Huy Kha thua Khôi Vĩ tám tuổi thì Khôi Vũ là đứa em trai thua Khôi Vĩ ba tuổi.
Ba của sống ở Mỹ từ nhỏ, mẹ thì ở đây, hai người kết hôn theo một cuộc hôn nhân sắp đặt của bậc tiền bối không có tình yêu. Thời gian đầu, cả hai cùng Khôi Vĩ sống ở Việt Nam tại một vùng quê thanh bình, cách thành phố nơi chi nhánh công ty của ba Khôi Vĩ không bao xa. Khi ông nội và ông ngoại của Khôi Vĩ qua đời, Khôi Vĩ ba tuổi. Ba của Khôi Vĩ nhân cơ hội đó li hôn và mang Khôi Vĩ về Mĩ, mẹ của Khôi Vĩ vẫn ở lại mà không biết rằng mình đang mang thai.
Khôi Vĩ ở với ba, kí ức về nơi mình sinh ra cũng dần dần phai nhòa, anh có thể nói cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Anh, nhưng chưa bao giờ bận tâm về quê hương của mình. Anh có cuộc sống của anh. Thỉnh thoảng, anh nói chuyện với mẹ, xem hình của mẹ, nhưng kí ức rất nhạt nhòa, anh càng không biết mình có một đứa em trai.
Năm Khôi Vĩ lên mười tuổi, ba của Khôi Vĩ quyết định đưa anh về Việt Nam một chuyến.
“Khôi Vĩ, lần này trở về mang em con sang đây.”
“Em? Con có em?” – Khôi Vĩ chưa từng nghe ba đề cập đến chuyện này, cũng chưa từng nghe mẹ nói đến.
Mẹ của anh nói chuyện rất ít, thường chỉ là hỏi anh có khỏe không tốt không, giống như xem anh là kết quả của một quãng thời gian không hạnh phúc.
“Phải, bảy tuổi, tên là Khôi Vũ.”
“Thế mẹ và bà ngoại cũng sang đây luôn à?”
“Không, mẹ con và bà ngoại không chịu đi, cũng không muốn để Khôi Vũ đi. Nhưng ba kiên quyết bắt nó đi, ở đây, nó mới có tương lai.”
Lúc trở về, những kí ức mông lung về quê hương của Khôi Vĩ dần dần được khơi gợi nhưng chẳng đáng là bao. Hơn nữa, qua thời gian, có những điều đã thay đổi, nó lạ lẫm đối với anh.
Kí ức đầu tiên của anh về em trai Khôi Vũ là một đứa bé cao gầy, có gương mặt lanh lợi và đôi mắt sáng, quần áo lấm lem, tóc còn dính mấy vụn cỏ, ngạc nhiên mở to tròn hai mắt nhìn anh.
“Anh là anh hai em?”
“Phải.”
Khôi Vĩ gật đầu, anh không có kinh nghiệm làm anh trai, cũng như không có kinh nghiệm về một đứa em trai. Mang cùng một dòng máu, họ chẳng hiểu gì hết về nhau.
Khôi Vũ mím mím môi một chút nhìn Khôi Vĩ, sống ở thôn quê tuy rằng không thiếu thốn, nhưng Khôi Vũ lại thích chạy nhảy với mấy đứa bạn ngoài đồng hơn. Cho nên, cả người của Khôi Vũ đều ít nhiều trầy trụa với vết thương chưa kịp kéo da non, quần áo cũng không trau chuốt, da ngăm đen, tóc ít nhiều cháy nắng. Còn Khôi Vĩ, anh cao ráo, anh tuấn, trắng trẻo, ăn mặc thật hợp thời, dùng những thứ thật đắc tiền, hoàn toàn xa lạ với vùng quê này.
Khoảng cách đầu tiên được tạo ra.
Khôi Vũ không chịu mặc quần áo mới, suốt ngày mặc quần áo cũ chẳng đâu ra đâu, Khôi Vĩ thấy ngứa mắt khủng khiếp. Nhưng nó lại thích cái máy nghe nhạc cùng điện thoại của anh, còn mon men đến gần cái laptop. Khôi Vĩ cũng rộng lượng cho nó mượn, nhưng mà Khôi Vũ vô ý mà thường làm “treo” máy hay là làm rơi điện thoại với máy nghe nhạc xuống đất. Khôi Vĩ cực kì giận.
