Gặp Nhau Phút Đầu Cuối Cùng Lìa Xa

Chương 13: 13 Chương 4-4

Về phần Quý Hiểu Âu, sau khi chia tay Nghiêm Cẩn và hỏi thăm người dân gần đó để chắc chắn mình không đến nhầm chỗ, cô mới dè dặt mò mẫm đi vào khu tập thể bảy tầng.

Đây là khu ký túc xá của một nhà xưởng, mỗi tầng có sáu căn hộ, không có thang máy, hành lang không đèn tối om như mực.

Nguồn sáng duy nhất đến từ đèn đường mờ nhạt hắt vào từ cửa sổ ở mỗi góc cầu thang.

Nhờ chút ánh sáng le lói ấy, Quý Hiểu Âu nhọc nhằn bước qua vô số vật cản trở trên hành lang, thở hổn hển trèo đến tầng bảy, gõ cửa một căn hộ trên đó.

Ánh sáng hắt ra qua gầm cửa hẹp nhưng chờ mãi vẫn không thấy tiếng đáp lại đằng sau.

Rất lâu sau cánh cửa mới hé mở, ánh đèn trong phòng theo đó rọi ra ngoài khiến Quý Hiểu Âu đã quen với bóng tối không khỏi lóa mắt, cô đành nhắm mắt lại một lát để thích ứng với nguồn sáng bất thình lình.

Sau cánh cửa là một người phụ nữ chống nạng hai bên, tóc rối bời, bóng người gầy còm đứng ngược sáng.

“Chào bác ạ, dì Triệu nhờ cháu đến đây.” Quý Hiểu Âu nói.

Người phụ nữ khẽ gật đầu, dùng nạng dẫn đường.

Dường như đôi chân bà từ xương chậu trở xuống hoàn toàn không có sức lực, gần như luôn di chuyển bằng việc kéo lê chúng trên mặt đất.

Quý Hiểu Âu thấy bà chậm chạp lê đến cạnh giường, chống đôi nạng lên đầu giường rồi từ từ ngồi xuống, sau đó ôm ngực thở hổn hển hồi lâu mới ngước lên, mỉm cười thều thào nói: “Muộn thế này còn phiền cháu tới đây.”

Vào trong nhà, dưới ánh sáng rõ ràng hơn, dung nhan héo hon tiều tụy của người phụ nữ khiến ai cũng phải giật mình, lưng bà đã hơi còng, xương vai nhô cao, tóc muối tiêu, hoàn toàn không đoán được tuổi thật.

Nói thêm vài câu, Quý Hiểu Âu tinh tế nhận ra khi nói chuyện bà thường vô thức rướn cổ về phía người kia, tầm mắt chuyển động vô định, dường như thị lực cũng có vấn đề.

Quý Hiểu Âu kín đáo đánh giá hoàn cảnh xung quanh, căn nhà một phòng ngủ một phòng khách chật chội, thêm cả bếp và nhà vệ sinh chắc diện tích sử dụng cũng chỉ rơi vào khoảng 20m2.

Nền gạch trắng lát dưới sàn đã nứt vỡ lung tung, bờ tường bạc phếch không nhìn ra màu ban đầu.

Căn nhà chỉ có vài món đồ đạc ít ỏi, nhìn kiểu cách là biết gom góp từ nhiều niên đại khác nhau, ngoài chiếc tivi nhỏ trong phòng ngủ, nhà này cơ bản chẳng còn thứ đồ điện tử nào khác.

Vì không gian thiếu thông thoáng, một thứ mùi khó ngửi nồng đượm bốc lên khắp nơi, đó là mùi chỉ trong những căn nhà có người bệnh lâu năm mới có.

Mặc dù Quý Hiểu Âu đã chuẩn bị tâm lý trước khi bước vào nhưng căn nhà cũ kỹ đơn sơ thế này vẫn nằm ngoài suy nghĩ của cô, khiến cô không khỏi rùng mình.

Cô đến đây qua lời nhờ vả từ một người bạn cùng giáo hội với bà nội ngày trước, người đó nhờ cô đến thăm hỏi người chị em bệnh tật của mình.

