Chờ Em Đến San Francisco

Chương 15: Lời tỏ tình của paris

Trời thu Paris vào buổi sáng sớm không hề ấm áp với bầu trời xám và làn gió rét cắt da. Những đợt lá vàng rụng từng cơn lìa cành, xót xa, buồn man mác. Dân Paris phải tiếp tục chịu đựng thời tiết ngày càng tệ hơn và mùa đông lạnh lẽo đang ập đến. Tôi vẫn biết đến Paris vào mùa thu không phải là một chọn lựa thông minh, nhưng lần này, tôi thấy Paris đẹp rực rỡ hơn bao giờ hết. 

Bình nhất định đòi ra đường lúc mọi người đi làm vào buổi sáng để chứng kiến cảnh Paris giờ cao điểm dưới métro. Hai kẻ đến Paris chỉ để nghỉ ngơi giờ cũng bị chen lấn, xô đẩy, chịu đựng đủ mùi dầu thơm sang hèn của khách đi tàu điện ngầm. 

_ Đến trạm Champ Elysees Clemenceau mình xuống nhe – Tôi nhăn nhó ra hiệu với Bình – Em chịu hết nổi rồi, mình tìm chỗ nào ăn sáng và uống cà phê luôn. 

_ Uống cà phê ở Paris thì anh chỉ muốn đến Quartier Latin thôi – Bình lắc đầu – Hãy cho anh thăm Paris bắt đầu bằng tách cà phê sữa ở quán Les Deux Magots. 

_ Trời ơi! – Tôi la lên – Anh tính đứng chen lấn trong métro cho đến lúc đó sao, mình không tiện đường đâu. Lúc khác em cho anh vô Quartier Latin. 

_ Chiều anh đi mà – Bình mỉm cười nài nỉ - Lần đầu anh ở Paris nên muốn thực hiện một số điều anh ao ước từ lâu.  

Tôi bật cười, gật đầu đồng ý. Tôi nhận ra từ lúc gặp lại Bình, anh "sai khiến" gì tôi cũng chịu. Ngay cả trước khi gặp lại Bình, anh đề nghị tôi đổ đường từ Sài Gòn qua Paris tôi cũng đã ưng thuận. Chưa có một người nào có đủ uy quyền để tôi "cúc cung tận tụy" nghe đâu làm đó như Bình. Tôi là một người khó chiều chuộng như ông họa sĩ trên Montmartre nhận xét, nhưng giờ tôi luôn thích đi chiều chuộng Bình. Tôi tự hỏi vì sao mình trở nên lụy tình như thế. Bình không phải là người đàn ông đẹp trai nhất trong đời tôi từng gặp, anh cũng không phải người tài giỏi nhất, thành đạt nhất, giàu có nhất. Không lẽ mối tình đầu có sức mạnh đến như thế hay sao? 

Thật ra Bình chưa bao giờ nói yêu tôi, trước ngày anh đi Mỹ và cả khi chúng tôi gặp lại nhau ở Paris. Thậm chí, hôm qua khi chúng tôi cùng nhau "đi xa" hơn, lên tận đỉnh cao của ái tình thì Bình cũng không hề nói "Anh yêu em" và tôi cũng không có tâm trí nào mà đòi được nghe những lời đường mật. Ở tuổi này giờ đây cả tôi và Bình đều không muốn nói nhiều mà chỉ thích thể hiện bằng hành động. Chúng tôi thích được hôn nhau mải miết, ghì lấy cơ thể của nhau, cùng nhau trải qua những giây phút cuồng nhiệt nhất, thấy mình gắn kết và thuộc về nhau trọn vẹn, hân hoan. Hạnh phúc tột cùng. 

Nhưng dù chúng tôi chẳng ai nói đến chữ yêu, tôi chưa từng có cảm giác kỳ lạ về hạnh phúc bên một người đàn ông như lần này. Với Bình tôi tưởng mình vẫn còn mười tám tuổi và thật sự chúng tôi như mới yêu nhau lần đầu. Tôi không cần biết suốt những năm tháng qua anh có bao nhiêu phụ nữ khác trong đời, Bình cũng không quan tâm tôi đã trải qua bao nhiêu mối tình. Những gì không dám làm và chưa thể làm vào buổi tối chia tay ở Sài Gòn giờ chúng tôi cùng nhau tận hưởng đến mức đam mê nhất, tận cùng nhất. 

