Viên Xuân Thiên

Chương 14

Tôi phát hiện ra con người tôi đúng là rất xấu xa, hơn nữa còn chuyên môn bắt nạt người yếu hơn, cũng chính là Viên Xuân Thiên.

Nhưng tôi đúng là đã đánh giá thấp người ta, Viên Xuân Thiên bảo tôi: “Em không biết chữ, nhưng biết đếm.”

Được thôi, không dễ lừa thế à.

Coi người mù chữ thành thằng ngốc là lỗi của tôi, tôi xin lỗi.

Tôi viết tên tôi lên giấy, em hỏi tôi chữ “Lai” ấy có nghĩa gì. (涞)

Tôi ngại ngùng bảo rằng bố tôi đặt bừa cho tôi, vốn định đặt là Viên Lai (来 trong tương lai), nhưng cảm thấy thêm ba chấm thuỷ thì trông ngầu hơn.

“Nghe đây, bố em giờ sẽ dạy em đạo lí đầu tiên trong đời người,” Tôi cố tình nói vẻ thâm sâu, “Đừng gặp phải câu hỏi nào cũng đi hỏi người khác, muốn biết được đáp án, phải tự mình tìm kiếm.”

Em ngoẹo đầu nhìn tôi, hồi lâu mới nói một câu: “Anh không phải bố em.”

Em vốn không nắm được trọng điểm, tôi chẳng buồn để ý đến em.

Sau đó, em ngồi một mình ở đó viết đi viết lại tên tôi, chỉ hai chữ đó, viết mất mấy tờ giấy liền.

Tôi hỏi em: “Viết nhiều thế làm gì?”

Em cầm lên, mở từng tờ một ra: “Có đẹp không?”

Hai chữ này, có lẽ em đã viết hơn trăm lần, từ khi nắng còn chói chang đến lúc hoàng hôn đổ bóng.

Mấy lần liền tôi đi qua bên này đều trông thấy em cúi đầu chăm chú vô cùng, nắm chặt cây bút đó, thận trọng viết từng nét ngang sổ phẩy mác.

Từ chữ “Viên Lai” đầu tiên đến chữ “Viên Lai” cuối cùng, chữ của em tiến bộ thần tốc.

“Viết tên anh vô dụng thôi,” Tôi bảo, “Em luyện tên em ấy, sau này ra ngoài phải viết tên nhiều lắm.”

Em cười, nhìn đăm đăm vào “Viên Lai”, bảo tôi: “Em thích tên anh cơ.”

Sau đó em lại quay lại nhìn tôi: “Thích cả anh nữa.”

Đúng là buồn bực, tôi bị ánh mắt chân thành quá mức của em làm cho không thể không né tránh tầm mắt của em.

Tôi chột dạ cái gì?

Tôi là bố em.

Trước khi mặt trời xuống núi, tôi ra ngoài một chuyến, để em trông tiệm, nếu có người đến mua sách thì bảo người ta chờ một chút, tôi về ngay thôi.

Tôi đến cửa hàng chếch bên kia đường mua một cái bánh ngọt nhỏ, chính là cái loại bánh ngọt bơ hơn hai mươi tệ một cái ở chuỗi cửa hàng bánh, to bằng bàn tay, chẳng được hai miếng đã ăn hết.

Tôi còn đặc biệt mua nến và mũ sinh nhật, đắn đo thế nào cũng phải ra dáng.

Thực ra tôi không cần để tâm đến em như vậy, đợi đến khi hộ tịch của em xong xuôi, bên trạm cứu hộ cũng sẽ sắp xếp kế sinh nhai cho em, em cũng nên đi thôi.

Thế nhưng mỗi lần em nhìn tôi, tôi cứ cảm thấy ánh mắt đó chân thành quá, nếu tôi không đổi xử tốt với em, thì đúng là không chấp nhận được.

Lương tâm không chấp nhận được.

Trên đường về tôi tự chế giễu bản thân, sống gần ba mươi năm nay, ngoảnh đầu lại phát hiện thì ra mình là một nhà hảo tâm.

Lúc đẩy cửa bước vào, thằng nhóc đó còn ngồi ở đấy viết tên tôi, dùng bút bi màu xanh lam, viết lên lòng bàn tay mình.

Tôi hỏi em: “Làm gì đấy?”

Em bảo: “Giữ chặt anh rồi.”

Thằng nhóc này thế mà lại mưu đồ giữ tôi, em nằm mơ thì nhanh hơn đấy.

Tôi dọn lại bàn, mấy tờ giấy em viết đầy tôi vốn định vứt đi, cuối cùng vẫn xếp gọn lại đặt vào một góc.

Em nhìn bánh ngọt, cười đến mức sắp chảy cả nước miếng.

“Biết đây là cái gì không?”

“Từng trông thấy.” Em nói, “Em ngoài đứng ngoài cửa sổ nhìn.”

Tôi tưởng tượng khi ấy em bẩn thỉu đứng bên ngoài tiệm bánh ngọt nhìn bánh được bày biện trong tủ, chỉ một tấm kính ngăn đôi hai thế giới.

Tôi không nói nhiều, nhưng đột nhiên thấy hơi hối hận, đáng ra tôi nên mua cho em cái to hơn, nhìn đẹp hơn.

Tôi cắm cây nến số “18” lên chiếc bánh ngọt bé tí, rồi đội mũ sinh nhật cho em.

Tôi nói: “Ma mới biết rốt cuộc em bao nhiêu tuổi, coi như hôm nay em mười tám đi.”

Tôi chỉ vào lịch để bàn: “Ngày 18 tháng 3, hôm nay Viên Xuân Thiên mười tám tuổi.”