Mất hồn

Choc

Mùi khói khô khốc làm mũi tôi khó chịu. Lờ mờ nhấc hai mí mắt, tôi thấy lưng và vai đau ê ẩm. Túi khí bật ra làm tôi không thể nhìn rõ cái gì với cái gì hết. Nhưng đúng là có khói bốc lên ở mui xe đã tan nát méo mó vì cái thân cây sừng sững ở đó. Đầu óc vẫn còn đầy tiếng ong ong và chống chếnh, những gì tôi nhớ được cũng mờ ảo như những thứ tôi đang cố nhìn xuyên qua làn khói khô khốc này. Nhìn sang ghế bên cạnh, tôi thấy anh vẫn bất tỉnh dựa đầu vào ghế. Tại sao túi khí bên anh không bật ra? Ơn trời là anh có thắt dây an toàn, không thì hẳn là máu me đã be bét xe tôi.

Tôi lùa tay tháo dây an toàn của mình, với người lay lay anh. Đầu tôi vẫn còn tiếng ong ong khó chịu đó, đến mức phải mất nhiều giây tôi mới nhớ ra tên anh:

- Kiên! Kiên à! Mau dậy đi, mau tỉnh dậy đi!

Tôi còn tưởng như họng mình đã khản đặc và những tiếng gọi của tôi yếu ớt như thể tan vào không khí. Không phải tiếng gọi của tôi đã đánh thức anh, là bàn tay tôi đã lay anh dậy. Vai tôi lại càng đau hơn.

Anh giật mình mở mắt và nhìn tôi lo lắng. Nắm lấy tay tôi, anh hỏi:

- Em không sao chứ? Em có bị đau ở đâu không?

+ Không, không. Phải ra khỏi xe đã. – Tôi thấy giọng nói của mình đã đỡ yếu ớt hơn.

Khi anh tháo dây an toàn, tôi quay người nhìn ra ghế sau. Hai cô bạn của tôi có vẻ bị xây xước nhiều hơn vì đồ đạc văng quá mạnh khi xe gặp nạn. Ơn trời là cả bốn chúng tôi đều thắt dây an toàn để hôm nay chưa ai bị chết. Một trong hai người đã mở được mắt ra và động đậy. Chết tiệt, đầu óc tôi vẫn choáng váng quá, tôi nghĩ tên cô ấy bắt đầu bằng chữ Ng…

- Ngân, Ngân ơi! Cậu đứng dậy được không? - Tôi với tay ra muốn nắm lấy bàn tay gầy nhỏ của cô ấy.

Ngân chống tay cho người ngồi thẳng dậy, tháo dây an toàn rồi lay lay cô bạn gục đầu bên vai mình.

- Hạnh ơi dậy đi Hạnh! – Ngân còn vỗ vỗ lên đôi má bầu bĩnh của Hạnh.

Làn khói từ mui xe xộc thêm vào làm Hạnh ho mấy tiếng rồi mở mắt, bàng hoàng đến mức gần như muốn giãy giụa:

- Chuyện gì thế? Chuyện gì thế chứ? Xe làm sao thế này?

+ Mình không nhớ, mình không thể nhớ gì cả. – Tôi nói bất lực, tôi cứ nghĩ mình bị nặng nhất rồi, hóa ra cả bốn chúng tôi đều không thể nhớ ra chuyện gì, làm sao xe bị tai nạn. Thậm chí là còn chẳng thể nghĩ nổi ra chuyện gì trước đó. Đầu óc tôi, và cả ba bọn họ, giống như những cái máy tính đang hoạt động bình thường thì bỗng dưng bị mất điện, và giờ mọi ký ức cứ mờ nhạt ẩn hiện trong cơn choáng váng giống như khi máy tính được khởi động lại thì phải mất thời gian để hồi phục dữ liệu. Tôi chỉ biết rằng vài giây trước mình vừa tỉnh dậy trước tay lái của một chiếc Innova bị đâm vào gốc cây, và chúng tôi nhớ được tên nhau đã là giỏi lắm rồi.

Tôi mở cửa xe, lảo đảo bước ra ngoài. Trời đã sụp xuống màu tím xanh của chiều muộn, cái không khí lành lạnh mang hơi nước vương vẩn làm tôi gai người. Trên thành ghế lái xe, vẫn còn ở đấy, chiếc khăn quàng cashmere hai màu đỏ đen ấm áp mềm mại của tôi. Tôi với lấy nó rồi mở cửa sau kéo Hạnh ra ngoài. Ở phía bên kia, anh cũng đã xuống mở cửa xe đỡ Ngân bước ra. Trong những thứ đồ đạc văng vụn trên sàn xe, cuốn truyện Harry Potter và Bảo bối tử thần bị mắc vào chân Ngân cũng rơi xuống đất. Đầu óc tôi lờ mờ nhớ ra một lúc nào đó trên xe Ngân đã nói rằng cô ấy đã đọc tới lần thứ 4 mà vẫn chưa thấy chán. Mọi chuyện vẫn đang chậm chạp hiện lại trong đầu tôi một cách lộn xộn, khiến đầu tôi vừa có cái cảm giác giật giật nhói nhói như bị chói mắt bởi ánh đèn flash máy ảnh, vừa thấy tê tê ong ong như người đang ngủ say bị đánh thức bất ngờ.

Ngân nhặt cuốn truyện Harry Potter lên và ôm vào lòng như bảo bối. Cả bốn chúng tôi vẫn chưa hết ê ẩm và hoang mang, lùi xa dần chiếc xe đang bốc khói. Xung quanh chẳng thấy ai, trời càng sụp xuống màu tím xanh hoang vắng. Hạnh níu lấy tay tôi, bàn tay cô ấy thật mềm mại và ấm áp.

- Cảm ơn cậu, Bích ạ. May mà có cậu. – Hạnh như muốn ngã gục bên vai tôi. Người cô ấy nặng quá, tôi không biết mình có đỡ được không.

Chúng tôi bước về phía đường cái, hy vọng có thể tìm thấy ai đó giúp đỡ. Khi đã dần quen, bước chân tôi không còn nặng nề nữa, mọi thứ nhìn cũng rõ ràng hơn. Nhưng cái cảm giác lành lạnh ôm lấy tôi, một hình ảnh chớp nhóa hiện lên trong đầu. Tôi nhìn thấy Ngân nằm trong vũng máu với con dao cắm bên cạnh sườn, mắt cô ấy nhắm nghiền, người không còn hơi thở. Tôi sững người. Đấy không thể là một phần ký ức lộn xộn đang trở về trong tôi được. Ngân vẫn còn sống đây, đang đi cùng chúng tôi, cô ấy đâu đã chết. Tôi cảm thấy cái hình ảnh đấy gần lắm, thật lắm mà cũng mơ hồ lắm. Như thể một linh cảm. Một ký ức về điều gì đó chưa xảy ra. Tại sao lại thế, chỉ là một cú đâm xe thôi mà, tất cả chúng tôi đều thắt dây an toàn, tôi còn có túi khí bung ra bảo vệ, tại sao lại đến mức chẳng nhớ được gì, chẳng nghĩ được gì thế? Đến mức lại có cả những hình ảnh hoang tưởng đáng sợ hiện lên trong đầu tôi ư? Hay là cú va đập nào đã khiến tôi chẳng thể nhớ được chuyện gì đã xảy ra mà chỉ có thể mường tượng ra những điều sắp xảy đến. Tôi không muốn biết, tôi chỉ muốn được bình yên, đi khỏi nơi hoang vắng này, tìm ai đó giúp đỡ. Muốn cả bốn chúng tôi được bình yên.

Cái hình ảnh chớp nháy đấy khiến tôi bước nặng nề chậm chạp hơn mọi người. Tôi thu hai cánh tay dưới vạt khăn choàng mềm mại, nhưng càng thấy lạnh hơn. Lạnh vì run sợ trước sự trống trải và những điều mơ hồ trống rỗng khiến tôi thấy bất lực. Anh ngoái lại nhìn tôi, rồi quay lại về phía tôi. Anh cởi áo vest của anh khoác lên vai tôi, cảm giác ấm áp bình yên ôm lấy tôi. Trong một giây tôi thấy bước chân mình không còn nghiêng ngả, quên đi cả những hình ảnh chớp nháy không rõ là ký ức hay dự cảm hay hoang tưởng kia. Anh mặc áo sơ mi trắng, quần dài cũng màu trắng, trông như một thiên thần bình thản trong ánh chiều tà. Tôi an tâm bước theo anh, cùng với Ngân và Hạnh tiến về phía đường cái. Xe của chúng tôi, chắc hẳn là lao từ trên đó xuống. Chúng tôi có thể sẽ tìm được ai đó biết chuyện gì đã xảy ra, vì sao xe chúng tôi gặp nạn.

Mọi ánh đèn từ những ngôi nhà ven đường đều tắt, màu tím xanh của ánh chiều càng đổ sậm hơn dưới ánh đèn pha của những chiếc ô tô vút qua. Chúng tôi ngơ ngác vô thức đi bộ lững thững bên lề đường xuôi theo chiều xe chạy. Không có chút manh mối gì, càng không biết hỏi ai. Đến khi ánh đèn pha chiếu qua một cột mốc bên đường. “Hội An – 2km”.

- Bọn mình đang trên đường tới Hội An! Hôm nay là 30-4! – Ngân đã nhớ ra và reo lên.

Câu nói của Ngân lôi về trong trí óc tôi thêm một mẩu ký ức nữa về những dòng người nhộn nhịp, và tôi thoáng thấy một lúc nào đó khi ngồi trên xe, chúng tôi đã cùng nhất trí rằng, vào kỳ nghỉ lễ này, Hội An là nơi ít xô bồ nhất. Phải, đúng thế, chúng tôi đang trên đường đến với Hội An, Hội An có cái gì đó thân thuộc với tôi lắm. Tôi định hỏi xem liệu Ngân đã nhớ ra hết mọi chuyện chưa, nhưng không hiểu sao miệng tôi lại lẩm bẩm. “Choc! Choc!”. Hai từ vô nghĩa đó vô thức bật ra khỏi miệng tôi, rất khẽ chỉ mình tôi nghe thấy, như thể tiếng chép miệng. Tôi cũng chẳng bận tâm. Bước chân chúng tôi đi nhanh hơn như thể đã tìm thấy điều gì hối thúc. Quên tất cả đi, chúng ta cứ đến Hội An đã.

Hai cây số không phải là quá dài, nhưng là một chặng đường mệt mỏi cho những kẻ mình mẩy ê ẩm đầu óc trống rỗng vừa bước ra từ một chiếc ô tô nát đầu. Cũng chỉ nhờ một cái điều hối thúc vô thức rằng chúng tôi có thể tìm thấy gì đó, manh mối, sự giúp đỡ, mà cuối cùng chúng tôi cũng lết được đến thành phố cổ kính bình yên. Khi nhìn thấy những mái ngói trầm mặc và những ánh đèn lồng màu sắc lung linh cũng là lúc bầu trời đã đổ xuống màn bóng tối đen huyền êm ả. Người người qua lại nói cười thật đông đúc mà chẳng ai chú ý tới chúng tôi. Có lẽ tất cả người dân ở ven đường cái cũng đã đổ hết về đây, đó là tại sao bên đường lại hoang vắng tới thế. Chúng tôi cứ lững thững bước dọc theo con đường trước mặt như thể có một lực hút vô hình. Tôi rất muốn hỏi, chúng tôi đang định đi đâu đây.

- Khách sạn Kim Đồng Hồ. Hỏi đường đến khách sạn Kim Đồng Hồ đi! – Anh bật nói khó khăn sau một cơn đau đầu nhè nhẹ. Đến lượt anh đã nhớ ra gì rồi sao. Ba chữ Kim Đồng Hồ cũng gợi lên trong tôi một cảm giác quen thuộc lắm. Đó là nơi chúng tôi đã đăng ký đặt phòng sao? Cái cảm giác thân quen càng trở về mạnh mẽ hơn.

+ Không cần hỏi đường đâu, em nhớ đường đến đó. – Tôi nói. Chắc chắn, tôi nhớ con đường đến đó. Không phải là biết đường đến đó, mà là nhớ đường đến đó. Như thể tôi đã từng đến nơi này. Chúng tôi, hoặc ít nhất là tôi, đã từng đến đây. Rất có thể chúng tôi đã đến khách sạn Kim Đồng Hồ rồi. Giờ chỉ cần đến đó và hỏi lễ tân, rất có thể chúng tôi sẽ biết được nhiều hơn những gì tối thiểu cần biết. Và sau tất cả, bốn cái thân xác mệt mỏi bơ vơ này rất cần một nơi để nghỉ ngơi.

- Đúng rồi, khách sạn Kim Đồng Hồ. – Hạnh cũng đã nhớ ra mang máng. - Ở đó có một bụi lan trắng thơm ơi là thơm.

