Theo nghiên cứu của sinh vật tiến hóa nhất hành tinh: nhân loại; sở dĩ chúng ta tự gọi mình như thế cũng bởi bản thân có rất nhiều cơ quan phát triển vượt bậc: tỷ lệ giữa não bộ và kích thước cơ thể là vô cùng lớn cùng khả năng lưu trữ ký ức, tư duy tốt hơn tất thảy mọi loài mà tạo hóa đã ban tặng cho trái đất. Phần còn lại chính là sự kiêu ngạo không hơn. Thậm chí đến bộ não của chúng ta còn tự nhận rằng nó chính là cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể mà.
Chúng ta thường ngẫu nhiên quan niệm rằng: Cá vàng là loài “gác cổng” của tật đãng trí trong thế giới động vật. Bởi vì tất cả những ký ức được não bộ của chúng tiếp nhận chỉ lưu trữ vỏn vẹn khoảng 3 giây. Nhưng liệu điều đó có phải sự thật không?
Có một nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm như sau: mỗi ngày, ông ta sẽ vừa cho bầy cá vàng của mình ăn trong khoảng thời gian nhất định, đồng thời tạo ra những tiếng vỗ tay theo cùng một nhịp điệu. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy, bầy cá vàng sẽ ngựa quen lối cũ mà mặc định rằng đó là thông báo giờ ăn đã tới. Nhưng thời gian giữa các bữa ăn có thể tính bằng giờ chứ không chỉ còn là 3 giây ngắn ngủi nữa. Như thế chẳng phải đã gián tiếp phủ nhận sự đáng trí của loài cá cảnh vô dụng này hay sao?
Thực ra thì không phải vậy. Nguyên do chúng có thể thực hiện những hành động đó chỉ đơn giản là hệ quả của việc tạo ra những tiếng vỗ tay lặp đi lặp lại mà thôi. Và với khả năng vô hạn của loài người, ta cũng dễ dàng định nghĩa được điều đó hoàn toàn nằm trong khía cạnh “thói quen”.
O O O
Chẳng biết vì sao nãy giờ tôi lại đột nhiên suy nghĩ về vấn đề này. Nhưng nhìn chung thì nó bắt nguồn từ việc bản thân tôi dạo này lại tự ý thức được rằng mình có nghĩa vụ phải đến văn phòng của hội ngày hôm nay, và cả những ngày sau. Thậm chí hoàn toàn không còn có ý kiến phản nàn gay gắt như hồi đầu nữa.
Tuy không thể phủ nhận nhưng để biện minh điều đó sao cho có thể tự an ủi mình nhất, đồng nghĩa với việc tôi cũng phải chấp nhận nó không nằm ngoài khía cạnh “thói quen”. Thậm chí tôi còn cảm thấy hổ thẹn khi tự biết mình đã dễ dàng bị thay đổi về suy nghĩ và thuần phục hơn cả con cá cảnh vô dụng kia.
Nhưng dù có ý thức được tình cảnh ngặt nghèo của mình, tôi vẫn không thể tạo ra được điều gì tích cực mà chỉ lững thững bước đến cầu thang của dãy nhà dành cho giáo viên.
Tiếng trống trường vừa vang lên sau khi cơn mưa âm ỉ kéo dài từ sáng cũng kết thúc. Chẳng biết có phải do biến đổi khí hậu không nhưng thời tiết cứ xấu như thế này suốt mấy ngày nay không dứt. Vài giọt mưa còn đọng trên bề mặt những chiếc lá cây, dần tụ lại thành những giọt nước rồi nhỏ vào vai áo, phần cổ lộ phía sau lạnh buốt. Ống quần hơi ướt là di chứng của việc vừa phải băng qua sân trường toàn những vũng nước, tạo nên cho tôi một cảm giác gây gây khó chịu. Bước vào phần mái hiên đua ra của dãy nhà. Trên hàng gạch hoa xếp thẳng hàng in toàn dấu dày tạo nên những âm thanh lẹp bẹp vang lên trong đầu tôi không dứt.
Trực giác hay phải nói là kinh nghiệm mách bảo khả năng bị trơn trượt rất cao khiến tôi phải nhẩn nha bước từng bước một cách vững chắc và cẩn thận. Vậy nên nó cũng ảnh hưởng tương đối nhiều đến tốc độ di chuyển vốn có của kẻ tự nhận là con cá vàng này.
