Người ta vẫn nói, chỉ những người vĩ đại mới có thể vượt qua sự trần tục của thế sự mà nhất niệm theo đuổi sự vĩ đại của vũ trụ.
Nhưng những người vĩ đại trên đời này hiếm lắm.
3 người sáng lập nên Hiệp hội Khoa học, đều là những con người vĩ đại, nhưng chẳng ai dám chắc, trong suốt 2672 năm lịch sử của Hiệp hội, những kẻ điều hành nó đều là những người vĩ đại.
Khi mối căng thẳng giữa những Chí Tôn Cường giả càng ngày càng leo thang, thì tình hình chính trị bắt đầu len lỏi và lung lay nền móng của thành trì Học thuật. Trong Hiệp hội Khoa học, dần xuất hiện những tiếng nói yếu ớt nhưng dai dẳng, rằng hãy quên cái Khoa học thuần túy đi, vì Khoa học sinh ra là để phục vụ nhân loại, mà nhân loại ở đây, chính là những Đế quốc hùng mạnh kia.
Khoa học phục vụ cho Đế quốc, chỉ lợi không thiệt. Có sự ủng hộ, có tài nguyên, có được mọi điều kiện tốt nhất, và còn được tận mắt chứng kiến thành quả nghiên cứu của mình được thử nghiệm trên chiến trường.
Và dấu mốc đầu tiên cho loại tư tưởng này, chính là sự ra đời của các Sáng Chế Gia.
Những thiên tài có sạn trong đầu, sáng chế nên những phát minh vĩ đại, và phát minh của họ là thứ có thể cầm nắm hít ngửi được, chứ không phải những thứ cao xa trừu tượng như Tri thức. Một phát minh thực, thì cần được sử dụng trong đời thực. Chính vì vậy mà tất lẽ dĩ ngẫu các Sáng Chế Gia sẽ đầu quân cho các Đế quốc, hay các Tổ chức lớn, không phải vì họ màng tới danh lợi, mà như người ta vẫn nói, rèn kiếm ra là để chém nhau, chứ không phải để trưng bày.
Về khía cạnh nào đó, các Sáng Chế Gia là những người thuần túy đam mê Khoa học còn hơn cả Hiệp hội Khoa học, nhưng chính vì vậy, việc bọn họ rất tự nhiên lựa chọn phụng sự Đế quốc, cho thấy một sự thật còn phũ phàng hơn bất kì lý tưởng nào: Khoa học không thể vượt ra khỏi sự trần tục.
Chính vì thế mà xu hướng Chính trị hóa trong Hiệp hội Khoa học càng ngày càng có tiếng nói dõng dạc hơn. Liệu Hiệp hội Khoa học có nên từ bỏ lập trường trung lập của mình, mà ủng hộ cho một Đế quốc nào đó? Hoặc là trở thành một thế lực riêng? Đặc biệt là với sự xuất hiện của Đại Thư viện thứ 7, chỉ cần tranh giành được nó, bất kì tổ chức nào cũng có thể một bước hóa rồng.
Mà nói về khả năng cạnh tranh Đại Thư viện thứ 7, thì trừ ra 5 tên Chí Tôn, thì Hiệp hội Khoa học là tổ chức có lợi thế rõ rệt nhất. Bọn họ có tích lũy, có tiềm lực, có nhân lực, có chiến lực, có quan hệ, đồng thời, bọn họ là một thể thống nhất có phương hướng phát triển rõ ràng, chứ không hỗn loạn và chia rẽ như Cộng đồng Runner.
Những lời kêu gọi như vậy giống như những lời thì thầm bên tai, khiến cho Thành trì của Tri thức càng ngày càng lay động. Nhưng nói tới cơn địa chấn đủ để đánh dấu một bước ngoặt nào đó cho Hiệp hội Khoa học, thì cần phải nói tới 2 cú tát như trời giáng của tên Thiên tài ngạo nghễ và hùng mạnh đến vô lý: Vương Lập Đế, phụ thân của Vương Vũ Hoành.
