Kỳ Sử Dương Hậu

Quyển 1 - Chương 3

Câu chuyện của tôi chính thức bắt đầu vào một ngày nắng nóng.

Tôi về nhà sau buổi đánh cầu lông với cô bạn cũ. Cả người nhễ nhại mồ hôi, tôi quyết định chờ áo khô mới đi tắm. Bà nội thường bảo vừa đi đường về tắm ngay sẽ dễ bị cảm. Tôi thong thả đứng bên cửa sổ ngước nhìn bầu trời bé tí, bị bao bọc bởi những căn nhà cao tầng xung quanh. Gió thổi mát lạnh sau gáy.

Trong lúc mơ màng tôi bị giật mình vì một vật thể không xác định từ đâu rơi xuống. Tôi liền đưa đầu nhìn qua cửa sổ. Bên dưới chính là cuốn sách ngả vàng, các trang giấy xâu vào nhau bằng chùm chỉ mục. Cuốn sách nằm bẹp dí ở dưới đất, các trang giấy bay phất phơ. Tôi lại ngước nhìn lên ô cửa phía trên. Tầng trên là phòng của nội.

- Bà nội ơi! Sách của bà rơi phải không?

Ô cửa vẫn im lặng. Tôi nghĩ nghĩ một lát rồi tự mình đi xuống nhà dưới. Tôi ra phòng khách, đi vòng xuống bếp rồi mở cửa thông với cái sân nhỏ phía sau nhà. Tôi cẩn thận nhặt cuốn sách lên. Chao ôi, nó thật là tả tơi! Giấy có trang bị nhàu, trang bị xé, trang bị thấm nước nhòe chữ, trang bị cháy mất một góc. Tôi lè lưỡi, lật qua lật lại. Tất cả con chữ đều là rồng bay phượng múa. Chữ viết bằng bút lông thời xưa, mực tàu đen đậm.

Tôi chưa nhìn thấy cuốn này bao giờ, hình như nó không giống lắm với những cuốn sách khác của nội. Ngó nghiêng một hồi tôi phát hiện một dòng ghi chú bằng bút chì mờ mờ: “Mậu Thìn 968”.

Tôi vô thức đọc nó ra. Chuyện tiếp theo tôi biết là mình bị nhấn chìm trong một thế giới đầy những vòng tròn…

Không biết đã bất tỉnh bao lâu, tôi mơ màng mở mắt. Vẫn là bầu trời xanh lúc nãy nhưng hình như nó vô cùng rộng lớn. Chẳng có căn nhà lầu nào che khuất, bầu trời đạt tới cực độ của tính từ “mênh mông”. Tôi chớp chớp mắt một lúc rồi cố gắng ngồi dậy. Trước mặt là con sông xanh biếc, cỏ non mơn mởn đôi bờ.

Phóng tầm mắt ra xa là núi non trùng điệp. Cảnh này chỉ có thể thấy ở các công viên sinh thái quốc gia. Tôi còn chưa hết kinh ngạc thì lại nhìn thấy bộ trang phục kì quặc, ướt nhẹp đang dính vào người. Một cái áo dài tay, ống tay rất rộng, phủ xuống đến chân màu xanh sẫm. Bên trong còn có lớp áo lụa xám, trong nữa là lớp áo yếm nâu. Chân trái còn duy một chiếc giày rơm. A ha! Là giày rơm! Cái mà hãng dép Bitis từng nhắc tới trong mục quảng cáo. Tôi mở to mắt kéo chiếc giày ra khỏi chân, nhìn cho kĩ.

Chuyện gì thế này?

Chắc tôi chưa tỉnh đâu, đang nằm mơ đây mà!

