Translator: Nguyetmai
Sau khi trình bày cơ chế thi đấu, MC cũng xác nhận sự thành lập của các đội.
Tất cả tuyển thủ được chia vào bốn đội dựa theo phong cách của đội trưởng và năng lực của bản thân, bảo đảm thực lực mỗi đội cân bằng, đồng thời mỗi đội đều có những thành viên đảm đương vai trò khác nhau.
Ví dụ trong một đội, phải có cao thủ tranh biện học thức uyên bác, phải có người đảm đương vai trò gây tiếng cười, phải có người đảm đương vai trò nhan sắc, thích hợp quay quảng cáo, còn phải có một người có cá tính vượt trội, khác biệt...
"Nhiều tuyển thủ như vậy, cảm giác khó nhớ hết mặt. Có điều, những khán giả cũ đã xem mùa đầu tiên chắc đều biết những người này nhỉ?" Chu Dương rất tò mò.
Chung Minh giải thích: "Những tuyển thủ này đa số đều là người cũ của mùa đầu tiên, có điều cũng có một nhóm người mới La Minh Kiệt mời tới từ giới tranh biện. Thực ra lúc đầu nhóm sản xuất muốn tổ chức một cuộc tuyển chọn, quyết định tuyển thủ bằng cách loại trừ, sau đó mới để các đội trưởng tham gia cuộc chiến giành người. Nhưng thời gian quá gấp, cơ bản không kịp, thế nên đành dùng cách thức khá gượng gạo này, trực tiếp phân chia các tuyển thủ về các đội."
Trương Tiểu Văn tỉnh ngộ: "Thì ra là thế, hèn gì tôi thấy thiếu chút gì đó, quả thực phải có một giai đoạn tuyển chọn, chuẩn bị, như vậy sẽ khiến người ta cảm thấy tự nhiên hơn. Có điều được như bây giờ cũng tốt lắm rồi, nếu anh không nói với tôi, đoán chừng tôi cũng nhanh chóng quên luôn chuyện này."
Rất nhanh, giai đoạn diễn giải kết thúc, chương trình chuẩn bị giới thiệu đề tài tranh biện hôm nay.
Tuy có thay đổi rất lớn, nhưng phản ứng đầu tiên của phần lớn khán giả không phải là ngạc nhiên thích thú, mà lại có chút nghi ngờ.
Tranh biện như thế nào với luật chơi này?
Phần một của chương trình chính là bố cục tiêu chuẩn của một cuộc thi tranh biện, bên trái một dãy bàn, bên phải một dãy bàn, tổng cộng bốn tuyển thủ tranh luận với nhau, người dẫn chương trình ngồi ở chính giữa...
Nhưng bây giờ bố cục đã thay đổi toàn bộ, mỗi bên chỉ có ba người, bên cạnh chỗ ngồi của ba người có cái bàn nhỏ, có thể nhoài người về phía trước để viết chữ, nhưng phong cách tổng thể và cảm giác nghiêm túc của cuộc tranh biện hoàn toàn khác biệt, có cảm giác hơi giống chương trình phỏng vấn.
Hơn nữa ở chính giữa sân khấu có một khoảng trống lớn, có hai đai cách ly, có nghĩa là tuyển thủ sẽ phải đứng lên khi muốn phát ngôn, có thể tùy ý đi lại, nhưng không thể vượt qua đai cách ly. Trung tâm sân khấu còn có một cái bục đặc biệt, nghe nói được dùng để mở đầu chương trình, cũng chính là nơi tự do tranh biện, có điều tên gọi "khai giang đài"* khiến nó chớp mắt trở nên gần gũi với mọi người hơn.
(*) Nguyên gốc: 开杠台 khai giang đài, tức cái đài cao nơi cử hành nghi lễ kéo cờ. "Trúc giang trường tam xích, trí vu vũ Tây giai thượng" 竹杠長三尺, 置于宇西階上 (trích bài: Sĩ tang lễ 士喪禮) Cán cờ tre dài ba thước, dựng ở hiên bậc thềm phía Tây. Ngày nay thường sử dụng trong các chương trình biện luận chỉ nơi các tuyển thủ bước lên để tranh luận tự do.