Quả đúng là vậy. Chúng tôi đã từng ở đó. Tôi không thể biết chính xác nó còn ở cách đây bao xa, nhưng tôi có thể mang máng áng chừng rằng còn một đoạn đường rất dài, khách sạn Kim Đồng Hồ ở một nơi yên tĩnh không nằm bên trong phạm vi nhộn nhịp của phố cổ. Tôi nghĩ chúng tôi nên bắt taxi, nhưng nhìn quanh đều không thấy bóng dáng chiếc taxi nào. Quá đông người đi bộ và taxi không được đi vào đây. Xích lô, xe kéo đều có người ngồi.

- Thôi mình cứ đi bộ đã, bao giờ thấy có xe ôm hay xích lô đi qua thì gọi. – Ngân không muốn đứng đợi nữa.

Tôi bước lên dẫn đầu, hòa vào dòng người mỗi lúc càng thấy đông trong phố cổ nhộn nhịp đầy cờ hoa. Những ánh đèn lồng rực rỡ trước những mái nhà, trên tay người đi đường và cả ánh hoa đăng lập lòe trên dòng nước sông Hoài. Tôi nắm lấy tay anh, Ngân và Hạnh cùng bám vào cánh tay kia của anh để không bị lạc nhau. Hội An tuy không xô bồ nhưng vẫn nhiều người quá, tôi lại thấy hoang mang chứ không còn cái cảm giác bình yên của phố cổ nữa. Nếu là một lúc khác, hẳn là chúng tôi đã phải lo giữ túi ví, điện thoại kẻo sợ bị móc túi, nhưng giờ trên người chúng tôi chẳng có gì để mà lo mất. Chẳng có hy vọng gì chúng tôi có thể tìm được xe, mà nếu tìm được cũng chẳng biết lấy tiền đâu để trả. Biết làm sao chứ, chân tôi vẫn bước về phía trước, tay vẫn nắm chặt lấy bàn tay ấm áp của anh, mắt cố nhìn càng xa càng tốt, mà như muốn nhòe đi trước bao nhiêu khuôn mặt ẩn hiện dưới ánh sáng rực rỡ của đèn lồng. Mệt mỏi và đôi chân như rã rời, tôi tự trấn an mình, chúng tôi sẽ không mất cả buổi tối ở đây, chúng tôi sẽ đi đến khách sạn Kim Đồng Hồ bình yên.

Không khí càng lúc càng trở nên ngột ngạt hơn. Con đường trước mặt đông nghịt người, chủ yếu là những nam thanh niên cười nói cợt nhả. Họ đang tụ tập đợi xem gì đó, trình diễn thời trang áo dài chăng? Bốn người chúng tôi tiến thêm vài bước nữa, chợt cái hình ảnh chớp nháy lại hiện ra trong đầu tôi, cái dự cảm rằng Ngân sẽ bị đâm chết lại xâm chiếm lấy tôi. Tôi thật sự rất sợ. Thật sự rất không muốn phải băng qua con đường đó. Bất cứ một thanh niên nào trong đám đông đó cũng có thể đang cầm sẵn một con dao đâm vào cạnh sườn của Ngân. Và cái cảm giác đó, khiến tôi càng không muốn rời xa bàn tay ấm áp của anh. Tôi dừng lại, giữ anh dừng lại và hai cô bạn cũng chậm bước. Tôi không thể giải thích được, không thể nói rành rọt cái dự cảm chẳng lành của mình. Nhưng dòng người cứ ngày một đông thêm, những người ở đằng sau xô đẩy chúng tôi về phía trước, những người ở đằng trước cũng như muốn lùi lại nuốt trọn lấy chúng tôi. Tôi thấy mình như đứng giữa ranh giới mong manh của sự mơ hồ và sáng suốt, cảm giác mình biết trước tương lai mà không thể thay đổi gì được. Làm sao để thoát được đám đông này, làm sao để an toàn cho tất cả? Tôi nhìn sang trái, lại nhìn sang phải, chân dần lùi bước về bờ sông Hoài. Chúng tôi càng bị xô đẩy mạnh hơn, Ngân và Hạnh nép sát vào người anh. Phải thoát ra thôi, tôi thấy sự nguy hiểm đã cận kề lắm rồi.

- Nhảy xuống sông đi, nhảy xuống sông đi! – Tôi thả mình xuống nước và kéo anh xuống. Hạnh và Ngân cũng ngã nhào dúi dụi xuống theo. Chúng tôi chới với ngụp lặn giữa những ánh hoa đăng lập lòe.

Những người xung quanh ồ lên, có người gọi với theo, có người cười nhạo. Dòng nước êm ả bỗng làm tôi yên tâm, nhưng đúng lúc đó những tiếng nổ cùng ánh sáng chòi lòa hiện ra. Tôi phải mất vài giây để định thần, nhận ra đó là pháo hoa rực sáng đang bắn lên bầu trời. Đó là lý do mọi người đến con đường này ngày một đông như thế, đây là nơi nhìn thấy pháo hoa đẹp nhất. Tất cả đám đông ngước lên bầu trời chăm chú thưởng ngoạn, không còn ai thèm để tâm tới chúng tôi đang chấp chới dưới nước nữa. Tôi nhìn lên pháo hoa, nhận ra mình đã từng rất rất thích ngắm pháo hoa, nhưng không hiểu sao cái ánh sáng và tiếng nổ của pháo hoa lần này khiến tôi càng sợ hãi. Bóng phản chiếu của những chùm pháo dưới mặt nước sông Hoài càng khiến tôi bất an hơn.

Anh đẩy ba đứa con gái chúng tôi sát lại bên bờ, quát tôi đến lạc giọng để át tiếng pháo nổ:

- Sao lại nhảy xuống sông? Sao em lại kéo anh xuống?

Tôi không biết trả lời gì nữa. Đúng lúc ấy, một chùm pháo cháy sáng rực rỡ lao thẳng xuống con đường như một tia sao chổi dữ dội. Nó lao thẳng vào đúng chỗ đám đông chúng tôi vừa đứng lúc nãy, bắt cháy vào rất nhiều người. Số đông xung quanh hoảng loạn dẫm đạp lên nhau mà bỏ chạy. Những chùm pháo hoa vẫn bình thản nổ bung trên nền trời sâu thẳm, ánh lửa vẫn bập bùng hỗn độn giữa đám đông. Tiếng gào thét hòa lẫn trong tiếng pháo nổ như sấm rền. Chính là thế, hóa ra dự cảm khiến tôi sợ hãi chính là tai nạn này. Nếu như không nhất quyết kéo mọi người xuống sông, có lẽ bốn chúng tôi cũng là những kẻ trúng tia pháo lạc này rồi.

Đám đông trên bờ như muốn vỡ tung. Nhiều người bị xô đẩy ngã nhào xuống nước, xô dúi bụi vào chúng tôi. Một người ngã trúng đầu tôi, khiến tôi bị ấn ngụp xuống nước. Anh kéo tay tôi lên, lại có nhiều người khác xô vào chúng tôi. Ngân bị xô mạnh nhất, không còn bám được vào vai anh. Ngân bị xô theo dòng người hỗn độn trôi xa khỏi chúng tôi, nhưng cô ấy với tay níu được vào khăn quàng cổ của tôi. May quá, tôi túm thật chặt lấy đầu khăn kia, nhất quyết không buông ra. Lại càng nhiều người nữa đổ xuống đầu chúng tôi, người tôi như muốn đứt lìa vì một tay nắm lấy đầu khăn choàng, một tay kia nắm chặt lấy tay anh. Anh hết sức ôm lấy người tôi, kéo tôi lại, dần dần với được tay kia, cùng nắm lấy khăn choàng kéo Ngân về phía chúng tôi. Bốn chúng tôi ôm chặt lấy nhau, Hạnh như muốn bật khóc. Chúng tôi thực sự không biết phải làm gì, trôi theo dòng người hay tìm cách bò lên bờ, chỉ biết bám chặt lấy nhau thành một khối để không bị những người khác đè xuống dưới nước. Mặt sông bây giờ lẫn lộn những ánh hoa đăng dập nát và những mái đầu đen vùng vẫy. Trên bờ, người đã tản bớt nhưng lửa cháy dữ hơn, lan cả vào những dây đèn lồng bên những hàng hiên. Tiếng còi hú không rõ là công an hay cấp cứu hay chữa cháy càng lúc càng gần, hòa với tiếng pháo hoa thành một cảm giác đúng là trong phúc ắt có họa. Ngày lễ 30-4 năm nay chắc chắn sẽ đi vào lịch sử Hội An, và rồi sẽ có rất nhiều người sợ pháo hoa như sợ súng đạn. Tôi nhìn những ánh lửa xung quanh mình, nghe những âm thanh quanh mình, lại nhìn anh, nhìn Ngân, nhìn Hạnh, trong lòng chỉ thấy bình an phân nửa. Làm sao có thể dẹp hết những hoảng loạn trong mình để tìm hiểu tại sao mọi chuyện lại như vậy, tại sao tôi lại biết trước được mọi thứ? Không, không phải là mọi thứ, mà chỉ là những thứ rất nửa vời. Chỉ như đuổi bắt những ảo ảnh mà càng cố nhìn càng tan biến. Không phải tôi có thể nhìn thấy trước điều gì, mà chỉ như là cảm thấy nó, cảm thấy đâu là nguy hiểm, đâu là lối thoát. Chúng tôi đã thực sự an toàn chưa, hay còn điều gì chờ đợi phía trước?

Cho đến khi pháo hoa không còn bắn lên trời nữa, lửa đã được dập tắt hoàn toàn, con đường giờ đã trở nên tối thui và không gian chỉ còn tiếng than khóc, bốn chúng tôi mới tìm cách leo lên bờ. Toàn thân đau nhức và lạnh buốt, tôi chỉ muốn mãi được dựa vào vai anh, nhưng phải cùng anh dìu Ngân và Hạnh tới tìm một nơi sạch sẽ mà ngồi nghỉ. Tôi thực sự rã rời kiệt sức, nhưng nghĩ đến Hạnh và Ngân lại tự nói mình phải mạnh mẽ lên. Gió đêm thổi vào quần áo ướt lại càng như muốn dùng hơi lạnh hút cạn sinh lực. Chúng tôi càng không thể cứ ngồi đó. Và lúc này lại càng không hy vọng tìm được phương tiện gì để đi tới khách sạn Kim Đồng Hồ.

Tôi thấy anh nhìn tôi, đoán được rằng anh muốn hỏi điều gì. Tôi chẳng có gì để trả lời, kéo tay anh đứng dậy.

- Mình phải tìm chỗ xin nghỉ nhờ đã. Để lau khô người cho ấm. – Tôi gằn giọng mạnh mẽ nói với anh, giấu đi rằng tôi thực sự chỉ muốn nương vào người anh mà thiếp đi, ước gì khi tỉnh dậy mọi việc đã bình yên.

Chẳng hiểu sao tôi lại giận dỗi bước nhanh về phía trước, để mặc anh quay lại đỡ Hạnh và Ngân đi theo sau, cũng không buồn gọi với theo tôi. Chúng tôi đi về hướng có ánh đèn, nơi người ta vẫn xôn xao nhưng không còn náo loạn. Không nghĩ mình có thể có cơ may xin nghỉ nhờ ở những nơi xa hoa, tôi hỏi han những hàng quán bình dị nhất. Nơi thứ nhất, nơi thứ hai, một tiệm may, một tiệm bán đồ lưu niệm, bất kỳ cánh cửa nào còn mở tôi đều lết chân vào đến mức không còn tâm trí để ý nơi đó là nơi nào. Họ nhìn chúng tôi e ngại, hầu hết đều chỉ là nhân viên, không ai dám để khách lạ nghỉ nhờ. Họ bảo chúng tôi hãy đến đồn công an, hay nếu muốn có thể gọi nhờ điện thoại. Làm sao có thể để họ hiểu rằng chúng tôi chẳng nhớ ra được thêm gì, thậm chí đến cả số điện thoại của chính mình. Mà kể cả có là những người thông tuệ nhất, nếu đánh mất điện thoại di động rồi, cũng không biết có thể nhớ được bao nhiêu số điện thoại. Gọi cho ai, hỏi cái gì, chúng tôi đều không biết. Tôi dừng lại đứng thở dốc giữa đường, bế tắc và bất lực. Hạnh, Ngân và anh đuổi kịp tôi, nét mặt hai cô bạn đã bớt nhiều phần hoang mang hơn trước, nhưng anh vẫn nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ ấy.

- Nghỉ lấy hơi đi đã. – Giọng anh ấm áp, tay kéo tôi về bên vệ đường đứng nghỉ. Hạnh lấy vạt áo lau mặt cho tôi.

Tôi dựa vào tường, lấy lại hơi thở rồi hỏi mà không ngẩng mặt lên nhìn ai:

- Mọi người có ai bị làm sao không?

