Anh Đào Hổ Phách

Chương 57

Ngày nghỉ Quốc khánh, bốn giờ chiều, Tưởng Kiều Tây rời khỏi nơi dạy kèm ở Tiêm Sa Chủy. Ba mẹ của học trò tiễn cậu ra tận cổng, ân cần hỏi thăm nghỉ đông này và qua sang năm cậu có thể sắp xếp được thời gian đến dạy tiếp hay không: “Con bé không thích lớp luyện thi Olympic toán và thầy dạy kèm trong trường, một hai nhất định đòi cô chú phải mời bằng được thầy Tưởng đến dạy.”  

Tưởng Kiều Tây nhận lấy tiền lương cất vào túi, ái ngại xin lỗi: “Sau này con không có thời gian.”

Giọng của cậu luôn trầm thấp nhẹ nhàng, ngữ điệu có phần lạnh lùng xa cách nhưng đồng thời lại hết mực lễ độ khiêm nhường, quả thật khiến người ta khó lòng bắt bẻ.

Tựa như con người cậu chẳng qua trời sinh ít tình cảm, mới khiến cho người khác không có cách nào xích lại gần. Cậu không hề vô tâm lạnh lùng, chỉ là có đôi chút kiêu ngạo xuất phát từ sự tự tin mạnh mẽ của một người sinh ra đã vượt trội. Từ phong thái, diện mạo của cậu mà nói, không có điểm nào giống với người gia cảnh không tốt, chỉ có thể bán rẻ thời gian làm gia sư dạy kèm ở Hồng Kông.

Tưởng Kiều Tây đeo cặp trên vai, tay cầm túi táo đường ba mẹ học trò đã biếu trước khi về. Cậu lên tuyến Thuyên Loan, xung quanh là một tốp sinh viên trong đội khúc côn cầu của trường đại học ngồi ở những chỗ trống còn lại. Tàu lướt đi trong một đường hầm rất dài, Tưởng Kiều Tây đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ nhưng không nhìn thấy được gì, chỉ có tiếng cười nói của những người bạn đồng trang lứa không ngừng vang vẳng bên tai.

(*Táo đường: có nguồn gốc từ Sơn Đông được mang đến trồng ở Tân Cương, đạt giải táo thượng hạng trong cuộc thi quảng bá trái cây tại thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008.) 

Xuống tàu, Tưởng Kiều Tây lấy hai quả táo trong cái túi giấy trên tay ra nhét vào cặp. Pacific Place chật cứng khách du lịch, cậu lướt qua biển người mua sắm đi đến trạm xe buýt.

(*Pacific Place Hong Kong: 1 trong những địa điểm mua sắm sang trọng nhất của thành phố cảng.)

Những chiếc túi giấy trên tay khách du lịch có màu đỏ, từ Chanel đến Salvatore Ferraga. Mo.

Tưởng Kiều Tây cầm túi táo ngồi trên xe buýt thành phố. Cậu cúi nhìn thời gian trên đồng hồ rồi lấy xấp tài liệu đã in từ PowerPoint trong cặp ra. Đây là bài giảng mấy tiết học cậu vắng mặt vì đi làm thêm. Mười mấy phút sau, cậu đọc xong, đóng tài liệu lại cất vào. Cậu đứng dậy nhanh chóng xuống xe.

(*Xe buýt thành phố – Citybus.)

Gần ba năm, ba năm, ngày ngày Tưởng Kiều Tây đều đi vào cánh cổng bệnh viện. Trong hành lang mấy đứa trẻ hồn nhiên ríu rít chơi trốn tìm. Tưởng Kiều Tây dừng lại trước cửa phòng bệnh, đúng lúc nhìn thấy nhân viên chăm sóc đang trở mình vỗ lưng cho anh họ. Chị dâu thấy cậu đến liền đặt chậu nước xuống. Tưởng Kiều Tây đưa túi táo cho cô ấy rồi quay lại nhìn thoáng qua chiếc giường trống bên cạnh: “Mọi người về rồi ạ?”

