Ngày hè vẫn nóng bức như vậy, thời gian cứ dần dần trôi đi. Nay đã là tháng năm âm lịch, thành Biện Lương hỗn loạn nhốn nháo, có quỹ đạo vận hành của riêng mình như trước. Chốn kinh sư, đủ loại sự vật, tin tức trong thiên hạ tụ tập về đây. Văn nhân tài tử, hay những con người nổi trội từ các tỉnh nam bắc, rồi giang hồ hảo hán khắp tam sơn ngũ nhạc, lục lâm hào kiệt, quan viên tới từ các nơi, hậu duệ thiên gia sống ở các chốn, tới những hạng người buôn bán nhỏ lẻ các phố các hẻm đều có cuộc sống riêng của mình, với mục đích khác nhau, dục vọng, thiện ý và ác niệm hội tụ tại một nơi.
Ở nơi đây, Ninh Nghị không bị ảnh hưởng gì lắm, viện mới mua chưa được trang trí bày biện xong, mọi người vẫn ở trong Văn Hối lâu như trước. Hắn tìm thợ rèn đánh chế ra vài ngòi bút có thể dùng tạm, cũng lấy vài chiếc lông chim, xử lý qua rồi làm bút lông chim. Bởi vì lúc này chất lượng giấy không được tốt cho lắm, ngòi bút chế từ sắt không thể dùng tốt, chỉ có thể dùng lông chim quấn lại thành ngòi bút, chấm mực nước, tốc độ có tăng lên, nhưng khá là không thuận tay, viết ra chữ xiêu xiêu vẹo vẹo.
Hắn đang từng bước làm toàn bộ kế hoạch có liên quan tới Trúc Ký, ban ngày thì đi tửu lâu trà lâu, tối lại dạo thanh lâu. Tần Thiệu Du làm người dẫn đường, có nhiều lúc Văn Nhân Bất Nhị, Nghiêu Tổ Niên, Kỷ Khôn, Thành Chu Hải cũng tới. Ninh Nghị sẽ hỏi mỗi người nguyên nhân vì sao cửa hàng này được hoan nghênh, sau đó ghi chép và quy kết lại.
Đám người Nghiêu Tổ Niên chưa chắc đã đến vì dạo thanh lâu hay quán trà, trông thì như là tùy ý nói chuyện, nhưng thực tế cũng là bóng gió tìm hiểu về Ninh Nghị. Với chuyện Ninh Nghị điều tra tường tận như vậy chỉ để người phụ nữ của mình mở quán, bọn họ cảm thấy là không đúng chỗ, nhưng cũng không có nói ra những gì mình nghi ngờ chất vấn. Đây không hẳn là vì bọn họ tuân thủ nghiêm ngặt cự ly lui tới, mà là vị Ninh Nghị khi đã ở trong trạng thái công tác ở kiếp trước, cho dù tướng mạo và cơ thể hắn vẫn chỉ là hai mươi tuổi, nhưng khí chất biểu lộ ra khi trong đầu đang quy kết một kế hoạch khổng lồ như vậy vẫn khác hẳn lúc trước.
Đố là khí thế của kẻ bề trên cùng người trù tính kế hoạch có tâm tư kín đáo, không hề có loại nơm nớp lo sợ và không tự tin của tuổi hai mươi, cho dù có học nhiều hơn nữa thì cũng vì chưa từng trải qua thực tiễn mà duy trì sự cẩn thận. Ninh Nghị có rất nhiều thứ trong tay, sớm thực hành vô số lần, cho dù nếp sống ở cổ đại có khác với hiện đại, nhưng tính người thì không có thay đổi gì lớn.
Hắn đã bày ra tư thái nghiêm túc hẳn hoi, cho dù là bình thản nhưng vẫn tản ra khí thế và cảm giác chấn nhiếp người khác. Hơi thở của kẻ bề trên đó có lẽ đã từng có trong ánh mắt mà đã dọa cho Tiểu Thiền phải sợ hãi lúc đầu đến Võ triều, sau mới thu bớt lại. Lúc này cho dù hắn có nghiêm túc thế nào thì cũng chẳng thể dọa được Tiểu Thiền và Vân Trúc nữa, nhưng với đám người Nghiêu Tổ Niên thì khác, nhìn thấy thái độ nghiêm túc đâu vào đó này, bọn họ dĩ nhiên là sẽ không mở miệng qua quýt. Đây cũng là vì bọn họ sớm biết rõ lúc trước Ninh Nghị đã từng làm những chuyện gì.
