Yêu Thương Nở Giữa Trời Hạ

Chương 2. Hàng xóm là đồng hương

Cuộc sống muôn vàn hiểm trở chẳng ai có khả năng lường trước những việc sẽ xảy đến, nếu không may mắn khi bỗng một ngày nọ, ước hẹn chưa kịp trao, tình cảm chưa bày tỏ mà đã vội vàng cách xa mãi mãi.

Vậy nên giữa thế giới bao la tìm được nhau khó thế nào. Dù cho có những người đâu phải muốn gặp là gặp, thà kể từ phút giây đầu gặp gỡ chấp nhận làm người dưng nước lã, còn hơn biết nhau rồi thì như có một sợi dây vô hình ràng buộc giữa họ.

Đời có những thứ mà chúng ta luôn muốn cố gắng bảo vệ và chở che nhưng vì biến cố nào đó lập tức vụt khỏi tầm tay.

Hai tâm hồn hai phương trời khác biệt cùng nhìn chung về một hướng.

Yêu thương ấp ủ bấy lâu gói trọn gửi theo những đám mây lững lờ cao tít, để rồi gió thổi cuốn đi mang đến người ta mong.

Mây phải chăng là biểu tượng cho sự vẹn nguyên và tinh khiết, trải qua bao thời gian mây thầm lặng ngắn nhìn thế sự chuyển dời, con người cũng đổi thay...

Cô bước chân lên cầu thang, nét mặt vô cùng hớn hở chả giống với các du học sinh khác vừa kết thúc xong quá trình học đầy gian nan ở môi trường mới. Thực chất quãng đầu mới nhập học cô vấp khá nhiều khó khăn, trước tiên là tập quen giờ giấc, sau đó hiểu và tiếp thu nhanh sao cho hiệu quả nhất cách giảng dạy của giảng viên bản xứ. Điều tất nhiên sẽ khác một trời một vực so với Việt Nam khiến cho cơ chế sinh học của cô không ít lần bị rối loạn.

Nhưng biết sao được, nhập gia phải tùy tục, tùy từng đất nước sẽ có các luật lệ và phong tục khác nhau. Vì vậy điều mà cô cho rằng đúng đắn và có thể làm ở nơi này nhưng lại sai trái theo văn hóa ở một nơi khác.

Mỗi ngày học hành, làm thêm, ăn và ngủ, chỉ bấy nhiêu đó. Sau thời kì thích nghi ban đầu thì chuỗi ngày tiếp theo là sự lặp lại một cách máy móc.

Bước lên bậc thang trên cùng, cô nhìn thấy một người phụ nữ xấp xỉ ba mươi đang đứng trước cửa căn hộ cạnh căn hộ cô. Không hề lưỡng lự cũng như là dịp kể từ ngày đến đây cô chưa từng quen biết ai nên muốn thể hiện một chút sự thân thiện. Do đó cô liền tiến tới, mỉm cười gật đầu chào.

Thấy có người chào mình chị cũng nở nụ cười tươi kèm theo câu hỏi: “Cô vừa mới chuyển tới đây à?”

“Đúng vậy. Rất hân hạnh được gặp chị.”

“Cô tới từ Việt Nam phải không?”

Cô tròn mắt ngạc nhiên nhưng bằng cách nào chị lại biết cô là người Việt Nam:

“Làm sao chị biết?”

“Tôi chỉ cần nhìn sơ qua là biết ngay, vả lại con gái Việt có nét rất đặc trưng không lẫn vào đâu được.”

Chị nghiễm nhiên bật ra một câu tiếng Việt cùng giọng điệu rất rõ ràng, rành mạch lại chuẩn ngôn ngữ miền Nam khiến Lê Diệp vô cùng bất ngờ, thốt lên:

“Chị cũng là người Việt Nam à?”

“Ừ. Chị định cư ở đây cũng hơn tám năm rồi em.”

Khi sang Tây Ban Nha Lê Diệp cứ ngỡ sẽ hiếm gặp được người Việt trong số năm mươi triệu dân này. Vậy mà cô chỉ mới qua đây chưa đầy một tháng đã gặp chị, thật đúng là may mắn!

Ngay bây giờ cô mới bắt đầu đánh giá diện mạo của chị, dáng vẻ chị nhìn chung khá gầy, với khuôn mặt hình trái xoan, cặp mày hơi lợt. Đặc biệt hóc mắt to và rất sâu, hai mí làm điểm nhấn rõ ràng, tóc đen dài buộc xệ ngang vai. Chị mặc một chiếc áo sơ mi sọc ca rô, quần tây xám khói, bên ngoài khoác một chiếc măng tô màu vàng nâu. Có lẽ chị ấy vừa ra ngoài về.

