Tâm Lý Học

Chương 21: C21 21. Rối Loạn Nhân Cách Phân Liệt

Schizoid Personality Disorder - Rối Loạn Nhân Cách Phân Liệt

Rối loạn nhân cách phân liệt thuộc về nhóm thứ hai trong ba nhóm của bệnh rối loạn nhân cách có tên là nhóm lập dị. Đa số phần lập dị trong nhóm này thường liên quan đến cách một người giao tiếp, tác động đến người khác. Một số người không hề có hứng thú gì với người khác. Một số người lại cực kỳ khó chịu với những người xung quanh. Còn có một số thì lại rất đa nghi. Khi sự lập dị đạt đến mức tột cùng thì những lối sống này tạo thành ba loại rối loạn nhân cách mà rối loạn nhân cách phân liệt là một trong số đó.

Rối loạn nhân cách phân liệt là dạng phân ly (schism), hoặc tách rời khỏi các mối quan hệ xã hội bình thường. Người mắc rối loạn nhân cách phân liệt đơn giản không hề có bất kỳ sự cần thiết hay mong muốn có quan hệ thân mật nào, kể cả tình bạn. Cuộc sống gia đình thường chẳng có ý nghĩa gì với họ cả, và thường họ chẳng cảm thấy vui vẻ thỏa mãn gì với việc mình là một phần của nhóm cả. Con người là loài sống theo quần thể, đó là một tập tính sống hình thành qua triệu năm giúp con người có thể chống lại những điều kiện bất lợi từ thiên nhiên, các loài động vật hung dữ, mạnh mẽ hơn chúng ta gấp ngàn lần. Hơn nữa theo tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu được thuộc về một nhóm nào đó, được chấp nhận là một nhu cầu cần thiết cơ bản tầng thứ ba của con người. Và họ cần đạt được nhu cầu ấy trước khi có thể tiến lên những tầng cao hơn. Vì thế nên việc tách ly khỏi xã hội, không cần thiết hay không mong muốn bất kỳ mối quan hệ nào, khi ở mức độ tột cùng ảnh hưởng đến đời sống của một người thì đó là một dạng rối loạn.

Những người mắc rối loạn nhân cách phân liệt chỉ có một ít hoặc không có người bạn thân nào cả, và họ chỉ muốn được ở một mình thay vì dành thời gian cho người khác. Họ thường chọn những sở thích có thể thực hiện một mình và hưởng thụ một mình ví dụ như sưu tập tem. Họ đồng thời còn có xu hướng chọn những công việc có thể làm đơn độc với máy móc ví dụ như thợ máy hoặc lập trình viên vi tính. Thường thì bệnh nhân mắc rối loạn nhân cách phân liệt cảm nhận rất ít khoái lạc từ những trải nghiệm cơ thể hoặc các giác quan (ví dụ như họ không cảm thấy hứng thú, sung sướng khi quan hệ tình dục, hoặc ăn uống). Đời sống cảm xúc của họ đặc biệt khô cằn. Đời sống tình dục có thể chỉ tồn tại trong tưởng tượng. Đàn ông có thể không bao giờ kết hôn và phụ nữ có thể lấy những kẻ nóng nảy, vũ phu. Họ không thể thấu cảm, không hiểu được cảm xúc của những người xung quanh cũng như không có hứng thú tìm hiểu, tạo mối quan hệ với bất kỳ ai.

Trong hoàn cảnh tốt nhất, người rối loạn nhân cách phân liệt thường nhìn không khác gì những người khác cả, họ không cảm thấy bận tâm bởi những lời chỉ trích, mà cũng chẳng thấy vui khi được khen. "Vô vị", "trống rỗng" là từ tốt nhất để tả về đời sống cảm xúc của người đó. Thông thường, rối loạn nhân cách phân liệt thường không phản ứng gì với những ám hiệu, gợi ý từ xã hội, và thường xuất hiện lạc lõng, hoặc lóng ngóng. Ví dụ, một người như vậy bước vào một căn phòng có một người khác thì anh ta chỉ nhìn chằm chằm người nọ, chẳng có ý định hay động lực bắt chuyện gì cả. Đôi lúc, người rối loạn nhân cách phân liệt thường rất thụ động khi có chuyện không vui xảy ra, và không hề có phản ứng tích cực, hiệu quả gì đối với những sự kiện quan trọng như vậy. Họ thường hay ngẩn ngơ, mơ mộng giữa ngày nhưng vẫn có thể xác định được đâu là thực tế, đâu là ảo tưởng.

