Vụng Dại Tuổi 17

Chương 16: Chương 16

Mặc cho ba mẹ dỗ dành, bạn bè khuyên răn, cô chủ vẫn thờ thẫn không ăn, không ngủ. Quân xuất hiên vào một buổi sáng.

- Hân đừng như thế, đâu phải là lỗi tại Hân. Hân tưởng chỉ mình Hân đau khổ thôi sao?

Cô chủ không nói gì, lẳng lặng đến bên tôi. Mới mấy ngày mà trông cô xanh xao quá. Cô lấy lại tất cả những thứ đã gởi tôi. Nhưng không, hình như cô muốn tìm vật gì đó. À, thì ra là cuốn tập có bìa màu xanh lá cây. Cô đưa nó cho Quân thì phải, nhưng vừa đi được vài bước, cô lại ngã khuỵu xuống, bất động. Quân bế thốc cô trên tay, lao ra trong tiếng kêu hoảng hốt của mẹ: “Ôi, con tôi... Con sao vậy?”.

Cuốn tập có bìa màu xanh lá cây rơi xuống đất, xấp giấy bên trong văng ra tung tóe. Chúng chao nghiêng mấy vòng rồi đáp nhẹ xuống đất. Trên một tờ giấy, có nét chữ rất to: “Tập truyện ngắn tham dự cuộc thi…”. Phía góc phải là tên Hạ được viết khá nắn nót. Cạnh đó là tờ giấy thông báo thể lệ cuộc thi, dòng chữ “Thời hạn nộp bài” được gạch dưới bằng mực đỏ: “Từ ngày ra thông báo đến mùa xuân…”.

Bây giờ thì mùa xuân đã đi qua rồi!

Tôi muốn khóc, nhưng chao ôi, làm sao khóc được khi tôi chỉ là một cái hộc bàn người ta làm bằng gỗ...

Chuyện tình yêu

Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu...”[2]. Giai điệu quá quen thuộc ấy đón tôi từ ngoài cổng. Ngân thường nghe chúng vào ngày chủ nhật. Cuộn băng nát nhàu mà lời bài hát chẳng hề cũ đi. Tôi thả người xuống giường, với tay cầm tờ giấy gấp tư Ngân để lại: “Tao có hẹn với Long”. Hóa ra hôm nay là chủ nhật. Mà có thực sự tôi quên không nhỉ? Tạo hóa đã ban cho con người bộ nhớ, tại sao không ban cho họ cái quyền được sử dụng chúng để rồi cứ phải nhớ những gì không nên nhớ và chẳng thể quên được những điều đã cố quên đi. Lời trong bài hát vẫn cứ ngồn ngộn: “Bạn bè rời xa chăn chiếu, ô hay mình vẫn cô liêu...”. Tôi bật dậy, với tay tắt máy rồi lao ra khỏi phòng, chẳng biết đi đâu nhưng sợ rằng cứ nằm mãi đó, tôi sẽ tan ra cùng nỗi buồn mất!

Tôi đi bộ thật chậm dọc theo con đường có hai hàng cây thẳng tắp. Đêm thật yên bình, gió mơn man trên da thịt, tinh nghịch lùa vào từng sợi tóc. Dòng người vẫn cứ tấp nập đổ ra đường, những có lẽ chẳng ai ra đường với lý do vớ vẩn và cái đầu rỗng tuếch như tôi. Những đêm Ngân trở mình, thấy nước mắt lăn dài trên má tôi, nó không an ủi hay dỗ dành mà chỉ gạt đi: “Mày yếu đuối từ khi nào thế? Phải cứng rắn lên. Nó không đáng để mày phải khóc”. Tôi úp mặt vào lòng bàn tay, cố nghĩ: “Nếu không khóc thì nước mắt dùng để làm gì? Mình không phải vì Hoàng mà khóc” rồi càng đau khổ vì điều mình vừa nghĩ bởi nó trái với sự thật. Tôi để mặc cho nỗi nhớ trào lên, cuốn tôi về với những kỷ niệm...