Một tên thanh niên có thể làm ra chuyện như vậy trong lúc Hàng Châu nước sôi lửa bỏng thế kia, sau lại khiến đám người Lương Sơn ăn mệt lớn như thế, khi hắn thật sự nghiêm túc làm gì đó, hoặc là cuối cùng có thể làm gì đó là khó có thể tưởng tượng được.
Hàng Châu cũng được, chuyện sau Lương Sơn cũng vậy, hắn gần như chẳng thể chuẩn bị kỹ càng gì. Nhưng lúc này đây lại khác, chìm đắm trong thái độ nghiêm túc, nên thời gian trôi qua cũng rất nhanh. Trong mấy ngày này, hắn viết ra một chồng lớn những thứ gì đó, thi thoảng lại yên lặng suy nghĩ. Sáng sớm hắn mở cửa sổ ra, ngắm sương mù tràn ngập trong viện. Khi ve kêu râm ran, hắn lại ngồi trong viện ngắm từng mảng sơn hồng bong ra dưới mái hiên. Mấy ngày này, tuy cũng thường xuyên ra ngoài, nhưng những tiếng động rầm rĩ ồn ào bên ngoài tạm thời lại chẳng liên quan gì tới hắn.
Chuyện Chu Bội kén rể, hắn không tham dự. Nhưng nghe nói hội thơ tiến hành trong Thái Mộc viên ngày đó lại khá náo nhiệt, có mấy vị tài tử đã nổi bật một phen.
Dù sao thì mỗi hội thi thơ văn đều có thể gọi là chuyện trọng đại của văn đàn kinh thành, Ninh Nghị cũng không quan tâm, chỉ là thỉnh thoảng lại nghe về nó trong cuộc đối thoại của người khác.
Hắn tới Phàn lâu một lần, chủ yếu là vì lúc trước đã có hẹn gặp mặt với Lý Sư Sư. Lúc đi thì Lý Sư Sư đang tiếp khách trong tiểu viện, nghĩ đó ắt hẳn là văn nhân tài tử khá có địa vị, hắn tìm nha hoàn nhờ đưa một tờ giấy vào, trong đó viết là mình hiện giờ đang ở trong Văn Hối lâu, nhắn Lý Sư Sư có rảnh thì hẹn hắn và đám người Vu Hòa Trung một thời gian nào đó. Đây không phải chuyện lớn gì, hắn bản ý cũng không thật sự chờ mong được gặp bạn bè lúc nhỏ, nhưng Lý Sư Sư đã đề cập tới không ít lần, không nên trì hoãn đến cùng được.
Lúc ấy hắn định đưa tờ giấy vào là đi luôn, nhưng Sư Sư cô nương lại khá coi trọng hắn, sau đó còn bớt thời gian ra gặp hắn một chuyến. Nhìn nàng ăn mặc lộng lẫy, trên đầu cài một bông hoa lớn màu trắng, trông rất có phong thái của nữ thần, cùng Ninh Nghị nói vài câu, hẹn rằng mấy ngày tới sẽ gặp rồi hẹn Vu Hòa Trung, Trần Tư Phong, rồi sẽ báo cho hắn, thế mới vội vàng quay trở lại. Ngày thứ hai sau khi tới Phàn lâu là mùng hai tháng năm, Lý Sư Sư sai người đưa tới một phong thư, nói rằng ngày mùng bốn tháng năm, trước tiết Đoan Ngọ, mấy người bằng hữu có thể gặp gỡ một lần, hỏi Ninh Nghị có rảnh không, Ninh Nghị lập tức đồng ý.
Về mặt khác, phía Vân Trúc và Cẩm Nhi thì được đám người Tần phu nhân trợ giúp, tìm một tiểu viện cách phủ Hữu tướng không xa. Đợi khi Ninh Nghị rời đi, Vân Trúc có thể chuyển vào ở. Nơi đó xung quanh yên tĩnh, cũng có không ít thị vệ và gia phó của phủ Hữu tướng ở lại, có Tướng phủ chiếu ứng, có thể bảo vệ các nàng không bị ai ở kinh thành bắt nạt.
