Kiếp Sống Giới Giải Trí Của Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 36: Đánh đàn nghe đàn

Edit: Cơ Hoàng

“Xin chào quý khách.” Giọng nữ dịu dàng vang lên, một người phụ nữ có khí chất thanh nhã đi từ bên trong ra. Người phụ nữ mặc áo ngắn váy dài theo phong cách thời dân quốc, mái tóc dài đen nhánh được quấn thành búi tóc, cố định bằng một cây trâm bạch ngọc. Váy áo màu đỏ, mang ngụ ý vui vẻ, như một vị thiếu phu nhân của một thế gia đi ra khỏi cổng lớn.

“Chào chị, em muốn mua một cây đàn violon.” Lâm Bạch Dư nói mục đích của mình.

“Được, đi theo tôi.” Người phụ nữ, có lẽ là chủ cửa hàng, cười và dẫn Lâm Bạch Dư tới khu vực phía Tây. Thì ra tiệm được chia thành hai khu vực, khu vực phía Đông chuyên bán nhạc cụ truyền thống của Trung Hoa, khu vực phía Tây bán nhạc cụ phương Tây.

“Em muốn mua loại đàn violon nào? Loại kém hay xa xỉ?” Bà chủ cửa hàng hỏi.

“Loại kém bao nhiêu tiền? Xa xỉ bao nhiêu tiền?” Lâm Bạch Dư hỏi.

Bà chủ cửa hàng trả lời: “Loại kém khảng một ngàn đến năm ngàn, chất lượng trung bình thì khoảng một đến hai vạn, loại xa xỉ thì hai ba mươi vạn cũng có. Nếu em muốn tốt hơn nữa, còn có loại trăm vạn.”[1]

[1]Một vạn = mười nghìn

Mười vạn = trăm nghìn

Trăm vạn = triệu

“...” Lâm Bạch Dư cứng mặt, không ngờ đàn violon lại đắt như vậy. Tiền tiết kiệm mấy năm của nàng cũng chỉ đủ mua một cây đàn violon loại kém, còn không mua nổi đàn chất lượng trung bình.

“Em chỉ đủ tiền mua loại kém.”

Bà chủ cửa hàng nghe Lâm Bạch Dư trả lời xong cũng không coi khinh Lâm Bạch Dư, vẫn giữ thái độ tốt dẫn Lâm Bạch Dư tới trước một loạt đàn violon, nói: “Ở đây đều là đàn violon loại kém, em có thể từ từ lựa chọn.”

“Cảm ơn.” Lâm Bạch Dư nói cảm ơn, cúi đầu chọn lựa đàn violon.

“Có cần tôi chọn giúp không?” Bà chủ cửa hàng có lòng tốt hỏi.

“Không cần.” Lâm Bạch Dư từ chối. Thân phận nhạc công đánh đàn violon trong thế giới “Người yêu tennis” khiến nàng hiểu rất rõ về đàn violon, chọn lựa đàn violon là bản lĩnh bắt buộc phải có của một người nhạc công, vậy nên nàng có thể tự chọn cho mình một cây đàn violon thích hợp nhất. Đầu tiên là chọn về ngoại hình, ba bộ phận sườn đàn, mặt trước, mặt lưng đều phải làm bằng vật liệu gỗ, mặt lưng được làm từ một tấm gỗ nguyên là tốt nhất. Vân gỗ phải đẹp, mật độ cách đều; vân gỗ ở mặt trước và mặt lưng phải tương đồng. Thân đàn phải thẳng không xiêu vẹo, hai bên cân xứng. Hai lỗ “F” đàn violon phải có cùng kích thước, cùng chiều dài, khe ở giữa phải giống nhau; hai lỗ đối xứng hai bên. Chốt mắc dây phải nhất trí, ăn khớp với độ nghiêng của ngựa đàn. Trục xoắn ốc có đường cong tự nhiên, không bị bẻ gãy và không được nhìn thấy khớp nối; dưới trục xoắn ốc phải có hộp chốt lên dây... Cuối cùng là âm sắc, âm sắc phải thuần khiết, rõ ràng, dễ nghe, âm lượng lớn. Âm cao thì sáng ngời, âm thấp sâu đậm mà không nhàm chán, bốn dây đàn đều, thời gian cộng hưởng dài.*

(*Editor không có chuyên môn về âm nhạc nên chỉ dựa theo google và chém bừa ạ.)

