Lời Nguyền Lâu Lan

Chương 15

Không khí buổi sớm ven sông Tô Châu rất trong lành. Con sông bẩn thỉu hỗn độn trước kia giờ đây đã bị những hàng cây và những cao ốc chọc trời vây bọc lại.

Diệp Tiêu một mình đi bộ ven sông. Anh dừng lại trước một chỗ ngoặt, ở chỗ này con sông Tô Châu lượn một vòng làm cho con đường ven sông cũng tự nhiên uốn vòng theo thành một khúc cua nhưng độ cua không lớn. Anh quan sát đèn hai bên đường, đèn đường rất tốt, buổi tối chắc chắn rất sáng và bên đường còn có biển chỉ dẫn đường cua, không thể không nhìn thấy. Đương nhiên nếu như người tài xế lái xe trong trạng thái loạng choạng sau khi uống rượu thì lại là chuyện khác. Diệp Tiêu cẩn thận xem xét hàng cây ven bờ đê. Hứa An Đa đâm xe chính ở chỗ này, vẫn còn lưu lại vết tay nắm xe cày vào xi măng. Anh quan sát lớp nhựa trên mặt đường, chú ý đến một mảng đường có một đám ruồi đang bay qua bay lại. Bọn ruồi này bất chấp xe pháo đang chạy qua, chỉ thích bu vào chỗ này. Anh đoán đây nhất định là nơi đầu Hứa An Đa đập xuống, não chảy ra. Tuy nó đã được dọn sạch nhưng mùi máu tanh của óc người vẫn còn lưu lại. Mặc dù đã lâu ngày, nhưng khứu giác của lũ ruồi nhặng vẫn phân biệt được cho nên chúng tập trung hết ở mảnh đất có của ngon vật lạ này. Vào lúc sáng sớm mà nghĩ đến những vấn đề này dễ khiến cho bụng dạ khó chịu. Diệp Tiêu vội vàng rời khỏi nơi đây, đi đến một tòa chung cư ven sông.

Chung cư cao tầng này tuy nhỏ nhưng cũng có thang máy, Diệp Tiêu vào thang máy lên tầng trên cùng, ấn chuông phòng La Chu. Đợi một lúc lâu cửa mới được mở ra, La Chu với khuôn mặt mệt mỏi xuất hiện trước mắt anh.

- Tớ đến có sớm quá không?

- Không, cậu vào đi!

La Chu mời anh vào nhà sau đó hỏi anh muốn uống gì. Diệp Tiêu không muốn uống gì cứ nhìn chằm chằm La Chu.

La Chu thấy lạ liền hỏi anh:

- Sao cậu cứ nhìn tớ vậy?

- Sắc mặt cậu kém quá! Vừa dậy hả, đã ăn sáng chưa?

La Chu gật đầu:

- Ăn rồi. Đêm qua tớ lại thức khuya quá. Mấy ngày nay tớ không ngủ được đủ giấc, toàn thức cả đêm.

- Hôm qua tớ thấy cậu với cô gái đóng vai công chúa đi chơi. Chắc về cũng muộn hả?

- Cô ấy à? - La Chu cười nhăn nhó lắc đầu. - Tớ bị cô ấy bám dai như đỉa, sống chết đòi đóng vai nữ chính. Cậu quá hiểu tớ rồi, tớ vốn là người rất cả nể nên chỉ còn cách đồng ý với cô ta. Tối qua cô ấy lại bắt đi hát karaoke mãi đến tận nửa đêm mới được về, như muốn hại chết tớ vậy.

Diệp Tiêu mỉm cười nói:

- Thế còn cái cô hôm qua có mỗi câu thoại thì sao? Cô ta diễn có vẻ được đấy chứ.

- Thực ra cô ấy mới là vai nữ chính. Nhưng dù sao kịch bản tớ viết cũng chưa xong, đến lúc đó sẽ tăng thêm lời thoại cho cô ta vậy.

- Cô ta cũng tốt nghiệp trường Sân khấu ra à?