Hoàng bảo: “Tôi yêu Chi”. Tôi giật mình, thảng thốt trước lời tỏ tình táo bạo của Hoàng. Rồi cũng kịp nhận ra mình là gì trong Hoàng, tôi phá lên cười:

- Hoàng đóng kịch có khiếu lắm! Chừng nào trường tổ chức, Chi sẽ đề nghị Hoàng vào vai nhân vật chính.

- Chi nghĩ thế à?

Hoàng cười, nụ cười nửa môi đểu đểu quen thuộc, nụ cười mê hoặc bao cô gái. Quen nhau trong câu lạc bộ văn học của trường, tôi đã từng chứng kiến biết bao “mối tình” của Hoàng với những cô gái trẻ, đẹp. Tôi thấy họ giống những con thiêu thân bị vẻ hào phóng của Hoàng làm hoa mắt. Mà tôi thì không như thế.

Hôm sau, Hoàng gởi cho tôi tờ giấy: “Tôi biết Chi nghĩ gì về tôi. Nhưng con tàu nào rồi cũng cần có một sân ga để dừng lại. Với tôi, sân ga đó chính là Chi”. Tôi gấp tờ giấy nhét vào chồng sách vở dày cộm, lòng như chai sạn, cảm giác chẳng thể gọi thành tên. Là bạn Hoàng, tôi đã không ít lần nghe Hoàng kể về những cuộc tình theo kiểu “hợp đồng”, thích thì chơi, không thích thì bỏ. Tuyệt nhiên, tôi chưa từng nghe Hoàng kể về một tình yêu theo đúng nghĩa. Tôi không phải là đứa con gái da trắng, môi hồng hay có mái tóc nhung lụa và dáng người kiều diễm như bất kỳ cô bạn nào trong số những cô bạn mà Hoàng thường “khoe” với tôi. Vậy thì thật trái khoáy khi Hoàng phải cầu cạnh.

Tiết học cuối, tôi gặp Hoàng ở chân cầu thang. “Chi có bạn trai rồi, chúng mình vẫn mãi như xưa Hoàng nhé!” - Hoàng nói, xoáy vào tôi cái nhìn xa lạ. Tôi quay mặt bỏ đi, nhận ra nỗi hụt hẫng lớn hơn hẳn cái niềm kiêu hãnh chưa kịp định hình.

Tuấn chặn tôi trước cửa lớp, ngập ngừng mãi mới dúi vào tay tôi tấm thiệp vuông vuông, nhỏ nhỏ: “Tối mai Chi nhớ đến nhé!”. Tôi chưa kịp nhận lời, Tuấn đã mất hút sau cánh cổng lố nhố toàn người là người.

Hương ghé tai tôi, giọng chì chiết: “Lão Hoàng đáo để thật, mình nhờ hắn cho quá giang, hắn bảo phải chở Xuân, Xuân không có xe. Sao không nói thẳng ra là Xuân đẹp hơn Hương”. Tôi cố điềm tĩnh để bào chữa cho cái lý do thiếu xác đáng của Hoàng, cũng như để an ủi, xoa dịu nỗi đau của riêng mình, lòng vẫn nhức nhối khi nghĩ đến lời tỏ tình của Hoàng. Giá như tôi có thể xem đó như một vở kịch, thế sẽ tốt hơn.

Hôm sau, Hoàng không chở Xuân mà đi một mình. Tôi đèo Hương sau lưng. Nó kể luyên thuyên chuyện, từ chuyện Hoàng bị bọn bên A3 chặn đường vì dám cướp mất hoa khôi của lớp, cho đến chuyện Hoàng đi thi thanh lịch bị rớt phần ứng xử. Nói chung, nó đang làm cái việc mà thiên hạ gọi là “nói xấu” chỉ vì đúng ra lúc này, nó phải ngồi sau lưng Hoàng.

Sinh nhật Tuấn không giống bất kỳ một sinh nhật nào khác. Tuấn chất đống củi phía cuối sân vườn, sáu đứa chúng tôi nắm tay nhau cùng hát Happy Birthday. Phúc lém lỉnh xen vào: