Hai Đứa Trẻ Vô Tư

Chương 36: Đêm nay khó quên

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Tuy nhóc kính mắt miệng còn hôi sữa nhưng làm việc khá đáng tin, buổi tối cậu nhóc giục mẹ cho sang nhà ông ngoại, đến hôm sau đã mang tin tới cho Nhiếp Duy Sơn.

Nhiếp Duy Sơn lên tiếng trước: “Dì Đinh, dì biết cả rồi ạ?”

Nhóc kính mắt bị mẹ nắm tay, ngửa đầu nói: “Còn chưa tới nhà ông ngoại mà mẹ em đã nói ra hết những gì em muốn hỏi, em cũng chóng mặt luôn á.”

“Chỉ bằng con mà cũng muốn lừa mẹ làm chuyện lớn hả?” Dì Đinh vẩy tay rồi vỗ sau gáy nhóc kính mắt, “Đi chơi đi, để mẹ và anh Tiểu Sơn nói chuyện.”

Về cơ bản thì hàng xóm láng giếng trong con ngõ này đều biết đến chuyện của nhà Nhiếp Duy Sơn. Năm đó Nhiếp Phong vì bài bạc mà nợ nần chồng chất, bán nhà bán cửa cũng không đủ để trả, vợ bỏ đi mà bản thân ông cũng phải trốn chui trốn lủi, chỉ còn lại đứa con trai lẻ loi một mình. Cũng may còn có chú ba và thím ba, hơn nữa đã nhiều năm như vậy hàng xóm láng giềng cũng có thể nhìn ra, bản tính của Nhiếp Duy Sơn không giống với bố hắn, cho nên có thể giúp được việc gì thì mọi người đều sẽ giúp.

Dì Đinh nói: “Ban đầu thì thằng bé này cứ đòi sang nhà ông ngoại, rồi trên đường đi thì liên mồm hỏi dì về việc bán pháo, dì mới đùa nó hai câu là nó đã nói ra hết rồi. Cháu cũng thật là, lại đi giao việc cho một thằng nhóc, khả năng cao là dễ làm hỏng việc, còn chẳng bằng tìm thẳng dì đây này.”

Nhiếp Duy Sơn cảm thấy ngại: “Cháu cũng chỉ định thử xem thôi ạ, không được cũng không sao, nhưng nếu mở miệng nói với dì thì lại thành trẻ con nhờ vả người lớn, cháu sợ làm dì khó xử.”

“Chuyện này thì có gì mà khó xử, cũng chỉ là nói một câu thôi.” Dì Đinh thở dài trong lòng, hơi đau lòng cho thằng bé trước mặt này, “Thôi thì để dì nói chuyện chính trước đi, đỡ phải để cháu chờ khó chịu. Thông thường đi bán pháo đều là công nhân của công ty sản xuất địa phương, hơn nữa những nhân viên này cũng đều phải có chút quan hệ, dù sao thì pháo hoa cũng là một loại hàng cực kỳ lợi nhuận. Tuy nhiên chủ yếu bọn họ đều tự bỏ tiền nhập hàng rồi sau đó trực tiếp chia lợi nhuận, những người còn trẻ thì có thể làm việc tại quầy bán còn những người lớn tuổi thì đều thuê người ngoài.”

Nhiếp Duy Sơn gật đầu, hắn chính là cái người ngoài kia.

“Hai ngày nay đã bắt đầu dựng lều cho nên hầu như đều đã đủ người, chỉ còn một số ít địa điểm có thể thêm người nhưng chủ yếu đều nằm bên ngoài vành đai ba, chỉ có một nơi là ở ngã tư gần bệnh viện Nhân Dân, cháu ra đấy đi.” Dì Đinh dặn dò, “Địa điểm kia đã bán rất nhiều năm, cũng bán rất được, năm giờ ngày mai cháu tới đó mang theo một tấm ảnh 3×4, vì ở đó sẽ phát cho cháu thẻ công tác, khi nào Cục Công thương kiểm tra thì đưa cho họ xem.”

Nhiếp Duy Sơn vui mừng nói: “Vâng ạ, cháu cảm ơn dì Đinh!”

Dì Đinh vỗ vỗ vai hắn: “Khách sáo gì chứ, dì còn chưa nói hết đâu, nhất định phải nhớ mặc quần áo dày một chút, bình thường chúng ta đi đi lại lại thì không thấy gì nhưng đến lúc đó phải đứng ở bên đường hứng gió Tây Bắc, thổi từ năm giờ cho đến rạng sáng thì có thể khiến cháu lạnh thấu xương, nói với thím ba tìm cho cháu thêm mấy bộ quần áo dày rồi mặc hết vào. Còn cả khẩu trang nữa, bột của pháo còn đáng sợ hơn sương mù khói bụi, nhớ che kín một chút.”

“Vâng, cháu biết rồi ạ.” Nhiếp Duy Sơn cảm kích trong lòng, trong chốc lát không biết nói gì, cũng lại càng cảm thấy xấu hổ.

