Nhìn Hồ Việt Khoa, không ai nghĩ hắn là người Giang Hạ. Không tao nhã thư sinh, mà khù khoằm dị hợm, gương mặt xương xẩu nhô ra trên cái cổ nằm ngang, nom như một con kền kền. Cộng thêm với sống mũi gẫy gập, đôi mắt sâu hoắm và sắc lẻm, khiến người ta liên tưởng ngay tới một loài chim ăn xác thối.
Dù dị hợm như vậy, nhưng nhìn vào hắn, ai cũng cảm thấy dè chừng. Như thể bị một đôi mắt cú vọ nhìn chằm chằm, chực chờ lúc sơ hở là lao tới xơi tái. Đối diện với ánh nhìn ấy, người ta cứ phải căng người lên, nín thở đề phòng. Một thiên tài toán học, tôn sùng sự thực dụng, sức tập trung kinh khủng, và chỉ chăm chăm nhìn vào một mục tiêu. Có lẽ, sự quyết tâm đánh chết đối thủ của hắn cũng cao như quyết tâm giải một bài toán khó vậy.
Phan Văn Linh chỉ hơi cúi chào hắn một cái, hắn đã chớp ngay lấy cơ hội ra tay, một đòn đẩy đối thủ văng khỏi đài. Một kẻ hành động chỉ dựa trên con số mà không thèm quan tâm tới đạo đức hay danh dự, thì chỉ trích hắn cũng bằng thừa. Muốn đối đầu với hắn, chỉ có thể thực dụng ngang với hắn.
Một đối thủ như vậy, thật sự phù hợp với Vương Thành Văn. Có lẽ nó cũng là người duy nhất cảm thấy, chiến thuật của Hồ Việt Khoa không có gì là sai. Dùng cách hiệu quả nhất để giành chiến thắng, vô cùng đúng đắn. Những thứ luật thi đấu không cấm, thì hoàn toàn được phép dùng. Hơn nữa, nếu cả hai đ-ng độ nhau, sẽ là một cuộc chiến đầy toan tính.
Không ngừng tính toán để tìm ra đối sách phù hợp nhất cho từng trường hợp, chính là một trong những nền tảng cơ bản của Độc Tâm Thuật. Những người có khả năng tính toán tốt, đặt họ vào trong một trò chơi cụ thể, họ sẽ rất nhanh chóng làm chủ luật chơi. Nhưng, vì cuộc sống là một cuộc chơi mà không phải ai cũng biết rõ luật, nên chỉ khả năng tính toán không thôi thì chưa đủ. Người ta cần thêm một năng lực nắm bắt tâm lý đối thủ để tìm ra luật chơi. Chỉ khi nào hội đủ hai yếu tố đó tới mức thượng thừa, mới nắm được Độc Tâm Thuật. Mà điều này thật sự rất hiếm. Có người giỏi về tính toán, lại ngờ nghệch với các mối quan hệ. Có người tinh tế dễ dàng nắm bắt tâm lý con người, lại kém về tính toán. Có người giỏi được cả hai, nhưng cả hai chỉ đạt tới mức độ vừa phải.
Hiện giờ, dù là Vương Thành Văn hay Hồ Việt Khoa, thậm chí là Vương Minh Quang, cũng chưa đạt tới cảnh giới thượng thừa của Độc Tâm Thuật. Còn khả năng phát triển năng lực này trong tương lai, còn là một ẩn số. Dù sao, Độc Tâm Thuật cũng không phải là loại năng lực duy nhất mà Cường giả cần có.
Còn trong hiện tại, một cách vô thức, Vương Thành Văn thật sự mong chờ được đối đầu với đối thủ này. Nhưng ngược lại, nó lại mong Nguyễn Thanh Phong có thể thắng.
Mà có lẽ nó cũng là người duy nhất mong như vậy.
- Nguyễn Thanh Phong đấu Hồ Việt Khoa, bắt kèo ai đây?
- Còn phải hỏi! Đương nhiên là Hồ Việt Khoa rồi!
- Nguyễn Thanh Phong cũng khá đấy, nhưng có lẽ cần thêm vài năm phát triển nữa…
Trong đám cá cược đều rỉ tai nhau như vậy. Chả ai dám đặt kèo Nguyễn Thanh Phong. Tới cả khi nó quay sang hỏi Đinh Kiến Châu, để xem ông thầy này đánh giá thế nào, kết quả cũng không có gì khác.
- Ai đấu với Hồ Việt Khoa cũng có cơ hội, nhưng chỉ duy Nguyễn Thanh Phong là không.
- Vì sao vậy ạ?
- Ăn đòn rất thảm. - Đinh Kiến Châu, tức Hà Chí Thương chỉ ngao ngán lắc đầu.
Đây là đạo lý đã rõ rành rành. Một họa sĩ thẩn thơ đầu óc trên mây, đấu với một kẻ thực dụng đến mức tàn nhẫn, ăn đòn thảm, còn là nói giảm nói tránh.
Tiếng còi bắt đầu vừa vang lên, lần này không có ai cúi chào ai, chỉ có Hồ Việt Khoa chớp thời cơ lao tới. Nguyễn Thanh Phong cũng đã rút cây bút của mình ra, khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Dù có ủng hộ hay không, không mấy ai thích nhìn thí sinh bị ăn đòn quá tơi tả cả. Ít ra thì Nguyễn Thanh Phong cũng nên phản kháng lại đôi chút.