Người từ một số nền văn hóa khác nhau thường phản ứng với stress theo cách nhìn có vẻ giống như rối loạn nhân cách phân liệt. Đó là, dù thật sự không mắc bệnh, nhưng một số người dưới áp lực nặng nề thường nhìn thụ động và tê dại. Ví dụ như một người vừa mới dọn ra khỏi khu ổ chuột nghèo khổ cùng cực vào thành phố lớn có thể có những phản ứng theo kiểu phân liệt từ vài tuần cho đến vài tháng. Người như vậy, thường cảm thấy bị ngập trong tiếng ồn, ánh sáng, và đám đông chen chúc, và thường thích được ở một mình, có cảm xúc khô cằn, thường biểu hiện ra một số kỹ năng xã hội bị thiếu hụt. Đồng thời người di cư từ những nước khác đôi lúc nhìn như lạnh lùng, dè dặt và tách biệt với mọi người. Ví dụ, những người di cư từ vùng Đông Nam Á tới Mỹ vào giữa những năm 1970 tới 1980 thường bị nhận xét là nóng nảy, lạnh lùng bởi những người Mỹ sống trong những thành phố lớn. Đây chính là sự khác biệt giữa các nền văn hóa và không nên lý giải nó như rối loạn nhân cách.

Tiêu chuẩn chẩn đoán cho bệnh rối loạn nhân cách phân liệt:

Xu hướng tách ly ra khỏi các mối quan hệ xã hội và phạm vi bộc lộ cảm xúc bị giới hạn trong các mối quan hệ cá nhân, bắt đầu vào đầu thời kỳ đầu tuổi trưởng thành và thể hiện trong nhiều phạm vi, ngữ cảnh khác nhau, và có bốn dấu hiệu sau đây (hoặc hơn):

Không có mong muốn, hoặc thích thú những mối quan hệ thân thiết, bao cả mối quan hệ gia đình.

Gần như lúc nào cũng chọn những hoạt động đơn độc.

Có rất ít, hoặc không hề có hứng thú gì với các hoạt động tình dục với người khác.

Cảm thấy rất ít, hoặc không hề cảm thấy khoái lạc trong bất kỳ hoạt động nào.

Không hề có bạn thân, hoặc bạn tâm tình ngoại trừ cha mẹ, anh chị em ruột thịt, con cái.

Lãnh đạm trước những lời chỉ trích hoặc khen ngợi từ người khác.

Cảm xúc lạnh lùng, tách ly, không hề dao động nhiều.

Những triệu chứng này không phải là hệ quả từ việc dùng thuốc hoặc từ các điều kiện sinh lý y tế để được chẩn đoán là rối loạn nhân cách phân liệt.

Để hiểu rõ thêm về bệnh này, mời các bạn đọc case sau đây:

Roger là một sinh viên tình nguyện giúp đỡ trong phòng thí nghiệm của một trong những giáo sư tâm lý học của anh. Roger rất có trách nhiệm, đi làm đúng giờ và hoàn thành công việc mà anh ta được giao. Tuy nhiên, anh có vẻ tách ly với công việc, chưa bao giờ quá phấn khích hoặc có vẻ thích thú công việc của mình dù anh đã tình nguyện được vài mùa học. Roger thường làm việc tại phòng thí nghiệm vào buổi tối. Có một số dịp, một số sinh viên khác phàn nàn với giáo sư rằng Roger đã "trừng mắt" nhìn họ. Khi buộc phải kể chi tiết, những sinh viên này nói khi họ để mở cửa phòng làm việc mình, đôi lúc họ quay lại và thấy Roger đứng ngay cửa nhìn họ. Một số sinh viên nữ khác thì nói anh ta giống như "ma" vậy và đóng cửa phòng làm việc của mình.

Roger sống với em trai mình, cậu ta cũng học cùng trường với anh. Em trai anh dường như là người giải quyết hết mọi công việc thường ngày giống như là qua lại với chủ nhà, mua sắm vật dụng và trả phí điện nước. Do đó Roger có cuộc sống như được bảo vệ và phần nhiều thời gian anh ta dùng để học, đọc sách và lướt mạng. Anh ta không bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận hay hoạt động nào. Giáo sư ban đầu nghĩ anh ta bị thế là do thuốc nhưng sau khi hỏi thì biết được Roger không dùng bất kỳ loại thuốc nào. Sau khi tốt nghiệp với bằng tâm lý học, Roger quay về sống với ba mẹ, anh sửa lại phần trên nóc gara và sống ở đó, không phải trả tiền thuê suốt 15 năm. Cứ vài năm thì anh sẽ viết email cho giáo sư kể về cuộc sống của mình, nhưng khi giáo sư trả lời thì email không gửi đi được do "địa chỉ không tồn tại". Có vẻ như Roger đã dùng cách gì đó để giữ bí mật địa chỉ email của mình.

