Cẩm Thành Mùa Hoa

Chương 16: Kết giao bạn bè

Mỗi ngày Khuyển Tử đều rất bận, nó chăm lợn rồi chăn dê, tưới tiêu lại làm cỏ vườn ruộng, bắt cá hái nấm, rồi còn phải đi loanh quanh khắp nơi xem có bắt được con chim con gà nào không, cải thiện bữa ăn cho hai mẹ con nó.

Gần đây, cây đậu nở hoa, đang dần kết hạt. Khuyển Tử rảnh rỗi sẽ ngồi bắt sâu, bắt rệp trong ruộng đậu – thẳng tay bóp luôn, dám tranh lương thực với nó. Đang mải miết vạch lá tìm sâu, bất ngờ nghe thấy tiếng gọi: “Khuyển Tử huynh ơi!”

Là giọng của một bé gái, chỉ nghe thấy tiếng thôi cũng biết là Trang Lan.

“Khuyển Tử huynh ơi, A Xuân và A Đề chiếm mất cây dâu của chúng em rồi, huynh giúp chúng em lấy lại với.”

“…”

Khuyển Tử chẳng có hứng thú đi đánh nhau giúp người khác, nó không nhàn rỗi như mấy đứa nhà họ Trang, cũng chẳng giống đám trẻ con nhà nghèo mà ngang ngược ở trong Trúc lý. Nếu không phải chuyện bất đắc dĩ, nó sẽ không đánh nhau.

“Khuyển Tử huynh, huynh có thể đoạt lại cây dâu, thì một nửa cây dâu sẽ nhường lại cho huynh nha.”

Trang Lan muốn đưa ra thỏa thuận, không hổ con bé là con nhà thương.

“Trên núi có nhiều dâu lắm.”

Giờ đang là mùa dâu chín, trong Trúc lý có rất nhiều cây dâu dại, chẳng có gì hiếm lạ cả.

“Vậy tụi muội sẽ bắt sâu giúp huynh, huynh giúp bọn muội lấy lại cây dâu có được không?”

Trang Lan xắn tay áo, sẵn sàng giúp đỡ. A Bình với A Ly đang đứng phía sau con bé, ngoài ra còn có chú cún lông vàng Bánh Trứng.

Khuyển Tử không có thời gian quan tâm, nó không có hứng thú. Tụi A Đề kia cũng lâu rồi không sang bên bờ Tây nữa, hai bên hiển nhiên lấy sông làm vạch ngăn cách mà quản lý, không ai động đến ai.

Thấy Khuyển Tử thờ ơ không động lòng, Trang Lan biết anh Khuyển Tử sẽ không giúp đỡ, đành dứt khoát đuổi theo bươm bướm trong ruộng đậu. A Ly và A Bình thì ngược lại, ngồi xổm xuống ruộng đậu giúp Khuyển Tử bắt sâu.

Đối với trẻ con nhà giàu như mấy đứa mà nói thì cuộc sống nông thôn rất thú vị, chỉ coi là đang vui chơi mà thôi.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

“Khuyển Tử huynh, huynh dạy em bắn cung có được không?”

Tạm ngừng bắt sâu, ba đứa nghỉ ngơi bên bờ ruộng. A Bình ít khi nói chuyện khẽ lên tiếng hỏi Khuyển Tử.

Khuyển Tử lắc đầu, nó cảm thấy A Bình học bắn cung sẽ không giỏi được. Chưa kể nó còn phải làm việc trang trải cuộc sống của bản thân, không có thời gian rảnh rỗi.

“Bạch Bạch, Bạch Bạch!”

Trang Lan chạy đến chuồng lợn, nhặt cành cây trêu lợn con. Lợn con đang nghiêng mình nằm trên đất, ăn uống no say, chẳng buồn nhúc nhích.

Nghe thấy tiếng lợn kêu, A Ly cũng chạy đến chỗ chuồng lợn, nhìn xem lợn con được nuôi ở bên trong.

Nhà ông Dịch có nuôi hai con lợn, đều là lợn béo, suốt cả ngày chỉ lăn lộn trên mặt đất, trông bẩn thỉu, tránh còn không kịp. Nhìn lại lợn con nhà Khuyển Tử, bé bé xinh xinh, da lông sạch sẽ. Là một con lợn lại sạch sẽ như vậy, là vì chuồng lợn mới được cọ rửa.

“Bạch Bạch, đừng ngủ nữa, đứng dậy mau.”

Trang Lan ném cành cây, vỗ vỗ tay làm ầm lên. Lợn con vẫy vẫy hai tai, thấy ồn ào quá, nó chẳng rảnh mà để ý Trang Lan.

