Anh Phải Làm Gì Để Giữ Em

Chương 2: Bao giờ cùng cắt nến bên cửa sổ phía Tây

Hà Ngâm là ai? Ban đầu Đường Dật coi cô là “Con gái của chú Hà”, tiếp đó là “tiểu thư hư hỏng”, gọi cả họ và tên cô, cuối cùng gọi cô là “Kim Kim”. Còn Hà Ngâm gọi anh thế nào? Lúc đầu là “Này”, ngoài ra còn có “Người kia”, sau đó bị bắt gọi là “Anh Đường Dật”, còn sau nữa… hình như vẫn là “Anh Đường Dật”.

Ba mẹ anh đặt tên cho anh là Đường Dật, hy vọng anh cả đời an nhàn. Có điều lời chúc này đã không thể trở thành hiện thực, có lẽ là đã từng, nhưng so với cuộc đời dài đằng đẵng, nó lại ngắn ngủi như sao băng vụt qua bầu trời. Người ta có thể ghi nhớ khoảnh khắc rực rỡ đó cả đời, nhưng điều ước chỉ là nhất thời, để lại đó dáng vẻ yên tĩnh của đêm đen vĩnh hằng.

Đường Dật bị giẫm đau đến mức lùi lại mấy bước, thấy Hà Ngâm đã đứng vững, anh mới yên tâm buông tay.

Hà Ngâm nhanh chóng đẩy ra: “Xin lỗi, anh không sao chứ?”

Đường Dật lắc đầu “Không sao.”

Hà Ngâm cẩn thận quan sát, thấy mình không làm Đường Dật bị thương, cô thở phào nhẹ nhõm.

“Anh vừa gọi em là Kim Kim? Lâu lắm rồi em chưa thấy ai gọi em như vậy nên mới không kịp phản ứng.” Mặt cô đỏ lên, cô cúi đầu định dọn dẹp đồ rơi dưới sàn.

Anh cản cô lại, tự nhặt đồ lên, rút mấy tờ giấy lau khô mặt sách, “Còn ai gọi em thế à?”

“Không.” Từ trước tới nay chỉ có Đường Dật gọi cô như vậy.

Anh hỏi Hà Ngâm bây giờ mọi người gọi cô là gì?

Cô suy nghĩ một lúc rồi đáp: “Vẫn như trước kia, Hà Ngâm, Tiểu Ngâm, Ngâm Ngâm, thỉnh thoảng còn có Tiểu Hà, tuy nhiên chỉ có sếp gọi như vậy.”

Tên của Hà Ngâm khá bình thường, lần đầu nghe thấy cái tên này Đường Dật vẫn còn rất nhỏ, ba anh kể bạn ba có một cô con gái vô cùng xinh đẹp, tên là gì nhỉ… Hà Ngâm? Hình như là vậy.

Trước kia đối với anh, hai chữ “Hà Ngâm” chỉ là một cái tên có hai âm tiết, trống rỗng hơn cả không khí, nghiền ngẫm mãi cũng không thấy vị gì, sau này mới thấy nó khá ngọt ngào.

Sau khi ba mẹ qua đời, ba Hà Ngâm đưa Đường Dật về nhà. Ngày đến gia đình họ Hà, anh mặc một chiếc áo đen ngắn tay bị giặt nhiều tới mức phai màu, chuyển sang màu xám của đá.

Lúc chú Hà ôm anh dẫn anh vào nhà, Đường Dật thấy Hà Ngâm đứng giữa phòng khách, người mặc một bộ đồng phục học sinh màu xanh trắng, mắt thường không thể nhìn thấy vết bẩn. Làn da hồng hào tươi tắn, nụ cươi trên mặt rực rỡ, nóng bỏng như một lò lửa. 

Anh biết cô chính là Hà Ngâm, Hà trong hà niên hà nguyệt, Ngâm trong ngâm tụng.

Đường Dật lấy từ trong tủ ra một chiếc bàn chải đánh răng và khăn mặt mới đưa cho Hà Ngâm. Sau đó anh vào phòng dọn giường, kéo chăn bông lên ngửi, tất cả đều mới giặt qua, mùi bột giặt vẫn còn đọng lại.

Hà Ngâm cầm đồ đi vào phòng tắm, ánh sáng bên trong nhàn nhạt, có vẻ bóng đèn mới thay, sáng đến mức có thể nhìn rõ mấy vết nứt trên tường. Hà Ngâm vừa đánh răng vừa nhìn kem đánh răng trên kệ, bắt đầu mê man.

Lần đầu tiên Đường Dật tới nhà cô, ba mẹ mua cho anh rất nhiều đồ mới, chẳng hạn như chăn, quần áo, cặp sách,… nhưng lại quên khá nhiều món đồ nhỏ bé vụn vặt. Đường Dật không nói, đến một ngày, Hà Ngâm bắt gặp anh dùng trộm kem đánh răng của cô.

