra, la hét đến nỗi mặt đỏ tới mang tai rồi lại chơi oẳn tù tì ép rượu, luôn miệng xưng anh gọi em. Từ đầu đến cuối sắc mặt anh vẫn luôn bình tĩnh thản nhiên, trông giống như một người ngoài cuộc.

Ninh Tê nghĩ có lẽ anh cũng thấy chán, bằng không cũng sẽ không chủ động bắt chuyện với cô khi cô đang cố gắng lột vỏ quả cam.

Anh lột vỏ giúp cô và hỏi cô tên là gì.

“Ninh Tê, Tê trong ‘cây mộc tê’ [*].”

[*] Chi Mộc tê hay chi Hoa mộc (danh pháp khoa học: Osmanthus) là một chi của khoảng 30 loài thực vật có hoa trong họ Ô liu (Oleaceae), chủ yếu có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm của châu Á (từ Kavkaz về phía đông tới Nhật Bản) nhưng một loài (O. americanus) lại có nguồn gốc Bắc Mỹ (đông nam Hoa Kỳ từ Texas tới Virginia).

“Cháu sinh ra vào mùa thu à?”

Ninh Tê hơi ngạc nhiên bởi vì anh không hỏi “tê” trong “mộc tê” là từ nào. Đây rõ là kiến thức thông thường vậy mà cô đã gặp qua rất nhiều đứa con trai ngốc như bò nói rằng không biết từ này. Sau đó, khi cô chỉ cho họ biết từ “tê” này viết như thế nào thì lại bị đám con trai ngu ngốc kia cười nhạo rằng: Đến lúc thi, khi mọi người đã làm tới câu thứ ba thì chắc cậu vẫn còn đang ngồi viết tên đấy.

Ninh Tê gật đầu, hỏi anh: “Còn chú tên là gì?”

“Ôn Lĩnh Viễn, Lĩnh trong ‘núi non trùng điệp’, Viễn trong ‘xa xôi’.”

Ninh Tê nói: “Tên của chú có loại khí chất ‘Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền’ đấy.”

Cũng vì câu ví von độc đáo này của Ninh Tê mà đến tận bốn năm sau Ôn Lĩnh Viễn vẫn nhớ đã từng gặp cô rồi.

Bốn năm đủ để một cô bé đang trong tuổi dậy thì lột xác thành thiếu nữ duyên dáng yêu kiều trước mắt và chỉ còn sót lại chút bóng dáng của năm mười ba tuổi.

“Đây là…”

“Bà nội tôi. Bà bị đau cổ suốt ba ngày nay rồi. Bệnh viện nói phải chụp X-quang mới có thể chẩn đoán chính xác nhưng tôi lo bà sẽ đau đến không chịu nổi mất.”

Ôn Lĩnh Viễn gật đầu: “Vậy cháu sang phòng bên cạnh chờ đi để tôi khám cho bà trước đã.”

Ninh Tê đứng lên, cảm thấy cần phải nói rõ lập trường của mình: “Bạn tôi ai cũng nói Đông y đều là lừa gạt.”

Ôn Lĩnh Viễn không hề biến sắc, chỉ đưa mắt nhìn cô: “Cháu đã chọn đến đây để thử thì đã nói rõ rằng cháu bằng lòng tin tưởng một lần.”

Khi đứng trước mặt anh mới biết anh cao như thế nào. Chiều cao của Ninh Tê đã là 1m67 rồi mà vẫn phải gắng sức ngửa đầu nhìn anh: “Vậy tôi có thể tin tưởng chú không?”

“Nếu như không nắm chắc thì tôi sẽ không qua loa lấy lệ với cháu và cũng sẽ không lấy bất kỳ phí xem bệnh nào.”

Ninh Tê rất hài lòng với câu trả lời này nên trong lòng khoan khoái hơn hẳn.

Phòng kế bên là phòng trà nước. Trên chiếc ghế gỗ bày một chiếc gối màu hạnh nhân và những giá sách thấp được đặt dọc theo tường. Ban đầu cứ nghĩ tất cả đều là sách liên quan đến Trung y, nhưng xem lướt qua mới biết chúng đều là những tác phẩm văn học.