“A Lan, em đừng trêu lợn con nữa.”

A Bình đi đến, thấy Trang Lan đang ra sức đập đập rào trúc, ồn vang cả khu. Làm ầm làm ĩ như này có là lợn nhà tụi nó cũng chẳng chịu nổi.

“Lúc nào nó cũng ngủ, có khi nào nó thức không vậy?”

“Lúc nó ăn sẽ không ngủ đâu.”

A Ly trả lời câu hỏi của Trang Lan, A Ly đã từng thấy người ta nuôi lợn.

“Nó có ăn rau không?”

“Có.”

Nghe được câu trả lời đang thắc mắc, Trang Lan phi như bay qua cầu gỗ, chạy về phía sân nhà mình.

Không lâu sau, Trang Lan xách theo một cái giỏ trúc qua đây, trong giỏ có hay cây củ cải khô và một ít rễ cây vứt đi. Khuyển Tử thấy đều là đồ lợn con ăn được nên cũng để con bé mang qua.

Trang Lan ném một cái củ cải đến cạch lợn con, lợn con đứng dậy ngay lập tức, chạy vồ lấy cái củ cải, gặm đến là vui, vứt bỏ bộ dáng lười biếng.

Quảng Hư Phủ| Tieutieudaodao.wordpress.com

A Ly đứng cạnh Trang Lan, đứa thì quăng củ cải khô, đứa thì ném gốc rau, khiến lợn con mải mê ăn quên trời quên đất.

Chỉ có A Bình là cẩn thận, thằng bé không đến xem lợn mà đi theo Khuyển Tử, nhìn nó bận bịu làm ruộng làm vườn.

Khuyển Tử mang nấm mới hái sáng nay ra, lại cất lại nấm được phơi ở ngoài trời đã lâu mang cất vào bình sứ. A Bình đứng một bên nhìn, thằng bé chẳng biết đó là nấm gì. A Bình thuộc dạng mưa không đến mặt nắng không đến đầu1.

“Cậu muốn học bắn cung, cậu có cung tên à?”

Khuyển Tử hỏi đột ngột, có lẽ do A Bình cứ lẽo đẽo bên cạnh nó nên nó nghĩ A Bình vẫn muốn nó dạy bắn cung cho. Mấy đứa nhà họ Trang cứ quấn lấy người khác như Trang Lan vậy, bám mãi không tha.

“Có.”

A Bình vui mừng hết biết, nhanh chóng trả lời.

Con cháu nhà giàu, không chỉ cần đọc sách, mà còn phải biết bắn tên. Anh cả Trang Bỉnh và anh hai Trang Dương đều đã học bắn cung. Lúc trước khi anh cả dạy Trang Dương bắn cung cũng có lần gọi A Bình đến học cùng. Nhưng lúc đó A Bình chỉ thấy lỗ mãng quá, không thích học. A Bình cũng không hiểu sao mình lại thay đổi tư tưởng, có lẽ vì bị A Đề bắt nạn, khiêu khích tính hiếu thắng trong nó; lại cũng có thể là vì Khuyển Tử bắn tên rất giỏi, có sẵn thầy dạy.

Hôm đó khi A Bình về nhà, nói ngay với Trang Dương, thằng bé muốn học bắn cung với Khuyển Tử, Khuyển Tử cũng đã đồng ý dạy cho nhóc.

“Huynh ơi, em cần mua cung tên.”

“Để ngày mai huynh vào trong trấn mua cho đệ.”

Vừa hay ngày mai anh cũng định lên trấn mua bút mực, kim chỉ, tiện đường mua cung tên cho A Bình tập luyện luôn.

Trong huyện thành có một người thợ làm cung tên họ Tôn, kỹ thuật tinh xảo, rất nhiều người đến mua cung ở đấy. Anh trai của Trang Dương luôn mang theo bộ cung tên bên mình, cũng là do một tay người thợ này làm ra, là một cây cung bằng gỗ đàn rất đẹp.

Chú Tôn làm cung tên rất tốt, nhưng giá không rẻ.

Trang Dương nhiều lắm thì mỗi tháng vào huyện thành một lần, anh sẽ mua đồ dùng với số lượng lớn, đều làm sắm thêm cho người trong nhà. Thi thoảng anh cũng sẽ vào huyện thành thăm hỏi một người.

Năm đó vị nho sinh dạy anh đọc sách tên là Chu Cảnh, có hai học trò, một là Trang Dương, còn một người khác lớn hơn Trang Dương hai tuổi, sống ở trong huyện thành. Anh ta là sư huynh của Trang Dương, tên là Viên An Thế.