+ Không sao hết, Bích ạ. – Hạnh rối rít – Tớ đã biết mà, biết là có cậu thì sẽ không sao. Thật may là có cậu…

- Cậu cũng biết trước được gì à? – Tôi ngạc nhiên ngẩng lên nhìn Hạnh.

+ Không, biết trước được gì cơ? Tớ chỉ biết chắc chắn có thể trông cậy vào cậu. Không hiểu sao lại thế…

- Vậy còn em thì sao? Sao em lại biết trước, sao em lại biết mà nhảy xuống sông? – Anh như muốn quát vào mặt tôi.

Anh to tiếng khiến tôi muốn khóc. Sao anh lại giận tôi, tôi đã cứu mọi người, đâu phải đã gây ra tội lỗi gì chứ? Làm sao anh hiểu chứ? Chỉ có mỗi mình tôi có dự cảm này, nói ra thì anh sẽ tin sao?

- Em… không biết. Em thấy mọi người dồn lại đông đúc quá. Lúc đó em chỉ muốn thoát ra khỏi đám đông. – Tôi trả lời bằng một nửa sự thật, giấu đi một nửa sự tủi thân của mình.

Im lặng một giây, tôi thấy như dài bằng cả một bản trường ca. Bản trường ca im lặng đó chỉ ngừng bằng tiếng cửa đóng kẽo kẹt phía trước mặt. Nơi gần nhất mà tôi chưa tới xin nghỉ nhờ.

- Cụ ơi, cụ ơi! – Tôi vùng dậy khỏi bờ tường, chạy tới phía cụ bà đang đóng cửa. Ba bóng người lại lếch thếch chạy theo sau. – Cụ ơi, bọn con bị ngã xuống sông mất hết tiền rồi, cụ làm ơn cho chúng con nghỉ nhờ một chút rồi đến sáng bọn con đi ngay được không ạ? Tôi nắm lấy bàn tay gầy gò của cụ, lại thấy một cái gì thân thương lắm.

+ Tội nghiệp mấy đứa, ướt hết lạnh lắm không? – Cụ hốt hoảng kéo tôi vào trong nhà, ánh mắt đầy lo lắng.

Bước được vào bên trong nhà là tôi thấy như hồi được thêm năm phần sinh khí. Không còn gió đêm luồn vào quần áo tóc tai đến rợn người nữa. Đến lúc được bà cụ đưa cho cái khăn tắm để chúng tôi lau khô người thì lại càng thấy ấm ấp hơn. Cái cảm giác phố Hội vẫn còn yên bình lại trở về trong tôi, dù những điều cần nhớ vẫn chưa thể nhớ được. Còn sống được là tốt, sống được là tốt.

Mùi thơm từ đĩa bánh bà cụ đưa ra mới khiến tôi nhớ ra là mình rất đói. Đĩa bánh bao bánh vạc được cụ nặn khéo léo thành những cánh hoa hồng trắng mềm mại bóng bẩy vừa cao quý vừa hiền hòa.

- Mấy đứa ăn đi, ăn ngay cho ấm. Tội nghiệp ghê đó! – Cụ giục chúng tôi.

Hạnh mừng rỡ ngấu nghiến bông hoa hồng, còn tôi lại cứ nhìn ngắm những cánh hoa cố vớt lấy hình ảnh gì như đã từng tồn tại trong ký ức. Anh cầm một miếng bánh đưa lên giục tôi ăn, trong ánh nhìn vẫn còn một phần giận, một phần thương. Tôi đón lấy, vừa đến khi đầu lưỡi tìm thấy vị tôm bên trong nhân thì cái mẩu ký ức cần nhớ cuối cùng cũng hiện ra.

- Ở khách sạn Kim Đồng Hồ cũng có bánh hoa hồng trắng này!

Tôi suýt mắc nghẹn vì câu nói của chính mình. Ký ức ấy cũng đồng thời trở về với anh, với Ngân và với Hạnh. Ngân dịu dàng vừa nói vừa che miệng để không lộ miếng bánh đang nhai dở:

- Mùi vị cũng giống y hệt như thế này nữa.

+ Bao nhiêu khách sạn ở Hội An đều là lấy bánh từ tiệm này thôi mà! – Cụ vẫy tay cười hóm hém.

- Khách sạn Kim Đồng Hồ cũng lấy bánh ở đây hả cụ? – Tôi hỏi dồn, quên hết cái sự đói vừa dồn lên một phút trước.

+ Ờ, cái khách sạn ở tít mạn xuống huyện đó hả. Tụi nó ở xa nhất nên sáng nào cũng đến lấy sớm nhất, 5h sáng đã tới lấy rồi. Đi cái xe lam trông ngộ lắm mấy đứa ạ.

- Sáng mai người ta lại đi xe lam đến lấy bánh hả cụ? – Tôi nôn nóng hỏi tới mức suýt thì bóp nát nửa bông hoa hồng còn lại trong tay.

+ Sáng nào cũng thế. – Cụ vỗ nhẹ vai tôi cho cơn nôn nóng dịu xuống – Con nhỏ này, cứ lo ăn hết cái bánh đi làm gì sợ người ta ăn hết phần của mình là sao?

Tôi mừng rỡ lẫn trong cơn ngượng nghịu, cười chữa ngượng với cụ rồi quay ra thông báo tin mừng cho cả nhóm:

- Sáng mai đi nhờ xe lam của người ta về khách sạn Kim Đồng Hồ đi.

Giấc ngủ đêm ấy vừa chông chênh mà vẫn có bình yên. Tôi không thể sâu giấc bởi cứ một lúc Hạnh nằm bên cạnh lại giật mình nói mơ túm lấy cánh tay tôi: “Cậu là bạn tốt nhất!”. Những khi lại nhắm mắt vào ngủ, tôi đều nghĩ, có khi nào sáng mai tỉnh giấc, chúng tôi sẽ nhớ ra được mọi chuyện, mọi việc sẽ lại bình yên, không còn hoang mang, không còn sợ hãi. Rốt cục, biến cố này sẽ kết thúc như thế nào, thứ chúng tôi tìm kiếm ở khách sạn Kim Đồng Hồ là điều gì mà quan trọng như thế.

Chúng tôi từ biệt cụ bà để nhảy lên xe lam chở hàng của khách sạn Kim Đồng Hồ khi ánh mặt trời vẫn còn dịu dàng phảng phất màu xanh dương mát mẻ. Vậy là khí trời đã sang tháng 5, tai nạn buồn ngày cuối tháng 4 đã là chuyện của hôm qua. Chiếc xe lam sơn màu giả gỗ bình thản đưa chúng tôi xa dần những dãy nhà phố cổ, những bóng du khách thưa thớt dần và tàn dư của câu chuyện pháo lạc gây hỏa hoạn không còn làm buồn lòng chúng tôi nữa. Con đường cái trước mặt hiện ra như một bài thơ mà tôi đã thuộc nằm lòng, nhưng ngoài nó ra tôi vẫn chưa nhớ được thêm gì hết. Nhưng tôi mơ hồ nắm được, đích đến cuối cùng của chúng tôi, chỉ còn cách khoảng hai ba cây số nữa. Ngồi sau thùng xe, tôi lại thấy yên bình, lại muốn được nắm lấy tay anh và tin rằng, mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa.

Xe dừng đột ngột làm Hạnh suýt nữa đập đầu vào thành xe, may mà có tôi kéo lại. Cậu lái xe tầm tuổi thiếu niên nhăn nhó xuống kiểm tra máy xe, nói sợ không kịp mang bánh về cho buổi tiệc trà sáng. Tôi có ý xuống hỏi han, thì lại thấy anh có vẻ bồn chồn không yên.

- Không kịp, phải chạy nhanh mới kịp! – Anh lẩm bẩm những câu như tuôn ra từ tiềm thức. Anh đã nhớ thêm được gì nữa sao, là điều gì quan trọng chúng tôi phải đến đó thật gấp?

Anh hối chúng tôi xuống xe rồi đi nhanh về phía trước, Ngân và Hạnh luống cuống chạy theo. Còn chính tôi lại thấy có điều gì áy náy bỏ cậu bé lái xe lam ở lại một mình. Tôi lần chần đứng lại nhìn ngó cậu bé đang loay hoay với động cơ xe, không biết mình có thể giúp gì, lại càng sốt ruột nhìn bóng ba người kia cứ thế xa dần không đợi tôi theo.

- Hay chị đẩy xe giúp em nhé? – Tôi hỏi cậu thiếu niên.

+ Dạ thôi không cần ạ, em gọi ba em tới sửa. Chị đi bộ trước đi cho kịp tiệc trà. – Cậu bé lễ phép đáp lời.

- Tiệc trà gì hả em? – Tôi giật mình hỏi, hồ nghi không biết liệu đó chính là điều đang chờ chúng tôi ở khách sạn.

+ À em không rõ, em lấy hàng thay ba em, ba em dặn vậy em biết vậy thôi à.

Vậy là gợi ý cứ hiện ra, nhưng chỉ hiện ra phân nửa. Liệu có đúng chúng tôi đang phải đến buổi tiệc trà này, là lý do vì sao bỗng dưng anh nhớ ra và vội vàng như vậy. Cũng tốt, tiệc trà hẳn có nhiều người, nhiều người mà chúng tôi quen biết, để chúng tôi có thể hỏi han, nghỉ ngơi và không còn phải mảy may nghĩ ngợi gì hết. Tôi chẳng cần biết đó là tiệc trà gì, chỉ cần biết hẳn là chúng tôi là khách được mời, vậy là được. Tôi an tâm để cậu thiếu niên ở lại, rồi vội vã chạy thục mạng dọc con đường cái đuổi theo anh, đuổi theo Ngân và Hạnh.

Tôi chạy tới muốn hoa cả mắt, tay chân như buông để gió thổi đi chứ không phải do sức của chính mình. Trước mắt kia là dáng anh lấm lem bùn đất hết lên bộ đồ trắng, anh đã bị ngã hay phải vật lộn với ai. Lòng tôi thắt lại, càng hớt hải chạy đến nhanh hơn. Sao tôi lại nỡ để anh đi trước một mình chứ, đáng ra tôi phải luôn luôn, luôn luôn không được rời anh.

- Kiên à, Kiên à! Anh sao thế?

Tôi lao đến túm lấy tay anh. Bóng người ấy quay lại không phải là anh, mà là một thanh niên khác. Chiếc áo trắng anh ta mặc cũng không giống của anh. Tôi nhìn lầm, không phải anh. Cái nôn nao lo lắng trong lòng được tháo bỏ, lại thế vào đó một niềm e lệ nhỏ. Chỉ là tưởng anh lấm lem bùn đất thôi, tôi đã lo lắng như thế nào.

- Bích! Em gọi anh à? Anh ở đây!

Giọng anh gọi tôi từ phía trước, Ngân và Hạnh cũng đi sát theo anh. Cả ba đều không sao. Quan trọng là anh không sao. Tôi mặc kệ người thanh niên lấm lem bùn đất kia, chạy tới phía anh mà cố giữ cho những bước chân không hấp tấp. Tay anh đón lấy tay tôi, một giây không ngần ngại. Trong lòng tôi tự hứa, sẽ không bao giờ hờn giận với anh nữa, không bao giờ buông tay anh ra nữa. Nhưng chỉ được một giây như vậy, chúng tôi lại ngại ngùng buông tay nhau ra. Khách sạn Kim Đồng Hồ không còn xa phía trước. Ánh nắng tháng 5 đã chuyển dần sang màu vàng nhạt và hơi ấm mùa hè ôm lấy bốn chúng tôi.

Càng bước tới, mọi cảnh vật xung quanh càng trở nên quen thuộc hơn như những đám mây mờ trong trí nhớ đã được nắng mặt trời xua tan hết. Khi nhìn thấy bộ khung đồng hồ rộng bằng cả sải tay với cây kim giờ chuyển dần sang số 6 trước cánh cổng gỗ đơn giản, tôi biết mình đã đến nơi. Khách sạn Kim Đồng Hồ như một điền trang bình thản nằm tách mình trên con đường cái dẫn ra khỏi thành phố Hội An, đắm mình sâu hơn vào cái dân dã thôn quê của miền Trung giản dị. Mùi hoa lan trắng thân thuộc hòa lẫn với mùi bánh ngọt Pháp mới ra lò như một ma lực kéo chúng tôi lướt vào cánh cổng không chút e dè. Giữa khoảng sân, nhân viên đang vội vã treo những quả bóng bay màu xanh dương cuối cùng lên một cái cây khô không hề có hoa lá, dưới gốc cây là một chiếc bàn tròn đã bày sẵn tiệc trà với những bông hoa chuông cũng có màu xanh dương. Một cảnh tượng vừa giản dị vừa tráng lệ, vừa lãng mạn vừa bình yên.

- Tất cả là dành cho cậu đấy. – Hạnh vô thức thốt lên, đôi mắt vẫn không rời những quả bóng bay màu xanh dương.