Lâm Bạch Dư chậm rãi chọn lựa, cuối cùng cũng chọn được một cây đàn mà nàng cảm thấy không tồi và phù hợp với mình, cầm lên chỉnh âm.

Bà chủ cửa hàng thấy động tác thuần thục của nàng thì nhướng mày, nhận ra đây là một vị có kỹ thuật kéo đàn violon không tệ. Cho dù Lâm Bạch Dư chọn đàn rất lâu, bà chủ cũng không mất kiên nhẫn.

Chỉnh dây xong, Lâm Bạch Dư nhìn bà chủ cửa hàng bằng ánh mắt chờ mong, trưng cầu ý kiến: “Em có thể chơi thử một bài không?”

“Được chứ. Nếu không thử, sao em biết được cây đàn violon này có phù hợp với mình hay không?” Bà chủ cửa hàng mỉm cười ra hiệu mời kéo đàn.

Lâm Bạch Dư hít sâu một hơi, gác đàn lên vai, đặt vĩ lên dây đàn, kéo đàn.

Giai điệu tươi sáng vui vẻ vang lên dưới tay Lâm Bạch Dư, như chim sơn ca đua nhau hót. Tác phẩm này tên là “Chim sơn ca”, một tác phẩm độc đáo của người soạn nhạc Rumani Danicu. Đây là danh khúc có một không hai về độ âm rung độc đáo trên dây E, yêu cầu rất nhiều kỹ năng của nghệ sĩ violon.

Bà chủ cửa hàng kinh ngạc mà hé đôi môi đỏ xinh đẹp. Lúc trước cô chỉ cho rằng cô bé này biết chơi đàn violon, không ngờ kỹ thuật của cô bé lại tốt như vậy, có thể bắt kịp trình độ quốc tế. Tại sao cô lại chưa từng nghe thấy có một cô bé như vậy trong giới nhỉ?

Âm thanh phát ra từ dây E đàn violon rất trong suốt và sáng, tiếng đàn phác hoạ khung cảnh chim sơn ca trong rừng thi nhau đua hót. Anh mặt trời tươi đẹp, phong cảnh như vẻ, hấp dẫn rất người người đi ngang qua cửa hàng. Có rất nhiều người bước chậm lại, nghe khúc nhạc duyên dáng này. Thậm chí một số người còn dứt khoát dừng bước chân, trong đó bao gồm một người trẻ tuổi vừa ra khỏi cửa hàng đồ cổ, đang chuẩn bị lên xe.

‘Diễn tấu dào dạt tình cảm, trình độ của người diễn tấu rất cao. Là bậc thầy âm nhạc nào sao?’ Người trẻ tuổi nhìn về phía cửa hàng, ‘Thảo nào, hóa ra là bà chủ Đường.’

Người trẻ tuổi không lên xe, dựa vào thân xe, nhắm mắt nghe nhạc. Mãi đến khi tiếng đàn đã ngừng, người trẻ tuổi vẫn chưa mở mắt, dường như đang cảm thụ dư vị vừa rồi.

Bà chủ cửa hàng vỗ tay khen ngợi: “Hay, biểu diễn tốt quá. Cô gái, trình độ của em đã đạt đến trình độ diễn tấu quốc tế rồi. Em là học viên của học viện âm nhạc nước ngoài nào đó, vừa mới về nước hả?”

Lâm Bạch Dư cười cười, không trả lời.

Bà chủ cửa hàng biết điều, không hỏi nhiều nữa, nói: “Cây đàn violon này có giá gốc là năm nghìn hai trăm đồng, kỹ thuật của em tốt như vậy, tôi chiết khấu cho em, chỉ cần trả bốn nghìn bảy trăm đồng là được.”

“Cảm ơn.” Lâm Bạch Dư nói.

Bà chủ cửa hàng dùng hộp gói đàn violon lại, dẫn nàng đi về phía quầy thu ngân ở giữa hai khu vực. Lâm Bạch Dư đi theo bà chủ cửa hàng ra khỏi khu vực bán nhạc cụ phương Tây, vừa ngẩng đầu lên thì thấy trên bức tường ở khu bán nhạc cụ truyền thống ở phía đông có treo một cây Dao cầm, rất giống cây đàn của nàng ở Đại Vệ triều. Lâm Bạch Dư nhịn không được mà đi tới.

Bà chủ cửa hàng khó hiểu vì hành vi của Lâm Bạch Dư, vội vàng theo sau, hỏi: “Em biết sử dụng nhạc cụ truyền thống sao?”

