Hồ Điệp Cùng Kình Ngư

Chương 16: Phật Tổ

Bệnh tình Hồ Điệp trở nặng dường như đã là chuyện nằm trong dự liệu của Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành.

Họ bình tĩnh, êm dịu đón nhận sự chia lìa sắp đến.

Mỗi lần Kinh Du đến, Hồ Viễn Hành còn thảnh thơi lấy bộ dụng cụ pha trà của mình ra, nấu một bình trà và cùng trò chuyện về trà đạo với anh.

Tưởng Mạn cũng vậy.

Thỉnh thoảng vào buổi trưa, Hồ Điệp mệt mỏi nhắm mắt ngủ, Kinh Du và Hồ Viễn Hành ngồi bên cửa sổ chơi cờ, bà thì ngồi bên cạnh đan mũ len cho cô.

Có lúc Hồ Điệp tỉnh giấc nhìn thấy khung cảnh này, chờ ba mẹ ra ngoài mới đùa với Kinh Du: “Sao gần như trông anh còn giống con họ hơn là em thế.”

“Cũng bình thường.” Kinh Du ngồi bên mép giường gọt táo, không ngẩng đầu đáp: “Dù sao cũng là một nửa con rể rồi.”

Hồ Điệp: “…”

Kinh Du thấy phản ứng của cô lúc này, bèn dừng tay nhìn sang: “Sao nào? Em hôn xong rồi tính không chịu trách nhiệm à?”

Mặt Hồ Điệp nóng bừng lên, cô nhỏ giọng lẩm bẩm: “Đó cũng có phải em chủ động hôn đâu…”

“Vậy là… Em định bội tình bạc nghĩa anh thật à?” Kinh Du đặt trái táo và dao gọt trái cây xuống, sau đó cúi người ghé đến, chớp chớp mắt tỏ ra vô tội: “Anh làm không tốt chỗ nào sao?”

“…” Hồ Điệp không chịu đựng nổi, phải giơ tay che mắt anh lại: “Không phải, anh đừng nói nhảm.”

Anh không thuận theo, không chịu bỏ qua cho cô: “Không phải cái gì?”

Ỷ vào việc anh không thấy mình, Hồ Điệp nghiêm túc quan sát đường nét khuôn mặt anh và chậm rãi đáp: “Không phải làm không làm.”

Anh đã rất tốt, rất rất tốt rồi.

Là do em không tốt, biết rõ kết quả từ trước nhưng vẫn trêu chọc anh, ngoài miệng nói rằng cứu rỗi anh nhưng vô hình trung lại xem anh như cọng rơm cứu mạng.

Đây thật sự là cứu rỗi sao?

Hồ Điệp nhất thời không phân biệt được giữa cô và anh rốt cuộc ai đã cứu rỗi ai.

Nhưng đã khơi dậy tình cảm, cuối cùng cô lại là người phụ lòng anh.

Kinh Du nhận ra sự biến hóa trong tâm trạng háo hức của cô, song anh không hỏi gì mà chỉ cười bảo: “Được rồi, anh biết anh rất tốt, buông tay ra đi, táo sắp bị oxi hóa luôn rồi.”

“Vâng.” Hồ Điệp thả cánh tay xuống, vội quay đầu nhìn về phía cửa sổ trước khi anh nhìn mình.

Trên bệ cửa sổ đặt rất nhiều chậu hoa với những loài cây mọng nước khác nhau.

Những cây sen đá hoa hồng xanh (Greenovia Webb & Berthel) đẹp nhất được đựng trong gáo dừa, trên thân là hình ảnh con bướm và chú cá voi do Kinh Du dùng bút dạ vẽ lên.

Hồ Điệp nhớ đến gì đó, bèn hỏi: “Cây mọng nước có nở hoa không anh nhỉ?”

“Có đấy nhưng có một số loài sau khi nở hoa sẽ bị héo.” Kinh Du ngó sang theo tầm nhìn của cô: “Nhưng phần lớn đều có thể nở hoa.”

Cô lại hỏi: “Cây mọng nước có phải là xương rồng không ạ? Xương rồng ba năm mới nở hoa một lần, đừng nói mấy năm chúng mới nở hoa nhé?”

Kinh Du nghe cô hỏi, lấy điện thoại ra tìm kiếm thông tin và trả lời: “Xương rồng cũng được xem là một loài cây mọng nước nhưng là cây mọng nước không chỉ có mỗi xương rồng, còn về việc nở hoa…”

Anh nhanh chóng tìm tòi, vừa nhìn điện thoại vừa nói: “Cây mọng nước sẽ thay nhau nở hoa vào mùa xuân hoặc xuân hạ, nhưng các loài khác nhau thì thời gian nở hoa cũng sẽ khác nhau.

