Nó bỏ lửng câu nói, nhìn bâng khuâng ra phía hành lang có đôi bạn trẻ đang trò chuyện. Tôi không biết có nên nói ra cái điều tôi nghe được ở Quang, rằng anh chỉ xem Hà như em gái. Sợ rằng chẳng giúp gì được cho Hà mà còn dập tắt cái niềm vui cỏn con nhưng nuôi dưỡng nó từng ngày. Tôi lờ mờ hiểu ra con người tồn tại trên cõi đời này - đôi khi - chỉ nhờ vào niềm tin và chút ít hy vọng.
Xế trưa, tôi giục nhỏ Hà đi về, nó bảo: - Để Đông ngủ chút nữa, biết đâu lát Quang cũng đến. Tôi thở dài, vén mấy sợi tóc bay bay trên mắt Đông. Nhìn nó ngủ thấy bình yên quá! Chợt tức cười, chẳng hiểu vì cớ gì chúng tôi lại kéo nhau đến đây, để rồi cuối cùng chẳng đứa nào tỏ ra mặn mà với nơi mình đến. Mà không, ít ra nhỏ Hà cũng có mục đích riêng của nó, đó là được gặp Quang dẫu thừa biết rất ít khi Quang đến những nơi như thế này. Dường như khi yêu thì người ta thường tin vào những điều viển vông nhất! Mười chín tuổi, tôi cũng có một dạo viển vông như thế. Tôi vẽ ra trong đầu một bức tranh với mái nhà đơn sơ mọc lên giữa đồi cỏ xanh ngút ngàn, ở đó có tôi và Lâm. Khi vẽ xong, tôi sợ hãi vội vã vùi lấp nó trong suy nghĩ, sợ hãi vì nhận ra rằng mình đang hạnh phúc trong một giấc mơ không có thật, sợ đến khi tỉnh giấc sẽ đau khổ đến nhường nào. Ngày ngày, tôi đạp xe ngang qua nhà Lâm, căn nhà lầu có một không hai ở khu phố tôi đang sống. Tôi vẫn chẳng khinh ghét cái nghèo dai dẳng của mình, nhưng ngược lại tôi cũng nhận ra mình càng căm giận sự giàu sang. Vì nó mà tôi phải dập tắt đi thứ tình cảm êm dịu chưa gọi thành tên trong lòng. Nó giống như một đại dương bao la chắn ngang bến bờ hạnh phúc. Còn nhớ ngày cuối của thời trung học, đứa nào cũng muốn ngồi nán lại với nhau thật lâu. Cuối cùng chỉ còn tôi và Lâm. Bên ngoài, trời đổ xuống từng làn nước trắng như sương mờ. Chúng tôi ngồi bên nhau giữa một không gian như thế, không nói nhưng nghe rất rõ từng nhịp đập trong lồng ngực. Bất ngờ, Lâm nắm tay tôi, cái nắm tay đầu tiên khiến tôi không khỏi run rẩy. Tôi không dám nhìn thẳng vào Lâm, chỉ nghe giọng Lâm thật nhẹ bên tai: - Chúng mình thân nhau hơn nữa Vân nhé! Trong thoáng chốc, bức tranh trong đầu tôi lại hiện lên. Tôi thấy mình đang cùng Lâm tô lên nó sắc màu của hạnh phúc. Tôi tự hỏi: tột đỉnh của hạnh phúc sẽ là gì? Một giọt nước mắt trong và lạnh ngắt vô tình rơi trúng bàn tay tôi đang ở trong tay Lâm làm vỡ òa cái hạnh phúc dẫu còn mơ hồ. Bức tranh dang dở của tôi được thay vào đó là hình ảnh ngôi nhà lầu sang trọng - nhà của Lâm. Và tôi, một đứa con gái nhà quê lên trọ học, từng tháng nuốt cay đắng để nhận số tiền ít ỏi nhưng đổi bằng mồ hôi nước mắt của cha mẹ gởi lên. Chợt như sực tỉnh, tôi rút vội bàn tay ra khỏi tay Lâm, để cho cái ấm áp không còn nữa. Lâm ngỡ ngàng. Tôi quay đi vì sợ Lâm nhận ra điều ngược lại trong câu trả lời: “Vân chỉ xem Lâm như bạn bè!”