Lâm Bạch Dư gật đầu: “Chỉ biết một chút về đàn cổ.”[2]

[2]Đàn cổ hay còn gọi là Cổ cầm, một loại nhạc cụ truyền thống của Trung Hoa, có bảy dây nên còn được gọi là Thất Huyền cầm.

Bà chủ cửa hàng càng kinh ngạc hơn, kéo đàn violon tốt như vậy đã đành, lại còn biết đánh đàn cổ! Cô gái, cô lấy đâu ra nhiều thời gian như vậy để luyện tập thế?

“Muốn thử không?” Bà chủ cửa hàng rất tò mò về trình độ đánh đàn cổ của Lâm Bạch Dư, liệu có sánh ngang với trình độ đàn violon của nàng không?

Lâm Bạch Dư chớp mắt: “Em không đủ tiền, không mua không nổi cây Dao cầm này.”

Bà chủ cửa hàng cười: “Tôi có bắt em mua đâu, chỉ muốn nghe thử em đánh đàn cổ thế nào thôi.”

Lâm Bạch Dư khẽ thở phào.

Bà chủ cửa hàng cười buông đàn violon xuống, đi lên trước, gỡ Dao cầm trên tường xuống, ôm đến một cái bàn nhỏ chỉ cao đến đầu gối, rồi ra hiệu mời Lâm Bạch Dư đến. Lâm Bạch Dư đi lên, tư thế ngồi quỳ xuống chuẩn như trong sách hướng dẫn, đôi tay đặt lên Dao cầm.

Nhìn một loạt động tác ngồi xuống này, bà chủ cửa hàng biết, cô bé này thật sự biết đánh Dao cầm.

Dao cầm còn được gọi là đàn cổ, Ngọc cầm, Ti đồng và Thất Huyền cầm, đã có lịch sử hơn ba ngàn năm. Sách cổ ghi lại các truyền thuyết Phục Hy làm cầm, Thần Nông làm cầm, Hoàng Đế tạo cầm, Đường Nghiêu tạo cầm vân vân... Vua Thuấn quy định cầm có năm dây, Văn Vương tăng một dây, Võ Vương phạt trụ lại tăng một dây nữa thành bảy dây đàn.[3] Có thể thấy văn hóa Dao cầm đã bắt nguồn từ xa xưa, suốt thời gian lịch sử, tinh thâm uyên bác. Trong bốn tài nghệ “Cầm Kỳ Thư Họa”, Dao cầm đứng đầu, được coi đại biểu của sự cao quý tao nhã, cũng là nhạc cụ đệm cho văn nhân ngâm thơ, luôn là tri thức bắt buộc phải biết của rất nhiều văn nhân từ xưa đến nay. Truyền thuyết Bá Nha, Chung Tử Kỳ nhờ “Cao Sơn - Lưu Thủy” mà thành tri kỷ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Cầm được coi là biểu tượng của tình hữu nghị, là hình ảnh xuất hiện trong rất nhiều thơ từ văn phú. Lâm Bạch Dư học tập bốn tài nghệ theo Phùng tiên sinh, trừ thi thư ra, tài nghệ nàng học tốt nhất là đánh đàn cổ.

[3]Đường Nghiêu, Vua Thuấn, Văn Vương, Võ Vương phạt Trụ là những nhân vật trong lịch sử của Trung Quốc.

[4]Cao Sơn, Lưu Thủy là hai danh khúc cổ của Trung Quốc

Tiếng đàn từ từ, mang theo một tia u oán, hoàn toàn khác biệt với khúc nhạc vừa rồi. Đây là khúc nhạc do Lâm Bạch Dư tự sáng tác, sau khi bị Lâm Bạch Quyên Lâm Bạch Thiền ức hiếp, bị hạ nhân khinh thường, bị Chu di nương chèn ép, khiến Lâm Bạch Dư tâm trạng buồn bực khó chịu đã làm ra khúc nhạc này.

Tiếng nhạc truyền ra cửa, một lần nữa hấp dẫn người qua đường nghỉ chân lắng nghe. Mà người trẻ tuổi kia vốn đã mở cửa xe, lại đóng cửa xe lại, nghe khúc nhạc cổ hoàn toàn khác với khúc nhạc trước. So với tiếng đàn violon lúc trước, người trẻ tuổi lại thích khúc nhạc cổ này hơn. Hắn vẫn luôn là thế, cực kỳ thích âm nhạc truyền thống và tài nghệ truyền thống Trung Hoa, thích nghe diễn kịch hơn nghe nhạc, khiến bạn bè cười nhạo hắn giống một ông già.