“Coi cháu kìa, rốt cuộc thì cũng vẫn là trẻ con thôi, nghĩ cái gì là nhìn thấy hết.” Dì Đinh cười hắn, “Tiểu Sơn à, hàng xóm đều biết tình hình nhà cháu, nhưng có lời này không dễ nghe, thời đại này còn có ai quan tâm được chuyện nhà khác chứ? Nhưng mà dì sẵn lòng giúp cháu, nếu là một người khác có thể giúp chắc hẳn cũng sẽ giúp cháu, không phải những người trong ngõ này đều là Bồ Tát sống mà là ngày thường cháu ra sao mọi người đều nhìn thấy cả, cũng đều tin tưởng.”

Lần này thì gương mặt của Nhiếp Duy Sơn đã đỏ rần cả lên: “Cháu thế nào chứ ạ… Không phải dì nói cháu và Dương nhi đều không đáng tin ạ.”

Dì Đinh bật cười đập một cái lên lưng hắn: “Trong chuyện học tập thì hai đứa đúng là không đáng tin lắm nhưng ở những mặt khác thì không cần phải bàn, nhà ai có việc gì thì hai đứa cũng đều đến giúp đỡ. Nghe mẹ Thiên Dương nói hai đứa thi học kỳ tiến bộ hả, sao, rốt cuộc định học tập cho giỏi rồi à?”

Nhiếp Duy Sơn không định tự đào hố cho mình nên dứt khoát không thừa nhận. Đợi đến khi nói chuyện cũng đâu vào đấy rồi thì dì Đinh định đi tìm nhóc kính mắt về, hắn nhỏ giọng xin: “Dì có thể đừng nói chuyện này với người khác được không ạ?”

Hiện tại hắn đang ăn ở trong nhà chú ba, có thể nói chú ba và thím ba chẳng khác nào người giám hộ của hắn, nếu người khác biết hắn đi làm thêm khổ cực để kiếm tiền như vậy thì sẽ khó tránh có người nghĩ nhiều đoán chú ba và thím ba khắt khe với hắn, cho nên hắn muốn làm âm thầm.

Dì Đinh vẫy tay: “Yên tâm đi, dì biết rồi.”

Việc này coi như đã quyết định xong, năm giờ sáng ngày mai đến địa điểm bán pháo là được, Nhiếp Duy Sơn vui sướng đi về nhà tìm quần áo dày, sau đó nói qua với chú ba và thím ba một chút để tránh cho bọn họ lo lắng.

Bốn giờ sáng hôm sau trời vẫn còn tối mịt, Nhiếp Duy Sơn bò ra khỏi chăn đệm ấm áp, vì để mau chóng tỉnh táo mà đi thẳng ra sân dùng nước lạnh rửa mặt.

“Keng keng.” Có người gõ khuyên đồng trên cửa chính.

“Ai vậy, mới sáng sớm.” Nhiếp Duy Sơn chạy đi mở cửa, giọt nước trên mặt còn chưa lau khô hẳn. Cửa mở ra, Doãn Thiên Dương xách theo một cái túi đứng bên ngoài ngưỡng cửa, ánh đèn trên mái hiên hắt xuống khiến gương mặt cậu nhuộm thành một màu vàng nhạt ấm áp.

Cậu vươn tay lau nước trên mặt Nhiếp Duy Sơn: “Lạnh ghê á, cậu có biết lạnh không vậy.”

Nhiếp Duy Sơn lôi cậu vào rồi hai người cũng đi về phòng ngủ, trong phòng hai mươi mấy độ, vừa khô ráo lại ấm áp. Doãn Thiên Dương dụi dụi mắt rồi đặt túi lên trên giường, còn chưa kịp lên tiếng thì đã bị đối phương ôm lấy từ phía sau.

Nhiếp Duy Sơn cắn gáy cậu, đoạn nói: “Đã buồn ngủ thành cái dạng gì rồi, cái người có thể ngủ thẳng đến mười một giờ lại bò dậy lúc bốn giờ, sao cậu lại khiến người ta thương như vậy hả?”

Doãn Thiên Dương buồn nôn muốn chết, rùng mình một cái rồi nói: “Vậy sao cậu không cho tớ đi.”

Nhiếp Duy Sơn trả lời rất đương nhiên: “Đã nói là cậu khiến cho người ta thương thì tất nhiên tớ cũng thương cậu.”

“Cậu xong chưa đó, có phải là dậy sớm chưa đi vệ sinh nên độc tố vẫn còn trong người không vậy.” Doãn Thiên Dương cảm thấy hết chịu nổi nên thúc cùi chỏ ra sau để đối phương buông ra, cậu vừa lấy đồ trong túi ra vừa nói, “Cậu thay quần áo mau lên đi, mặc dày một chút, tớ mang cho cậu một chiếc áo phao gile, cậu mặc bên trong đi.”

