Việt Ma Tân Lục

Quyển 1 - Chương 4: Những sợi tóc trong đêm

Mặc dù đã bình tĩnh hơn, nhưng Gia Huy cũng không còn buồn ngủ nữa, chỉ nằm trằn trọc trở mình, thỉnh thoảng lại mở cửa nhìn sang dãy nhà ở của Lan Phương. Xung quanh vắng lặng, khu nhà chìm trong bóng tối, tự nhiên anh có liên tưởng kỳ lạ – nơi Lan Phương sống giống như một cỗ quan tài khổng lồ.

Anh sờ lên cổ, không có vết hằn, nhưng cảm giác đau đớn còn vương. Cảm tưởng không phải cú siết của một bàn tay, nó giống như là vòng quấn của một mái tóc hơn. Thoáng nghĩ đến sợi tóc mắc trên chiếc lược ngà voi, gân xanh nổi lên trán, Gia Huy không ngờ bản thân lại sơ suất để cho đám ma quỷ quấy nhiễu lúc nửa đêm.

Đứng im một lúc, Gia Huy lại trở lên giường nằm. Kim đồng hồ lặng lẽ dịch chuyển. Mặt trời mùa thu dịu nhẹ tràn về khoảng sân, lúc này anh mới thả lỏng người, đôi mắt nặng trĩu, rồi chậm rãi khép lại. Anh rơi vào giấc ngủ sâu, không hề mộng mị.

Cũng may, buổi sáng hôm nay, gia chủ không đến tìm Gia Huy.

Bà Nga dậy từ sớm, đi chuẩn bị đám cưới tương lai cho mấy đứa cháu trai. Còn ông Minh cùng một số người có tiếng nói trong họ sắp xếp để đưa bọn trẻ con rời khỏi làng, hoặc sang bên nhà ngoại của chúng. Bây giờ dòng họ đang bị ám, trẻ con lại yếu vía, cứ quanh quẩn ở đây, chỉ sợ ma chưa kịp dọa đã bị thần hồn nát thần tính mà gặp chuyện không hay.

Chết thì dễ, chứ sống tiếp mới khó, nhà họ Trịnh đang nỗ lực để giữ mạng cho nhau, và giữ mạng của chính mình.

Hoàng hôn tắt nắng, bầu trời chuyển sang màu đục, Gia Huy tỉnh dậy, ăn tối luôn ở trong phòng. Được một lúc sau thì người làm đến báo bà Nga muốn gặp riêng anh để bàn chuyện

Khi Gia Huy đến, bà Nga đã ngồi sẵn trên chiếc ghế long phụng được chạm khắc tinh xảo. Vừa nhìn thấy anh, đôi mắt bà không giấu được niềm vui. Thầy trừ tà đầu tiên lành lặn sau đêm đầu tiên ở căn nhà trưởng tộc, xem như ông trời không nỡ để họ Trịnh rơi vào cảnh tuyệt tự.

– Thầy ngồi xuống đây. – Bà niềm nở tự tay rót cho Gia Huy một chén trà. – Cả ngày hôm nay tôi bận quá nên giờ mới ngồi lại với thầy được.

– Không có gì, tôi cũng cần phải một mình để tĩnh tâm. – Gia Huy gật gù, đón lấy cốc trà, nhấp nhẹ một ngụm.

– Về những chuyện xảy ra trong nhà tôi…

Bà đi thẳng vào việc chính. Chuyện bắt đầu từ đứa con dâu Ngọc Ly của bà tự tử trong căn nhà hoang bị bỏ trống, từ lâu đã không ai dám bén mảng. Không biết đó có phải là khởi đầu của tai ương không! Từ sau đám tang cô con dâu xấu số, cứ mỗi tháng, dòng họ Trịnh lại có một người chết với đủ lý do – tự tử, tai nạn, không thì cũng là đột ngột mắc bệnh nan y, vô phương cứu chữa.

Ban đầu chỉ nghĩ là ngẫu nhiên, nhưng đã một năm trôi qua rồi, mười hai mạng người chết thì chắc chắn là do bọn yêu ma quấy nhiễu.

Gia Huy gật đầu, nhanh chóng nắm được mấu chốt vấn đề.

– Bắt đầu từ một người chết, rồi kéo theo nhiều người nữa trong họ. Đây chẳng phải là hiện tượng “trùng tang” sao?

Bà Nga thở dài, áp tay lên má. Hơi lạnh mùa thu ngấm vào da thịt làm thân nhiệt bà giảm đi.

– Vợ chồng tôi cũng nghĩ thế nên đã mời thầy về xem. Nhưng Ngọc Ly không qua đời vào giờ đại kỵ, thần trùng làm sao bắt được? Mà kể cả thế, gia đình tôi vẫn làm lễ đàng hoàng để Ngọc Ly siêu thoát, nhưng đâu vẫn vào đấy.

