Hồ sơ thứ nhất

Chương 2. Việt Nam ngày về

Loay hoay tốn ngót hai giờ đồng hồ, cuối cùng cũng giải quyết xong thủ tục hành chánh. Sơn chăm chăm nhìn đồng hồ thời trang đeo tay, thở dài mệt mỏi, rồi ra hiệu bắt Taxi.

Trời đã vào trưa được một lúc, những tưởng chừng mặt trời đứng bóng, khí hậu ấm áp, nào ngờ mây đen che phủ, mưa tầm mưa tả. Thành phố nhộn nhịp bao ngày chìm hẳn trong không khí ảm đạm. Thỉnh thoảng, nghía sang hàng cây, tán lá rũ rượi, tan tành vì gió mưa quật cường, làm lòng Sơn lại thấy nao nao khó tả.

Vào ngày mưa, xe cộ vắng hẳn, đèn tín hiệu chớp nháy mà trước mắt không tìm được quá ba bóng xe ngang đường.

“Mưa đầu mùa… mà sao rét thế nhỉ bác tài?”

Sơn muốn tạm quên cái không khí ảm đạm này, chủ ý bắt chuyện với tài xế Taxi, vả lại bốn năm xa quê hương làm anh thèm nói tiếng Việt hơn bao giờ hết, chỉ mong có người để mà luyện tập cùng.

Tay tài xế càm ràm, “Chú mày ngồi ngay con máy lạnh chìa thẳng vào đầu thế kia thì mưa đầu mùa với cuối mùa cái gì.”

Sơn cười. Anh hiểu tính khí hài hước của con người nơi đây bao năm vẫn vậy. Nhưng thực ra thứ làm anh rét run chính là cái lạnh lẽo của sự hiu quạnh, sự vắng bóng người của một đất nước có lối sống đoàn kết, có tập quán định canh, định cư theo cụm: làng, xã, quận, huyện,... Nhưng hôm nay bỗng trở nên heo hút lạ thường. Phải chăng mười năm xa quê hương, lối sống và con người ở đây đã thay đổi?

Đang lúc Sơn còn mãi mê nhìn từng dãy nhà trôi qua, đột nhiên bóng dáng quen thuộc năm nào đập ngay vào mắt.

“Kỳ Phương?” Sơn thốt lên.

“Chắc chắn là Kỳ Phương rồi,” Sơn tự nhủ.

Dáng dấp thanh mảnh, kiểu cầm túi bằng hai tay và mái tóc dài màu hạt dẻ ấy không thể lẫn vào đâu được.

“Bác tài, dừng xe!”

Con chiến mã Vinasun đang phi ngon trớn buộc phải thắng gấp. Bốn bánh xe nện xuống mặt tiền đường những vết thẳng thừng cực kỳ thô kệt và tóe tung sình đất về phía những người đi đường lân cận.

Âm thanh chửi rủa bằng đủ mọi sinh ngữ ồ oạt vang lên. Bao gồm cả cửa miệng máu mặt, dày dặn gió sương gió của gã đàn ông hành nghề cầm vô lăng. Tay tài xế không kìm nổi cơn giận, “ Đệt! Cái gì thế? Cậu đùa tôi à! Xe lăn bánh chưa được năm phút.”

“Thật ngại quá! Bác cho cháu xuống xe,” Sơn nói.

Anh vội cho tay vào túi, rút ngay tờ ngoại tệ mạnh, bạc màu xanh lá, dúi vào tay bác tài, rồi mở cửa phi thẳng đến trạm xe buýt – nơi bóng hồng anh để ý đang đứng chờ xe.

Trời mưa tầm tã, nước rơi khắp cả mắt mũi, làm ướt nhẹp bộ vest đen vừa vặn hàng hiệu trên người. Nhưng Sơn chẳng bận tâm mưa dông hay gió lớn, chạy một mạch đuổi theo bóng lưng cô gái đã một bước lên xe buýt.

“Chờ…! Chờ tôi bác tài!” Sơn tri hô thất thanh.

Vừa kịp lúc. Sơn vừa bước chân lên xe đã chộp lấy cổ tay cô gái.

“Kỳ Phương, thật may quá, anh…” Sơn nói.

“Anh làm gì vậy? Buông tôi ra!”

Cô nàng bị người lạ nắm tay, không khỏi giật mình, quay lại phản kháng. Hiện ra trước mắt cô là một nam nhân tuổi còn khá trẻ, khoảng chạc ba mươi, thân hình cao to, dáng đứng oai vệ, gương mặt nam tính, đường nét cứng cáp và ánh nhìn lãng tử sẵn sàng làm cô tan chảy.

Sơn đứng lặng vài giây, thừa biết mình đã phí công vô ích, nhưng vẫn bình tĩnh cúi nhẹ đầu. “Thật lòng xin lỗi cô, tôi nhận nhầm người.”

“À… không! Tôi không sao,” Cô nàng giọng điệu giả tạo thấy rõ.

Cô nàng tuy không phải là Kỳ Phương, nhưng trông cô giống đến lạ. Hai người cứ thế nhìn nhau, làm ba bốn hành khách lẻ tẻ trên chuyến xe buýt được phen xem phim tình cảm thực tế.

Sơn gãi đầu, ném ánh nhìn về phía vô định. “Nếu vậy… cô có thể bỏ tay tôi ra được không?” Sơn nói.

Từ lúc cô nắm tay anh kéo ra đến giờ vẫn chưa buông được, không khỏi làm cụ bà đang nhai trầu ở hàng ghế bên trề môi. “Giới trẻ bây giờ bạo thật, chốn công cộng mà tay chân gần gũi, liếc mắt đưa tềnh.”