Cả nhà chỉ có một phòng tắm ở dưới tầng một, hai người đều là học sinh, lịch đi học và làm việc tương tự nên khó tránh khỏi việc gặp nhau. Hôm đó cô đẩy cửa phòng tắm ra thì thấy Đường Dật đang đứng trước bồn rửa mặt, tay phải cầm bàn chải đánh răng, tay trái cầm vỏ kem đánh răng màu hồng nhạt, không hề phù hợp với tính cách của Đường Dật.

Thấy cô bước vào, động tác của Đường Dật bỗng khựng lại.

Hà Ngâm không kiềm chế được hỏi: “Tại sao anh lại dùng trộm kem đánh răng của tôi?”

Đường Dật mím môi đáp: “Anh không có kem đánh răng.”

“Vậy anh bảo ba mẹ tôi đi.” Giọng điệu của cô hơi mất kiên nhẫn, vẻ mặt khá mệt mỏi. Đêm qua Đường Dịch trằn trọc cả đêm, mỗi khi đầu óc và cơ thể cô bắt đầu chìm xuống vực sâu thì lại bị tiếng động phòng bên túm chặt, lặp đi lặp lại, khiến cô lo lắng khó chịu.

Cô hỏi: “Đêm qua anh không ngủ được à?”

“Không.” Anh thề thốt phủ nhận.

“Tôi có thể nghe thấy tiếng động bên đó.” Cô không che giấu được cơn giận dữ.

Anh đưa kem răng trong tay cho cô.

Cô ủ rũ không nhận, rõ ràng chỉ là một thằng nhóc, tại sao cư cố tỏ ra là người lớn, “Cho anh đấy, tôi sẽ nhờ mẹ mua thêm một hộp, từ giờ đừng dùng của tôi.”

Anh im lặng rút tay về, đặt kem đánh răng màu hồng vào cốc, dựa vào bàn chải đánh răng của cô, sau đó từ từ đánh răng, động tác cứng nhắc, tai cũng hơi đỏ.

Đường Dật đang sống dưới mái nhà người khác nên anh tương đối nhạy cảm. Anh có thể dễ dàng nhận ra Hà Ngâm không thích anh, khó hiểu về hành vi của anh, nhưng anh không biết giải thích ra sao, làm thế nào cho đúng.

Cuộc sống sinh hoạt trước kia đã tạo ra dáng vẻ bây giờ của anh, anh không thể mở lòng, tự tạo khoảng cách với gia đình này, coi mình như một người xa lạ để bảo vệ khoảng trời riêng.

Hà Ngâm không biết điều này, cô chỉ cảm thấy Đường Dật âm trầm kì quái, ba mẹ coi anh như đồ vật dễ vỡ trong nhà, tất cả mọi người đều chú ý đến anh, quan tâm anh, điều này khiến cô vô cùng khó chịu.

Càng không thích sẽ càng soi mói. Hà Ngâm dồn hết sự chú ý vào kẻ đột nhiên xuất hiện, cảm thấy anh cái này không tốt, cái kia cũng không tốt, gặp anh lúc nào cũng dửng dưng.

“Vẫn chưa xong à?” Đường Dật gõ cửa phòng vệ sinh.

Hà Ngâm mở cửa, do dự hỏi: “Em mặc quần áo này đi ngủ, có thể không được sạch sẽ?”

Đường Dật biết cô sợ làm bẩn giường anh, anh đáp: “Không sao đâu, anh cũng đang định giặt.”

Cô đi theo anh vào căn phòng nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn phòng đơn trong nhà nghỉ. Ngoài trừ giường ngủ, bên trong chỉ có một chiếc tủ đựng quần áo và một giá treo.

Cô bỗng lên tiếng: “Không ngờ anh vẫn giữ nó.”

“Cái gì cơ?” Đường Dật nhìn theo cô.

Là một chiếc đồng hồ.

Hà Ngâm và Đường Dật học cùng trường cấp 2, nhưng cấp 3 thì không. Thành tích học tập của Hà Ngâm khá ổn nên cô thi vào trường cấp 3 trọng điểm trong trấn. Còn Đường Dật, ngoại trừ khuôn mặt, anh dường như không có bất kỳ ưu điểm nào khác. Điểm thi của anh thấp hơn cả điểm sàn, ba Hà Ngâm chỉ có thể dùng tiền để anh được học ở một trường cấp 3 bình thường. 

Hai năm đó việc kinh doanh của ba Hà khởi sắc, giúp ông kiếm được nhiều tiền hơn. Đối với nhà họ, khoản tiền đó chỉ như một hạt cát giữa sa mạc, nhưng Đường Dật lại cảm thấy xấu hổ, điểm số làm anh xấu hổ, số tiền kia cũng làm anh xấu hổ, song có lẽ khó chịu nhất chính là ánh mắt của Hà Ngâm. Ánh mắt đó khiến anh biết rõ anh không thuộc về nơi này, nơi này không phải nhà của anh.