Gia Huy xoa cằm, nghĩ một lúc, lại hỏi.

– Tại sao Ngọc Ly lại tự tử?

Bà Nga cụp hàng mi, nhìn xuống chiếc nhẫn hồng ngọc ở ngón áp út.

– Ngọc Ly sắp lấy chồng nhưng vẫn không dứt khoát với người yêu cũ. Trước ngày cưới mấy hôm, con trai tôi nhìn thấy hai đứa nó đi với nhau. Con trai tôi tha thứ, nhưng Ngọc Ly không tha thứ cho chính mình, có lẽ dằn vặt quá nên nghĩ quẩn mà tự tử vào đêm tân hôn.

Nói đến đây, bà ngán ngẩm nhìn lên trần nhà.

– Khổ, con bé còn trẻ nên dại dột. Vợ chồng tôi và Minh Hưng đâu có trách móc gì. Đã thế còn tự tử vào đúng đêm tân hôn, làm chúng tôi chẳng còn mặt mũi gì gặp thông gia.

Gia Huy đăm chiêu, hàng lông mày khẽ nhíu lại. Nếu không phải Ngọc Ly bị thần trùng bắt, thì có thể là do tác động từ bên ngoài. Nhà họ Trịnh giàu có như thế, thiếu gì người ghen ghét, đố kỵ. Biết đâu có ai thù hận quá mà làm phép, nguyền rủa cho tuyệt tử, tuyệt tôn.

Âm thầm quan sát nét mặt Gia Huy, bà Nga suy tính một lúc, chần chừ vài giây mới mở lời.

– Nếu muốn tìm cội nguồn của thứ ma quỷ đang ám nhà tôi, thầy thử bắt đầu từ cái Lan Phương xem.

– Lan Phương? Cô Lan Phương thì có vấn đề gì? – Gia Huy đặt hai tay lên bàn, không nhận ra bản thân đang cao giọng hơn bình thường.

– Có vấn đề từ khi Ngọc Ly, à không… – Đột nhiên khẽ rùng mình một cái, bà nhấp một ngụm trà, lấy hơi. – Từ khi sinh ra, con bé ấy đã có vấn đề, không giống ai cả. Nhiều lúc con bé ấy làm tôi sợ phát khiếp.

Sinh Lan Phương xong thì mẹ cô chết vì băng huyết. Khoảnh khắc bập bẹ nói ra được những tiếng đầu tiên, Lan Phương đã toàn nói những điều cổ quái, ma quỷ. Nào là chỉ lên bàn thờ nói có người, nửa đêm tỉnh dậy bảo là nghe thấy tiếng khóc ở rặng cây, đi qua nghĩa địa bảo thấy có rất nhiều người đang đứng. Đôi khi, có những lời nói phát ra từ miệng trẻ con thật sự khiến người khác kinh hãi. Ban đầu, ông Minh nghĩ cô yếu bóng vía nên bị ma nhập, liền mời thầy về làm phép, nhưng không có tiến triển. Sau đó đưa cô đi khám, bác sĩ cũng không đưa ra được chẩn đoán gì rõ ràng. Chữa trị khắp nơi, cuối cùng cũng chỉ biết kết luận, Lan Phương muốn thu hút sự chú ý của bố nên mới bịa ra những chuyện ma quỷ để dọa người, dọa cả chính mình.

Hình như bị lật tẩy, Lan Phương từ đấy cũng không nhắc đến chuyện ma quỷ, nhưng suốt ngày thui thủi một mình, không giao tiếp, trò chuyện cùng ai.

– Suốt ngày ru rú trong nhà, không thì ngồi ở nhà thờ tổ, tôi cũng mắt nhắm mắt mở không can thiệp. Nó muốn sống thế nào thì tùy nó, nhưng mà…

Bà ngoảnh về phía cửa, từ đấy có thể nhìn thấy dãy nhà đang đóng cửa im lìm của Lan Phương.

– Sau đám tang của Ngọc Ly, Lan Phương càng trầm lặng hơn, da dẻ thì mỗi lúc một xanh xao, chẳng khác gì người chết. Người ở bảo với tôi thỉnh thoảng thấy nó đờ đẫn, rồi ngồi nói chuyện một mình, mà toàn những câu vô nghĩa. Thầy xem, ngần đấy dấu hiệu… không phải rất bất thường sao?

Siết chặt hai bàn tay, bà đảo mắt một vòng, chắc chắn không thấy ai, mới dè dặt nói.

– Tôi nghĩ là Lan Phương bị ma nhập.

– Chuyện này vẫn chưa kết luận được. Tôi sẽ tìm hiểu thêm.

