Ngày 15 tháng 11, là ngày bắt đầu sự kiện giao lưu Khoa học Nghệ thuật giữa học sinh Hải Thành và học sinh Giang Hạ. Dù chỉ là hai địa phương phối hợp tổ chức, nhưng lại mang đậm tính quốc tế, thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Ngày 16 tháng 11, sẽ là lễ khai mạc Hội thao thành phố, đồng thời tổ chức cùng với sự kiện giao lưu. Hội thao lần này, phía Giang Hạ sẽ là khách mời danh dự.
Người Bắc Hà cũng có tổ chức Hội thao, nhưng vào một thời điểm khác, vì vậy sự kiện lần này cũng không có phối hợp tổ chức. Hơn nữa học sinh Đại Nam nổi tiếng về quyền thuật và thể thao, phía Bắc Hà cũng không dại gì đem sở đoản của mình ra cọ xát với sở trường của người khác.
Ít ai biết, đang yên đang lành lại lòi ra một cái sự kiện tầm cỡ quốc tế thế này, mà lại tổ chức ở Hải Thành, là vì hai nguyên nhân.
Thứ nhất là lời chỉ đạo của Đại Hùng Kwaruh, bắt Nam Đế Bắc Hoàng cân bằng lại Âm Dương trên lục địa Viễn Đông. Mà cân bằng, chính là tạo cơ hội cho người Bắc Hà giỏi Khoa học Kĩ thuật hơn một chút, còn người Đại Nam thì quan tâm hơn đến Văn học Nghệ thuật một chút.
Thứ hai, là vì Bắc Hoàng tình cờ tìm thấy ở Hải Thành, một manh mối có thể giúp hắn đột phá tầng Vô thức thứ 16. Một cô bé với Linh Thể mạnh mẽ khủng khiếp như vậy, chắc chắn phải có thành tựu lớn về Văn học hoặc Ngôn ngữ, hoặc Tâm lý. Tổ chức sự kiện giao lưu ở Hải Thành, khả năng rất cao sẽ gặp được, mà nếu không, cũng chẳng mất gì.
Chỉ vì vài ý nghĩ của Chí Tôn Cường giả, có thể khiến đời sống dân chúng xáo trộn bấy lâu nay. Truyền thông háo hức đổ xô về Hải Thành, hàng đoàn khách du lịch tìm tới, vật giá tăng cao, người lao động thì khốn khó, người làm dịch vụ thì toét miệng cười.
Nghe nói, thịt Bạch Ngưu từ vịnh Bạch Long, cũng đã xuất hiện ở các chợ lớn của Hải Thành, bán cho khách du lịch với giá hàng ngàn hào một cân. Mà thịt Bạch Ngưu thật hay giả, các cơ quan còn chưa có thời gian đi kiểm định.
Trung tâm của sự kiện lần này, nơi tổ chức, học viện Hải Dương, ngoại trừ dịch vụ lưu trú, còn lại đều mở cửa đón khách. Một học viện to như một quận dân sinh, bỗng nhiên chật cứng người.
3 quận trung tâm còn lại, bỗng nhiên hồ hởi kinh doanh lưu trú, homestay các loại, tiền đổ vào ào ào như nước. Từ người nhà các học sinh Giang Hạ đi theo con em mình, cho tới các du khách tìm tới, ai cũng sẵn sàng bỏ tiền ra để thuê một gian nhà ngay gần khu trung tâm.
Mà các thiếu phụ Giang Hạ, xinh đẹp lộng người, cao sang quý phái, mặc những tà áo dài biêng biếc mượt mà, đi lại khắp Hải Thành, khiến dân chúng nơi đây được dịp bồi bổ đôi mắt. Đặc biệt là ở bãi biển, người đi tắm biển thì một phần, người đi ngắm gái thì chín phần.
Đi ké đoàn người từ Giang Hạ để trở về Đại Nam, còn có Hữu Thành. Đất Giang Hạ nói riêng, và Bắc Hà nói chung, đều để lại cho hắn quá nhiều sự quyến luyến. Đặc biệt là sự mến khách của Hoàng, và đoàn lái buôn, càng khiến hắn bịn rịn không nỡ rời. Hắn còn quá nhiều chủ đề muốn viết, từ Luyện Đan Thuật đầy huyền bí, đến đạo giáo tu tiên, đến Ngũ Hành Kinh thắng cảnh của cả thế giới... Nhưng toà soạn gọi hắn về. Hơn nữa, đích thân Bắc Hoàng ưu tiên cho hắn đi ké phái đoàn lần này về lại Đại Nam. Hữu Thành không thể từ chối đặc ân như vậy. Hắn biết, sự kiện lần này hắn phải theo.
Ngoài hắn ra, còn ai có thể nữa? Hữu Thành ai oán nghĩ thầm. Quá nổi tiếng, thật là khổ sở. Sau đợt này, có lẽ hắn nên im hơi lặng tiếng một thời gian, có thể xin nghỉ phép vài tháng chẳng hạn, đi đâu đó du lịch cho khuây khoả. Tiền nhuận bút mà đài truyền hình Đại Nam bỏ ra để mua hai đoạn phóng sự của hắn, đủ để hắn ăn chơi phè phỡn cả chục năm trời. Sau khi danh tiếng lắng xuống, lại về báo Cộng đồng làm việc nhàn hạ, soi ảnh lộ hàng, sống yên bình tới cuối đời, chẳng phải tốt sao?
Bịn rịn chia tay đoàn thương lái, trao đổi thông tin liên lạc với Hoàng, Hữu Thành nước mắt vắn dài bước lên sân bay trở về Đại Nam.