Mọi chuyện xảy ra vào 23 năm về trước. Và cái tát đầu tiên là khi Vương Lập Đế công khai khởi tố Huỳnh Vĩ Thụy, hay còn được gọi là lão Thụy, ra trước Tòa án Quốc gia Đại Nam, vì tội thí nghiệm phạm pháp trên con người.
Lão Thụy là một Khoa học gia rất thuần túy, thuần túy tới mức có thể vì Khoa học mà không màng hết thảy. Đối với hắn, luân lý, đạo đức, pháp luật…, mọi thứ đều là vô nghĩa khi đứng trước Khoa học. Mà cũng vì vậy, mà hắn sa phải cái sai lầm đáng sợ nhất trên đời: đụng vào quân đội Đại Nam.
Chuyện là, lão Thụy đã thực hiện thí nghiệm trên một nữ quân nhân Đại Nam, để rồi dẫn đến một kết cục vô cùng bi thảm. Và mặc dù lão đã kịch liệt khẳng định rằng nữ quân nhân đó tự nguyện cam kết và sẵn sàng gánh chịu bất cứ hậu quả nào, và lão đã đưa hẳn ra bản cam kết có chính chữ kí của cô ta, nhưng dư luận Đại Nam vẫn kịch liệt muốn lão phải bước lên giàn xử bắn.
Nghe đâu, cũng vì chuyện này, mà lão đắc tội với cả 2 Thượng tá Quân đội cực kì tiềm năng lúc bấy giờ, là Vũ Minh Kiệt và Nguyễn Thế Sơn. Mặc dù tại phiên tòa ấy, chính tay lão Thụy đã chỉ thẳng mặt Vũ Minh Kiệt, nói rằng “Tao đã cứu mạng mày, Quyên đã cứu mạng mày”. Vũ Minh Kiệt lúc ấy mặt dồn máu đỏ lừ như con gà chọi, nghiến chặt hàm răng bành bạnh mà lao tới đòi mạng lão ta, cũng may có Nguyễn Thế Sơn kịch liệt ngăn cản. Nhưng người hiểu chuyện thì sẽ biết, người muốn lấy mạng lão Thụy nhất phải là Nguyễn Thế Sơn mới đúng.
Dư luận Đại Nam thì phẫn nộ, nhưng dư luận quốc tế lại phản đối kịch liệt. Đặc biệt là hệ thống sư sinh trong các Học viện trải dài khắp các Lục địa, những tổ chức có liên hệ mật thiết với Hiệp hội Khoa học, và bản thân Hiệp hội Khoa học, đều thẳng thừng lên án rằng Đại Nam đang phản ứng thái quá và vô lý. Lão Thụy tuy đúng là có thực hiện những nghiên cứu vượt quá khuôn khổ đạo đức của con người, nhưng tiên quyết ở đây là chính đối tượng tham gia đã tự nguyện cam kết, chưa kể lão Thụy còn có quyền hạn của một Thành viên bậc cao trong Hiệp hội Khoa học.
Bất chấp áp lực đến từ Hiệp hội, Vương Lập Đế, với sự cuồng ngạo và cường hoành của mình, đã cho phiên tòa được tổ chức, còn cho truyền hình trực tiếp cho tất cả mọi người. Ai cũng biết, cuộc xét xử này không chỉ đơn thuần là vì một vụ án, cũng không phải cố tình muốn vả vào danh dự của Hiệp hội, mà là một lần Vương Lập Đế thể hiện sự bá đạo của bản thân, về sự cường đại của Vương triều Đại Nam.
Quả thực, những năm tháng ấy, Đại Nam Đế quốc dưới sự trị vì của Vương Lập Đế, đã đạt tới một thời đại vàng son chưa từng có trong lịch sử.