Rất dễ thấy trong trường hợp Roger rằng anh ta bị mắc rối loạn nhân cách phân liệt với các triệu chứng như: không hề có bất kỳ mối quan hệ thân thiết với người khác, làm việc đơn độc, không hề cảm thấy hứng thú, khoái lạc trong bất kỳ hoạt động nào, không hề có bạn thân và cảm xúc lãnh đạm, tách ly với công việc. Ngoài những triệu chứng này ra thì anh ta hoạt động trong công việc của anh ta có thể nói là bình thường, đi làm đúng giờ và làm đúng việc được giao.

Nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách phân liệt cho đến nay còn chưa rõ và hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh rất ít. Tuy nhiên yếu tố di truyền và môi trường đều được cho là có vai trò trọng yếu trong nguyên nhân. Trong một số trường hợp, rối loạn nhân cách phân liệt thường xảy ra trước rối loạn tâm thần phân liệt và tỷ lệ mắc bệnh rối loạn nhân cách phân liệt thường xảy ra cao hơn đối với người có tiền sử gia đình mắc rối loạn tâm thần phân liệt cho thấy bệnh này có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một số chuyên gia sức khỏe tâm lý cho rằng thời thơ ấu trống trải thiếu vắng sự ấm áp và cảm xúc đóng góp vào phần phát triển bệnh lý.

Như các bệnh rối loạn nhân cách khác, người mắc rối loạn nhân cách phân liệt thường không tự tìm kiếm sự giúp đỡ, họ hài lòng với lối sống của mình và không cảm thấy đó có gì là sai cả. Nhưng khi họ tìm điều trị thì tham vấn tâm lý là phương pháp được dùng nhiều nhất. Chữa trị thường tập trung vào tăng cường những kỹ năng sống, đồng thời cũng cải thiệm những mối quan hệ xã hội, giao tiếp và sự tự tôn (tầng thứ tư của tháp Maslow). Bởi vì sự tin tưởng là một phần quan trọng trong chữa trị nên chữa trị có thể trở nên thách thức với các chuyên gia, bởi vì bệnh nhân rối loạn nhân cách phân liệt thường gặp khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ với người khác.

Thuốc ít được dùng để điều trị rối loạn nhân cách phân liệt. Tuy nhiên nó có thể được kê khai nếu bệnh nhân đồng thời mắc những bệnh tâm lý khác như trầm cảm.

Có một lần có người gửi câu hỏi tư vấn cho bọn mình, INTP có phải là rối loạn nhân cách phân liệt hay không? Câu trả lời là không. INTP là một trong 16 loại tính cách dựa trên MBTI test còn rối loạn nhân cách phân liệt là một dạng rối loạn bệnh lý. Mặc dù người INTP thường e thẹn và tách biệt với môi trường thế nhưng họ vẫn cảm thấy vui vẻ, thích thú với những mối quan hệ thân thiết, trong khi người rối loạn nhân cách phân liệt thì không. Người INTP có thể trải nghiệm đủ loại cung bậc cảm xúc thế nhưng cảm xúc của người rối loạn nhân cách phân liệt rất ít, vô vị và trống rỗng. Người INTP có thể hăng hái say mê với những ý tưởng công việc, còn người rối loạn nhân cách phân liệt thì không hề cảm thấy hứng thú với bất kỳ hoạt động nào.

Người với chứng rối loạn này thường rất ít khi bạo lực vì họ không thích phải giao tiếp, đụng chạm với người khác. Mặc dù hành vi của họ có thể kỳ dị nhưng người rối loạn nhân cách phân liệt thường vẫn có thể hoạt động bình thường trong cuộc sống thường ngày ví dụ như Roger. Tuy nhiên, họ có thể không gầy dựng được bất kỳ mối quan hệ ý nghĩa nào, hoặc có gia đình riêng cho mình.

Cre: Hiroshimi.wordpress.com