Trong mấy chuyện vụn vặt, người duy nhất có thể khiến Ninh Nghị cảm thấy phiền não và bất đắc dĩ chung quy chỉ có Cẩm Nhi. Hai người gần đây không hề nói với nhau câu nào, nếu có nói thì cũng khô khốc. Chuyện này Ninh Nghị không cách nào nói với Vân Trúc được, thái độ của Cẩm Nhi với hắn có lẽ là muốn đối đầu đến cùng. Như ngày hôm qua hai người đụng nhau ở cửa viện, một người ra một người vào, kết quả là Ninh Nghị dịch sang phải thì nàng cũng dịch sang bên đó, sang trái thì nàng cũng sang trái, ngay lúc đầu có lẽ đều là lơ đãng, đều tính nhường đường, cứ thế vài lần, Cẩm Nhi liền cảm thấy hứng thú với chuyện chặn đường hắn, kết quả là hai người cứ ngây thơ như vậy mà giằng co một hai phút. Đến khi Ninh Nghị cảm thấy mình quá nhàm chán, Cẩm Nhi làm ra tư thế "ta thắng" mà ngẩng cao đầu đi qua bên cạnh hắn - hoặc là vừa thấy hắn là quay đầu đi, thoạt trông như lựa chọn hình thức ứng đối như nào đều dựa hết vào tâm tình.
Tới gần Đoan Ngọ, trong thành Biện Lương đã ngập đầy không khí náo nhiệt của ngày tết, nào là bánh chưng, thi đua thuyền rồng, lá ngải, rồi xương bồ … Ở thời này, ngày mùng năm tháng năm dù sao cũng là ngày trọng đại của quốc gia, chỉ tiếc là Đàn Nhi không cách nào lên kinh được, mà hắn có lẽ mấy ngày nữa sẽ khởi hành đi tới phía đông, không thể đoàn viên với gia đình được.
Chiều hôm mùng ba tháng năm đó, Ninh Nghị vừa từ bên ngoài về thì thấy Nguyên Cẩm Nhi đang ngồi cạnh lan can ngoài viện, thoạt nhìn như là có chướng ngại vật vậy. Hắn đi qua thì Nguyên Cẩm Nhi đứng lên, nói:
- Nữ đồ đệ của ngươi tới tìm ngươi, chờ ngươi đã lâu rồi.
- Chu Bội à?
- Ừ! Tiểu Thiền tới viện nhà ngươi dọn dẹp rồi, Vân Trúc tỷ đang tiếp đón nàng ta ở trong.
Viện mà nàng nói là viện mà Ninh Nghị vừa mua, truyền lời xong rồi, nàng hừ một tiếng rồi đi qua bên người Ninh Nghị. Ninh Nghị nghĩ nghĩ, cảm thấy cứ tiếp tục như vậy cũng không phải cách hay, hắn quay đầu lại:
- Này, Nguyên Cẩm … Nhi …
Hắn vừa gọi thì đã thấy bên kia, Nguyên Cẩm Nhi đột nhiên giơ tay che tai lại, chạy vội đi.
- … Ha.
Ninh Nghị dở khóc dở cười, trở về gian phòng thì thấy Vân Trúc đang cùng tiểu quận chúa uống trà nói chuyện với nhau. Ánh nắng theo chấn song cửa chiếu vào, hai người ngồi đối diện nhau đều bày ra tư thế thục nữ, giơ tay nhấc chân đều là cảnh đẹp ý vui cả. Thấy Ninh Nghị trở về, Vân Trúc mới cười nói với hắn vài câu rồi cáo từ.
- Ở Sùng vương phủ thế nào?
- Rất tốt! Hoàng thúc rất chiếu cố đệ tử, đường tỷ đường muội cũng tốt, dạo gần đây thường mang đệ tử ra ngoài mở mang tầm mắt.