Ngay vào cái lúc tôi cảm thấy một niềm hạnh phúc bình an vô cớ tràn ngập trong lòng, cái dự cảm chẳng lành lại xuất hiện chớp nhoáng trước mắt. Tôi nghe tiếng ai đó gào lên “Cẩn thận! Cẩn thận!” rồi thấy tiếng cái gì đó di chuyển rất nhanh về phía mình. Một chiếc xe đẩy chở bát đĩa và đồ dùng nhà bếp bị ai đó lỡ đãng không kịp giữ đang lao tới, mỗi lúc một nhanh hơn. Cái tiếng bánh xe di chuyển với bát đĩa dao kéo rung lên như lớn và đáng sợ hơn gấp mười lần bình thường. Mối nguy hiểm cuối cùng, chắc chắn là ở nó, mà trong chính lúc đó, tôi lại không biết phải làm gì. Không có một dự cảm gì mách bảo tôi phải làm để tránh cho tai họa xảy đến, không như lúc tôi biết mình phải nhảy xuống sông Hoài tối hôm qua. Tôi chỉ biết đứng yên ở đó, nhìn cái xe lao đến mỗi lúc một gần. Đến khi chỉ còn cách tôi khoảng hơn một mét, bánh xe vấp phải nếp bậc thềm, đột ngột dừng lại làm bát đĩa va đập loảng xoảng. Một con dao gọt hoa quả đặt trên nóc xe theo quán tính vẫn lao về phía trước. Lao thẳng về phía Ngân, cô ấy đang quay về phía khác không nhìn thấy có thứ gì lao đến mình. Tôi chỉ kịp nghe thấy cô ấy hét lên rồi ngã xuống.

Đến lúc này tôi mới thấy đôi chân cho phép mình cử động. Tôi lao về phía Ngân, nhưng không thấy dưới nền đất có máu như hình ảnh dự cảm đã lóe lên trong tôi. Con dao cắm vào cuốn Harry Potter và Bảo bối tử thần mà Ngân kẹp bên eo. Là cuốn truyện đã đỡ con dao cho cô ấy. Cô ấy không chết, không hề hấn gì, không giống như những gì tôi đã nhìn thấy trước. Đã tưởng là mình nhìn thấy trước.

Anh và Hạnh cũng lao đến bên chúng tôi. Hạnh hốt hoảng sợ hãi như thể cô ấy lại sắp khóc thành sông suối. Anh vội vã đỡ Ngân dậy, rút con dao ra khỏi cuốn truyện. Tôi thở ra một hơi nhẹ nhõm, cảm thấy bao nhiêu gánh nặng, bao nhiêu hoang mang chống chếnh bất an đã được gỡ đi hết. Chuyến hành trình đã kết thúc và giờ chúng tôi có thể được bình yên, tìm lại những điều thuộc về mình. Tôi muốn nói với anh, vậy là xong rồi, vậy là hoàn hảo rồi. Nhưng không hiểu sao, tôi không thấy anh nhìn tôi, Hạnh và Ngân cũng không nhìn tôi. Chuông đồng hồ điểm 6h sáng từng nhịp chậm mà như hối hả, như giục giã nói rằng tôi đã chậm mất rồi. Miệng tôi lại giật lên những từ vô nghĩa: “Choc! Choc!”. Rồi tôi thấy mọi thứ mờ đi. Và khi giật mình mở mắt ra, tôi thấy mình vẫn đang ngồi trên xe, chiếc xe Innova nát đầu vì đâm vào gốc cây, khói vẫn bốc lên mù mịt. Và nhìn sang bên cạnh, tôi vẫn nhìn thấy anh nằm bất tỉnh ở ghế bên kia.

- Kiên à, Kiên à! Dậy đi, tỉnh dậy đi! – Tôi lay anh dậy, mà chính mình vẫn không thoát nổi cái cảm giác chuếnh choáng giữa thực và mơ.

Anh giật mình mở mắt, lo lắng nhìn tôi, rồi quay xuống hàng ghế sau:

- Các em không sao chứ? Các em có bị đau ở đâu không?

Hạnh và Ngân vừa kịp mở mắt ra, bàng hoàng nhìn cảnh tượng lộn xộn trong xe. Tôi và anh vội vã mở cửa xuống xe, mở cửa sau kéo Ngân và Hạnh ra ngoài.

- Chuyện gì thế? Chuyện gì thế chứ? Xe làm sao thế này? – Hạnh cất giọng hoảng hốt hỏi dồn dập. Câu hỏi này, rõ ràng tôi đã nghe thấy rồi, vẫn là một khoảng trống mơ hồ không thể trả lời.

+ Mình không nhớ, …mình không thể nhớ gì cả. – Câu nói như tuột ra khỏi môi tôi như đã thuộc nằm lòng, chỉ có điều, ngoài những khoảng trống mơ hồ, nó còn lẫn lộn cả những điều khó hiểu trong giấc mơ dài trước khi tỉnh dậy.

Tôi đỡ Hạnh xuống xe. Ở phía bên kia, Ngân đá phải cuốn truyện Harry Potter và Bảo bối tử thần trên sàn xe khi bước xuống. Cô ấy nhặt nó lên, ôm vào lòng như bảo bối. Cảnh tượng này quen quá, có phải là tôi bị Dejavu không? Mà thêm Dejavu nữa cũng không là gì so với tất cả những thứ hỗn độn bên trong đầu tôi lúc này, những thứ muốn nhớ không thể nhớ mà lại có những thứ vô nghĩa hiện ra trong đầu. Cái cảm giác quen thuộc như xem lại bộ phim đến lần thứ 2. Khắp vai tôi ê ẩm vì va đập, nhưng lại còn thấy mệt mỏi rã rời như vừa phải chạy thục mạng một quãng đường dài. Chúng tôi lùi xa khỏi chiếc xe bốc khói dưới ánh chiều đổ màu xanh tím mỗi lúc một sậm dần, không gian hoang vắng bao bọc lấy chúng tôi.

Nhìn theo ba người đi lên phía đường cái, tôi lảo đảo tụt lại phía sau vì cái cảm giác chồng chéo giữa hiện thực và hư ảo. Một giấc mơ dài tôi vừa trải qua để lại những dấu ấn không rõ nét về chi tiết nhưng lại như những sợi tơ nhện ma mị kéo tôi vùng vẫy xa dần khỏi sự sáng suốt. Gió đêm mang hơi ẩm luồn vào cánh tay tôi lạnh tới rùng mình, tôi nhìn chiếc áo vest anh mặc mà thèm thuồng sự ấm áp của nó. Anh bất chợt quay lại, bắt được ánh nhìn của tôi. Anh ân cần nhường áo khoác lên vai tôi, hơi ấm ôm lấy người tôi tỏa ra sự bình yên và thân thuộc. Mặc kệ đi những cơn mộng mị, tôi biết rằng hơi ấm này là thực, và tôi biết rằng mình sẽ bước theo anh.

Những ánh đèn pha ô tô lạnh lùng bỏ qua chúng tôi như những người vô hình. Chúng tôi cứ lững thững bước về phía trước không chút băn khoăn, cũng không buồn nghĩ về chuyện tìm được ai giúp đỡ. Cho đến khi Ngân reo lên khi một ánh đèn pha rọi vào cột mốc bên đường:

- Bọn mình đang trên đường tới…

+ Hội An! – Tôi ngắt lời. – Hôm nay là 30-4!

Những con chữ bật ra từ miệng tôi như được ghi âm sẵn. Một phần ký ức quen thuộc tràn về, những sợi tơ nhện rối rắm mờ mịt của cơn mơ buông khỏi tôi, nhưng tôi vẫn thấy mình vùng vẫy trong hố sâu của hoang mang và những hồ nghi mới. Tình huống kỳ lạ này là chuyện gì, rốt cục là tôi đang mơ, đang tỉnh, đang hoang tưởng hay đang mộng du?

Tôi bước đi như người mất hồn suốt hai cây số, như thể đôi chân không phải là của mình, hơi thở không phải là của mình và cơn đau cũng không phải là của mình. Như thể chính bản thân tôi đang mải mê tìm đường trong mê cung ký ức bên trong đầu mình, còn thể xác bên ngoài cứ để anh dắt tôi đi. Giống như bên trong tôi đang đi tìm một câu trả lời cho những hỗn độn bay lơ lửng giữa nhiều vùng ký ức, còn một phần bản năng khác vẫn dẫn thân xác mình đi tới Hội An, nơi tôi tin là câu trả lời sẽ nằm ở hướng đó. Cho đến khi thị giác được đánh thức bằng những ánh đèn lồng lung linh nhiều màu sắc giữa nền trời đã đổ màu đen sậm và thính giác tràn ngập tiếng nói cười, tôi mới giật mình đưa hồn phách trở về với thực tại. Tôi cảm nhận được một lực hút nào đó kéo bước chân về con đường phía trước, lực hút rất thân quen như thể tôi đã thấy nó một lần rồi.

- Khách sạn Kim Đồng Hồ. Hỏi đường đến khách sạn Kim Đồng Hồ đi!

Câu nói của anh bật lên mà tôi tưởng như chính mình vừa nói. Như thể nó trôi ra từ chính trí nhớ của tôi, chứ không phải là tôi nghe anh nói. Như thể một bài hát tôi đã nghe đến thuộc lời. Và thuộc đến độ, tôi biết chính xác mình sẽ trả lời như thế nào.

- Không cần hỏi đường đâu, em nhớ đường đến đó.

Giống như thể tôi không hề tự nói ra những lời này, giống như thể nó đã được thu âm sẵn và có ai đó vừa ấn nút bật nó lên.

- Đúng rồi, khách sạn Kim Đồng Hồ. – Giọng nói của Hạnh xuất hiện như đã được lập trình. - Ở đó có một bụi lan trắng…

+ …thơm ơi là thơm. – Tôi cướp được những từ cuối, như thể đã thuộc được lời thoại của một bộ phim đã xem lại nhiều lần. Và cũng với những từ ấy, ký ức của khứu giác cũng tràn về, mùi hoa lan trắng trong sáng sớm đã từng ôm lấy tôi, không phải là từ rất lâu mà mới như từ một vài ngày trước, hay là một vài phút trước. Và trong cái không gian tràn ngập mùi hoa lan trắng ấy là một khoảng sân của khách sạn Kim Đồng Hồ nằm bình yên cách xa trung tâm phố cổ, ẩn mình giữa cái dân dã của nắng gió miền Trung. Khá xa ở đây, và chúng tôi sẽ không thể đi bộ tới đó.

- Đông người thế này, chắc chắn mình không tìm được xe ôm hay taxi gì đâu. – Đó là câu nói đầu tiên mà tôi ý thức được mình mất sức để nói ra, chứ không phải tự động trôi ra như những câu nói trước.

Nắm chặt lấy tay anh, tôi tìm lại sự tự tin để bước lên dẫn đầu cả nhóm, hòa mình vào con phố nhộn nhịp cờ hoa. Những dòng người xuôi chiều và ngược chiều vô tình chạm vào tôi không còn làm tôi cảm thấy sợ hãi, thấy thành thạo như thể một trò chơi đã chơi một lần. Nhưng sự tự tin ấy hoàn toàn tan biến khi tôi nhận ra chúng tôi đã mắc kẹt trong dòng người ngột ngạt đang tụ tập trên con đường bên cạnh sông Hoài. Lúc tôi nhớ ra chuyện gì đến tiếp theo thì đã quá muộn, chúng tôi không thể lùi lại, không thể thoát ra ngoài. Tôi có nên đánh liều không, làm theo ký ức trong cơn mơ của mình hay đứng im đợi xem thực tại có thể đổi khác. Chúng tôi càng bị xô đẩy mạnh hơn, tôi như muốn ngạt thở, sức nóng dồn vào tôi càng khiến hình ảnh về đám cháy trở nên khủng khiếp

- Nhảy xuống sông đi, nhảy xuống sông đi! – Tôi kéo mạnh anh và nhảy xuống nước. Hạnh và Ngân vì bám vào tay kia của anh nên cũng ngã xuống theo. Tôi cố tình ngụp mình một giây xuống dưới làn nước lạnh yên ả, mặc cho những tiếng xì xào cười nói và tiếng hét hoang mang của Hạnh.

Tôi nắm chặt tay anh hơn khi nghe tiếng pháo hoa rực sáng bắn lên bầu trời. Tôi không còn thích pháo hoa, sẽ không bao giờ nữa. Và nếu như những dự cảm trong cơn mơ kỳ lạ vừa rồi là sai, thì cũng coi như để dòng nước sông Hoài này làm cho tôi tỉnh táo. Không có gì là thừa.

Nhưng bàn tay anh lại thô bạo đẩy tôi và Ngân với Hạnh về sát lại bên bờ, tiếng quát không hề có bớt đi phần nào giận dữ so với những gì tôi có thể nhớ:

- Sao lại nhảy xuống sông? Sao em lại kéo anh xuống?