Ninh Tê rút ra một tập văn xuôi của Bạch Tiên Dũng [*] rồi đi tới chiếc ghế ở trước cửa sổ ngồi xuống. Không bao lâu sau, cô gái trẻ vừa rồi mang bánh bích quy và trà bước vào phòng.

[*] Là một tác giả người Đài Loan, nổi tiếng với tác phẩm “Nghiệt tử” khắc họa về cuộc sống của cộng đồng người đồng tính và một phần hiện thực xã hội.

Bánh bích quy được đặt trong một chiếc giỏ mây, lót bên dưới là một tờ giấy lọc trắng như tuyết có viền hoa. Bình trà bằng gốm màu đen, nước trà trong vắt, nếm một ngụm sẽ thấy đắng nhưng đi kèm với bánh bích quy là vừa miệng.

Ninh Tê vốn không phải là người thích đọc sách nên tập văn xuôi mới chỉ đọc có hai trang đã bị cô đặt lại lên giá sách rồi lấy điện thoại ra chơi.

Trên WeChat hiển thị có một tin nhắn chưa đọc đến từ Tô Vũ Nùng: [Ha ha, cúp học hả?]

Ninh Tê: [Dẫn bà nội đi khám bệnh.]

Rõ ràng đang là giờ học thế mà Tô Vũ Nùng lại trả lời cô rất nhanh: [Sao lại là cậu dẫn đi, ba cậu đâu?]

Ninh Tê: [Không biết, chắc chết rồi.]

Tô Vũ Nùng: [Vậy chiều có đến lớp không? Mới nãy Phương Thành Hiên có tới tìm cậu, bảo là số điện thoại và WeChat của cậu ta đều bị cậu kéo vào danh sách đen hết rồi nên hỏi tớ cậu đang ở đâu.]

Ninh Tê: [Cậu bảo cậu ta cứ coi như tớ đã chết đi.]

Tô Vũ Nùng: [Thôi đừng vậy, cậu ta cũng đáng thương mà.]

Tô Vũ Nùng gửi ảnh cuộc đối thoại giữa cô ấy và Phương Thành Hiên sang cho cô xem, qua đó thấy Phương Thành Hiên đã nhắn rất nhiều biểu tượng khóc lóc.

Bấy giờ Ninh Tê mới nhớ ra cô vẫn chưa kể cho Tô Vũ Nùng nghe chuyện xảy ra vào cuối tuần vừa rồi.

Ninh Tê: [Chiều vào học tớ sẽ kể tường tận cho cậu nghe.]

Thoát khỏi khung chat, Ninh Tê mở Weibo lên, sau khi lướt đến chán chê rồi thì bỏ di động xuống ngồi ngẩn ngơ.

May là không lâu sau, Ôn Lĩnh Viễn đã sang đây tìm cô để thương lượng phương án chữa trị.

“Dây thần kinh cột sống bị chèn ép.” Ôn Lĩnh Viễn chỉ vào mô hình bộ xương ở bên cạnh cho cô xem, “Cho nên mới bị đau dai dẳng rồi sau đó sẽ dẫn đến chứng đau đầu, ù tai, tức ngực và những triệu chứng khác.”

Anh thấy Ninh Tê ngẩn người thì hỏi: “Tôi giải thích vậy cháu có hiểu không?”

Ninh Tê gật đầu: “Chú nói không khác gì mấy bác sĩ ở khoa Chỉnh hình. Vậy mà tôi cứ tưởng chú sẽ nói toàn mấy thuật ngữ như là khí hư, tỳ hư, huyết hư gì đó chứ.”

“Những thuật ngữ mà cháu vừa nói cũng đâu phải là mấy lời bịa đặt.”

“Nhưng nếu như chú nói với tôi những thứ này thì có thể tôi sẽ không tin tưởng chú đâu.”

Ôn Lĩnh Viễn cười một tiếng, giống như hơi bất đắc dĩ.

“Vậy phải chữa thế nào đây?”