Cũng có một số loài nở hoa vào mùa hè và mùa thu.”

Hồ Điệp cười cười nhìn anh, không nói chuyện ngoài lề nữa: “Sao anh chưa gọt táo xong nữa, em đói quá.”

“Ác nhân mà còn cáo trạng trước à, rõ ràng em là người cứ hỏi anh mãi đấy nhé.” Kinh Du cắt một miếng táo nhỏ của phần đã gọt vỏ: “Ăn đi.”

Hồ Điệp vừa nhai táo vừa nhìn mặt trời lặn bên ngoài cửa sổ, cô chợt nhớ đến buổi bình minh đã lỡ hẹn hôm nay, kìm lòng chẳng đặng thở dài một hơi.

Kinh Du ngẩng đầu nhìn qua: “Sao vậy em?”

Cô “hừ” nhẹ: “Táo chả ngon.”

“…” Kinh Du giận quá hóa cười: “Chiều hư em rồi.”

Ánh mắt cô rầu rĩ: “Anh Kinh Du, anh dữ quá à…”

Kinh Du giơ dao gọt trái cây lên: “Ăn nói đàng hoàng.”

Hồ Điệp đưa tay lên miệng làm động tác kéo khóa.

Kinh Du cười khẽ, cắt phần táo còn lại thành miếng nhỏ vào bỏ vào trong chén, xiên nĩa vào rồi đưa đến tay cô: “Ăn một nửa đi, chốc nữa là ăn tối rồi.”

“Vâng vâng vâng, bây giờ anh càng lúc càng giống ba em rồi.” Hồ Điệp bưng chén, tranh nói trước anh: “Muốn ra ngoài chơi quá, anh Kinh Du, khi nào anh mới đưa em ra ngoài chơi nữa ạ?”

Kinh Du ngước mắt nhìn cô, toan nói lại thôi, thế là sau vài giây yên lặng, anh hỏi: “Em muốn đi đâu chơi?”

“Đi đâu cũng được ạ.” Hồ Điệp vươn tay lấy điện thoại.

Trên weibo đẩy những bài đăng mới lên.

Đó là trạng thái mới từ Weibo thông tin đảo Đàm mà cô theo dõi.

Thông tin đảo Đàm V: “Gió vàng sương ngọc tìm nhau, đường trần muôn kiếp có đâu sánh cùng.” (*)

Hai câu thơ trong bài thơ “Thước kiều tiên” của Tần Quan.

Câu gốc là “Kim phong ngọc lộ nhất tương phùng, tiện thắng khước, nhân gian vô sổ.”

Đăng kèm là một bức ảnh chân thực của chùa Đàm Tự được chia làm bốn ô vuông.

Hòn đảo được trang trí cho lễ hội đền Thất Tịch sắp đến, có thể thấy được những dải lụa đỏ với câu thơ “Gió vàng sương ngọc” được viết theo lối hành thư và mạ vàng sáng chói đang bay phấp phới.

Lễ hội đền Thất Tịch là hoạt động diễn ra mỗi năm một lần của chùa Đàm Hải, khoảng thời gian này Hồ Điệp chỉ ở mãi trong phòng bệnh nên cũng mất luôn khái niệm thời gian.

Cô mở lịch ra mới phát hiện ba ngày nữa chính là Thất Tịch, trong giọng điệu khó nén được sự hưng phấn: “Anh Kinh Du, bọn mình đến lễ hội đền Thất Tịch chơi đi, nghe bảo vào chùa dâng hương cầu phúc dịp Ngưu Lang Chức Nữ này sẽ vô cùng linh nghiệm đó.”

Kinh Du không nỡ từ chối nhưng cũng không dám đồng ý: “Đi thì được nhưng trước hết phải hỏi ý kiến bác sĩ đã.”

“Không thành vấn đề.” Hồ Điệp vô cùng hào hứng, dường như đã nhận được sự cho phép ra ngoài rồi vậy: “Để em đi xem kế hoạch đi chùa.”

“Ừ.” Kinh Du nhìn cô, không nói thêm gì nữa.

Buổi tối, Hồ Điệp nói về kế hoạch ra ngoài chơi vào ngày Thất Tịch với Tưởng Mạn, bà cũng không bất ngờ lắm, cười bảo: “Mấy ngày rồi chắc con ở trong phòng cũng ngột ngạt.”