“Còn em thì cũng gần một tháng thôi.”

“Ôi, dễ thương quá! Em bao nhiêu tuổi rồi?” Lúc này cô bỗng để ý đến đứa bé đứng kế chị cao vừa bằng đầu gối người lớn. Đôi gò má bầu bĩnh đáng yêu, hàng lông mi dài cong cong đặt cạnh cặp mắt sáng mở to đen láy. Dường như có một màn nước trong vắt phủ lên trên, càng nhìn càng thêm mê mẩn.

“Nó chỉ mới năm tuổi.” Chị đáp.

Cô cúi người đưa tay nựng đứa bé, đứa bé nhoẻn miệng cười lộ hàm răng trắng muốt, hai mắt híp lại, lớp da mềm mại mỏng manh như men sứ trong phút chốc nâng lên hạ xuống.

“Thằng có vẻ thích em lắm, trước giờ nó chưa bao giờ cười với người lạ.”

“Thật vậy sao.” Cô đứng thẳng dậy đồng thời dời mắt sang chị. “Em chưa được biết tên chị.”

“Chị tên Hoa. Còn em?”

“Em tên Diệp.”

Hai người đang mải mê trò chuyện, chia sẻ về nhau bỗng chị giơ tay lên nhìn đồng hồ thì đã hơn năm giờ: “Nãy giờ đứng nói chuyện cũng trễ rồi, chị còn phải nấu cơm tối, xin phép vào trước.”

“Dạ chào chị.”

*

* *

Ánh hoàng hôn của buổi chiều yên tĩnh ngả xuống một màu ráng vàng nhàn nhạt, phản chiếu trên những khung cửa kính trong suốt từng dải nắng chói lòa. Dưới khoảng sân được che bởi chiếc mái che màu xanh lam, một chiếc bảng gỗ chi chít chữ kê ngoài góc trái. Bọc sát bờ tường là hai bồn hoa cúc họa mi trắng ngần tươi tốt, từ giữa tỏa ra như hình nan hoa quanh nhụy vàng.

Khuất trong cửa hàng cappuccino số ba mươi bảy đường Calle de la Cruzada, cô hết lụi hụi lau dọn bàn ghế lại quay qua rửa sạch đống ly tách ngổn ngang. Xong xuôi tiện tay xếp lại mấy cái thực đơn đang nằm bừa bộn trên quầy rồi đặt chúng vào một cái kệ nhỏ. Trước lúc ra về Diệp ghé sang chỗ ông chủ để nhận tiền lương tháng này, mức lương vừa đúng sức lao động cô bỏ ra dù rằng bèo đối với sinh viên. Nhưng nếu tiêu xài tiết kiệm thì có thể vừa chi trả tiền thuê nhà, ăn uống, vật dụng cá nhân vừa dư chút ít gửi ngân hàng.

Tuy cuộc sống đầy rẫy vất vả chật vật, không biết mai này thử thách nào sẽ đến với cô và cô sẽ phải xoay sở ra sao. Cô chợt nhớ lại lời nói của mẹ trước kia mà không khỏi chạnh lòng: “Sau này lớn lên con đi làm cho người ta con sẽ hiểu cảm giác cực khổ, bị bóc lột sức lao động là thế nào.” rồi mẹ xoa đầu cô bảo: “Chỉ có khi con sống cùng cha mẹ mới được sung sướng”. Ngày đó cô còn bé lắm, lời nhắn nhủ của mẹ cũng chỉ là gió thoảng mây bay, nhưng khi cô trưởng thành, có nếm trải qua rồi mới hoàn toàn thông suốt được giá trị của những câu nói ấy. Hiện giờ cô đã ở nơi cách xa quê hương tận mười nghìn kilomet, nhờ người cha đã bỏ rơi cô giữa lúc bế tắc để mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình, nhờ những con người đẩy cô vào mức đường cùng của sức chịu đựng, luôn hiếp đáp, chà đạp nhân phẩm cô mà cuộc đời cô có hướng rẽ mới. Bằng mọi giá cô phải bám trụ ở Tây Ban Nha, chỉ có Tây Ban Nha mới cho cô sức sống mãnh liệt, cảm nhận tự do thật sự, tuyệt đối trong tư tưởng sẽ không tồn tại hai chữ “bỏ cuộc”. Ngày cô trở về nhất định công thành danh toại, sự nghiệp rạng danh, tự đứng vững trên đôi chân mình quyết không để bản thân vướng chịu oan ức.