Chẳng nhẽ anh không hề nhớ gì, không có chút ký ức gì rằng anh đã từng bị tôi kéo xuống nước một lần rồi hay sao. Rõ ràng anh cũng có đôi chút mơ hồ rằng chúng tôi phải đến khách sạn Kim Đồng Hồ, sao chỉ có một mình tôi nhớ về cơn mơ của những điều đã xảy ra, hoặc là sẽ xảy đến. Đang xảy đến thì đúng, vì chùm pháo cháy sáng vừa mới lao thẳng xuống con đường trên bờ kia, đúng như những gì tôi đã dự cảm được, hay đã nhớ được, hay đơn giản là biết được. Đám cháy bùng lên, đám đông hỗn loạn bỏ chạy, không điều gì làm tôi ngạc nhiên nữa. Tôi không quan tâm đến nó nữa, tôi nhớ rằng chúng tôi cuối cùng cũng sẽ bình an sau tất cả chuyện này. Tôi chỉ nhìn thẳng vào anh, muốn nhìn xem rốt cục trong anh, có nhớ được gì không, và hơn thế nữa, có tin tôi chút gì không.

Ánh mắt của tôi bị phá ngang khi một người ngã trúng đầu tôi, ấn ngụp tôi xuống nước. Bàn tay của anh kéo tôi lên, lần này tôi ôm chặt vào anh để chuẩn bị cho một đợt nhiều người khác sẽ lại ngã xô vào chúng tôi. Phía tay bên kia, Ngân bị xô mạnh khỏi vai anh, kéo theo dòng người hỗn độn xa khỏi chúng tôi. Cô ấy níu tay về phía chúng tôi, nhưng không kịp với tới, tôi chìa tay hết sức cũng không túm được tay cô ấy. Có điều gì không đúng, không đúng với trí nhớ của tôi. Cô ấy không níu được khăn quàng cổ của tôi, tôi đã không hề đeo khăn quàng cổ. Nó vẫn nằm trên vai ghế trên ô tô, khi tôi loạng choạng xuống xe và hỗn độn giữa mơ và thực. Và giờ không có nó, tôi không cứu được cô ấy. Cô ấy bị xô đi càng lúc càng xa, tiếng kêu của cô ấy mỗi lúc một yếu dần đến khi trong ánh sáng hoa đăng lập lòe, tôi không nhìn thấy cô ấy đâu nữa. Cô ấy có lẽ đã bị dìm xuống nước trong cơn hỗn độn và không thể ngoi lên. Có thể cô ấy đã chết. Không đúng, không thể thế. Những điều tôi dự cảm không phải như vậy, là điều gì đã sai. Tôi muốn gào lên gọi tên cô ấy, nhưng chỉ thấy tiếng của Hạnh và của anh gọi tên Ngân. Còn chính mình, tôi lại thấy miệng bật ra những từ vô nghĩa: “Choc! Choc!”. Dòng lũ người lại đổ ập lên chúng tôi, tôi không tìm thấy bờ vai anh, chỉ thấy mình đã chìm trong nước. Tôi vùng vẫy sặc sụa, ho nhiều tiếng đớp lấy không khí, và giật mình mở mắt nhận ra mình đang ngồi trên ghế xe, trước vô lăng, túi khí đã bật ra, và tôi ho sặc sụa không phải vì nước, mà vì khói bốc nghi ngút từ mui xe đã tan nát vì đâm phải gốc cây dưới ánh chiều hoang vắng.

Tôi đã trở lại từ đầu, đúng cái điểm xuất phát của các ký ức ngắn ngủi này. Như thể một cuốn băng bị lỗi cứ chạy đi chạy lại. Mọi chuyện là thật hay là mơ, là thực hay là ảo. Những điều trước đó, và sau đó, đều không chịu hiện ra, cứ lặp đi lặp lại câu chuyện của bốn kẻ lang thang như mộng du. Đúng, là bốn kẻ, bốn người chúng tôi đều còn đủ trong xe. Anh vẫn bất tỉnh ở ghế bên. Đằng sau, Ngân vẫn còn đó, gục đầu vào vai Hạnh. Đầu tôi choáng váng, hai bên vai ê ẩm và càng thấy lạnh buốt hơn như thể thực sự vừa vùng vẫy dưới nước. Những điều vừa xảy ra với một mình tôi, là dự cảm hay thực sự là thời gian quay trở lại?

Tôi tháo dây an toàn, với tới lay anh thật mạnh mà hơi sức để gọi tên anh vẫn không nhiều hơn chút nào:

- Kiên! Kiên à! Mau dậy đi, mau tỉnh dậy đi!

Anh giật mình mở mắt nhìn tôi, một giây bàng hoàng như thể anh cũng nhớ được những điều đã xảy ra một vài giây trước. Nhưng rồi anh vội vã quay xuống ghế sau hốt hoảng lo lắng:

- Ngân ơi! Ngân ơi! Hạnh, Hạnh! Các em không sao chứ? Có bị đau ở đâu không?

Cả tôi và anh vội vàng mở cửa xe chạy ra phía sau lay Ngân và Hạnh dậy. Hạnh giật mình choàng tỉnh, sợ hãi như thể cô ấy cũng vừa trải qua những giây phút kinh hoàng dưới lòng sông Hoài ban nãy, như tôi. Hạnh muốn bật khóc, bấu chặt lấy tay tôi:

- Chuyện gì thế? Ngân đâu rồi? – Hạnh mếu máo lạc cả giọng.

Phía bên kia, Ngân bước xuống xe, như ngã khuỵu trong tay anh. Liệu có phải lần này, cả bốn chúng tôi đều nhớ, nhớ những điều đã xảy ra một lần, hay hai lần rồi đó.

- Hạnh, Hạnh, cậu cũng nhớ được đúng không? – Tôi vội vàng hỏi Hạnh, vừa tò mò vừa le lói hy vọng, một chút hy vọng gì đó rằng tôi không một mình cô đơn đối mặt với tình trạng kỳ lạ bế tắc này.

+ Cũng nhớ… được gì cơ? Tớ… tớ… - Hạnh ngơ ngác, không một chút dấu hiệu gì cho thấy cô ấy nhận ra một sự kiện đã lặp lại từ đầu.

Dưới ánh chiều muộn sụp xuống vẫn màu xanh tím không lối thoát, khuôn mặt của anh, của Ngân và của Hạnh không biểu hiện chút gì cái vẻ băn khoăn cho cái điều kỳ lạ mà cả bốn đã trải qua. Tôi tin rằng như thế, không phải chỉ một mình tôi trải qua, bởi vì cả bốn chúng tôi đều có cái sự hốt hoảng như thể đúng là đã để Ngân tuột khỏi tầm tay, chết chìm dưới dòng người hỗn độn ngã xuống sông Hoài.

Trong khi tôi như chết đứng một chỗ vì mải suy tư về những điều phi lý ấy, ba người bọn họ đã thất thểu dìu nhau đi bộ lên phía đường cái tìm người giúp. Khi đã đưa tâm trí mình về gần hơn với thực tại, tôi nhận ra mình nhỏ bé hơn dưới cái lạnh của gió đêm mang hơi ẩm ướt. Chiếc khăn quàng cổ của tôi, chiếc khăn quàng cashmere mềm mại hai màu đen đỏ, lần này tôi không thể để quên nó trên thành ghế nữa. Thu hai cánh tay nép dưới vạt khăn quàng, tôi cố nhấc đôi chân mỏi nhừ như thể đã đi bộ hàng chục cây số để bám theo ba người kia. Tấm lưng của anh mỗi lúc một gần hơn, tấm lưng vững chãi trong tấm áo vest ấm áp. Tôi vươn tay níu lấy áo anh, cảm giác dịu dàng như truyền qua lòng bàn tay tôi lan khắp cơ thể. Anh quay lại nhìn thấy bộ dạng thảm hại của tôi, cười một giây hiền hòa như ánh mặt trời, rồi cởi áo vest ra đưa cho tôi. Tôi nhận lấy nó mà như thể nhận được chiến bào, bỗng dưng bao nhiêu sức mạnh lý trí bao trùm lấy cơ bắp rã rời.

Cảnh tượng heo hút của những dãy nhà tắt đèn ven đường không còn làm tôi ngạc nhiên nữa. Tôi biết chúng tôi không thể tìm được sự giúp đỡ nào ở đây.

- Hôm nay là 30-4, mọi người đều đi Hội An xem pháo hoa hết rồi! – Tôi nói vậy, trước khi một chiếc ô tô kịp đi qua rọi ánh đèn pha vào cột mốc bên đường – “Hội An – 2km”.

+ Đúng rồi, bọn mình còn phải đến một nơi nào đó, vội lắm, đúng không? – Ngân nhăn mặt khi những ký ức mơ hồ len lỏi ẩn hiện.

- Phải về… khách sạn… - Anh như muốn vươn trán ra níu lấy những ký ức chỉ chực vuột khỏi tầm với.

+ Khách sạn Kim Đồng Hồ. – Tôi tiếp lời như muốn đỡ lấy tâm trí anh. Dường như giờ tôi là người tỉnh táo nhất, mạnh mẽ nhất, và cũng mệt mỏi nhất.

- Đúng rồi, khách sạn Kim Đồng Hồ. – Câu nói của Hạnh không làm tôi bất ngờ. - Ở đó có một bụi lan trắng thơm ơi là thơm.

Hương thơm của lan trắng hiện về với tôi gần hơn biết bao giờ hết, như thể chỉ cách tôi 2 bước chân ký ức. Nhưng tôi lại biết rằng, khách sạn Kim Đồng Hồ ở rất xa, một quãng đường dài mà chúng tôi không thể cứ thế mà bước đến. Mà tôi không thể nói với những người bạn đồng hành rằng, chắc chắn chúng tôi không thể tìm được phương tiện gì mà đi tới đó, ở Hội An, tối nay. Chưa kể chúng tôi có thể phải trải qua một biến cố hãi hùng nữa, một lần nữa.

Hạnh, Ngân, và nhất là anh, vẫn tràn đầy hy vọng rằng chúng tôi có thể tìm được xe ôm hay taxi trong những con đường Hội An đông nghịt người này. Tôi thực sự không có cách nào để khẳng định với họ, điều đó là không thể. Anh vẫn như lao đi về phía trước mà tôi bám theo muốn hụt hơi, không thể có một giây nào ngừng lại để hỏi, có điều gì mà anh nhất thiết phải vội vàng đến khách sạn Kim Đồng Hồ như thế. Tôi không thấy mình có đủ sức mạnh để xin anh dừng bước, hãy đứng lại, bình tĩnh lại, một lúc thôi, vì những cố gắng của chúng tôi đều sẽ thành vô ích. Mắt tôi như nhòe đi trước những ánh đèn lồng lập lòe nhiều màu sắc hai bên đường, tai như ù đi vì những tạp âm vốn rất đỗi hiền hòa của phố Hội.

Cái không khí ngột ngạt mang đầy mùi bất an quen thuộc xộc vào mũi tôi. Con đường đó, cái con đường đông nghịt người đứng tụ tập chờ xem pháo hoa đã ở ngay trước mắt, và anh đã lẫn vào đó mà tôi không kịp níu lại. Hạnh và Ngân kéo tôi chạy theo để không lạc mất anh.

- Dừng lại! Dừng lại! Quay lại đi! Đừng đi đường này! – Tôi giằng mình ngược lại, gào càng to hơn gọi anh quay lại, nhưng những dòng người càng cuốn chúng tôi vào sâu hơn trong con đường ấy.

Anh nghe thấy tiếng tôi, bước chân chậm lại rồi chìa tay túm lấy cả mấy đứa chúng tôi. Anh chưa kịp hỏi vì sao tôi gào gọi anh thảm thiết như vậy, thì những dòng người lại tới tấp xô lấy chúng tôi, không còn có thể tiến hay lùi, càng không mong được đứng yên mà trò chuyện giải thích. Cái cảm giác bất an hoảng hốt bao lấy tôi, siết chặt hơn lúc nào hết. Tôi biết được chính xác bao nhiêu giây nữa thì biến cố sẽ xảy ra.

- Nhảy xuống sông đi, nhảy xuống sông đi! – Tôi đẩy cả ba người xuống nước, mặc kệ những tiếng cười trêu đùa, mặc kệ cái kháng cự giận dữ của anh, mặc kệ cái vùng vẫy bất ngờ của Hạnh và Ngân.

Đến khi nghe những tiếng pháo đầu tiên rền vang trên nền trời, tôi một tay bám chặt lấy tay anh, tay kia túm chặt áo của Ngân và Hạnh, và hết sức gào vào tai ba người át tiếng pháo nổ:

- Bám chặt lấy nhau, nhất quyết không được buông tay ra!

