Yêu Thương Nở Giữa Trời Hạ

Chương 3. Lần đầu gặp gỡ ở cô nhi viện

Cô đi được nửa bậc tam cấp bê tông, hai bên rìa bám đầy những rêu xanh chồng lên từng mảng đen do mưa bụi lẫn thời gian để lại. Bỗng nhiên cô quay sang trái, vô tình trong ánh nắng hanh hanh buổi sớm mai cô bắt gặp lũ trẻ tầm bốn đến mười một tuổi đang nô đùa trên thảm cỏ mướt rượt cách xa cô một khoảng sân rộng. Tiếng cười ríu rít, vô lo vô nghĩ khiến Diệp tự dưng cảm thấy có chút hạnh phúc len lỏi trong lòng. Bọn trẻ đáng yêu, lạc quan, không lớn như bây giờ cũng vì chúng được sống ở một mái ấm đầy ắp tình thương và vật chất. Còn cô là người cho, đem hạnh phúc của mình chia sẻ với người xung quanh, món quà lớn nhất mà cô nhận lại chính là tinh thần. Bọn trẻ chạy đến dưới gốc cây, ùa theo bóng dáng của một ai đó. Dường như cô đã gặp ở đâu rồi, người con trai trong chiếc áo thun trắng sữa năng động trông rất đỗi quen thuộc…

“Mẹ ơi! Đợi con với!” Cô bé mười tuổi mặc đồng phục trường, tóc quấn hai cục tròn vo tíu tít đuổi theo người phụ nữ phía trước.

“Con gái đi học về rồi à? Hôm nay ở trường có gì vui không con?” Nghe tiếng kêu vang lên từ xa người phụ nữ liền dừng bước ngoảnh đầu ngạc nhiên nhìn thiên thần bé bỏng đang tiến về hướng mình, bà nửa đặt tay nửa ôm vai cô bé rồi ngồi chồm hổm xuống trước mặt cô, cười nói.

“Dạ bình thường ạ.” Cô bé nhanh nhẹn trả lời.

“Mau về thôi, tối nay mẹ sẽ đãi cả nhà một bữa ăn thật ngon, có chịu không nè?”

“Dạ chịu.”

Giữa con phố không mấy đông đúc, bầu trời chiều cũng đã tắt nắng, người người sau một ngày bôn ba với công việc, gánh trên mình không ít mệt mỏi và phiền toái lại hối hả trở về nhà để kịp chuẩn bị bữa cơm tối. Và bên kia lề đường một cô bé nắm chặt tay mẹ, dáng vẻ tung tăng, miệng liên tiếp líu ríu kể chuyện nọ chuyện kia, trong lòng thì lâng lâng niềm vui sướng. Cuộc sống gia đình khá giả, êm ấm đầy đủ cả cha lẫn mẹ, cô bé còn ước muốn nào ngoài hai từ mãi mãi.

Viễn cảnh quá khứ cách đó năm năm.

Một thiếu nữ cất giọng gọi lớn, cơn gió thổi qua làm mái tóc suôn dài buộc nửa đầu nhẹ nhàng bay bay. Cô đứng cạnh chốt đèn giao thông của một ngã ba lớn, dưới ánh đèn pha chói lóa làn da cô trắng hồng hào, mềm mại như bông cặp mắt to tròn hướng về phía trước, tay xách túi bánh kem: “Mẹ ơi! Mẹ!”

Người đàn bà trung niên với gương mặt già dặn nhiều nếp nhăn, mớ tóc lấm tấm bạc cột vội sau đầu, chiếc áo sờn vai cũ kĩ trong gió nhẹ bỗng phập phồng. Thấy cô bà cười toe toét.

Những chiếc đèn led biểu tượng người đi bộ bỗng nhấp nháy màu xanh, bà sắp bước qua một phần tư đoạn đường thì bị tiếng nói của cô gái ngăn lại: “Mẹ đứng bên đó đi!”

