Hoàng Hậu Không Ngai

Chương 3

Nữu Hỗ Lộc Liên Nhi bái lạy cha mẹ mình rồi theo bà mai lên kiệu hoa. Nữu Hỗ Lộc Lăng Trụ lặng lẽ nhìn con gái xuất giá, lòng tiếc nuối. Phải chi ông có một chút địa vị, có lẽ con gái ông đã về làm chính thất, phu quân của nàng cũng ngang tầm tuổi chứ không có sự chênh lệch lớn như thế này. Nhị phu nhân cầm tay Xảo Tuệ, dặn dò :

-Về phủ Tứ gia, nhớ chăm sóc tiểu thư cẩn thận.

Xảo Tuệ cúi đầu với lòng cảm tạ sâu sắc nhất. Ngạch nương của Liên Nhi mất sớm, một tay nhị nương nuôi dạy nàng nên người, yêu thương hết mực. Trong lòng Liên Nhi luôn xem bà như mẹ ruột của mình. Xảo Tuệ cũng kính yêu bà. Xảo Tuệ hứa với nhị phu nhân sẽ lo cho tiểu thư chu đáo, tuyệt đối không để nàng chịu thiệt thòi. Cô bé chạy bịch bịch theo kiệu của Liên Nhi. Một người phu khiêng kiệu nói :

-Em đi từ từ, ta có đi bằng ngựa đâu. Chạy vậy không sợ rơi đồ sao ?

Xảo Tuệ thở hồng hộc :

-Xin lỗi.

Liên Nhi buông rèm, quay trở vào trong. Xảo Tuệ đi chậm lại theo nhịp đi của các phu kiệu. Cô ả vừa đi vừa nói chuyện với Liên Nhi. Liên Nhi phải giữ quy tắc, không được nói chuyện với ai trước khi được phu quân tháo khăn che mặt. Xảo Tuệ cứ huyên thuyên một mình. Liên Nhi mỉm cười. Gió bay làm phấp phới tấm màn với khăn che mặt, lộ ra nụ cười dễ thương của nàng.

-Phong Di ! Ngươi tập trung vào nào !

Phong Di hoàn hồn. Gã suýt mất thăng bằng. Thiên địa hội quyết lòng cắt đứt dòng giống trâm anh của nhà Thanh nên cho mai phục sẵn trên đường, chờ thời cơ giết tân nương cho bằng được. Đàng chủ phân ra bốn nhóm, Phong Di cùng sư phụ mai phục trên mái nhà, còn ba nhóm còn lại thì nấp trong các cửa hàng. Vũ khí là phi tiêu.

-Phong Di, ngươi quan sát xem có thể ra tay chưa. – Sư phụ Phong Di sốt ruột.

Phong Di nghe lời sư phụ, chịu rời mắt khỏi kiệu hoa, nhìn chung quanh. Chợt, tên khiêng kiệu ngước nhìn hắn. Phong Di nhận ra Huệ Đạt và đệ tử của hắn đã hóa trang thành phu khiêng kiệu, người dẫn ngựa đặng bảo vệ Nữu Hỗ Lộc Liên Nhi. Phong Di vừa mừng, vừa lo, nói :

-Sư phụ, con thấy khó mà ra tay. Những tên khiêng kiệu toàn là người của tên Huệ Đạt.

Sư phụ của Phong Di nhận ra Huệ Đạt, hắn hừ một tiếng rõ to :

-Tên phá đám ! Tạm rút lui thôi.

Hắn thả một con chim sẻ ra, bảo đồng bọn rút lui. Các thành viên trong Thiên địa hội đồng loạt lui quân. Hắn và Phong Di rút lui sau cùng. Phong Di cảm thấy nhẹ nhõm vô cùng. Bỗng, tên sư phụ hỏi :

-Tại sao ngươi biết mặt Huệ Đạt.

Phong Di hoảng hồn. Hắn không thể nói là đã gặp Huệ Đạt lúc lẻn sư phụ đi gặp Nữu Hỗ Lộc Liên Nhi được. Hắn lựa lời nói dối :

-Dường như tên Huệ Đạt biết được âm mưu của chúng ta nên đã từng gặp riêng con để cảnh báo không được tới gần Nữu Hỗ Lộc tiểu thư. Lúc đó, con cứ nghĩ hắn chỉ nói bâng quơ, không bẩm báo với sư phụ.

-Lần sau có chuyện thì phải nói với ta, nghe chưa ?

-Dạ. – Phong Di hứa. – Vậy chúng ta có làm việc này nữa không ?