Sau khi hành lễ với Ninh Nghị, hắn mới thuận miệng hỏi thăm chuyện của Chu Bội, Chu Bội cũng hồi đáp khá là an phận thủ thường. Trong khi nói chuyện, Ninh Nghị đi đến bên bàn, tiện tay sửa sang lại mấy tờ giấy trên bàn. Hai ngày nay hắn viết ra không ít, có cái đã sửa sang xong xuôi, có thứ vẫn chưa làm gì cả. Lúc ra ngoài hắn đã dặn Tiểu Thiền đừng động vào, chỉ dùng cái chặn giấy hoặc sách chặn lại, lúc này phân ra vài tờ, xé nát rồi ném vào trong sọt rác. Ở bên kia, Chu Bội bưng tách trà, len lén nhìn sang bên này. Nàng đến đây đã một lát, mặc dù không làm loạn đồ trên bàn, nhưng cũng đã xem qua một ít, Ninh Nghị cũng không để ý, chỉ là chữ viết bằng bút lông chim kia hơi xấu mà thôi.
- Trò vốn thông minh, học cũng giỏi, ta nghe nói vị Đại học sĩ gì gì đó thay đổi cách nhìn với trò hả? Ồ, như vậy đám đường huynh đệ biểu tỷ muội ở kinh thành của trò hẳn là có không ít người bắt đầu sùng bái trò rồi nhỉ …
- Cái đó thì không có …
Chu Bội lẩm bẩm một câu. Ninh Nghị ngồi cạnh thư trác nên không nghe được rõ:
- Gì cơ?
- Không có gì!
Chu Bội cười nói.
- À, hội thơ ở Thái Mộc viên như thế nào?
- Sao thầy lại không đi?
- Hả?
Ninh Nghị chớp chớp mắt:
- Dạo này bận việc, huống chi ta vốn chẳng có hứng thú với mấy cái hội thơ kia lắm.
- Tần gia gia trước đây nói có thể thầy sẽ cảm thấy hứng thú …
- Ồ?
Ông ấy nói thế sao? Ninh Nghị nghĩ nghĩ:
- Quả thật ông ấy có khuyên ta đi xem, nhưng mà … sau lại không có thời gian.
Nói xong, hắn xoay người tiếp tục sắp xếp lại bản thảo. Chu Bội "à" một tiếng, Ninh Nghị quay đầu nhìn thì đã thấy thiếu nữ đang cúi đầu ở đằng đó, chắp tay đặt lên đùi, trong ánh sáng chiếu vào từ cửa, ánh mắt dường như có điều phiền muộn, cũng không biết là đang nghĩ gì.
- Sao vậy?
- A … Không, không có gì.
Chu Bội nở nụ cười:
- Đệ tử vốn … cảm thấy thầy không hứng thú với hội thơ rồi.
Nàng nói có vẻ khá miễn cưỡng, Ninh Nghị cũng không rõ là tại sao, nhưng tâm tư tiểu cô nương vốn đã không dễ đoán rồi. Hắn chuyển chủ đề, cười hỏi:
- Ta đang muốn hỏi, hội thơ ở Thái Mộc viên kia có gặp thanh niên tài tuấn nào không ấy.
- Có nhiều lắm.
Chu Bội cười:
- Ai nấy đều không tệ.
- Ý là trò vừa ý.
- À, cái đó …
Thiếu nữ ửng hồng gò má, giơ tay vuốt tóc mai:
- Không, không có, chẳng quen ai cả.
- Trò phải nắm chắc cơ hội vào.
Ninh Nghị cười nói:
- Nhân tài trong thiên hạ chính là tụ tập trên đất kinh thành, lần này trò tới đây, cho dù thế nào cũng phải chọn lấy một, đừng vội vã, cứ lui tới vài lần, với tài học cùng trí tuệ của trò, chọn hạng người gì hẳn là không thành vấn đề.
- Nhưng thầy, nếu là …
Chu Bội ngẩng đầu, nhìn bên này, hơi do dự nói:
- Nếu … không trúng ý thì sao …
- Nữ tử trong thiên hạ này có mấy ai là có cơ hội tự mình kén rể.
Đưa lưng về phía nàng, Ninh Nghị lắc đầu:
- Tiểu Bội là người thông minh, lần này nếu trò còn không gật đầu, tiếp theo sẽ thế nào e là khó nói. Phía Sùng vương phủ, phía Tần gia gia của trò, Khang phò mã cũng từng hỏi qua rồi, lần này ta dẫn trò đến đây cũng vì cảm thấy rằng trò chỉ có thể tìm được ở kinh thành. Dù sao trò cũng mười lăm tuổi rồi, không lấy chồng thì còn có thể như thế nào nữa?