Thời gian là buổi chiều, đi qua con đường trong khu phố cạnh sông Tần
Hoài, thấy khắp nơi đều là người đi đường, đầu xuân là lúc tuyết tan,
thương lữ bắt đầu lui tới, ghé qua ghé lại thành Giang Ninh. Thỉnh
thoảng có mấy hành khách đường dài dắt ngựa đi trong phố, cũng có người ở trên đường tuyển thành viên cho thương đội, sóng người trập trùng, ngựa xe liên miên. Trong số này, có người bản địa, có người ở xa cầm đao
thương cảnh giác nhìn xung quanh, tiếng nói chuyện ồn ào làm nổi bật sự
phồn hoa của thành thị.
Một khi ra khỏi thành, thực sự bước vào cuộc hình trình mới, cảnh tượng phồn hoa bực này rất khó gặp.
Cửa hàng hai bên đường đều treo nhiều cờ xí và biển hiệu mới, cửa hàng gần
bờ sông thường có bến đỗ cho người dưới thuyền lên. Sau khi tuyết tan,
những cây liễu xung quanh bắt đầu nảy mầm, có một số chú chim đã bay
tới, ríu rít vui tai. Trên mặt sông, thuyền hoa di chuyển tấp nập, tiếng ca du dương.
"Sư phụ nhìn kia, thư sinh đang đứng trên thuyền hoa kia tên là Viên Lập, mấy hôm trước đã tới bái phỏng phò mã gia gia."
Đầu xuân, chẳng mấy ai bận rộn, vội vã. Ninh Nghị mặc quần áo chỉnh tề,
mang theo một cái bọc, cùng tiểu quận chúa Chu Bội dạo cảnh, ở đằng sau
có một trung niên nam tử dáng vẻ là người dưới đi theo, người này là một thị vệ của vương phủ, họ Tống tên Thiên. Khi Chu Bội và Chu Quân Võ đi
học ở thư viện Dự Sơn thường có hai thị vệ đi theo bảo vệ, bình thường ở bên ngoài chờ, giờ Chu Bội muốn cùng Ninh Nghị đi gặp Khang Hiền, lưng
Ninh Nghị lại còn mang cả Đột Hỏa thương nên một người trong đó phải đi
theo.
Người này giữ chức thị vệ trong vương phủ lâu ngày, nếu
không có chuyện gì xảy ra hắn sẽ giả dạng làm người bình thường, khiến
cho người đi đường không nhận ra mối quan hệ giữa họ với chủ nhân.
Thư viện cách khá xa phủ Phò mã, nhưng dù sao cũng chẳng có gì gấp, Ninh
Nghị thích tản bộ trong thành. Tiểu Chu Bội mặc dù có tâm sự nhưng cũng
không thể mở miệng kể ra hết nên lẳng lặng đi theo, nghe vị sư phụ này
chỉ trỏ kể chuyện, bàn tán những điều thú vị mà hắn nhìn, nghe thấy, tâm tình dần trở nên bình tĩnh. Lúc này, trên thuyền hoa đậu sát bờ sông có một nam tử thư sinh mặc áo xanh đang đứng, Chu Bội nhận ra nên nói lại
với Ninh Nghị.
Ninh Nghị quay đầu nhìn sang bên đó, thấy thuyền
hoa khá náo nhiệt, hiển nhiên đây là một cuộc gặp, công tử áo xanh kia
đứng ở đầu thuyền, cầm trong tay một cái quạt, trên đầu chít khăn tung
bay theo gió, trông khá có phong độ. Một cô nương áo trắng đi từ trong
thuyền hoa ra, đứng ở bên cạnh hắn nói chuyện, có lẽ những cô nương tiếp khách trên thuyền đều không phải hạng tồi nên vóc người khá đẹp, chỉ
tội ở xa không thấy rõ mặt mũi.
Lại quay đầu nhìn sang Chu Bội,
thấy nàng đang kéo váy tránh đường bẩn, ngoái cổ hứng thú nhìn thuyền
hoa, lúc này thiếu nữ bát quái truy tinh trông khá đáng yêu.
"... Hình như là thuyền của Minh Ngọc phường, không biết cô nương kia là
Doãn Tuyết hay là Họa Bình, thầy có đoán được họ đang nói gì không?"
Minh Ngọc phường cũng khá nổi tiếng ở Giang Ninh, hai vị cô nương Doãn Tuyết và Họa Bình là hai minh tinh nơi này. Với thời đại hiện giờ, chuyện này chẳng có gì xấu, chỉ cần có tài tử giai nhân là kiểu gì cũng nhuộm
thành giai thoại. Từ nhỏ Chu Bội đã lớn lên trong những câu chuyện như
thế nên giờ cảm thấy khá hứng thú, Ninh Nghị cũng híp mắt nhìn một chút, đầu xuân không khí vui tươi, thuyền hoa nhộn nhịp, phong cảnh đẹp đẽ,
thật khiến lòng người thoải mái.
"Hình như cái tên Viên Lập này nghe quen quen, hắn rất lợi hại phải không?"
Chu Bội vốn định gật đầu nói lợi hại, sau đó chu miệng tạm dừng, nháy mắt
nhìn sư phụ mình. Người kia đúng là khá nổi tiếng, chứng cứ là có thể
gặp mặt Khang Hiền, chỉ là nếu hiện giờ đặt ngang với cái tên "Ninh Nghị Ninh Lập Hằng" thì đúng là không tạo nên được ảnh hưởng. Thấy sư phụ
đeo cái bọc sau lưng, hỏi mà không giống giả bộ nên trong lúc nhất thời
Chu Bội chẳng biết trả lời thế nào, hứng thú với đôi tài tử giai nhân
bên kia cũng giảm đi, miệng lẩm bẩm gì đó.
"Cũng tàm tạm, mấy hôm trước hắn biện luận chuyện phương bắc ở phủ phò mã cũng tương đối.
Trước đó chẳng phải thầy cũng ký tên vào Phân gián ngôn hay sao? Hắn
cũng là một người nhiệt tình trong đó, mấy hôm nay đều nghị luận với
người khác về chuyện này, hôm nay khẳng định cũng... Đáng tiếc nước Kim
và nước Liêu đã hòa đàm rồi, muốn đánh nhau lại không biết phải mấy năm
nữa, bằng không hắn sẽ sẵn sàng xếp bút nghiên theo việc binh đao..."
"Cũng không cần mấy năm..."
Ninh Nghị cười cười, nhưng cũng gật đầu. Hắn cùng với Chu Bội, Tống Thiên di chuyển, thuyền hoa cũng chậm rãi trôi đi, trong tiếng ca vui múa đẹp,
hình như còn có cả tiếng ngâm thơ, đem tới sự bình thản trong khu phố
rộn ràng cạnh sông Tần Hoài này. Chu Bội líu ríu bước sát bên cạnh:
"Sư phụ cũng nói không đến mấy năm? Mấy hôm trước phò mã gia gia và Tần gia gia nói chuyện, hai người cũng nói y như vậy..."
Tiểu cô nương cau mày, sau đó nghĩ tới gì đó bèn thần thần bí bí nói:
"Sư phụ có biết chuyện của Tần gia gia không?"
"Chuyện gì?"
"À... Thì là chuyện hiệp ước Hắc Thủy, mấy năm trước trò chỉ biết là Tần gia
gia có học vấn rất lợi hại, cũng có giao tình rất tốt với phò mã gia
gia, không biết ông ấy đã làm những gì, thời gian gần đây mới nghe người ta nhắc tới."
Chu Bội suy nghĩ một chút rồi nói:
"Cái gì mà
chuyện hiệp ước Hắc Thủy, rồi bại trận gì đó... Trước đây, nơi ở của Tần gia gia không có mấy người biết, cũng chẳng ai muốn hỏi, không có nhiều người nhắc tới, nhưng giờ đây số lượng người tới thăm rất nhiều, lại
còn bàn tán nữa chứ. Có một số người kín đáo bàn tán, cũng có người lớn
tiếng mắng chửi, nói ông ấy làm nhiều chuyện mua danh chuốc tiếng, thậm
chí còn khó nghe hơn, nói... nói Tần gia gia là hán gian..."