- Không phải, Tiêu Sắt mới là dân chuyên nghiệp, nhưng tớ không coi trọng cái đó, cái tớ coi trọng là khí chất. Khí chất của cô này rất tốt, dù là trên sân khấu hay dưới sân khấu đều hấp dẫn ánh mắt của người khác, dù nam hay nữ cũng đều thích khí chất của cô ấy. Điều này chứng tỏ cái cô ta dựa vào không phải là sắc đẹp. Sắc đẹp của phụ nữ có thể lôi cuốn đàn ông nhưng chưa chắc đã lôi cuốn phụ nữ, chỉ có khí chất mới lôi cuốn được tất cả mọi người. Điều này không phân biệt giới tính. Cô ấy mới về đoàn kịch chưa lâu, là do tớ tuyển về trong lúc đi tuyển diễn viên. Bây giờ tuyển diễn viên tuy có rất nhiều ứng viên nhưng khả năng diễn xuất rất tồi. Có người khuôn mặt rất ưa nhìn nhưng khí chất rất kém, lời nói thốt ra từ miệng khiến người ta thấy khó chịu. Chỉ có cô ấy là người duy nhất tớ thấy bằng lòng. Ngay từ lúc chưa gặp, cô ấy đã để lại cho tớ ấn tượng rất sâu sắc.

- Ngay từ lúc chưa gặp cô ấy?

- Ừ, ngay từ khi tớ đọc thấy tên cô ấy trên bảng danh sách, tớ đã cảm thấy cô ấy có gì đó khác với mọi người. Tên cô ấy là Lam Nguyệt, ánh trăng xanh, tớ thích cái tên này. Về sau gặp, tớ mới phát hiện ra cô ấy có khí chất hơn người. Với tài năng của mình, cô ấy có thể trở thành một diễn viên rất xuất sắc. Diễn ở cái sân khấu này của tớ thật là thiệt thòi cho cô ấy. Thôi, không nói về việc này nữa. Buổi chiều phải đến sân khấu diễn tập, buổi tối phải hoàn thành nốt kịch bản. Tớ thực sự vô cùng mệt mỏi. Cậu biết không, mấy ngày nay tớ đã trải qua một sự việc ghê sợ nhất nhất trần đời.

- Việc ghê sợ nhất ? - Từng dây thần kinh trong đầu Diệp Tiêu lập tức lại căng lên.

La Chu uống một ngụm nước, giọng rất sợ sệt nói:

- Vào buổi tối cách đây mấy hôm, tớ ngồi trong phòng viết kịch bản cho vở kịch này. Lúc đó đã rất muộn, có lẽ phải đến hơn 11 giờ. Tớ không thể viết được tiếp nên quyết định xuống nhà, ra bờ sông vừa hít thở chút không khí, vừa có thể lấy thêm chút cảm hứng, thứ mà người ta gọi là lấy cảm hứng từ trời đất ấy, nhưng khoan nói đến việc ấy. Nói chung là khi tớ mới đi được mấy vòng thì phát hiện thấy có một anh chàng đi xe mô tô qua, sau đó dừng lại ven đường, anh ta bỏ mũ bảo hiểm ra, nằm trên yên xe. Số tớ thật là đen đủi, định đến xem anh ta có việc gì không nhưng vừa đi đến trước mặt anh ta bỗng ngồi dậy nắm lấy tay tớ, rồi không hiểu sao cứ la lên “Cứu tôi với”, mà miệng anh ta thì sặc sụa mùi rượu. Thế rồi đùng một cái anh ta bỗng nổ máy xe lao vụt về phía trước...

- Đến đoạn cua ven sông Tô Châu thì đâm vào bờ đê, chết ngay tại chỗ. - Diệp Tiêu cắt ngang lời La Chu, bổ sung vào phần kết của câu chuyện.

La Chu giật mình:

- Sao cậu biết?

- Tớ biết vụ án này. Hơn nữa còn chứng kiến việc khám nghiệm tử thi nữa cơ. Tớ chỉ không ngờ, người nhìn thấy sự việc và đến báo công an lại là cậu. Thật là khéo, Hứa An Đa tại sao lại chọn cậu làm người làm chứng cơ chứ?

- Hứa An Đa là ai?

- Là tên người bị chết. Thật đúng là... nếu tớ biết cậu là người đến báo án thì tớ đã sớm đến tìm cậu rồi. - Diệp Tiêu nhăn nhó cười, tự trách mình.

- Đừng đến tìm tớ, tớ đã ù cả đầu vì phải trả lời các câu hỏi ở bên cảnh sát các cậu rồi. Diệp Tiêu, cậu vừa nói người chết chọn tớ là người làm chứng à? Thế nghĩa là sao? - La Chu thấy hơi sợ.

