Tin con gái nhà họ Dương sắp làm hoàng phi chẳng mấy chốc lan truyền khắp vùng Nga My. Tỉ tỉ trở thành tâm điểm chú ý của dân làng. Các thôn nữ khác thì thầm bàn tán, nhìn tỉ tỉ với ánh mắt ngưỡng mộ cùng đố kị. Vui nhất là phụ thân và kế mẫu. Họ hối hả sửa sang cửa nhà, mua thêm vài bộ đồ đẹp để chị ăn mặc tươm tất hơn. Vân Nga tỉ cho lại tôi gần một nửa chỗ váy áo đó.
Lúc này mọi người lại nhắc đến “lời tiên tri” mà tôi đã phán khi cha con họ Đặng muốn sang hỏi cưới. Đứa con gái thứ 2 nhà họ Dương là tôi tự nhiên khoát lên mình cái vẻ thần kì. Phụ mẫu không còn nhìn tôi bằng con mắt chán ghét như trước. Vân Nga tỉ thì xem tôi là vị thần hộ mệnh.
- Vài ngày nữa tỉ được rước vào cung, muội nhất định phải đi theo. Tỉ muội mình dù ở đâu cũng không thể rời. Ở trong cung, chúng ta dựa vào nhau mà sống. Muội muội chính là lá bùa bình an của tỉ!
Đúng một tuần sau, quân binh kinh thành nô nức đem kiệu hoa đến đón. Tôi lấy danh nghĩa là tiểu muội, cũng là nha hoàn hầu hạ mà đi bên cạnh kiệu hoa. Sính lễ của Hoàng đế nhiều không kể hết. Nào là 10 hòm vải vóc, 10 rương đồng vàng, 10 đàn trâu tốt, 10 mẫu ruộng màu mỡ. Bên cạnh đó, Dương Thế Hiển còn được ban cho “thực ấp” Nga My. Mỗi năm tô thuế lợi tức trong vùng đều vào tay nhà họ Dương. Cuộc đời của Dương Thế Hiển nhờ vào con gái mà phất lên từ đó. Về sau tôi cũng không bao giờ gặp lại ông và kế mẫu chỉ nghe nói ông sống rất sung túc, cưới thêm nhiều vợ và có thêm con trai nối dõi.
Đoạn đường từ Nga My về kinh thành Hoa Lư dài hơn nửa ngày. Sau vài giờ đi bộ bên kiệu hoa, chân tôi đã rã rời. Hầu quanh kiệu còn có ba a hoàn trạc tuổi tôi. Tên họ là Tiểu An, Tiểu Bình, Tiểu Phúc. Khi được hỏi tên, tôi cũng tự giới thiệu mình là “Tiểu Nga”. Đây là ba a hoàn mà nhà vua ban cho tân nương tử. Đoàn người có hai vị tướng cưỡi ngựa đi trước kiệu hoa, gần 50 lính tốt trật tự đi sau kiệu hoa. Có lẽ đây là sự bảo vệ và nghênh đón trang trọng của Đinh Tiên Hoàng.
Chúng tôi đi qua bạt ngàn các cánh đồng. Qua nhiều thôn xóm với những mái nhà lúp xúp, khói bếp mơ màng. Bọn trẻ mục đồng ngồi trên lưng trâu khe khẽ thổi sáo khi nhìn thấy đoàn người. Đi ngang các thôn xóm thì dân làng đổ xô ra đứng bên đường, có kẻ khoanh tay cúi đầu, có kẻ cung kính quỳ gối. Trẻ con ngây thơ thì lẻo đẽo đi theo, chỉ trỏ, bàn tán, nói cười.
Đây là lần đầu tôi ra khỏi Nga My. Việt Nam hơn 1000 năm trước hóa ra là như vậy. Con người vẫn hiền hòa như vậy, phong cảnh cũng thơ mộng như vậy. Có nụ cười của các ông bà lão nhuộm răng đen, những đứa bé cạo đầu ba vá mặt lấm lem bùn, những thiếu nữ tóc đen dài, đầu chiết khăn, những chàng trai đóng khố lưng trần và những người bộ hành khoát trên mình áo choàng rơm, đội mũ rơm.
Tôi bất giác khẽ cười, ước gì có máy ảnh ở đây tôi sẽ chụp lại từng khoảnh khắc để người thế kỉ 21 nhìn thấy ông cha ta đã sống như thế đó, cây cối và thiên nhiên hùng vĩ như vậy đó. Bộ ảnh sẽ lấy tên “Qúa khứ-lời nhắc nhở” để kêu gọi gìn giữ truyền thống và bảo vệ môi trường.