Tiểu cô nương cau mày:
"Gần đây trò có hỏi phò mã gia gia, phò mã gia gia cũng không nói gì cả, chỉ bảo là có một số việc phải “cái quan định luận” (1) mà thôi, giờ chưa
phải là thời gian để nói. Trò đại khái biết chuyện có liên quan tới nước Kim và nước Liêu, nhưng mỗi lần phò mã gia gia đến gặp Tần gia gia, Tần gia gia đều không chịu nói chuyện về việc này, chỉ nói toàn chuyện
thiên nam địa bắc, hình như không mấy để tâm đến chúng..."
(1) Cái quan định luận: ưu khuyết điểm của một con người thế nào, chỉ khi chết mới có thể kết luận
"Chuyện trước kia thế nào, ta cũng không rõ lắm..."
Ninh Nghị suy nghĩ một chút, sau đó lắc đầu. Thời gian gần đây hắn cũng nghe nói qua những việc mà phố phường đồn đại, chỉ là những lời đồn này rất
huyền diệu khó giải thích, không đủ để tin tưởng. Chỉ biết là bảy năm
trước, Tần lão có tham gia vào hiệp ước Hắc Thủy, ký một số điều ước
nhục quốc làm mất chủ quyền, hiện giờ có người lôi chuyện này ra, cho
rằng nói mâu thuẫn Kim – Liêu xuất phát từ những điều ước này, tán dương cái tên “Tần Tự Nguyên”, nhưng những chuyện kiểu này không mấy ai tin.
Trước đây, Tần lão và Khang Hiền cũng có đàm luận thế cục thiên hạ, nhưng
thời gian này lại đàm luận rất ít chuyện phương bắc. Đặc biệt khi nước
Kim và nước Liêu bỗng nhiên hòa đàm, Gia Luật Duyên Hi (2) sắc phong
Hoàn Nhan A Cốt Đả là Đại Thánh hoàng đế, khi tin tức truyền tới đã trở
thành một gáo nước lạnh hắt vào đầu quan dân triều Vũ đang mong ngóng
hai bên đại chiến. Theo lý thuyết, Liêu đế Gia Luật Duyên Hi đã phải
nhượng bộ, bất luận thiệt hay giả, hòa đàm lần này sẽ kéo dài thêm mấy
năm bình yên, mắt thấy chiến tranh sắp bùng nổ lại bị kéo dài, tâm trạng đúng là rất không ổn. Cũng trong thời gian này, thỉnh thoảng Ninh Nghị
có tới gặp Tần lão, mới phát hiện ông cụ không đề cập tới chuyện này,
dường như là không còn bận tâm tới nữa, nhưng không hiểu vì sao số lần
Khang Hiền tới gặp Tần lão lại nhiều hơn trước.
(2): Liêu Thiên
Tộ đế - Gia Luật Duyên Hi (5/6/1075 ―mất năm 1128 hoặc năm 1156), tự
Duyên Ninh, vị hoàng đế cuối cùng của triều Liêu, là cháu của Liêu Đạo
tông Gia Luật Hồng Cơ, con của Thái tử Gia Luật Tuấn. Duyên Hi kế vị sau khi Đạo tông bệnh chết, tại vị 25 năm, sau khi mất nước bị quân Kim
bắt, sau đó bệnh chết (có sách nói bị người Kim giết), thọ 54 tuổi (hoặc 82 tuổi), táng ở gần Hiển lăng (nay là Y Vu Lư Sơn, huyện Trấn Bắc,
tỉnh Liêu Ninh).
Ninh Nghị có thể cảm nhận được bầu không khí
này, suy đoán tự nhiên cũng có, nhưng hắn không phải là người trong
cuộc, ngay cả người biết chuyện như Khang Hiền cũng rất cẩn thận trong
lời nói, nên đối với chuyện nghiêm túc kiểu này, Ninh Nghị cũng không
dám thốt ra một câu nhận định sự việc với Chu Bội. Người làm đại sự đúng là người làm đại sự, bán nước cũng được mà si quốc cũng được, thương
lượng với phường son phấn về việc xếp bút nghiên theo việc binh đao lại
là vấn đề khác.
