Cuộc Sống Của Hai Người Ở Rừng Rậm

Chương 28: Sốt gan và mề vịt

Sau khi sông băng bắt đầu phá băng, nhiệt độ đã tăng lên đáng kể. Các vũng nhỏ và đầm lầy trong rừng là những nơi đầu tiên tan băng. Dưới ánh nắng mặt trời, nước ở trung tâm của chúng sáng lấp lánh như một tấm gương, và tấm gương này được bao quanh bởi tuyết trắng mịn và cỏ lau bị tuyết đè cho đổ rạp, bèo.

Thế rồi, suối trên núi cũng tan.

Chính giữa khe suối vốn rộng hơn một mét xuất hiện một khe nứt khoảng 20 đến 30 cm, dòng nước sống động chảy qua, băng tuyết hai bên dòng nước trở nên trong suốt, trong vắt; nước từ trên núi chảy xuống từng chút từng chút một làm xói mòn các lớp băng này, khiến chúng ngày càng mỏng hơn.

Cây cỏ bên khe suối cũng hồi phục, tuy vẫn còn màu nâu nhưng chúng đang dần dần mọc thẳng lên, lớp tuyết bao phủ cả một mùa đông không hiểu sao lại biến thành những quả cầu pha lê cuồn cuộn đủ loại kích cỡ nằm rải rác bên dưới thân cỏ.

Hà Điền và Dịch Huyền không cần lấy nước từ sông băng nữa. Dòng suối trên núi gần nhà họ chứa đầy nước trong và ngọt.

Tuy nhiên, họ tạm thời không thể câu cá trên sông.

Sau khi sông băng tan, lớp băng trở nên lỏng lẻo. Bờ sông lúc này rất nguy hiểm vì không biết khi nào thì lớp băng mình đang đứng sẽ vỡ ra và trôi theo dòng chảy.

REPORT THIS AD

Khi mùa xuân bắt đầu tan băng, chuyện lúc ra sông lấy nước giẫm vào lớp băng đó rồi trượt xuống chết đuối chết cóng cũng không phải là chưa từng xảy ra.

Lúc này Dịch Huyền mới hiểu tại sao vào mùa đông Hà Điền nhất quyết đi thu lưới đánh cá ba hoặc bốn ngày một lần.

Bởi vào mùa đông, cá bắt được chính là nguồn thức ăn chính.

Các loại ngũ cốc thu hoạch từ mùa thu năm ngoái đã dần cạn kiệt. Khoai tây, khoai lang, củ cải, kê, ngũ cốc linh tinh, cải thảo… Hoặc là nháy mắt đã ăn xong, hoặc là chúng đã bắt đầu hư hỏng sau một mùa đông dài. Chỉ còn lại vài miếng cá, thịt gia cầm, thịt động vật được ướp và xông khói của năm ngoái, vại chứa gạo và bột mì cũng đã cạn đến đáy.

Nhưng Hà Điền không lo lắng cho lắm.

Mặc dù bây giờ không thể bắt cá trên sông, cá bắt được vào mùa đông vẫn còn rất nhiều, nhưng khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên, chúng sẽ tự động rã đông, và làm thế nào để bảo quản chúng sau khi rã đông là một vấn đề nan giải. Khi nhiệt độ tăng đến mức cá cũng rã đông, những khối băng lớn trên sông sẽ bị dòng nước đẩy ra xa, cô có thể lại một lần nữa dùng thuyền nhỏ xuống sông để bắt cá.

Hà Điền bắt đầu chuẩn bị cho chuyến đi săn mùa xuân.

Bây giờ vừa lúc có thể vá lưới đánh cá đã được sử dụng cả một mùa đông, rồi còn phải làm thêm một số vịt gỗ.