“Được cháu chị đón về rồi.” Chị dâu nói.

Nhân lúc chị dâu loay hoay bận bịu trong phòng, Tưởng Kiều Tây đi thanh toán viện phí. Bệnh viện quy định cứ năm ngày thanh toán một lần, hóa đơn in ra, tiền phòng, tiền thuốc, tiền khám, tiền điều trị… từng mục liệt kê rất chi tiết rõ ràng. Tưởng Kiều Tây cúi đầu kiểm tra qua loa, cậu tháo cặp xuống, mở ví, lấy tiền mặt bên trong ra thanh toán hóa đơn.

Lúc trở lại phòng bệnh, Tưởng Kiều Tây cầm số tiền lương mình vừa nhận được đặt lên chiếc bàn kê ở đầu giường anh họ rồi dùng chiếc hộp đựng khăn mát dằn lên trên. Cậu nắm thanh chắn giường, hỏi: “Anh, hôm nay tâm trạng anh có tốt không?”

(*Khăn mát: dùng để giảm nhiệt, hạ sốt, giảm đau đầu.)

Anh họ đã được xoay trở người, lúc này đang nằm ngửa, mũi miệng nối ống thở, ống thông thức ăn. Thân hình gầy xọp, bộ đồ bệnh nhân thụng xuống, gò má cũng lõm sâu. Bất quá chỉ mới ba mươi sáu tuổi, mái tóc đen bóng ngày xưa giờ thưa thớt hoa râm, đã đến lúc phải cắt.

Đôi mắt mở to, hốc mắt trũng sâu, ướt đẫm. Đôi mắt đó di chuyển ngắm nhìn gương mặt Tưởng Kiều Tây, nhìn vào mắt Tưởng Kiều Tây, chậm rãi chớp một cái.

Tưởng Kiều Tây đưa tay nắm lấy tay của anh họ. Gần ba năm nằm trên giường bệnh đã khiến cho làn da trên mu bàn tay người đàn ông này chùng nhão và nhăn nheo giống như tờ giấy Tuyên bị nhàu. Các khớp tay cũng lỏng lẻo, nằm trong tay Tưởng Kiều Tây, không có một chút sức lực. Hồi Tưởng Kiều Tây còn nhỏ, đôi tay này thường cầm vô lăng, bên ngoài cổ tay áo sơ mi lúc nào cũng là chiếc khuy măng sét lịch lãm sang trọng. Khi đó, anh họ học năm cuối, ngày ngày hào hứng lái xe từ trung tâm đi đón cậu em Tưởng Kiều Tây nhỏ hơn mình mười sáu tuổi tan học về nhà. Anh họ cao cao ngồi trên ghế lái, mặt mày hớn hở kể cho Tưởng Kiều Tây nghe đủ mọi thứ, chẳng hề quan tâm cậu em nhỏ kỳ thực chẳng hiểu được câu nào. Tưởng Kiều Tây chẳng qua chỉ là tròn mắt nhìn anh mình, nhìn nắng chiều vẽ một đường vòng cung vàng ươm trên kính chắn gió, hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí non nớt của cậu. Rất nhiều năm về sau, Tưởng Kiều Tây vẫn còn nuôi giữ ấn tượng: mình cũng muốn trở thành một người như anh họ.

Tưởng Kiều Tây ngồi trên băng ghế dài bên ngoài phòng bệnh, mở cặp lấy xấp tài liệu bên trong ra tiếp tục xem bài giảng. Chị dâu trở lại, đưa quả táo đã rửa sạch sẽ cho cậu. Tưởng Kiều Tây vặn nắp chiếc bình giữ nhiệt, đi rót đầy nước. Cậu dùng bút ghi lại một số nội dung bài giảng ra giấy. Chị dâu lại đi ra, dúi xấp tiền trên đầu giường kia vào tay cậu.