Nói chuyện với Chu Bội về hai nước Kim - Liêu,
Hoàn Nhan A Cốt Đả dùng thực lực bản thân chấn hưng bộ tộc Nữ Chân ở
bạch sơn hắc thuỷ (Trường Bạch sơn và Hắc Long giang), tạo nên thần
thoại "Nữ Chân không đủ vạn, đủ vạn không thể đánh", tại Hộ Bộ Đạt Cương (3) thậm chí còn tạo nên chiến tích truyền kỳ, đúng là nhân vật anh
hùng, biến thái tới cực điểm. Số người ở triều Vũ biết chuyện này không
nhiều, nhưng do một năm nay Ninh Nghị trong lúc dạy học nhắc tới khá
nhiều, nên đám học sinh, bao gồm cả Chu Bội cũng rất ấn tượng, thậm chí
sinh ra sợ hãi, cũng may là người Nữ Chân ít, Hoàn Nhan A Cốt Đả cũng
không còn trẻ tuổi, khả năng diệt Liêu và uy hiếp triều Vũ khi còn sống
là không lớn.
(3) Hộ Bộ Đạt Cương: nay là thành phố Ngũ Thường -
một thành phố cấp huyện thuộc thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long
Giang. Từ Ngũ Thường xuất phát từ “tam cương ngũ thường” trong Nho giáo, tức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Triều Thanh cắt dân tới đây khai hoang,
đặt tên là Ngũ Thường.
Chu Bội thích đàm luận việc này, thỉnh
thoảng suy đoán một phen, hỏi một câu: "Đúng không? Đúng không?" Do tập
trung vào chủ đề này nên sự phiền muộn trong lòng cũng tiêu tán đi không ít. Buổi trưa chỉ mới ăn một xiên thịt, buổi chiều phải đi một đoạn
đường dài, bụng đã đói, lúc này lại vừa đúng lúc tới gần Cẩm nhi quán mà Trúc ký mới mở không lâu, tiểu cô nương liền nói bóng nói gió một phen, yêu cầu dừng lại nghỉ ngơi một chút, ăn vài thứ, thuận tiện xem cửa
hàng mới của Trúc ký thế nào, có tốt hơn so với tổng điếm trước kia Ninh Nghị dẫn theo hai chị em nàng tới ăn không.
Khi tới cửa tiệm, họ gặp hai người đang đi tới. Trong hai người này, có một người chừng năm
mươi tuổi, thân hình cao gầy, mặc dù ăn mặc kiểu văn sĩ nhưng lúc nào
trên mặt cũng sẵn sàng thái độ vênh mặt hất hàm sai khiến, thần tình
nghiêm túc, ánh mắt cao ngạo. Người này trước đây Ninh Nghị cũng từng
gặp, là một đại nho có tiếng ở Giang Ninh, tên là Trương Thụy, tự Hồng
Nguyên, là một giáo viên được coi trọng trong Khang vương phủ.
Người còn lại chừng 30 tuổi, vóc người hơi mập, mắt híp, thái độ nghiêm túc,
cũng ăn mặc kiểu văn sĩ, tay cầm một cái quạt. Người này Ninh Nghị không biết là ai. Trương Thụy nhận ra Ninh Nghị nên nói vài câu với người bên cạnh rồi bước tới, nhưng Chu Bội lại là người nhanh chân tới trước:
"Chào Trương phu tử, Lý phu tử."
Hai người kia vội vã đáp lễ:
"Quận chúa cũng ở đây, không dám nhận, không dám nhận."
Sau đó họ mới chào hỏi Ninh Nghị, giới thiệu cho nhau biết tên, thực ra họ
đều là giáo viên trong Khang vương phủ, rất có tài danh ở Giang Ninh.
Người mập mạp kia tên là Lý Đồng, hắn híp mắt nhìn Ninh Nghị nói:
"Hóa ra các hạ là Ninh Nghị Ninh Lập Hằng, cửu ngưỡng đại danh nhưng lại vô duyên gặp mặt, hôm nay thật là trùng hợp."
