Đứa con của Phạm Kiều Oanh được đặt tên là Đinh Hạng Lang (丁項郎), phong làm Nhị hoàng tử. Đứa trẻ sinh non 20 ngày, cơ thể cũng yếu ớt hơn bình thường. Lẽ ra, người làm mẹ sẽ dồn hết tâm huyết, tình thương để chăm sóc cho đứa bé được chu đáo nhất vào những tháng đầu đời, có như thế mới mong về sau nó được khỏe mạnh.
Thế nhưng Ca Ông hoàng hậu lại có mối bận tâm khác, lớn hơn cả con cái. Cô ta quyết tìm mọi cách thanh trừ tôi. Chiêu thức phổ biến nhất chính là dìm chết Đinh Tiên Hoàng bằng nước mắt của ả. Ngày nào cũng đến điện Thiên Long kêu khóc om sòm, nói rằng tôi vốn có âm mưu hãm hại mẹ con họ, nói rằng Vân Nga tỉ là người đã sai khiến tôi, nói rằng nếu không lấy mạng tôi thì về sau kẻ mất mạng là mẹ con họ,…
Tóm lại là nhất quyết muốn tôi chết đây mà! Con người gì mà lòng dạ độc ác, có phải kiếp trước của cô ta hành nghề đao phủ không? Động một cái là đòi mạng người, nghe nói trong điện Nguyệt Yên đã có mấy nô tài, cung nữ chỉ sơ sẩy một chút đã bị đánh chết. Tội nghiệp thay cho chúng sinh! Sao lại có một người như vậy làm hoàng hậu chứ?
Về phần Đinh Tiên Hoàng, ông đã giữ đúng lời hứa với Vân Nga tỉ, tìm cách làm nguôi ngoai Phạm hậu và ra sức nói đỡ cho tôi. Nhờ vậy mà tới giờ cái đầu tôi vẫn nằm trên cổ. Nhưng nói như vậy cũng không phải là quá tốt đẹp. Bằng chứng là vào cái ngày ả sinh con, tôi bị phạt quỳ đến sáng sớm hôm sau. Cô ta tỉnh lại thì phán rằng: “Cứ quỳ ở đó tới khi bổn cung bình tĩnh lại.” Cái sự “bình tĩnh” mà cô ta nói tới không biết là kiểu quá trình gì mà kéo dài hết một ngày, sang cả ngày hôm sau. Lần đầu tiên tôi nếm trải cảm giác khổ sai như vậy.
Hết cái nắng giờ ngọ như đổ lửa đến sương khuya lạnh thấu xương. Ở đây là miền Bắc Việt Nam, đâu có ấm áp như Sài Gòn vùng cận xích đạo. Sương đêm là đòn đánh chí mạng, thêm vào đó là cả đêm không ngủ, cơ thể cứng đờ. Hậu quả dễ đoán là tôi bị ngất đi vào giữa sáng ngày hôm sau. Nghe nói tỉ tỉ bị nhà vua cấm cung, không cho tới tìm tôi. Chị ấy cũng ở trong điện thức cả đêm, hai mắt như con gấu mèo.
Trong lúc vừa mệt, vừa khát, vừa đói tôi lại khát khao được về nhà. Nơi này đầy rẫy những bất công, con người yêu chuộng hòa bình và công bằng xã hội của thế kỉ 21 như tôi làm sao chấp nhận được? Vua, hoàng hậu, quan tướng là con người chẳng lẽ nô tì, cung nữ không phải con người sao? Kẻ bề trên có thể tùy ý định đoạt số mệnh của thuộc hạ.
Bây giờ tôi thấy yêu nền dân chủ cộng hòa của thời nay làm sao. Quân chủ tập quyền là cái gì chứ? Chính là đừng trên cao vỗ ngực, tự xưng: Ta chính là thiên tử, là con trời phái xuống dẫn dắt đám phàm nhân các người. Tất cả phải phục tùng và nghe lệnh ta, nếu không sẽ chết!
Cũng may là hiện tại chỉ có một bà hoàng hậu bạo chúa mà tôi đã bị dập nát dường này. Về sau cái gã họ Lê lên ngôi, không biết sẽ thành loại “khủng long bạo chúa” nào nữa. Ôi, đời con thật thảm thương!
