Tổng hợp truyện ngắn của Tiếu

Hai Hạt Bụi

Nó chăm chú nhìn quán mì bên kia vỉa hè. Thứ nước sốt đặc sệt rưới lên những sợi vàng khiến tuyến nước bọt của nó hoạt động liên tục. Mắt nó dán chặt vào miếng tàu hũ đang lửng lơ kẹp giữa hai chiếc đũa, chuẩn bị cho vào miệng vị khách có thân hình khá béo. Chắc là mềm và thơm lắm!

Cúi đầu nhìn ổ bánh mì vừa khô vừa cứng, nó chán ghét đưa lên miệng cắn một miếng rồi vờ như đang nhai cao lương mỹ vị, tặc lưỡi:

“Tới khi nào tụi mình mới được ăn cái thứ giống như thế?”

Thằng Đẹt ngồi cạnh chẳng thèm có lấy một tiếng “hả”. Nó còn đang bận đếm xem bao nhiêu tờ nữa thì mới hết xấp vé số trên tay, miệng không ngừng lẩm bẩm:

“Mười lăm, mười sáu, mười bảy… bốn mươi hai.”

Một ngày đen như mõm chó. Đó là câu nó hay rủa mỗi khi ế ẩm. Hôm nào không bán hết được thì xác định hôm đó nó với thằng Đẹt đều sẽ ăn roi thay cho cơm tối. Tổng vết sẹo trên người hai đứa ước chừng có thể đem ra khè đám con nít gần khu ga.

“Mẹ kiếp! Chỗ lưng tao mới kéo da non!” Thằng Đẹt rít qua kẽ răng.

Lần bị đánh cuối cùng rơi vào khoảng năm ngày trước. Nó khi đó may mắn hơn chỉ còn lại hai tờ, được vi vu cho qua cửa nhưng đứa đang ngồi cạnh thì không. Bữa nay thì chắc chắn ngon đòn rồi.

Đôi lúc nó bâng quơ với thằng Đẹt: “Sao tao với mày không rời khỏi nơi này ha! Tìm đại một quán nào đó xin chân chạy bàn cũng được.”

Những lúc như vậy, thằng Đẹt sẽ cầm xấp vé số đập vào trán nó kèm theo tiếng thở dài rồi không quên nhắc nhở:

“Mày nghĩ anh Heo có cho tụi mình đi không? Đừng quên cái gương của thằng Tí.”

Nhắc đến thằng Tí, nó cảm thấy rợn người, sống lưng lạnh đến toát mồ hôi. Đó là một người cũng có số phận không khác gì nó và thằng Đẹt nhưng không may đã chết.

Anh Heo là người thu nhận những đứa như nó. Cứ thấy ai cù bất cù bơ thì anh đều dẫn về căn nhà cấp năm xập xệ sau đó huấn luyện cho cái ‘nghề’ kiếm cơm. Có đứa được dạy môn ‘mượn luôn’ đồ người khác bằng hai ngón tay, có đứa được bày cho cách rải đinh gần chỗ vá xe của nhà anh, nguy hiểm nhất là được chỉ định đi ‘chiến’ với những băng nhóm khác gần khu vực để giành lấy lãnh địa. Nó và thằng Đẹt là hai đứa vụng về nhất trong đám cho nên những nghề trên đều không có cửa kiếm ra mấy tờ xanh đỏ. May mắn làm sao cuối cùng cũng được giao cho việc bán vé số, cái việc chỉ cần khản cổ nài nỉ người ta mua là có tiền. Dĩ nhiên, hậu quả của những ngày bán không hết thì ai cũng mường tượng ra được thông qua vết tích trên người.

Từng có vài đứa nhen nhóm cái ý nghĩ rời đi. Thằng Tí chính là đứa nổ phát súng đầu tiên đi nói với anh Heo, nó muốn xin vào quán cơm làm culi thay vì tiếp tục lăn lộn ở chỗ này. Không ai ngờ đó là lần cuối cùng mọi người nhìn thấy nó.

Nó nhớ như in bữa tối hôm anh ngồi trên ghế, thằng Tí thì đứng cúi mặt lí nhí:

“Anh cho em xin đi khỏi đây…”

Khi đó anh Heo không thể hiện thái độ gì, chỉ ậm ừ bảo thằng Tí thu xếp đồ đạc. Thằng Tí vui như được ăn dĩa cơm sườn bì trứng ao ước, cả đêm háo hức hát tận mấy bài nhạc tra tấn lỗ tai nó. Sáng hôm sau khi cả đám thức dậy, thằng Tí đã rời đi từ lúc nào. Đến chiều thì nhận được tin nó bị ai đó giao cho băng nhóm khác đánh đến kiệt sức mà chết. Không cần nói, cả tập thể những đứa trong căn nhà cấp năm kể cả nó đều biết người nào đã giao thằng Tí ra.

Từ đó về sau, mỗi khi đầu nó nhen nhóm ý định bỏ đi thì cái chết bí ẩn của thằng Tí lại như một rào cản tâm lý khiến nó chỉ dám nghĩ chứ chẳng dám hó hé với ai, trừ thằng Đẹt.

Đây chính là cuộc sống của nó. Một cuộc sống nơi vỉa hè khốc liệt dễ vào, khó ra.

Thằng Đẹt thấy nó đăm chiêu, mắt cứ nhìn miết sang quán mì bên đường liền huơ tay trước mặt: “Sắp hết giờ rồi! Tranh thủ đi! Không là tối nay không xong đâu!”

Nó nhìn ổ bánh mì cứng ngắt trong tay rồi ngó sang xấp vé số còn nhiều tờ đang vắt trong túi, tặc lưỡi:

“Ừ. Đợi tao gặm xong miếng bánh.”

Kim đồng hồ vừa điểm bốn giờ chiều.