Ở ngã rẽ cuối cùng, tôi đã bước về phía căn phòng có cánh cửa gỗ nặng trịch và đang đóng im lìm kia. Nếu những người không biết mà nhìn vào, hẳn trong mắt họ nơi đây bí ẩn, đáng ngờ lắm. Và không nằm ngoài tầm mắt khiến tôi ngạc nhiên đôi chút, tại đó xuất hiện một bóng người lạ hoắc, đang thập thò trước cửa, lưỡng lự chưa muốn vào như tôi trong những ngày đầu đến hội vậy.
Ngay lập tức, câu hỏi mà tôi đặt ra không gì khác ngoài từ “who”. Chưa từng nghe Trang hay những thành viên khác nói gì về việc tuyển thêm người mới nên tôi nghĩ có lẽ đây chỉ là khách hàng đến để xin ý kiến hay nhờ giúp đỡ mà thôi. Và đó cũng chính là điểm nghi vấn thứ hai mà tôi nghĩ đến. Nhưng dù gì thì hội cũng sắp có việc cần làm rồi đây.
Cũng bởi chưa chắc chắn về lý lịch của người này nên tôi không biết xưng hô thế nào cho hợp lý, mà chỉ im lặng rồi tiến lại. Nhưng có vẻ như tôi sinh ra không thích hợp để làm điệp viên hay sát thủ nên mọi động thái của tôi nhanh chóng bị đối phương phát hiện. Khi cậu ta quay lại, tôi chỉ bối rối mà “à” lên một tiếng rồi dùng biểu cảm lạ lẫm, ngạc nhiên như để ép cậu ta trả lời trước. Hiểu ý tôi, cậu ta lập tức hỏi một câu tưởng chừng cho có lệ:
- Ừm, em là người của hội à?
Đến lúc này, chỉ cần dựa vào cách xưng hô không chút khách sáo cùng những con số được in rành rành trên chiếc thẻ đeo trước ngực, tôi đã không còn phân vân gì nữa mà xác định luôn đây chính là một đàn anh lớp trên, liền gật đầu:
- Vâng, anh đến đây có việc gì không ạ!
Dành cho tôi một ánh mắt dè dặt, nghi ngờ kèm theo sự ái ngại. Và với một biểu cảm như thế, việc anh ta úp úp mở mở cũng là điều dễ hiểu:
- À, không có nhiều gì đâu, anh đến đây có chút việc riêng thôi.
Cái quái gì vậy chứ? Trông bộ dạng của tôi không đáng tin đến vậy à? Nhưng đó cũng là một việc hiển nhiên thôi, không chỉ riêng anh ta mà ai lần đầu đến gặp tôi cũng đều nghĩ vậy cả. Có lẽ, tất cả cũng là do “thói quen” luôn quan sát mọi thứ xung quanh và phân tích con người đã tạo ra những hiểu lầm không đáng có. Chí ít thì ngay tại đây và ngay lúc này, tôi có thể tìm ra một ví dụ điển hình.
- Vậy thì anh cứ vào trong đi, nếu có chuyện gì thì hội sẽ đưa ra phương án giải quyết giúp anh.
Vừa nói, tôi vừa với tay mở cửa, đồng thời đứng nép sang một bên, tỏ ý nhường chỗ cho anh ta bước vào. Tuy không thể hình dung lại được thái độ lần đầu tiên tôi đến đây nó khôi hài đến cỡ nào. Nhưng sau khi chứng kiến dáng vẻ lo lắng, ái ngại, một tay xoa đầu rồi đưa xuống vuốt lại quần áo. Ánh mắt nhìn ngó xung quanh một lượt trước khi đổ dồn xuống cơ thể mình, tôi cũng mường tượng ra đôi chút.
Cơn gió mát lạnh từ điều hòa mọi ngày hôm nay không thấy xuất hiện. Dường như đã quá quen với cảm giác bị những luồng khí nhiệt độ thấp đột ngột phả vào người, khiến cơn mệt mỏi thường trực trong cơ thể giảm đi đôi phần. Nên tôi đã mặc định rằng những thứ mà bản thân được quyền hưởng thụ ở hội vốn dĩ là một điều hiển nhiên. Có lẽ tôi thật sự không được vững bền về chính kiến như loài sói hoang máu lạnh, dễ dàng bị thay đổi, thích nghi bởi ngoại cảnh lắm.
Sau khi anh chàng kia bị tấm rèm che khuất, tôi cũng theo sau, vừa với tay đóng cánh cửa gỗ nặng trịch. Quay đầu nhìn vào bên trong nhằm định hình lại những thành viên đã có mặt: Trang, Đức, Hải và Chi. Nhìn chung thì còn thiếu Nam, Ngọc và cô Phương. Lớp chọn đúng là bận rộn thật nhỉ. Nhưng mà chỉ với vài thành viên chủ chốt như vậy cũng đủ khả năng để lắng nghe và giải quyết những vấn đề khó khăn rồi.