Chùm pháo lạc lao xuống đám đông trên con đường chính xác vào cái khoảnh khắc tôi cảm giác tim mình ngừng đập nửa nhịp, như thể nó đã được hẹn giờ để biết trước mà giật mình. Hạnh và Ngân sợ hãi ôm chặt lấy tôi, tôi cảm nhận rõ bàn tay Ngân túm chặt lấy khăn quàng cổ của tôi. Lần này tôi sẽ không để cô ấy vuột khỏi chúng tôi nữa, không để bất kỳ ai trong số chúng tôi bị đẩy ra khỏi nhau. Sải tay rộng lớn của anh trùm qua cả ba chúng tôi, trói bốn người thành một khối dập dềnh trên mặt nước, dù bao nhiêu thân thể khác có rơi xuống lòng sông trong hỗn loạn cũng không tách được chúng tôi ra. Tôi không còn thấy sợ hãi, cố gắng không nhắm mắt khi muốn cầu nguyện cho cái khoảng thời gian dòng người tới tấp đổ xuống sông sẽ kết thúc thật nhanh, nhanh hơn những gì tôi nhớ. Mở to mắt để nhìn thấy những ánh hoa đăng dập nát tơi tả hòa lẫn với những hình hài đang vùng vẫy dưới làn nước vẫn lập lòe ánh sáng phản chiếu của pháo hoa trên bầu trời. Mở to mắt để nhìn thấy những hàng hiên trên đường đã bắt lửa, căng tai để nghe thấy tiếng còi cứu hỏa đã thấp thoáng ở đằng xa, và gân hết cơ bắp để giữ chặt lấy anh, lấy Ngân và lấy Hạnh.

Khi không còn nghe tiếng người rơi xuống nước, và trên bờ không còn ai ngoài những xe cứu hỏa đang khẩn trương phun nước vào những ngôi nhà bén lửa, tôi nói với anh hãy tìm cách trèo lên bờ. Dường như đó không giống chính xác như những gì đã xảy ra trước đó, nhưng tôi không thể ở dưới nước lâu hơn được nữa. Gió đêm thổi vào quần áo ướt thực sự lạnh như bị da thịt bị cứa bằng mảnh tre vót mỏng. Đến mức như khi đã lên được bờ, tôi thậm chí nhìn vào những đốm lửa tàn bên đường một cách thèm thuồng như nhìn vào lò sưởi ấm áp. Bốn chúng tôi dìu nhau được vài bước thì ngồi khuỵu xuống mặt đường, không suy nghĩ, không nói được gì. Tôi muốn được ngất đi, mặc kệ mọi thứ, nhưng một phần nào đó trong đầu như chống lại trọng lực không cho tôi ngã xuống, thúc giục tôi, níu tôi dậy, khó chịu như một cơn đau.

- Mình phải tìm chỗ xin nghỉ nhờ đã. Để lau khô người cho ấm. – Cái phần đó như ra lệnh để tôi thều thào nói với ba người bạn đồng hành.

Tôi chống tay đứng dậy, mất mấy giây hoa mắt lảo đảo vì máu trong người tôi từ chối cùng bộ não đứng lên. Tôi đi về phía trước, biết chính xác mình đang tìm cánh cửa nào. Hạnh và Ngân hoang mang nhìn về những ánh đèn phía trước, không biết sẽ có thể cậy nhờ vào lòng tốt của ai.

- Cứ đi đi… ở đằng trước… nhà bà cụ… - Tôi không muốn để hai cô gái tốn công hỏi nhờ vô ích.

Bàn chân tôi như không còn là của mình, đầu gối như muốn khuỵu xuống, thì đúng lúc đó cánh tay anh vòng vào cánh tay tôi, đỡ lấy tôi và kéo về bên vệ đường.

- Nghỉ lấy hơi đi đã. – Giọng anh vẫn ấm áp như thế. Hạnh lấy vạt áo lau mặt cho tôi.

Tôi chỉ nhìn vào anh, trong một giây cả thế giới của tôi chỉ có hơi ấm của anh:

- Anh có sao không?

+ Không sao hết, Bích ạ. – Hạnh lanh chanh trả lời thay anh – Tớ đã biết mà, biết là có cậu thì sẽ không sao. Thật may là có cậu…

- Vậy còn em thì sao? Sao em lại biết trước, sao em lại biết mà nhảy xuống sông? – Giọng nói nghiêm khắc của anh không còn làm tôi muốn khóc nữa, nó vẫn như ánh sáng ấm áp dịu dàng bao lấy thân thể run rẩy của tôi.

+ Không, là nhờ có anh chứ. Nhờ cánh tay của anh ôm lấy em, ôm lấy bọn em… - Tôi thì thào không ra thành tiếng. Kể cả Hạnh đứng bên cạnh cũng không thể nghe ra.

Tôi đợi mình lấy lại được hơi thở bình thường, rồi chỉ tay về phía trước, nơi tôi nhớ rằng đó là căn nhà của bà cụ làm bánh hoa hồng trắng. Tôi nói Hạnh và Ngân tới đó trước khi bà cụ đóng cửa, và anh đỡ tôi đi chậm hơn theo sau.

- Em quen bà cụ à? – Anh hỏi tôi, giọng dịu lại không còn phần nghi ngờ nghiêm khắc.

Tôi lắc đầu không trả lời, anh cũng không gặng hỏi. Chuyến đi này có quá nhiều thứ không thể trả lời. Cũng có thể chính anh cũng đang có hàng trăm câu hỏi anh đang hỏi chính mình. Thứ gì đợi chúng tôi ở khách sạn Kim Đồng Hồ, và vì sao anh cứ nhất thiết bước chân vào con đường đó, như thể anh đã quen chân bước vào đó hai lần?

Đến khi nhận được chiếc khăn tắm từ bà cụ đưa cho để chúng tôi lau khô người, việc đầu tiên tôi làm là hỏi lại một lần nữa cho chắc chắn:

- Cụ ơi, sáng sớm mai có phải sẽ có xe lam từ khách sạn Kim Đồng Hồ tới đây lấy bánh hoa hồng trắng phải không ạ?

+ Ừ đúng đó, sao con biết hay vậy? – Bà cụ cười hiền hòa, nét tự hào nhiều hơn thắc mắc – Khách sạn quanh đây chỗ nào chẳng lấy bánh từ tiệm này, nhưng bên Kim Đồng Hồ đó ở xa nhất nên toàn tầm 5h sáng đã tới rồi.

Ba người bạn đồng hành của tôi cũng đồng thời được gợi lại những ký ức rời rạc khi mùi thơm của những chiếc bánh bao bánh vạc từ dưới bếp bay lên. Ngân cất giọng nhỏ nhẹ thanh mảnh, đến sự mệt mỏi của cô ấy cũng duyên dáng làm sao:

- Đúng rồi, mùi thơm này đúng là giống như thế.

Đúng rồi, lần này mọi việc sẽ suôn sẻ thôi, chúng tôi chỉ còn cách đích đến một giấc ngủ và một chuyến đi nhờ.

- Sáng mai đi nhờ xe lam của người ta về khách sạn Kim Đồng Hồ đi. – Tôi lặp lại đúng câu nói mà tôi tin chắc rằng mình đã nói ở một lần trước.

Sáng hôm sau, khuôn mặt của cậu thiếu niên lái xe lam chở bánh trở nên thân thuộc với tôi như thể bắt gặp một diễn viên yêu thích. Chiếc xe lam đáng yêu sơn màu giả gỗ của cậu đưa chúng tôi xa dần nội thành Hội An và tiến gần hơn đến không gian của làng quê miền Trung thanh bình. Tôi đã tin rằng tôi có thể thuộc đến từng centimet con đường này, nhưng tôi lại quên mất một chi tiết nhỏ. Xe đột ngột dừng lại mà tôi suýt không kịp giữ Hạnh khỏi bị đập đầu vào thành xe. Phải, tôi đã quên mất rằng chúng tôi còn phải chạy bộ một đoạn đường mới kịp về khách sạn Kim Đồng Hồ, như lần thứ nhất.

- Không kịp, phải chạy nhanh mới kịp! – Anh kéo chúng tôi xuống xe rồi chạy nhanh về phía trước. Cái vẻ bồn chồn vội vã của anh không bớt đi chút nào so với những gì tôi nhớ. Chỉ là một buổi tiệc trà thôi, anh có nhất thiết phải vội vã như thế?

Tôi nhìn cậu thiếu niên lái xe lam một giây áy náy, nhưng lần này tôi sẽ không để tụt sau anh.

- Em hãy gọi ba em đến sửa xe nhé! – Tôi dặn cậu ta, thay cho lời chào và lời cảm ơn, rồi vội chạy theo anh và Ngân, Hạnh.

Không phải chạy quá nhanh, nhưng chân tay tôi cứ như thể không phải của chính mình, cứ để gió thổi đi chứ không có chút sức lực gì hết. Chạy được một đoạn ngắn tôi lại phải đứng lại để thở vì xuống máu và hoa mắt. Càng lúc càng thấy mình tụt lại xa hơn ba người kia. Có lúc lấy được hơi rồi, tôi chỉ dám đi bộ nhanh chân chứ không hẳn là chạy. Cứ vội vã trong kiệt sức như vậy đến khi nhìn thấy dáng hình một người mặc đồ trắng bị lấm lem bùn đất xa xa trước mặt, tim tôi như nhói lên vì lo lắng. Nhưng rồi tôi nhớ được, người đó không phải là anh. Nhưng chân tôi vẫn giục bước nhanh hơn, nhanh dần hơn, mau chóng vượt qua bóng người kia để có thể chắc chắn, đúng là không phải anh, lúc đó tôi mới có thể yên tâm hoàn toàn, lòng trút được đi nỗi nôn nao chống chếnh. Ngẩng mặt lên thấy anh và Ngân với Hạnh không còn xa phía trước, tôi cất tiếng gọi trong ánh nắng vàng nhạt ấm áp của ngày đầu tháng 5:

- Kiên à! Đợi em với!

Cả ba bọn họ chậm lại đợi tôi, rồi chúng tôi cùng nhau sải những bước cuối cùng vào cái khung cảnh quen thuộc của cánh cổng gỗ có bộ khung đồ hồ rộng bằng cả sải tay với cây kim giờ chuyển dần sang số 6, càng lúc càng đắm mình trong mùi hương hoa lan trắng lẫn với mùi bánh ngọt Pháp mới ra lò. Cho đến khi trước mắt ngập màu xanh dương của những quả bóng bay treo lên một cái cây khô không hề có hoa lá và của những bông hoa lan chuông bày trên chiếc bàn trà dưới gốc cây, tôi biết rằng chúng tôi đã đến gần đến hồi kết.

- Tất cả là dành cho cậu đấy. – Vẫn là những lời của Hạnh.

+ Dành cho mình ư? – Tôi hỏi. Nhưng chưa kịp nhận được câu trả lời.

- “Cẩn thận! Cẩn thận!” – Tiếng một ai đó gào lên phá vỡ cái cảm giác bình yên. Chiếc xe đẩy chở bát đĩa và đồ dùng nhà bếp lao đến, dường như còn nhanh hơn cả đoạn băng được tua gấp.

Đôi chân tôi như bị ghim lại một chỗ, bản năng không cho phép tôi có thể nhúc nhích được chút nào. Gắng gượng một chút lý trí, một chút còn sót lại khi phần lớn đã bị đánh bật khỏi cơ thể vì quá giật mình, tôi nhớ rằng, mọi việc sẽ không sao đâu, mọi việc sẽ kết thúc êm đẹp đến bất ngờ. Xe đẩy lao đến mỗi lúc một gần, tôi dặn mình không được nhắm mắt. Gần hơn, gần hơn nữa, bánh xe vấp phải nếp bậc thềm, đột ngột dừng lại và con dao hoa quả trên nóc xe trượt lao về phía trước. Lao thẳng về phía Ngân và tôi nghe thấy tiếng Ngân hét lên khi ngã xuống.

Đập vào trước mắt tôi là hình ảnh ấy, con dao đâm vào bên sườn của Ngân và màu máu đỏ loang lổ trên nền đất. Không có cuốn Harry Potter và Bảo bối tử thần nào. Ngân đã không ôm theo nó khi bước xuống xe. Và giờ đây, hình ảnh dự cảm từng xuất hiện chớp nháy trong đầu tôi đã trùng khớp với hiện thực. Tôi điếng người, không biết làm gì nữa, lòng tràn đầy hối tiếc và hoảng loạn, như thể tất cả điều này là lỗi do chính tôi gây ra. Hạnh ngã khuỵu xuống, và anh lao đến, xô ngã tôi sang một bên và sụp xuống ôm chặt lấy Ngân, gào tên cô ấy thảm thiết. Tôi chống tay lùi dần trong ngỡ ngàng sửng sốt, tiếng chuông đồng hồ điểm 6h sáng như đánh theo những nhịp quả tạ đung đưa qua lại đánh từng nhát vào người tôi mà không thể chống cự. Tôi lại thấy miệng mình giật lên những từ vô nghĩa ấy, “Choc! Choc!”, và lần này đầu lưỡi như rất thèm một vị gì đắng đắng ngọt ngọt. Mọi thứ mờ đi, lưng tôi như có một thứ gì đó rất mềm mại đỡ bên dưới. Tôi nhắm mắt và lắc đầu nhiều lần, thứ mềm mại đó là tấm khăn quàng cashmere vắt trên lưng ghế lái xe mà tôi đang ngả người trên đó. Mọi thứ lại trở lại từ đầu, tôi thấy mình lại đang ngồi trên ghế lái xe của chiếc Innova bốc khói vì đâm vào gốc cây. Anh vẫn bất tỉnh ở ghế bên cạnh, và ở hàng ghế sau, Hạnh và Ngân vẫn lành lặn gục đầu vào nhau.