Ván trước Hồ Việt Khoa xuất kì bất ý, chưa ai nhìn ra năng lực của hắn, nhưng lần này mọi người đã thấy một quả bi sắt nhỏ quay xung quanh người hắn.
- Phi Hành Khí?
- Cách không khiển vật? Bản thân quả cầu đó cũng được chế tác đặc biệt nên mới gọi là Phi Hành Khí, người dùng cũng phải sử dụng khí lực của bản thân để điều khiển quả cầu.
- Một thiên tài Toán học, sử dụng Phi Hành Khí, hình như rất là phù hợp?
- Quá phù hợp chứ còn gì nữa! Sử dụng Phi Hành Khí, lại tính toán được quỹ đạo bay của vật, thì quá là đáng sợ!
Quả bi sắt vung một vòng elip trên không trung, kéo theo tiếng gió vun vút, nhắm thẳng vào mặt của Nguyễn Thanh Phong.
Đừng nói là người trên sân, một đòn này quá đột ngột, quá gợi cảm giác đau đớn, không ít người vô thức nhắm tịt mắt lại. Cứ tưởng tượng tới cảnh Nguyễn Thanh Phong ăn trọn một bi sắt vào mặt là ai cũng thấy đau đớn rồi.
Vút!!!
Nhưng điều đau đớn mà mọi người nghĩ tới trong thoáng chốc ấy, lại không xảy ra. Nguyễn Thanh Phong đã vung bút lên vẽ một đường, kéo theo đó là một luồng gió mạng. Viên bi sắt bị gió đẩy văng lệch cả quỹ đạo bay, cắm một lỗ sâu hoắm lên nền sân.
- Ui da!
Trọng tài là người đã gắn bó với sân đấu này đã nhiều năm. Đúng là sân đấu càng ngày càng xuống cấp không chịu nổi cường độ tỉ thí của các học viên, nhưng trình độ của học viên không mấy ai phá hoại nổi sân đấu. Nay toàn là các thiên tài quyết đấu, mỗi lần nhìn mặt sân bị tổn thương, trọng tài lại thấy xót xa.
Nhưng chẳng ai quan tâm tới cảm xúc của trọng tài cả, mọi người còn đang xuýt xoa về pha thi đấu vừa rồi, viên bi sắt từ dưới sàn đã bay vọt lên, lại tiếp tục nhắm tới Nguyễn Thanh Phong.
Vút!!!
Nguyễn Thanh Phong lại vung bút, quả bi lại bị đánh lệch đi một bên, nhưng lần này, quỹ đạo của nó dù bị đánh lệch, vẫn bay sát qua người hắn.
- Anh ấy đang điều chỉnh quỹ đạo quả bi!
Đứng bên cạnh Hà Chí Thương, Vương Thành Văn là người đầu tiên nhận ra. Tính toán hướng gió và tốc độ của gió dựa trên khối lượng của bi sắt và độ lệch quỹ đạo của hòn bi, không phải là không thể. Rồi từ đó, điều chỉnh một quỹ đạo khác để vừa nhắm vào chỗ yếu hại của đối phương, vừa toan tính khi đối phương phòng ngự thì quỹ đạo mới vẫn đánh được vào một yếu điểm khác.
Tính toán như vậy trên lý thuyết thì dễ, vào thực tế lại có những biến số. Ví dụ như hướng vung bút của Nguyễn Thanh Phong mỗi lần một khác, tốc độ gió không lần nào giống lần nào. Dù có là thiên tài Toán học, thì những sai số này cũng không thể giải quyết chỉ trong một lần thử nghiệm, càng không thể đảm bảo trăm phần trăm thành công.
Hướng suy nghĩ này của Hồ Việt Khoa, Vương Thành Văn đồng cảm tới mức kì lạ. Nó như hoàn toàn coi mình là người trên trận, đối đầu với Nguyễn Thanh Phong, tính toán ra các hướng tấn công khả dĩ.
- Cần thử nghiệm nhiều lần, và với nhiều bi hơn thì cơ hội sẽ tăng cao hơn.
Ngay khi Vương Thành Văn vừa lẩm bẩm như vậy, trên trận, Hồ Việt Khoa đã rút ra thêm 5 hòn bi sắt. Tổng cộng đã là 6 hòn!
- Hồ Việt Khoa là ai, mà lại lắm tiền như vậy?!! - Tới lúc này học sinh Hải Thành đã tròn mắt. Phi Hành Khí bán ở Đại Nam, giá cũng đã dao động từ 500 cho tới 1000 hào! Bán ở Bắc Hà, giá còn có thể đội lên nữa, vì là hàng nhập khẩu. Hồ Việt Khoa chơi 1 lúc 6 cái như vậy, chẳng phải Đại phú hào thì là cái gì?!!
- Mày chả biết gì cả! Bố của Hồ Việt Khoa là Viện trưởng Viện Khoa học Bắc Hà. Mày cũng biết đấy, Bắc Hà hằng năm chi hàng trăm tỉ vào nghiên cứu Khoa học, nhưng có ra được thành tựu mẹ gì đâu! Toàn bộ ngân sách ấy là vào túi các ông to hết! Đấy, toàn mua bi về cho con nhà mình chơi!
- Đúng là lắm tiền chơi bi mà!
- Há há há!!
Học sinh Hải Thành phá lên cười. Cười mà lòng quặn thắt vì ghen tị. Con nhà giàu, mỗi lần khoe của là lại khiến không ít con tym chạnh lòng đau đớn.