Không quan tâm đến thái độ nửa muốn giấu diếm nửa lại không, cố ra vẻ khó trình bày của anh ta, tôi chỉ nhìn vào trong rồi đáp gọn lỏn:
- Có khách này!
- À- hơi lúng túng, Anh ta khẽ cúi đầu trước những người đang có mặt rồi bắt đầu giới thiệu lý do chẳng hơn gì cuộc nói chuyện với tôi- Anh muốn nhờ hội giải quyết một số vấn đề cá nhân thôi.
- Vậy ạ?- hẳn là đã ý thức toàn bộ tình hình hiện tại, Đức liền đứng dậy, tươi cười niềm nở- chúng em sẽ sẵn sàng lắng nghe và giúp đỡ anh trong khả năng có thể.
Vẫn nghĩ rằng hệt như mọi ngày, tất cả những công việc mà hội phải làm đều không thuộc khả năng nên tôi đã nghiễm nhiên tự coi bản thân là ngoại lệ. Chỉ những công việc như dọn vệ sinh hay lao động chân tay, may ra mới đến lượt tôi chứng minh sự hữu dụng của mình một cách miễn cưỡng. Vậy nên vẫn cứ tỏ ra không quan tâm đến thế sự, mặc kệ những lời chào hỏi của mọi người. Hải nhanh nhảu chạy đi tìm ghế còn Chi thì cố định với công việc rớt nước của mình một cách nhịp nhàng.
- Anh là Trịnh Thành Duy, lớp trưởng của Chi đoàn 12A6. Các em có thể vui lòng giúp anh việc này được không?
Vốn dĩ đã định lôi quyển sách đang đọc dở trong cặp ra rồi, nhưng sau màn giới thiệu vừa rồi, đột nhiên có một thứ gì đó hối thúc sự tò mò, khiến tôi gần như đã quên đi dự định ban đầu. Không phải do cách ăn nói của anh ta, cũng chẳng phải cái tên này tôi từng nghe ở đâu đó rồi. Chỉ là trực giác mách bảo tôi rằng sắp có một điều gì đó thú vị xảy đến, có thể khỏa lấp phần trống rỗng trong tôi suốt những ngày qua hệt như bầu trời vẫn mưa tầm tã.
- Anh cần chúng em giúp việc gì ạ?- Đức tiếp lời.
- À, ừm- lúc này, dáng vẻ lo lắng của anh chàng tên Duy kia trở nên rõ rệt y như lúc đối mặt với tôi ở trước cửa. Rồi anh ta bắt đầu nói- Các em có thể giúp anh tìm lại số tiền đã mất được không?
Rắc rối tới rồi đây. Có một sự thật rằng khi nhặt được tiền, ta chỉ vui trong đôi chút. Nhưng khi vô tình làm mất đi tiền hay bất kể tài sản gì đó có giá trị, chúng ta sẽ buồn rất lâu. Thế nên giờ đây, nếu có đứng trên cương vị của Duy, hẳn tôi cũng sẽ cực kỳ tiếc nuối và tự trách sự bất cân của bản thân mình lắm. Ngay lúc này, để tiện cho việc tìm hiểu mọi thứ sẽ là những câu hỏi và câu trả lời nối tiếp nhau xuất hiện từ hai phía. Cũng đồng nghĩa sau màn dạo đầu thẳng vào vấn đề của Trang chính là sự tò mò của Đức:
- Số tiền đó khoảng bao nhiêu ạ? Anh làm mất ở đâu và khi nào?
- Đó là số tiền mà lớp anh dành để mừng ngày 20 tháng 10 cho các bạn nữ- Duy bắt đầu ngập ngừng kể- vì là năm cuối nên bọn anh quyết định ga-lăng một chút và sẽ tổ chức có phần tương đối lớn. Nên chiếu theo nguyện vọng của phần đông thì mỗi học sinh phải đóng số tiền là 100000₫. Cả thảy có 21 học sinh nam nên tổng số tiền là 2100000₫. Vì là lớp trưởng nên mọi người đã tin tưởng và giao cho anh nhiệm vụ thu và giữ tiền, tính toán các khoản chi tiêu sao cho hợp lí. Thế nhưng lại đột nhiên làm mất như này, anh cảm thấy lo lắng và áy náy lắm.