Lê Diệp lững thững bước đi, bóng cô đổ một vùng dài trên đất. Hòa trong chùm ánh sáng mặt trời rực rỡ, mái tóc hiện lên màu nâu đồng nhấp nhô bồng bềnh như tảo biển, từng đường nét trên khuôn mặt, môi, mũi kể cả đôi mắt hoàn hảo đến nỗi không gì có thể diễn tả được.

Cứ cách mỗi tháng trường đại học Jara de Mediterráneo sẽ tổ chức chuyên đề ngoại khóa xã hội bằng tiếng Anh. Những người thuyết trình vốn là thạc sĩ, tiến sĩ hoặc các nhân vật đề cử đến từ các công ty lớn có tiếng tăm trong lĩnh vực kinh tế. Đôi khi cũng có thể là sinh viên đại diện cho một lớp nào đó hay giảng viên của trường.

Chưa tới tám giờ, hội trường đã chật ních người, sáu mươi ba hàng ghế khán giả phân thành bậc thang từ cao tới thấp, ngoài ra trên gác xép còn bố trí thêm mười hai hàng ghế và được xếp theo hình cánh cung. Tất cả mọi người ai nấy đều đã yên vị trên ghế nhưng đâu đó vẫn còn ít nhiều cá nhân thì nhốn nháo hết đứng lên đi tới đi lui lại ngồi xuống.

Vị trí trung tâm dễ gây chú ý chính là sân khấu ngập tràn màu đỏ của dải màn phân cách khu cánh gà, ngay giữa treo một tấm áp phích lớn đề dòng tựa: “The Topic Of Social Extracurricular In English”.

Khung cảnh tưởng chừng chỉ có thế nếu không nhờ những điểm nhỏ nhặt mà trở nên tất bật, khi cạnh chân sân khấu trong sắc áo cam sặc sỡ một vài sinh viên phụ trách hậu kì thi thoảng hấp tấp chạy qua.

Lê Diệp chậm rãi thả bước xuống bậc thang và chọn cho mình một chỗ gần sân khấu nhất để thuận tiện theo dõi.

Chùm đèn trắng bất ngờ bật lên, người dẫn chương trình từ trong đi ra dõng dạc cất tiếng nói: “Xin chào tất cả mọi người! Chào mừng đến với chương trình ngoại khóa ngày hôm nay. Tôi là người dẫn chương trình cho chủ đề ngoại khóa xã hội. Không để các bạn đợi lâu, diễn giả ngay bây giờ sẽ chia sẻ với chúng ta cách xóa bỏ sự rụt rè khi đứng trước đám đông. Diễn giả đó chính là Andrew - CEO của Tập đoàn đầu tư và xây dựng SDAT.”

Lời người dẫn chương trình vừa dứt, phía bên trái một chàng trai bước ra, nhịp chân không nhanh cũng không chậm. Ánh đèn chiếu thẳng xuống vóc dáng anh tuấn trong bộ vest đen lịch sự, ở cổ thắt một chiếc cà vạt màu xanh dương. Cánh mũi cao thẳng tắp, gương mặt nghiêng thanh thoát, mềm mại như cánh hoa đào nở giữa đêm xuân. Bờ môi anh cong lại tạo thành nụ cười thân thiện thay cho lời chào. Mái tóc đen huyền cắt tỉa theo kiểu slicked back undercut được chuốt bóng, gọn gàng nằm im trên đỉnh đầu.

Chàng trai ấy tựa làn gió lạ bất giác thổi vào khán phòng, vô vàn tiếng vỗ tay đồng loạt phát ra dù đây không phải là lần đầu anh đến với chuyên đề ngoại khóa này.

Sinh viên UJM – điển hình là nữ, tháng nào cũng đều háo hức mong chờ buổi ngoại khóa. Không phải vì để học hỏi thêm nhiều điều có ích cho cuộc sống hay trau dồi khả năng nghe tiếng Anh mà nhằm mục đích muốn được nhìn thấy anh. Họ đã đổ đứ đừ ngay từ phút đầu tiên anh xuất hiện, với nụ cười tỏa nắng thu hút, với ánh mắt quyến rũ đầy đắm say, những cử chỉ câu nói truyền cảm dễ dàng xâm nhập vào lòng người.

Đặc biệt mỗi lớp luôn có sẵn “vệ tinh” riêng, trước lúc buổi ngoại khóa diễn ra, cách đó mấy ngày, các thành viên thuộc Hội sinh viên sẽ cập nhật thông tin rằng ai sẽ là người trực tiếp giao lưu trong tháng đó và nhanh chóng thông báo cho lớp. Có thể nói anh chính là thần tượng của thị chúng UJM cũng không ngoa.