Trạng thái của tôi bây giờ trông giống như vừa bơi từ dòng sông lên. Một chút cỏ rác bẩn còn dính trên váy áo. Khi tôi đang loay hoay xem xét chính mình thì có tiếng chân sột soạt sau lưng. Tôi ngẩng đầu nhìn. Đó là một cô gái trẻ chỉ chừng mười mấy tuổi, tóc đen dài cột lỏng lẻo một bên vai. Chị mặc cùng loại quần áo như tôi, chỉ là màu xanh sáng hơn chút ít. Tôi vô cùng kinh ngạc quan sát khuôn mặt rất triển vọng làm hoa hậu Việt Nam. Người đẹp tôi thấy không ít, Kim Tae Hee nè, Seohyun nè, Hồ ly Shin Min Ah nè, Triệu Vy, Lâm Tâm Như rồi cả Lưu Diệc Phi, Hollywood còn có Kristen Stewart, Katie Holmes, v.v…. Nhưng mà cô gái đứng trước mặt tôi đây thì lại đẹp dịu dàng và giản dị vô cùng, không có son phấn, không mascara, ấy thế mà vẫn lồ lộ một nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành. May mắn tôi không phải con trai, nếu không cả đời này sẽ chẳng còn yêu ai nổi.

- Kiều Nga! Muội có sao không?

Chị ấy vừa hoảng sợ, vừa lo lắng ngồi xuống. Tay bóp nắn kiểm tra thân thể tôi.

Ý mà khoan đã, chị ấy không nói tiếng Việt nhưng tôi vẫn nghe hiểu. Cái thứ ngôn ngữ na ná trong phim Tàu, nhưng mang âm điệu Việt, cũng hơi giống Hán Việt (*). Tôi còn đang ngu ngơ chưa hiểu mô tê gì thì chị lại rút vội một chiếc khăn tay từ trong vạt áo ra.

- Thôi chết! Mạng che mặt của muội rơi xuống nước rồi sao? Dùng cái này tạm đi.

Chị xếp khăn hình tam giác rồi bịt lại như cái khẩu trang, cẩn thận cột sau đầu.

- Ơ… chị gì ơiiii!

Tôi cố gắng nói vài chữ, âm thanh thoát ra cũng vẫn là tiếng Hoa. Tôi giật mình đưa tay bưng miệng. Má ơi, mình chỉ có một ngoại ngữ là Anh văn thôi, đã học tiếng Trung bao giờ chứ??? Chị gái lại nhìn tôi, cặp mắt phượng ánh lên tia lo âu.

- Muội bảo sao? Muội làm tỉ sợ quá, tại sao lại rơi xuống nước vậy? Tỉ muội mình lập tức về nhà, lén vào cửa sau thay đồ sạch sẽ không thì kế mẫu sẽ trách phạt.

Chị vừa nói vừa kéo tôi dậy. Tôi ngây ngô làm theo.

Giấc mơ này lạ lùng làm sao. Mọi chuyện cứ sống động như thật.

Chỉ còn một chiếc giày rơm ướt sũng, tôi giẫm lên đất đá đi theo chị gái xinh đẹp.

- Chết rồi, muội bị mất cả giày à?

Chị ấy cuống quít lên rồi lập tức tháo giày của mình đưa cho tôi.

- Mang vào nhanh đi!

Tôi nhìn cái giày lưỡng lự:

- Hay để tỉ tỉ cõng muội về?

Tôi quyết định nhận lấy ý tốt của chị gái xinh đẹp, loay hoay một lát mới mang được đôi giày rơm lạ lùng. Thế rồi tôi cùng chị gái xinh đẹp lội bộ qua một đồng lúa, băng qua mấy rặng tre, cuối cùng dừng lại sau ngôi nhà mái ngói cũ kỹ.

Chị kéo tay tôi, bẽn lẽn mở cửa đi vào. Bên trong hình như là nhà bếp. Tôi trông thấy cái lò củi đầy tro, lu nước mẻ một góc và nồi niêu đen sì treo trên vách. Chị dẫn tôi đi qua tấm phên nứa, vào một buồng kín. Trong khi tôi ngơ ngác nhìn ngó xung quanh thì chị đi tới bên giường tre, mở cái bọc vải màu trắng, lấy ra một mớ vải vóc.

- Nhanh lên, thay ra đi. Coi chừng kế mẫu đi vào!

