5 giờ sáng, nhân viên dọn vệ sinh gõ cửa. Sau khi nghe tiếng thầy Thạo xác nhận, cô ta mới tiến vào. Một tờ giấy yêu cầu được đặt trên bàn. Nhân viên vệ sinh cầm lấy tờ giấy xem xét qua, gật đầu đồng ý, sau đó đi mất.
8 giờ sáng, Hữu Thành mới ngủ dậy, đã thấy thầy Thạo ngồi hút thuốc trên ghế, mắt nhìn xa xăm.
- Hội đấu giá còn 3 ngày nữa sẽ bắt đầu. Tối nay chúng ta sẽ hành động.
- Nghe gì chưa? Bên phía Phong Ba, hôm qua xảy ra đánh nhau với trường Hải Dương, cuối cùng tất cả đều bị cấm thi.
- Kì thi này bị làm sao vậy nhỉ? Phía Hải Thành bung bét hết rồi.
Đâu đó, những tiếng xôn xao bàn tán vang lên. Nhưng Văn không quan tâm. Lần này nó đi thi là vì thầy hiệu trưởng kì vọng, nó không quan tâm gì tới Hải Dương Vô Cực Phong Ba. Mà công nhận, cuộc thi lần này vì lý do gì đó mà 3 ngôi trường kia đều bung bét.
Đợt thi thứ 4, đề thi càng ngày càng khó. Đặc biệt là môn Văn. Học sinh Kình Ngư đều cắn bút bó tay. Thậm chí, ngay cả thiên tài Bắc Hà Triệu Thiên Trúc bước ra phòng thi, sắc mặt cũng có vẻ không tốt.
Nhưng Văn không thấy khó nhằn. Nó chỉ thấy kì lạ. Đề thi lần này không khỏi khiến nó nhớ tới câu hỏi của thầy Châu ngày hôm trước.
“Tôi và chúng ta.”
Một đề thi chỉ vỏn vẹn có 4 chữ. Đề tài lại rất mở. Dù là Sơ trung hay Cao trung, đều chung một đề. Học sinh có thể viết tự do thoải mái những gì mình biết. Nhưng đề thi học sinh giỏi, lẽ nào lại đơn giản như vậy? Tất cả các thí sinh ngồi trăn trở không biết lần này ban giám khảo thật sự muốn hỏi cái gì, và cần phải viết cái gì. Tôi và chúng ta, chỉ là một cụm từ quen thuộc, nhưng ngẫm ra, lại quá xa vời. Riêng câu hỏi, cái gì là “tôi”, đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để tranh luận.
- Nè.
- Sao thế?
Đang trên đường về tới nhà hàng, Văn bỗng hỏi Linh.
- Cái gì là “tôi”, cái gì là “chúng ta”?
- Bạn muốn hỏi mình viết gì trong bài thi ấy à? Tôi là bản ngã. Còn chúng ta là tập hợp của những bản ngã. Trong dòng chảy của vô vàn những bản ngã, chúng ta trở nên vô cùng bé nhỏ. Vậy phải làm sao? Làm sao để không bị choáng ngợp trước sự kì vĩ ấy, để không bị tan biến vào nó? Làm sao để không bị dòng chảy ấy nghiền nát? Chống lại nó, hay thuận theo nó?
- Vậy bạn chọn phương thức nào?
Linh lắc đầu.
- Mình không biết. Mình để ngỏ đó. Mình mới 11 tuổi, sao biết được những chuyện xa vời như vậy. Chỉ có điều, mình đã từng chứng kiến dòng chảy ấy, mình biết nó đáng sợ thế nào.
- Còn mình, mình nghĩ rằng một cá thể, với một tập thể, cũng giống nhau mà thôi.
- Giống nhau sao?
- Đúng vậy. Thứ gọi là Thiên Mệnh, là của một cá nhân, cũng là của một tập thể. Vận mệnh của một tập thể, cũng là vận mệnh của một cá nhân. Mỗi tập thể lại hình thành từ những cá nhân. Một cá nhân hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới nhiều cá nhân khác, từ đó thay đổi cả Thiên Mệnh.
- Một cá nhân mà có thể thay đổi cả Thiên Mệnh? Bạn ví dụ thử xem?
- Vương Vũ Hoành. Ông ta chẳng phải chỉ bằng sức của một cá nhân, thay đổi dòng chảy của cả một đất nước đó sao? Khiến toàn bộ dân chúng Vrahta phải thay đổi suy nghĩ, phải tôn sùng mình, phải nghe theo mình, từ đó thay đổi dòng lịch sử của cả một quốc gia. Vậy thì, nếu ông ta hùng mạnh hơn, nỗ lực hơn, chẳng phải ông ta cũng có thể thay đổi dòng chảy của cả thế giới sao?
