Vẫn chờ anh đến nói lời yêu

Chương 29 : Người phụ nữ không cười

Hạ nhìn người mẹ trong ảnh, khuôn mặt xinh đẹp với những đường nét rõ ràng, đôi mắt sáng vô hồn, môi mím chặt không cười, tựa như tạo một vỏ bọc sắt đá không ai được đến gần, đây cũng là bức ảnh hiếm mà bà cho phép người khác chụp ảnh mình.

Đến cả khi người mà Hạ gọi là “mẹ” mất, ba người đáng lẽ là người một nhà cũng chưa hề có lấy một bức ảnh gia đình nào hết. Bởi vì cuộc hôn nhân thương mại ấy, không ai hạnh phúc cả. Người lớn không yêu thương nhau, đứa trẻ ở giữa như Hạ cũng giống như vô hình vậy. Trong trí nhớ của Hạ, hồi bé bất kì lúc nào cô lấy lòng mẹ, chọc bà, muốn bà cười thật xinh đẹp, thật rạng rỡ với cô. Tất cả đều thất bại. Bà ấy chưa từng mỉm cười với cô dù chỉ một lần. Vì thế mà cô cũng chưa từng cười với bà thêm một tiếng nữa. Mọi khát khao về tình mẹ bị chính mẹ cô vùi dập.

Năm Hạ học tiểu học, bố và ông nội suốt ngày bận rộn công việc. Nhà khi đó chưa chuyển đi, nên rất gần trường, nhưng vì muốn đợi mẹ đến nên chỉ có cô là người cuối cùng còn sót lại ở trường. Hạ đã đợi rất lâu, nhưng cũng chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu cả. Cũng đúng thôi, mẹ đâu có quan tâm đến cô đâu. Bao giờ cũng vậy, lúc thím Dư đến đón Hạ, sẽ nhìn thấy một đứa trẻ đứng bơ vơ trên đoạn hành lang vắng tanh, rồi hai người nắm tay nhau đi về nhà. Có một lần, Hạ bắt gặp mẹ của một người bạn khác đang thắt bím tóc bằng chiếc kẹp nơ dễ thương, Hạ đã vô cùng ngưỡng mộ. Hóa ra không phải chỉ có một lần, mà ngày nào bạn ấy cũng được mẹ tết cho như thế cả. Với cả không chỉ mình bạn ấy, mà tất cả bạn nữ trong lớp đều được mẹ chải đầu cho. Chỉ mình Hạ là thím Dư buộc tóc đuôi ngựa, trông rất lạc loài. Hạ biết cô bạn ấy không xinh, nhưng chẳng hiểu sao, chỉ cần nhìn thấy bím tóc của bạn ấy, Hạ sẽ trầm trồ khen ngợi trong lòng : “Thật là xinh quá đi, mẹ bạn ấy khéo tay thật đấy !”. Thế nên có một ngày, trên đường về nhà, Hạ đã vòi thím mua rất nhiều chiếc kẹp tóc nhỏ có gắn rất nhiều hình con vật đáng yêu, hình nào cũng có, thích nhất là chiếc kẹp chú thỏ trắng tinh đang gặm cà rốt. Hạ đã mang theo tâm trạng hồi hộp và mong chờ vô cùng, cô muốn nhìn thấy mẹ dịu dàng xoa đầu mình. Nhưng khi chiếc kẹp bị ném xuống đất, chú thỏ trắng bị đánh rơi mất củ cà rốt. Từ bàng hoàng, Hạ trở nên chai lì. Cô nhặt chiếc kẹp dưới đất lên, phủi sạch rồi cho lại vào túi áo, mím môi bỏ đi. Đằng sau đó, cho dù không ngoảnh lại, Hạ vẫn biết mẹ còn đang nhíu mày không vui.