Nhiếp Duy Sơn cởi áo ngủ ra để trần rồi bắt đầu mặc từng lớp từng lớp, áo phông, áo len, rồi áo gile, áo bông, đến lát nữa sẽ khoác thêm một chiếc áo phao ra ngoài. Doãn Thiên Dương lấy mấy miếng giữ nhiệt ra, đoạn nói: “Dán trong quần trước rồi hẵng mặc, chân ấm thì cả người mới không bị lạnh.”

Mặc quần áo xong xuôi thì Nhiếp Duy Sơn ra mồ hôi đầy người, Doãn Thiên Dương lại lấy một hộp cơm từ trong túi ra, bên trong là bánh kẹp thịt, nhưng cũng không giống loại bán ngoài hàng lắm, không phải bánh bao mà là bánh nướng.

“Tối qua mẹ tớ ninh sườn, đúng lúc có bánh nướng nên tớ róc thịt ra băm làm bánh kẹp thịt, cậu ăn tạm đi.” Doãn Thiên Dương nói xong thì lấy ra đưa cho Nhiếp Duy Sơn một cái, “Từ năm giờ đến lúc ăn cơm trưa cũng phải sáu, bảy tiếng, cậu ăn hết đi, đừng để lại.”

Thật ra thím ba đã chuẩn bị đồ ăn rồi nhưng giờ thì không cần nữa, Nhiếp Duy Sơn nhận lấy rồi cắn một miếng thật to, thịt sườn hầm đến mức mềm nát, vừa vào miệng đã tan ra, hắn vừa ăn vừa nhìn chằm chằm Doãn Thiên Dương, có cảm giác trái tim cũng đã tan chảy chẳng còn gì.

Nhưng hết lần này đến lần khác Doãn Thiên Dương như quyết tâm muốn đòi mạng hắn, cậu hỏi: “Buổi trưa tớ đưa cơm cho cậu nhớ, cậu muốn ăn gì?”

Trong lòng Nhiếp Duy Sơn cảm thấy căng phồng lên, đoạn nói: “Xung quanh bệnh viện Nhân Dân bán đầy cơm hộp và bánh, còn có các quán cơm nhỏ, tớ không bị đói được đâu. Cậu yên tâm đợi ở nhà đi, lạnh thế này đừng có chạy khắp nơi.”

“Được rồi.” Doãn Thiên Dương đậy hộp cơm đã trống không lại, “Buổi tối phải làm đến một, hai giờ mới xong thật à?”

“Cụ thể thì tớ cũng không rõ.” Nhiếp Duy Sơn khoác áo phao vào rồi cầm chìa khóa xe chuẩn bị đi. Doãn Thiên Dương đi cùng ra ngoài, đến đầu ngõ thì kéo kín khóa áo của Nhiếp Duy Sơn lại, “Ngài đi đi, kiếm tiền mua cho tớ bánh dẻo cuộn(*).”

(*)Bánh dẻo cuộn (nguyên văn là Lư đả cổn – 驴打滚 – Lừa lăn lộn): là một món ăn vặt truyền thống ở khu vực Đông Bắc, Bắc Kinh cũ và Thiên Tân. Vì trong bước chế biến cuối cùng phải rắc một lớp bột đậu nành lên, trông giống như bụi đất tung bay khi những con lừa hoang đạp bước lăn lộn ở vùng ngoại ô Bắc Kinh cũ nên đặt tên là “Lừa lăn lộn”.

Nhiếp Duy Sơn vặn tay lái, dần dần đi xa trong sắc trời còn chưa sáng.

Khi đến được địa điểm bán pháo là năm giờ kém mười lăm, phía trước lều có một ông bác khoảng năm mươi tuổi đang đứng trên nắp hố ga, chắc hẳn là đang làm ấm chân. Nhiếp Duy Sơn khóa xe rồi bước tới chào hỏi, sau đó nhận được giấy chứng nhận công tác của mình.

“Bày hàng ra đi, bánh pháo bày ở rìa ngoài cùng, tiếp đó là pháo hoa xếp theo hình dạng to nhỏ, có danh sách nhập hàng trên giá, xem rồi nhớ giá bán đi.”

Nhiếp Duy Sơn đi vào quầy hàng trong lều, có đủ các loại pháo khác nhau, nào là pháo nhỏ cho trẻ con, rồi que pháo cầm tay, còn có mấy trăm chiếc pháo hoa, bày biện xong cũng toát hết cả mồ hôi, hắn cũng nhân lúc đang nóng người mà đi vận chuyển hàng rồi sắp xếp ngay ngắn.

Hắn cầm đơn nhập hàng để học thuộc giá bán, bánh pháo có loại một nghìn tép, ba nghìn tép và năm nghìn tép, giá cả mỗi loại khác nhau, hơn nữa lại có hai thương hiệu, tương đương với sáu mức giá. Chủng loại của pháo nhỏ lại càng nhiều hơn, cái gì mà Trứng khủng long rồi Phi hành gia và Ngọc sắc màu, hắn cầm Thiên hầu bỏ trốn(*) lên rồi cười, khi còn bé hắn từng lừa Doãn Thiên Dương, nói là cầm hai cây rồi đốt thì có thể bay lên nóc nhà.