Nhà họ Trang có xe ngựa, vào huyện thành cũng dễ dàng. Sáng sớm hôm sau, ông Dịch đánh xe chở Trang Dương vào thành.

Trang Dương mua xong bút mực, kim chỉ, mua vải vóc, thuốc thang đông y cho gia đình thì qua nhà thợ làm cung họ Tôn luôn. Chú thợ Tôn nhận ra Trang Dương, ân cần tiếp đón.

“Cần một cây cung nhỏ và một cây cung lớn.”

Trang Dương muốn mua một cây cung cho Khuyển Tử luôn, coi như là thù lao nó dạy A Bình học bắn cung.

Chú Tôn để học trò mang hai cây cung ra, Trang Dương nhìn màu sơn trên cán cung, bao đựng tên được làm bằng da thuộc và được trang trí bằng đồng, có thể coi là xa hoa.

“Cán cung được làm bằng gỗ gì vậy ạ?”

Đẹp thì đẹp thật, nhưng nó cũng cần phải dùng tốt.

Chú thợ Tôn kể rõ chất liệu của từng bộ phận thân cung tên. Gỗ làm ra cây cung lớn tốt hơn cây cung nhỏ, nên tất nhiên nó đắt hơn. A Bình mới học, lực vẫn còn yếu, dùng cây cung nhỏ là phù hợp. Còn Khuyển Tử sẽ dùng hợp với cây cung lớn. Một cây cung tốt mà được dùng và bảo dưỡng cẩn thận, có thể dùng cả một đời.

Trang Dương nghĩ cây cung lớn cũng hơi quý quá, nhưng mà vì muốn tặng cho Khuyển Tử, thì nên tặng nó một cây cung tốt, xứng với tài nghệ bắn cung của nó.

Mua hai cây cung tên xong, Trang Dương lên xe ngựa, chuẩn bị về nhà.

Trên huyện thành hiển nhiên là náo nhiệt hơn ở Trúc lý, người mua kẻ bán qua lại tấp nập, cửa hàng nhộn nhịp. Không ít con buôn sống ở Lâm Cung, nhiều người cũng như nhà họ Trang, nhiều năm trước từ thành Cẩm Quan dời đến Lâm Cung.

Từng nghe cậu bảo, năm đó lúc thành Cẩm Quan phát triển phồn vinh, thương nhân rồi ngựa xe nối đuôi nhau hàng dài, sầm uất không kém đô thành là bao.

Xe ngựa đi từ từ, Trang Dương nhìn những người bán hàng trong các cửa tiệm, anh nhớ đến anh trai mình, không biết đến khi nào anh trai và cậu mới trở về. Hai người họ đến Cốc Xương buôn ngựa, đi sâu vào địa phận người Man, mặc dù kiếm được nhiều nhưng cũng khiến mọi người lo lắng.

Cha Trang Dương là một thương nhân buôn vải. Năm đó cha ông của Trang Dương phát tài ở thành Cẩm Quan, từng là người giàu nhất ở thành Tây.

“Cậu hai, giờ về luôn chứ?”

Xe ngựa đã ra khỏi huyện thành, đi qua vùng ngoại ô. Ông Dịch đã mấy lần chở Trang Dương vào huyện thành, biết Trang Dương có người bạn ở gần đây.

“Đi thăm An Thế đi.”

Trang Dương cười nói, nhìn hoa dại nở đầy bên đường.

Nhà Viên An Thế nghèo khó, trong nhà làm nông, hoàn cảnh tuy khó khăn nhưng cũng đã từng là con cháu thế gia.

Xe ngựa của Trang Dương đến nhà họ Viên, anh trai An Thế ra tiếp đón, bảo với Trang Dương là An Thế đang làm ở ngoài ruộng, tay chỉ về mấy mẫu ruộng trước nhà.

“Cậu ấy đang ở ngoài ruộng, cậu hai vào đây nghỉ ngơi, để tôi bảo con tôi ra gọi nó về.”

“Thôi để tôi ra gặp huynh ấy là được rồi.”

Trang Dương mỉm cười, khom người hành lễ.

Trong sân nhà họ Viên trồng đào, đang vào mùa nở hoa, hoa nở đầy cành. Trong sân có hai đứa trẻ đang chơi đuổi bắt, Trang Dương nghe thấy tiếng chó sủa bên cạnh, thầm nghĩ thật là náo nhiệt.

“A Hợp, con dẫn Dương thúc thúc đi tìm tiểu thúc của con đi.”