Lúc đang đưa đầu óc bay tận đâu đâu tôi vô ý vấp phải một mô đất cao, ngã cái rầm. Giày vải vì đi đường dài mà trở nên bẩn thỉu và rách mấy chỗ. Chất liệu vải vóc ngày xưa đúng là không tốt bằng bây giờ.
- Dừng kiệu!
Có tiếng Vân Nga tỉ tỉ thốt lên. Bốn gã khiêng kiệu dừng lại. Nhóm lính tráng phía sau dừng lại. Hai vị tướng đi trước hãm ngựa, quay đầu nhìn
- Có chuyện gì?
Một người trong số họ hỏi.
- Bẩm vương, nương nương ra lệnh dừng kiệu!
Vân Nga tỉ vén rèm cửa ngoái đầu nhìn tôi
- Muội muội có sao không? Lên đây ngồi với tỉ!
Tôi đứng dậy, phủi sạch váy, gật gật đầu. Mừng chết được, nếu còn đi nữa tôi sẽ tiếp tục ngã cho xem! Trong lúc chuẩn bị trèo lên thì một bàn tay đưa ra ngăn cản
- Không thể! Kiệu hoa chỉ dành cho tân nương. Người khác ngồi vào là điềm gỡ!
Đó là một trong hai vị cưỡi ngựa. Người này có khuôn mặt tròn, lông mày rất đậm, toàn thân mặt giáp, chân đi hài đỏ. Trong có vẻ khoảng 25-26 tuổi. Vân Nga tỉ từ sau rèm đỏ nói vọng ra
- Đây là vị muội muội quan trọng của bổn cung, xin ngài cho phép vì muội ấy sức khỏe rất kém, e là không đi theo nổi!
Người kia nhìn tôi một lượt.
- Có thật là muội muội của nương nương? Vì sao nàng ta phải che mặt?
- Muội muội bổn cung từ nhỏ đã được đạo sĩ xem tướng. Đạo sĩ bảo cần che mặt để giảm bớt tà khí. Tuy nhiên đối với bổn cung thì muội ấy vô hại, còn là lá bùa bình an nữa!
Đôi mắt đen kia híp lại dường như không mấy tin.
- Cho dù là thế cũng thể cùng nương nương ngồi một kiệu!
Vân Nga tỉ vẫn một mực muốn thuyết phục. Trong lúc hai ngươi đôi co thì vị cưỡi ngựa thứ hai thong dong đến gần.
- Chi bằng để nàng ấy đi ngựa?
Đó là một giọng nói trầm ấm nghe thật êm tai. Tôi ngẩn đầu nhìn ngược ánh mặt trời. Người đàn ông trên lưng ngựa như cao chót vót, tóc mái lòa xòa phủ trên trán. Anh ta không đeo mũ sắt như vị kia mà chỉ quấn băng vải đỏ, có thêu hình vuông vuông giống lá cờ ở giữa trán, nút thắt một bên đầu. Tóc dài sau lưng cột đuôi ngựa nhỏng cao. Cả phần vải thừa của dãi lụa và đuôi tóc dài đều tung bay trong gió.
Được rồi, cuối cùng cũng gặp được rồi. Mỹ nam cổ đại trong ngôn tình tiểu thuyết đây mà. Từ khi xuyên không đến đây, người đàn ông này là có khuôn mặt ưa nhìn nhất mà tôi gặp. Không thể nào đẹp như tượng khắc nhưng chí ít là có vầng trán thông minh, đôi mắt hai mí đàng hoàng và nhất là cái mũi cao cao chứ không bẹp dí như hầu hết dân Việt ở đây.
Con lai à? Hay đi phẫu thuật thẩm mỹ?
Tôi không ý thức được là mình đang ngắm trai với những suy nghĩ ngu ngốc hết sức.
Người trên ngựa nhảy xuống bằng một động tác thành thục và khỏe khoắn. Anh ôm quyền kính cẩn nói với vị kia
- Nam Việt Vương, nương nương đã có lòng coi trọng tiểu muội như vậy, chúng ta cũng nên nể mặt.
Rồi anh lại cúi người về phía chiếc kiệu
- Nếu nương nương tin tưởng, xin để mạc tướng đem Dương tiểu thư về cung.