Phạm Kiêu Oanh biết sức khỏe của tôi rất kém, đúng hơn là sức khỏe của cơ thể tôi mang rất kém. Tỉ tỉ từng nói năm tôi lên 3 đã bạo bệnh suýt chết, năm lên 9 tiếp tục ốm yếu không xuống nổi giường, năm 12 tuổi đã từ quỷ môn quan trở về. Kể từ đó lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ, trí nhớ giảm sút. Huống hồ đạo sĩ đã bảo tôi mệnh ngắn, sống không được bao lâu. Nắm được điểm này, Phạm Kiều Oanh muốn dùng cực hình phạt quỳ ngoài trời để khiến tôi bệnh chết.
Cũng may là từ lúc nhập vào thân xác này, tôi đã ép nó tập thể dục buổi sáng, ăn uống điều độ, nhờ vậy mà có thêm một chút đề kháng, vừa đủ để vượt qua cửa ải này.
Đêm hôm đó mặt trăng khuyết chỉ còn mong manh một đường cong như sợi chỉ, tôi cầm cự ngửa đầu nhìn trời, gió đêm luồn vào vạt áo, cả người tái nhợt vì lạnh.
Lúc tôi đang miên man ngắm trăng nghĩ thì có người đi vào điện Nguyệt Yên.
Tôi quỳ ở bên trái cửa điện, khuất sau một cây anh đào to. Đêm không trăng trời tối u u, nơi này cũng không có ánh sáng đèn điện. Tôi chỉ tờ mờ nhìn thấy cái lồng đèn đỏ nhấp nháy, chầm chậm trôi tới như con ma trơi rồi khuất sau bức tường lớn. Một lát lau sau thì con ma bay ra ngoài, theo đường cũ trôi về. Thế nhưng nó dừng lại ở giữa lối đi, rồi đáp mình xuống mặt đất. Đêm tối quá, ánh sáng bé nhỏ kia không có chút tác dụng nào với thị lực của tôi. Tuy vậy, những giác quan khác thì rất nhạy cảm. Tôi nghe rất rõ tiếng bước chân tiến về phía mình, tiếng ai đó giẫm lên lá khô sột soạt. Làn da tôi cảm nhận một thứ mềm mại và ấm áp bao trùm. Tôi quay đầu, căng mắt nhìn về một hướng.
- Ai vậy?
Tôi thều thào hỏi, giọng nói đã khản đặc gần như mất tiếng, lúc này cổ tôi gần như khô rát, thanh quản phát ra một cách khó nhọc. Không có tiếng trả lời nhưng hơi thở thì tôi lại nghe thấy một rõ. Tôi giơ tay chạm vào tấm áo choàng lông, theo phản xạ, rút cả cơ thể vào trong ấy. Con ma tốt bụng vẫn không lên tiếng.
Cho dù nó là ma hay là người thì quả thực đã khiến tôi cảm động rơi nước mắt rồi. Sợ thế lực của Phạm hậu, chẳng người nào tới gần tôi, cũng không ai cho tôi một giọt nước, vậy mà người này cả gan tặng tôi cả tấm áo choàng lông thật ấm!
Tôi mở to mắt nhìn vào màu đen vô tận.
Thứ duy nhất tôi mơ hồ thấy được chính là cặp mắt đó. Hình như con người cũng giống các loài vật, mắt chúng ta cũng mang theo ánh sáng giữa đêm đen. Đôi tròng nhãn đó là điểm hội tụ ánh sáng duy nhất, nó đã tích góp tất cả tia sáng hiếm hoi tồn tại ở đây. Cũng chính đôi mắt này về sau đã đi vào những giấc mơ hồi ức, khiến tâm hồn tôi dù ở nơi nào vẫn trôi dạt về ngày hôm nay.
Nếu nói tạo hóa ban cho loài người một thứ quý giá nhất thì đó chính là “cửa sổ tâm hồn”. Có bao giờ bạn thực sự chìm đắm vào ánh mắt ai đó?
Cảm nhận một người qua một cái nhìn không phải dễ dàng. Bạn đã từng nhìn thật lâu vào đôi mắt của mẹ chưa? Cho dù mẹ ta có trở nên già cỗi thì ánh mắt ấy vẫn mãi mãi tươi trẻ và dạt dào như con sóng khơi xa. Mọi tinh hoa của linh hồn thể hiện qua đôi mắt.
Đến bây giờ tôi mới thực sự hiểu hết ý nghĩa ấy…