Khi đó cô chỉ mới là đứa trẻ lên tám, nhưng cô đã nhận ra tình cảnh của mình rõ mồn một. Cô có một người mẹ, nhưng người đó lại chẳng hề giống với mẹ của những người khác. Bà không thích cô, không thích bố, không thích sự tiếp cận của đứa con gái này. Từ đó Hạ rất ghét mấy bạn gái ở trường, ghét nhất là mấy đứa suốt ngày mở miệng là “mẹ mình” như thế này thế nọ, ghét cả những người mẹ hiền lành, tốt bụng của họ nữa. Cô chẳng muốn chơi với bất kì ai, bởi vì cô cực kì ghen tị, cô tự ti vì mình có mẹ mà như không vậy, ghét nghe bạn bè khoe khoang mẹ họ nấu ăn ngon thế nào, chơi cùng vui như thế nào, còn có cả kể chuyện trước khi ngủ nữa.

Nhưng mà, thực sự rất muốn được mẹ buộc tóc một lần.

Muốn ăn cơm mẹ nấu, muốn mẹ cười với mình, muốn mẹ đưa đi công viên chơi.

Muốn mẹ giống như mẹ bạn khác, gọi tên mình ngọt ngào.

Đặc biệt là muốn khi Hạ gọi “mẹ”, mẹ sẽ quay đầu lại, mỉm cười dịu dàng như hình ảnh cô tưởng tượng.

Nhưng thực tế thế nào nhỉ ? Rất chua xót đi. Chưa bao giờ cô được hưởng thụ cảm giác có mẹ cả.

Người mẹ lạnh lùng từ trong cốt tủy là mẹ Hạ.

Thảo nào bọn họ luôn nói cô khi không cười nhìn lạnh nhạt vô tình giống y như bà.

Thậm chí trong những giây phút cuối đời, bà chỉ yên lặng nhìn Hạ, không nói, không cười, không cảm xúc. Câu nói cuối cùng trước khi rời đi cũng chẳng hề có, ngay cả tên cô cũng không gọi lên lấy một lần. Còn Hạ, yên lặng ngồi trên ghế, mắt cũng đăm đăm nhìn bà dần dần say giấc, nhìn sinh mạng yếu ớt dần tắt hẳn. Bà giống như ngủ say, cho dù có kêu gào như thế nào vẫn không chịu tỉnh, hóa ra đó là giấc ngủ ngàn thu mà ông nội từng nhắc đến. Đồng nghĩa với việc người đó sẽ không bao giờ xuất hiện nữa, không ở bên, không thể chạm vào… và đến một ngày nào đó, khi người cuối cùng còn nhớ người đó bỗng quên mất đi sự có mặt kia thì tất cả đã kết thúc. Giống như chưa từng tồn tại. Vĩnh viễn không thể quay lại. Năm đó Hạ vừa đón sinh nhật lần thứ mười, vừa chấp nhận sự ra đi của một người thân.

Năm đó, Hạ không rơi lệ.

Nước mắt đã cạn ráo tự khi nào. Vì sao mà cạn. Cô không biết. Chỉ là cho dù lúc đó Hạ có vắt kiệt hết sức mình cũng không thể giống như một đứa trẻ con mất mẹ bình thường khác khóc vì đau lòng. Một giọt cũng không có để mà rơi.

Bà không bao giờ tỉnh dậy nữa, để lại tất cả mọi thứ lại cho cô, trừ nụ cười mà cô luôn khao khát có thể nhìn thấy.

Khi hình ảnh mẹ trước mặt đã mờ nhòe theo dòng nước mắt mặn chát. Khi mùi hương lan tỏa, vấn vương trước chóp mũi. Hạ đột nhiên hoảng hốt. Cô chợt nhận ra mình nhớ người mẹ lạnh lùng đó nhiều đến thế nào. Lúc nào cũng vậy, đứng trước khung ảnh này, cô sẽ lệ tràn không sao điều khiển được nỗi xúc động trào dâng. Cứ như nước mắt năm đó không chịu rơi ra, bây giờ mới tuôn chảy vậy. Những kí ức ngày bé tràn về làm sống mũi Hạ cay cay. Cay lắm !! Làm sao có thể không nhớ người đã gieo cho cô sự sống, đã sinh ra cô cơ chứ ! Làm sao có thể quên người phụ nữ đã cùng cô sống chung dưới một mái nhà, trong mười năm đầu đời, trong khoảng thời gian đứa trẻ hình thành nên khái niệm “gia đình”.