- Khả năng của một con người cũng có giới hạn thôi, bạn biết chứ? Nghĩ rằng mình có thể mạnh mẽ tới vô hạn, là một ảo tưởng sai lầm.
- Mình biết. Nhưng sức mạnh của Vương Vũ Hoành, không nằm ở khả năng của ông ta, mà nằm ở suy nghĩ. Mọi hành động, mọi bước đi của ông ta, đều là kết quả của sự suy nghĩ cặn kẽ và kĩ càng. Khả năng của con người là hữu hạn, nhưng suy nghĩ là vô hạn. Chỉ cần không ngừng suy nghĩ, ta có thể biến điều không thể thành có thể!
- Bạn nói y hệt ông ngoại mình.
- Ông ngoại bạn là ai?
- Phạm Viết Phương đó!
- Ừm. Chưa từng nghe qua.
- …!!
Nghe câu này, Linh suýt vấp chân vào nhau mà ngã. Nhưng cô bé chưa kịp nói gì, đã nghe tiếng thằng Văn hô.
- A! Anh Phong!
Nguyễn Thanh Phong mặc bộ đồng phục Cẩm Giang, mặt mày tiu nghỉu đi trên sân trường, bỗng nghe tiếng gọi.
Là Vương Thành Văn. Những gì hắn không biết thì thôi, đã biết thì nhớ rất lâu.
- Anh Phong, sao trông anh buồn vậy?
- Cô giáo nói lần này thi anh nhất định phải vẽ ra màu, anh cũng đã vẽ màu lên tranh rồi. Chẳng hiểu vì sao giám khảo vẫn cho điểm liệt.
- Ờ, bị 4 con 0 như vậy thì cũng buồn thật.
- Không phải, anh sợ cô giáo lại mắng. Thật chẳng biết vì sao lại bị 0 nữa.
- Em chưa thấy tranh anh vẽ, chưa biết được.
- Đi, anh dẫn em đi. Tác phẩm hội hoạ, đều được bày công khai mà.
- Cho bạn em đi cùng với nhé?
- Đã bảo là được bày công khai mà.
- À, bạn ấy tên là Trần Phương Linh. - Văn vội giới thiệu luôn, vì biết tính anh này không bao giờ hỏi cái gì.
Thanh Phong gật đầu. - Ừ, nhớ rồi.
Sau đó, hắn chẳng thèm quan sát cô bé xinh xắn kia lấy một cái, cứ thế phăm phăm dẫn đường.
Linh cũng tò mò đi theo. Cô bé muốn biết, nam sinh của Giáo phường Cẩm Giang vẽ tranh thế nào.
Sau buổi thi thứ 4, các tác phẩm đã gần như hoàn thiện, đã có thể đem ra trưng bày. Bước vào nơi đây, không khác gì bước vào buổi triển lãm của các hoạ gia nổi tiếng. Đặc biệt là khu vực tranh của học sinh Giang Hạ. Đủ mọi loại phong cách, từ tranh thuỷ mặc truyền thống, cho tới các dòng tranh hiện đại, tả thực, trừu tượng, ấn tượng. Người xem như bị lạc vào một thế giới đa chiều, với cây cối núi non, với những bóng hình lập thể, và những màu sắc lập loè.
Nổi bật nhất trong số đó, lại là bức tranh của Nguyễn Thanh Phong.
Gọi là tranh thì cũng quá xúc phạm hội hoạ.
Chỉ là một tờ giấy, đổ lên toàn một màu xanh biếc, không khác gì một tờ giấy màu.
Nguyễn Thanh Phong lại vô cùng hoan hỉ giới thiệu cho hai đứa, ánh mắt sáng ngời như muốn hỏi ý kiến.
Vương Thành Văn đưa tay xoa cằm, nheo mắt nhíu mày, đầu nó quay ngang quay dọc một hồi.
Sau đó, nó lắc đầu, liếc sang nhìn Linh.
- Mình không hiểu lắm về Hội hoạ. Bạn nhận xét đi.
Linh cũng bĩu môi.
- Cái “hội hoạ” kiểu này thì sao mà hiểu nổi chứ. 0 điểm là xứng đáng rồi.
=================
Mãi mới có thời gian để viết chương. Hu hu hu.