Bà Nga gật đầu, làm vẻ an tâm ra mặt. Sau khi nhận được bát tự, ngày sinh của những người trong nhà, anh liền đứng dậy rời đi. Lúc này trời đã tối, những cây lan trắng bên hồ trở nên nổi bật trong đêm đen sâu thẳm. Màu trắng làm anh nghĩ đến cái váy trắng của con ma nữ kia, vừa đi vừa miên man nghĩ, Gia Huy đã đứng trước dãy nhà của Lan Phương lúc nào không hay. Cánh cửa đóng chặt, không một ánh sáng nào lọt vào được, hình như cô đã nhốt mình cả ngày hôm nay. Gia Huy đứng lại một lúc lâu, đăm chiêu vài giây rồi mới đi tiếp.

***

Tạm biệt Gia Huy, bà Nga vào nhà tắm gội, những giọt nước lạnh xả xuống, đầu bà hơi buốt như có kim châm, nhưng nhờ thế mà bà tỉnh táo hơn. Hôm nay đã là mùng hai, ai sẽ là người tiếp theo phải chết? Bây giờ bà không dám ngủ, sợ trong lúc không phòng bị, cái thứ không sạch sẽ kia lại tìm trúng bà, thì lúc ấy có muốn kêu cứu cũng chẳng kịp.

Kim giây di chuyển với tốc độ ổn định. Chín giờ tối. Chiếc đồng hồ quả lắc này đã có tuổi đời ba trăm năm, nghe bảo trước đây thuộc sở hữu của một quý tộc Anh. Quả lắc đung đưa, bà Nga chăm chú nhìn nó chuyển động sang trái rồi lại sang phải, đều đặn, nhịp nhàng… nhịp nhàng đến đáng sợ.

Giống như hình ảnh Ngọc Ly treo cổ, đung đưa trong căn nhà hoang.

Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, bà nhanh chóng lắc đầu, xua tan hồi tưởng. Chỉ có bà và một ít người làm tận mắt nhìn thấy cái xác của Ngọc Ly treo lủng lẳng trên dây thòng lọng, thế nên sự việc đã trôi qua được một năm, mà bà vẫn bị ám ảnh, thỉnh thoảng lại trở mình thức giấc lúc nửa đêm.

Đúng là thân làm tội đời, tội cả người khác. Chuyện có cái gì đâu mà phải tự tử.

Hong khô tóc, lúc này chồng vẫn chưa về, bà ngồi lên chiếc ghế long phụng, bật ti vi cho vơi bớt cảm giác hiu quạnh. Chẳng có chương trình gì đặc sắc, đôi mắt bà đảo một vòng, vô tình lướt qua tấm gương soi. Nhưng thứ hiện lên trên ấy khiến bà ngay lập tức phải nhìn lại.

Rõ ràng là có một đứa con gái mặc váy trắng, tóc dài đến lưng vừa ngồi sát bên bà!

Khẽ nuốt nước bọt, bà chậm rãi nhìn sang bên. Không có ai!

Rồi, có tiếng bước chân chậm rãi đang tiến vào gian nhà. Bà run rẩy, vô thức cầm lấy con dao bổ cau ở trên bàn, siết chặt lấy cán. Tiếng bước chân rõ ràng, tim bà đập mạnh dữ dội, như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Bên ngoài có tiếng quạ kêu như réo gọi vong hồn, chẳng lẽ lần này “nó” đến bắt bà?

– Có chuyện gì mà bà tái mét mặt mày thế? – Ông Minh bước vào, tiện tay cởi áo khoác, nhìn vợ bằng vẻ hoài nghi

– Tôi… – Ú ớ vài giây, bà nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. – Không có gì, là do tôi trông gà hóa cuốc thôi.

Ông Minh gật đầu, tiện tay rót cho mình cốc trà. Có chồng ở bên, bà thấy yên tâm hơn hẳn.

– Chuyện xong rồi à?

– Ừ.

Ông Minh đáp một câu cộc lốc, mang cái áo treo lên móc. Bà Nga đứng dậy, bước đến bên cạnh ông.

– Đã sang tháng mới rồi, ông nghĩ là thầy Huy có trấn yểm được con ma này không.

– Làm sao mà tôi biết được? Tôi có phải là thầy đâu!

Ông Minh gắt gỏng, định bụng leo lên giường ngủ thì nhìn thấy vẻ mặt buồn buồn của vợ, đành thở dài.

– Bà sợ quá thì tôi bảo người làm chuẩn bị xe, ngày mai đưa bà lên chùa cầu an. Bây giờ không phải mùng một ngày rằm, nhưng tôi cũng vẫn thường đến đấy! Cảm giác thoải mái hơn hẳn.

Bà Nga gật nhẹ một cái, rồi lững thững bước vào nhà vệ sinh. Toàn bộ tâm trí bây giờ chỉ nghĩ đến con ma nữ lúc nãy mới ngồi cạnh bà.