Cô chỉ mới đặt chân khỏi vỉa hè, câu từ cũng chưa hoàn chỉnh, cách giây sau một chiếc xe bán tải mất kiểm soát bất chợt từ xa lao tới đâm vào bà. Lực đẩy vô cùng mạnh khiến bà văng ra, xoay mấy vòng ngay giữa lộ cách đó hai mét. Tất cả mọi người chung quanh tức tốc bu lại xem, sự việc diễn biến nằm ngoài tầm dự đoán, gương mặt cô gái bất giác tái xanh làm rơi túi bánh xuống đất. Cô hớt hải chạy tới, vượt qua lượng người cũng đang di chuyển cùng hướng xông thẳng vào đám đông càng lúc càng kín bít. Dòng người dần phân tán sang hai bên chăm chăm nhìn cô gái, trước mặt là người đàn bà khổ sở bất động nằm yên trên đường, máu chảy lênh láng. Thất kinh hồn vía cô ôm vào người và ra sức lay bà, thần thái trắng bệch, tâm trí hoảng loạn làm tay chân cô run rẩy đến nỗi lạnh ngắt: “Mẹ ơi, mẹ tỉnh lại đi mẹ. Mẹ… mẹ…”.

Cô dùng tay bịt nơi đầu cố không để máu tiếp tục túa ra, miệng liên hồi gọi trong nước mắt và vô vọng.

“Mau gọi xe cấp cứu.”

“Ai đó gọi cho cảnh sát đi.”

“Nhanh lên! Máu tuôn ra quá trời luôn kìa.”

Chất giọng hối hả của cậu thanh niên, ông bác hay cô gái đứng gần cất lên, song song là những lời xôn xao bàn tán, những ánh mắt thương cảm cầu mong người đàn bà đáng thương tai qua nạn khỏi.

Lê Diệp nằm trên sofa, đôi chân mày nhíu chặt, trán thì ướt đẫm mồ hôi. Ngoài cửa sổ màn đêm đã phủ từ lâu, ánh trăng trắng vàng nhẹ nhàng hắt qua tấm kính trải thành vùng dài xuống mặt sàn. Cô giật mình tỉnh giấc, đôi mắt chứa đầy sợ hãi lẫn vào bóng tối của gian phòng. Ngày tháng lặng lẽ trôi đi kéo theo con người ta trở nên đổi thay thế nhưng mà có những nỗi đau khổ vẫn cứ ám ảnh, dai dẳng suốt cuộc đời. Bi kịch nhất là chỉ trong vòng khoảnh khắc ngắn ngủi thần chết đã vươn tay cướp lấy sinh mệnh của một người phụ nữ, mang đến gia đình nỗi mất mát to lớn thật khó có thể nguôi ngoai.

Chiếc điện thoại chợt rung lên khiến cô tạm thời quên đi cơn ác mộng, tập trung về phía nó. Ánh sáng phát ra hiện lên tên một người mà kể từ khi sang Tây Ban Nha cô chưa một lần liên lạc. Cô thở sâu rồi chậm rãi nhấc máy:

“Ba gọi con có chuyện gì không?”

Từ đầu dây bên kia một chất giọng trầm đục cất lên: “À, ba định hỏi cuộc sống của con thế nào?”

“Con ổn. Vậy còn ba, ba khỏe không?”

“Khỏe. Con có thiếu tiền không để ba gửi qua?”

“Ừm... Không cần đâu ba.” Cô hơi do dự trả lời ông. “Con làm thêm cũng đủ trang trải rồi ạ.”

“Ừ, nếu có khó khăn gì cứ nói ba.”

“Dạ, con biết rồi. Con đang bận, vậy thôi con cúp máy đây.” Lê Diệp chẳng muốn nghe ông nói thêm cho nên vừa dứt câu lập tức chạm vào nút kết thúc cuộc gọi.

Cô quăng điện thoại trở lại sofa, đứng dậy mở đèn sau đó vào bếp rót một ly nước đầy. Tiến đến chỗ hàng cửa sổ phòng khách Lê Diệp thơ thẩn nhìn khu đô thị sầm uất về đêm, góc mặt phản chiếu vẻ trầm ngâm. Phải chi vụ tai nạn kinh hoàng không xảy ra? Phải chi cô không bảo bà đứng lại bên lề hoặc cô đến sớm hơn một chút thì có lẽ mọi sự đã khác? Chắc chắn hôm ấy sẽ là một buổi tiệc thật vui vẻ và ấm cúng, trên bàn đầy ắp những món ăn ngon, những ánh nến vàng vàng, cô cùng mẹ cắt bánh sinh nhật, chúc bà tuổi mới thêm nhiều sức khỏe và đạt được nhiều may mắn. Cô cũng sẽ có một cuộc sống bình thường như bao người ở Việt Nam nhưng cảnh đời sao nó éo le. Ngày ngày cô phải âm thầm trong cô độc và nước mắt, không một ai sẻ chia, yêu thương cũng không có ai hiểu được cô đang cần gì, thích gì. Không một ai cả...