“Em không cần dùng.” Tưởng Kiều Tây ngẩng đầu nhìn cô ấy.

“Em là sinh viên đại học chính là lúc xài tiền, sao có thể không cần được —” Chị dâu nhíu mày nói.

Tưởng Kiều Tây cười: “Khi nào cần em sẽ tìm chị lấy.”

Chị dâu lắc đầu thở dài: “Em không có mở tài khoản riêng sao?”

Tưởng Kiều Tây cố nhiên đáp: “Không ạ.”

Chị dâu cười khổ, đuôi mắt xinh đẹp ngày xưa giờ đã có nếp nhăn: “Vậy thì em phải mau hẹn hò đi, mau tìm một cô bạn gái giúp em quản lý tiền, làm thế nào một cậu em đẹp trai như vậy mà vẫn còn độc thân.” Cô ấy muốn nhét tiền vào cặp Tưởng Kiều Tây.

Tưởng Kiều Tây ngăn lại: “Đợi khi nào tìm được em sẽ hỏi chị lấy lại, bây giờ chị giữ giúp em trước.”

Thời điểm vừa gặp chuyện không may, anh họ được đồng nghiệp cũ tức tốc đưa vào bệnh viện. Gia đình anh họ vốn đã mất hàng triệu đô trên thị trường chứng khoán lại còn phải gánh một món nợ không nhỏ. Ngày đó là lửa cháy thêm dầu, sóng gió trùng điệp không thấy bờ. Đêm giao thừa năm 2009, chị dâu mang theo con nhỏ và hai ông bà cụ chuyển nhà trốn nợ. Tưởng Kiều Tây thì ở trong bệnh viện chờ đợi tin tức của anh họ vẫn đang hôn mê chưa tỉnh. Trên ti vi phát chương trình Gala Lễ hội mùa xuân ở Trung Quốc đại lục, Tưởng Kiều Tây nhớ rõ đó là một tiểu phẩm về Thế vận hội Bắc Kinh, cậu tắt tiếng ti vi dẫu biết anh họ chẳng thể nào nghe thấy.

Trong bệnh viện lúc nào cũng tất bật người đến đi. Họ, có người là bệnh nhân, có người là thân nhân đi nuôi bệnh. Có người ngã quỵ, có người khóc thảm thiết quỳ sụp dưới đất cầu xin bác sĩ hãy cứu lấy người thân của mình. Tưởng Kiều Tây nghe thấy, cậu ngước lên nhìn bọn họ, qua một lúc sau lại cúi đầu tiếp tục đọc sách.

Trước khi ra về, Tưởng Kiều Tây nói với chị dâu: “Qua một hai tháng nữa em sẽ đi phỏng vấn.”

Chị dâu hỏi: “Em đã nộp đơn công ty nào?”

Tưởng Kiều Tây nói: “Đều đi thử ạ.”

Chị dâu: “Âu phục của em vẫn luôn để trong tủ quần áo của anh ấy, để về chị ủi cho em.”

Tưởng Kiều Tây quay vào phòng đi tới trước giường của anh họ.

Bác sĩ ở đây từng nói, thời gian sống của anh họ có thể không kéo dài được quá ba năm.

Năm nay đã là năm thứ ba.

Tưởng Kiều Tây nắm lấy bàn tay vẫn không thể động đậy được của anh họ. “Hẹn gặp anh ngày mai.” Cậu nói bằng tiếng Quảng Đông. Mặc dù anh họ không thể nói chuyện, nhưng đôi mắt yên lặng nhìn cậu, tựa như nhiều năm trước, anh họ ở đầu bên kia điện thoại trao cho cậu những lời giải đáp kiên định.

Tàu điện ngầm chuyến đêm, rất đông người. Tưởng Kiều Tây ngồi vào chỗ của mình, tiếp tục mở sách ra đọc.

Cậu ngước lên, lại đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, bóng tối dày đặc, khuôn mặt của Tưởng Kiều Tây phản chiếu trên kính cửa sổ, cậu nhìn thấy chính mình.