Đường Dật thật sự rất muốn trả hết khoản tiền kia, không muốn đợi thêm một khắc nào nữa. Từ lúc bắt đầu lên cấp 3, anh đã học cách tiết kiệm, anh làm mọi thứ mà mình có thể làm được. Mỗi khi rảnh rỗi, anh lại đến phụ việc tại tiệm sửa xe, hoặc làm nhân viên phục vụ tại một quán cơm nào đó. Tóm lại anh không ở nhà, mà cũng chẳng ở trường.

Hà Ngâm thường xuyên đi qua trường anh mỗi khi tan học, nhưng hầu như không bao giờ thấy anh trong đám đông. 

Mối quan hệ giữa hai người bắt đầu hòa hoãn vào cuối năm Đường Dật học lớp 10. Đường Dật đưa tất cả số tiền mình kiếm được cho ba mẹ Hà Ngâm. Đống tiền lẻ còn lại anh mua cho ba Hà một chiếc dao cạo râu, mẹ Hà một bộ mỹ phầm và Hà Ngâm một chiếc bút máy. 

Chiếc bút này tựa như tín vật thỏa hiệp giữa hai người, bức tường ngăn cách bọn họ sụp đổ, âm thanh của sự sụp đổ ấy vô cùng mạnh mẽ. Hà Ngâm không mang vẻ mặt lạnh lùng như xưa, ngược lại còn hoang mang, hoảng sợ không rõ lý do khi đối diện với Đường Dật.

Cô bắt đầu ngẫm lại và thấy trước đây mình đối xử với anh quá tệ. Vì vậy cô quyết định dùng tiêu vặt của mình mua tặng Đường Dật một chiếc đồng hồ. Chiếc đồng hồ đó không rõ nhãn hiệu, cũng không quá đắt nhưng lại rất đẹp. Cô không biết Đường Dật thích màu gì nên đã chọn màu xanh nước biển 

Từ đó về sau chiếc đồng hồ ấy thường xuyên xuất hiện trên cổ tay anh, cô cũng thường xuyên dùng bút máy anh tặng.

Họ từng là hai người xa lạ đứng dưới một mái nhà, giờ miễn cưỡng trở thành bạn của nhau.

Hà Ngâm cầm đồng hồ lên nhìn, “Vẫn còn cơ đấy, chất lượng tốt thật.”

“Ừm.”

“Anh hay đeo nó à?” Cô nhìn mặt da bên ngoài đã tróc, để lộ màu xám bên trong, cũ nát hệt chiếc khóa kia.

Anh giơ tay trái lên, mắt liếc qua cổ tay có hai màu khác nhau: “Ừm, anh đeo quen rồi.”

Thói quen là một thứ gì đó rất đáng sợ, bạn có thể hình thành thói quen sau hai mươi mốt ngày, nhưng có rất ít người có thể quên đi thói quen của mình sau vài ngày.

“Vậy anh thay dây đồng hồ đi, đây là dây nguyên bản lúc em mua? Cũ quá rồi, anh nhìn vết nứt này, không chừng một ngày nào đó sẽ đứt.” Cô chỉ vào vết nứt và nói, cơ thể vô thức nhích về phía Đường Dật, đầu ghé sát mặt anh.

Đường Dật trầm ngâm nhìn đỉnh đầu cô.

Thấy anh không nói câu nào, Hà Ngâm ngượng ngùng đặt đồng hồ về chỗ cũ, luống cuống đứng giữa phòng, không biết mình đã nói hay làm gì sai.

Đường Dật cũng nhận ra điều đó, anh nói: “Anh biết rồi, bao giờ hỏng anh sẽ thay.”

“… Thế còn được.”

Bây giờ đã gần 0 giờ, sắp tới ngày hôm sau, gió đang lùa mạnh ngoài cửa sổ. Đường Dật nhắc cô đi ngủ sớm, mai dậy sẽ tìm thợ phá khóa cho cô. Dặn dò xong, Đường Dật ra khỏi phòng, chỉ nói một câu “Ngủ ngon”.

Sau khi Đường Dật đi, Hà Ngâm nằm trên giường anh, cô không ngủ, bật dậy gửi vài tin nhắn.

Người ở đầu bên kia vẫn còn thức, nhanh chóng trả lời, hỏi cô có chuyện gì không. Hà Ngâm nói mình không ngủ được, bên kia hỏi có phải Đường Dật đang ở đó. Hà Ngâm đáp đúng vậy, anh ấy nhường phòng của mình cho cô. Đối phương nhắc cô mau đi ngủ, đừng nghĩ nhiều nữa, sau đó gửi mấy biểu tượng cảm xúc dễ thương.

Hà Ngâm cuối cùng cũng buồn ngủ, dần dần chìm vào bóng tối.