Nghĩ lại cuộc trò chuyện ban nãy mà cô không biết mình làm vậy đúng hay sai. Diệp chẳng còn nhớ lần cuối cùng cô nói chuyện một cách thân mật với ba là khi nào, có lẽ những thứ ấy đã trở thành dĩ vãng xa xôi nên khiến con người ta cũng không thể xác định được. Lê Diệp cũng chẳng hy vọng ngửa tay xin tiền trợ cấp từ ba, đơn giản bởi vì cô không muốn xem màn kịch hai mặt rẻ rúng của dì, ngoài thì tỏ thái độ ân cần chu đáo nhưng đố ai biết được trong thâm tâm lại hừng hực ngọn lửa của sự căm ghét.

Vào một ngày không xác định của tháng mười, khi ấy Tây Ban Nha đều đặn nhận ánh sáng mặt trời nên vẫn còn ấm áp, giữa con đường quê heo hắt những làn hơi nước ẩm ướt cứ lởn vởn nô đùa cùng chùm nắng dịu êm, đọng lại trên cuống lá những hạt sương nặng trĩu. Một giọt sương rơi xuống đỉnh đầu khiến Lê Diệp thoáng chút giật mình, cô lửng khửng bước đi rồi rẽ vào cổng một viện mồ côi theo thói quen.

*

* *

Cô bưng thau mền to đùng ra khoảng sân sau nhà, lấy từng chiếc một vắt lên cái sào cũ kĩ đã bong tróc sơn, sau đó dùng gậy đập thật mạnh cho rũ hết nước. Lần lượt, lần lượt hết cái này lại tới cái khác, từ thau kia qua thau nọ. Đang mải miết thì có thằng nhóc chạy lại nắm gấu áo của cô mà giựt giựt, giọng bập bẹ tiếng bản địa: “Chị ơi! Đi chơi, đi chơi.”

“Ừ. Chờ chị tí.”

Cô cố gắng phơi nốt cho xong rồi mới cầm tay thằng bé tiến đến chỗ bọn con nít đang cùng tụ tập.

“Cẩn thận.” Cô đưa tay đỡ lấy đứa bé ấy.

“Em có sao không? Cô ra sức phủi cát sau quần nó, lúc ngẩng đầu vô tình nhìn thấy anh chàng mà lần trước đến đây cô đã gặp một lần. Chẳng cần lục lọi lại kí ức, Lê Diệp nhớ rất rõ, nhớ như in hình dáng vui vẻ, hòa đồng, tràn đầy năng lượng cùng bọn trẻ và ngày hôm nay cũng thế. Rồi đột ngột cô nhận ra rằng định mệnh đã an bài khi chàng trai trẻ đó lại là tổng giám đốc của tập đoàn SDAT.

Lê Diệp thong dong trên lối nhỏ lát đá, hai tay thả lỏng theo cơ thể nhịp nhàng đung đưa. Ba giây nhắm mắt đủ để cô tận hưởng khoảng không khí trong lành từ thiên nhiên làng quê mà bất kì thành phố phồn hoa nào cũng không thể có được. Bầu trời xanh nâng tầng mây cao ngút ôm trọn những dải nắng càng lúc càng rực rỡ, tựa hồ tấm lụa bạt ngàn xuyên ngang mọi thứ.

Đã quá trưa, mặt trời bắt đầu đứng bóng, vừa rẽ vào hành lang thì cô dừng lại, từ tốn ngồi xuống bục lan can trải màu ố. Đối diện là chàng trai ưu tú, phong nhã, một chân bỏ thõng, chân kia co lại gác trên mép bục, lưng hờ hững dựa vào mặt tường loang lổ chen chúc màu xanh lục của dây thường xuân.

Cảnh đẹp người sao không đẹp, có điều mọi thứ dường như tẻ nhạt và im lìm. Ngay lúc này trong đầu cô nảy lên ý định làm quen nhưng lúng túng nên mở lời thế nào, cuối cùng đành bắt chuyện bằng một câu: “Nhìn thấy những đứa trẻ bị gia đình bỏ rơi mà đau lòng.”

Nghe tiếng, anh ta dời mắt chăm chăm sang phía cô sau đó quay qua lũ trẻ, khàn giọng trả lời: “Đúng thế. Tôi luôn cố gắng hết sức để giúp đỡ, bù đắp cho bọn trẻ được chín, mười phần là hạnh phúc lắm rồi.”

“Những vết trầy xước, rỉ máu ngoài da may mắn có thể lành nhưng vết thương lòng vẫn còn sót lại dù đã được vá, thỉnh thoảng lại đau âm ỉ.”