Tên sư phụ gắt :

-Đương nhiên. Có điều lúc này đông người bảo vệ ả ta quá. Đợi về đêm, vào lúc động phòng, chẳng ai canh gác, chúng ta sẽ ra tay.

Phong Di thầm than khổ nhưng cũng giấu vào dạ, đi theo sư phụ về.

-Nhất định ta phải cứu nàng.

Người khiêng kiệu nói :

-Xảo Tuệ, hình như có con chim sẻ bay qua đây thì phải.

Xảo Tuệ nhìn lên trời, thấy có chim sẻ bèn gật đầu :

-Vâng.

-Thấy trên nóc nhà kia có ai không ?

Xảo Tuệ nhìn lên mấy nóc nhà, thấy có một dải áo, nói :

-Có. Chắc là người chen xem rước dâu. Chen không được người ta bèn lên nóc nhà. Giờ đi rồi.

Người phu khiêng kiệu – Huệ Đạt – thừa biết bọn chúng chỉ tạm rút lui thôi, có thể chúng sẽ ra tay vào đêm nay hoặc ngày mai, ngày mốt hoặc là lúc nàng ta hoài thai, sinh ra vị vua mà trời ấn định cho Đại Thanh này. Kể từ đây, số phận nàng như thế nào đều phụ thuộc vào Tứ gia và bản thân nàng.Đêm kia, Phong Di đã nói với ông rằng bọn tà đạo định đả thương nàng thật nặng, sao cho hồn lìa khỏi xác rồi ếm cho hồn lơ lửng trong không gian khoảng tám năm. Làm như thế rồng không thể giáng thế đúng thời hạn được, số mệnh đất nước cũng thay đổi theo.

-Chỉ hy vọng vào miếng ngọc đó thôi. – Huệ Đạt thở dài.

-Ông ơi nhanh lên ! Tới phủ rồi kìa ! – Xảo Tuệ giục.

Tứ bối lạc Dận Chân tiễn em trai thứ mười ba của mình là Dận Tường ra về rồi quay trở vào. Đích phúc tấn phủ Tứ bối lạc, Ô Lạt Na Lạp Tiểu Uyển bước đến bên phu quân, mỉm cười ôn nhu, nói :

-Chàng đang muốn níu kéo thời gian ư ?

-Đâu có.

Tiểu Uyển dịu dàng nói :

-Thiếp biết, ngày chàng nạp Lý muội làm trắc phúc tấn, chàng cũng có biểu hiện như vậy. Chàng đừng lo cho thiếp.

Dận Chân nhẹ nhàng nắm lấy đôi tay trắng ngần của đích phúc tấn :

-Có được nàng là đích phúc tấn, thật là phúc phận của ta.

-Nữu Hỗ Lộc muội còn nhỏ, chàng nên đối xử tốt với muội ấy.

Tiểu Uyển giục :

-Chàng vào đi, muội ấy đang chờ đấy.

Dận Chân bước vào phòng hoa chúc. Lòng Tiểu Uyển buồn rười rượi. Vợ chồng ân ái với nhau bao năm, Dận Chân đối xử với nàng chẳng chút lạnh nhạt, luôn ưu tiên mọi quyền lợi cho nàng, hơn cả Niên thị và Lý thị dù nàng đã làm mất đi Hoằng Huy, phạm một lỗi lớn trong đạo làm vợ. Nhưng, chưa bao giờ Dận Chân cười với nàng lấy một lần. Tiểu Uyển nghĩ, nếu thật sự có một người khiến cho Dận Chân cười, cười thật sự, không phải như nụ cười gượng ép với Niên Thu Nguyệt, thay vì ghen tuông như nhi nữ thường tình, nàng nguyện hy sinh mạng sống để bảo vệ người ấy.

Dận Chân vén khăn che mặt của tân nương. Liên Nhi cúi đầu chào phu quân. Dận Chân thấy chạnh lòng, dù cử chỉ có đoan trang, cũng chỉ là một cô nương còn nhỏ. Tuy nhiên, chàng không biểu lộ ra mặt, chỉ lạnh lùng hỏi :

-Nàng có uống rượu được không ?

Liên Nhi mỉm cười :

-Thưa Bối lạc gia, nếu là cố gắng hết sức, thiếp có thể uống vài ly.

Dận Chân nói :

-Vậy là không uống được rồi. Thôi, rượu đêm tân hôn để gia uống cho.