Công sinh không bằng công dưỡng ư ? Có lẽ Hạ vẫn thiên về phía công sinh hơn.

Càng lớn, Hạ lại càng tự trách chính mình, rốt cuộc vì sao năm ấy lại bướng bỉnh không chịu nói với bà một câu chứ, chỉ một câu thôi, thậm chí chỉ gọi tên bà thôi cũng được… Có thể khoảnh khắc ấy bà sẽ mỉm cười thì sao, có thể bà sẽ gọi tên cô thì sao đây ? Lỡ như cô đã đánh mất đi cái hi vọng cuối cùng đó thì sao ? Giá như… Nhưng cô lại chẳng làm thế, chỉ yên lặng nhìn bà ra đi mãi mãi, nhìn mẹ rời xa khỏi tầm mắt.

Hạ thừa nhận mình không có nhiều kí ức bên mẹ, cũng không yêu mẹ nhiều như những đứa con trên đời này. Đôi lúc cô cũng oán trách bà. Nhưng đó là người mẹ chỉ có một, duy nhất và duy nhất mà cô chấp nhận, đó là người cô từng gọi bằng tiếng “mẹ” thiêng liêng, từng cười thật vui vẻ với bà. Cho dù bất cứ ai, cho dù thím Dư, bà Xu, dì Hoa… cho dù họ có đối tốt với Hạ thế nào, cô nhận ra tình mẹ thay thế đó cũng không thể sánh bằng sự lạnh lẽo của mẹ. Tình cảm ấm áp lại không thể bù đắp được thứ tình cảm lạnh lẽo. Thật là buồn cười ! Buồn cười đến rơi nước mắt.

Ai đó đã từng nói, khi chúng ta gặp phải tình huống nguy hiểm hay mất an toàn nào đó, cái tên ta bất chợt thốt ra lúc ấy chính là người mà chúng ta mong muốn họ có mặt nhất, tin tưởng nhất, cần sự giúp đỡ nhất, và khao khát được dựa dẫm vào người đó nhất. Lúc nghe câu này, Hạ chỉ cười khan một cái, cô mới không tin chuyện đó đâu. Đến khi gặp tai nạn, những tưởng đứng trước ranh giới giữa sống và chết, không biết từ khi nào, tất cả tiếng gào thét tuyệt vọng đầy sợ hãi của cô đều hóa thành “mẹ”. Hạ hoảng sợ, cô không sợ chết, chỉ là hoảng sợ tại sao mình lại gọi mẹ mà không phải ông nội hay thím Dư, chỉ là tại sao khi khản cả giọng gọi tên người ấy, trái tim cô lại an tâm vô cùng. Cứ như khi gọi ra cái tên ấy, có cảm giác như tất cả mọi thứ đang xảy đến đều sẽ không sao đâu, bởi vì đã có mẹ ở bên rồi. Sau đó, mỗi lần gặp khó khăn hay yếu lòng, cái tên đó lại được Hạ gọi lên.

Trái tim đã nói cho Hạ biết, vì sao cô làm như vậy ?

Vì cô yêu bà ấy, vì bà là mẹ cô, vì sợi dây vô hình gắn kết của hai người sẽ không thể cắt đứt được, vì đó là người thân, là một phần của gia đình, là người cùng một nhà.

Lạnh lẽo cũng được, nhưng đó là mẹ cô. Vì đó là mẹ cô, nên Hạ không thể can tâm gọi ai khác là “mẹ” nữa.

Đâu đó thấp thoáng một giọng hát nhẹ nhàng, giống như hơi thở lành lạnh buổi chiều đông, hơi thở mẹ năm nào đó phớt qua mặt Hạ, một bài hát mà cả quãng thời gian niên thiếu cô say mê.

Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao

Trên đồng xanh có muôn ngàn cây lúa

Con chim rừng có muôn ngàn tiếng ca

Cây trong vườn có muôn ngàn lá hoa

Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi

Và mẹ em chỉ có một trên đời.

Chỉ có một. Và chỉ có duy nhất một mình người mà thôi. Mẹ của con.