_ Sao anh vẫn còn mùi hương xà bông đá của hồi đó vậy? – Tôi gối đầu lên tay Bình tò mò hỏi – Em tưởng anh qua Mỹ lâu rồi thì xài dầu thơm nào khác. 

_ Hồi đi Mỹ anh không còn xà bông đá tắm nên luôn thấy khó chịu – Bình bật cười – Sau này tình cờ anh được một người bạn tặng một chai dầu thơm có mùi giống hệt xà bông đá. Anh thấy nhớ Sài Gòn khủng khiếp. Hồi đó thiếu thốn phải xài xà bông đá, nhưng cái chai dầu thơm này thì giá cả trăm đô. 

_ Xà bông đá tự nó không thơm, nhưng anh tắm lên người anh thì mùi hương trở nên đặc biệt – Tôi nhổm dậy nhìn Bình thú nhận – Hồi đó mỗi lần đứng gần anh là lúc em bị mùi hương của anh quyến rũ khủng khiếp. 

_ Sao em có thể nhớ được một mùi hương sau gần hai mươi năm? – Bình xúc động kéo tôi vào lòng – Chưa từng có ai nhận ra mùi dầu thơm anh đang xài bây giờ đúng là có hương xà bông đá của Sài Gòn thời đó. Kể cả mấy anh chị của anh, những người cũng bị tắm gội bằng xà bông đá suốt bao nhiêu năm trời. 

Chúng tôi vào Quartier Latin, cho Bình uống cà phê ở cái quán trứ danh trong văn học là Les Deux Magots. Tôi chưa từng thích bắt chước những người nổi danh để tận hưởng Paris giống họ, tôi thấy việc đó rất "nhà quê" và khá sến. Nhưng sáng nay, ngồi bên Bình trong Les Deux Magots, nghe anh huyên thuyên kể tên những văn nghệ sĩ châu Âu từng ngồi trong quán này đàm đạo với giọng điệu say mê, tôi thấy mình không hề quê mùa mà thật sự cũng rất sang trọng và trí thức. Lẽ nào tôi yêu Bình đến mức anh làm gì tôi cũng thấy thú vị. 

_ Làm gì em nhìn anh cười hoài vậy? – Bình nhận ra tôi đang ngắm anh – Em thấy anh giống ở quê mới lên tỉnh phải không? 

_ Không, anh chỉ ở bên Mỹ thô kệch sang kinh thành ánh sáng thôi – Tôi bật cười – Không thể tin được một người từng rất giỏi tiếng Pháp giờ ở Paris mà chỉ nói được hai chữ "Bonjour" và "Merci". 

_ Đừng chọc quê anh chứ! – Bình lắc đầu cười, có vẻ hơi chua chát – Khi sang Mỹ tiếng Anh của anh rất tệ. Cả nhà anh lao vào học tiếng Anh trối chết. Anh ghi danh học lại đại học, vô giảng đường nghe như vịt nghe sấm. Anh cố gắng trao dồi tiếng Anh, thì tự nhiên tiếng Pháp lụn bại mất. 

_ Rốt cuộc anh học ngành gì, đang làm chức vụ gì, ở đâu? – Tôi ra vẻ thờ ơ hỏi – Anh lên facebook biết hết về em, nhưng em thì không biết gì về anh cả. 

_ Anh là một người sinh nhầm thời, học nhầm ngành, định cư nhầm nước – Bình cúi xuống uống một ngụm cà phê – May mà anh chưa cưới nhầm người. 

_ Rốt cuộc anh chưa từng có vợ hay đã li dị vậy? – Tôi tò mò ra mặt – Thật khó tin anh đang độc thân. 

_ Anh chưa từng có vợ - Bình nhìn sâu vào mắt tôi khẳng định – Nếu em còn nhớ, hồi ở Việt Nam anh tốt nghiệp đại học Sư phạm ngành tiếng Pháp. Lẽ ra anh nên định cư ở Pháp thay vì Mỹ. Sang đến Mỹ, anh lại bị gia đình bắt học ngành IT. Người nước ngoài ở Mỹ muốn tìm được việc làm chỉ nên học các ngành kỹ thuật, còn các ngành cần giao tiếp nhiều như Sư phạm, Ngoại ngữ, Luật, Kinh doanh... đều cạnh tranh không lại người bản xứ vì tiếng Anh của mình không thể bằng họ được. 

_ Sao đã biết trước sau gì cũng đi Mỹ mà gia đình anh khi đó không lo học tiếng Anh trước đi – tôi thắc mắc – Anh lại tốn năm năm học Sư phạm tiếng Pháp làm gì chứ? 