“Vậy con có thể ra ngoài chơi không ạ?’ Hồ Điệp ôm cánh tay Tưởng Mạn nũng nịu: “Mẹ, mẹ đồng ý cho con đi đi mà…”

“Thì mẹ có bảo không cho con đi đâu.” Tưởng Mạn thở dài: “Mà kể ra cũng lâu rồi ba mẹ không đến chùa Đàm Hải.”

Hồ Điệp đề nghị: “Hay là ba mẹ cũng đến lễ hội đền năm nay đi ạ, dù sao ở bệnh viện cũng không có việc gì làm, chi bằng ra ngoài dạo chơi, xem như là đi cùng con luôn.”

Tưởng Mạn suy nghĩ giây lát, cố ý trêu cô: “Ba mẹ đi cũng được, chỉ sợ làm phiền con với Kinh Du thôi.”

“Mẹ này!” Mặt Hồ Điệp nóng lên, cô nằm xuống kéo chăn che kín đầu: “Con không nói chuyện với mẹ nữa.”

Tưởng Mạn nhìn con gái nhỏ nhà mình làm dáng, không kìm được bật cười, mà cười rồi lại cảm thấy buồn bã.

Bà sợ cô phát hiện sự khác thường nên đứng dậy đi ra ngoài.

Hồ Viễn Hành ngồi ở phòng khách thấy vợ mình đi ra khỏi phòng bệnh rồi vội vàng chạy vào nhà vệ sinh, ông bèn đứng dậy đi theo tới thì nghe tiếng nước chảy ở bên trong.

Ông định tiến vào, Tưởng Mạn nói vọng ra: “Đừng vào, lát nữa là ổn thôi.”

Đây là ước định mà vợ chồng họ đã đặt ra, không buồn bã trước mặt con gái cũng không rơi nước mắt trước đối phương.

Họ học cách kiên cường, học cách chấp nhận.

Nhưng cả hai đều biết phía sau sự bình tĩnh thoải mái đó là đối phương đã rơi không ít nước mắt.

Làm vợ chồng nhiều năm, đây vừa là sự ăn ý vừa là sự an ủi, cũng là chỗ dựa để họ chống đỡ đến cuối.

Hồ Viễn Hành buông tay nắm cửa, quay về ghế sofa ngồi xuống.

Ông nhìn bàn cờ tàn cuộc trên máy tính, cuối cùng mắt dần nhòe đi.

Ông cắn răng, thực hiện một bước đi trên bàn cờ, chẳng ngờ đó là ngõ cụt, cả ván đầu thua cuộc.

Điều này như thể một cọng rơm cuối cùng đè chết con lạc đà, Hồ Viễn Hành không kìm được nữa, cúi đầu nghẹn ngào thành tiếng.

Một người đàn ông gần năm mươi tuổi lần đầu tiên òa khóc như một đứa trẻ.

Trong phòng bệnh, Hồ Điệp nhắm mắt như đã ngủ say nhưng hàng mi khẽ run và nước mắt thấm ra khóe mắt đã vạch trần lời nói dối của cô.

Chiều hôm ấy cả ba người đã có phút giây ngắn ngủi bộc lộ cảm xúc, hoàn toàn phá vỡ những biểu hiện bình tĩnh giả dối trước đó.

Nhưng Hồ Điệp không dám an ủi, chỉ đành không biết không nghe không thấy gì, ngày hôm sau vẫn là chú bướm nhỏ kiên cường lạc quan.

Ba mẹ cũng bình tĩnh và thoải mái như trước, họ đeo lên chiếc mặt nạ và vui vẻ chuẩn bị cho chuyến đi lễ hội đền Thất Tịch, dường như những giọt nước mắt và những nỗi niềm đêm qua chưa từng xuất hiện vậy.

Ngày Thất Tịch đến như đã hẹn, du khách đến đảo Đàm nối đuôi không dứt.

Hồ Điệp thức dậy sớm, đưa Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành đến tập trung với Kinh Du lúc chưa đến tám giờ.

“Chào chú dì.” Kinh Du nhận được cuộc gọi từ Hồ Điệp mới rời giường, chưa ăn sáng đã đi luôn.

Anh hỏi: “Sao hôm nay em dậy sớm vậy?”

“Ngủ sớm nên dĩ nhiên cũng dậy sớm rồi.” Hồ Điệp đưa túi giấy trong tay cho anh: “Nà, bữa sáng.”

“Xem ra em vẫn còn lương tâm.” Kinh Du cầm lấy, nhìn về phía Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành: “Chúng ta ngồi tàu trước, giờ này chắc không cần phải xếp hàng đâu ạ.”