Dì Triệu này bất ngờ trúng gió dẫn đến liệt nửa người, đành nhờ Quý Hiểu Âu đi thay mình.

Dì Triệu nói với cô đây là người chị em làm cùng nhà máy với mình ngày trước, công ty kinh doanh không tốt nên cả hai cùng bị sa thải một năm.

Trước đây bà còn kiếm được chút tiền nhờ đi làm thuê khắp nơi, bỗng vài năm trước không may đổ bệnh nặng, mất hết khả năng lao động, nay chỉ dựa vào duy nhất khoản trợ cấp người nghèo hơn 400 đồng mỗi tháng để duy trì cuộc sống ở mức độ thấp nhất.

Trong ba lô Quý Hiểu Âu đeo trên lưng là quần áo cũ, chăn mền cũ, khăn mặt cũ… được các thành viên trong giáo hội quyên góp.

Khi ra sức nhét những thứ đồ còn mới 70-80% này vào ba lô của mình, Quý Hiểu Âu cứ có cảm giác hơi sai sai, cảm thấy chúng thật xấu xí, nếu là cô, cô chắc chắn sẽ không nhận.

Nhưng giờ đây cô mới hiểu, dù xấu xí đến đâu, những món đồ cũ như thế cũng chính là đồ dùng thiết yếu cần kíp của gia đình này.

Cô lần lượt lấy từng món đồ ra, người phụ nữ ngồi trên giường vẫn chăm chú nhìn cô, trên môi là nụ cười.

Nhưng nụ cười này chỉ là một động tác nhếch môi mà thôi, bởi rất lâu không hề có sự thay đổi của cơ mặt, điều đó khiến người ta thấy kỳ quặc, chẳng nhận ra bất cứ vẻ gì gọi là mừng rỡ.

Nhất thời Quý Hiểu Âu quên đi phép lịch sự, cứ ngơ ngác nhìn tròng trọc vào gương mặt bị tàn phá bởi bệnh tật và tuổi tác, lòng không thôi xót xa.

Người phụ nữ không nhận ra cái nhìn chằm chằm của đối phương, bà cầm một chiếc đĩa tráng men bên giường đưa tới trước mặt cô: “Con gái ăn đi.”

Có lẽ ban đầu chiếc đĩa được tráng men màu trắng nhưng giờ đây nó lại như chiếc khăn mặt lâu ngày không được giặt sạch, biến thành màu vàng cáu bẩn, thành đĩa loang lổ.

Trong đĩa có táo, lê, có cả quýt nhưng chẳng trái nào lành lặn, ít nhiều đều bị cắt đi một phần.

Quý Hiểu Âu ngạc nhiên nhìn những thứ kỳ lạ này hồi lâu, cuối cùng cô cũng nhận ra có lẽ đây là những trái cây bị dập, bị hỏng bị coi như đồ bỏ đi ở chợ, họ bán một đồng một túi to.

Xuất phát từ phép lịch sự, cô dè dặt cầm một miếng quýt để trong lòng bàn tay nhưng không cách nào vượt qua chướng ngại trong lòng để bỏ nó vào miệng.

Quý Hiểu Âu nghĩ đến bát trái cây ở bàn ăn nhà mình, trong đó đầy ắp những trái anh đào tròn trịa màu đỏ chót… đó là quà từ bệnh nhân của ba, anh đào nhập khẩu 120 đồng một kg.

Ngồi trên xe bus trở về, Quý Hiểu Âu không kìm được nước mắt.

Dưới sự ảnh hưởng của bà nội, từ nhỏ cô đã thích làm việc từ thiện, và bản tính không chịu được khi thấy người khác bất hạnh.

Bình thường cô thường đọc các bài báo nói về mức sống của dân nghèo, nhưng chưa bao giờ tâm lý cô bị ảnh hưởng mạnh mẽ như lần này – khi bản thân cô được tự mình trải qua.

Cô muốn biết nhiều hơn thế, nhưng dì Triệu chỉ thở dài nói qua điện thoại: “Căn bệnh đó đúng là quái ác, khỏi bệnh vẫn còn biết bao di chứng, gọi là hoại tử xương gì nhỉ?”