Chà chà, bản thân tôi sẽ chẳng bao giờ nói ra cảm xúc của mình một cách dễ dàng như vậy. Nếu có thể đưa ra lời nhận xét về vị khách đang ngồi phía bên phải này, tôi sẽ không ngần ngại mà nói rằng: anh ta tự bày tỏ ra những khó khăn của bản thân như vậy, chỉ đơn thuần hòng để đòi hỏi sự thương hại từ người khác mà thôi.
Còn về câu chuyện qua lời kể của Duy, tôi nghĩ nó có phần hơi ép buộc. Cái gì mà năm cuối cơ chứ? Từ thời cấp 2, tôi đã chán nghe đến cái từ này lắm rồi. Cứ lấy việc chia ly, xa cách ra để đòi hỏi thứ gọi là kỷ niệm, không biết tôi đã phải đốt bao nhiêu tiền để chạy theo làm hài lòng cái tập thể, mà nhận lại là toàn những thứ phù phiếm và vớ vẩn rồi nữa. Chưa kể hoàn cảnh mỗi học sinh cũng chẳng phải giống nhau. Có người từ bé đến giờ không biết lo đến vấn đề tiền bạc, lại có kẻ mỗi khi chi tiêu cái gì cũng phải nhìn đến cái giá đầu tiên. Việc lấy lý do đấy ra để bắt người khác phải giống mình, quả là một lũ vô tâm khốn kiếp. Và số tiền 2100000₫ chỉ để tổ chức một ngày 20/10 thôi đã là quá lớn rồi, chưa kể từ giờ đến cuối năm vẫn còn rất nhiều những sự kiện khác đòi hỏi một nền tảng kinh tế lớn hơn nhiều.
Rồi anh ta tiếp tục kể:
- Ừm, thời gian thu tiền là khi kết thúc tiết học vào chiều ngày 16 tháng 10, tức là ngày hôm kia. Sau khi tan học là anh về nhà luôn, không đi đâu khác nữa. Tối đó anh còn lôi ra để đếm lại và cất vào cặp cẩn thận rồi. Nhưng đến chiều ngày hôm qua, vì lớp anh được nghỉ nên đã ở nhà để tính toán các khoản chi tiêu thì phát hiện số tiền đã hoàn toàn biến mất. Còn nữa, sáng hôm qua tức ngày 17 tháng 10, trong khi đi học, anh có tạt qua cây xăng. Vậy nên anh nghĩ rằng khả năng bỏ quên ở nhà là vô cùng thấp.
Nếu như Duy đã chắc chắn đến như vậy thì chúng tôi bắt buộc phải tin, bởi lẽ cho dù có cố gắng nghĩ rằng anh ta đãng trí thật thì lại chẳng khác nào đề cao sự bảo thủ, vô trách nhiệm của mình. Và một khi đã tin vào ai đó thì chúng ta chỉ còn cách bám sát vào câu chuyện của họ mà thôi. Tôi liền gật gù, quay sang vị khách đang ngồi đó mà tóm gọn lại toàn bộ những thứ mình vừa nghe sao cho dễ hiểu nhất:
- Nhìn chung thì số tiền đó đã bị mất từ sáng đến trưa ngày hôm qua, trong suốt thời gian anh có mặt ở trường. Anh đã chắc chắn rằng mình không đi đâu ngoài nhà và lớp thì em tin ý anh muốn nói rằng thủ phạm chính là một trong những thành viên của lớp 12A6. Tóm lại là thế đúng không?
Thấy tôi nói trúng tim đen, Duy ngạc nhiên rồi nửa gật đầu xác nhận, nhưng lại mang hàm ý như muốn phủ định nó:
- Có thể là một ai đó khác chăng? Chứ khi đứng ra thu tiền, Anh không thấy ai phản đối hay có thái độ bất mãn gì cả. Nên anh không nghĩ rằng một người hài lòng với việc góp vốn lại muốn ăn trộm cả.
- Anh nghĩ hài lòng nhưng em lại thấy hài hước- tôi phì cười- chẳng có cơ sở nào chứng minh được thứ mà anh coi là trực giác cả. Vậy nên hãy thôi cái trò tin tưởng chỉ dựa qua thái độ và hành động của người khác đi. Vả lại em vốn chẳng thể hiểu được mục đích của anh vì những cái lý do nửa vời như vậy đâu. Sau cùng thì anh muốn tìm lại số tiền và vạch trần thủ phạm hay chứng minh sự trong sạch của những kẻ anh gọi là bạn đây?