Tôi nhận lấy đồ, tò mò nhìn trước ngó sau. Phải mặc thế nào nhỉ? Chị nhíu mày nhìn bộ mặt ngáo ộp của tôi rồi đành nhào vô, cởi áo giúp tôi. Tháo hết hai lớp áo ngoài thì còn lại cái đầm cột thắt lưng và áo yếm. Loại áo này tôi nhớ đã từng mặc múa bài Trống Cơm trong Liên hoan thiếu nhi ngày 1/6 năm lớp 3. Thật khó tin là mình lại mặc nó lần nữa. Với sự giúp đỡ của chị gái xinh đẹp, tôi đã mặc xong bộ đồ mới. Chị thu dọn váy áo bẩn, bối rối nhìn quanh rồi quyết định nhét vào cái khạp [1] dưới giường, đậy nắp cẩn thận như không muốn ai phát hiện ra. Lúc này vẻ mặt chị mới giãn ra.

- May quá, hình như kế mẫu chưa về.

Chị vừa dứt lời thì bên ngoài văng vẳng tiếng gọi

- Vân Nga! Kiều Nga! Hai đứa bây ra đây!

Ai đó đang gọi tên tôi. Tôi ngạc nhiên quay đầu nhìn chị gái xinh đẹp. Chị cắn cắn môi dưới rồi kéo tay tôi ra ngoài theo đường cũ. Nhà trước có lẽ là phòng khách, bày một bộ đi văng [2] bằng gỗ, bốn chân chạm trỗ hình chân hổ. Ở giữa còn có bàn ghế đều bằng gỗ và một bàn thờ đồ sộ nghi ngút hương khói. Tôi có cảm tưởng mình đang ở nhà của bá hộ trong truyện cổ tích.

Người phụ nữ cũng ăn mặc màu tối như chúng tôi, tóc bà bới sau đầu, miệng đang nhỏm nhẻm nhai trầu.

- Bảo bây đi hái hạn liên thảo, hái được nhiều chưa?

- Dạ rồi!

Chị gái xinh đẹp đáp ngay, còn giơ ra một thúng lá cây. Tôi ngó sang, hóa ra “hạn liên thảo” là cây cỏ mực, còn gọi là cỏ nhọ nồi. Người phụ nữ nhìn nhìn rồi liếc sang tôi một cái. Rõ ràng ánh mắt bà tỏ vẻ chán ghét. Cuộc đối thoại chuyển chủ đề bất ngờ.

- Ngày mai ăn mặc đẹp một chút, có đám dạm hỏi này được lắm. Bà mối nói họ sẽ sang coi mắt. Vân Nga, phụ thân con cũng gần đất xa trời rồi. Nên sớm sớm yên bề gia thất cho ông bớt lo.

Tôi há mồm, trợn mắt. Ý bà ấy là tôi sắp lấy chồng à? Đột nhiên chị gái xinh đẹp đáp lại:

- Dạ, kế mẫu!

Nói xong chị còn lễ phép khoanh tay cúi đầu rồi kéo tôi lui vào trong. Lúc này tôi mới hiểu một điều: Chị ấy cũng tên là Vân Nga. Quái lạ, sao giấc mơ này dài thế? Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra.

Xế chiều, người gọi là phụ thân về nhà. Ông là một ông già trung niên, râu tóc màu muối tiêu, lời nói nhỏ nhẹ như văn sĩ. Tôi vẫn đeo mạng che mặt cho tới lúc ăn cơm. Khi tôi đưa tay tháo khăn ra, có tiếng kêu ré lên của kế mẫu

- Trời đánh cái con này! Mày tháo ra làm gì? Trù chết tao à?

Chị gái cùng tên vội vàng cột lại cho tôi. Ánh mắt nhìn tôi ngạc nhiên:

- Muội làm gì vậy?

Tôi kinh ngạc nhìn mọi người. Không cho tháo ra làm sao mà ăn cơm?

