- Ba cho phép con cùng đi ăn với ba, hả ba ? Trời ơi ! Vậy thì thích quá ! Con sẽ báo cho chị Trâm hoãn bữa bánh xèo này lại hôm khác mới được !
Luật sư Minh mỉm cười kín đáo : - Nếu vậy thì trưa nay con tới văn phòng của ba rồi cùng đi nghe. Chỉ e luật sư Công bận việc gì mà từ chối thôi, nếu không cha con mình sẽ có dịp tốt để tìm hiểu ít nhiều về chuyện gia tài của cụ Doanh. À, và ba dặn con nên cẩn thận, đừng để lộ một vẻ gì chứng tỏ là con đặc biệt để tâm theo dõi tìm hiểu về vụ này đó nghe ! - Ba yên trí đi ba ! Con chỉ để ba nói thôi mà ! Còn con, con sẽ ngậm kín miệng không nói tiếng nào, nhưng hai lỗ tai con sẽ mở lớn hết cỡ, được chưa ba ? - Được rồi ! Ba tin con ! - Rồi xô ghế đứng dậy, ông Minh đưa mắt ngó đồng hồ đeo tay. - Thôi ba phải đi đây, nếu không, sẽ trễ hẹn với mấy người thân chủ, nghe con ! Ông Minh đi rồi, Ái Lan tiếp tục ăn cho xong bữa lót dạ. Đoạn em xuống bếp dặn chị Năm Dậu công việc cần làm trong ngày. Ba năm, sau khi bà Minh mất, được cha chỉ dẫn vài lần, Ái Lan đã quen ngay với công việc trong nhà. Cửa nhà lúc nào cũng ngăn nắp, sạch bóng sạch trơn, cơm dẻo canh ngọt, cũng nhờ cái trí óc thông minh của em và hai bàn tay khỏe mạnh, khéo léo cùng tấm lòng trung thành của chị Năm Dậu. Chị Năm làm với bà Minh từ hồi còn ở ngoài Bắc, lúc Ái Lan chưa ra đời. Bà chủ hiền đức mất đi, đã khiến chị vô cùng thương tiếc. Và rồi chị cảm thấy được an ủi muôn phần, tưởng như người đàn bà đức hạnh ấy lúc nào cũng ở bên chị qua hình hài của Ái Lan xinh xắn. Đối với em, ngoài sự tận tụy của một gia nhân, chị Năm còn được sung sướng bội phần trong việc săn sóc em với tấm lòng thương mến bao la của một người mẹ. Nhờ vậy em được nhiều thì giờ rảnh rỗi để đọc sách, tập thể dục, chơi thể thao cùng đi cắm trại với các bạn gái đồng trang lứa. So với các bạn cùng tuổi, Ái Lan không những trội hơn hẳn về thể chất mà về học vấn em cũng tiến hơn các bạn rất nhiều. Chưa đầy mười sáu tuổi em đã đậu được bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp. Thầy và các cô ở trường cùng các bạn, ai nấy đều yêu mến Ái Lan hết lòng. Trong số các bạn quý mến Ái Lan, có Diễm Anh chơi thân với em hơn hết. Diễm Anh học cùng lớp với Ái Lan, cùng thi đậu một ngày. Hết hè lên lớp, hai em lại cùng được ngồi gần nhau. Trong lớp hai em, năm nay có thêm gần một chục học trò mới. Trong số, có hai chị em Bích Mai, Bích Đào, con gái ông Phàm. Trái hẳn với các em học sinh khác ai ai cũng yêu mến Ái Lan, hai chị em Bích Mai, Bích Đào lại ghen ghét đố kỵ em ra mặt. Chuyện xích mích khởi đầu từ một ngày Ái Lan bắt gặp quả tang Bích Mai chép trộm bài thi Việt Sử của em. Giáo sư cũng đích mắt trông thấy nên đã phạt Bích Mai. Đáng lẽ phải biết phục thiện nhận lỗi mình, cô bé con nhà giàu tự ái không đúng chỗ, đã ỷ có em bênh vực lại đổ lỗi cho Ái Lan