Dù sao, đó cũng là cú tát đầu tiên, dù không chủ đích. Và cũng dễ nguôi ngoai. Vì nói đi cũng nói lại, là do lão Thụy từ chuốc khổ vào thân. Người ta vẫn nói, đào mả Nam Đế không bằng vả lính Đại Nam. Tức là Vương tộc Đại Nam luôn luôn coi trọng thể diện quốc phòng hơn cả mồ mả tổ tiên mình. Vậy nên tự làm thì tự chịu thôi, ngậm bồ hòn bỏ qua chuyện này cũng chưa đáng nói là gì.
Nhưng cú vả thứ hai thì thật sự là như trời giáng. Vương Lập Đế, ngang nhiên cho người bắt cóc Vô Thường Đại sư về Hoàng cung, và thản nhiên thừa nhận mình đã đích thân tra khảo ông ta về Thiên Mệnh.
23 năm trước, là lúc danh tiếng của Vô Thường Đại sư rực rỡ như mặt trời ban trưa. Là một trong những người hiếm hoi có thể đạt tới trình độ cao thâm cả về Toán học, Triết học, Thần học, Dịch học và Chiêm tinh. Thần Toán. Kẻ đọc được Thiên Cơ của trời đất. Kẻ tinh thông cả về xác suất thống kê lẫn Kỳ môn độn giáp. Là bậc thầy có thể thấu hiểu những bí mật sâu xa của vũ trụ.
Người ta vẫn gọi ông là thầy Thường.
Đức cao vọng trọng, là khách mời cao quý tại khắp 7 lục địa, là một sự tồn tại sánh ngang với Chí Tôn Cường giả. Không ai dám không tôn kính ông, vì không ai dám không tôn kính một người có khả năng giao tiếp với trời đất.
Nhưng Vương Lập Đế thì dám.
Hắn còn dám thẳng tay tra khảo con người này, để bắt ông ta tiết lộ những bí mật của trời đất.
Cộng đồng quốc tế phẫn nộ, lên án, sỉ vả, nhưng có hề gì? Đại Nam lúc ấy mạnh mẽ như một con rồng trên trời cao, ngang nhiên gánh chịu chút lời chửi mắng ấy.
Chẳng ai biết cuộc tra khảo của Vương Lập Đế có đạt được kết quả gì không, chỉ biết sau đấy, Vô Thường Đại sư cũng mất tích trên giới Học thuật. Và từ đó cho tới 10 năm sau, đến tận khi ông ta qua đời trên một đỉnh núi hẻo lánh, cũng không còn ai nghe vị Đại sư ấy buông ra một lời dự đoán nào về tương lai.
Âu cũng là một mất mát lớn cho nhân loại.
Và cũng là một cái tát giáng cho Hiệp hội Khoa học phải lung lay tới tận gốc rễ.
Cái gọi là Nhân định thắng thiên, cái gọi là nỗ lực của loài người để vươn lên ngang tầm với vũ trụ, rốt cuộc chỉ cần một Tuyệt thế Thiên tài như Vương Lập Đế một tay cũng có thể bóp nát.
Đều là hoang tưởng sao? Đây là suy nghĩ chung của rất nhiều người. Rốt cuộc, con người có cố gắng bao nhiêu đi nữa, cũng không thể vượt qua được một kẻ bước ra từ Đại Thư viện.
Hiệp hội Khoa học dù có hùng mạnh bao nhiêu đi nữa, cũng không là cái gì trong mắt Chí Tôn.
Một lần nữa, người ta phải sùng bái, phải khiếp sợ Đại Thư viện, như thể đó là cây thánh giá tối cao ngự trị loài người.
Xu hướng của Hiệp hội Khoa học từ đó cũng dần thay đổi, chậm rãi, nhưng rõ rệt, và không thể đảo chiều.
Đó là chuyện về Hiệp hội Khoa học. Còn bây giờ, lại kể về lão Bạch. Vì lão đang bị một Cường giả 7 bằng Tiến sĩ của Hiệp hội này truy sát.