Chị gái cùng tên vẫn chu đáo hơn hết. Chị nhìn nhìn tôi rồi bắt đầu thao tác vén khăn lên. Như vậy tôi có thể đút cơm vào cái miệng được chừa ra.

Ngôi nhà này thật quái lạ, tôi không quen và cũng không thích. Trời ơi… sao cứ ngủ hoài chưa dậy vậy nè?

Bữa ăn thiệt là sơ sài. Mỗi người một bát lưng, gạo hạt trắng hạt đen vừa khô vừa nhạt không nghe thấy vị ngọt ngào của tinh bột đâu cả. Trên bàn có một đĩa rau lang, một chén muối hột và vài con cá đen đen không rõ là nướng hay chiên. Tôi chỉ nhấm nháp mấy cọng rau cho qua bữa. Trong lúc ăn, phụ thân nhàn nhạt nói chuyện:

- Đó là con ông Đặng Bằng, tên Đặng Chân. Nhà họ Đặng từng phụng sự cho Ngô Xương Xí nhưng không mang chức trách cao. Gia cảnh cũng ổn, biết chữ nghĩa. Ta thấy mối này tốt. Vân Nga, tuổi cũng không còn nhỏ nên sớm tìm trượng phu!

Chị gái Vân Nga ngẩn đầu nhìn cha, dạ một tiếng như muỗi kêu. Tôi thì thấy cái tên Ngô Xương Xí nghe rất quen.

Xong bữa cơm thì trời cũng nhá nhem tối. Tôi và chị gái xinh đẹp đem bát đĩa đi rữa. Ở đây không có Sunlight, chị dùng nước dưới cái ao sau nhà và lấy bó rơm rạ cháy đen cọ cọ. Tôi chợt nhớ mình vừa ăn bằng cái bát đó khi nãy, một cảm giác nhột nhột từ trong bao tử trỗi dậy. Tôi không biết làm gì, ngơ ngơ ngổi xổm nhìn chị cọ rữa.

- Kiều Nga, lúc nãy rơi xuống nước có phải muội đã bị thương không? _ Chị gái xinh đẹp đột nhiên hỏi.

- Dạ không ạ!

Chị liếc sang tôi một cái, ánh mắt sắc sảo.

- Muội lạ lắm, chắc chắn là bị thương rồi.

Tôi nhíu mày suy nghĩ. Cảm giác bây giờ rất lạ. Tôi không nghĩ mình đang nằm mơ vì trước giờ tôi đâu có khả năng tưởng tượng ra những khung cảnh sống động như thế. Vả lại, khi nằm mơ làm sao biết mình đang mơ và còn trông mong sớm tỉnh giấc? Tôi suy nghĩ chầm chậm, nếu thực sự chỉ là giấc mơ thì phải thử khám phá xem sao.

- Chị… à tỉ tỉ, lúc nãy muội bị va vào đầu, hình như đã quên rất nhiều chuyện…

Được rồi, cái lý do củ chuối như vậy mà tôi cũng nói ra, chứng tỏ tôi không có tài năng biên kịch và diễn xuất. Khác với tưởng tượng của tôi, vị “tỉ tỉ” không tỏ ra kinh ngạc hay lo lắng gì. Chị cười buồn.

- Biết ngay mà! Đã 3 tháng rồi bệnh của muội không tái phát, bây giờ tái phát cũng phải. Tỉ đã sớm biết ông lang băm đó chẳng tài cán gì. Chỉ có kế mẫu là tin tưởng vô lý.

Tôi nghe chị nói, phân tích rồi lại hỏi:

- Bệnh của em… của muội nặng lắm à?

Lúc này chị đã xếp bát đĩa vào thúng nứa, chùi tay vào váy một cách bối rối rồi đột nhiên ôm lấy tôi.