Sau một lúc im lặng, tỉ tỉ mới miễn cưỡng đáp
- Thôi được, bổn cung nhờ cậy ngươi!
Việc tiếp theo đó làm tôi hết sức khoái chí. Anh ta dắt ngựa đến gần bảo tôi trèo lên. Tôi loay hoay không biết làm thế nào. Thật ra có một lần du lịch Đà Lạt, cả nhóm đua nhau cưỡi ngựa chụp hình còn tôi thì ngồi một góc gặm bánh mì. Sớm biết thế này đã học cưỡi ngựa lấy chút kinh nghiệm.
Thấy tôi bối rối sờ sờ yên ngựa, mỹ nam kia nghiêm giọng:
- Xin đắc tội!
Sau đó anh ta xốc tôi lên. Chẳng biết anh ta làm thế nào vì động tác rất nhanh, tôi chỉ thấy mình đã ngồi an vị trên lưng ngựa. Mỹ nam cũng trèo lên, ngồi phía sau. Đoàn người lại tiếp tục đi. Giữa đi bộ với đi ngựa thật ra cái nào cũng tệ. Ngựa đi đường mòn, vừa dằn vừa giật. Nhưng tôi vẫn thích đi ngựa vì sau lưng có một anh đẹp trai. Chí ít là khi mỏi có thể mượn tạm lòng ngực xài vài phút.
Hai con ngựa đi song song. Cảnh làng quê vẫn trôi êm đềm về phía sau…
- Này, có phải nhà ngươi trách bổn vương đã lôi kéo ngươi đi rước Hoàng hậu không?
Người ngồi ngựa bên kia hỏi. Giọng nói trầm ấm đáp lại
- Bẩm vương, mạc tướng không dám. Hiếm khi thấy Nam Việt Vương có hứng thú như vậy!
- Haizz… hy vọng phụ hoàng không trách bổn vương phá luật làm bậy.
- Không đâu, hoàng thượng có lẽ sẽ ban thưởng!
Giọng nói sau lưng có ý bông đùa. Người kia gọi là Nam Việt Vương, chắc chắn là Đinh Liễn (丁璉), con trai trưởng Đinh Tiên Hoàng. Quái lạ, một vương gia sao lại đi chơi trò rước kiệu hoa thế này? Con đi rước vợ cho cha, người này đúng là có óc hài hước!
Mà thôi, anh ta là Nam Việt Vương hay Bắc Việt Vương không quan trọng, tôi đang vô cùng hồi hộp chờ nhìn thấy kinh đô Hoa Lư. Đây là kinh thành đầu tiên của nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam. Ngô Quyền sau khi đại phá quân Nam Hán đã lập triều Ngô, đóng đô ở Cổ Loa. Đến Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, ông không chọn Cổ Loa vì vùng đất đó là đồng bằng, phòng thủ khó khăn và không ổn định. Ngài cũng dự tính đóng đô ở quê cha Đàm Thôn nhưng địa hình lại hạn hẹp. Cuối cùng thì vua quyết chọn căn cứ cũ là Hoa Lư. Vùng đồi núi hiểm trở có thể phòng thù kiên cố.
Ngày trước học bài sử về kinh đô Hoa Lư, cô giáo đã nhắc đi nhắc lại: Kinh thành nằm giữa địa hình núi đồi, bao quanh bởi các ngọn núi cao thấp, triều đình dựa vào thế núi mà xây tường thành, vừa tiết kiệm, vừa kiên cố, vừa tạo chiến lũy hiểm trở trước quân thù.
Các nhà sử gia hiện đại sẽ thèm chảy nước miếng được tận mắt chứng kiến kinh đô Hoa Lư đương thời. Ngày nay, di tích Hoa Lư chỉ còn lại nền đá cổ, vài đền thờ, bậc thang. Thật khó mà ước lượng khi mới xây dựng nó sẽ hoành tráng thế nào. Vào thế kỉ X này, kinh đô Hoa Lư là công trình kiến trúc hiếm hoi không theo phong cách nhà Hán, là đại biểu cho kiểu xây dựng dựa vào lợi thế tự nhiên. Nó là một pháo đài đẳng cấp trên khắp khu vực Châu Á.
Càng nghĩ, càng thấy phấn khích lẫn tự hào. Có thể nói là: Hoa Kỳ có Nhà Trắng, Việt Nam thế kỉ X có kinh thành Hoa Lư =))