Nhất Sơn bỏ đi một mạch. Anh tìm ngay hàng ghế cuối, thu mình vào một góc để tránh bầu không khí ái ngại.

Xe buýt lại lăn bánh, không khó xô bồ bao trùm cả chuyến xe. Bá tánh lữ khách tranh thủ tán dóc bằng đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Câu chuyện tình yêu sét đánh sớm đã chìm vào dĩ vãng bởi tốp người lên kẻ xuống.

Chán chường, Sơn không buồn nghĩ nữa. Trong đầu anh lúc này chỉ có duy nhất nội dung của bản đánh Fax, cực kỳ quan trọng, mà Sơn được nhận qua điện tín từ một tháng trước.

Nhớ lại xem, cái tên người gửi thực sự không mấy ấn tượng, riêng địa chỉ nguồn lại càng xa lạ từ tận bên kia quả đất.

Nội dung cụ thể như sau:

“Thân gửi Bùi Nhất Sơn – vị cử nhân trẻ tuổi và tài ba thuộc viện hàn lâm Khoa học Tội chứng Đại học phía Tây NewYork.

Tôi là Trương Tuấn Thành, chủ nhiệm đương trực tại tổ điều tra viên cấp cao trực thuộc trung ương Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng chưa ngoài bảy mươi nên mong xưng hô với cháu Sơn như chú – cháu cho có tình nghĩa. Chắc hẳn, cháu không biết chú nhưng kì thực chú rất rõ về gia thế cũng như trình độ chuyên môn của cháu. Thuở cơ hàn bắt dế thả diều, ba cháu và chú cũng có chút tâm giao, nay lại hay tin con của cố nhân làm rạng danh màu cờ tổ quốc trên đất khách quê người, điều đó khiến chú vô cùng hãnh diện. Tiếng thơm của cháu sớm đã được báo đài, lẫn truyền thông quốc tế ca ngợi hết lời. Thú thật, chú rất nể phục trình độ học vấn, lẫn khả năng tư duy nhạy bén của cháu qua những vụ án kinh thiên động địa, quỷ khốc thần sầu, mà cháu đã rặt ròi trắng đen trong suốt chuyến thực tập ở Mỹ.

Trước tình hình phát triễn kinh tế, hội nhập đất nước như hiện nay, chủ trương của đường lối pháp luật đang không ngừng thay đổi, hành vi lợi dụng kẻ hở luật pháp, tội phạm có hành vi nguy hiểm đang ngày một gia tăng.

Chú khẩn thiết mong cháu về nước chuyến này, tham gia cùng ban chuyên án giám định hiện trường ở nước ta. Đem tài năng và kinh nghiệm tích lũy được phục vụ cho sự nghiệp giữ vững sự công bằng và liêm chính của luật pháp.

Chú mong cháu sẽ đồng ý nhận chức chủ nhiệm mới của phòng Khoa học Tội chứng tổng cục Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, thay lão già đầu bạc này giữ vững cán cân Thiện – Ác.

Công lý không bao giờ ngừng nghỉ, mong tin cháu từng giờ từng phút...

Ký tên: Chủ nhiệm Trương Tuấn Thành."

“Công lý không bao giờ ngưng nghỉ?” Câu chốt hạ rõ là lời khích tướng. Ngay khi nhận tin khẩn, Sơn lập tức thu sếp mọi công tác, hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh, nhằm kịp thời quy hồi cố xứ vào thời điểm giông tố nhất trong năm.

Thì tháng bảy nước nhảy lên bờ, chớ sao!

Hôm qua, khi thực hiện thủ tục check – in trước giờ bay tại khu Departure, một vài người đồng hương Việt Nam đã bỏ ngỏ thế này…

“Cháu về Việt Nam đấy hả? Oh my God! Bên đó đang mưa bão dữ lắm, đợi hết mùa hãy về. Sáng giờ bốn chuyến L.A – Tp. Hồ Chí Minh đều bị hủy cả, cô vừa từ Việt Nam khứ hồi sang đây nên biết rất rõ. Mùa này bên đó không phải mùa du lịch cháu ạ.” Người đàn bà chỉ hơn Sơn vài tuổi, thân hình đẫy đà, trông như Việt kiều lâu năm.

“Cháu cần về gấp cô ạ! Chắc cháu book loại vé đặc biệt để không bị delay.” Sơn nói.

Người đàn ông đứng sau thủ thỉ. “Thế thì chúc cháu may mắn. Việc gì phải gấp gáp thế, điều kiện xấu thế này, ngồi Boeing hạng nhất cũng rủi ro lắm.”

“Vâng!”

Mặc cho thiên hạ can ngăn, Sơn quyết không thay đổi chính kiến. Trước điệu bộ hấp tấp hiếm thấy ở một con người điềm tĩnh như anh, hẳn có những bí mật giấu kín chỉ có trời cao mới thấu rõ tâm can.

“Chẳng ai biết mình về nước vì một hệ lụy khác.” Sơn đau đớn. “Làm sao để tìm em giữa Sài Gòn rộng rộng lớn với hơn năm huyện và mười chín quận nội thành?”

Tắt nguồn điện thoại, Sơn bỏ tư trang cá nhân và cả thứ suy tư trăn trở đang dày vò tâm trí anh vào trong túi. Anh vươn mình, cố chợp mắt vài giây giữa lúc mưa hãy còn nặng hạt.