- Kiều Nga, tỉ không muốn lấy chồng, tỉ muốn chăm sóc cho muội cả đời. Chúng ta là tỉ muội song sinh, tâm linh nối liền như khúc ruột. Trước lúc lâm chung, mẫu thân đã hết lời dặn dò tỉ tỉ chăm lo cho muội. Khi mới sinh, muội đã yếu ớt, mẫu thân rước đạo sĩ về cúng ma. Ông ta nói kiếp này của muội ngắn ngủi, khi chỉ tay đứt thì mệnh cũng hết. Muội bệnh tật liên miên, lúc nào cũng xanh xao vàng vọt, lại còn chứng mất trí ngày một nặng hơn. Đạo sĩ bảo mẫu thân không để lộ khuôn mặt của muội cho người khác thấy vì sẽ đem tà khí ám hại đến họ. Nhưng mà tỉ tỉ không tin. Muội ở bên cạnh tỉ 16 năm nay, có bao giờ làm hại sinh linh nào đâu?

Tiếng nói trong trẻo dần nức nở, ngắt quãng. Tôi thấy tim mình se lại. Thực ra tôi cũng có một người chị ruột. Khi được 3 tuổi thì chị bị viêm não cấp tính, chỉ 8 tháng đã qua đời. Bố mẹ tôi rất đau buồn, cho tới khi sinh tôi ra mới được an ủi phần nào. Nếu chị tôi còn sống, chắc chắn hai chị em tôi sẽ rất yêu thương nhau…

Trở lại tình hình hiện tại, Vân Nga tỉ tỉ vẫn khóc thổn thức, luôn miệng nói “tỉ không muốn xuất giá, tỉ không muốn lấy trượng phu”.

Đêm xuống nhanh, ngôi nhà lập lòe ánh đèn dầu. Trong góc bếp tăm tối, tôi và Vân Nga tỉ ngồi co ro. Chị dằm cỏ mực vắt lấy nước, bảo rằng hạn liên thảo dùng trị bệnh tiêu ra máu cho phụ thân. Tôi vụng về bắt chước làm theo. Vừa làm chị vừa nói chuyện cho tôi nghe, bù đắp những lỗ hổng trong trí nhớ của tôi, đúng hơn là giải đáp những nghi vấn của tôi. Chị nói rất tự nhiên cứ như đã từng kể nhiều lần trước đây. Qua lời kể, tôi đúc kết ngắn gọn như sau:

Chị là Dương Vân Nga (楊雲娥), tôi là Dương Kiều Nga (楊矯娥), chúng tôi là chị em sinh đôi. Phụ thân tên Dương Thế Hiển, thời trẻ là một văn sĩ có tài, từng quen biết Thứ sử Hoan châu [3] Đinh Công Trứ (丁公著). Mẫu thân đã mất từ khi hai chị em lên 10. Vài năm sau phụ thân cưới vợ mới là kế mẫu bây giờ. Người xưa vẫn nói: “Mấy đời bánh đúc có xương? Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng?” Nhiều năm nay, hai chị em vẫn chịu đựng sự ghẻ lạnh của kế mẫu. Bà ghét nhất là Kiều Nga vì bộ dạng bệnh hoạn của cô. Vân Nga hết lòng bao bọc em gái, thường ra giải vây hay gánh chịu thay sự trừng phạt từ người mẹ ghẻ.

Nơi hiện tại tôi đang ở là vùng Nga My [4], cách kinh đô Hoa Lư hơn 20 dặm. Năm nay là năm Mậu Thìn, Đại Thắng Minh Hoàng đế (丁先皇) trị vì năm thứ nhất, lấy quốc hiệu Đại Cồ Việt (大瞿越)

Moi móc từ trong não ra một chút kiến thức lịch sử, tôi phát hiện cái vị “Đại Thắng Minh Hoàng đế” kia không ai xa lạ chính là Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh

Tôi vừa chăm chú nghe, vừa ngẫm nghĩ. Càng nghe càng hoảng.

Cái gì năm Mậu Thìn?

Cái gì Đinh Tiên Hoàng?

Cái gì Đại Cồ Việt?

Chị ấy là Dương Vân Nga.

Chẳng lẽ là bà Thái hậu trong tuồng cải lương nội hay xem sao???