Sông như máu của rừng, nước sông lại một lần nữa lưu động, triều cường cũng sẽ đến. Băng tuyết tích tụ cả một mùa đông hóa thành nước chảy xuống núi, đổ xuống ao đầm trong rừng, nắng ấm hồi sinh cây cỏ, nhiệt độ càng ngày càng tăng, cây cỏ ngày càng đẹp, nhiều loài chim di cư cũng bay về.

Vịt trời, chim nhạn, ngỗng hoang… lần lượt bay về, quần tụ quanh ao đầm kiếm ăn, tìm bạn tình, đẻ trứng trên cỏ, nuôi dưỡng con non.

Đây là mùa tốt nhất trong năm để săn chim chóc.

Tuy nhiên, cũng giống như bắt bất kỳ loài động vật nào khác, việc săn bắt chim cũng rất điêu luyện.

Nhất là bây giờ Hà Điền đã mất đi sự trợ giúp của chó săn, nên cô càng phải chuẩn bị kỹ càng hơn.

Tất nhiên, cách săn chim phổ biến nhất là người thợ săn mang theo chó săn và một khẩu súng ngắn, canh giữ bên ao và bắn vào những con chim đó.

Cách đặc biệt hơn nữa là làm trước các tấm chắn bên bờ ao, đặt chim giả trên mặt nước hoặc trên bờ để dụ vịt trời, ngỗng hoang bay đến. Người thợ săn núp ở sau tấm chắn thổi sáo gỗ và huýt sáo bắt chước tiếng chim kêu để nhử cho chúng bay đến, sau đó bắn vào những con đang bay.

Nếu áp dụng tốt phương pháp này, một ngày có thể bắt được cả chục con.

Một đàn chim sau khi sợ hãi bay đi, và ngay sau đó, một đàn khác sẽ lại bị thu hút bởi tiếng gọi và hình bóng của “đồng loại”.

Sau khi sông băng tan, nó không chỉ đánh thức ao ngủ mà còn làm thay đổi diện mạo của những khu vực gần hệ thống nước trong rừng. Lớp băng bị vỡ ra có đôi khi sẽ rất lớn, chiều dài tối đa có thể lên tới vài km. Dòng sông tan băng đã đẩy những khối băng khổng lồ và nặng nề này đi xuyên qua khu rừng, giống như một chiếc rìu khổng lồ càn quét, quật ngã nhiều cây cối. Khi nước dâng vào mùa thu năm ngoái, những cây cối bị nước đóng băng trước đó hầu như không thoát khỏi tình cảnh này.

Những cây đổ di chuyển qua các con sông và đầm lầy trong rừng với sức mạnh phi thường do sự tan chảy của dòng sông, cuối cùng tập hợp tại đây và chảy xuôi theo dòng hạ.

Đây thực chất là một quá trình tái sinh của cây cối trong rừng.

Những cây đổ bị thủy triều mùa xuân đẩy vào dòng sông và trôi lửng lơ cùng với băng vỡ. Cây non mới sẽ lại nhanh chóng phát triển khi thời tiết dần chuyển sang hè.

Hai tuần sau khi băng tan, thân gỗ lớn nhỏ trôi trên dòng sông mênh mông. Có cả một số cây gỗ dài hơn mười mét, đường kính hơn bốn mét, đều là cây bị đổ.

Kéo những khúc gỗ này lên bờ, phơi khô dùng làm củi đốt. Nếu có thể thu thập nhiều gỗ, sẽ có củi dùng đủ trong mùa xuân này. Người đi săn có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong việc chặt cây.

Vì vậy, mùa xuân cũng là mùa Hà Điền đi kiếm củi.

Sáng nay, dòng sông vẫn phát ra tiếng ầm ầm rất lớn, dưới đáy sông như có một con rồng thức giấc, gào thét, giống như sẽ nhảy khỏi mặt nước và bay đi bất cứ lúc nào.

Hà Điền và Dịch Huyền mang Gạo và một chiếc thuyền nhỏ ra sông.

Bọn họ lên thuyền, cẩn thận lướt qua những tảng băng lớn nhỏ, tránh những cạnh sắc nhọn của chúng.

