Việt Ma Tân Lục

Quyển 3 - Chương 19: Trò chơi “cáo và thỏ”

Rời nhà thầy Đông ra sân bay được một lúc, Vân Vân lại lên cơn sốt bất thình lình. Cũng vì đã quen với thể trạng bất thường của con, bà Thu Hiền luôn để sẵn trong túi vài lọ thuốc cần thiết và miếng dán hạ sốt. Bà cho con gái uống thuốc, dán miếng dán hạ sốt mát lạnh lên trán rồi dỗ dành Vân Vân ngủ trên chuyến bay về Đà Lạt. Vì họ bay đêm, ước chừng tầm một, hai giờ sáng mới về đến khu biệt thự, nên bà Thu Hiền và con gái cần tận dụng thời gian ngủ nhiều nhất có thể.

Đặt chân tới vùng đất mát mẻ quanh năm suốt tháng, Vân Vân chợt thấy người thư thái lạ, dễ chịu hơn rất nhiều so với mấy năm sống ở Hà Nội với nhà ngoại. Dù biết rằng ở Đà Lạt, gia đình cô đã trải qua nhiều biến cố, nhưng thể trạng của Vân Vân thì phản ứng ngược lại.

Như dự tính, gần hai giờ sáng, hai mẹ con mới khệ nệ xách đồ về đến khu biệt thự đã tắt đèn tối om. Khu biệt thự y hệt ngày ra đi, chẳng thay đổi gì – vẫn cánh cổng nhỏ nối với hàng rào chạy dài quanh nhà, con đường lát đá chìm dẫn vào cửa chính và những bụi cây lẻ loi, cô đơn.

Bà Thu Hiền mở khóa, ẩy cửa nhẹ nhàng, tránh gây tiếng động lớn vì sợ ông Thanh Tùng đang ngủ.

– Con thấy trong người thế nào rồi? – Bà Thu Hiền thầm thì.

Vân Vân bóc miếng dán hạ sốt, sờ thử rồi chạm xuống người. Không còn nóng, cũng không thấy đau đầu, chóng mặt hay mệt mỏi nữa. Thật lạ! Thông thường ở nhà bà ngoại, Vân Vân hay mất đến một, hai hôm mới đỡ, còn đây, sau đúng một chuyến bay, người cô đã hoàn toàn bình thường.

– Lên phòng ngủ đi ha! Sáng mai xách đồ lên sau cũng được.

– Ơ mẹ ơi, hình như ba chưa ngủ…

Vân Vân kéo áo mẹ, chỉ tay về phía bóng đen sừng sững trên ô cửa kính lớn tại cầu thang lên lầu. Bóng đen di chuyển chậm rãi, bước chân có phần khó nhọc trước những bậc thang trải thảm đỏ.

– Ông chưa ngủ à? Tôi với Vân Vân vừa về.

Bóng đen không đáp lại, lững thững đi về phía bà Thu Hiền và Vân Vân. Đúng là ông Thanh Tùng, nhưng ông mặc đồ ngủ hơi lôi thôi, mắt không đeo gọng kính tròn quen thuộc, râu ria lởm chởm không được chăm sóc. Bà Thu Hiền lay lay vai ông Thanh Tùng nhưng ông chỉ lầm bầm thứ ngôn ngữ kỳ lạ gì đó, mắt nhìn vô định.

– Mẹ… con nghe không giống giọng ba chi hết! – Vân Vân nấp sau lưng mẹ, đột nhiên sợ hãi khi thấy ba cư xử khác lạ.

– Này ông, ông ngủ mớ đấy à? Để tôi đưa ông về giường nằm nhé? – Bà Thu Hiền nói tiếp, cố không để ý đến sự thật là bản thân bà cũng thấy đây không giống giọng thường ngày của chồng.

– Phư… phư… phư… phư… phư!

Ông Thanh Tùng đột nhiên phá lên cười khiến bà Thu Hiền giật mình lùi lại, một tay ôm lấy con gái. Đang lờ đờ, thiếu sức sống, ông đột ngột quay phắt sang nhìn vợ con với ánh mắt sắc lẹm, tưởng chừng sắp nuốt chửng người khác đến nơi, rồi lẳng lặng nhấc chân bằng dáng vẻ liêu xiêu của một con nghiện, bước lững thững quanh nhà. Bà Thu Hiền thử gọi theo, nhưng ông Thanh Tùng không buồn phản ứng.

– Mẹ, ba làm sao vậy ạ? – Vân Vân thấp thỏm.

– Ba gọi điện báo là ba ốm nặng… Mẹ không nghĩ lại nặng đến mức này…

*

Ngày hôm sau, bà Thu Hiền tức tốc mời bác sĩ đến tận nhà thăm khám cho chồng. Khi gặp bác sĩ, ông Thanh Tùng la lối và chạy khắp nhà, liên hồi nói những từ ngữ vô nghĩa. Thậm chí, giọng của ông không còn giống giọng đặc trưng của người vùng này, cứ như đi mượn cổ họng của người khác. Nói ngọt mãi, ông Thanh Tùng mới chịu ngồi yên để bác sĩ đụng vào người, y hệt một đứa trẻ chưa lớn.

Bác sĩ kết luận cơ thể ông Thanh Tùng hoàn toàn bình thường, không hề có dấu hiệu của bệnh tật ốm yếu; có điều, mọi vấn đề nằm ở trên đầu của ông, dù cho bác sĩ cũng không tìm thấy dấu hiệu nào chứng tỏ có va chạm mạnh. Dường như, ông cứ thế biến thành kẻ mất trí sau một giấc ngủ, quên đi toàn bộ cuộc sống mình từng có.

– Ông nhà gần đây có gặp chuyện chi đau buồn không? – Bác sĩ vắt ống nghe lên cổ, trầm ngâm nhìn bà Thu Hiền.

– Tôi và ông xã có ba đứa con, hai đứa lớn đều mất sớm, nhưng đã là chuyện của mấy năm trước. Gần đây, ông xã tôi lo chuyện công việc nhiều. Lúc gọi điện, vẫn thấy giọng ổng bình thường, cũng không bao giờ đả động những chuyện đã qua…

– Vậy tôi khuyên thật là, chị nên đưa chồng đến bệnh viện để được kiểm tra kỹ lưỡng hơn.

Nghe lời bác sĩ, bà Thu Hiền vội liên lạc với bệnh viện, hẹn lịch thăm khám. Một khó khăn nữa là ông Thanh Tùng chẳng muốn rời khỏi nhà nửa bước; cứ ai đến gần, ông sẽ bật ra một tràng ngôn ngữ lạ và la hét đến khi người ta tránh xa mới thôi. Bà Thu Hiền đành nhờ đến sự giúp đỡ của chú út, tên Thanh Nghĩa – em trai ông Thanh Tùng – để gia đình đưa ông đi khám.

Kết quả chụp chiếu đều cho thấy không có gì bất thường nhưng do lối cư xử kỳ quặc cùng việc hay nói linh tinh, bác sĩ đành kết luận ông bị thần kinh. Nếu ông Thanh Tùng trở thành gánh nặng trong nhà, gia đình cần xem xét chuyển đến trại. Thương chồng, bà Thu Hiền không dám đưa ra quyết định gì vội, muốn suy tính kỹ hơn. Làm sao một người bình thường có thể hóa điên chỉ sau một, hai ngày, đến độ cả tiếng mẹ đẻ cũng không còn hay biết?

Chú Thanh Nghĩa khuyên gia đình vẫn nên giữ ông Thanh Tùng trong nhà, chú sẽ đến đây ở trong lúc bà Thu Hiền quán xuyến việc kinh doanh homestay. Nhỡ chuyển ông đi xa, mình không theo dõi, người ngoài đối xử không tốt, rồi ông hành động dại dột thì rất dở.

Vân Vân nghe về tình hình của ba, chẳng nói gì mà lặng lẽ giam mình trong phòng. Từ hôm về nhà đến giờ, cô chưa đổ bệnh lúc nào, ấy vậy ba cô lại mắc bệnh khó chữa. Cô nghĩ đến chị Cẩm Tú và chị Anh Đào, tự hỏi liệu có phải tai ương đang ập xuống gia đình mình, xuống từng thành viên không báo trước. Nếu thế, bao giờ đến lượt cô và mẹ?

Rồi, Vân Vân co người, thiu thiu ngủ trên chiếc giường êm ái. Dù mới ba giờ chiều, không hiểu sao đôi mắt cô cứ díp lại, nên cô thả lỏng, mặc kệ cơ thể tự nghỉ ngơi. Vừa nhắm mắt được một lúc, cô đã lại thấy mình đi giữa những hàng thông dày đặc và trơ trụi. Chúng nứt nẻ, mang thêm cả cái mùi ngai ngái, khen khét như bị cháy.

Vân Vân biết rõ đây là mơ ngay khi cô đưa hai bàn tay lên cao khua khoắng – tay này không thể chạm vào tay kia mà xuyên qua nhau. Cô cố vùng mình thức giấc nhưng vô ích, bộ não của cô không phản ứng lại. Chợt, giữa không gian im ắng, Vân Vân dỏng tai lắng nghe một bài thơ lặp đi lặp lại, như thể đang có một nhóm người đồng thanh đọc to và đồng đều.

“Trên bãi cỏ 

Chú thỏ con

Tìm rau ăn

Rất vui vẻ

Thỏ nhớ nhé

Có cáo gian

Đang rình đấy

Thỏ nhớ nhé

Chạy cho nhanh

Kẻo cáo gian

Tha đi mất.”

Giây phút bài thơ kết thúc, những âm thanh gầm gừ của thú hoang vang lên, gần kề sát ngay hai bên tai. Đây là bài thơ của trò chơi “Cáo và Thỏ” Vân Vân đã từng chơi với các chị ngày nhỏ, nhưng hiện tại ai đọc nó và tại sao thì cô còn hoang mang.

“Trốn… đi…!”

“Trốn… mau… đi…!”

“Ông… ta… đang… đến…!”

Các giọng nói xầm xì thay nhau phả vào bên tai Vân Vân, ớn lạnh! Cô khẽ run người, căng thẳng nhìn xung quanh. Chẳng có ai mà sao những giọng nói lại rõ và gần đến thế?

“Chạy… mau… đi…!”

“Chạy… đi…! Ông… ta… đang… tìm…!”

Đôi chân vô thức kéo cô chạy đi, lắt léo qua hết cây này đến cây nọ, không theo một con đường cụ thể. Cô cứ chạy, vừa chạy vừa bàng hoàng quay đầu nhìn sang hai bên. Lần lượt, một, hai, ba rồi bốn, năm và tăng dần – những bóng người đứng nghiêng đầu, ngó ra từ sau các thân cây. Họ đều nhìn cô với vẻ mặt vô hồn, trắng toát, thiếu sức sống. Điểm chung giữa họ là cùng có những vết đâm xoáy sâu, rỉ máu trên các vị trí cơ thể – người ở mắt, người ở ngực, người lại ngay giữa má.

Vân Vân phanh lại trước một cái hốc đất bị đào xới tung tóe, miệng hốc đủ lớn cho một người chui vào. Hình như, đây là hang thỏ, nhưng với kích cỡ dành cho con người.

“Trốn… vào… đi… Thỏ…!”

“Cáo… đang… đến… săn… mồi!”

Vân Vân hoảng sợ, oằn người cố chui rúc; bên trong, hốc đất hóa ra còn đủ rộng để chứa thêm một người nữa. Cô nằm im, thở nhẹ trong lúc chờ đợi “con cáo” đi qua. Bỗng, nhiều bàn tay từ đâu chui ra giữ chặt người Vân Vân, siết những ngón dài và lở loét lên da thịt cô. Một bàn tay đang bị hoại tử, chi chít những lỗ thịt thối đập bộp vào miệng cô, giữ chặt không cho la hét. Càng giãy, những bàn tay càng siết mạnh hơn, khiến da cô tím hẳn đi.

Tiếp, Vân Vân cảm nhận như có ai đang hất đất cát vào chân cô. Cô ngửa mặt trông ra ánh sáng bên ngoài miệng hốc đất, một người đàn ông đi đôi ủng bẩn và ướt đang cầm xẻng xúc đất. Ôi không! Vân Vân muốn hét lên. Ông ta… ông ta… đang tìm cách chôn mình dưới hốc đất này!

Dù gồng sức, Vân Vân cũng chỉ thốt lên được những tiếng “ư ư” yếu ớt. Sẽ chẳng ai nghe thấy hết! Chiếc xẻng dừng lại đột ngột sau vài lần xới, người đàn ông cúi xuống, trừng mắt nhìn Vân Vân. Gương mặt ông ta xứt sẹo, thấy rõ cả những đường chỉ khâu chắp vá các mảnh da vào với nhau; chỗ thì trơn mịn, chỗ thì nhăn nheo, chỗ thì phồng rộp và mọng nước. Ông ta thò cả cánh tay vào hốc đất, chạm vào gương mặt Vân Vân, nhưng cô lại thấy một cái móc sắt cắm ở cổ tay thay vì một bàn tay thông thường.

“Chào… mừng… về… nhà…! Đừng… đi… đâu… hết… nữa… nhé?”