Vụng Dại Tuổi 17

Chương 8: Chương 8

- Em đã đếm suốt ngày rồi còn gì?

Chị ngẩng lên nhìn anh âu yếm:

- Cũng khá đấy anh ạ, toàn là những con nhà quý tử nên họ không tiếc tiền.

Huy định nói gì đó, nhưng nhìn đôi mắt sáng rỡ của vợ, anh lại thôi.

Buổi sáng, vợ Huy thức dậy từ sớm. Chị chăm chút ủi từng đường ly của bộ đồng phục cứng như mo mà ngày nào Huy cũng phải mặc. Đến khi Huy ra tới đường, chị còn nói với theo: “Cái máy Massage mình định mua tặng mẹ ấy, chưa đủ tiền anh ạ. Chắc là mẹ cũng biết vợ chồng mình đang khó khăn”. Anh không trả lời, vừa đi vừa tính xem câu này vợ anh đã nói với anh đến lần thứ bao nhiêu rồi.

Ngã tư đông nghẹt người. Cái nóng như thể muốn thiêu sống dòng người qua lại. Để ý một chút, nơi đây giống như cuộc triển lãm khẩu trang với đủ mọi màu sắc kích cỡ. Phía trên lớp vải bít bùng ấy là những cặp mắt luôn nhìn về anh một cách lấm lét, sợ sệt. Ngày đầu tiên phát hiện ra điều này, Huy cảm thấy rất cô độc. Nhưng rồi cũng quen.

“H... u... ý...t...”. Tiếng còi vang lên dứt khoát. Cô gái tấp vào lề, gỡ vội chiếc khẩu trang màu cỏ úa, nhìn Huy, giọng khẩn khoản:

- Con em đang nằm trong bệnh viện, cháu bị xuất huyết đường ruột anh ạ! Cứ nghĩ đến tính mạng của cháu đang nguy hiểm là em chẳng còn để tâm chuyện gì. Thế mới ra nông nỗi này. Anh…

Giọng cô nghẹn lại. Huy không còn xa lạ gì với những câu từ đại loại như thế. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt thăm thẳm buồn của cô, anh biết mình phải làm gì. Chờ cho cô gái hòa vào đường phố, anh quay sang hai gã con trai:

- Chú em có biết phóng nhanh vượt ẩu như thế rất nguy hiểm không? Cho anh kiểm tra giấy phép lái xe, bằng lái.

Gã con trai sục sạo hết túi trên, túi dưới, cuối cùng nó lôi ra tờ giấy bạc màu xanh:

- Anh cầm xài tạm rồi cho em đi, em để quên giấy tờ ở nhà rồi!

Huy lạnh lùng, giọng dứt khoát:

- Hai em theo tôi về đồn.

Gã con trai thay đổi hẳn nét mặt, nhìn thẳng vào Huy, giọng cao ngạo:

- Thế con nhỏ khi nãy đưa ông bao nhiêu mà ông cho nó đi hả?

Huy giận đến tím tái mặt, không nói thêm lời nào. Anh leo lên lên xe của hai gã con trai, chạy thẳng về hướng đồn cảnh sát.

Phong đẩy cốc bia đầy tràn về phía Huy, gắp bỏ vào chén anh miếng bò nướng còn bốc khói, pha trò:

- Giá mà ngày trước, má cậu đồng ý cho cậu thi vào trường... sân khấu, chắc là hợp hơn.

Huy biết mình đang bị chế giễu nhưng anh vẫn im lặng. Phong uống cạn ly bia, khoác tay qua vai bạn, giọng đã bắt đầu nhừa nhựa:

- Chỗ thân thiết bao nhiêu năm, tớ nói thật cho cậu biết, cậu phải thay đổi đi mới giàu được. Tốt nghiệp loại giỏi, loại ưu tú như cậu mà làm gì. Cậu nhìn đi, đồng nghiệp thiếu gì đứa dám “ăn”. Vậy mới sống được.

“Vậy mới sống được!”. Hôm qua, vợ Huy cũng đã nói với Huy câu này. Nó giống như một mệnh lệnh hơn là lý do để vợ anh đi làm. Anh cảm thấy chua chát. Cuối cùng thì anh đã không giữ được lời hứa với lòng mình. Anh hứa sẽ mang đến cuộc sống ấm no, đầy đủ cho vợ con.

Anh quay sang Phong thều thào:

- Chỉ tại tớ bất tài, nếu giỏi giang hơn chút nữa, dũng cảm hơn chút nữa, nhất định tớ sẽ…

Huy bỏ lửng câu nói, nhận ra mình đang hứa. Lại hứa. Lời hứa không thực hiện được thì cũng chỉ là lời nói dối mà thôi, có “cao cấp” gì hơn đâu? Nhưng Phong không nghe thấy. Anh đã ngủ say từ khi nào, đầu ngoẹo hẳn sang một bên. Huy thèm một giấc ngủ bình yên như thế!

Vợ Huy đi làm được một tháng, ở một công ty xuất nhập khẩu nào đó, rồi nghỉ. Số tiền hàng tháng Huy mang về đã gấp đôi lên. Có những tờ năm chục gấp vụn. Chị phải ngồi vuốt cả buổi, nó mới thẳng ra được. Đôi khi, chúng còn sót lại trong túi quần, chị giặt đồ tìm thấy, lại mang ra vuốt. Có dạo, anh hay đứng trầm ngâm trước bàn thờ cha, trên ấy treo kín những tấm bằng khen được lồng cẩn thận trong khung kính, cả những huy chương sáng lấp lánh.

Bây giờ thì thôi rồi, anh đi làm về có hôm chỉ kịp dội nước sơ qua, rồi chui tọt vào giường ngủ mê mệt. Chiều thứ bảy, chị không còn đón anh cùng với bó hoa tươi tắn như dạo trước. Anh có hẹn với bạn đồng nghiệp, cuối tuần mà, đi uống vài ly cho khuây khỏa. Nhìn lọ hoa héo úa, chị tính nhắc, nhưng lại thôi. Chị thông cảm cho công việc bề bộn của chồng, đầu óc đâu nữa mà để ý đến những chuyện nhỏ nhặt ấy. Để ngày mai mình ra chợ mua cũng được. Nghĩ thế nhưng chị lại quên khuấy đi mất. Lọ hoa héo dần rồi khô quắt lại, cánh hoa rũ xuống nhìn buồn đến lạ. Ngày chủ nhật, hiếm khi nào anh có mặt ở nhà. Hết đầy tháng, sinh nhật lại tới ma chay. Căn nhà vắng anh như rộng thêm ra. Chị buồn nhưng không dám trách nửa lời. Anh đã lo cho gia đình như thế, chị còn đòi hỏi gì. Chỉ có đôi mắt chị là ngày càng buồn. Nhưng buồn gì cơ chứ, anh vẫn yêu vợ, thương con, chẳng bao giờ ngược đãi hay tỏ ra coi thường chị, lại càng không có thói lăng nhăng - thứ mà chị ghét nhất ở đàn ông. Chị nghĩ thế nên bớt buồn, dần dà quên quên đi những rạo rực mà tình yêu thuở đầu anh mang đến cho chị.

Ngày cứ thế trôi...