_ Anh là học sinh giỏi toàn quốc môn tiếng Pháp nên được tuyển thẳng vào đại học luôn – Bình nhìn tôi buồn buồn – Thật ra hồi đó anh thích học Y khoa, nhưng Y khó đậu, anh sợ nếu rớt đại học anh sẽ bị đi "nghĩa vụ quân sự". Anh thì quá sợ chiến tranh rồi. Nên cuối cùng anh học Đại học Sư phạm. Thời đó nhà nước còn bao cấp giáo dục đại học, anh không bị đóng học phí gì hết mà còn được học bổng hàng tháng, cũng phụ mẹ anh được chút ít tiền chợ. Còn tiếng Anh? Một lý do cả nhà anh không ai học tiếng Anh trước là: không có tiền. 

_ Không có tiền? – Tôi kinh ngạc thốt lên – Em thấy học tiếng Anh ở mấy trung tâm buổi tối đâu có bao nhiêu tiền... 

_ Nhưng với gia đình anh thì đó là một món tiền lớn – Bình bật cười chua chát – Nếu em còn nhớ, vì hồi đó em nhỏ quá, cả nhà anh không ai có công ăn việc làm ổn định. Mấy anh chị của anh làm việc lèn èn vì không có bằng cấp gì hết. Người đi dạy đàn ghita, người dạy judo, người nhận đan móc áo len, người làm bánh bỏ mối cho các nhà hàng. Anh lúc đó cũng đi dạy kèm mấy em học sinh. 

_ Anh cũng có dạy em tiếng Pháp mà không lấy tiền – Tôi thốt lên – Nếu biết nhà anh nghèo như vậy em đã nói mẹ em đóng tiền cho anh rồi. 

Bình phá lên cười làm tôi cũng cười theo. Anh nắm hai tay tôi áp lên má anh. Tôi nhận ra anh đang xúc động ứa nước mắt. Chúng tôi ngồi im nhìn Paris ngoài cửa kính. Cuộc đời thật trớ trêu, có ai ngờ ngày xưa Bình dạy tôi tiếng Pháp mà giờ đây anh không thể tự tin giao tiếp được ở Paris, cứ ngại ngùng bắt tôi phải nói với bồi bàn. Thật ra lần đầu tiên đến Pháp tôi cũng không hiểu người Pháp nói gì. Tiếng Pháp học được ở Việt Nam khác xa với thứ tiếng dân Paris đang líu lo nói. Mấy năm tu nghiệp ngành Y ở Pháp mới giúp tôi nói được tiếng Pháp như bây giờ. 

_ Thật ra tiếng Pháp anh quên nhiều – Bình quay sang nhìn tôi cười – Nhưng lời các bài hát ngày xưa mình chép ra từ băng casette thì anh vẫn nhớ. Cho nên với anh bây giờ, tiếng Pháp chỉ còn là những lời hoa mỹ trong các bản tình ca. 

_ Anh vẫn còn lãng mạn quá – Tôi bật cười – Trong khi em chẳng nhớ nổi một bài hát nào trọn vẹn. Em trở nên thực dụng, hung hăng, cạnh tranh quyết liệt, lúc nào cũng muốn mình phải là người giỏi nhất, nắm giữ vị trí cao nhất, quyền lực nhất. 

_ Thật khó tin em lại trở nên như vậy – Bình mỉm cười – Anh vẫn giữ mãi hình ảnh em mặc áo dài trắng đi học về. Mấy thằng con trai xóm mình canh giờ, đứng ngoài đường mong được thấy em. Nhìn em vô cùng trong sáng, mong manh, nhỏ bé. 

_ Em cũng không nghĩ anh lại yếu đuối, ủy mị, sướt mướt và ướt át như bây giờ - Tôi chọc quê Bình – Em nhớ ngày xưa anh phá phách nhất xóm, anh đá banh giỏi nhất, anh chạy đua nhanh nhất, anh còn đánh cầu lông được lên Phường lãnh giải thưởng nữa. 

_ Ờ, kỳ thật, không lẽ vì anh đi Mỹ nên trở nên yếu đuối hơn, còn em ở lại Việt Nam nên trở nên mạnh mẽ hơn! 