Đầu vẫn đau như búa bổ và đôi vai ê ẩm vì va đập, nhưng cả trí óc lẫn cơ thể tôi đều nhớ rõ mọi điều đã xảy ra, sự choáng váng trước cái chết bất ngờ của Ngân và cơ bắp mỏi rã rời vì đã phải đi bộ quá nhiều. Và giờ đây, tôi sẽ phải đối mặt với nó một lần nữa, không biết phải mừng rỡ hay tuyệt vọng. Tôi cứ bị mắc kẹt mãi trong cái vòng quay lặp lại này, nhưng lại có thêm một cơ hội nữa để sửa lại những chi tiết cần thiết tránh cho Ngân khỏi cái kết bi thảm. Dù có phải kiệt sức, tôi cũng không được từ bỏ.

Tôi lại tháo dây an toàn, rồi với người lay anh dậy.

- Kiên! Kiên à! Mau dậy đi, mau tỉnh dậy đi!

Anh giật mình choàng tỉnh, nhìn thẳng tôi chỉ trong nửa giây, rồi vội vàng quay xuống ghế sau cất giọng gọi đầy hốt hoảng:

- Ngân, Ngân ơi! Em không sao chứ? Em có bị đau ở đâu không? – Anh với lấy tay Ngân, cầm tay cô ấy thật chặt.

Tim tôi cũng như ngừng đập nửa nhịp, như thể nó quên mất điều gì. Còn anh, phải chăng chính anh cũng nhớ được cái kết lần trước, khiến anh lo lắng cho cô ấy như thế.

Ngân mở được mắt, bàn tay cô ấy cũng siết lấy tay anh. Ngân chống tay cho người ngồi thẳng dậy, vỗ vỗ gọi Hạnh tỉnh dậy. Hạnh ho mấy tiếng rồi bàng hoàng hỏi rối rít:

- Chuyện gì thế? Chuyện gì thế chứ? Xe làm sao thế này?

+ Cô ấy mất lái vì tránh con chó nên xe lao xuống đây. – Anh trả lời.

Tôi như muốn vỡ ra như nhiều chùm pháo hoa. Anh đã nhớ lại được phần trước của sự việc, vượt ra ngoài cái vòng luẩn quẩn lặp lại mà tôi không thoát ra được. Anh đã có câu trả lời. Nhưng không hiểu sao điều đó chẳng làm tôi mừng rỡ, mà hiện thực như những khối băng nhọn xuyên vào trí não tôi rồi từ từ tan chảy, những dòng nước lạnh buốt lại càng len lỏi sâu vào từng ngóc ngách thần kinh.

- Anh… anh nhớ được hết rồi sao? – Tôi hỏi trong tiếng thở dốc vì tim mỗi lúc càng đập nhanh hơn vì hồi hộp.

+ Phải, anh nhớ rõ mọi chuyện. Nhưng lỗi không phải tại em, tai nạn là ngoài ý muốn, đừng lo nhé. – Giọng nói của anh vẫn ấm áp như thế, nhưng hơi ấm ấy đã không còn bao bọc lấy tôi.

- Nhưng… mình đang đi đâu cơ? – Giọng nói mệt mỏi mà vẫn thanh lịch của Ngân cất lên – Em… vẫn choáng quá. Em không nhớ được gì hết.

+ Là ba chúng ta đi nhờ xe của Bích từ ga tàu để về khách sạn Kim Đồng Hồ, em không nhớ sao? – Anh vẫn cầm lấy bàn tay nhỏ gầy của Ngân, ánh mắt không rời cô ấy.

- Đi nhờ sao? – Tôi hỏi anh, trong lòng mở ra cả một khoảng hoang mang mới.

+ Ừ, em cũng không nhớ gì sao. Ba người bọn anh đến Hội An được một tuần rồi, ở tại khách sạn Kim Đồng Hồ ấy. Nhưng chiều nay Ngân giận dỗi muốn bỏ về, anh và Hạnh phải đuổi theo đến ga tàu để dỗ cô ấy quay lại. Dỗ được rồi thì chẳng tài nào gọi được taxi vì khách về Hội An xem pháo hoa đông quá. Cũng may là có em cho đi nhờ.

- Cảm ơn cậu, Bích ạ. May mà có cậu. – Hạnh nói, và dường như, đúng là trong đầu tôi hiện lên hình ảnh cô ấy đã nói như vậy, vào chiều nay, khi ở ga tàu…

+ Đi nhờ ư… - Tôi lí nhí muốn hỏi, nhưng câu hỏi của tôi lại bị át đi bởi câu hỏi của Ngân.

- Giận dỗi ư… - Ngân nhìn anh ngơ ngác.

+ Ừ… - Anh mỉm cười điềm tĩnh – Anh đã định giấu em, nhưng chắc lúc này thì đành nói hết vậy. Em giận dỗi vì mấy ngày nay cứ thấy anh và Hạnh lén lút ở riêng với nhau. Nhưng thực ra… là anh đang chuẩn bị… cầu hôn em. Đúng 6h sáng mai tại khách sạn Kim Đồng Hồ, khi ánh mặt trời dịu dàng chiếu xuống gốc cây mà em thích nhất.

Tôi thấy mình như muốn ngừng hơi thở, trái tim như thể vừa được quay trên đu quay tốc độ cao rồi đột ngột dừng lại.

- Em vẫn chưa nhớ ra sao, em vẫn không tin anh sao? – Anh ôm cả hai bàn tay mình lên bàn tay của Ngân, từng lời ngọt ngào đều hướng đến cô ấy – Em yêu nhất là màu xanh dương, em thích nhất là hoa lan chuông, con số em thích nhất là số 10, phần truyện Harry Potter em thích nhất là phần cuối…

Tôi thấy mình giống như vừa phải tỉnh giấc sau một giấc mơ dài, rất êm ái, rất bồng bềnh. Mặc dù thực tế đúng là tôi đã phải trải qua mấy lần tỉnh giấc như vậy, nhưng dường như lần này mới thực sự là tỉnh giấc. Nhận ra những điều trong mơ đều không phải là thực, tất cả đều không phải là của mình. Tưởng như mình đã ấm áp bao nhiêu, khi tỉnh dậy trước mặt mình chỉ còn là trống rỗng. Yêu thương bao nhiêu, tỉnh dậy đều là nguội lạnh. Và khi đã tỉnh dậy, tuyệt đối không mong có thể với tay níu kéo điều gì từ cơn mơ tưởng như là của mình ấy. Tôi tuyệt đối không có gì. Tất cả những gì tôi tưởng là của tôi, hóa ra đều là của người khác. Của Ngân.

- Sao cậu có thể nghi ngờ tớ với anh ấy chứ? Cậu là bạn tốt nhất của tớ cơ mà! – Hạnh cất giọng đanh đá trong veo với Ngân.

Phải, tất cả là của cô ấy. Còn tôi chỉ là một người lạ tình cờ bắt gặp họ ở ga tàu. Để rồi những câu chuyện kể của họ trên chuyến đi nhờ xe đã bị xô lệch vào ký ức của tôi sau cú va đập ấy và khiến tôi mơ hồ ngộ nhận nó thuộc về mình. Để giờ tôi lại phải đối mặt với một nỗi hẫng hụt và ghen tuông vô cớ. Sau bao khó khăn đã trải qua cùng nhau, mà giờ tôi không thể khẳng định liệu nó đã thực sự xảy ra, tôi giống như một người cố gắng kéo theo một tảng đá nặng gấp nhiều lần chính mình, cố gắng chạy thục mạng rồi bất ngờ bị chặt đứt sợi dây, tảng đá ấy ở lại còn một mình tôi hụt chân lao xuống vực. Không còn phương hướng, bất lực, không còn biết bấu víu vào đâu và thậm chí chỉ có thể đổ lỗi cho chính mình.

Giờ chúng tôi phải làm gì, không, chính xác là giờ tôi phải làm gì? Liệu tôi có nên cố gắng để rồi mọi thứ lại lặp lại từ đầu trong cái vòng quay luẩn quẩn ấy. Không đâu, tôi không muốn, không chỉ vì thể xác tôi không thể nào rã rời hơn được nữa. Và tôi cũng không muốn rồi lại tỉnh dậy một lần nữa, lại chứng kiến một lần nữa cảnh mùi mẫn không dành cho mình. Để nhận ra mình đã mất tất cả, hay chính xác hơn là vốn đã chẳng có bất cứ điều gì cho mình.

Quá ngạt thở và chuếnh choáng, tôi mở cửa xe và lảo đảo bước ra ngoài, lần này không phải là vì sự mơ hồ không biết gì về sự thật khiến tôi mất phương hướng, mà chính là sự thật hiện ra càng làm tôi mất phương hướng hơn. Vốn cứ nghĩ không điều gì có thể trống rỗng hơn một trí nhớ không nhớ được quá khứ, giờ đây quá khứ và thực tại, và tương lai mở ra, còn trống rỗng hơn hết. Cái màu tím xanh của trời chiều lẫn với không khí lành lạnh mang hơi nước như cuốn lại thành một loại độc dược khiến tôi càng thấy mình yếu ớt. Tôi với lấy chiếc khăn quàng cashmere hai màu đỏ đen ấm áp mềm mại vắt trên thành ghế và để nó ôm lấy mình, nhận ra hơi ấm của chính mình còn sót lại trên đó giờ quay lại bao bọc lấy cho mình. Tôi liệu còn được bao nhiêu hơi sức, sự việc này liệu sẽ lặp lại thêm bao nhiêu lần.

Phía bên kia, tôi thấy anh mở cửa xe đỡ Ngân bước ra, chân cô ấy mắc vào cuốn truyện Harry Potter và Bảo bối tử thần làm nó rơi xuống đất. Cô ấy đã đọc tới lần thứ 4 mà vẫn chưa thấy chán. Lần thứ 4… Là 4 lần, phải không? Tôi cố tập trung để nhẩm lại. Lần thứ nhất, cô ấy đã không chết. Lần thứ hai, tôi đã để tuột tay cô ấy ở dưới sông Hoài. Lần thứ ba, là vừa rồi, cô ấy đã quên mất không ôm theo cuốn truyện. Vậy thì, lần này sẽ là lần thứ tư, sẽ là lần cuối. Hãy kết thúc mọi việc trong lần này, tôi tự nhủ, kết thúc thật nhanh gọn để tôi được giải thoát.

- Nhớ ôm theo quyển truyện nhé – Tôi nói vọng sang phía bên kia xe.

Bốn chúng tôi uể oải lê chân lên đường cái. Dù đã tự nhắc nhở mình, ánh mắt tôi vẫn vô tình hướng về chiếc áo vest ấm áp của anh, nhưng tôi biết rằng, lần này nó sẽ không được khoác lên người tôi nữa. Anh đã khoác nó lên tấm thân gầy mỏng manh của Ngân, lần này anh đã nhớ được ra đúng chủ nhân nhận được những yêu thương của anh, không còn lầm lẫn nữa. Nhưng tôi thắc mắc, tại sao tới lần này anh lại có thể nhớ ra được. Liệu anh có chút mơ hồ gì về những lần lặp lại giống như tôi? Hay chính bởi vì cái chết đẫm máu của Ngân ở lần thứ ba đã đánh thức anh? Tại sao anh không hề nhớ đã cùng tôi trải qua ba lần lặp lại hành trình mệt mỏi? Hay chỉ có một mình tôi nhớ được mọi chi tiết, còn trong anh, chỉ có trái tim anh là có thể ghi nhớ, ghi nhớ những cảm xúc sau mỗi lần hành trình? Có phải vì thế nên, cứ mỗi lần lặp lại, cảm xúc của anh lại rời xa tôi một chút, hướng về Ngân một chút? Và rồi khi anh ôm xác Ngân trong lòng gào gọi tên cô ấy, mọi ký ức đã trở về, ký ức thực sự của những chuyện trước vụ tai nạn.

Tình yêu quả là có sức mạnh phi thường. Hay người ta vẫn gọi là Tình yêu dẫn lối đưa đường. Còn tôi thì giờ sẽ chẳng còn gì dẫn lối đưa đường hay tiếp nguồn sức mạnh.