Dường như có đôi chút mất bình tĩnh hoặc đơn giản chỉ là hết chịu nổi cái suy nghĩ muốn làm mọi chuyện thêm khó khăn của Duy, tôi buột miệng gạt phắt ngay. Nhưng khi phát hiện ra sự bất cẩn trong lời nói của mình, tôi đành phải ăn theo sao cho khớp bằng cách trở lại thái độ luôn khinh thường người khác mọi khi.
Bất ngờ với lời nói hách dịch của mình, tôi không biết nói gì hơn nên để im lặng. Và cũng chính điều đó đã khiến không khí trong phòng đột nhiên trở nên căng thẳng. Tất cả ánh mắt của mọi người đều đổ dồn vào tôi, nhìn chằm chằm. Những lúc thế này chúng ta mới biết được sự nặng nề của thứ sức ép vô hình mang tên bầu không khí. Và có lẽ giờ đây cũng vậy, một sự bối rối đang nhen lên trong tôi, đồng thời, tôi bất giác quay mặt đi hướng khác để trốn tránh điều đó, nhỏ giọng:
- Vậy nên chúng ta chưa thể loại họ ra khỏi vòng nghi vấn ngay được, nếu không muốn nói một trong số họ chính là kẻ trộm.
- Anh hiểu rồi- có lẽ với tâm trạng của đàn anh vừa bị một thằng nhóc kém tuổi hơn lên lớp thì hành động của anh ta lúc này cực kỳ trái với dự đoán ban đầu của tôi, rằng anh ta sẽ tỏ thái độ không vui, có thể gây ra đôi chút khó dễ cho hội. Nhưng Duy chỉ im lặng rồi chấp nhận như thể đã hiểu ra cái sai trong lý luận của mình. Nhìn chung thì như thế cũng là điều tốt.
Rồi như đẻ giải tỏa tình hình căng thẳng hiện tại, tôi chủ động kéo mọi người trở lại chuyện chính:
- Thế tại sao anh không tìm sự trợ giúp từ giáo viên chủ nhiệm? Chẳng phải ở mỗi lớp đều có lắp camera sao? Chỉ cần yêu cầu là có thể tìm ra và dễ dàng xử lý thôi.
Dù sao thì đã đến tận đây chỉ để nhờ vả những vấn đề khó khăn như vậy, thay vì tìm trợ giúp từ những người có thẩm quyền không phải là đi đường vòng hay sao? Và phương án mà tôi đang hướng tới chính là bàn lùi, chỉ đơn giản là trốn tránh thứ rắc rối gọi là nghĩa vụ của mình mà thôi. Một cách chối bỏ hèn nhát nhưng vô cùng hữu dụng.
- Từ sáng đến giờ anh cũng đã định như thế vào cuối buổi. Thế nhưng sau đó lại nghĩ vì không muốn làm to chuyện. Bởi vì nếu vụ này mà lộ ra thì hẳn rằng lòng tự trọng, nhân phẩm cùng ánh mắt của người khác nhìn vào họ sẽ bị thay đổi hoàn toàn. Vậy nên anh mới tìm cách nào kín đáo, an toàn hơn, cốt để dành ra một đường sống cho người đó nữa.
Ra là vậy. Đúng là để đứng ở cương vị của một lớp trưởng, việc cố gắng giành được sự tin tưởng của cả lớp là phải chấp nhận đánh đổi bằng những thiệt thòi, sự bao dung hão huyền, những hi sinh nhỏ nhặt nhưng được nhiều người biết là điều cơ bản và cần thiết. Có vẻ như đã thấu hiểu được tình thế ngặt nghèo của Duy, Trang chỉnh lại tư thế ngồi, khẽ đưa tay vén mấy lọn tóc mai ra sau vành tai rồi nói:
- Vậy mục đích của anh đến đây ngày hôm nay là vừa để tìm lại số tiền đã mất, vừa muốn bảo vệ danh dự và nhân phẩm của thủ phạm, đúng không?
- Đại loại là như vậy!- Duy gật đầu- mà các em biết anh Mạnh học 12A1 không?- đột nhiên anh ta xoay câu chuyện sang hướng khác rồi nhìn khắp xung quanh một lượt để chờ đợi lời xác nhận từ chúng tôi.