Chàng rót hai ly rượu rồi lần lượt uống cạn hết. Liên Nhi len lén nhìn vị phu quân của mình. Đúng như A mã nàng miêu tả. Dận Chân có khuôn mặt lạnh băng, mắt sắc, nói chuyện ít tạo cảm tình cho đối phương. Nhưng nàng không quên được chiếc trống và hộp chỉ chất chứa sự quan tâm trong đó. Liên Nhi muốn hiểu người này một chút. Dận Chân để ý thấy nàng nhìn mình, bèn hỏi :

-Có gì à ?

-Thiếp xin cảm ơn Bối lạc gia đã tặng cho thiếp chiếc trống.

Dận Chân lạnh lùng nói :

-Cái đó ta tiện tay mua thôi, lúc đó ta đang mua đồ chơi cho Hoằng Thời.

-Dù sao thiếp cũng xin cảm tạ Bối lạc gia.

Dận Chân im lặng một hồi. Chàng nói :

-Ngủ đi, gia muốn thức một lát.

Liên Nhi lắc đầu :

-Thiếp chưa muốn đi ngủ.

Dân Chân nhíu mày :

-Tại sao ?

Liên Nhi cuối gằm đầu, khẽ khàng nói :

-Thiếp nhớ A mã.

-Vậy thì nàng thức, gia ngủ đây.

Dận Chân để nguyên y phục đi ngủ. Liên Nhi thật sự chưa muốn ngủ. Đêm nay nàng không thể lấy chiếc trống ra chơi. Liên Nhi đành lấy miếng ngọc bội ra ngắm nghía. Chợt, miếng ngọc bội rung mạnh.

“Leng keng !”

Bên tai Liên Nhi văng vẳng tiếng chuông mõ. Đầu óc nàng quay mòng mòng. Tiếng lầm rầm lúc nãy còn nhỏ, bây giờ còn lớn hơn cả tiếng nhạc cưới.

“Tưởng sẽ bị phản hồi. Thế này thì chỉ cần làm phép thôi cũng đủ.”

“Vậy sao ?”

“Chỉ cần đóng một phát là lìa đời ngay.”

Một tiếng pháo vang rền nổ lên. Đột nhiên ngực Liên Nhi đau nhói như có một cái cọc nhọn đâm xuyên vào. Sau đó, Liên Nhi cảm thấy nóng ran giống lúc mình ngồi gần lò lửa. Nàng ngã xuống nền nhà, quằn quại. Liên Nhi kêu cứu, lời nàng giờ như tiếng nước suối chảy bị tắc nghẹn :

-Cứu mạng… Tứ gia…

Dận Chân nhắm mắt nhưng chưa ngủ say. Chàng vội xuống giường, đỡ lấy Liên Nhi. Dận Chân hoảng hồn khi cầm tay Liên Nhi thấy lạnh ngắt. Liên Nhi muốn nắm chặt lấy tay phu quân lại không đủ sức. Nàng thở được vài quãng rồi ngất đi. Dân Chân ôm lấy nàng, lay mạnh :

-Liên Nhi ! Liên Nhi ! Sao thế này ? Nàng tỉnh dậy đi !

-Đông Triều ! Đông Triều ! Sao thế này ?

Đông Triều tay trái nắm chặt miếng ngọc bội, tay phải nắm chặt ngực trái. Vừa rồi Đông Triều mang ngọc bội về giao cho sếp để lĩnh tiền thưởng. Đang làm thủ tục thì đột nhiên thấy đau nhói ở tim rồi khó thở, muốn ngất xỉu. Sếp lớn vội xốc cô lên, kêu người gọi xe cấp cứu đưa cô đến bệnh viện.

Đông Triều nằm quằn quại trên giường bệnh, kháng cự lại cơn đau vô cớ của mình. Tuy đau tột cùng nhưng Đông Triều vẫn nghe tiếng chuẩn bệnh của các bác sĩ. Họ nói tim mạch hay phổi cô vẫn hoạt động tốt, nếu bệnh, có lẽ liên quan đến thần kinh như hoang tưởng chẳng hạng. Họ đòi xét nghiệm cô nhưng Đông Triều cứ quằn quại, không để yên cho họ khám. Họ đành dùng biện pháp mạnh là giữ lấy tay cô rồi tiêm thuốc an thần. Đông Triều chìm vào giấc ngủ.

“Nếu quả thật đây mới là người số phận cần, xin hãy giúp nàng đến phút cuối.”