Ba mẹ Quý Hiểu Âu đều là bác sĩ nên cô cũng có những kiến thức y học cơ bản, nghĩ đến bệnh tình của người phụ nữ nọ, cô ướm hỏi: “Hoại tử xương đùi?”

“Phải, phải, là bệnh đó.”

“Không phẫu thuật được ạ?”

“Haiz… Lấy tiền đâu ra hả con gái? Dì với bác ấy về hưu non, chưa đủ tuổi nhận lương hưu, cũng không ai bán bảo hiểm nhân thọ cho, bị bệnh đành gắng gượng đến chết mà thôi.

Mọi người cũng chẳng giàu sang gì nên cũng không giúp được nhiều cho chị ấy.”

Quý Hiểu Âu thoáng trầm ngâm, rồi cô khẽ hỏi một câu: “Bác ấy có người thân không ạ?”

“Bỏ chồng lâu rồi.” Dì Triệu nói, “Có con trai ở cùng nhưng nó còn đi học, là sinh viên đấy, đúng giai đoạn tốn kém nhất.”

Tối hôm đó Quý Hiểu Âu không được ngon giấc, nụ cười gần như tái tê của người phụ nữ nọ cứ luẩn quẩn mãi trong đầu cô.

Bệnh hoại tử xương đùi được coi như một trong những căn bệnh nan y của y học hiện đại, tổn thương do hoại tử xương gây ra không có cách nào điều trị cho khá lên được.

Cuối cùng bệnh nhân chỉ còn cách di chuyển bằng nạng hoặc xe lăn mà thôi.

Phần xương chân mất đi sức sống sẽ yếu ớt như thủy tinh, liên tục sụp đổ, đến khi bệnh nhân qua đời thì thôi.

Sự tái tê đó dường như là sự khuất phục trước cuộc đời vô thường chăng.

Quý Hiểu Âu không thể tưởng tượng một bệnh nhân hoại tử xương cô đơn, biết rõ cuộc đời mình đang từng ngày đi đến giới hạn cuối cùng, người đó sẽ trải qua khoảng thời gian còn lại thế nào? Phải chăng chỉ biết dựa vào thành giường với khuôn mặt không cảm xúc, không hy vọng, lặng lẽ đợi chờ bóng tối nuốt trọn tia sáng cuối cùng trong phòng?

Trằn trọc lâu thật lâu, cô quyết định rời giường, mở trang blog của mình viết ra những điều tận mắt trông thấy hôm nay.

Tên blog của Quý Hiểu Âu là “Không chốn biệt ly”, trang blog cá nhân này đã được cô sử dụng hơn ba năm nay, nhờ lối hành văn hóm hỉnh vui vẻ mà có khá nhiều fan, cũng được coi là có chút danh tiếng trên mạng.

Bình thường cô đánh chữ cực nhanh nhưng hôm nay lời văn viết ra lại rất khó khăn.

Bài viết vỏn vẹn mấy ngàn chữ tốn gần một giờ đồng hồ.

Ở cuối bài viết, cô cân nhắc từng câu chữ đưa vào một đoạn như thế này:

Tôi vẫn cho rằng Chúa biết tất cả sự thật, nhưng sự thật có lẽ cũng không biết được thực tế trần trụi như thế.

Chưa khi nào tôi có cảm xúc như hôm nay, khát khao được sinh sống ở một nơi mà người người được bảo đảm cuộc sống, không cần sợ đói sợ rét, không cảm thấy bất lực vì thiếu tiền chữa bệnh, nơi mà gặp ai trên đường cũng thấy trong lòng thật an toàn, nơi mà con người luôn mỉm cười và có được sự thanh thản trong tâm hồn.

Trong hơn một tuần sau đó, bất cứ đang làm gì, chỉ trong một khoảnh khắc lơ đãng Quý Hiểu Âu lại nghĩ đến người phụ nữ ấy, nghĩ đến nụ cười xót xa trên gương mặt bà.

Thậm chí đêm khuya lúc đã đến với giấc mơ, vẻ xót xa ấy vẫn quấn chặt lấy cô, không sao xua tan được.