Chúng tôi lại cười phá lên, nhưng không thấy vui mà lại thoáng ngậm ngùi. Bình vẫn chưa nói cho tôi biết vì sao khi đến Mỹ rồi anh không liên lạc thường xuyên về với tôi và cũng không về Việt Nam chơi khi đã ổn định cuộc sống. Nhưng giờ tôi hình dung ra anh đã rất vất vả để phấn đấu trụ vững lại nơi cả gia đình anh quyết tâm định cư. Ba mẹ anh ra đi không chỉ vì lý do kinh tế mà còn vì tư tưởng chính trị khác biệt ở Việt Nam. Nhưng sống ở Mỹ thì cũng phải làm việc cật lực và cạnh tranh nhiều để tồn tại. Bình đã phải học lại đại học, học cái ngành anh không hề thích và học bằng thứ tiếng anh không hề biết. Và tôi chắc rằng khi ra trường, anh cũng gian nan mới tìm được việc làm khả dĩ, một công việc cũng không thuộc sở trường và bản tính của anh. Tôi tin anh đã nỗ lực rất nhiều, trưởng thành và mạnh mẽ hơn vẻ sướt mướt anh giả bộ thể hiện ra với tôi. 

_ Nếu em muốn biết rõ hơn lý lịch của anh thì đây anh xin khai – Bình đột nhiên lên tiếng – Anh là kỹ sư tin học, làm ở phòng Nghiên cứu và Phát triển của công ty Apple. Anh làm việc tại thung lũng Silicon, thành phố San Jose. 

_ Anh là nhân viên của Apple! – Tôi ồ lên ngạc nhiên – Cũng oách quá chứ, nãy giờ nghe anh nói em tưởng anh lèn èn thôi! 

_ Trời ơi, công ty Apple có cả ngàn kỹ sư – Bình phẩy tay – Làm nhân viên của Apple có gì oai chứ. Anh cũng chỉ là kỹ sư quèn thôi. 

_ Kỹ sư là oách rồi – Tôi cười – Còn quèn với không quèn gì nữa. 

_ Nhưng anh vẫn ước giá mà mình làm thầy giáo dạy tiếng Pháp – Bình nửa đùa nửa thật mỉm cười – Cuộc đời thanh bạch, giản dị, hạnh phúc biết bao... 

_ Trời ơi! – Tôi la lên – Nghề thầy giáo là nghề bạc bẽo nhất trên đời! 

_ Đúng rồi, gặp phải học trò giống em, học chùa không đóng tiền. Giờ ỷ đi Tây như đi chợ, cứ chọc quê anh nói tiếng Pháp nghe kỳ cục, coi chừng tụi Tây cười đó! 

_ Em giỡn thôi mà – Tôi cười xòa – Anh nói tiếng Pháp giống trong sách giáo khoa, vô cùng hàn lâm, vô cùng lịch sự, cứ như tụi quý tộc nói chuyện với nhau trong tiểu thuyết vậy đó. Thứ tiếng Pháp đó là thời Balzac, Alexande Dumas, Victor Hugo. 

_ Đi Paris lần này về, chắc anh ghi danh học lại đại học – Bình ngồi sâu vào lòng ghế, vẻ cương quyết nửa đùa nửa thật – Anh sẽ thực hiện ước mơ làm thầy giáo tiếng Pháp. 

_ Thôi em xin can – Tôi xua tay quyết liệt – Làm kỹ sư ở Apple oai hơn. Làm thầy giáo tiếng Pháp nghe giống mấy ông già hết thời quá! 

_ Em đúng là bị nhiễm thói thực dụng của người Việt Nam thời nay rồi – Bình sẵng giọng – Nhiều người Việt Nam mình bây giờ chỉ chạy theo những giá trị vật chất, nào là công việc trong công ty tên tuổi, lương cao vài ngàn đô la, đi công tác nước ngoài như đi chợ. Họ chỉ coi trọng doanh nhân thành đạt, đại gia lắm tiền nhiều của. Mọi người lên facebook khoe khoang vật chất. Không ai còn biết quý trọng những nghề thầm lặng mà cao quý như giáo viên nữa. 

Tôi ngỡ ngàng trước thái độ nóng giận của Bình. Đột nhiên chúng tôi trở nên xa cách như hai thế hệ. Tôi nhận ra với Bình mình cũng nên dè chừng và cẩn thận chọn ngôn từ như khi nói chuyện với những người Việt kiều lớn tuổi khác. Dù sao tôi cũng là người trưởng thành hoàn toàn từ trong nước, dù có thời gian đi du học ở nước ngoài. Và Việt kiều thì luôn có sẵn ác cảm với những ai thành công ở Việt Nam. Họ luôn nghĩ người nào thành đạt đều dùng thủ đoạn, nếu không thì cũng thuộc loại "chỉ chạy theo những giá trị vật chất" như Bình vừa lên án tôi. 