là chép bài làm của mình. Nhưng mọi người sáng suốt, đã biết ai phải ai trái, đều lên tiếng chê bai hai chị em, con nhà giàu mà nết lại xấu. Và tất nhiên Diễm Anh là người sốt sắng bảo vệ bạn thân Ái Lan hơn ai hết. Kể từ ngày đó, Bích Mai, Bích Đào để tâm hận thù Lan, Anh ghê gớm. Ái Lan vừa bước vào trong gian nhà bếp vừa nói với chị Năm Dậu : - Trưa nay em không ăn cơm nhà nghe chị Năm ! Bữa cơm chiều ăn món gì, em đã ghi rõ trên bảng, thịt cá, rau đậu, cà chua ở trong tủ lạnh đủ hết đó, nghe chị Năm. Chị khỏi phải đi chợ nghe ! Dứt lời, Ái Lan bước ra sân, sau khi đã khép chặt cánh cửa phòng khách. Em xuống nhà để xe nơi cuối vườn, đạp áy nổ chiếc Vespa xinh xinh mới tinh, ông Minh mua cho em trong dịp lễ sinh nhật. Chiếc xe êm êm lướt ra khỏi vườn cây trái, vượt qua cổng lớn, trực chỉ công trường Hòa Bình, trung tâm thành phố. Lượn quanh công trường Hòa Bình một vòng em cho xe lao xuống dốc Duy Tân. Hết dốc, quẹo tay trái, Ái Lan quay hết tay ga phóng trong chớp mắt đã tới chợ. Chợ Đà Lạt là nơi tập trung mọi hoạt động buôn bán trong toàn thị xã. Chợ có ba tầng. Tầng dưới cùng là nơi bán thịt thà, cá mú, rau trái, đủ loại thổ sản, nhất là hoa và dâu, mận. Những cành thược dược nhiều bông to bằng cái đĩa đủ màu sắc : tím, đỏ, vàng. Những bông hồng cánh mướt như nhung, to và đẹp, có thể nói là chưa có loại hồng nào to và đẹp hơn. Ái Lan tạt vào một trong những gian hàng mua mấy thứ lặt vặt. Đoạn em đặt bước trên cầu thang xi măng lên lầu hai : nơi dành riêng cho những gian hàng bán quần áo, tơ lụa, vải vóc. Ái Lan thường hay mua tại gian hàng Tinh Hoa. Hàng ở đây bao giờ cũng tốt, đẹp hơn tất cả, tuy giá cả có hơi cao so với các gian hàng khác. Qua dãy tủ kính, em chưa tìm thấy cái món muốn mua : một chiếc áo len dài tay, cao cổ, thật ấm. Đà Lạt năm nay lạnh hơn nhiều, so với mấy năm trước. Gặp ngày nghỉ, gian hàng Tinh Hoa sáng hôm nay đông khách tới mức chen chân không lọt. Nhân viên bán hàng tíu tít chạy hết đầu này tới đầu kia, chỗ này chưa xong, chỗ kia đã gọi rối rít. Chờ được một cô bán hàng không phải chuyện dễ dàng và mau chóng gì. Ái Lan đành phải ngồi tạm xuống một chiếc ghế đẩu ở gần đó. Và em đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh buôn bán nhộn nhịp bao quanh. Chưa đầy năm phút sau, bỗng em chú ý tới hai cô khách hàng cũng ở trong tình trạng chờ đợi như em. Nhưng họ khác em ở chỗ là không bình tĩnh chờ đợi mà lại tỏ lộ sự sốt ruột một cách khá ầm ĩ. Tiếng dậm gót giầy, tiếng nói bô bô bực tức của họ, khiến Ái Lan bất giác ngẩng đầu lên : hai cô mua hàng thiếu kiên nhẫn đó, chẳng phải ai xa lạ ! Chính là Bích Mai và Bích Đào, hai cô con gái cưng của ông Phạm Văn Phàm. Hai cô con gái nhà giàu đang gay gỗ to tiếng với nhân viên chỉ huy các cô bán hàng tại khu quầy bán quần áo. Bích Đào nói như hét lên :