(*)Thiên hầu bỏ trốn:

Sau đó Doãn Thiên Dương lại nói cho Nhiếp Dĩnh Vũ để Nhiếp Dĩnh Vũ bay thử một lần, cuối cùng hai người bọn họ bị Nhiếp Phong và Doãn Hướng Đông đánh cho một trận.

Mọi công việc chuẩn bị đều đã làm xong, trời cũng đã sáng bừng, Nhiếp Duy Sơn đứng sau quầy hàng đút tay vào túi quần chờ mở cửa, dần dần hắn mới hiểu rõ cái lạnh này là như thế nào. Sức nóng trên cơ thể đã tan biến không còn lại chút gì, ba lớp áo trong và ba lớp áo ngoài cũng không cản được từng đợt gió Tây Bắc trên phố, tựa như chính cơ thể hắn cũng không có nhiệt độ, thứ mà quần áo và giày đang bao bọc chỉ là một vật chết.

Nhiếp Duy Sơn nhìn dòng người và xe cộ qua lại trên đường thì vô cùng nhớ nhung gian phòng ngủ nhỏ trong cửa hàng ấy, hắn muốn được nằm vùi trên đó và ôm lấy Doãn Thiên Dương, nghĩ đến đây hắn nắm chặt tay thành nắm đấm. Nhưng lại chỉ có những ngón tay lạnh buốt và viền mắt nóng hổi bị gió rét tạt vào.

Giá cả hàng hóa tăng cao, chỉ với hai hộp pháo nhỏ và một dây bánh pháo đã hết một trăm, mới bán nửa buổi sáng mà hộp đựng tiền đã được chất đầy. Ông bác đang giữ ấm chân kia cuối cùng cũng rời khỏi nắp hố ga, ông nói: “Đợi đến giao thừa ấy, hôm đó cứ cách một tiếng là phải dọn sạch hộp tiền một lần nếu không sẽ đầy tràn ra đấy.”

Nhiếp Duy Sơn hỏi: “Giao thừa có thể bán được khoảng bao nhiêu ạ?”

Ông bác suy nghĩ rồi nói: “Mỗi năm cũng không khác nhau mấy, tính sơ thì chắc được khoảng năm, sáu mươi nghìn.”

Nhiếp Duy Sơn không hỏi nhiều nữa vì sợ trong lòng phải chịu đả kích quá lớn nên hắn cúi đầu làm việc. Đến buổi trưa lại có một bác gái tới, cùng với ông bác kia là hai người, hai người này đều là công nhân của công ty sản xuất.

Buổi chiều có một chiếc xe tải đi qua hỏi có cần bổ sung hàng không thì có thể tiện đường chở Nhiếp Duy Sơn về kho pháo. Bởi vì những công nhân của công ty như bọn họ chỉ quan tâm việc buôn bán, còn Nhiếp Duy Sơn là lao động thuê bên ngoài nên việc gì cũng để cho hắn làm.

Kho pháo nằm trên một ngọn núi ở vùng ngoại thành, Nhiếp Duy Sơn chuyển lần lượt từng chuyến hàng, chuyển hơn trăm thùng pháo hoa nặng mười mấy cân. Hai cánh tay và chân từ mỏi nhừ cho đến đau nhức, rồi trở nên tê dại, cuối cùng thì chẳng còn cảm giác gì nữa.

Làm việc mấy tiếng liền không ngừng nghỉ, mãi cho đến tận khi trời tối mới có thể ngồi xuống nghỉ ngơi lấy sức, hắn lấy điện thoại ra xem thì thấy có mấy tin nhắn chưa đọc.

“Buổi trưa ăn gì vậy? Có bận lắm không?”

“Bận đến mức không trả lời được à?”

“Uống nhiều nước một chút đấy, buổi tối tớ chờ cậu ở đầu hẻm.”

Cả ngày nay Nhiếp Duy Sơn chưa uống nước nên đôi môi nứt nẻ hết cả. Hắn đang định hỏi mấy giờ có thể quay về nội thành thì ông lão trông kho hỏi hắn: “Buổi tối có thể trực ở đây không, sẽ được tính thêm tiền.”

Hắn suy nghĩ một lát thì trả lời: “Khó đấy ạ, người yêu cháu còn đang chờ cháu mua bánh dẻo cuộn đây ạ.”

Ông lão cười nói: “Thằng nhóc mày mới bao nhiêu tuổi mà đã có người yêu rồi, trẻ con bây giờ ghê thật.”

Nhiếp Duy Sơn cũng cười, lại nhìn xuống hai bàn tay dính đầy bụi bặm của mình rồi như trả lời lại càng giống như tự lẩm bẩm: “Hiện tại ở bên nhau cũng là ở bên nhau, đợi đến hơn hai mươi tuổi ở bên nhau cũng vẫn là ở bên nhau, dù sao đều là cùng với cậu ấy vậy thì cứ ở bên nhau sớm một chút đi.”

