Khoảnh khắc

#10: Cổ tích

Tớ vẫn đọc truyện cổ tích, truyện về những cô công chúa và chàng hoàng tử cảm mến nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, những hiệp sĩ chiến đấu và thắng các thế lực độc ác rồi sống hạnh phúc bên người yêu trọn đời. Mặc dù bây giờ lớn (16 tuổi rưỡi được coi là lớn chưa nhỉ?) và soi thấy ti tỉ ti tỉ hạt sạn phi logic không thể nuốt nổi nhưng tớ vẫn đọc cho em, cho cháu và cho mình thường xuyên.

Vì sao ư?

Tớ vẫn nghĩ truyện cổ tích là điều nuôi dưỡng tâm hồn trẻ êm ái nhất. Ở độ tuổi ấy, chúng tin rằng ở hiền sẽ gặp lành, ác giả ác báo, cái thiện luôn chiến thắng cái ác và nếu chúng ta có niềm tin vào bản thân mình, lương thiện, cố gắng thì sẽ luôn gặp được những điều may mắn.

Khi chúng ta lớn lên, tớ đã lớn đủ để nhận ra rằng cuộc sống không hề đơn giản như thế. Thế nhưng khi đọc những câu chuyện cổ tích , tớ lại thấy phải chẳng những quy tắc của cuộc sống, những điều tất yếu đều có trong đó?

Lấy điển hình câu chuyện Cô bé Lọ Lem, tớ đọc đi đọc lại trong những năm thơ ấu, giờ vẫn đọc, tớ vẫn ấp ủ trong mình suy nghĩ có phần hơi ngây thơ rằng mỗi cô gái đều có hoàng tử của riêng mình. Ấy vậy mà trên Internet lại có nhiều suy nghĩ tiêu cực quá. Theo cách nhìn đời khá mộng mơ của tớ, qua một lăng kính màu hồng, không quá hồng nhưng lại đủ thấy những lập luận như: Lọ Lem vốn là công chúa nên mới lấy được hoàng tử, nếu như Lọ Lem không xinh đẹp thì đã không được hoàng tử chú ý, bà tiên hiện ra đầy vô lí... những lập luận thật... thực dụng.

Lại qua lăng kính hơi hồng kia, tớ thấy điều ngược lại. Lọ Lem là công chúa nhưng cô cũng là một người con gái, rõ ràng so với công chúa thì từ con gái sẽ phổ rộng hơn đúng không, và hoàng tử là hoàng tử của riêng cô, điều đặc biệt ở đây chỉ là anh ấy sinh ra là hoàng tử và Lọ Lem sinh ra là công chúa thôi. Điều thứ hai, tất nhiên Lọ Lem xinh đẹp, nhưng trong vũ hội đêm đó, tớ tin rằng không có cô gái nào là không xinh đẹp cả, điều đặc biệt ở đây là, trong ngàn vạn ánh mắt, hoàng tử chỉ nhìn vào mình cô mà thôi, như là định mệnh đã được ông tơ bà nguyệt se vào đó. Bà tiên hiện ra vô lí ư? Không đâu. Bà là hiện thân của những sự giúp đỡ, mà sự giúp đỡ là điều chúng ta được nhận và (nên) cho đi hằng ngày.

Quay về thức tại, tớ cho rằng, truyện cổ tích không phải chỉ dành cho trẻ em.

Truyện cổ tích không phải dạy cho con người ra sống xa rời thực tế, mà nó dạy chúng ta về những điều cơ bản tất yếu trong cuộc đời, theo một cách tích cực nhất có thể.

Hãy cứ suy nghĩ giản đơn, cứ mong ước.

Truyện cổ tích đã và luôn là cái nôi êm ái của tâm hồn.