Tốc độ chảy của dòng sông lúc này rất chậm, chỉ cần thuyền không bị cạnh băng làm hư là có thể an toàn.

Hà Điền phát hiện một khúc gỗ trôi trên sông, cô ném sợi dây lên cao như một người chăn ngựa thuần thục.

Trên đầu sợi dây có buột một chiếc móc sắt được mài giũa sắc bén, “cạch” một tiếng, nó cắm vào khúc gỗ mà cô đang nhắm đến. Hà Điền từ từ thu sợi dây lại, thắt một nút thắt ở đuôi thuyền rồi cùng Dịch Huyền chèo thuyền vào bờ.

Chiếc thuyền chở họ, còn sức nổi đã giúp họ kéo khúc gỗ lớn trôi trên sông.

Trên đường đi, Hà Điền không ngừng dùng mái chèo để chống đỡ những tảng băng cản đường họ, còn Dịch Huyền thì kéo mạnh mái chèo, mười phút sau, con thuyền từ từ tấp vào bờ.

Hà Điền nhảy xuống thuyền và gọi Gạo đến, Dịch Huyền thì tháo dây kéo gỗ vào bờ.

Có đôi khi, nếu như vô cùng may mắn, khúc gỗ trôi vào sát bờ, họ có thể bắt được gỗ bằng cách đứng trên bờ và quăng dây.

Một tuần sau, trên bờ sông bên cạnh nhà của Hà Điền chất mười lăm mười sáu khúc gỗ to, dài từ bốn đến năm mét.

Lúc này, lớp tuyết dày tích tụ cả mùa đông đã trở thành một nguyên liệu quý giá.

Hà Điền dùng những hộp gỗ rỗng ép chúng thành những viên gạch tuyết, đặt trên một tấm mành rơm rồi mang lên xe trượt của Gạo, sau đó kéo chúng ra sông để trải một “đường mòn tuyết” từ nhà cho đến bờ sông.

Sau khi đổ nước lên mặt đường đầy tuyết, họ gắn giày trượt băng vào dưới xe trượt, cưa gỗ kéo lên bờ thành nhiều khúc rồi cho lên xe trượt và buộc lại, Gạo có thể chở được nhiều gỗ về nhà mà không hề tốn sức.

Gỗ mới thu về hiện tại không cần chặt thành những đoạn quá nhỏ, thường thì sẽ chặt thành một đoạn chừng hai mét, tất cả đều được đặt ở chỗ thoáng xung quanh kho chứa củi, trước tiên đem phơi khô. Sau khi chúng khô rồi thì mới xác định nên dùng chúng để làm gì.

Sau hơn một tuần lấy củi, khoảng không gian trống của nhà Hà Điền đều toàn là gỗ.

Tuyết trên mái nhà sẽ rơi từng mảng xuống mà không cần phải quét nữa, nước tuyết từ mái hiên nhỏ xuống, ban đêm đông lại thành băng hình nón, trong vắt, buổi sáng dùng cành cây gõ từ bên này sang bên kia, leng keng, leng keng, tất cả sẽ vỡ ra và rơi xuống.

Lớp băng trên mái hiên càng ngày càng mỏng, lúc đầu còn dày cỡ một cái dùi, giờ thì chỉ còn dày hơn một ngón tay, mép tuyết đã tan dần, biến thành đá.

Bên sông và trong rừng, thường có thể nghe thấy tiếng chim hót líu lo, và bầu trời thì trong và xanh vời vợi.

Hà Điền cũng đã sẵn sàng cho việc săn ngỗng hoang và vịt trời.

Cô vẽ lại con vịt bằng gỗ mà ông nội mình đã từng làm.

Con vịt này có kích thước bằng một con vịt thật, đầu và cổ của nó sơn màu xanh lá cây, bụng thì sơn màu đen, miệng màu vàng. Nhìn từ xa, trông nó không khác gì một con vịt thật.

