Đế Vương Luyến

Quyển 1 - Chương 11: Trường An nghiệt ái

Yến oanh hội tụ lại tại Khánh An điện, Cảnh Tịch ngồi ở trên đài cao ngang bằng với Nam Cung Kiện, tiện bề trao đổi qua lại. Dưới đài cao là các quan nhân có chức vị, Nam Cung Uyển nhàm chán gắp một ít đồ ăn bỏ vào chén, cùng Bính Đình nói chuyện vài câu rồi lại đợi thứ gì đó. Trung tâm của yến tiệc xuất hiện một bóng hình xinh xắn, nàng vận y phục ngắn màu vàng nhạt, chân đeo lắc bạc, tay đeo vòng vải, mái tóc búi gọn sau đầu.

- Uyển, tới lượt nhi nữ của mình xuất hiện rồi- Bính Đình khều nhẹ vào vai Nam Cung Uyển, kêu người đang cúi mặt kia ngước mặt lên.

Nam Cung Uyển ngước mặt lên thì thấy An Trúc đã xuất hiện dưới đài rồi, liền chăm chú xem. Bính Đình cũng vậy, các bước ca vũ đều do chính hai nàng dạy cho An Trúc nên hai nàng muốn xem ba năm nay An Trúc rốt cuộc có học hành chăm chỉ, có tiến bộ hơn không.

Nhà An Trúc có tổng cộng năm mẫu thân, đại nương Tô Huệ, nhị nương Tuyết Y, tam nương Nam Cung Uyển, tứ nương Cảnh Huân và ngũ nương Bính Đình. Cha nàng là Tô An, nữ phẫn - thương gia giàu có nhất thành Trường An, giàu nhất Nam Quốc, cữu cữu của nàng là hoàng đế - Nam Cung Kiện, thế nên nàng cũng chính là quận chúa An Trúc. Việc nàng xuất hiện trong các yến tiệc hoàng gia, hay gia đình nàng xuất hiện cũng chẳng phải việc đặc biệt lạ lẫm nữa rồi.

Nhạc đã lên, bóng hình vàng nhạt kia bắt đầu phiêu dật như tiểu tinh linh, ánh nến tắt bớt, chỉ thắp sáng ở chỗ nàng khiến các tầm mắt đều hướng về chỗ nàng, chẳng có thể lơ là. Nàng không mang giày hoa, chân nàng hồng nhuận như búp sen, di chuyển liên tục khiến chuông bạc dưới chân phát ra tiếng leng keng vui tai.

- Nữ nhi của mình làm khá tốt- Nam Cung Uyển nói thầm vào tai Bính Đình.

Bính Đình gật gù: - Muội nói phải.

Trên đài cao, Nhược Vân bắt đầu rót rượu vào chén cho Cảnh Tịch, Nam Cung Kiện nhìn lướt qua Cảnh Tịch, nói:

-Ngươi thấy An Trúc quận chúa thế nào? Có vừa mắt không?- Chàng nâng ly của mình lên, nhấp môi một ngụm rượu đắng chát.

Cảnh Tịch hiểu ý trong câu của ngài, nên mỉm cười nói: - Hai ta vốn là bằng hữu, đương nhiên là vừa mắt, nếu không làm sao có thể kết bạn?

- Nếu ta nói, ngươi thú nàng ta sẽ không thu ngân lượng thực phẩm và thỏa thuận không chiến tranh trong sáu năm? – Nam Cung Kiện nhướn mày.

- Nghe rất hay! Ngài nói thêm đi –Cảnh Tịch nhìn Nam Cung Kiện, trên đuôi mắt ngài đã có nếp nhăn nhưng Cảnh Tịch nhìn thì biết ngày xưa ngài từng tao nhã thế nào, tiêu soái thế nào.

Nam Cung Kiện lại nói: - Nếu ngươi thú nàng, ngày nào nàng còn sống hạnh phúc trong thành Kiến Đô cùng ngươi, ngày đó Nam quốc vẫn là đồng minh của ngươi. Với một điều kiện, nàng có nữ sủng.

Bình rượu trên tay Nhược Vân hơi sóng sánh, vài giọt rơi xuống tay nàng, ướt một góc vai áo của Cảnh Tịch. Cảnh Tịch phủi đi giọt rượu vẫn còn đọng lại, quay sang Nhược Vân nói: - Ngươi cẩn thận, rơi vào ta không sao, lỡ rơi vào hoàng thúc thì sao?

- Dạ bẩm hoàng thượng, nô tì biết rồi ạ! –Nhược Vân cúi đầu vâng dạ.

- Hoàng thúc nói thật hay, vừa vặn Cảnh Tịch vẫn chưa có nhiều thê tử, có thêm nàng càng vui nhà vui cửa. –Cảnh Tịch ra quyết định đồng ý, nhìn nữ nhân đang phiêu dật ở dưới kia, nói.

Khi điệu nhạc vừa dứt cũng là lúc hoàng thượng ra quyết định ban hôn cho quận chúa An Trúc và tân hoàng Cảnh Tịch. An Trúc cúi đầu tạ ơn, Cảnh Tịch cũng giả vờ rất vui, đứng lên cảm tạ Nam hoàng.

Ba năm trước, vào sinh nhật mười sáu tuổi, An Trúc lại gặp lại Cảnh Tịch một lần nữa. Tiệc của hoàng gia rất ít khi An Trúc tham gia nhưng vì có nàng ấy, nàng quyết định tham dự. Còn sắm vai người dẫn dắt Cảnh Tịch trong Khánh An điện. Mỗi sáng An Trúc sẽ gõ cửa phòng Cảnh Tịch, rủ nàng ấy cùng nàng đi vòng quanh Khánh An, vòng quanh Trường An.

Những ngày có Cảnh Tịch ở Trường An, An Trúc rất vui. Nhưng nàng không biết Cảnh Tịch thấy nàng rất phiền, buổi sáng thay vì có thể luyện công thì lại phải đi vòng vòng kinh thành tẻ nhạt. Mỗi trưa có thể cùng phụ hoàng học phê tấu văn lại bị nàng dắt đi ngắm sông ngắm suối. Đỉnh điểm là nữ nhân ngốc nghếch đó tự chân trượt xuống suối. Báo hại Cảnh Tịch phải nhảy xuống cứu, cảm lạnh những một tuần.

Nàng ấy muốn gả, thì nàng thú. Hậu cung có cả ba ngàn phòng, nàng không sợ thiếu phòng cho nàng ấy. Chỉ cần nhìn vào mắt An Trúc, Cảnh Tịch sớm biết nàng ấy say mê mình, yêu thương mình. Mặc dù chính Cảnh Tịch cũng không hiểu vì sao An Trúc lại yêu, nàng ấy vẫn yêu, dữ dội và mãnh liệt. Chỉ có An Trúc và Tô gia biết rằng đó chính là tình kiếp của nàng, mãi không thể gỡ nổi sợi dây tình oan nghiệt.

Tô gia một ngày dậy sóng, sau khi ngũ nương cùng tam nương từ yến tiệc trở về liền bị phạt quỳ ở từ đường, ngay cả An Trúc cũng phải chịu cảnh tương tự. 

- Hai nàng có coi ta ra gì không? Ta đã nói, không gả đi xa là không gả! – Tô lão gia điên tiết, bàn tay nắm chặt thành quyền.

- Phụ thân!- An Trúc ôm lấy chân phụ thân của mình, khóc to- Con yêu nàng, con muốn gả cho nàng.

- Xin nàng, làm sao thiếp đành lòng thấy con sống mà thiếu tình yêu- Nam Cung Uyển cũng rấm rứt khóc, nàng lấy khăn tay chấm nước mắt, đến nỗi khăn tay sớm ướt một mảng.

- Bính Đình, nàng nói đi, sao lại hùa theo Nam Cung Uyển. Nàng cũng biết nàng ấy làm việc tùy hứng, nàng biết suy nghĩ hơn nàng ấy đáng lẽ ra nàng nên can ngăn.- Tô An nhìn Bính Đình, người nãy giờ không nói lấy một lời. Là phu thê hai mươi năm nay, đây là lần đầu tiên Tô lão gia lại nổi nóng với thê tử của mình, thật sự hiếm thấy.

- Là con! Con yêu nàng nên con muốn gả cho nàng - An Trúc cứng giọng nói.

Một tiếng thanh thúy vang lên, dấu tay trên mặt An Trúc đỏ ửng. An Trúc không tin được phụ thân trước giờ luôn yêu thương nàng lại xuống tay với nàng, còn đánh đến mạnh như thế. Bính Đình cả mặt đỏ ửng lên vì giận, ngay cả cổ nàng cũng đỏ, nàng đứng lên, quát:

- Nàng nổi điên đủ chưa? Hả? Nàng sao lại tát con, nó yêu ai thì gả cho người đó. Nàng cũng muốn lấy ai thì lấy người đó, ai cản nàng?

- Nhưng đó là tình kiếp của nó, ai trong nhà này cũng biết – Giọng Tô An mềm hơn ban nãy một phần, nàng thấy trong mắt Bính Đình long lanh lệ, điều mà hơn mười năm nay nàng đã không thấy nữa.

- Tình kiếp! Quỷ tha ma bắt tình kiếp! Gã hòa thượng nào nói điều này, ngày mai ta sẽ đốt am của lão. Nếu nàng mà không gả ngày mai An Trúc mà treo cổ tự vẫn là do nàng. Chẳng do tình kiếp nào làm con chết cả! – Bính Đình quát, lần đầu tiên nàng lớn tiếng với Tô An như thế - Cố chấp, ích kỉ, nàng nghĩ vậy tốt cho An Trúc, nhưng thấy con đêm nào cũng khóc mới tốt cho con đúng không? Phải không? Thưa Tô lão gia!!

- Ngũ muội nói đúng, nàng đừng áp đặt con nữa- Đại nương Tô Huệ bước vào trong từ đường, khuyên giải một mớ lộn xộn này.

- Ngay cả nàng cũng hùa theo họ- Tô An buồn bã, thở dài.

Nhị nương Tuyết Y cũng bước vào trong đỡ Nam Cung Uyển đang quỳ dưới sàn dậy, cũng kéo đứa con đáng thương của mình lên, xoa gò má đỏ ửng mà xót xa.

- Nếu thấy con không hạnh phúc ta có thể khuyên con quay về, dù sao cữu cữu của con cũng là hoàng đế Nam quốc. Không sống khổ cực được – Tuyết Y nói.

- Ta biết nàng sẽ thấy không tiếp nhận nổi, nhưng mà ta đã bảo hai nàng ấy làm vậy- Tứ nương Huân Nhi nói.

Cuối cùng mọi người cũng quyết định gả An Trúc đi, đại nương, nhị nương, tam nương dẫn theo An Trúc ra ngoài. Tứ nương Huân Nhi nhìn Tô An một lúc rồi cũng bỏ ra ngoài theo họ, chỉ còn ngũ nương Bính Đình đứng đó, Tô An còn nợ nàng một lời xin lỗi.

- Xin lỗi nàng, Đình Nhi, đáng lẽ ta không nên nổi giận với nàng- Tô lão gia ngồi xuống bàn tròn, tay bóp trán mình, đau khổ nói. – Nhưng ta vẫn thấy đây là nghiệt duyên của An Trúc.

Bính Đình ôm lấy lưng Tô lão gia, cứ yên lặng như thế an ủi nỗi sợ trong lòng nàng ấy.

P.s: Có lẽ các bạn sẽ hơi rối khúc này nếu chưa xem Tô An, rảnh rỗi chút xíu thì xem qua An An nha, có lẽ Tô An nhẹ nhàng hơn ở Cảnh Tịch. Mà hầu như các bạn xem Cảnh Tịch đều là từ Tô gia qua, au chỉ nói đề phòng có bạn xem xoắn xoắn phu nhân Tô gia.