La Minh Kiệt giới thiệu sơ lược về hai đội, mở màn cuộc so tài hôm nay lần lượt là đội Biển Học và đội Lạc Hưởng. Đội Biển Học ra mắt đầu tiên, đây chính là kết quả Chung Minh đặc biệt quan tâm. Dù sao ba nhà tài trợ khác cũng không giống bên Chung Minh bọn họ, nhu cầu tuyên truyền không cấp thiết như vậy. Mà La Minh Kiệt cũng rất cảm kích sự giúp đỡ của Chung Minh, chuyện nhỏ này đương nhiên dễ như trở bàn tay.
"Được rồi, đã giới thiệu xong đội hai bên và tuyển thủ dự thi, chúng ta hãy cùng xem một đoạn clip ngắn để tìm hiểu một chút đề tài tranh biện hôm nay."
Đây là một đoạn clip ngắn đã được quay xong từ trước, nhân vật trong clip là những tuyển thủ thích diễn xuất, trang phục, đạo cụ cũng đặc biệt đơn giản, có thể thấy rõ nhóm sản xuất đang cố gắng "thỏa hiệp với kinh phí".
Trong clip xuất hiện một tivi kiểu cũ, thể hiện cảm giác xa cách của thời đại, trên tivi xuất hiện hoa tuyết bay xào xạc, sau đó xuất hiện một bóng người mặc áo khoác trắng, ăn mặc có vẻ giống tiến sĩ, hoá trang rất khôi hài.
Đây chính là tuyển thủ khách mời vẫn chưa có mặt ở trường quay, vừa xuất hiện anh ta đã tạo nên một tràng cười ở trường quay.
"Chào các bạn khán giả, tôi là tiến sĩ kỹ thuật đen*, xin cực kì vinh hạnh tuyên bố với mọi người, tôi đã thành công nghiên cứu ra một hạng mục khoa học kỹ thuật siêu đỉnh cao! Tôi to gan dự đoán, nó sẽ trở thành kỳ tích vĩ đại!"
(*) Tiến sĩ kỹ thuật đen: Thuật ngữ xuất hiện trong truyện "Toàn kim thuộc cuồng triều", ám chỉ các kỹ thuật vượt xa trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay, hơi giống phép thuật, ma thuật.
"Chỉ cần cấy vào não mỗi người một vi mạch, tất cả những tri thức chúng ta ghi chép lại trong sách có thể dùng chung cho cả loài người chỉ trong một giây! Đồng thời, mỗi khi một thành tựu mới của nhân loại được xuất bản, kho tri thức trong đầu chúng ta cũng sẽ được cập nhật đồng bộ! Cứ như vậy, không cần học tập vẫn có thể hiểu được tất cả tri thức! Có nó, sự vô tri và ngu muội sẽ không còn tồi tại, tương lai của loài người sẽ không giới hạn!"
"Đương nhiên, cũng có rất nhiều tiếng nói bày tỏ sự phản đối, hạng mục kỹ thuật này đang khích lệ việc không làm mà hưởng, nếu như ngồi ở nhà là có thể hưởng thụ thành quả người khác vất vả cố gắng có được, vậy thì có ai còn tình nguyện bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu thế giới nữa chứ?"
"Vì thế, xin hỏi mọi người, nếu như có thể khiến bộ não của toàn bộ loài người hưởng chung tri thức trong một giây, bạn có ủng hộ không?"
Đoạn clip ngắn kết thúc, trên màn hình nhảy ra một đống dấu chấm hỏi trong chớp mắt.
"Trời ơi? Đề tài tranh biện quái quỷ gì vậy!"
"Quá vớ vẩn, còn hưởng chung tri thức trong một giây, đây là kỹ thuật đỉnh cao gì vậy!"
"Đề tài này biết tranh luận kiểu gì, cảm giác không có chút ý nghĩa thực tiễn nào."
"Tôi lại cảm thấy rất có ý nghĩa, tôi muốn nghe xem các tuyển thủ sẽ nói gì!"
Phản ứng của khán giả không giống nhau, nhưng về tổng thể, bọn họ đều rất kinh ngạc.