Tưởng Mạn cười bảo: “Không gấp, con cứ ăn sáng trước đi đã.”

Kinh Du lắc đầu nói không sao: “Lên tàu ăn cũng được ạ.”

Hồ Điệp gấp gáp vô cùng: “Vậy nhanh nhanh đi thôi.”

Lần trước họ đến đảo Đàm bằng du thuyền thuê riêng nhưng lần này thì mua vé đi du thuyền cùng du khách, thời điểm này trên đó đã có một lượng khách kha khá.

Hồ Điệp tìm một vòng mới thấy hai chỗ trong góc: “Ba mẹ, hai người ngồi đây đi, con lên trên hóng gió.”

Kinh Du đành phải bảo: “Con đi với cô ấy.”

Hồ Viễn Hành xua xua tay: “Đi đi, đi đi.”

Du thuyền hai tầng có có sân thượng và boong tàu để ngắm cảnh, gió biển vào sáng sớm se se lạnh.

Kinh Du cởi áo khoác khoác lên vai Hồ Điệp: “Cẩn thận bị lạnh.”

“Vâng.” Hồ Điệp ngoan ngoãn mặc áo khoác, nhìn anh cắn bánh sandwich bèn hỏi: “Ăn ngon không anh?”

Kinh Du không quá thích bữa sáng kiểu phương Tây, nhai hai cái mới đáp: “Tạm được.”

“Em làm đó.”

Anh nuốt miếng trong miệng xuống, sửa lời: “Ăn ngon lắm.”

“…”

Khi chiếc du thuyền khởi hành, gió trên boong tàu càng lúc càng lớn.

Kinh Du ăn lẹ bữa sáng rồi gập túi giấy thành một mảnh nhỏ: “Đi thôi, vào trong, ở ngoài gió lớn quá.”

Hồ Điệp cũng thấy hơi lạnh, xoa xoa cánh tay bảo: “Được ạ.”

Khoảng cách giữa bờ biển đến đảo Đàm rất ngắn nên chẳng mấy chốc du thuyền đã cập bến.

Hồ Điệp kéo Tưởng Mạn đi ở phía trước, thỉnh thoảng lại quay đầu nhìn Kinh Du và Hồ Viễn Hành đi tuốt ở đằng sau.

Khi đến chân núi, Hồ Điệp nhớ lại lần leo núi trước mà chân đã mềm nhũn ra: “Lúc trước sao không thấy cầu thang này dài như vậy nhỉ.”

Kinh Du đi đến bên cạnh: “Anh cõng em lên nhé?”

“Em đâu có yếu đuối thế.” Hồ Điệp bước nhanh lên vài bậc cầu thang: “Bọn mình thi đi, ai đến sau thì hôm nay sẽ phải khao.”

Tưởng Mạn nhìn cô, dặn dò: “Con chầm chậm thôi!”

Cô không quay đầu đáp: “Con biết rồi! Hai người nhanh theo kịp nhé!”

Tưởng Mạn nom cô đi nhanh về trước, lắc đầu thở dài: “Con bé này.”

Kinh Du cười cười: “Con đi theo cô ấy cho, dì với bác trai cứ đi từ từ.”

“Cũng được, hai đứa đi trước đi.” Tưởng Mạn đấm vai: “Bộ xương già của chú dì không so được với mấy đứa.”

Kinh Du gật đầu, ba bước gộp làm hai đuổi theo Hồ Điệp: “Chạy chậm thôi, đường sau còn dài lắm.”

“Mệt quá.” Ban đầu Hồ Điệp dùng quá nhiều sức, lúc này chỉ biết khoác cánh tay Kinh Du thở hồng hộc: “Lúc trước em leo lên bằng cách nào ấy nhỉ.”

“Ai bảo em chạy nhanh.” Kinh Du đỡ cô sang bên cạnh ngồi nghỉ: “Muốn uống nước không?”

Hồ Điệp lắc đầu, chậm rãi nói: “Đi thôi anh.”

“Không cần anh cõng thật sao?”

“Không cần, hôm nay chắc chắn em sẽ leo lên được.” Hồ Điệp vịn cánh tay anh để đứng dậy, nghĩ suy giây lát, cô lại đưa tay ra.

Kinh Du khó hiểu hỏi: “Sao đó?”

“Cho anh hưởng thụ chút quyền lợi của bạn trai.”

Kinh Du hiểu ra, bật cười thành tiếng.

Sau đó anh đưa tay áp lòng bàn tay vào tay cô, mười ngón đan chặt: “Đi thôi nào bạn gái.”