Khung cảnh hoang vắng của những dãy nhà tắt đèn ven đường trong ánh chiều tối đổ sậm không còn làm tôi hoang mang sợ hãi. Tôi trấn an ba người đồng hành, mà giờ tôi đã biết là tôi mới chỉ quen họ một vài giờ trước:

- Mọi người đều vào phố cổ chờ xem pháo hoa rồi, không gặp được ai để nhờ đâu. Cố gắng đi bộ đi, còn khoảng 2 cây số nữa.

Và chỉ rồi chờ chúng tôi bước thêm vào bước chân, một ánh đèn pha của ô tô lướt qua rọi vào biển cột mốc “Hội An – 2km”.

- Em đoán giỏi thật đó, đúng là ở đây gần nửa năm rồi có khác! – Anh quay lại vỗ vai, nở một nụ cười thân thiện vô tư đến đau lòng.

Phải, tôi nhớ ra rằng đúng là tôi đã ở Hội An được gần nửa năm, và dường như là tôi đã lên kế hoạch để chuẩn bị rời đi. Tôi đi dọc đất nước, không ở nơi nào quá nửa năm. Một mình với chiếc Innova mưa không đến mặt nắng chẳng đến đầu. Viết về những món ăn, những mùi vị, những trải nghiệm vùng miền để gửi cho một nhà xuất bản ở bên kia bán cầu.

Tôi và ba người kia hướng về Hội An như những con côn trùng mệt mỏi lao về phía ánh đèn. Cảnh vật ở đây tôi đã thuộc nằm lòng, kể cả những ánh đèn lung linh nhiều màu sắc, tôi tưởng như mình thuộc được cả màu sắc của chúng như cách người ta xếp những cây bút màu trong hộp. Tôi giữ ba người đi nhờ đứng yên tại một chỗ có vẻ là thưa người nhất trong biển người phố Hội.

- Chúng ta đứng yên ở đây, chờ bắn pháo hoa xong thì đường mới bớt đông. Giờ này chắc chắn không có xe cộ gì mà đi về khách sạn được đâu.

+ Nhưng bọn anh rất vội… - Anh định kéo Ngân đi trước. Nhưng tôi kéo được lại. Tôi không muốn kéo tay anh, mà tôi níu tay Ngân.

- Nhất quyết không được đi đâu hết. Em ở đây gần nửa năm rồi em phải biết. Nói thì phải nghe. – Tôi cương quyết, và bực dọc, và giận hờn.

Và rồi chúng tôi cứ đứng ở đó, cho đến lúc pháo hoa bắn trên bầu trời, rồi nhìn thấy một tia pháo rơi xuống đám đông ở một con đường xa xa. Ngân và Hạnh sợ hãi nhìn những dòng người ngã xuống sông Hoài, còn tôi thì cứ đứng im, một chút nét mặt cũng không thay đổi. Lửa cháy, những bóng người vùng vẫy, những ánh hoa đăng lập lòe, tiếng người la hét, tiếng còi cứu hỏa, tất cả đều chỉ làm cho tôi càng cảm thấy nguội lạnh. Tôi lại thấy cái nguội lạnh bình thản ấy có gì quen thuộc, như thể tôi đã bình thản trước hoạn nạn của người khác không ít lần.

Tôi chờ đến khi lễ hội, hay giờ người ta sẽ gọi nó là lễ họa, tan hoàn toàn, mới kéo ba người đồng hành đi về phía nhà bà cụ làm bánh hoa hồng trắng. Không còn mệt và lạnh vì ướt dưới sông Hoài, bước chân của tôi có lực hơn, nhưng vẫn thấy con đường đi về phía nhà bà cụ còn dài quá.

- Sao em biết bà cụ sẽ cho bọn mình nghỉ nhờ?

+ Em đã từng viết bài về bánh của cụ, để in vào sách du lịch cho người nước ngoài. – Tôi lạnh lùng trả lời, đến một nụ cười cũng muốn tiết kiệm không dành cho anh nữa. – Còn anh, sao lại cứ vội vàng nhất thiết phải về khách sạn Kim Đồng Hồ sớm làm gì?

Anh cúi xuống hơi giấu một nụ cười lãng mạn.

- Bởi vì nhất thiết anh phải đeo nhẫn đính hôn vào tay cô ấy khi kim đồng hồ điểm 6h sáng. Thời khắc của sự tươi mới vĩnh hằng, bởi vì bọn anh nhất định sẽ như thế.

Sáng sớm hôm sau, một buổi sáng đầu tháng 5 trong lành êm dịu, chiếc xe lam sơn màu giả gỗ của khách sạn Kim Đồng Hồ đến nhà cụ lấy bánh sớm hơn 15 phút, như tôi đã nhờ bà cụ nhắn với họ đêm hôm trước. Khí trời tháng 5 đối với tôi mà nói, cũng không khác gì nhiều so với những buổi sáng cuối tháng 4, khi mà tới lúc đó tôi mới bắt đầu đi ngủ sau một đêm viết lách.

Tôi còn kịp giữ Hạnh lại trước khi xe dừng đột ngột để cô ấy khỏi bị đập đầu vào thành xe. Tôi trấn an cậu thiếu niên trước khi cậu kịp nhăn nhó sợ không kịp mang bánh về cho buổi tiệc trà sáng:

- Em gọi ba em đến sửa đi nhé, đừng lo quá.

Anh đỡ Ngân xuống xe, rồi nói với cậu thiếu niên:

- Bọn anh về khách sạn trước nhé, cho kịp.

Không kịp một lời cảm ơn, anh và Ngân dắt tay nhau chạy về phía trước. Hạnh luống cuống chạy theo sau. Còn tôi từ biệt cậu thiếu niên rồi cũng đuổi theo họ, nhưng không vội vàng, chỉ nhanh hơn những bước đi bộ một chút, cũng một phần bởi vì cơ bắp tôi không cho phép.

Trên đường đi, tôi nhìn thấy một thanh niên mặc đồ trắng, giống như anh, đang tìm cách nhảy qua vũng nước để về nhà, hẳn là sau một buổi tối 30-4 chè chén quên giờ giấc.

- Đi vòng đường bên kia kìa, không lại lấm lem hết quần áo trắng tinh bây giờ! – Tôi gọi to nhắc cậu ta, nhưng thực sự là lại tràn đầy ý giễu cợt.

Khi về tới khách sạn Kim Đồng Hồ, tôi đã nhìn thấy anh quỳ dưới gốc cây khô buộc rất nhiều bóng bay màu xanh dương, trên tay cầm chiếc nhẫn gắn một viên kim cương trang nhã.

- Tất cả là dành cho cậu đấy. – Hạnh hãnh diện nói với Ngân – Tớ đã phải chuẩn bị suốt mấy ngày!

Thật là đáng yêu, giống như một cái kết có hậu trong những bộ phim trên truyền hình cáp. Những bộ phim chiếu đi chiếu lại rất nhiều lần. Và lần này, đã đến lúc chiếu lần cuối cùng để phát sóng phim mới. Tôi nhìn thêm một giây, rồi tiến về phía chiếc xe đẩy chở bát đũa, gạt chân phanh chắc chắn để nó không chạy mất kiểm soát nữa. Đồng hồ ngoài cổng điểm 6h sáng, ánh nắng mặt trời dịu dàng chiếu xuống chiếc nhẫn kim cương lấp lánh đeo trên ngón áp út của Ngân. Hoàng tử và công chúa hôn nhau hạnh phúc. Còn tôi quay lưng bước đi, không phải vì ghen tuông mà vì mệt mỏi. Đầu óc và cơ bắp đã rã rời, không thể chống trụ thêm một giây nào nữa, mặc kệ cho ngoài kia có là khoảnh khắc đáng nhớ thế nào. Tôi gạt mở cánh cửa phía gần nhất, nó là phòng để rác, có một cái băng ghế đặt tạm để thỉnh thoảng lao công đứng lên quét mạng nhện trên trần nhà. Tôi đặt phịch lưng xuống đó, bao nhiêu mệt mỏi sau bốn lần hành trình tuôn tràn khắp tứ chi. Mệt mỏi quá, tại sao chỉ có một mình tôi lại nhớ được hết, cảm nhận được hết cả bốn lần vất vả. Và giờ, ước gì được ngủ đi, không bao giờ phải tỉnh lại. Giống như là, ước gì được chết luôn đi vậy, để chấm dứt hết cái sự mệt mỏi này, để không phải cảm nhận cái sự cô đơn trống rỗng này, khi mà chẳng có tương lai nào, chẳng có yêu thương nào chờ đợi tôi phía trước. Giống như nếu cứ rơi tự do trong vũ trụ mà không ngã xuống được một hành tinh nào, không va phải một thiên thạch nào, ta cũng mong thà mình chết luôn đi còn hơn cứ mãi mãi chịu cảm giác đó.

Tại sao tôi lại rơi vào tình cảnh này nhỉ, tôi nhìn lên trần nhà và vắt tay lên trán. Hơi thở sâu hơn, tôi nhớ ra dường như cái sự bình thản trước hoạn nạn của người khác, nó là một cách sống mà tôi đã lựa chọn. Bởi vì thường khi tôi làm một việc tốt cho ai đó, tôi thường nhận lại trái đắng cho chính mình. Giống như câu nói “Ở hiền gặp lành” có tác dụng ngược lại với một mình tôi. Đó là vì sao tôi sống rong ruổi nhưng cô độc một mình. Tôi đã ở Hội An gần nửa năm qua như thế, cho đến khi chuẩn bị rời đi thì khách sạn Kim Đồng Hồ mời tôi về ở miễn phí một tuần để viết bài quảng bá cho họ. Chiều hôm qua, khi đưa người đại diện xuất bản ra ga tàu để về Hà Nội, tôi tình cờ gặp họ, Kiên, Hạnh và Ngân. Họ xin tôi cho đi nhờ khi nhận ra chiếc Innova của tôi đã đậu ở sân khách sạn nhiều lần. Lẽ ra lúc đó tôi nên từ chối, tôi đâu có quen biết họ. Để rồi sau đó tôi lại phải dấn thân gian khổ đủ đường để cứu mạng một cô gái chẳng phải bạn tôi, lo lắng quan tâm cho một chàng trai không phải người yêu tôi. Họ giờ đang hạnh phúc bên nhau, còn tôi thì đang ở đây, nằm thở trong phòng để rác vì kiệt sức. Chưa kể đến chuyện tôi có một chiếc ô tô bị nát đầu cần phải sửa chữa. Thật là tuyệt diệu.

“Choc! Choc!”. Tôi nói. Miệng tôi đang rất thèm chocolate. Đúng thế. Mỗi khi gặp phải điều xui xẻo sau khi làm việc tốt cho người khác, tôi thường tự thưởng cho mình ăn chocolate. Cái vị đắng đắng ngọt ngọt của nó xoa dịu tôi, ôm lấy tôi, xua tan mọi đau đớn thần kinh và năng lượng của nó khiến tôi biết rằng mình sẽ sống thêm, ít nhất là một ngày nữa. Chocolate, tôi cần chocolate, càng nhiều càng tốt.

Tôi cố gắng lết mình ra khỏi phòng để rác. Ngoài sân, Kiên và Ngân vẫn đang rạng rỡ chụp ảnh dưới gốc cây buộc bóng bay xanh dương. Tôi lảo đảo đến gần như một con xác sống, vỗ vỗ lên vai Kiên.

- Ôi, Bích, em đây rồi! Bọn anh còn chưa kịp cảm ơn em.

+ Anh có ví tiền ở đây không? – Tôi hỏi, hình như cũng rất giống điệu bộ của một con xác sống.

- Có đây, anh để quên ở khách sạn, lễ tân vừa đưa cho anh. – Kiên rút ví từ trong túi quần ra.

Tôi cầm lấy, thản nhiên mở ra. Bên trong có một tờ 500 ngàn, hai tờ 100 ngàn và một tờ 50 ngàn, và đủ các loại thẻ. Tôi rút hết mấy tờ tiền rồi đưa lại ví cho Kiên.

- Cho em chỗ này nhé? – Tôi nói lạnh lùng.

+ Ơ… ừ… - Kiên ngạc nhiên và không biết phải nói không hay có. Không biết phải nói gì.

Tôi cầm tiền quay đi, cố nghĩ xem có thể mua chocolate ở nơi nào gần nhất. Nhưng không hiểu sao, tôi lại bất ngờ quay lại.

- Để đề phòng bất trắc… - Tôi nói, và đưa lại cho Kiên tờ 50 ngàn.

Rồi thì tôi đi thật. Giờ thì tôi phải đi mua chocolate tự thưởng cho mình. Với thù lao 700 ngàn cho việc hết mình cứu sống một cô gái và thành toàn cho đôi trẻ.

(Nhật Lan

4.6.2014)