Hắn soạn tin nhắn gửi cho Doãn Thiên Dương: “Ở nhà đợi đi, buổi tối nhiệt độ xuống thấp đấy.”

Hơn chín giờ các quầy bán pháo bên ngoài vành đai ba bắt đầu dọn hàng, Nhiếp Duy Sơn dỡ hàng được vận chuyển về đây, số lượng phải đến mấy trăm thùng. Sau khi dỡ xong thì hắn ngồi xe quay về nội thành để thu dọn quầy hàng của mình.

Đợi đến khi làm xong mọi việc thì đã hơn một giờ, cũng may con phố bán đồ ăn vặt gần bệnh viện Nhân Dân vẫn còn kinh doanh, hắn lê cái thân thể dính đầy bụi pháo cùng với hai bàn tay và đôi môi nứt nẻ đi qua, nếu không phải có ngoại hình đẹp trai thì trông rất giống một người đàn ông lang thang không nhà để về lúc nửa đêm.

“Bác ơi, bán cho cháu mấy cái bánh dẻo cuộn, rắc nhiều bột đậu một chút ạ.”

Nhiếp Duy Sơn treo túi bánh dẻo cuộn lên xe rồi quay đầu đi về nhà. Đã trải qua cả một ngày lạnh cóng đến mức linh hồn cũng bay mất nên lúc này hắn lái xe điện cũng chẳng còn cảm thấy lạnh gì nữa.

Trong hẻm các gia đình đã tắt hết đèn, hắn đứng trước cửa nhà Doãn Thiên Dương mà không dám gõ cửa, cũng may vừa mới gửi tin nhắn thông báo đã về thì đã nghe thấy được tiếng bước chân ở bên trong.

Doãn Thiên Dương thì chẳng để ý được nhiều đến thế, động tác của cậu vừa gấp gáp vừa mạnh mẽ, tiếng mở cửa khiến cho Thiên Đao sủa to một trận, cậu nhấc chân bước qua ngưỡng cửa rồi đứng yên không động đậy. Nhìn quần áo bẩn thỉu của Nhiếp Duy Sơn, nhìn bàn tay và đôi môi đang chảy máu của Nhiếp Duy Sơn, còn có cả những đường nét càng trở nên sâu hơn dưới ánh đèn trên gương mặt của Nhiếp Duy Sơn, cậu lẩm bẩm nói: “Sao trông cậu như tội phạm truy nã vậy…”

Nhiếp Duy Sơn đâu còn sức nào để nói đùa, hắn giơ tay nói: “Tớ mua cho cậu bánh dẻo cuộn, dùng để ăn khuya đi.”

Doãn Thiên Dương đưa hai tay ra nhận rồi cầm túi bắt đầu ăn, bột đậu và gạo nếp đều nguội lạnh nên vị ngọt cũng nhạt đi rất nhiều, cắn một miếng cảm thấy vừa mềm mại vừa dinh dính, còn có cả hương thơm của bột đậu, cậu nhét bánh đầy miệng rồi hỏi: “Buổi tối cậu ăn gì thế?”

Bụng Nhiếp Duy Sơn kêu ùng ục, hắn cười nói: “Tớ cũng quên mất, còn chưa ăn.”

“Cậu ngốc à!” Doãn Thiên Dương lầu bầu mắng đối phương, sau đó lại cảm thấy xót mũi vì tức giận, giận bản thân mình sáng sớm còn đòi đồ ăn. Cậu kéo Nhiếp Duy Sơn vào nhà rồi nhân lúc đối phương đi tắm rửa thì nấu một bát mì, nhưng lại không biết rõ cách trần trứng gà thế nào nên toàn bộ lòng đỏ đều bị vỡ vào trong nước.

Ban đêm lúc đi ngủ Nhiếp Duy Sơn nằm ngửa để cho cánh tay đang sưng đau được nghỉ ngơi, sau đó Doãn Thiên Dương lại dịch đến gần rồi ôm hắn khiến cho hắn đau chết trong đêm luôn.

Hai ngày đầu đi làm còn dành để chuyển hàng, nhưng đến ngày thứ ba thì vì lượng người mua đã tăng lên rất nhiều nên không thể dời khỏi địa điểm bán pháo, rồi cứ như vậy hắn làm một mạch cho đến giao thừa.

Doãn Thiên Dương gửi tin nhắn cho Kiến Cương: “Em chúc Tết thầy trước ạ! Chúc thầy Lưu năm mới vui vẻ, sớm được đổi sang dạy lớp chọn ạ!”

Tuy trong nhà chỉ có bốn người nhưng lại cực kỳ náo nhiệt, Bạch Mỹ Tiên sai bảo Doãn Hướng Đông làm hết việc này đến việc kia, còn Doãn Thiên Kết thì ăn mặc giống như tiên nữ hạ phàm ngồi trên sô pha mặc quần áo mới cho Thiên Đao.

“Mẹ ơi, con làm gì bây giờ ạ?” Doãn Thiên Dương xắn tay áo đi lại loanh quanh, đứng ngồi không yên.