Quý Hiểu Âu biết đây nhược điểm lớn nhất của bản thân.

Từ nhỏ cô được người lớn che chở, bao bọc kĩ càng nên nội tâm cô thực sự yếu đuối và nhạy cảm, chỉ dám chấp nhận những câu chuyện cổ tích hay sự xấu xa dưới ánh mặt trời mà không thể chịu đựng đả kích của thực tế và sự thật.

Vài năm trước cô từng tham gia dự án tình nguyện đến thăm lũ trẻ bị bỏ rơi hàng tuần nhưng sự tàn khốc và bi thảm của sinh mệnh phải đối diện vượt xa khả năng chịu đựng của nội tâm Quý Hiểu Âu, tham gia được nửa năm thì cô có triệu chứng bị trầm cảm, đành bất lực bỏ dở.

Việc này vẫn luôn là nỗi áy náy trong lòng cô, mỗi khi nghĩ đến những khuôn mặt ngây thơ đó, cô đều nghĩ bản thân nên làm gì cho lũ trẻ mới có thể bù đắp niềm nuối tiếc vì bỏ dở giữa chừng của mình.

Tranh thủ một buổi sáng ít khách, Quý Hiểu Âu đến trung tâm thương mại mua một chiếc chăn tơ tằm và vài món đồ dùng khác, mò mẫm trở lại căn nhà đã đến tối hôm trước.

Cô không báo trước nên khi người phụ nữ mở cửa và thấy cô, rõ ràng bà đã giật mình, sau đó là nụ cười đầy cảm kích.

Nhưng có lẽ lần này là ban ngày ban mặt nên Quý Hiểu Âu thấy rõ đằng sau nụ cười tái tê đó là vẻ tuyệt vọng vừa kín đáo vừa rõ nét thoắt ẩn thoắt hiện.

Người phụ nữ không nói nhiều bởi cứ sau một câu dài bà lại phải ôm ngực thở hổn hển hồi lâu.

Nhưng khi chạm vào tấm chăn tơ tằm mới tinh, ánh mắt héo hon của bà như rực sáng, nói một hơi dài: “Con bác đi học về luôn miệng đòi chăn mới, vì chăn cũ cho nó là chăn bông, con trai nóng hừng hực, máy sưởi ở trường lại bật liên tục, bác đang lo không biết kiếm chăn mới ở đâu.

May quá rồi, cảm ơn con gái nhiều!”

Nhắc đến con trai, bà có vẻ phấn khởi hơi nhiều.

Khuôn mặt vàng như nến sáng rực đầy kì diệu, khí sắc tối tăm biến mất quá nửa.

liếc nhìn chiếc chăn bông cũ cứng nhắc và đầy vết bẩn trên giường, Quý Hiểu Âu thoáng lặng đi, thầm trách trong lòng: thằng nhãi hai mươi tuổi đầu, không biết lo lắng cho gia đình còn há miệng đòi này đòi nọ, rõ là một đứa không biết điều.

Người phụ nữ không nhận ra vẻ mặt thoáng thay đổi đôi chút của cô, bà lấy một khung ảnh nhựa dưới gối đưa cho Quý Hiểu Âu: “Ảnh con trai bác.”

Đó là bức ảnh màu chụp một người, thiếu niên trong ảnh chừng 12, 13 tuổi, áo trắng quần xanh, đứng giữa vườn hoa, vì cách máy ảnh hơi xa nên không thấy rõ mặt lắm.

Song, cậu ta mang lại cho người xem cảm giác dễ chịu, đó là một cậu nhóc khuôn mặt thanh tú, dáng vẻ nhẹ nhàng.

Người phụ nữ tiếp lời: “Đời bác khổ sở nhiều, lên núi xuống biển, bị sa thải, nếm trải đủ thứ xui xẻo…”

Quý Hiểu Âu dỏng tai nghe bà nói chuyện nhưng mắt nhìn khung ảnh lại đờ ra.

Cô có cảm giác khuôn mặt thiếu niên trong ảnh khá quen, khiến cô chợt nghĩ tới một người nhưng không dám tin trên đời lại có sự trùng hợp như thế thật..