Trương Thụy thì nhìn Ninh Nghị và Chu Bội, có chút không vui nói:
"Lập Hằng mang theo quận chúa đáng giá ngàn vàng đi dạo, điều này dường như có chút... không thỏa đáng cho lắm thì phải?"
Nếu là vô tình gặp gỡ, hai bên hàn huyên đôi câu là sẽ đi, nhưng vài câu
khách sáo đã xong, hai người Trương, Lý bắt đầu hướng trọng tâm câu
chuyện theo nghĩa "xin chỉ dạy", "ngồi xuống luận đạo", đồng thời cũng
nói về phương thức dạy học của Ninh Nghị, kể việc mang quận chúa đi dạo
đều không thích hợp.
Những chuyện này đều có nguyên do của nó,
cuối năm ngoái, Tiểu Bội và Quân Võ bái Ninh Nghị làm thầy, vốn Khang
vương phủ định gióng trống khua chiêng, Khang vương tự mình tới Tô gia
gặp Ninh Nghị để nâng cao thanh thế, sau bị Ninh Nghị cự tuyệt, lễ bái
sư liền do Khang Hiền tổ chức, rất giản dị. Nhưng là giáo viên của Khang vương phủ, những người này cũng biết tiểu vương gia và tiểu quận chúa
đã có thêm một vị sư phụ.
Trong vương phủ có rất nhiều người lệ
thuộc, đám giáo viên đều là kẻ tài danh, địa vị cũng không tệ, nhưng chủ yếu là giảng dậy đám học trò là hạ nhân trong vương phủ, cho dù có thân phận thầy trò với tiểu vương gia, tiểu quận chúa nhưng lại không có
vinh dự được người ta tới tận nhà bái làm thầy.
Ninh Nghị mới chỉ 20 tuổi đầu, được xưng là Giang Ninh đệ nhất tài tử, không bị đố kị thì đúng là trời mọc đằng tây, ngay lúc đó đám giáo viên này đã chuẩn bị
thế trận khá lớn, tìm một thanh lâu chuẩn bị thi hội, sau đó truyền
thiệp mời Ninh Nghị, mọi người đều là giáo viên của vương phủ, chẳng nhẽ Ninh Nghị lại không cho họ chút thể diện.
Ai biết ngay cả cái
danh hiệu khách khanh của Ninh Nghị cũng đều do Khang Hiền bắt nhận, hắn không đến vương phủ làm việc cho nên không coi mọi người là đồng liêu,
huống chi tình cảm lúc đó của Ninh Nghị và Tô Đàn Nhi mới thăng hoa, vừa động phòng, có thể được coi là “gian tình”. Tô Đàn Nhi bảo hắn đi theo
chúc tết khắp nơi, hắn lại ném toàn bộ thiệp mời qua một bên, sau đó mới viết thư uyển chuyển cự tuyệt, nguyên nhân thì cả trang giấy nhưng tóm
lại chỉ có sáu chữ: có việc, không đi, xin lỗi.
Những người này
mất công ôm sách, viết chữ cả nửa tháng trời, chuẩn bị đủ loại đề mục,
hi vọng mong chờ, kết quả là người ta không đi, hụt hẫng nên rất là oán
giận. Hôm nay hai người Trương, Lý gặp được Ninh Nghị, Lý Đồng vốn có
chút không phục cái danh "Giang Ninh đệ nhất tài tử", lại thấy đối
phương miệng còn hôi sữa, có lẽ có tài hoa, có thể xứng với chữ "Kỳ",
nhưng tuyệt đối không thể xứng với chữ "Bác", chữ "Tinh", nên lập tức
quyết định với Trương Thụy muốn thừa dịp này so đấu học vấn một phen,
mấy chữ "xin chỉ dạy" đã được nói.
Xin chỉ dạy có thể từ chối,
nhưng nếu đã ngồi trò chuyện thì không thể nào cự tuyệt, sau đó mấy
người đi vào Cẩm nhi quán, lên lầu hai, tìm một gian phòng để ngồi.