Trong ngôi nhà cũ xưa lợp ngói nổi trội màu sơn trắng xóa, hình ảnh hai con người ngồi bên mái hiên làm cho nét tranh ấy trở nên mộc mạc, gợi vẻ hữu tình hiếm có. Qua một lúc rất lâu, cảnh vật chìm vào tĩnh lặng, gió hiu hiu thổi, Diệp nép dáng người gầy guộc duỗi ra đôi chân khẳng khiu dưới chiếc đầm dài vượt ngang gối đang khẽ khàng phập phồng. Cô nhỏ nhẹ cất giọng: “Anh thường đến đây à?”

“Ừ.”

“Không ngờ một giám đốc luôn bận rộn với công việc như anh lại có thời gian rảnh để đến cô nhi viện.”

“Sao cô biết?” Anh chuyển sang nhìn cô, thản nhiên hỏi một câu dư thừa.

Lê Diệp nghiêng đầu, ánh sáng lay động trên mặt hồ thu nhỏ trong vắt hệt khí trời rộn rã mùa xuân, cánh hoa lưu ly không tỏ vẻ gì mà bình lặng thốt ra ngữ khí hơn cả tự tin: “Anh là Andrew, CEO của tập đoàn xây dựng SDAT nổi tiếng trong và ngoài nước. Nói rõ hơn, không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều biết đến anh.”

Một lý do cực kì đơn giản thế mà chính anh lại không nghĩ đến và khi bị bộc bạch, nghe lời giải thích của người khác thì anh chỉ cúi mặt phì cười.

“Vậy còn cô, cô hiện đang làm gì?”

Lê Diệp mỉm cười đáp: “Tôi hiện đang là du học sinh chuyên ngành quản trị kinh doanh.”

“Ồ! Rất có triển vọng đấy. Tiếng Tây Ban Nha của cô cũng rất tốt.”

“Anh cứ nói quá lên, tôi thấy thực sự vẫn còn dở lắm.”

“Cô từ đâu đến?”

“Việt Nam.”

“Thật là không thể tin mà! Quê hương của tôi cũng là Việt Nam, tôi thì đã định cư ở đây từ khi còn bé.”

*

* *

Bảy giờ tối thứ sáu.

“Cốc... Cốc...”

Lê Diệp lười nhác nằm dài trên ghế lướt điện thoại liền bị tiếng gõ cửa gây chú ý.

“Mời chị vào nhà.” Lê Diệp vặn chốt cửa, hướng mắt ra ngoài thì thấy chị Hoa và bé Darwin.

Chị tựa người vào sofa, Darwin nhướng lên khép nép ngồi cạnh. Một lúc sau đôi mắt nó bỗng sáng lấp lánh, ngay lập tức nhào tới nghịch đống đồ chơi rút gỗ đầy thu hút trên bàn.

“Đừng phá của cô.”

“Không sao đâu chị, nó con nít mà.” Diệp cầm khay nước đá lạnh nhẹ nhàng để xuống bàn. “Chị và bé uống nước.”

“Cảm ơn em.”

“À, dạo này em và ba em có còn liên lạc nữa không?” Chị đột nhiên hỏi.

Cặp mắt Diệp chùng xuống, miệng ngập ngừng: “Dạ không...”

“Chị nghĩ ba em không phải là người như vậy.”

“Tại sao?”

“Ông hẳn rất hối hận về khoảng thời gian đã bỏ rơi em, để một thân em côi cút ở đậu nhà người quen, cam chịu bao nhiêu cay đắng, buồn tủi. Em chỉ còn mỗi người ba này, ông ấy lấy vợ khác nhưng tình yêu thương dành cho em vẫn còn.”

Lê Diệp lắc đầu: “Không đâu. Quan hệ cha con đã cắt đứt kể từ ngày mẹ em mất, dĩ nhiên tình cảm theo đó mà cũng nguội lạnh.” Cô dừng lại hồi lâu rồi tiếp lời. “Em xin lỗi, nhưng chị là người ngoài cuộc, khi nào chị đứng trong vị trí của em chị sẽ hiểu.”

“Nếu giả sử ông ấy thành tâm hối lỗi, em có đồng ý tha thứ?”

Cô buồn bã cúi gằm chả hề mảy may phản ứng.

Chị Hoa đặt tay lên tay Diệp, nhẹ giọng thủ thỉ: “Em nên suy ngẫm kĩ, chị không muốn sau này em nuối tiếc vì lựa chọn hôm nay.”