Bình có vẻ ân hận vì phút chốc phá hỏng không khí vui vẻ và thân mật của chúng tôi. Anh cúi xuống vuốt mặt, thở dài buồn bã. Và đúng vào giây phút này, tôi chợt nhận anh không còn vẻ bảnh bao, lãng tử hào hoa như Alain Delon mà từ sân ga trưa hôm qua anh đã hớp hồn tôi nữa. Anh ngồi trước mặt tôi, cô đơn và lạc lõng. Anh đúng là một người sinh nhầm thời, định cư nhầm nước, học nhầm ngành và làm việc nhầm nghề. Mà thật ra bản thân anh luôn ý thức được không phải mình nhầm mà vì thời cuộc và cuộc sống đưa đẩy, anh đã luôn ở thế thụ động để chấp nhận mọi thứ trong cuộc đời mình đều bị đặt sai chỗ. 

_ Anh xin lỗi – Bình nhìn tôi dè dặt – Lẽ ra anh nên biết rằng mình chỉ có chung tuổi thơ và cả tuổi trẻ tươi đẹp ở Sài Gòn. Còn lại thì những năm tháng qua mình sống và suy nghĩ quá khác biệt nhau. 

_ Em... - Tôi ngại ngùng – Em quên mất là anh với em cũng nên tìm hiểu lại... 

_ Ở bên Mỹ gần hai mươi năm nay anh luôn bị cuộc sống cuốn mình vào guồng bận rộn – Bình cố cười pha trò – Anh chưa từng nghĩ mình tiếc nuối nghề thầy giáo Pháp văn, nghe cứ như một ông già lỗi thời. Thật ra bên Mỹ nếu muốn học tiếng Pháp, họ vẫn thích chọn những ông thầy gốc người Pháp. Mà người Pháp di cư sang Mỹ cũng không phải hiếm. Thật khôi hài khi nghĩ tụi Mỹ chịu học tiếng Pháp với một người thầy Việt Nam. Tất cả là lỗi của Paris, làm anh trở nên điên rồ với những ý nghĩ không thực tế. 

_ Paris? – Tôi bật cười – Mỗi lần đến Paris em cũng hay mơ mộng những điều không thực tế. Em trở nên khác hẳn với con người thật của mình. Em muốn làm ca sĩ, mà không phải ca sĩ nổi tiếng có cát-xê nhiều, chỉ là ca sĩ hát rong thôi, hát dưới métro, trong cong viên, ngoài đường phố. Đời một ca sĩ hát rong sao mà vô tư lự. Em ước mình có thêm một người bạn đời. Cả hai lang thang sống đời ung dung, tự tại. 

_ Sao nghe giống truyện kiếm hiệp Kim Dung quá vậy – Bình bật cười – Ý tưởng ca sĩ hát rong hay đó. Chiều nay mình sắm cây đàn, tìm chỗ nào hành nghề đi. Lâu lắm rồi anh không đàn hát gì hết, kể cả hát một mình trong nhà tắm như hồi còn ở Việt Nam. 

Chúng tôi tay trong tay rời quán Les Deux Magots, lang thang khắp khu Quartier Latin với ý định tìm chỗ chiều nay hạ trại làm kẻ hát rong. Tôi thích những ý tưởng điên rồ, nếu Bình dám hát ngoài đường tôi cũng không ngại. Nhưng tôi biết anh giả bộ vậy thôi. Bình luôn là một người thức thời và biết chấp nhận cuộc sống, như anh đã luôn cố gắng suốt những năm tháng qua. 

Chúng tôi đi qua khu Vieux Paris với những ngôi nhà cổ, nhà thờ và thư viện cổ. Rồi chúng tôi lang thang tiếp đến Notre Dame de Paris. Bình nói không uổng công anh từng học tiếng Pháp và đọc bao nhiêu cuốn sách văn học Pháp. Người nào không biết tí gì về lịch sử và văn học Pháp mà đến Paris chắc không cảm được hết vẻ đẹp của kinh thành ánh sáng. Rất nhiều người Mỹ bạn anh đến Paris du lịch, khi về họ chỉ nhớ Paris có tháp Eiffel, sông Seine, nhà thờ Notre Dame, bảo tàng Louvre. Vậy là hết rồi. 

_ Em thật may mắn được đến Paris nhiều lần – Bình nhìn tôi ganh tị - So với Paris, mọi thành phố bên Mỹ đều quá xấu xí và thô kệch.  