Lòng bàn tay chàng trai ấm áp khô ráo, mười ngón tay đan cài chặt chẽ, bàn tay lạnh lẽo của Hồ Điệp dần nhận được hơi ấm từ anh.

Cô dùng ngón tay đụng nhẹ mu bàn tay anh một cái.

Kinh Du quay đầu nhìn qua: “Sao vậy?”

“Muốn đụng.” Hồ Điệp lại đụng một cái và bảo: “Sử dụng quyền lợi của bạn gái.”

Kinh Du cười, rồi lại thở dài một tiếng như thể bất đắc dĩ.

Đi được nửa đoạn đường thì tinh lực của Hồ Điệp cũng hao tốn một nửa.

Ngay cả Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành bắt đầu đi sau cũng đã theo sát, bốn người ngồi trong đình nghỉ mát.

Tưởng Mạn lau sạch mồ hôi trên trán cho cô, hơi lo lắng khuyên: “Hay là chúng ta đừng lên nữa.”

“Lên đi ạ, dù sao cũng đến rồi mà.” Hồ Điệp điều hòa hơi thở: “Lâu rồi con không vận động nên chân hơi mỏi chứ cơ thể thì không sao.”

Tưởng Mạn biết cô quyết tâm muốn đi, đành bảo: “Vậy chúng ta đi chậm thôi, chỉ cần thành tâm thì có đến muộn Phật tổ cũng không trách tội.”

Hồ Điệp gật đầu: “Vâng.”

Quãng đường núi còn lại, Hồ Điệp vẫn từ chối đề nghị cõng cô lên của Kinh Du.

Anh hết cách, chỉ có thể cẩn thận đỡ cô lên từng bậc thang.

Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành đi theo sau, vừa đau lòng vừa lo âu.

Khi bốn người lên tới đỉnh núi thì trời đã gần trưa, người dâng hương trong chùa chẳng còn bao nhiêu.

Tưởng Mạn đi lấy hương, Hồ Điệp nhớ Kinh Du từng nói không tin những chuyện này nên lúc mẹ đưa hương cho anh, cô đã nói: “Anh ấy không cần đâu ạ.”

Tưởng Mạn hơi sửng sốt, chưa kịp hỏi gì thì Kinh Du đã nhận hương: “Tới cũng tới rồi, vẫn nên dâng nén hương thì hơn.”

Hồ Điệp thấy anh không có vẻ gì là giỡn thì cũng không nói gì.

Bốn người đi đến điện thờ Phật lớn để dâng hương.

Sau khi xong xuôi, Tưởng Mạn và Hồ Viễn Hành đi gặp nói chuyện với sư thầy có quen biết lúc trước, Hồ Điệp thì chuẩn bị vào điện Phật để nghe tụng kinh.

Cô quay đầu nói với Kinh Du: “Anh ở đây chờ em nha.”

Kinh Du hỏi: “Anh không được vào sao?”

“Không phải anh…” Không tin những điều này sao, mấy chữ cuối Hồ Điệp không nói ra nhưng cô biết Kinh Du hiểu ý mình: “Em sẽ xong nhanh thôi.”

Kinh Du không giải thích, chỉ nói: “Đi cùng đi.”

Hồ Điệp không có lý do gì để cản anh, hai người một trước một sau vào điện Phật.

Lúc nghe tụng kinh xong, xung quanh đã không còn bao nhiêu người.

Trong gió nồng đậm mùi nhang khói.

Hồ Điệp quỳ xuống đệm lót trước tượng Phật, nhắm mắt chắp hai tay lại.

Kinh Du cũng quỳ xuống theo tư thế đó bên cạnh cô.

Thời gian về trưa tĩnh lặng, trong điện Phật sáng ngời, khói trắng vương vít, tượng Phật cao lớn vẻ mặt hiền hậu nhìn thiếu nữ và thiếu niên đã quỳ trước mặt mình.

Người nghe được lời cầu nguyện đầy thành kính của thiếu nữ ——

“Xin Phật tổ hãy phù hộ Kinh Du, sớm vượt qua bể khổ, thực hiện được ước mơ cả đời.”

Người cũng trông thấy niềm mong mỏi chân thành nhất của thiếu niên —–

“Tuổi trẻ thiếu kinh nghiệm, có nhiều bất kính xin Phật tổ thứ lỗi.

Hôm nay con không cầu nguyện cho mình, chỉ mong cho người trong lòng cầu gì được nấy, mọi mong muốn đều linh nghiệm.”

“Có thể thấy rõ lòng thành của trước đây và từ sau này.”