Tưởng Kiều Tây đôi khi nhớ lại một số chuyện trước kia, đó tựa hồ là những hình ảnh cậu không ngừng tái tạo trong tâm trí. Cậu nhớ đến hai cái bím tóc đuôi ngựa chầm chậm tung tẩy trước mặt mình, nhớ tới mùi formaldehyde khó ngửi trong chiếc xe đóng kín, nhớ tới Lâm Anh Đào trong chiếc váy ngắn tinh khôi bước đi bên dưới Tiểu Bạch Lầu, nhớ đến chiếc bàn trong lớp luyện thi, nhớ đến những bài thi của trại đông, nhớ tới cậu đi ra khỏi ga xe lửa —— ra khỏi ga tàu điện ngầm, trời đang mưa. Thời tiết ở Hồng Kông chính là như vậy, oi bức ngột ngạt, thay đổi bất thường. Tưởng Kiều Tây mặc một chiếc áo thun ngắn tay màu xám, cho dù ướt cũng sẽ khô nhanh chóng, vậy nên cậu cũng chẳng màng để ý tới thời tiết. Cậu đi qua các trung tâm mua sắm, qua biển người, qua những đôi sinh viên cười nói ăn uống ở phố ăn vặt rồi sang bên đường ôm nhau chụp ảnh lưu niệm.

(*Fomanđêhít có trong khí thải ô tô và trong khói thuốc lá.)

Cậu đi vào một tiệm nhỏ, dùng số tiền lẻ còn sót lại ăn mì. Tưởng Kiều Tây để cặp xuống cạnh chỗ ngồi, cậu lấy điện thoại di động ra kiểm tra thời khóa biểu của ngày mai. Cậu nhắn tin trả lời lại mấy vị phụ huynh thời gian cậu có thể đến dạy rồi nhìn thấy tin nhắn xin lỗi của học trò, cô ấy nói [Xin lỗi thầy, em không nên đăng ảnh của thầy lên Internet.]

Mì được bưng lên, hộp thư của Tưởng Kiều Tây nhận được một email mới.

Là thư xác nhận của Morgan Stanley, xác nhận đã nhận được đơn xin thực tập của Tưởng Kiều Tây tại trụ sở Hồng Kông vào mùa hè năm sau.

(*Morgan Stanley là một ngân hàng đầu tư, công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Đây là một trong những thể chế tài chính lớn nhất của thế giới, phục vụ những nhóm đối tượng là chính phủ, tổ chức tài chính khác và cá nhân. Trụ sở chính đặt tại New York, và các trụ sở chính khu vực tại London và Hong Kong.)

Chuỗi cửa hàng, siêu thị đang bán thực phẩm giảm giá. Tưởng Kiều Tây đã nắm rõ quy luật giảm giá của các cửa hàng này như lòng bàn tay. Cậu bước vào một hiệu sách vẫn còn đang sáng đèn, tranh thủ khoảng thời gian nửa tiếng trước khi tiệm đóng cửa, rút quyển ‘Algebraic Surfaces and Holomorphic Vector Bundles’* lần trước đã đọc được một nửa nằm trong góc kệ ra đọc tiếp.(*Sách toán cao cấp)

Hiệu sách vừa mới nhập về một số sách toán chuyên ngành mới, Tưởng Kiều Tây cúi nhìn bìa sách, cầm ngẫu nhiên một quyển lên xem giá tiền rồi lại đặt xuống. Trên bức tường trước mặt dán một tấm poster khổng lồ, là ‘Harry Potter và Bảo bối Tử thần’ phiên bản điện ảnh sắp công chiếu. Nhà xuất bản đang tung chiến dịch tuyên truyền quảng bá cho cuộc chiến cuối cùng giữa Harry và Voldemort. Hiệu sách chuẩn bị đóng cửa, Tưởng Kiều Tây bước ra ngoài.