Đây cũng là lần đầu tiên Hữu Thành tới Hải Thành.
Đoàn xe của Kình Ngư chạy bon bon trên đường vào trung tâm thành phố. Trên đường, bắt gặp một đoàn xe khác chạy cùng chiều.
Nhiều học sinh nhoài người ra phía cửa sổ, vẫy tay cười nói ha ha với đoàn xe bên cạnh.
Ra là đoàn xe trường Duyên Hải, một trường cũng ngang ngang với Kình Ngư, tức là nhìn lên thì không bằng ai, nhìn xuống thì không ai bằng. Hai trường cũng khá gần nhau, giao lưu cũng nhiều, học sinh cũng không quá xa lạ.
Lần đi thi này, có lẽ Kình Ngư và Duyên Hải lại bắt tay nhau cố gắng sinh tồn. Cả hai đều đến từ khu phía Đông, là khu có nhiều người lao động và dân nghèo, nếu không đoàn kết, rất dễ bị đám công tử nhà giàu ức hiếp.
Đoàn xe chạy tới gần trung tâm, bỗng nhiên tiếng còi inh ỏi vang lên. Tài xế hét lên sợ hãi, bẻ quặt bánh lái sát vào lề đường. Vụt một cái, một cái xe khách 3 tầng, to lớn gấp đôi xe của Kình Ngư, vùn vụt chạy qua, bành trướng cả lòng đường. Sau đó, là xe thứ 2, thứ 3...
Từ trên xe của Kình Ngư, ngước lên có thể nhìn thấy, đoàn xe kia không phải ghế ngồi, mà là giường nằm. Nằm chễm chệ trên đó, là lũ học sinh xấc láo, kiêu ngạo, câng câng nhìn xuống lũ học sinh Kình Ngư như một lũ nhà quê. Có đứa còn giơ hẳn bàn chân lên chĩa về phía cửa sổ.
- Đ
* *!
- M* kiếp!
- Bọn chó Vô Cực, cậy mình nhà giàu mà ngon á?!
- Trường chuyên cái đ
* ***!
- Chuyên đéo gì chúng nó, toàn bọn nhà giàu mua điểm để vào, học hành cũng đéo hơn gì ai đâu!
- Mẹ kiếp! Giàu hay không thì đéo biết, nhưng nhân cách đã thấy thối nát đéo ra gì rồi!
- Bọn mày nhìn xem, đi đường mà bành trướng, chèn ép người khác, đéo biết nhìn trước nhìn sau, đã thấy rõ bộ mặt của cái trường này rồi. Lũ này sau này rồi cũng thành một đám ích kỉ đéo coi ai ra gì mà thôi!
- Mẹ kiếp! Nhân cách nhà trường còn như vậy, đào tạo học sinh cái đ** gì?!
…
Một loạt những lời chửi bới vang lên ầm ĩ. Mà trên chiếc xe này, chửi lanh lảnh nhất, hay nhất, thi vị nhất, phải kể tới Thu Mai. Quả nhiên là văn hay chữ tốt, chửi người đã quen. Ngay lập tức, Thu Mai được các anh chị khác giơ ngón cái tán thành.
Văn ngáp một cái rõ to. Cũng may khôn ai để ý tới nó.
- Ngáp gì ngáp hoài vậy? - Linh huých vào hông nó một cái. - Mình đã dặn bạn hôm qua phải ngủ cho đủ giấc mà!
- Không phải. Là vì xe đóng kín, bí quá.
Đúng là trong xe có hơi bí thật. Văn lại quen sống ở không gian thoáng đãng, nó không chịu nổi. Thiếu oxi, làm não nó buồn ngủ.
- Bạn thấy trường mình bị chèn ép như vậy, không có cảm xúc gì sao? - Linh chợt hỏi.
- Cảm xúc gì chứ? Xe người ta to hơn, thì xe của mình phải tránh. Theo thuyết động lượng, hai xe va vào nhau, xe nào nhỏ hơn thì sẽ chịu thiệt hại nặng hơn. Có trách, thì trách vì sao trường mình không mua được xe lớn hơn.
Câu này, dùng vật lý để diễn giải, nhưng mơ hồ lại nghe ra một loại hàm ý. Có trách, sao không trách trường Kình Ngư được oanh liệt như người ta? Hay trách chính các học sinh, vì sao không đủ sức mà thi vào trường tốt như người ta? Nếu không đủ tiền đóng học phí, tại sao không cố gắng kiếm một suất học bổng, rồi vào Hải Dương, Vô Cực, Phong Ba mà học? Mạnh được yếu thua, vốn là chuyện rất bình thường. Mình đứng ở vị trí nào, phải chấp nhận đãi ngộ ở vị trí đó, có gì mà phải ganh tị?
Linh ngẫm nghĩ một chút. Có lẽ bản thân thằng Văn không nghĩ sâu xa tới vậy đâu, nhưng cách lập luận của nó, cũng tương tự như vậy.
- Vậy bạn hài lòng với chuyện này sao? - Linh hỏi.
- Tất nhiên là không. Hôm qua thầy hiệu trưởng cũng đã nhờ vả mọi người rồi đấy thôi. Cũng tức là nhờ cả mình nữa. Giúp cho cả thành phố này biết chúng ta là ai!
Văn nói câu này quá nghiêm túc, quá quyết đoán, khiến Linh giật mình. Thằng này, có thật là tới đây để làm vẻ vang nhà trường không vậy? Nó đừng gây chuyện, đã là phúc đức mười đời của trường Kình Ngư rồi.