Bởi vì phong cách ra đề này hoàn toàn khác với mùa đầu tiên! Đề tài tranh biện mùa đầu tiên thường tập trung vào những vấn đề trong thực tế, ví dụ "Áp lực có lợi cho thành công hay không", "Chính nghĩa đến muộn thì có phải là chính nghĩa không"... Tất cả những vấn đề tranh biện đều tập trung vào dân sinh xã hội, phản ánh vấn đề thực tế, có thể nói là khá nghiêm túc, nặng nề.
Nhưng đề tài tranh biện đầu tiên của mùa thứ hai đã có bước ngoặt lớn, rất nhiều khán giả đều cho rằng đây là một đề tài kỳ khôi? Thứ nhất là kỹ thuật này cơ bản không thể nào được phát minh ra, cho dù có phát minh thì cũng là chuyện của mấy trăm năm nữa. Thứ hai là thảo luận đề tài này có ý nghĩa gì? Cũng không có cách nào tạo nên tác dụng hướng dẫn trong thực tế!
Có điều cũng có lợi ích, chính là nâng cao sự mong chờ của mọi người đối với chương trình, rất nhiều người đều muốn nghe một chút, khi đối mặt với những chủ đề thuộc loại "cố gắng làm khó dễ" như thế này, rốt cuộc các tuyển thủ sẽ nói những nội dung gì?
Chung Minh cười không nói gì, theo dõi bình luận nhảy ra màn hình, hiển nhiên, khán giả trực tuyến bình luận rất giống khán giả ở trường quay, vừa nhìn thấy đề tài kỳ lạ này họ đều trở nên sôi nổi hẳn lên.
Trên trang web có thể nhìn thấy số người đang xem, có điều con số này chỉ là giả mà thôi, để số liệu thật chắc chắn rất khó coi. Nói chung, người xem có lẽ không nhiều lắm, nhưng bình luận nhảy ra trong video lại rất nhiều, điều này đã nói lên rằng đề tài tranh biện kỳ lạ này đã kích thích tâm lý thảo luận của khán giả.
Phỉ nhổ cũng được, cãi cọ cũng được, chỉ cần sau khi bạn thấy muốn nêu ra quan điểm trước đề tài tranh biện này, chứng tỏ đề tài này đã tạo ra hiệu quả!
Thực ra nếu như chỉ đơn thuần vì độ hot thì còn rất nhiều đề tài tranh biện tốt hơn để chọn, nhưng Chung Minh đã mạnh dạn yêu cầu La Minh Kiệt phải đưa ra đề tài này trong tập một.
Vì sao?
Thứ nhất, đề tài này được xem như là một cách điều hòa, không phải là đề tài cực kì nặng nề, thực tế như trong "Nhà biện luận tài ba" mùa đầu tiên, đó cũng không phải một đề tài gần gũi với mọi người. Nếu như lập tức đưa ra đề tài tình cảm vì việc theo đuổi độ hot và lưu lượng, có thể sẽ xảy ra hiệu ứng rút lui của một số khán giả cũ.
Đề tài này có chiều sâu nhất định, nhưng đồng thời cũng gần gũi với mọi người, không đến mức khiến khán giả cũ cảm thấy nhàm chán, cũng sẽ không khiến khán giả mới cảm thấy khó hiểu.
Thứ hai, đề tài này có tính tương tác cực kì phù hợp với game "Biển học vô biên", mang theo tác dụng tuyên truyền tự nhiên, đưa quảng cáo vào cũng sẽ dễ dàng hơn.
Có thể dự đoán, nếu như "Nhà biện luận tài ba" mùa thứ hai nổi tiếng, sẽ thu hút rất nhiều khán giả mới chưa từng xem thể loại chương trình này. Bọn họ chỉ cần vừa mở tập đầu tiên thì sẽ có ấn tượng sâu sắc với game "Biển học vô biên", hiệu quả tuyên truyền đương nhiên là tuyệt vời.
Trong lần tranh biện này, đội Biển Học là bên tán thành, cũng chính là ủng hộ kỹ thuật "dùng chung tri thức".