Mạnh nào nhỉ? Hiển nhiên là tôi không biết người nào như vậy. Thậm chí, tuy đã học cùng lớp gần một năm nay, thế nhưng vẫn còn đến hơn nửa thành viên tôi chưa một lần giao tiếp. Nửa còn lại, họa huần chỉ là nhờ vả hay thỉnh thoảng có bàn giao công việc mà thôi. Vậy nên những lớp bên cạnh hay khối trên khối dưới, đối với tôi chung quy cũng chỉ là người dưng nước lã. Nhưng Đức thì khác, quả không hổ danh là kẻ quan hệ rộng, một con người của xã hội, cậu ta “à” lên một tiếng rồi gật đầu:
- Có ạ! Em nghe kể lại anh ấy từng là hội trưởng của hội chúng em năm ngoái. Em cũng mới vào hội đầu năm nay thôi nên không được tiếp xúc nhiều nhưng cũng có gặp qua một vài lần, chủ yếu là khi anh ấy về để bàn giao sổ sách và hướng dẫn công việc. Nên cũng có gọi là quen biết.
Ra là hội trưởng cũ à? Thỉnh thoảng, qua các cuộc trò chuyện giữa những thành viên của hội, tôi cũng có nghe qua họ nhắc đến cái tên này một vài lần, nhưng suy cho cùng cũng không phải chuyện của mình nên tôi chẳng thèm quan tâm làm gì. Còn Đức thì không như tôi, cậu ta đang có ý định đi sâu vào vấn đề hay đơn giản chỉ là cố kéo dài cuộc trò chuyện mà thôi:
- Anh ấy bảo sao ạ?
- À, ừ, anh là bạn với cậu ấy, trước đây bọn anh có học cùng hồi cấp 2 nên cũng khá thân thiết với nhau. Có vài lần cậu ta nhắc đến hội, khuyên anh rằng nếu có gì khó khăn, thậm chí là tìm lại đồ cũng hãy tìm đến đây, hội sẽ sẵn sàng giúp đỡ.
Vậy là qua sự giới thiệu của anh chàng tên Mạnh kia à? Thật là cái hội này rỗi rãi đến mức tụ tập toàn những kẻ thích ôm việc vào người. Bộ các người nghĩ cuộc sống an nhàn đã đến sớm như vậy sao?
Quả đúng như tính cách thiếu kiên nhẫn của mình, Trang không chờ đợi được nữa mà đi thẳng vào vấn đề chính bằng chất giọng nghiêm nghị, như muốn ăn tươi nuốt sống vị tiền bối tội nghiệp này:
- Tóm lại thì anh muốn chúng em xem hộ đoạn phim được ghi từ camera của lớp phải không? Có vẻ như anh Mạnh đã nói trước với anh rồi nhưng đúng như quyền hạn của mình, chúng em có thể tùy ý sử dụng một số máy móc và cơ sở vật chất của trường để tiện cho công việc. Thời điểm bị mất tiền là từ sáng đến trưa ngày hôm qua, nhưng nếu chỉ nói chung chung mà không có thời gian cụ thể thì rất khó. Anh có còn nhớ lúc nào bản thân lơ là cảnh giác nhất không? Như là rời khỏi chỗ trong một khoảng thời gian tương đối cũng được?
- Ừm- Duy nhíu mày, bắt đầu nhớ lại những sự việc nổi bật xảy ra ngày hôm qua của mình- Hôm qua lớp anh học 5 tiết, đó là Toán, Sử, Thể dục, Hóa, Sinh. Hai tiết đầu anh chỉ đứng dậy để báo cáo sĩ số cho giáo viên bộ môn chứ không có đi ra khỏi chỗ. Anh thường đi ăn sáng vào ra chơi tiết 2. Và môn thứ tư ngày hôm qua là tiết thực hành dưới phòng Hóa học nữa. Có nghĩa là từ ra chơi tiết hai đến khi bắt đầu tiết năm là thời gian quản lý có phần lỏng lẻo, chủ quan nhất.
- Vậy là từ 8:50 đến 10:55 à? Vậy thì khả năng cao chúng ta phải xem một đoạn video có thời lượng 125 phút. Xem ra cũng khá mệt đây.
“Chà, khả năng tính toán vẫn nhanh như ngày nào, không hổ danh là một thiên tài của trường". Tôi nhìn Trang, trong lòng thầm thán phục. Nhưng hình như còn hơi thiếu cái gì đó, tôi chỉ mới suy nghĩ như vậy thôi, ngay lập tức cậu ta đã nói ra những điều đó không chút ngại ngần:
- Việc mất tiền có thể không chỉ diễn ra trong những giờ ra chơi đâu. Thậm chí trong các tiết học, chỉ cần muốn và có gan làm, những người mang dã tâm đó vẫn có thể hành động bất kỳ lúc nào họ cho rằng anh lơ là cảnh giác nhất.