- Đừng sợ, có thể là vì cậu biết viết tiểu thuyết và kịch bản, người chết hy vọng cậu sẽ đem sự việc này viết thành một cuốn tiểu thuyết kinh dị.

Diệp Tiêu cười nói:

- Đùa tí thôi, đừng tưởng thật nhé!

- Thôi xin cậu, anh em với nhau, cậu đừng doạ tớ nữa, được không! Nếu cậu đã xem khám nghiệm tử thi thằng cha đó, còn gọi là giải phẫu nữa, nghe phát ghê. Thế kết quả khám nghiệm là tai nạn do uống rượu rồi lái xe phải không?

Mặt Diệp Tiêu trầm xuống:

- Hình như họ đang chuẩn bị viết báo cáo như thế nhưng tớ vẫn thắc mắc, uống rượu rồi lái xe thì chắc chắn rồi, nhưng ngoài cái đó ra có thể còn có nguyên nhân nào khác.

- Nguyên nhân nào nữa? Cậu đừng có mà dọa tớ!

Thực ra La Chu có phần mê tín, anh tin vào số mệnh, đối với anh, tận mắt trông thấy sự việc chết người là một việc rất xúi quẩy.

- Tớ cũng chẳng biết, tốt nhất là không bàn đến chuyện này nữa. - Diệp Tiêu trả lời.

La Chu thở dài:

- Tốt nhất là không nên biết gì thì hơn!

Diệp Tiêu như không nghe thấy La Chu nói gì nữa, anh đưa mắt ra ngoài cửa sổ, từ đây có thể nhìn thấy con sông Tô Châu đang chầm chậm chảy.

- Cậu đang nhìn gì đấy? - La Chu hỏi anh.

- Ồ, nhìn gì đâu, La Chu, tớ hỏi cậu, vở kịch hiện nay cậu đang tập vì sao lại lấy Lâu Lan làm bối cảnh? - Diệp Tiêu bỗng nhiên nhớ đến tên vở kịch của La Chu: “Đoạn hồn Lâu Lan.”

- Cậu hỏi cái đó để làm gì?

- Tớ hiện đang thụ lý một vụ án. Vụ án này có khả năng liên quan đến việc khảo cổ hồ La Bố. Nạn nhân bị chết cậu nhìn thấy hôm nọ là Hứa An Đa. Anh ta là nhân viên của một Viện Nghiên cứu Khảo cổ, tháng 9 vừa qua cũng đi khảo cổ ở hồ La Bố.

La Chu lắc đầu, nói:

- Tớ xin cậu đừng nói nữa, cứ nghĩ đến những việc ấy là tớ chịu không nổi! Ý cậu là, cái chết của anh ta có liên quan đến thành cổ Lâu Lan? Sợ quá đi, vở kịch mà tớ đang tập chính là nói về thành cổ Lâu Lan. Nói đi nói lại, cuối cùng cậu lại lôi tớ trở lại chủ đề này.

- Tớ xin lỗi, việc này không liên quan gì đến cậu, coi như tớ chưa nói gì!

- Thôi được, tớ nói cho cậu rõ nguyên nhân. Bởi vì tớ thích tiểu thuyết của Yasushi Inoue[18]. Tớ thích tất các các tác phẩm của lão nhà văn hàng đầu Nhật Bản này, như “Đôn Hoàng”, “Sói xanh”. Hơn nữa, ông còn là một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu nền văn minh Tây Vực. Ông nghiên cứu rất nhiều về lịch sử và văn hoá Tân Cương. Năm hơn 70 tuổi, ông còn đích thân đến Tân Cương để khảo sát về nền văn minh cổ đại và các di chỉ. Ông ấy viết rất nhiều tiểu thuyết lấy Tây Vực, Trung Quốc làm đề tài, trong đó có một cuốn có tên là “Lâu Lan”, viết về Lâu Lan cổ đại. Tớ nhớ trong đó nói về một người đàn bà tự vẫn, cũng chính là hoàng hậu của nước Lâu Lan. Bà ta không muốn rời bỏ Lâu Lan nên đã tự vẫn, nhưng tớ vẫn nghi có khả năng bà ta đã tự vẫn vì tình. Vì lí do rất sùng bái các tiểu thuyết của Yasushi Inoue, cho nên tớ muốn lấy một câu chuyện về Tây Vực làm đề tài cho vở kịch đầu tiên của mình. Mà Lâu Lan là sự lựa chọn hay nhất, ít nhất nó cũng giúp tớ đặt được cái tên cho vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan”, nó sẽ thu hút được sự chú ý của mọi người. Còn với nội dung của vở kịch thì đương nhiên tớ không mấy tự tin lắm.