Khôi Vũ khi biết mình phải đi theo ba thì nhất nhất không chịu. Nó nói, đây là nhà nó, nó không chịu đi đâu hết. Ba của Khôi Vĩ cũng không tốn thời gian với đứa con này, bảo, đây là chuyện hiển nhiên, không bàn cãi, đến ngày hôm đó nó không đi tự khắc có người lôi nó đi. Khôi Vũ vì thế mà ghét ba vô cùng đồng thời bài xích cả Khôi Vĩ. Mà Khôi Vĩ lúc đó cũng không thích thú gì cậu em này, có điều, dù sao nó cũng là em anh, anh có một chút quan tâm đến những gì nó làm, nhất là những gì anh cho là chướng mắt.
“Này, trưa nắng như vậy còn đi đâu? Không biết đội mũ vào à?”
“Tôi đi đâu mặc tôi!”
“Ăn thì rửa tay rồi mới được ăn, còn không biết dùng đũa muỗng, sao lại cầm tay vậy?”
“Tôi ăn là chuyện của tôi! Tôi không có đụng chạm đến anh!”
“Buông con chó đó ra! Bẩn thỉu như vậy lỡ sinh bệnh thì sao?”
“Kệ tôi, tôi bệnh không phải anh bệnh!”
“Còn muốn dầm mưa nữa! Vào nhà ngay!”
“Anh nói nhiều quá! Tôi có thế nào thì ‘ông ta’ cũng không xót! Anh quan tâm làm gì?”
…
Rất nhiều chuyện như vậy, mà mỗi lần đề cập đến ba, Khôi Vũ chỉ dùng chữ ‘ông ta’ thay thế. Dần dần Khôi Vĩ nhận ra rằng, mặc dù Khôi Vũ ngoài mặt luôn chống đối ba nhưng nó lại tủi thân tủi phận. Nó nghĩ rằng ba chỉ quan tâm anh, không cần nhìn đến nó. Nó cho rằng ba đã khiến nó có một gia đình không toàn vẹn. Cũng vì vậy mà mặc dù nhiều lúc cảm thấy phiền phức nhưng Khôi Vĩ không chán ghét đứa em này. Trái lại, anh từ từ nảy sinh thiện cảm với nó.
…
“Anh lột vỏ khoai mà cũng không biết! Anh làm vậy không sợ bỏng hả?”
“Con chó đó không có cắn anh đâu mà sợ! Anh sợ con gà mẹ kìa! Dẫm lên con của nó nó mổ anh cho biết mặt!”
“Anh không sợ rắn cắn mà lủi vô trong đó! Đi đường này nè!”
“Đừng có chạm vô cây ‘mắt mèo’, ngứa lắm đó!”
…
Ngày đi, Khôi Vũ một hai không chịu. Nó thậm chí còn không chịu mặc quần áo cho đàng hoàng tử tế. Mẹ cùng bà ngoại phải dỗ dành hết mức, nói nó là tương lai của họ, họ không đi được, còn nó không đi thì là bất hiếu, nó có đi thì mới giỏi giang thành đạt về làm giàu cho gia đình này, còn không, gia đình này sẽ chẳng thể nở mày nở mặt với ai… Thậm chí mẹ cùng bà ngoại còn nói, nếu nó ở lại, họ sẽ chẳng coi nó là con cháu, sẽ chẳng nhìn mặt nó nữa.
Vậy mà lúc Khôi Vũ quẹt nước mắt lên đường, Khôi Vĩ ngoái nhìn lại, thấy ai mắt cũng đỏ hoe. Khôi Vĩ trong tâm xúc động, vỗ vỗ vai đứa em đang run lên bần bật: “Khôi Vũ ngoan, sau này còn được trở lại, cái quan trọng là học tập cho thật tốt, mới làm mẹ cùng bà ngoại vui lòng!”
Khôi Vũ lần đầu tiên lên máy bay, nó vừa sợ, vừa lạnh, lại nhớ nhà, suốt quãng đường cứ hưng hức hưng hức. Ba lừ mắt nhìn nó, nó hoảng quá im, nhưng sau lại nhịn không nổi cứ co rúm người lại. Khôi Vĩ phải hết mức vỗ về dỗ dành nó, nó mới ngoan ngoãn ngồi im.