Quả thật là vậy! Khi còn học ở trường cũ, và cả hồi còn học cấp 2, không biết đã bao nhiêu lần tôi bị lũ bạn bàn dưới thó mất sách vở trong chiếc cặp đặt ngay bên cạnh, thậm chí nhiều khi, do quá chủ quan mà khi quay sang, bóng dáng chiếc cặp cũng không còn hiện diện ở nơi ấy nữa. Bởi vậy nên mỗi khi rơi vào việc bị mất trộm đồ, tôi lại không thể loại trường hợp đó ra được, thậm chí còn nghĩ ngay đến nó đầu tiên.
- Anh nghĩ điều đó là không thể đâu!- đột nhiên Duy đập tan suy nghĩ của chúng tôi và bắt đầu giải thích- vị trí chỗ ngồi của anh là bàn dưới cùng của dãy ngoài. Chiếc cặp luôn được đặt sát cửa sổ. Vậy đến 3 hướng trái, phải, dưới hoàn toàn không có sơ hở để một người bình thường có thể manh động được. Còn hướng bên trên tuy là lộ liễu nhất nhưng luôn được bao quát trong tầm nhìn của anh. Vì là lớp trưởng nên anh chắc chắn rằng mình không ngủ gật hay lơ đãng trong giờ học đâu.
Vừa mường tượng ra tọa độ vị trí của Duy trong lớp, tôi vừa mông lung suy nghĩ. Tại sao anh ta lại tin tưởng vào bản thân mình đến thế? Dù sao thì chúng ta cũng là con người, mà đã là người thì làm sao tránh khỏi thiếu sót. Nhưng như đã nói từ đầu, nếu như đương sự một mực chắc chắn đến như thế thì chúng tôi cũng chẳng cố chấp được gì. Có lẽ cũng giống tôi, Trang dường như đã thấu hiểu được tình trạng vô tình muốn làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Cậu ta thở dài:
- Thế thì trước mắt, chúng ta cứ làm như đã bàn vậy.
Hà, phải ngồi đó theo dõi một đoạn video vô vị có khả năng dài đến 2 tiếng, nghĩ mà nản quá nhỉ?
Nhưng một người đã từng nói: “những kẻ lười biếng chính là những kẻ có khả năng tạo ra phương án làm việc thông minh nhất”. Và tuy không phải là kẻ thông minh nhưng tôi chính là nhân chứng sống, ví dụ điển hình của những tên đại lãn. Chẳng biết có nhận được nhiều sự đồng ý hay phản đối nhưng có còn hơn không, tôi đề xuất:
- Hay là thế này, nếu sử dụng ứng dụng trên điện thoại, chúng ta cũng có thể xem đoạn phim đã được ghi lại qua camera như máy tính đúng không? Vậy thì tại sao không chia nó ra làm hai phần tương đương nhau? Chẳng phải như thế sẽ dễ dàng và mất ít thời gian hơn sao?
- Tôi cũng nghĩ thế- Trang tiếp lời, vừa nói vừa lục tìm chiếc điện thoại cất trong cặp- chúng ta sẽ thực hiện như cậu ta nói. Chia làm 2 nhóm, nhóm 1 sẽ xem từ 8:50(tức là ra chơi tiết 2) đến ra chơi tiết ba là 9:50. Nhóm 2 sẽ theo dõi từ đó đến hết ra chơi tiết 4 là 10:55.
Nói xong, cậu ta liếc mắt về phía Đức, ra hiệu. Hiểu ý, Đức liền đứng dậy, không chút phàn nàn gì, điềm nhiên tiến lại vị trí đặt chiếc máy tính, vừa nói:
- Các cậu theo dõi nửa đầu đi, tớ sẽ xem nữa sau cho.
Rồi cả hai bắt đầu thực hiện một vài thao tác đăng nhập vào máy chủ để tiếp cận camera của trường, đồng thời tua lại đoạn video được lưu trữ từ ngày hôm qua. Sau khi màn hình hiển thị, cả sáu con người chẳng ai bảo ai, tự giác chia làm 2 nhóm, im lặng theo dõi nhất cử nhất động của lớp 12A6.
Tuy chỉ dựa vào những chức năng ít ỏi từ ống kính camera, chúng tôi không thể nào tái hiện lại tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ học kết thúc. Nhưng nhìn vào những động thái lục tục đứng dậy của cả lớp, thu dọn sách vở, biểu cảm vui vẻ, trò chuyện nhiệt tình giữa các học sinh, ai cũng nhận thấy giờ ra chơi đã đến, đồng nghĩa với thời gian mà cả hội đang nhắm tới đã bắt đầu.