Đông Triều cảm nhận được sức lực đang trào dâng trong người mình, hoàn toàn có thể cử động được. Cô nhúc nhích mấy ngón tay, thấy đúng như mình nghĩ. Đông Triều đập đập trán mình, hành động cô thường làm khi đã xác định đây là lúc thức dậy. Đông Triều ngồi dậy, mở mắt. Thật tốt, tim cô không còn đập mạnh nữa, cũng không thấy khó thở nữa. Đông Triều an tâm về sức khỏe xong mới bắt đầu nhìn chung quanh. Cảnh lạ hoắc !

-Cái ông sếp này, đưa mình đi đâu đây ?

Đông Triều chắc chắn đây không phải là bệnh viện. Chiếc chăn cô đang đắp, bọc đệm trên giường, gối đều được bọc vải gấm rất tinh xảo, không phủ màu trắng tinh khiết trong bệnh viện. Cách trang trí trong phòng cũng không giống trong bệnh viện. Sắt thép hầu như biến mất, gỗ trong căn phòng này nhiều hơn. Đông Triều thấy rất giống cách bài trí mà cô đọc trong một quyển sách viết về thời Thanh. Đông Triều xuống giường, quan sát thật kỹ từng đồ vật, kể cả những hoa văn nhỏ nhất trên chúng cũng không được bỏ sót.

-Tất cả đều giống như thời Thanh vậy.

Đông Triều chợt nghĩ đến miếng ngọc bội. Cô đoán rằng bọn đạo diễn đã đánh cắp miếng ngọc lần nữa rồi đưa cô về đây để trả thù. Nhưng nếu là để trả thù, đây là cách trả thù kỳ quặc nhất mà Đông Triều từng thấy. Chấp nhận rằng chúng giấu cô trong phòng được bày trí theo phong cách cổ trang để không ai tìm ra, dễ trả thù, nhưng cần gì phải cho cô mặc áo gấm đắt tiền ?

-Bọn thần kinh ! Phải lấy lại miếng ngọc đã.

Đông Triều đẩy cửa bước ra. Không cần xỏ dép, cô đi chân không ra ngoài luôn. Bên ngoài cũng lạ hoắc, nhà cửa toàn là cây với cây, ngõ ngách thì có hàng trăm ngõ, chẳng biết nên đi đâu thì tìm được miếng ngọc. Thấy cách mình mười bước chân có một cây xanh khá cao, Đông Triều mon men đến gần. Cô nhảy lên, tóm lấy cành cây gần mình nhất. Cô chụp hụt, ngã nhào xuống đất. Đông Triều lồm cồm đứng dậy, tự phủi bụi cho mình, lẩm bẩm :

-Quái, sao hôm nay lại yếu thế ? Cái cây này cao lắm sao ?

Đông Triều bèn chọn cành cây thấp nhất. Cô nhảy lên, chụp lấy cành cây, tiện đà tung người lên, bám hai chân hai tay trên cành cây đó. Đông Triều leo lên đến một chỗ có thể quan sát được tất cả. Cảnh vật cũng lạ hoắc. Đông Triều chỉ còn cách suy luận. Bình thường các tay đạo diễn hay chọn các tiểu đình làm nơi hội họp diễn viên, điểm đến đầu tiên là tiểu đình nằm gần ba cây cổ thụ đằng kia. Đông Triều nhảy xuống đất, chạy một mạch ra tiểu đình.

Trên đường, Đông Triều gặp một số người mặc trang phục thời Thanh, bưng bê đồ đạc, sợ bị phát hiện nên Đông Triều vội tránh mặt. Hướng đi của họ hình như là về phía tòa nhà Đông Triều đi ra hồi nãy. Đông Triều phát hiện ra có điểm là lạ ở đoàn làm phim này, dù được nghỉ xả hơi, không có đạo diễn đi theo, điệu bộ họ vẫn rất cung kính.

-Gã đạo diễn này khó quá nhỉ ?

Đông Triều tặc lưỡi cho qua. Nhiệm vụ chính của cô là lấy lại vật bị lấy trộm. Đoàn làm phim này tính sau. Đông Triều chờ đoàn người khuất hẳn, tiếp tục lộ trình của mình.

-Gì vậy ?

Dự đoán của Đông Triều trật lất, đến tiểu đình không hề thấy mặt đạo diễn hay nhà tài trợ. Chỉ có hai “diễn viên” đang mặc đồ cổ trang thời Thanh ôn lại kịch bản với nhau. Một người đóng vai cô thần, giọng nhạt thếch, nhỏ lại ít cười. Một người đóng vai hay cười, tiêu sái, tự tại.

-Lầm rồi sao ?

Đông Triều quay lưng lại, định đi nơi khác tìm thì nghe người đóng vai cô thần nói :

-Thật lạ lùng, miếng ngọc bội này lại phát sáng khi nàng ta qua cơn nguy kịch.