“Châm cứu, ngải cứu và phối hợp với vật lý trị liệu.” Anh thấy Ninh Tê có vẻ nghi ngờ bèn nói: “Có thể để cho bà thử một lần, nếu như không có hiệu quả thì sẽ không lấy tiền.”

“Chú mở phòng khám kiểu này không sợ lỗ vốn à?”

“Là phòng khám của ông nội tôi nên có lỗ cũng là ông ấy lỗ mà.” Ôn Lĩnh Viễn cười đáp.

Trong phòng châm cứu thơm mùi ngải cứu đang có rất nhiều người. Có một ông chú ngồi cạnh cửa sổ, trên mặt châm đầy kim. Cây kim được buộc một sợi dây nối với một chiếc máy nhỏ, hình như đang mở điện. Ninh Tê chỉ nhìn thôi mà mặt còn thấy nhói, vậy mà trông ông chú kia chẳng có vẻ gì là đau cả.

Ôn Lĩnh Viễn tự mình chuẩn bị giường bệnh cho bà nội và trước đó y tá cũng đã đổi sang ra trải giường bằng vải không dệt màu xanh da trời.

Bà nội có hơi sợ bèn hỏi Ôn Lĩnh Viễn: “Có đau không cháu?”

“Lúc châm kim vào sẽ hơi đau ạ.”

Ninh Tê vội nói: “Nhưng họ nói châm cứu hoàn toàn không đau mà.”

Ôn Lĩnh Viễn nhìn cô: “Hay là cháu tự mình thử trước đi?” Lúc anh cười lên, tuy vẫn là gương mặt đó nhưng lập tức khiến cho người ta cảm thấy xa cách.

Bất kỳ ai mà bị nghi ngờ tính chuyên nghiệp hết lần này đến lần khác thì cũng sẽ cảm thấy mất hứng thôi.

Vì vậy, Ninh Tê hỏi một câu cuối cùng: “Chú tự mình châm à? Nếu là người khác…” Cô nhìn về phía những bác sĩ khác ở ngoài cửa, “Tôi không yên tâm.”

“Không phải ai cũng có thể dùng phương pháp châm cứu,” Ôn Lĩnh Viễn nhìn cô, sự kiên định trong mắt khiến cho người ta tin tưởng, “Tôi sẽ tự mình châm.”

Ninh Tê quay lại phòng trà nước, thấy cô gái trẻ kia đang thêm trà và bánh bích quy cho cô.

Cô chờ ở trong phòng đến nhàm chán. Mà đúng lúc này, Ninh Trị Đông lại gọi điện thoại tới khiến lửa giận trong lòng cô hoàn toàn bùng lên.

Ninh Trị Đông: “Sáng con gọi cho ba à?”

“Hóa ra ông còn chưa chết.”

“Nói chuyện kiểu gì vậy?!”

Ninh Tê quát: “Ninh Trị Đông, mẹ ông bị bệnh mà ông không hề quan tâm, suốt ngày chỉ biết ở ngoài đánh bạc với chơi gái thôi.”

Ninh Trị Đông muốn nổi giận nhưng lại đuối lý. Nghẹn một lúc lâu mới hỏi: “Bà nội con sao rồi? Có nghiêm trọng không?”

Ninh Tê không muốn đáp lời.

“Tê Tê, con chăm sóc cho bà nội trước đi, ba… chậm nhất là ngày mốt ba sẽ về. Ba sẽ cho con ít tiền, nếu không đủ thì cứ xin thêm. Dì Trương đâu? Dì ấy không đến phụ giúp à?”

Ninh Tê cúp điện thoại, Ninh Trị Đông cũng không gọi lại nữa. Chừng nửa phút sau, điện thoại nhận được thông báo từ ngân hàng rằng thẻ của cô vừa được nạp thêm mười vạn.

Ninh Tê cầm di động ngây ngẩn một lúc mới nhận ra ở cửa có người đang đứng.

Ngẩng đầu nhìn sang, là Ôn Lĩnh Viễn không biết đã đứng ở đó bao lâu rồi.