Cũng chính là từ đó, Khôi Vĩ Khôi Vũ mới đúng nghĩa là anh em.
Khôi Vũ nặng tình quê, lúc mới sang, nó không biết nói chuyện với ai, lại sợ người ngoài, sợ ba, Khôi Vĩ phải dạy nó tiếng Anh, phải ở nhà suốt ngày với nó. Mỗi khi nó làm rơi bể vật dụng trong nhà cũng là Khôi Vĩ phải đứng ra nhận là lỗi của mình. Khi Khôi Vũ đi học, lúc có điểm kém cũng khẩn cầu anh hai nói giúp, mà thông thường như vậy hai anh em không thoát khỏi bị mắng bị đánh một trận.
Càng ngày, Khôi Vũ càng trở về dáng vẻ lanh lợi hoạt bát thông minh, còn cực kì thương anh hai, anh hai nói gì cũng nghe, đi đâu cũng đi với anh hai, về nhà liền mở miệng kêu anh hai, có tâm sự cũng là tâm sự với anh hai…
Khôi Vĩ vĩnh viễn không quên được chặng đường tuổi thơ lúc đó.
Đến năm Khôi Vũ mười bốn tuổi, bà ngoại qua đời, Khôi Vĩ đưa em về quê chịu tang, nhưng chỉ trong thời gian ngắn phải gấp gáp về lại. Đến năm mười bảy tuổi, Khôi Vũ vẫn chỉ có được một lần về nhà là lúc đó. Khi đó, Khôi Vĩ đang học đại học, công ty của ba đang trong thời kì phát triển tột bậc. Tin dữ từ quê nhà đến, mẹ của Khôi Vĩ Khôi Vũ qua đời, Khôi Vũ bàng hoàng đến mức người không ra người, luôn lẩm bẩm tự trách mình bất hiếu. Khi mẹ phát bệnh, ba lại không cho về, ba bảo, chẳng qua chỉ là bệnh thông thường, mẹ còn trẻ khỏe lắm chẳng chết được đâu mà sợ, nếu muốn tỏ ra có hiếu thì phải cố học cho tốt vào, tự nhiên lại nghỉ học ngang xương, thành tích không tốt, cũng ảnh hưởng đến danh tiếng của ba…
Lần đó cả ba người cùng về quê. Chịu tang mẹ một thời gian, Khôi Vũ trở về, không phải là Khôi Vũ lúc trước nữa. Luôn tự trách mình, oán hận ba đến mức căm ghét như kẻ thù, tụ tập bè đảng trốn học, đi chơi. Khôi Vĩ từ khuyên răn an ủi đến đánh mắng vẫn như cũ không bỏ. Nói cách khác, Khôi Vũ đã lạnh nhạt với anh, không còn nghe lời anh như trước nữa.
Lần đó, Khôi Vĩ đang ở nhà thì có một cuộc điện thoại của đứa bạn thân của Khôi Vũ trước đây nói, nó thấy Khôi Vũ bước vào một vũ trường vốn không đàng hoàng. Khôi Vĩ biết rằng chuyện này vượt quá giới hạn rồi, Khôi Vũ trước giờ phát bướng bỉnh cũng không có dám vào đó, cùng lắm là phá phách trên phố thôi.
Anh thật lo lắng cho đứa em, Khôi Vũ đang có tương lai rộng mở như vậy, chỉ sợ rằng một phút bất cẩn đều mất trắng hết.
Khôi Vũ đã uống rất nhiều, rượu ướt tràn áo, cả người đẫm mùi rượu, xung quanh bạn bè phấn khích cổ động, đèn đủ màu nhập nhoạng, nhạc mở to điếc tai.
“Thôi ngay! Em muốn chết hả? Về nhà!”
Khôi Vĩ dằn lấy chai rượu ném xuống đất, gào lên.
“Kệ em! Anh mặc em! Em không muốn về nhà! Em không muốn gặp ông ta!”
“Nói cái gì đó?”
…
“ Em không muốn anh hai quản em nữa!”
Khôi Vũ bùng nổ.
“Cái gì cơ? Em – lặp – lại!”
“Em không muốn anh hai quản em nữa! Em không cần anh quản em! Anh làm em xấu hổ với bạn bè! Em lớn rồi!”