Xét về gia thế, nhắc đến tập đoàn SDAT như là nhắc đến cơn vũ bão chấn động toàn thể Tây Ban Nha, không chỉ trong nước mà còn lấn át, gây chao đảo giới đầu tư từ các nước lân cận. Những thành công mang tới lợi nhuận cao ngất ngưởng, những dự án công trình mà tập đoàn SDAT bỏ tiền đầu tư và xây dựng bằng trong vòng một năm ba, bốn công ty khác gộp lại, trở thành con số đáng mơ ước của bao người. Khi mới thành lập, SDAT chưa được ai biết đến, nó cũng chỉ là hạt cát li ti giữa sa mạc mênh mông, rộng lớn. Năm năm trở lại đây, chính thức là tập đoàn nổi tiếng nhất nhì châu Âu, bằng cả sự lãnh đạo tài ba, quyết đoán của chàng giám đốc trẻ đã vực công ty bên bờ vực phá sản đi lên và đứng vững trên thương trường.

“Chào buổi sáng các sinh viên của đại học Jara de Mediterráneo, bây giờ mọi người cảm thấy như thế nào?” Chàng trai tiến lại bục phát biểu, hướng trực diện xuống hơn bảy mươi nghìn sinh viên, vẻ đẹp xuất thần, nụ cười để lộ hai hàng răng trắng tinh chưa hề tắt hẳn khiến cho các cô gái phải xuýt xoa, hò hét reo mừng trong niềm sung sướng.

“Tràn đầy năng lượng ạ.” Các sinh viên dùng hết sức lực đồng thanh la to như thể muốn khuếch đại âm thanh để anh nghe rõ hơn.

Sau lệ hỏi thăm mở đầu, tiếp theo sau đó anh giao lưu về hiện tượng rụt rè khi đứng trước đám đông rất phổ biến hiện nay cũng như làm cách nào để cải thiện được sự tự tin trong giao tiếp.

“... Có những cách khắc phục như là hít thật sâu và từ từ thở ra, trò chuyện nhiều hơn với những người xung quanh. Mỗi người cần trang bị cho mình khả năng tưởng tượng bằng việc xem họ là củ khoai.”

Mọi người nghe anh nói đều cười ầm lên làm cho không gian tăng thêm phần sôi nổi và cũng vì vậy mà cả hội trường được dịp khuấy động, sức nóng càng lúc càng nóng hơn. Trong màu đèn sân khấu, làn da mịn màng phản chiếu một màu rám khỏe khoắn, đôi chân mày kiếm rậm rạp, ẩn dưới hàng lông mi là đôi mắt to hai mí đang liên tục quan sát.

Anh đứng trên đó, không nhìn cố định phương nào, ngôn từ lưu loát, mạch lạc, trong hội trường lúc bấy giờ chỉ còn chất giọng trầm bổng vang dội bởi bốn bức tường.

*

* *

Cô xách một bao tải to đùng chứa toàn sách vở bước vào trước dẫn lối cho người lái xe khiêng các bao còn lại: “Đây là quần áo, sách vở và gạo mà tôi gửi cho mấy đứa nhỏ.”

“Cảm ơn cô đã giúp đỡ chúng tôi, cô có thể ở lại đây với chúng nó.” Nữ tu sĩ cười hiền hòa đưa hai tay nhận lấy.

“Tôi còn có việc riêng nên giờ tôi phải đi. Để khi khác tôi lại ghé.”

Nói xong cô quay lưng cất gót ra về. Xuôi theo lối hành lang với lớp sơn vàng cổ điển, nền sàn dài lát bằng những ô gạch trắng xen kẽ đỏ sậm. Quanh các cột trụ vuông nứt nẻ, từng giọt sương mai đọng trên phiến lá của dây tầm gửi, ôm sát một vòng xanh tươi.

Nơi này cô đang đứng chính là cô nhi viện thuộc vùng ven ngoại thành Madrid. Nằm sâu trong một thị trấn hẻo lánh, dọc hai bên đường được phủ bởi những cánh đồng bạt ngàn vô tận nên vì vậy dân số cũng rất thưa thớt, mức độ tập trung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, điều không ai ngờ đến là sự tồn tại của mảnh đất đã cưu mang, nuôi dưỡng biết bao đứa trẻ mồ côi. Phía trong dãy hàng rào gỗ, một ngôi nhà bé nhỏ xinh xinh thắp lên bằng những thứ ánh sáng ấm áp của đèn, của tình yêu thương giữa người với người. Và có tiếng cười giòn giã, ngây thơ quây quần khắp nhà như xóa tan những tâm hồn cô độc nhiều trống trải vì thiếu vắng bóng hình cha mẹ.