Nhưng khi Dịch Huyền nhìn thấy con vịt này, anh nói: “Đây là một con vịt trống. Để thu hút lũ chim, cô phải làm một con vịt mái chứ?”

Vì vậy, Hà Điền đã tìm hai mảnh gỗ cho anh, anh vô cùng nghiêm túc chạm khắc, cuối cùng làm ra hai con vịt có kích thước nhỏ hơn rồi sơn chúng thành màu đen.

Vịt gỗ đã được phơi khô, đạn dược cũng đã chuẩn bị xong; Hà Điền làm một chồng bánh rán, lấy một ít củ hành, trên lưng mang theo một cái giỏ, cùng Dịch Huyền chèo thuyền xuôi dòng.

Lần này Gạo không đi cùng. Nó không thể ngồi trên thuyền, mà lớp băng trôi trên sông cũng ngăn nó bơi theo thuyền.

Cách nhà của Hà Điền khoảng 10 km về phía hạ lưu, sông tách ra thành các nhánh nhỏ và trở nên hiền hòa hơn. Đây là một vùng đầm lầy, cũng là nơi dừng chân đầu tiên của họ trong chuyến đi săn mùa xuân này.

Nhìn từ xa, các loài thực vật trong đầm lầy vẫn là những cành lá khô vàng, rễ và ngọn của chúng vẫn còn phủ một lớp tuyết mỏng; lại gần hơn, có thể thấy được những lớp màu xanh, trên mặt đất, rêu đang phát triển, còn có rất nhiều chồi của cây thủy sinh và một số chồi lá màu xanh nhạt mọc ra từ bụi cây có màu nâu đỏ.

Hà Điền rất thông thuộc địa hình ở đây.

Cô buộc thuyền vào thân của một cây liễu đang cong xuống đất, cùng Dịch Huyền đi vào trong những bụi cỏ.

Sậy khô và cây thủy sinh cũng như những cành cây xung quanh phát ra tiếng xào xạc khi có gió thổi qua, xa xa là tiếng chim hót líu lo.

Đi bộ khoảng mười phút, một cái ao có đường kính hai, ba mét hiện ra trước mặt họ.

Hà Điền lấy cái xẻng từ giỏ sau lưng ra, xúc tuyết trên một mảnh đất trong đám lau sậy cách ao năm sáu mét rồi mang một tấm liếp tre rộng hơn một mét và dài hai mét đến vòng quanh cái hố lại, sau đó dùng cành cây cố định nó trên mặt đất, có để hở ra một khoảng trống cho người ở bên trong nhìn ra ngoài, tiếp đó họ lại cắt thêm một số lau sậy, buộc chặt thành một bó với cỏ dại xung quanh, tách ra từ giữa, rồi che chúng lên trên liếp tre.

Đây là nơi trú ẩn của cô và Dịch Huyền.

Hà Điền để Dịch Huyền tiếp tục thu gom lau sậy, che liếp tre cẩn thận hơn, còn cô thì mang ba con vịt gỗ đến, thả hai con xuống nước, nhẹ nhàng đẩy về phía giữa đầm, con còn lại thì đặt bên cạnh bờ.

Khi cô quay lại, Dịch Huyền đã dựng xong lau sậy, còn đặt một ít trên mặt đất ở bên trong liếp tre.

Hà Điền đem một chiếc rương gỗ đến, sau đó lót nệm lông hươu cũ lên, vậy là cô và Dịch Huyền đã có thể ngồi ở nơi này một cách thoải mái rồi.

Cô vỗ vào đống bánh rán ở trong giỏ, cười với Dịch Huyền: “Nếu không bắt được gì thì hôm nay chúng ta chỉ có thể ăn bánh rán khô thôi!”

Vừa nói, cô vừa đưa chiếc áo choàng làm bằng vải trắng cho Dịch Huyền, cả hai mặc áo choàng vào và ngồi trong liếp che, hoàn toàn hòa mình với môi trường bên bờ ao.