Diệp Tiêu gật đầu, hoá ra là niềm đam mê với tác phẩm của Yasushi Inoue, Diệp Tiêu chưa đọc cuốn “Lâu Lan” nhưng tiểu thuyết “Đôn Hoàng” và cả phim nữa, anh đều đã xem, nó để lại trong anh những ấn tượng rất sâu sắc. Anh nghĩ đã đến lúc mình nên về. Chú ý thấy mắt của La Chu đã sắp thâm quầng, anh vỗ vào vai La Chu nói:

- Cậu nên tranh thủ lúc rỗi buổi sáng nay ngủ đi một chút. Tớ về đây, đừng mải viết quá, hãy chú ý đến sức khoẻ.

La Chu gật đầu, tiễn Diệp Tiêu ra cửa. Bỗng nhiên La Chu mặt mũi nhăn nhó lại, nhìn chằm chằm Diệp Tiêu, và lắp bắp nói:

- Diệp Tiêu, tớ thật sự cảm thấy sợ!

- Đừng lo, còn có tớ mà. - Diệp Tiêu gật đầu với anh ta.

- Cậu đúng là bạn tốt nhất của tớ, người anh em ạ! - La Chu bỗng nhiên cảm thấy hơi xúc động.

- Vào ngủ đi!

Diệp Tiêu tạm biệt La Chu rồi bước ra thang máy. Trong thang máy chỉ có mình anh. Thang máy đi xuống một mạch không ngừng lại, anh lặng lẽ đứng nhìn đèn báo tầng lần lượt lướt qua. Bỗng nhiên anh nhớ lại mình và La Chu lúc nhỏ. Anh và La Chu là bạn rất thân của nhau, chơi với nhau từ hồi 5, 6 tuổi đến khi lớn. Hồi nhỏ La Chu mơ làm sĩ quan hải quân, chỉ huy tàu ngầm Trung Quốc lặn sâu dưới đáy Thái Bình Dương, còn Diệp Tiêu thì muốn trở thành một lữ hành gia. Anh rất sùng bái nhà thám hiểm Dư Thuần Thuận, thậm chí anh đã từng đi nghe các buổi nói chuyện của ông, đã từng viết thư cho ông. Anh hi vọng có một ngày sẽ đi theo dấu chân của Dư Thuần Thuận bước trên mảnh đất ở phía Tây Trung Quốc. Có lẽ niềm mong ước này có mối quan hệ với việc anh được sinh ra ở trong Binh đoàn sản xuất kiến thiết Tân Cương mặc dù anh lớn lên ở Thượng Hải, nhưng do bố mẹ anh đều vẫn làm việc ở một đoàn nông sư ở Tân Cương. Tuy nhiên tháng 6 năm 1996, Dư Thuần Thuận gặp nạn trong một lần đi xuyên qua hồ La Bố. Cái chết của ông đã tác động mạnh mẽ đến Diệp Tiêu, anh đau khổ mất mấy ngày mới từ bỏ được ước mơ của mình. Bây giờ Diệp Tiêu đã là một cảnh sát, còn La Chu thì ngay cả hải quân trên bờ cũng chẳng vào, chỉ mưu sinh bằng nghề viết lách, giờ lại làm đạo diễn và biên kịch. Cả hai đều đã từ bỏ ước mơ của mình và tiếp tục vòng quay của cuộc đời trong cái thành phố hiện thực đến tàn nhẫn này. Đó chính là số mệnh, trong thang máy Diệp Tiêu đã tự nói với mình như vậy.

Cửa thang máy đã mở, đã đến tầng cuối cùng, Diệp Tiêu thong thả ra khỏi toà nhà, đã là tháng 11 rồi, cơn gió thu lướt qua trán. Diệp Tiêu thấy ớn lạnh, anh dùng hai tay ôm lấy bả vai đi sang bãi cỏ ven sông, ngắm dòng Tô Châu đang lững lờ trôi.