. Và tôi đi, đi như chạy, chỉ kịp nghe loáng thoáng tiếng Lâm sau lưng: - Lâm không tin, không tin… Đêm. Bầu trời dường như cũng dành nhiều ưu ái hơn cho riêng ngày chủ nhật. Hay là tôi tưởng tượng thế? Chỉ biết rằng màn đêm thanh thản lắm! Tôi ngồi nép sát vào cái cổng sắt có mái hiên của dãy phòng trọ, chờ mở cổng cho Hà. Nó đi với Quang từ chiều. Dù sao, có một buổi tối như thế cũng thú vị chán! Còn hơn là cứ ngồi như tôi lúc này. Mới chín giờ, sương đã xuống phủ ướt cả đầu, tôi kéo cao cổ áo nghe mùa đông ở đâu đây thật gần. Có tiếng gọi thật khẽ của đứa trẻ trong bóng đêm lờ mờ. Tôi quay lại. - Chị ơi... Con bé chìa chiếc nón đã nhàu nát. Tôi sực nhớ những lần bị Hà mắng: “Mày chỉ hay thương người, bị cả cái bọn trẻ nó lừa” nhưng tất cả chỉ thoáng qua trong đầu rồi tắt mất ngay khi tôi nhìn vào đôi mắt của con bé. Đôi mắt nó trong và sáng như những ngôi sao trên bầu trời đêm. Tôi vét hết những tờ giấy bạc trong túi áo đưa con bé, định hỏi thăm nó vài câu nhưng... để làm gì khi tôi chẳng giúp gì được cho nó ngoài những đồng bạc cuối cùng đó! Tôi nhìn bóng nó heo hắt, nhỏ dần trong con hẻm vắng người, bỗng nhận ra những phiền muộn của mình chỉ là vụn vặt. Gần mười một giờ mới nghe tiếng xe máy của Quang rồ rồ trước ngõ. Thấy vẻ mặt tươi tắn của nó, tôi hỏi: - Vui lắm hả? - Vui, nhưng mày chưa yêu thì mãi vẫn chưa biết được vui như thế nào! Nói rồi, nó chui vào nằm cạnh Đông, chỉ một lúc đã nghe nó thở đều đều. Tôi cứ nằm đếm mãi mấy lần từ một đến một trăm, vẫn chẳng thể dỗ giấc ngủ. Chẳng biết không ngủ được hay là tôi đang cố níu kéo những phút giây cuối cùng của ngày chủ nhật, cố níu kéo cái hình ảnh mong manh trong giấc mơ tôi cùng Lâm đi bên nhau trên con đường đầy hoa và cỏ dại, nói cho nhau nghe những lời chân thật nhất của con tim. Mà không, tôi không có quyền tiếc nuối. Chỉ có tình yêu thôi thì chưa đủ. Vài phút nữa đây đã sang ngày thứ hai. Một tuần mới bắt đầu với những công việc cũ. Nhỏ Hà sẽ lăn xả đi kiếm những mối dạy kèm ngoài giờ học để rồi mỗi đêm trở về lại luôn miệng rên rỉ: “Bọn trẻ con bây giờ khó bảo quá! Mới vài tuổi đầu đã biết ỷ vào đồng tiền”. Đông thì gò lưng xếp những ngôi sao bằng giấy bạc sáng bóng, tỉ mỉ như thế nhưng tiền công chỉ tính bằng những đồng bạc lẻ. Còn tôi, tôi vẫn ngày đêm miệt mài vẽ những thứ linh tinh mà người ta dám giao ột con bé không tên tuổi nhưng có chút ít năng khiếu như tôi, chỉ khác là tôi không được vẽ để thỏa mãn bản thân như trước mà vẽ để góp phần giải quyết những... hóa đơn đã cưu mang tôi. Tôi có cảm giác mình đánh mất đi một cái gì đó không rõ ràng. Nhưng có lẽ chẳng khi nào người ta định hình được cái mình đánh mất khi cứ mãi phải cuốn mình vào dòng chảy không ngừng của cuộc đời. Điều tồi tệ hơn là tôi chẳng vẽ nổi một bức tranh trọn vẹn theo ý thích riêng mình chỉ đơn giản vì tôi không muốn mình lơ đễnh trên bước đường gian truân. Ý thức được là thế, vậy mà cuối cùng tôi cũng chẳng hơn được ai, vẫn phải xòe tay nhận những đồng tiền của cha mẹ. Ở cuộc sống khó khăn, tôi nhận ra thứ mình cần lại chính là tình cảm, cái mà nhiều người vô tình lãng quên đi, nhưng cũng chính nhờ nó mà mọi khó khăn đều trở nên đơn giản. Hạnh phúc thay khi ba đứa tôi đều nhận ra điều này để dựa vào nhau vượt qua những ngày bình thường. Tôi không dám nói thẳng ra là nó dài ngoằng và chán ngắt, vì như thế cuộc sống càng trở nên vô nghĩa hơn. Dẫu thế nào, tôi vẫn cứ phải vui vẻ đón nhận bởi tôi còn phải có trách nhiệm với gia đình, với bản thân và với cuộc sống đã công nhận sự có mặt của tôi...