Hà Điền rút một cây sáo gỗ từ trong áo ra rồi thổi nhẹ một cái, tiếng sáo gỗ thật giống với tiếng vịt trời kêu.

Tiếp theo, chính là kiên nhẫn chờ đợi.

Tuy nhiên, xét theo tần suất của những đàn vịt trời bay ngang qua bầu trời gần đây, họ sẽ không phải đợi quá lâu.

Quả thật là vậy, hai mươi phút sau, một đàn vịt trời bay tới lượn lờ trên đầm. Chúng nhìn thấy đồng loại của mình đang thong dong dưới lòng đầm vừa tìm kiếm thức ăn vừa ve vãn lẫn nhau, khi đang chuẩn bị đáp xuống thì, “Đoàng, đoàng——”

Một vài tiếng nổ lớn vang lên trong không trung và có mùi lưu huỳnh, mấy con vịt với khao khát những con bọ bụ bẫm và những con vịt mái xinh đẹp trong đầm đang từ trên trời rơi xuống.

“Xem ra không cần phải gặm bánh rán khô nữa.” Dịch Huyền cười, nhảy ra khỏi hố, chạy tới nhặt con mồi.

Lần này họ bắt được bốn con vịt trời. Tất cả đều là vịt trống.

Anh để cho Hà Điền chuẩn bị bữa trưa, còn mình thì tiếp tục ẩn nấp trong liếp che để đợi vịt tiếp.

Hà Điền lấy cây sáo gỗ trên cổ đưa cho Dịch Huyền: “Cứ mười phút thổi một tiếng. Bọn chúng ngốc lắm, một lát sẽ lại có vịt bay đến nữa.”

Vùng đầm lầy này không có nhiều cây cao, lại gần sông, gió thổi rất mạnh, tiếng gió thổi bay tiếng súng, tầm nhìn rộng, quả thực là một nơi rất thích hợp để bắn vịt.

Dịch Huyền cầm cây sáo gỗ, đặt nó vào giữa môi thổi như Hà Điền đã làm, đột nhiên mặt đỏ lên. Anh siết chặt cây sáo trong tay và nhìn vào nó, trong lúc đang ngẩn ngơ, trên đầu lại truyền đến tiếng chim hót.

Vịt thật là ngu ngốc.

Chúng lại tìm đến.

Hà Điền chọn một nơi có gió thích hợp, dùng một vài tảng đá làm ra một cái bếp đơn giản.

Trên đá có những vết đen hun khói, rõ ràng là cô đã từng dùng qua.

Cô bẻ những cây lau sậy xung quanh làm củi đốt, chẳng mấy chốc ngọn lửa đã bốc lên, cô đặt nồi lên, đun một nồi nước nóng.

Hà Điền chọn một con vịt trời béo nhất, rửa sạch, nhổ lông, mổ lấy gan và mề, bỏ nội tạng bên trong đi.

Những củ hành được tích trữ cả một mùa đông đã mọc lên đến chục phân, xanh mơn mởn; Hà Điền cắt bỏ những nhánh mầm này đi, bóc vỏ và rửa sạch, cắt thành từng khối nhỏ, thay nồi thành chảo, rồi cắt nhỏ mỡ vịt bỏ vào, sau đó cho tiếp hành tây cắt miếng nhỏ vào xào, khi hành tây có màu vàng nâu thì cho thêm muối và đường, dùng muỗng nghiền nát gan vịt chín ra, sau đó cho một ít nước vào đun một lúc.

Vị gan vịt và gan gà có hơi khác nhau, nhưng làm nước sốt đều ngon.

Những chiếc bánh kê rán được phủ sốt gan vịt và hành phi, ăn rất giòn và ngọt. Mề vịt còn lại thì được lột bỏ lớp màng ngoài, ninh từ từ trong nồi, chiều về nhà, trên đường đi có thể ăn như một món ăn vặt.