Tôi toát cả mồ hôi, căng não ra suy xét. Không thể là mơ được. Mơ đâu có sống động, rõ ràng như thế. Hình như mới vừa rồi tôi còn đang ở nhà, ở thành phố phồn hoa thế kỉ 21 tươi đẹp. Tôi đã bị làm sao nhỉ? Từ từ… nhớ lại xem nào… Ah, tôi đã chạy xuống nhà sau để nhặt hộ bà cuốn sách cũ. Sau đó thì…

CHOANG!

Một tiếng vang lớn dội ra trong đầu tôi. Từ nãy giờ tôi luôn cho rằng mình nằm mơ nên cũng không thiết nghĩ ngợi, cứ xem như một mẫu chuyện ngớ ngẩn nào đó mà bộ não thần kì của tôi sản sinh ra trong lúc ngủ. Nhưng tới bây giờ thì tôi thấy mình đang hiện hữu, cơ thể ý thức được sự tồn tại và thế giới quanh tôi không hề là ảo ảnh.

Kết luận ngắn gọn là: Tôi đã xuyên không rồi, cái kiểu “bay” giống như trong ngôn tình đang thịnh hành trên Internet.

Sao có thể?

Sao lại là tôi?

Lẽ nào là một đi không trở lại???

Huhuhuhu….

Cha ơi, mẹ ơi, bà nội ơi…. Con xin hứa không bao giờ thức thâu đêm đọc tiểu thuyết trên mạng nữa. Con chừa rồi, làm ơn CỨU CON VỚI!!!!!!!!!!!!!

(*) Vào thế kỉ 10, cộng đồng người Việt sử dụng ngôn ngữ Việt-Mường trong giao tiếp hàng ngày và tiếng Hán trong việc quản lý hành chính. Nói nôm na là “ngôn ngữ dân gian” và “ngôn ngữ bác học”. Đây cũng là thời kì hình thành bộ phận từ Hán-Việt. Để dễ hiểu và giảm bớt rắc rối trong quá trình viết, Hoa Ban xin sử dụng từ Hán Việt trong giao tiếp, cách xưng hô. Nhưng các bạn đọc phải nhớ là thế kỉ 10 này chúng ta đã có ngôn ngữ riêng, là tiếng Việt-Mường, một ngôn ngữ tổ tiên của tiếng Nôm, tiếng Việt hiện đại sau này.

—————————————-***—————————————–

[1] cái khạp: vật bằng gốm, hình dáng như cái chum nhỏ

[2] đi văng: bộ sàn cao bằng gỗ, thường thấy ở các gia đình Việt Nam thời xưa, là nơi dùng nghỉ ngơi, có thể dùng đàm đạo, uống trà…

[3] Hoan châu: tức là châu tên Hoan, một đơn vị hành chính thông dụng thời phong kiến, Hoan châu là Nghệ An ngày nay

[4] Nga My: nay là xã Nha Thủy, Nho Quan, Ninh Bình

—————— ♫ ——————-

- Nhân vật Dương Kiều Nga, Đặng Bằng, Đặng Chân không có thật

- Xuất thân của Dương Vân Nga kể trên là một trong nhiều giả thiết được lịch sử ghi chép. Bà có thể là con của Dương Thế Hiển. Gỉa thiết khác, bà là con của Bình vương Dương Tam Kha (楊三哥), hoặc con của Dương Nhị Kha (tức đều là cháu của Dương Đình Nghệ (楊廷藝)-cha vợ Ngô Quyền). Còn có tài liệu cho rằng bà là mẹ của quân sứ Ngô Nhật Khánh, tức là vợ của Nam Tấn Vương Ngô Văn Xương, cũng là con dâu của Ngô Quyền (giả thiết này có nhiều lỗ hổng nên bị phủ nhận nhiều nhất). Tóm lại, thân thế của Dương Vân Nga đến nay vẫn còn là nghi vấn của các nhà sử học.

- Ngoài ra tất cả năm tháng, địa danh, nhân danh đều có dựa trên ghi chép của Ngô Sĩ Liên, Ngô Thì Sĩ cùng các nhà chép sử đương thời.