“Vâng ạ.”

Cháu trai An Thế đầu buộc thành hai cái sừng dê, trông chưa đến sáu, bảy tuổi. Thằng bé lạch bà lạch bạch chạy trước dẫn đường, Trang Dương theo sát phía sau, sợ thằng bé không cẩn thận sảy chân ngã xuống ruộng nhà người ta. Đường bờ ruộng nhỏ hẹp, đi lại không dễ dàng.

A Hợp cứ như cái cối lăn trên đất, bước chân thoăn thoắt. Trang Dương thì ngược lại, anh mặc cẩm bào bằng lụa, bước từng bước một qua đám cỏ.

Thằng bé dẫn Trang Dương đến trước một ruộng đậu, cây đậu mọc tốt tươi, leo kín thanh rào trúc. Trang Dương tìm kiếm bóng hình Viên An Thế qua hàng rào trúc, nhưng chẳng thấy ai cả.

“An Thế.”

Trang Dương gọi to, anh vừa mới cất lời, ngay lập tức có một chàng thanh niên trẻ tuổi mặc một thân áo màu lam chui ra từ rào trúc, trên đầu anh ta đội một cái mũ rơm, tay cầm một cái dầm, rõ ràng là vừa mới cúi lưng làm cỏ ở ruộng đậu.

“A Dương, sao cậu tới đây.”

Nhận ra là Trang Dương, Viên An Thế hớn hở chào đón, dẫn Trang Dương đến bên con suối nghỉ chân.

“Hôm nay vào trấn mua vải, tiện thể qua đây.”

Trang Dương vén sợi tóc bị gió thổi tung, khẽ mỉm cười. Anh mặc một thân áo bào màu trắng, tao nhã điềm tĩnh, đứng giữa ruộng đồng xanh tươi, vốn trông rất đối lập, nhưng lại cảm thấy tương xứng lạ thường.

Viên An Thế thu lại tầm mắt đang nhìn Trang Dương, bước xuống phiến đá, khom lưng vươn tay xuống suối vốc nước lên rửa tay rửa chân. Anh ta là một người đọc sách vậy mà quanh năm suốt tháng phải làm việc đồng áng.

“A Dương, đi, đi về nhà tôi.”

Viên An Thế xoa xoa tay, niềm nở mời Trang Dương. Mỗi khi nhìn thấy Trang Dương hào hoa phong nhã, đẹp trai lỗi lạc, anh ta sẽ nhớ đến thầy Chu Cảnh của hai người.

Năm đó khi hai người cùng đi học, Trang Dương vẫn là một đứa trẻ.

“Gần đây Huyện lệnh dán thông báo cầu tài, tôi suýt thì đi dâng hịch xin ứng.”

Viên An Thế cười sang sảng, chính anh ta đang ở ẩn ở ngoại ô, ngày tháng chiến tranh loạn lạc như này, kẻ đọc sách cũng chẳng có mấy ai tự nguyện làm quan binh. Tiếc rằng trong nhà nghèo khó, anh ta cũng đã thành niên, là người đàn ông trưởng thành, chung quy cũng không thể ngồi yên ở nhà chịu cảnh nghèo đói.

“Sao sau lại không vào thành nữa?”

“Mấy ngày trước phải thu thuế mà đúng không?  Đúng dịp thu thuế mùa xuân, đến cả trẻ nhỏ cũng tính, Huyện lệnh này sớm muộn gì cũng xong rồi.”

Trang Dương khẽ gật đầu. Bốn bề ruộng đồng yên ắng, nếu không mấy lời này của Viên An Thế mà bị người khác nghe thấy sẽ không tốt chút nào.

Bất giác hai người đã đến sân nhà họ Viên, Viên An Thế mời Trang Dương đến ngồi dưới gốc cây đào.

Dưới tán cây đào có kê một bàn đá trên tấm chiếu cói, hàng ngày An Thế hay ngồi đọc sách ở đây.

“Ôi chao, A Dương này, cậu nên đến đây thường xuyên hơn đi.”

An Thế phấn khởi mang lên một bàn cờ tướng, đưa cho Trang Dương một hộp quân cờ.

“Đến để chơi cờ với huynh à?”

Trang Dương cười nói, vuốt ve quân cờ thô nhám tự làm bằng đá, nhẹ nhàng xếp lên bàn cờ bằng gỗ.

Trên đầu hoa đào nở rộ, ruộng đồng bò ụm dê be, trong sân gà vịt kêu vang, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng tụi nhỏ cười đùa, thật sự là an nhàn tự tại.