Hơn mười giờ đêm, tàu điện hai tầng leng keng chạy qua trên đường. Thỉnh thoảng Tưởng Kiều Tây có thể nghe thấy đôi câu giọng nói quê hương quen thuộc của khách du lịch đến từ đại lục.

Thì ra cậu cũng có ‘giọng nói quê hương’ sao.

Tưởng Kiều Tây không tránh khỏi suy nghĩ, như vậy đến tột cùng cậu thuộc về nơi nào.

Tưởng Kiều Tây đứng trước cầu thang dẫn lên khu phòng trọ giá rẻ, cậu nhìn thấy Lâm Anh Đào đang ngồi trên bậc cấp trước mặt mình, đầu gục sang một bên, người cuộn tròn co ro trong đêm Hồng Kông.

*

Hồng Kông tấc đất tấc vàng, cầu thang hẹp dốc. Va li hành lý và ba lô của Lâm Anh Đào được gửi ở chỗ của nhân viên quản lý dưới tầng một. Tưởng Kiều Tây bế Lâm Anh Đào toàn thân nóng hổi, cậu nhấn thế nào thang máy cũng không xuống, cậu đi lên cầu thang.

Lâm Anh Đào không biết đã bị sốt bao lâu, gò má cô đỏ ửng bất thường, cả người mềm nhũn, thân thể lọt thõm trong vòng ôm của Tưởng Kiều Tây, hết sức đáng thương. Cũng không biết đã ngồi dưới lầu từ khi nào, váy bẩn nhem nhuốc. Tưởng Kiều Tây đi tới trước cửa phòng trọ của mình, cậu đặt Anh Đào xuống, cuống cuồng mò tìm chìa khóa trong túi. Cửa mở ra, bên trong là gian phòng rộng bốn mét vuông, đèn không mở, rèm cửa sổ đóng kín, vì không bật điều hòa nên ngột ngạt vô cùng.

Lâm Anh Đào được đặt nhẹ nhàng lên chiếc giường rộng một mét hai, hai mắt cô nhắm nghiền, áo sơ mi bết sát vào cơ thể, váy rủ xuống phủ trên đầu gối. Tưởng Kiều Tây lấy thảm bọc kín cô lại, cậu đứng ở bên giường, vì trần nhà thấp, cậu không khỏi phải hơi cúi cổ, cứ như vậy ngơ ngẩn nhìn cô.

Từ hành lang ngoài cửa truyền đến tiếng rung brum… brum… Tưởng Kiều Tây tất tả đi ra ngoài mua thuốc hạ sốt, tiền trên người cậu đã đưa hết cho chị dâu, trong Octopus card có lẽ còn tiền. Cậu nhìn thấy điện thoại di động rơi dưới sàn nhà.

Màn hình hiển thị, người gọi: Ba.

“Chú Lâm.” Tưởng Kiều Tây chạy xuống lầu, cậu cố nhớ lại xem ở quanh đây chỗ nào có hiệu thuốc 24 giờ. Cậu lắp bắp trong điện thoại: “Anh Đào, cậu ấy đến Hồng Kông, cậu ấy, cậu ấy đến tìm con, cậu ấy bị sốt…”

Ở đầu bên kia điện thoại, chú Lâm Hải Phong im lặng một lúc.

“Con bé ngốc nhà chúng ta này…” Ông khẽ thở dài.

Tưởng Kiều Tây cúi đầu.

“Chú Lâm, con xin lỗi…” Tưởng Kiều Tây nói, giọng run run. Cậu hổ thẹn vô cùng.

“Kiều Tây à.”

“Dạ.”

“Con ở bên đó thế nào?” Chú Lâm Hải Phong nhỏ nhẹ hỏi cậu: “Con, con có khỏe không?”

Tưởng Kiều Tây đứng ở ngã tư đường, cậu cố nuốt xuống cơn xúc động dâng trào, nghèn nghẹn đáp: “Con khỏe lắm ạ.”