“Nhất tiêu lãnh vũ hoa lạc tẫn, phong nhứ phiêu linh, diệp lạc hóa bình. Thường ức thử sinh lệ thâu linh. Tu tá bôi tửu tiêu thiên sầu, thanh phong vô tâm, lãnh nguyệt thương tình, củng lập tương điếu duy ngã ảnh.”

Bài thơ Lâm Bạch Dư vừa ngâm tên “Thải Tang Tử” nói về thân thế của chính mình để kết thúc việc đánh đàn.

Lần này không được vỗ tay, bà chủ cửa hàng đã nghe đến nỗi ngây dại. Một lúc lâu sau, bà chủ cửa hàng mới phản ứng lại được, vẻ mặt phức tạp mở miệng nói: “Không ngờ tài nghệ đánh đàn cổ của em còn cao hơn đàn violon. Cô gái nhỏ, em là một kỳ tài âm nhạc đấy. Em luyện hai kỹ thuật cực kỳ khác biệt ấy tới trình độ cao như vậy bằng cách nào?”

“Không có gì đặc biệt, chỉ có hai chữ ‘chăm chỉ’ mà thôi.” Lâm Bạch Dư không thể nói mình có máy gian lận đâu nhỉ?

“Ầy...” Bà chủ cửa hàng chấp nhận lý do này. Đúng vậy, dù con người có tài hoa đến đâu, nếu không chăm chỉ luyện tập, cũng không thể nâng cao bản thân được.

“Chị chủ, cảm ơn chị đã cho em sử dụng Dao cầm của chị. Thôi, chị tính tiền giúp em đi!” Lâm Bạch Dư đứng lên đi tới cạnh bà chủ cửa hàng.

“OK, đi cùng tôi đi.” Bà chủ cửa hàng thu hồi tâm trạng hơi ghen ghét, đưa Lâm Bạch Dư tới quầy thu ngân.

Lâm Bạch Dư lấy tiền trả và bà chủ cửa hàng giao hàng xong, nhấc hộp đàn violon chuẩn bị đi ra ngoài, lại bị bà chủ cửa hàng gọi lại: “Đây là danh thiếp của tôi, khi nào em muốn mua nhạc cụ thì tới cửa hàng của tôi, tôi sẽ ưu đãi cho em.”

“Cảm ơn chị chủ.” Lâm Bạch Dư nhận danh thiếp, cúi đầu thì thấy, bà chủ cửa hàng có tên cực kỳ cổ điển duyên dáng: Đường Ức Tuyết. Ngoài ra, bà chủ cửa hàng còn có một thân phận vô cùng trâu bò: Người ta không chỉ là bà chủ của một cửa hàng nhạc cụ, còn là giảng viên của học viện âm nhạc thủ đô, chủ tịch đoàn nghệ thuật biểu diễn đàn violon trung ương.

Nàng vừa gặp được nhân vật lớn gì vậy?

Đường Ức Tuyết đưa ra lời mời thân thiết với Lâm Bạch Dư: “Nếu em rảnh hãy tới cửa hàng của tôi, chúng ta có thể giao lưu kinh nghiệm trong phương diện âm nhạc.”

Lâm Bạch Dư cười khóe mắt cong cong: “Được ạ, hy vọng chị chủ không chê em quấy rầy chị.”

Đường Ức Tuyết cười ha ha: “Tôi còn ước gì em tới đây, tôi vui sướng không kịp nữa là!”

...

Ngoài cửa, người trẻ tuổi không còn nghe thấy tiếng âm nhạc, rốt cuộc cũng mở cửa xe ngồi vào xe hơi.

“Lão Trương, lái xe đi.” Người trẻ tuổi nhìn qua cửa sổ xe, lại nhìn thoáng qua cửa hàng nhạc cụ của Đường Ức Tuyết một lần nữa. Không biết liệu còn có duyên nghe được một khúc đàn cổ như vậy không nhỉ?

“Vâng.” Tài xế trung niên ngồi ở hàng ghế phía trước khởi động xe, đưa người trẻ tuổi về nhà của mình.

Ps: Xin lỗi mọi người vì vừa rồi mình thi học kỳ, nên không đăng bài được.