Khôi Vĩ lần đầu tiên bị Khôi Vũ nói như vậy, tức giận cùng sụp đổ, anh chuyển sắc mặt sang tối sầm, trong lúc quá giận dữ tình nghĩa mười mấy năm tiêu tan như mây khói.
“Được, hôm nay, tôi Khôi Vĩ không có quan hệ với Khôi Vũ nữa!”
Anh cũng nổi nóng váng đầu, sau khi dùng hai cái tên mẹ đẻ thân thương tuyên bố như vậy thì xăm xăm đi ra khỏi vũ trường.
…Khôi Vũ đang say cũng bừng tỉnh. Khôi Vĩ… Khôi Vũ… hai cái tên mà anh em họ trân trọng như tính mạng.
Lúc này Khôi Vũ đã hối hận. Hơi rượu cuối cùng tiêu tan trong não, hình ảnh ngày xưa ùa về, Khôi Vũ không chịu nổi việc bị anh hai bỏ rơi, Khôi Vũ cần anh hai.
Anh hai, Khôi Vũ sai rồi!
Khôi Vũ lao theo Khôi Vĩ, gào lên bằng tiếng mẹ đẻ như vậy, vì còn chuếch choáng nên thường xuyên bị vấp ngã va đụng, mỗi lần thấy khoảng cách giữa anh hai và mình càng xa thì càng gào thảm, nước mắt ròng ròng chảy, giọng cũng khản đặc.
Mặc kệ ánh mắt của người trên đường.
“Anh hai! Em sai rồi!”
“Anh hai ngừng lại! Anh hai! Em cần anh hai!”
“Anh hai đánh chết em đi! Đừng làm vậy!”
“Anh hai anh không thương em nữa sao?”
…
Còn Khôi Vĩ giận đến mức làm ngơ, không thèm quay lại nhìn.
Cho đến khi…
Một tiếng còi xe chói tai vang lên, tiếng bánh xe thắng gấp nghiến mặt đường ken két.
Tiếng bánh xe cán qua vật gì đó mềm oặt.
Tiếng người kêu la hoảng loạn.
Và nhất là tiếng hét thảm thiết như dao cắt vào lòng Khôi Vĩ.
Cả con đường ùn tắc, không có ai khác bị thương, cũng không có chiếc xe nào hư hại.
Ngoại trừ một thanh niên, cao ráo, tuấn tú, cả người đầy mùi rượu nằm đó trong vũng máu choáng mắt.
Khôi Vĩ không thể tin được, bổ nhào bên cạnh Khôi Vũ. Gương mặt Khôi Vũ còn vương nước mắt, nhưng ánh mắt lúc hấp hối lại trong sáng lạ lùng, không một gợn sóng. Khôi Vũ gắng hết sức nắm lấy tay anh hai, thều thào:
“Anh hai… đừng giận em nữa…”
“Ừ… ngốc…anh hai không giận nữa…anh hai là anh hai của em…”
Khôi Vĩ lia lịa gật đầu, nói. Nhưng Khôi Vũ chỉ kịp nhìn thấy cái gật đầu của anh hai đã nhắm mắt.
Trời đất sụp đổ dưới chân Khôi Vĩ. Thời gian ngưng lại. Trí não của Khôi Vĩ triệt để mất cảm giác.
Xe cứu thương tới chỉ kịp đưa một thân thể không còn hơi thở đi.
Giống như khi đã quá đau, người ta chẳng còn biết đau là gì nữa.
… Khôi Vũ, em thật giống ngày xưa, lúc trước nằm ra cỏ, không sợ bị con gì cắn hay sao, giờ lại nằm ở trên mặt đường, không sợ lạnh à, còn khiến người ta không đi được nữa.
… Khôi Vũ, giờ này có phải giờ ngủ đâu, anh hai đem em về nhà rồi hẳn ngủ nhé.
… Còn làm nũng với anh hai nữa hả? Bắt anh hai cõng à?
… Hừ, em ngủ trông dễ thương lắm, nhưng về nhà anh hai sẽ đánh đòn em vì cái tội đi vũ trường, còn hỗn với anh hai.
… Khôi Vũ à, ngủ ở đây lạnh lắm, đã mười bảy tuổi rồi còn làm trò gì kì cục thế này…
… Khôi Vũ à, mở mắt ra đi em…
Nước mắt không biết tự lúc nào rớt xuống, hòa cùng với máu thành một thứ gọi là “Đau thương tột cùng”…