_ Anh không công bằng rồi – Tôi thốt lên – Mỗi nơi có một vẻ khác nhau chứ. 

_ Thành phố nào bên Mỹ sánh được với Paris chứ. Ở đây kiến trúc cổ vừa hùng vĩ vừa mang tính mỹ thuật cao, phố xá nhỏ hẹp thật lãng mạn. Và nhất là cái hồn của Paris thì không nơi nào có thể sánh bằng: những kiosque bán báo và carte postale, những quầy sách cũ bên sông Seine, những quán cà phê sữa thơm lừng, những cửa hàng bán bánh mì baguette, những hộp thư màu vàng... Trời ơi, Paris đẹp tuyệt. Sao anh phải chờ đến bây giờ mới chịu đến Paris? 

_ Em chỉ mới đến các thành phố thuộc bờ Đông ở Mỹ, và Chicago nữa – đột nhiên tôi rùng mình khi nhắc đến Chicago và chợt nhớ John nhói lòng – Em thấy Mỹ không lãng mạn như Paris, nhưng so về độ hoành tráng thì... 

_ Anh ghét vẻ hoành tráng ngạo nghễ của Mỹ - Bình nhăn mặt – Ra là em chưa đến bờ Tây, chưa biết bang California à? 

_ Dạ chưa – tôi trả lời – Nghe nói bờ Tây đẹp hơn bờ Đông nhiều lắm. 

_ Hồi mới sang Mỹ gia đình anh ở ngoại ô New York nhưng chịu không nổi sức ép và cạnh tranh cao, cả nhà anh dời sang bang California ở - Bình thở sâu như muốn quên đi những kỷ niệm buồn – Bang Cali có nắng vàng, trời ấm, thời tiết dễ chịu hơn, người dân cũng thân thiện hơn. 

Chúng tôi dừng chân bên cầu Pont Neuf, bắc sang đảo Cité, sông Seine đang chảy lững lờ dưới kia. Nhìn sang đảo là nhà thờ Notre Dame de Paris, nhìn lại bên đất liền là hàng cây mọc ven sông đã trụi lá. Những thân cây đều tăm tắp, cành cây gầy guộc và khẳng khiu trong gió thu thật mong manh. Paris nhìn từ góc này đẹp lạ lùng. Bình dường như rất xúc động, anh trải tầm mắt ra khắp các hướng. Rồi vô cùng đột ngột, anh quay sang nhìn tôi tha thiết: 

_ Cảm ơn em đã cho anh biết Paris, cảm ơn em đã chịu hẹn gặp anh ở Paris. 

_ Thôi anh đừng sướt mướt nữa – Tôi bật cười xúc động – Cảm ơn gì, anh trả tiền vé máy bay lại cho em mà. 

_ Tiền bạc đâu quan trọng, với mức lương kỹ sư mà sống độc thân như anh, tiền bạc đâu có thiếu – Bình nắm tay tôi – Nhưng nếu anh ở Paris một mình, hoặc với một người nào khác, chắc chắn anh không cảm nhận Paris đẹp đến thế này đâu. 

_ Em cũng thấy lần này Paris đẹp nhất – Tôi thú nhận – vì có anh. 

_ Lần tới mình hẹn nhau ở San Francisco đi – Bình đột ngột đề nghị - Đó là thành phố anh thích nhất ở Mỹ. San Francisco khác hoàn toàn với Paris. Nhưng xứng đáng để anh đón em ở đó. 

_ San Francisco? – Tôi thốt lên sung sướng – Anh cũng sẽ cho em tiền vé máy bay chứ? 

_ Tất nhiên rồi, cái cô nàng vật chất này – Bình phá lên cười – Anh cho em hết mọi thứ trong đời anh. Trời ơi, anh yêu em! 

Trước khi tôi kịp hoàn hồn nhận ra mình được Bình nói tiếng yêu đầu tiên, anh nồng nhiệt cúi xuống hôn tôi thắm thiết. Tim tôi thắt lại vì hạnh phúc, tôi ôm chặt lưng Bình, muốn giữ anh lại bên tôi mãi mãi. 

Cảnh tượng này dường như tôi đã nhìn thấy trong một giấc mơ nào đó, anh hôn tôi trên một cây cầu cổ. Tôi biết Paris làm Bình phấn khích, nhưng nụ hôn này và cả lời tỏ tình thì anh đã để dành cho tôi từ rất lâu rồi. 

Nhưng không hiểu vì sao anh phải kêu Trời khi nói yêu tôi?

_