[Thập Niên 80] Thời Niên Thiếu Của Yến Yến

Chương 46: Đồng Loại Nguy Hiểm (1)

Cô muốn anh nhớ cô nằm lòng, bất cứ lúc nào nhớ đến cũng cảm thấy Chung Oánh là một nhân vật phản diện đáng yêu và hám tiền. À không, là một cô bé ngoan.

Trong khoảng thời gian nửa năm, vừa phải tìm một lý do chính đáng để tiếp cận anh, vừa phải gieo một hạt giống tình yêu vào anh, còn phải làm sao cho không để lại dấu vết, không liên quan gì đến mình, giữ hình tượng cô thiếu nữ ngây thơ, hồn nhiên. Độ khó tương đối cao.

Nghĩ đi nghĩ lại, Chung Oánh quyết định chấp nhận lời đề nghị dạy kèm của Yến Thần, xếp hạng hai trăm sáu mươi sáu chính là lý do tốt nhất, không có gì chính đáng hơn chuyện học hành. Một học sinh ngoan có lòng cầu tiến, tiếp cận anh một cách vô cùng chính đáng, không ai có thể móc tim gan của cô ra để xem nó đỏ hay đen.

Cái lần Lão Chung đưa cô đi mua quần áo Tết đã tiện thể rẽ vào cửa hàng sách Tân Hoa, Chung Oánh mua một lèo bảy tám quyển sách hướng dẫn, mấy bài thi viết cũng là những câu mà cô tìm được trong đống sách này. Cô không chỉ chuẩn bị mỗi một trang mà có đủ thể loại đề khó đề lạ, rườm rà rắc rối, tất cả chỉ vì muốn được Yến Vũ giảng bài cho.

Số sách này đều được xuất bản vào những năm 85 - 88, hầu hết đều là bài tập so sánh, các thầy cô dạy toán có tiếng, nội dung có khó có dễ, dạng đề hạn hẹp, phân tích cứng nhắc, không biến tấu một chút chỉ sợ là không xứng với bậc đại thần như Yến Vũ.

Vi tích phân cũng là một vấn đề nan giải đối với cô, vắt óc nghĩ ra mấy câu đã là chuyện không dễ dàng gì. Thật ra 30 năm sau có rất nhiều người đã bắt đầu tiếp xúc với vi tích phân. Theo như quan sát ở trường, cô cho rằng học sinh cấp ba hiện giờ vẫn ở trong giai đoạn chỉ học những thứ thiếu thực tế, rất ít người chịu khó nghiên cứu kiến thức ngoài phạm vi kỳ thi tuyển sinh đại học.

Liệu Yến Vũ có như vậy không thì khó nói, nhưng mục đích của cô cũng không phải nhờ anh giải bài tập.

Yến Thần chưa kịp xuống gọi, Yến Vũ đã tự lên. Đối diện với ánh mắt khát khao tri thức của hai học sinh lớp mười, anh quay sang nhìn bài tập được coi là khó kia.

“Tìm đạo hàm riêng cấp hai?” Anh ngước nhìn Chung Oánh: “Em tìm đâu ra bài này vậy?”

“Trong một quyển sách ạ.”

“Sách nào thế?”

“Sách hướng dẫn toán học.” Chung Oánh bình tĩnh đáp: “Ba em mua cho em nhiều quyển lắm, nhiều bài tập như thế, chắc chắn em không làm hết được nên đã chép ra một số bài mà em nghĩ là khá khó, đem sang nghiên cứu với Yến Thần, để cùng nhau tiến bộ."

Yến Vũ mím môi, chỉ vào bài tập kia và hỏi Yến Thần: “Em có hiểu đề bài không?”

Yến Thần lắc đầu. Anh lại quay sang nhìn Chung Oánh, cũng nhận được một cái lắc đầu nguầy nguậy.

Yến Vũ không nhịn được cười: “Quá cao siêu so với các em. Giờ có giảng ra, các em cũng không hiểu. Việc học nên làm từng bước, phải nắm vững trọng điểm của lớp mười trước đã. Có gì không biết các em có thể hỏi anh.”

Chung Oánh được nước lấn tới, chỉ ngay vào bộ đề: “Em đã làm hết những bài biết làm trong này rồi, chỉ không biết đúng hay sai thôi. Anh Yến Vũ xem giúp em được không? Anh xem bài hàm số lượng giác này..."

Yến Vũ giảng bài, Yến Thần trợ giảng, Chung Oánh nghe rất chăm chú, thi thoảng còn đưa ra câu hỏi và tổng kết lại, chứng minh rằng cô thật sự lắng nghe. Sau nửa tiếng đồng hồ, anh em Yến Thần cảm thấy Chung Oánh tiến bộ thần tốc, học một hiểu mười, chỉ đâu hiểu đấy.

“Oánh Oánh giỏi quá nhỉ!” Yến Thần rất vui mừng: “Biết hết cả rồi còn gì. Thật sự không hiểu sao cậu thi toán chỉ được tám mươi lăm điểm. Lên lớp không tập trung nghe giảng hả?”

Chung Oánh thở dài: “Trên lớp, mình có tập trung nghe rồi. Tiếc là giáo viên toán lớp mình không biết nói giọng miền nào mà cứ giảng nhanh là mình chỉ nghe được bập bõm, đâu có nói rành mạch được như anh Yến Vũ.”