“Ngọc bội”, nghe hai chữ đó Đông Triều bật người như lò xo. Mắt cô đăm đăm vào miếng ngọc mà diễn viên đó cầm. Ngọc bội chạm hình hoa sen, khắc con rồng ở giữa ở ngay trên tay người kia. Đông Triều hét to :

-Quân trộm đạo ! Trả lại đây ! – Nói rồi xông vào giật lấy.

Người đóng vai cô thần giấu miếng ngọc sau lưng, tay còn lại ấn đầu Đông Triều xuống. Lực ấn rất mạnh, làm Đông Triều không thể tiến tới thêm một bước nào nữa. Người đóng vai cô thần nói :

-Là gia tặng nàng, gia mượn lại xem có hỏng không. Sao dám gọi gia là trộm đạo ?

Đông Triều không nói nhiều với loại người này. Cô hụp người xuống, tóm lấy chân anh ta, kéo mạnh. Người đóng vai cô thần bị mất đà, ngã về phía trước, lại còn bị kéo chân, suýt mất cân bằng mà té bịch. Đông Triều nhân cơ hội luồn ra sau lưng anh ta, tước lấy miếng ngọc bội, vọt chạy. Người đóng vai tiêu sái đưa tay ra chặn cô.

-Hành hung người rồi bỏ chạy là không hay.

Đông Triều bèn cất miếng ngọc vào áo như mấy người trong phim cổ trang hay làm. Cô nhã nhặn cúi chào “hai diễn viên”, lịch sự nói :

-Xin thông cảm cho hành động thô lỗ này. – Rồi thẳng người. – Vừa lòng chưa các ngài “trộm đạo” ?

Người đóng vai tiêu sái trố mắt ngạc nhiên. Anh ta trỏ vào mặt Đông Triều, nói :

-Sao lại vô lý thế này ?

-Anh không tránh thì tôi bắt anh tránh !

Đông Triều xắn tay áo lên, đấm vào bụng anh ta. Anh ta liền tránh ra. Đông Triều chạy ngay. Anh ta ôm bụng, than ê than ẩm. Người đóng vai cô thần vỗ vai an ủi vài câu rồi chạy theo Đông Triều. Đông Triều biết anh ta đoán được mình định ra ngoài, sẽ chặn ngay cửa nên quẹo đi chỗ khác. Cuộc rượt đuổi kéo dài. Tuy Đông Triều giỏi luồn lách, né tránh nhưng người kia có thể lực tốt hơn, có vẻ rành đường lối trong phim trường nên đôi ba lần suýt bắt được cô.

Cuộc rượt đuổi kết thúc khi Đông Triều va phải một người, cả hai cùng té bịch. Cả hai cùng té bịch, cùng có một đám người vây xung quanh. Nhóm người vây quanh Đông Triều hoảng hồn :

-Trắc phúc tấn ! Trắc phúc tấn !

Ở bên kia nhiều người hơn, nháo nhào :

-Phúc tấn ! Phúc tấn !

Người đóng vai cô thần bước đến đỡ người kia dậy, ân cần hỏi thăm :

-Phúc tấn không sao chứ ?

-Tạ ơn Bối lạc gia quan tâm, thiếp không sao.

Người đóng vai cô thần giọng đanh :

-Thật không biết phép tắc !

Đám người vây quanh Đông Triều hoảng sợ, lạy thụp liên tục :

-Tứ gia thứ tội ! Tứ Bối lạc thứ tội !

-Bối lạc gia, Nữu Hỗ Lộc muội còn nhỏ, chàng đừng trách phạt làm gì. – Rồi nhìn Đông Triều với ánh mắt hiền từ. – Nữu Hỗ Lộc muội yên tâm, ta không sao.

Đông Triều giờ chỉ biết tròn xoe mắt. Cô tổng hợp tất cả những điều hiện ra trước mắt cô. Bài trí trong phòng theo phong cách thời Thanh, chăn nệm bọc gấm, trang phục mặc trên người không có một chút sơ hở, một chút đường kim mũi chỉ theo phong cách hiện đại, cách xưng hô « phúc tấn », « bối lạc », thuộc thời Thanh. « Tứ gia », « Nữu Hỗ Lộc thị », thuộc triều đại Khang Hy. Đông Triều lắc đầu nguây nguậy rồi nhìn hai vị chủ nhân đang đứng với nhau như một bức tranh mà cứng đờ người.

-Mình xuyên không rồi sao ?