Theo vị trí chỗ ngồi của mình mà Duy tiết lộ ban nãy, tôi hướng mắt vào thì quả nhiên với chiếc cặp đặt sát tường, cả ba phía đều có một hàng phòng thủ chắc chắn như vậy. Đúng như anh ta nói, việc bị mất trộm trong giờ học là điều bất khả thi.
Qua màn hình trên điện thoại, sau khi ra hiệu cho cả lớp đứng im để chào giáo viên lúc tiết học kết thúc, Duy ngồi xuống, lục tục thu dọn đồ dùng học tập, cất vào cặp, rồi kéo khóa lại cho cẩn thận. Lục tìm hai bên túi quần, có lẽ là xác định lại số tiền mà mình dành để ăn sáng. Xong xuôi, anh ta bước ra khỏi chỗ, người ngồi bên ngoài cũng đã không còn ở đó nữa, chắc là có việc cá nhân gì cần giải quyết chăng? Hình ảnh tái hiện lại của Duy rảo bước ra hành lang, khuất dần rồi biến mất hẳn sau khung cửa sổ.
Vị trí đó giờ đây chỉ còn là khoảng trống và cũng là mục tiêu trong tầm nhìn của chúng tôi. Thời gian dần trôi, những thành viên khác của phòng học 12A6 cũng kéo nhau ra ngoài, dường như để mau chóng xuống phòng thể dục nhằm chuẩn bị cho tiết học tiếp theo. Khi người cuối cùng hướng theo mục đích của tập thể, anh ta còn không quên với tay tắt quạt, tắt đèn, đóng cửa và vội vã bước đi. Điệu bộ không hề tồn tại chút dã tâm hay ý đồ đen tối nào đặc biệt.
5 phút, 10 phút rồi 15 phút trôi qua, căn phòng vẫn vắng lặng cùng với cánh cửa đóng im lìm tạo nên cảm giác an toàn, chắc chắn. Bầu trời hôm đó mưa rả rích khiến đây giống như một thước phim được quay trong hoàn cảnh thiếu ánh sáng đã được tạm dừng lại vậy. Dường như điều duy nhất có thể giúp chúng tôi tự ý thức được rằng mình không hề theo dõi nhầm sang ngày Chủ nhật chính là ngổn ngang những chiếc cặp, sách vở được đặt trổng trơ trên ghế, trên bàn. Thế nhưng điều kỳ lạ nhất là tuyệt nhiên không hề có bất kỳ đối tượng đáng ngờ nào xuất hiện trong không gian trống trải đó nữa.
Nhẫn nại xem thêm khoảng 10 phút, tôi ngáp một hơi dài khiến nước mắt trào ra nơi khóe mắt. Các bó cơ đau nhức do xoay người sau khi đứng lâu trong một tư thế chẳng lấy gì làm dễ chịu. Chán nản, tôi bước qua vị trí của Đức, mong chờ sẽ được thưởng thức thứ gì đó thú vị hơn. Thấy tôi lại gần, cậu ta cũng lắc đầu rồi tóm tắt sơ bộ tình hình:
- Tớ bắt đầu xem từ trước lúc ra chơi một chút. Có vài người đã lên lớp để uống nước và lấy sách vở nhằm chuẩn bị cho tiết tiếp theo, trong đó còn có cả anh Duy. Phần còn lại hình như đã mang đi từ trước tiết Thể dục cho tiện rồi phải không?
Nghe vậy, tôi tự ngẫm lại thì quả nhiên là thế. Đó là những điều mà tôi đã chứng kiến từ đoạn phim đầu tiên rồi. “Ừ!”. Khẽ xác nhận, tôi đưa mắt hướng về phía màn hình máy tính đang phát sáng. Nhưng sau cùng, vẫn hệt như dự đoán khiến tôi hơi thất vọng. Tại đó vẫn chính là một đoạn phim giống hệt như vừa nãy. Qua màn hình tinh thể lỏng, một căn phòng vắng lặng, thiếu ánh sáng, cửa đóng im lìm hiện ra. Nhưng tuyệt nhiên chẳng thứ gì đáng nghi níu kéo sự chú ý của tôi cả.
Có vẻ như chính sự chán chường xuất hiện đã khiến tôi ngẫu nhiên nhớ ra ý định ban đầu, được mặc định mỗi khi đến đây. Chẳng nán lại lâu, tôi đảo bước, tiến về phía vị trí thân thuộc của mình, lôi quyển sách đang cất trong cặp ra, lật giở, lướt mắt soát lại vị trí mình đang đọc và bắt đầu nghiền ngẫm. Sau cùng thì nghiện “ma túy giấy” đúng là khó bỏ thật.