“Băm cải thảo thành nhân bánh đi, buổi chiều mẹ làm sủi cảo.” Bạch Mỹ Tiên đang rửa cua trong bếp, xem ra là định chuẩn bị một bữa tối tất niên thật phong phú. Doãn Thiên Dương nhìn thấy câu đối Tết và chữ Phúc trên bàn thì cầm lấy rồi chạy ra ngoài: “Để bố con băm đi ạ! Con dán câu đối cho!”

Doãn Hướng Đông hét: “Mày có phân biệt được câu đối trên với câu đối dưới không đấy!”

Đương nhiên là Doãn Thiên Dương mặc kệ, đầu tiên cậu bắc ghế dán dải chữ ngang trước, còn lại hai tờ dọc thì dán bừa sang hai bên, cuối cùng hai tấm chữ Phúc thì cậu lộn ngược lại dán lên trên cửa, xong việc. Dán xong cậu cũng không quay vào nhà mà bước xuống bậc cửa nhìn ra đầu hẻm, đột nhiên cậu cảm thấy bản thân thật cô đơn.

Cậu đi sang hẻm bên cạnh, vẫn biết là Nhiếp Duy Sơn không có ở đấy nhưng vẫn muốn đi, bước qua ngưỡng cửa thì lập tức cậu tự lên tinh thần, rồi chắp tay về phía ông Nhiếp nói: “Ông ơi, cháu chúc Tết ông ạ! Buổi trưa nhà mình sẽ ăn gì vậy ạ?”

Ông Nhiếp đang tưới cây trong sân, đoạn nói: “Tám mặn, tám chay cùng với rượu xái, cháu đợi ở đây đi rồi uống hai chén với ông.”

“Uống không thôi ạ, có thể đưa tiền mừng tuổi trước không ạ?” Cậu pha trò với ông Nhiếp, “Năm sau cháu muốn đi Thiệu Hưng chơi, đến lúc đó cháu sẽ mang đậu phụ thối về cho ông ạ.”

Nhiếp Dĩnh Vũ ló đầu từ trong nhà ra: “Anh Dương Dương ơi, anh đi Thiệu Hưng chơi thật à?”

Doãn Thiên Dương đi vào: “Tất nhiên, anh của mày cũng đi nữa, bọn anh đã hẹn với Tần Triển đâu vào đấy rồi.”

“Vậy em cũng đi!” Nhiếp Dĩnh Vũ đã nghỉ ngơi hai ngày nay đủ rồi, “Đợt Quốc khánh các anh không dẫn em đi nên lần này phải cho em theo, hơn nữa lần trước em thất tình cũng nhờ có Tần Triển khuyên em, em còn chưa cảm ơn cậu ấy nữa.”

Doãn Thiên Dương đồng ý nhanh gọn: “Xin tự thân vận động, phải yêu thương và bảo vệ các anh!”

Nói là bữa tối tất niên nhưng thật ra bốn, năm giờ chiều đã bắt đầu ăn, cửa lớn nhà họ Doãn đóng lại, một nhà bốn người ngồi quanh bàn ăn, Doãn Thiên Dương thì ôm chó con, nhẹ nhàng vuốt ve cái đầu tròn vo của nó. Quả thật cậu chẳng thể hào hứng được, suy cho cùng cũng thiếu mất một người, dù có là một bàn đầy thức ăn cũng không hấp dẫn được cậu, hơn nữa vị chua của rượu vang còn làm cho cậu hơi khó chịu, cũng chỉ có thể sờ nhúm lông trên đầu Thiên Đao mới thoải mái được một chút.

Doãn Hướng Đông bóc cua cho vợ con, đoạn nói: “Bà xã à, em nói mấy câu đi.”

Bạch Mỹ Tiên hắng giọng: “Nhìn lại một năm đã qua tưởng như bình yên nhưng thật ra đã xảy ra rất nhiều chuyện. Chuyện Thiên Dương đánh nhau rồi bị thương thì thôi đừng nhắc tới nữa, dù sao năm nào cũng có, nói chuyện khác đi.”

Doãn Thiên Dương lập tức phản bác: “Mẹ cũng đã nhắc rồi đấy thôi! Mà lại nói, đã mấy tháng con không đánh nhau rồi nhỉ.”

“Cái này thì kể ra cũng đúng, mấy tháng nay mày bị sao thế?” Doãn Thiên Kết hỏi cậu.

Còn sao nữa chứ, mỗi ngày nói chuyện yêu đương vui đến mức quên hết trời đất, ai còn nhớ phải đi gây sự nữa chứ, Doãn Thiên Dương rung đùi đắc ý rồi nói: “Chị đừng ngắt lời, để mẹ nói tiếp đi.”

Bạch Mỹ Tiên tiếp tục nói: “Thiên Dương gia nhập đội điền kinh còn đoạt được huy chương, tuy đến nay cả nhà cũng không biết bộ dạng huy chương nó ra làm sao nhưng dù gì cũng coi như là khai quật được một loại năng lực mới. Thiên Kết bắt đầu đi thực tập rồi, đi làm và đi học không giống nhau, sẽ có những khó khăn và vấn đề không thể tưởng tượng nổi, nhưng mẹ tin tưởng nó có thể làm tốt mọi việc. Nhà chúng ta còn nuôi thêm chó, tên hơi khó nghe một chút nhưng không sao, tên xấu dễ nuôi.”

Ngồi trò chuyện như liệt kê từng sự việc một lượt, Doãn Thiên Dương nhìn ra ngoài cửa sổ, suy nghĩ của cậu đã bay đến con phố bên cạnh bệnh viện Nhân Dân từ lâu. Cậu cũng muốn ôn lại một chút chuyện của năm vừa qua nhưng còn phải chờ thêm bảy, tám tiếng nữa mới được.

Vì vậy cậu quyết định ngủ một giấc, không có điều gì giết thời gian tốt hơn so với việc đi ngủ.

Nhiếp Duy Sơn thì ngược lại, hắn có cảm giác thời gian trôi qua quá nhanh, từ sáng sớm giao thừa hôm nay đã bắt đầu bận rộn, có thể nói từng lượt người mua hàng nối liền không dứt, ba người bán hàng, bổ sung hàng rồi nhận tiền trả tiền, bận đến không kịp thở.

Ông bác kia nói đúng thật, cứ cách một tiếng phải dọn hộp đựng tiền một lần nếu không tiền sẽ tràn hết ra ngoài. Cho đến chín giờ tối, bọn họ đã bán được hơn sáu mươi nghìn. Cả ngày nay Nhiếp Duy Sơn còn chưa được ăn gì, thậm chí cũng chưa ngồi xuống lần nào, cổ họng bởi vì thiếu nước và hít vào quá nhiều bụi mà trở nên hơi đau nhức.

“Xe từ kho tới rồi, Tiểu Nhiếp cầm danh sách ra dỡ hàng đi, lát nữa bán xong thì chúng ta cũng kết thúc mọi công việc.”

Bổ sung thêm ba mươi hòm pháo cuối cùng rồi bọn họ dựa vào đèn pin và đèn đường mà kiên trì chiến đấu, rạng sáng là giờ cao điểm để bắn pháo hoa, đến lúc đó có thể sẽ lại sôi động hơn một chút. Nhiếp Duy Sơn làm việc không ngơi nghỉ, dỡ hàng xong rồi xếp lên quầy, sau đó lại mời chào khách qua đường, điện thoại trong túi quần rung lên cũng không có thời gian rảnh mà để ý.

Tỉnh lại sau giấc ngủ thì “Đêm nay khó quên”(*) cũng đã hát xong, Doãn Thiên Dương đi xuống bếp luộc sủi cảo, luộc xong thì xếp vào một hộp giữ ấm. Trên đường đi đâu đâu cũng là tiếng pháo hoa nổ đùng đùng, nhà nhà đều vô cùng náo nhiệt, cậu đi đến quảng trường khu Đông thì  phát hiện chỗ cho thuê moto vẫn còn đang mở cửa.

(*)“Đêm nay khó quên” là bài hát được hát trong các kỳ Gala mừng xuân.

Ông chủ nói: “Với giao thông trong ngày Tết mà về nhà thì phiền phức lắm, hơn nữa người tới đây bắn pháo hoa nhiều như vậy, bắn xong lại lái xe một vòng nên so với ngày thường anh cũng kiếm được nhiều hơn mấy nghìn.”

Doãn Thiên Dương vội đưa tiền: “Đây là để lát nữa em thuê một chiếc, đỡ phải xếp hàng ạ!”

Gần đến hai giờ thì rốt cuộc Nhiếp Duy Sơn cũng dọn hàng, hắn nhận được tám nghìn tiền lương và một đống pháo còn thừa, trên đường đi hắn mua hai chai nước, một chai thì uống cạn, còn một chai thì để rửa tay và rửa mặt.

Ở quảng trường khu Đông đã không còn ai cả, trên đất chất đầy xác pháo, hắn xách theo hai túi pháo to đi đến giữa quảng trường rồi nhìn xung quanh tìm kiếm bóng dáng của Doãn Thiên Dương. Nhìn hết một vòng, đến khi quay đầu lại thì trông thấy Doãn Thiên Dương đang ngồi trên băng ghế phía xa ăn vụng sủi cảo của hắn.

Nhiếp Duy Sơn vẫy tay rồi nở một nụ cười vừa mỏi mệt vừa vui sướng.

“Nếu cậu còn không đến thì tớ ăn xong luôn rồi.” Doãn Thiên Dương ôm hộp giữ ấm chạy tới, rồi cầm một chiếc đút thẳng vào miệng đối phương. Nhiếp Duy Sơn lấy điện thoại ra, phồng miệng nói: “Tớ cũng không nghĩ sẽ muộn như vậy.”

Hắn nhìn màn hình rồi chợt dừng lại, phát hiện có một cuộc gọi nhỡ đến từ Quảng Châu.

Doãn Thiên Dương kích động nói: “Là chú Nhiếp đấy! Sao cậu lại không nhận vậy! Gọi lại mau lên!”

“Chắc ông ấy ngủ rồi, với lại cũng không chắc chắn.” Nhiếp Duy Sơn do dự nói. Doãn Thiên Dương vội cướp lấy điện thoại rồi ấn số, “Năm mới cậu không nghe máy cũng không nhắn lại thì chắc chắn chú Nhiếp cũng không ngủ được đâu!”

Mới vang lên một tiếng chuông thì bên kia đã nhận máy, một tiếng gọi “Tiểu Sơn” rất quen thuộc truyền ra.

Doãn Thiên Dương trả lời trước: “Chú Nhiếp ơi, cháu là Thiên Dương! Chúc chú năm mới vui vẻ, cháu và Tiểu Sơn đang chuẩn bị bắn pháo đây ạ! Hôm nay chú ăn sủi cảo chưa ạ? Ở Quảng Châu có bắn pháo không ạ?”

Cậu nói một hơi dài rồi chưa kịp để Nhiếp Phong trả lời đã áp điện thoại đến bên tai Nhiếp Duy Sơn, rồi đồng thời lại nhét thêm một miếng sủi cảo vào miệng Nhiếp Duy Sơn. Nhiếp Duy Sơn vừa ăn vừa nói: “Bố ạ, mọi chuyện của con đều tốt, bữa cơm tất niên cũng ăn no rồi, con đang đi bắn pháo với Dương nhi ạ.”

Nhiếp Phong nói: “Bố cũng rất ổn, buổi tối có uống vài chén, giờ này vẫn còn tràn đầy tinh thần đây.”

Hai bố con chỉ nói hai ba câu như vậy, rồi Nhiếp Duy Sơn lại dặn Nhiếp Phong nghỉ ngơi sớm, đến khi tắt máy rồi hắn mới nói: “Nếu sang năm tớ có thể uống với ông ấy thì tốt rồi.”

Doãn Thiên Dương gật đầu: “Còn cả tớ nữa.”

Đặt hai túi pháo hoa xuống đất rồi hai người xoắn các dây dẫn lại với nhau, như vậy thì  đến khi châm lửa sẽ là cảnh tượng trăm hoa đua nở. Nhiếp Duy Sơn châm lửa xong thì lùi về phía sau, hai người nghe tiếng xì xì mà phấn khởi không thôi, khi tiếng xì xì chấm dứt thì “Đùng đùng” mấy tiếng pháo hoa được bắn ra, bọn họ ngước đầu nhìn về phía bầu trời đêm, cùng trông thấy từng đóa hoa lớn nổ tung nối tiếp nhau.

Mấy sợi tóc trên đầu Doãn Thiên Dương bay phất phơ, cậu nói: “Mẹ nó lạnh thật đấy.” Nói xong cậu mở khóa áo của Nhiếp Duy Sơn ra rồi chui vào, để Nhiếp Duy Sơn đứng đằng sau dùng áo phao bao bọc lấy cậu.

Nhiếp Duy Sơn nói: “Hai chúng ta lại trải qua một năm nữa rồi.”

Doãn Thiên Dương hét to lên trời: “Là một năm thay đổi rất lớn!”

“Đúng vậy! Mẹ nó cậu là của tớ rồi!” Nhiếp Duy Sơn vui sướng một cách khác thường, còn vui hơn nhiều so với khi cầm trong tay tám nghìn, hắn siết chặt eo ôm Doãn Thiên Dương lên khỏi mặt đất, rồi đứng tại chỗ xoay tròn mấy vòng.

Ông chủ cho thuê moto gọi với từ phía xa: “Hai đứa có lái xe không đây, anh còn phải về nhà ngủ!”

Hai người chạy đi lái moto, lần này Nhiếp Duy Sơn thỏa mãn nguyện vọng của Doãn Thiên Dương mà mở hết tốc lực phi lên cầu vượt, trong dịp Tết thành phố vắng vẻ hơn phân nửa, trên cầu gần như không có xe qua lại. Bọn họ đội mũ bảo hiểm, ai nói gì cũng không nghe thấy, trừ khi phải hét lên thật to.

Khi lao xuống khỏi cầu vượt, Doãn Thiên Dương ôm eo Nhiếp Duy Sơn thật chặt, rồi kích động nhắm hai mắt lại, hét lớn: “Năm —— mới —— vui —— vẻ!”

Nhiếp Duy Sơn hét lại càng lớn hơn: “Yêu —— cậu —— chết —— mất!”

Doãn Thiên Dương giống như lên cơn thần kinh mà mãi không phản ứng lại lời của đối phương, rồi bỗng cậu chúi đầu vào lưng Nhiếp Duy Sơn, nước mắt rơi lách tách lên lớp kính chắn của mũ bảo hiểm.

Mẹ kiếp, cậu cũng yêu hắn chết đi được. Mẹ nó có ai mà không phải chứ.